Năm 1972, đại đội 102 Chiến Tranh Chính Trị của tôi được tăng phái cho Sư đoàn 3 Bộ Binh đóng tại căn cứ Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ đại đội trưởng là Đại Úy Trần Văn Hải, đại đội phó là tôi mang cấp bậc Trung Úy.
Như chúng ta đã biết mùa hè đỏ lửa năm 1972, Việt cộng đã xử dụng một lực lượng chưa từng thấy để tấn công mặt trận Trị Thiên: ba sư đoàn Bộ binh 304, 308, 324B cùng sáu trung đoàn địa phương của Khu 5, ba trung đoàn chiến xa, hai trung đoàn đặc công và một sư đoàn pháo nặng 130 ly.
Tôi còn nhớ sáng hôm ấy theo chỉ thị của thượng cấp, Đại Úy Trần Văn Hải phải vào họp khẩn cấp tại Bộ tham mưu của Sư đoàn trong tỉnh Quảng Trị nên tôi phải chỉ huy đại đội lúc đại đội trưởng vắng mặt. Lúc bấy giờ Việt cộng vẫn tiếp tục pháo kích vào căn cứ Ái Tử. Như thường lệ, tôi chỉ thị cho tất cả quân nhân trong đơn vị tôi nằm yên tại chỗ, sẵn sàng chiến đấu, tuyệt đối không được đi đâu cả. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng, ngoài quốc lộ tiếng xe cộ chạy liên tục, chúng tôi nghe cả tiếng xe tăng di chuyển từ phía Đông Hà vào tỉnh Quảng Trị. Chỉ có một đơn vị đóng sát đại đội tôi là kho y dược gồm một, hai Trung Úy dược sĩ và hai, ba quân nhân thuộc cấp, tất cả các đơn vị tăng phái khác như quân cụ, quân nhu, tiếp vận vv… trú đóng cách xa đơn vị tôi, mặc dầu cũng nằm trong căn cứ Ái Tử với nhau, nên không thể liên lạc để phối hợp hay hỏi xem tin tức, tình hình chiến sự tổng quát được vì lúc bấy giờ đường dây điện thoại đã trở thành bất khiển dụng. Vì chưa nhận được lệnh gì cả và đại đội trưởng Trần Văn Hải đi họp chưa về nên tôi vẫn chỉ thị cho quân nhân trong đơn vị án binh bất động mặc dầu tình hình lúc ấy có vẻ bi quan. Vì đơn vị tôi nằm sát hàng rào phòng thủ của căn cứ, xa quốc lộ I nên không thấy những gì xảy ra trên quốc lộ được. Bỗng một số quân nhân trong đơn vị tôi cho tôi biết các đơn vị bạn như quân cụ, quân nhu, tiếp vận v.v… đã rút hết cả rồi và đề nghị tôi nên di chuyển gấp. Để kiểm soát lại những tin tức do một số quân nhân trong đơn vị vừa báo cáo cho tôi, tôi liền chạy nhanh dọc theo hàng rào kẽm gai phòng thủ tiến về phía quốc lộ I để xem hư thực ra sao. Khi đến một vị trí có thể nhìn thấy được quốc lộ I, tôi thấy cả một đoàn xe cộ nối đuôi nhau chạy nhanh từ phía tỉnh Đông Hà vào tỉnh Quảng Trị, thêm vào đó các xe của những đơn vị bạn như quân cụ, quân nhu, tiếp vận v.v… cũng đang phóng nhanh từ địa điểm trú đóng trong căn cứ Ái Tử ra phía quốc lộ I rồi nhập vào đoàn xe đang chạy trên quốc lộ luôn. Tôi liền phóng nhanh về lại đơn vị tôi rồi chỉ thị cho tất cả quân nhân trong đại đội hãy lên xe gấp rồi ra lệnh cho tài xế lái nhanh ra quốc lộ I nhắm tỉnh Quảng Trị trực chỉ mặc dầu lúc bấy giờ đại đội trưởng Trần Văn Hải đi họp chưa về! Cũng may nhờ một số quân nhân trong đơn vị báo cáo, nếu không cứ đợi chờ đại đội trưởng Trần Văn Hải đi họp về sẽ di tản chiến thuật “rút lui” thì quá trễ. Lúc đó, Cộng quân sẽ tràn ngập căn cứ Ái Tử mất rồi! Khi các xe của đơn vị tôi chạy đến ngã ba đường, nơi rẽ vào tỉnh Quảng Trị và một đường chạy theo quốc lộ I vào tỉnh Thừa Thiên thì không sao chạy được nữa. Vì trên đường chạy vào tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ xe cộ bị liệt máy nằm ngổn ngang giữa đường. Điều này khiến tôi suy nghĩ rằng có lẽ đại úy Hải đang tìm cách lái xe về lại đơn vị tôi để ra lệnh cho quân nhân trong đơn vị rút lui nhưng bị kẹt lại trong tỉnh nên bó tay. Tôi cũng muốn dẫn quân nhân trong đơn vị vào tỉnh Quảng Trị để gặp Đại Úy đại đội trưởng Trần Văn Hải rồi bốc Đại Úy Hải đi luôn.Vì không thể vào tỉnh Quảng Trị được, tôi liền ra lệnh cho các tài xế quay xe lại chạy trên quốc lộ I hướng về Huế trực chỉ. Xe chúng tôi mới di chuyển được vài phút thì Việt cộng lại tiếp tục pháo kích dọc theo quốc lộ I, nhiều quả đạn 130 ly rơi dọc theo quốc lộ, nhiều quả rơi ngay chính giữa quốc lộ trúng vào thường dân đang chạy giặc từ Quảng Trị vào Huế khiến dân chúng nằm chết ngổn ngang dọc đường rất nhiều. Phần thì Việt cộng đang pháo kích như mưa, phần thì xác chết nằm ngổn ngang giữa đường quá nhiều nên xe không thể nào chạy được nữa. Tôi liền ra lệnh cho quân nhân trong đơn vị nhảy xuống xe. Lúc bấy giờ số quân nhân trong đại đội tôi không nhiều lắm,thường thường ít khi đủ theo cấp số. Lúc bắt đầu triệt thoái khỏi căn cứ Ái Tử, đơn vị tôi chỉ còn khoảng 20 người vì một số đã theo Đại Úy Hải vào họp tại tỉnh Quảng Trị, một số đã vào Huế cách đó một tuần để di chuyển quan tài của một quân nhân trong đơn vị bị thiệt mạng vì trúng đạn pháo kích của Việt cộng.
Vì Việt cộng vẫn tiếp tục pháo kích liên tục nên chúng tôi vừa chạy vừa núp vừa núp vừa chạy. Cuối cùng chúng tôi đã lạc nhau và chỉ còn một anh đi sát bên tôi là anh Được, nhiếp ảnh gia của đơn vị. Thế là tôi và anh Được nhập vào đoàn người chạy loạn gồm đủ quân binh chủng và thường dân để di chuyển về Huế. Để Việt cộng không biết mình là sĩ quan nếu bị bắt, tôi liền gỡ cặp lon Trung Úy trên cổ áo xuống. Thế rồi tôi và anh Được vừa chạy vừa núp để tránh đạn đại bác của Việt cộng vẫn triền miên pháo từ trên núi xuống. Trong lúc đang chạy bộ dọc theo quốc lộ I để vào Huế tôi thấy trên quốc lộ rất nhiều loại xe như xe tăng, xe thiết giáp, xe GMC, xe Dodge, xe Jeep, xe dân sự đua nhau chạy thật nhanh hướng về phía Huế trực chỉ. Dọc đường, dân chúng kẻ gánh người gồng, kẻ xách tay người bồng con cùng nhau chạy từng đoàn dọc theo quốc lộ. Bỗng tôi thấy một chiếc xe jeep chạy ngang trước mặt tôi trên xe chỉ có 3 người. Nhìn kỹ người ngồi bên phải cạnh tài xế thì ra đó là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Lực Lượng Thiết Giáp. Tướng Toàn vừa ngồi trên xe vừa nhìn chiếc trực thăng đang bay sát trên đầu chiếc xe jeep của ông ta. Có lẽ viên sĩ quan cận vệ trên xe jeep đã liên lạc được bằng máy PRC25 với viên phi công trực thăng nên tôi thấy chiếc trực thăng xà xuống rất thấp rồi đáp xuống trên quốc lộ và bốc tướng Toàn bay đi luôn. Tôi lại tiếp tục vừa đi, vừa chạy, vừa núp đạn đại bác. Khi chạy đến gần một chiếc xe tăng chở lính ngồi chật ních trên xe vừa dừng lại, tôi liền leo lên chiếc xe tăng để xin quá giang. Mấy người lính ngồi trên xe tăng đưa chân ra hất tôi xuống nên tôi đành phải leo xuống xe. Khi tôi vừa chạm cả hai chân xuống đất thì xe tăng lại bắt đầu chuyển bánh. Chỉ trong một giây đồng hồ khi tôi vừa rút chân phải ra thì ngay lập tức bánh xe tăng nghiền nát trên vị trí tôi vừa rút bàn chân phải. Nếu chỉ trễ khoảng một giây nữa thôi thì bàn chân phải tôi đã bị bánh xe tăng nghiền nát như tương rồi. Lúc bấy giờ chỉ có cách bò để di chuyển vào Huế mà thôi! Sau khi leo lên xe tăng và bị hất xuống, tôi và anh Được lại tiếp tục đi. Bỗng nghe tiếng đại bác bay vèo qua đầu, chúng tôi lại nằm xuống núp. Nhiều quả rơi trúng dân chúng đang di chuyển phía trước tôi khiến nhiều người bị trúng mảnh đạn và chết ngay tại chỗ trên mặt đường quốc lộ thật đau lòng! Đã thế, một vài chiếc xe chạy từ Quảng Trị vào cán ngay lên những xác người vừa mới chết vì bị trúng đạn pháo kích làm tôi rùng mình lạnh cả xương sống! Lúc bấy giờ xác người nằm chết trên quốc lộ rất nhiều, chỗ nầy vài xác, đằng kia vài xác, đằng xa hơn nữa cũng mấy xác trông mà hãi hùng. Sở dĩ xác chết nằm ngổn ngang giữa đường rất nhiều vì đồng bào dồn vào từng cụm không chịu phân tán mỏng nên khi bị mưa pháo của cộng quân, tổn thất nhân mạng lên rất cao. Sau này nhà văn Trần Thy Vân cho tôi biết, sở dĩ đồng bào dồn vào từng cụm trên quốc lộ I mà không tiếp tục di chuyển nữa vì địch đã chiếm cầu Bến Đá ở mạn Nam Quảng Trị để chận đường. Cũng theo nhà văn Trần Thy Vân, lúc bấy giờ là Trung Úy đại đội trưởng đại đội I thuộc tiểu đoàn 21 Biệt Động quân, khi biết Việt cộng đẩy Đại đội C7 thuộc K8, Sư đoàn 304 CSBV chiếm cầu Bến Đá ở mạn Nam Quảng Trị để chận đường, Thiếu Tá Quách Thưởng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21 BĐQ, đã chỉ thị cho anh Trần Thy Vân tức tốc đến đánh C7 để mở đường. Sau vài tiếng đồng hồ quần thảo, địch đã tan rã, chết còn 9 tên. Trước khi tháo chạy, đại đội trưởng C7, Thiếu Úy Nguyễn Văn Đường, giật mìn sập cây cầu Bến Đá. Cây cầu vừa bị giật sập xong thì cộng quân lại tàn nhẫn pháo kích như mưa vào đoàn người và xe cộ đang dồn vào một đoạn đường dài khoảng 2 cây số. Thân người lại ngã xuống như rạ trên quốc lộ đặc biệt là dân chúng kẻ gánh người gồng, tay bồng tay bế đang cùng nhau chạy giặc. Thế rồi người sống dẫm lên trên người chết, xe cộ đủ loại như xe jeep, GMC, xe tăng, thiết giáp tìm cách thoát ra khỏi vùng lửa pháo của cộng quân khiến những xác nằm chết trên quốc lộ dẹp lép trông thật kinh hoàng! Vì vậy mà khi viết về quốc lộ I trong cuộc triết thoái vào mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, một nhà báo nào đó đã gọi quốc lộ này là ĐẠI LỘ KINH HOÀNG. Thảo nào sau này khi biệt phái lên phòng báo chí Quân đoàn I để dẫn một phái đoàn ngoại quốc từ Sài gòn ra quan sát cuộc bỏ phiếu gì đó, vì lâu ngày quá tôi quên mất, ở tỉnh Quảng Trị, khi trực thăng chở chúng tôi bay ngang phía trên quốc lộ I, anh Nghiêm Phú Phát, trưởng đoàn hướng dẫn phái đoàn từ Sài gòn ra, đưa tay chỉ xuống quốc lộ rồi hỏi tôi:
- Dưới kia là ĐẠI LỘ KINH HOÀNG phải không anh?
Tôi trả lời ngay:
- Vâng, thưa anh.
Trở lại cuộc triệt thoái nói trên, khi chạy ngang qua Bộ chỉ huy quận Mai Lĩnh, tôi thấy một Thiếu Tá Biệt động quân trông có vẻ quen quen đang chỉ huy anh em Biệt động quân. Đến gần thì ra là Quách Thưởng, thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21 Biệt động quân, bạn học với tôi tại trường Phan Thanh Giản và trường Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng lúc trước. Tôi liền cất tiếng gọi:
- Thưởng.
Quách Thưởng quay lại nhìn tôi rồi nói:
- Ủa, Điền đây nè.
Tôi nói ngay:
- Mình đi theo Thưởng được không?
Quách Thưởng trả lời ngay;
- Được chớ, nhưng thằng nào đi theo Điền vậy, Việt cộng há?
Tôi đáp:
- Lính của mình đó mà, nó là nhiếp ảnh gia của đơn vị mình.
Sở dĩ Quách Thưởng nghi ngờ người lính đi theo tôi là Việt cộng vì lúc bấy giờ bọn Việt cộng cải trang làm lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rất nhiều. Chúng ở khắp nơi trong các quân binh chủng. Chúng mặc áo quần giống hệt như áo quần của từng binh chủng vậy khiến anh em trong đơn vị khó kiểm soát. Vì thế các cấp chỉ huy thuộc các quân binh chủng rất ngạc nhiên khi thấy Việt cộng pháo kích nhiều khi rất chính xác. Sau khi một vài đơn vị bắt được mấy tên Việt cộng đề lô nằm ngay trong tiểu đoàn mình mới vỡ lẽ.
Tôi vừa nói xong, Quách Thuởng liền trao cho tôi một bản đồ rồi nói:
- Cứ nhìn bản đồ mà chạy theo mình. Điền vào trong nhà kia nghỉ tạm đi mình đang bận chỉ huy.
Thế là tôi và anh Được vào túp lều tranh gần đấy núp tạm chờ khi nào tiểu đoàn Quách Thưởng rút về Huế sẽ đi theo.
Tôi vừa buớc vào trong mái nhà tranh thì nghe tiếng đạn đại bác bay vèo sát trên nóc nhà rồi rơi ngay phía trước nhà gần bụi tre. Nằm ngay sát xuống nền nhà, tôi nhìn ra sân ở nơi bụi tre thì thấy một người lính bị thương máu me đầm đìa trên đầu. Anh ta đang ngoắt tay để gọi những người khác đến cứu nhưng rồi anh đã ngã gục xuống dưới chiến hào và không thấy ngồi dậy nữa.
Thế là tối hôm ấy, tôi và anh Được ngủ tạm qua đêm trong túp lều tranh với Quách Thưởng và mấy sĩ quan trong ban tham mưu của tiểu đoàn 21 Biệt động quân.
Nằm trong túp lều tranh, tôi nghe đạn đại bác bay liên hồi trên trời rồi tiếng nổ nghe chát chúa khi gần khi xa. Mặc dầu chạy suốt ngày quá mỏi mệt nhưng vì nghe đạn đại bác suốt đêm cũng như viên sĩ quan hành quân của tiểu đoàn 21 Biệt động quân gọi máy liên tục để báo cáo tình hình chiến sự nên tôi cũng chẳng ngủ được. Khoảng 12 giờ khuya, bỗng có người gọi trong máy xin tọa độ gì đó, tôi liền nghe tiếng Quách Thưởng nằm phòng bên cạnh thúc giục viên sĩ quan ban 3:
- Kìa, trả lời kìa.
Có lẽ vì quá buồn ngủ nên viên sĩ quan ban 3 không trả lời kịp khiến Quách Thưởng phải thúc giục. Sau đó tôi nghe Quách Thưởng nói tiếp:
- Chấp nhận thôi, muốn tiến xa nữa thì phải qua giai đoạn ban 3 này thôi.
Vài phút sau tôi nghe viên sĩ quan ban 3 nói trong máy mà rợn tóc gáy:
- Báo cáo Đại Bàng tôi nghe thấy tiếng mấy con cua bò sao mà gần quá. Hình như chúng đang bò ra phía Quốc lộ I.
Viên sĩ quan ban 3 vừa nói xong tôi liền nghĩ bụng:
- Nguy rồi, xe tăng Việt cộng đang tiến ra phía Quốc lộ I.
Túp lều tranh tôi đang tá túc qua đêm nằm rất gần Quốc lộ I nên khi nghe như vậy tôi cũng lo lắng. Nhưng rồi sau đó tiếng xe tăng xa dần rồi im bặt.
Khi tôi thức giấc thì trời vừa sáng.Tiểu đoàn 21 Biệt động quân bắt đầu triệt thoái để về Huế. Dĩ nhiên tôi cầm bản đồ đi theo Quách Thưởng. Vì cộng quân đang ở trên núi pháo kích xuống nên tất cả quân nhân thuộc các quân binh chủng đều di tản băng qua các cánh đồng ruộng, các làng mạc nằm dọc theo bờ biển để tránh xa tầm pháo kích của Việt cộng. Tuy nhiên khi di chuyển dọc theo quốc lộ để về Huế, tôi vẫn đi theo bộ chỉ huy của Quách Thưởng. Nhưng chỉ vài phút sau đạn đại bác không biết từ đâu pháo tới lại rơi khắp nơi khiến tôi phải nằm sát xuống đất nhiều lần. Rồi vừa chạy vừa núp vừa núp vừa chạy, cuối cùng tôi đã lạc mất không biết Quách Thưởng đi về hướng nào mà theo. Nhìn lui nhìn tới nhìn trước nhìn sau tôi cũng chẳng thấy anh Được, nhiếp ảnh gia của đơn vị tôi, đâu cả. Để tranh thủ thời gian và khỏi bị lạc đường, tôi liền mở bản đồ Quách Thưởng trao cho tôi chiều hôm qua ra xem lại hướng đi. Xem xong tôi nhắm hướng cầu Mỹ Chánh trực chỉ, khi thì băng qua các đồng ruộng khi thì đi xuyên qua các làng mạc nằm gần ven biển. Một điều lạ là khi tôi cố ý đi về phía biển để tránh tầm pháo kích của Việt cộng rồi nhưng không biết đạn đại bác từ đâu lại rơi xuống các đồng ruộng nơi tôi và nhiều người khác đang di chuyển. Sau này mới biết đạn đại bác đó được pháo từ các tàu Hải quân của ta bắn lên! Để tránh đạn đại bác từ ngoài biển pháo vào, tôi và các quân nhân khác liền đổi lộ trình chạy về lại phía quốc lộ để di chuyển. Mãi đến gần trưa tôi mới đi ngang qua quận Hải Lăng và vài giờ sau đã đến được cầu Mỹ Chánh rồi vượt qua cầu. Tại đây tôi thấy Thủy Quân Lục Chiến đang trấn giữ cầu và bảo vệ địa bàn họat động quanh vùng này. Vừa qua khỏi cầu, tôi thấy xe cộ của các quân binh chủng đậu chen chúc nhau dọc theo quốc lộ để đón những quân nhân thuộc đơn vị mình chạy vào.
Lúc đã đến cầu Mỹ Chánh, tôi liền dừng lại để chờ xem những quân nhân trong đơn vị tôi có người nào chạy vào được chưa. Đợi mãi đợi hoài vẫn không thấy ai cả. Trong đầu óc tôi lúc bấy giờ suy nghĩ lung tung. Hay là họ đã gặp Đại Úy Đại Đội trưởng Trần Văn Hải rồi nên đã đi theo ông ta bởi dù muốn dù không, Đại Úy Hải cũng phải vất xe jeep rồi chạy theo quốc lộ để về Huế. Bỗng tôi thấy một Trung Úy Biệt động quân nào trông có vẻ quen quen. Khi đến gần, tôi nhận ra là Nguyễn Xuân Trung, bạn cùng khóa Đà Lạt với tôi. Tôi liền buột miệng kêu lớn:
- Ê, Trung!
Nghe có người gọi tên mình, Trung liền quay mặt về phía tôi. Vừa nhận ra được tôi, Trung liền đến bắt tay tôi rồi nói ngay:
- Mầy biết không, mẹ kiếp… lần đầu tiên tau chạy bộ 60 cây số từ Đông Hà vào đây đó mầy.
Tôi liền nói:
- Lần đầu tiên tau cũng chạy bộ như mầy nhưng tau chạy một đoạn đường ngắn hơn mầy, từ tỉnh Quảng Trị vào đây thôi khoảng mười mấy cây số. Sau vài phút gặp nhau ngắn ngủi, chúng tôi liền chia tay nhau ngõ hầu tìm xe cộ của đơn vị mình để về trình diện thượng cấp vì lúc bấy giờ trời đã gần tối. Tôi đang đứng nhìn quanh nhìn quất bỗng nghe ai gọi từ phía bên phải:
- Trung Úy, Trung Úy!
Tôi liền quay mặt về phía người mới gọi thì thấy một viên Trung Sĩ Nhất vừa chạy đến phía tôi vừa nói lớn:
- Người ta đồn Trung Úy chết rồi, người ta đồn Trung Úy chết rồi!
Đến gần tôi nhận ra là viên Trung Sĩ Nhất thuộc cấp của tôi. Sở dĩ anh ta có mặt ở đây mà không nằm trong thành phần di tản chiến thuật của đơn vị tôi, vì anh ở trong toán di chuyển quan tài của một quân nhân trong đơn vị vào Huế trước lúc triệt thoái một tuần.
Khi nghe anh ấy nói người ta đồn Trung Úy chết rồi tôi liền mỉm cười nhìn anh ta và lòng nghĩ thầm rằng, chỉ suýt chết cả trăm lần nhưng vẫn còn sống. Thế rồi tôi lên chiếc xe Dodge anh ta lái ra đón để anh chở về trình diện bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Dương viết Điền
HOA HỒNG TRANG, ngày 18 tháng 05 năm 2006.