Một Vài Kỷ Niệm Với Thi Sĩ Trần Nhất Lang

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 DuongVietDien TranNhatLang
Dương Viết Điền ( Hạ Ái Khanh) và Thi Sĩ Trần Nhất Lang

(Cựu Chuẩn Tướng Nhảy Dù Trần Quốc Lịch).

( Hình chụp trong ngày Bến Sông Mây họp mặt tại gia trang của nữ Nhạc Sĩ Thy Linh).

Lúc còn ở trong  quân ngũ, tôi có  nghe và biết về Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch chứ chưa bao giờ được diện kiến. Mãi đến khi sang Hoa kỳ, lúc bạn bè giới thiệu tôi vào nhóm văn học nghệ thuật Bến Sông Mây, tôi mới diện kiến được Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch.

Số là Bến Sông Mây tổ chức một ngày hội ngộ tại nhà nữ Nhạc Sĩ Thy Linh vào năm 2012. Tôi cùng nhà văn Phong Vũ đã đến tham dự. Tại đây, Thi Sĩ Khiếu Long đã giới thiệu chúng tôi với Thi Sĩ Trần Nhất Lang rồi anh Khiếu Long nói cho tôi biết Thi Sĩ Trần Nhất Lang tức là cựu Chuẩn tướng Nhảy Dù Trần Quốc Lịch. Nhờ vậy nên tôi mới biết Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch là Thi Sĩ Trần Nhất Lang, một hội viên từ lâu của Bến Sông Mây.

DuongVieyDien BenSongMay
Bến Sông Mây hội ngộ tại gia trang nữ Nhạc Sĩ Thy Linh vào năm 2012.

Sau khi quen biết Thi Sĩ Trần Nhất Lang, chúng tôi  đã cùng nhau tâm sự về những tháng ngày lúc còn ở trong quân ngũ cũng như cùng nhau tâm tình về những nốt nhạc vần thơ. Có một lần vào Web site của Bến Sông Mây đọc được bài “Tướng Trần Quốc Lịch, Ngày N Của Lữ Đoàn 2 Dù”

TieuDoanDu NgayN
LuDoanTruong TranQuocLich
( Lữ đoàn trưởng Trần Quốc Lịch và 5 tiểu đoàn Nhảy Dù tại mặt trận Quảng Trị Hè 1972)

do anh Khiếu Long giới thiệu và viết một bài liên quan đến cuộc hành quân tái chiếm Quảng trị của Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch, tôi chợt nhớ đến Mùa Hè Đỏ Lửa tại tỉnh Quảng Trị năm 1972. Vì vậy tôi có viết đôi dòng như để gởi đến Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch như sau:

(Nhân đọc được bài "Tướng Trần Quốc Lịch, Ngày N Của Lữ Đoàn 2 " do anh Khiếu Long viết, tôi lại nhớ mùa hè đỏ lửa tại tỉnh Quảng Trị. Ngày ấy, tôi đã băng qua Đại Lộ Kinh Hoàng nhưng không được hân hạnh diện kiến nhà thơ Trần Nhất Lang. Sau đây là hồi ức của tôi về mùa hè đỏ lửa tại tỉnh Quảng trị.). Sau đó tôi đăng bài “ Mùa hè Đỏ Lửa Tại tỉnh Quảng trị” trong Web site của Bến Sông Mây để anh chị em cùng đọc cho vui. Có lẽ Thi Sĩ Trần Nhất Lang cũng đã vào đọc được bài tôi đăng trong Web site nên Thi Sĩ đã hồi âm cho tôi bằng những dòng tâm sự như sau:

“Bạn DVĐ thân mến, giai đoạn 1 mùa hè 1972 LĐ2ND hành quân với QĐ II vùng Tây Nguyên . Đầu tháng 5-1972 LĐ2ND ra tham chiến ở Vùng I, phòng thủ bờ Nam sông Mỹ Chánh phía Tây QL 1 (trước chiến dịch Tái Chiếm Quảng Trị), song song với TQLC ( phía Đông QL 1) .
Tại đây đã diễn ra trận đánh với xe tăng quân Bắc Việt như bài viết cuả VB mà anh Khiếu Long đã đem về BSM . Sẵn đây tôi xin gửi anh và bạn đọc mấy baì thơ này để nhớ lại Miếu Hai Cô trên Đại Lộ Kinh Hoàng muà Hè Đỏ Lưả 1972.         
Xin thắp mấy nén tâm nhang cho những người đã nằm xuống nơi này.

TNL .

ÁO TÍM HOA SIM

(Để tưởng niệm Miếu Hai Cô trên Đại lộ Kinh hoàng mùa hè 1972)

Tam Thủ Liên Hoàn Độc Vận

I

Buổi ấy quen nhau chốn Giáo đường
Một tà áo tím, tím mầu thương
Anh đi khu chiến gìn thôn xóm
Em ở quê nhà giữ hậu phương
Chiều xuống dừng quân nơi giới tuyến
Trăng lên nhớ bạn nẻo Tiêu Tương (1)
Thư xanh mở khép niềm tâm sự
Khách ở trời Ngô nhớ Lạc Dương.(2)

II

Khách ở trời Ngô nhớ Lạc Dương
Tìm người năm cũ lạc sân trường
Mùa hè binh lửa thiêu thôn đạo
Áo tím hoa sim bỏ giáo đường
Súng nổ bom rơi tràn Quảng Trị
Pháo bay nhà cháy khắp quê hương
Nàng theo di tản cùng em gái
Tử nạn, ai xây Miếu Nhị Nương.(3)

III

Tử nạn, ai xây Miếu Nhị Nương
Em về an lạc chốn Thiên đường
Bao năm khói lửa quê nghèo khổ
Một thủơ ân tình áo tím thương
Bá tánh trầm luân cơn ác mộng
Thế gian giả tạm cõi vô thường
Đi qua Đại lộ Kinh hoàng cũ (4)
Xin thắp cho nàng một nén hương.

Trần Nhất Lang

Chú thích : (1) Tiêu Tương là chỗ sông Tiêu và sông Tương hợp lại trong tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa, chảy qua Hồ Nam, Trường Sa, vào Động Đình Hồ. Vua Thuấn đi tuần thú xứ Thương Ngô và mất ở đó. Hai bà vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đến sông Tiêu Tương ngồi bên bờ sông mà khóc, nước mắt vấy vào những cành trúc. Về sau trúc mọc ở bờ sông này đều lấm chấm trông như đồi mồi. Chữ "Mành Tương" trong Truyện Kiều lấy từ điển này (Mành Tương lất phất gió đàn).
Người ta thường dùng hai chữ "Tiêu Tương" để chỉ việc trai gái thương nhớ nhau.

(2) Mượn ý bài thơ PHÙ DUNG LÂU TỐNG TÂN TIỆM của Vương Xinh Linh viết khi đi làm quan ở đất Ngô, tiễn Tân Tiệm đi Lạc Dương.
Trong bài ÁO TÍM HOA SIM tác giả muốn diễn tả "hai người ở hai nơi và nhớ nhau".

"Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ."

Trần Trọng San dịch :

Mưa lạnh sông đêm vào đất Ngô
Sáng ra tiễn khách núi trơ vơ
Lạc Dương nếu có ai thăm hỏi
Một mảnh lòng băng ở ngọc hồ.

Trong bài NHỚ CỐ NHÂN của Vũ Hoàng Chương cũng có câu :
"Có kẻ vào Ngô nhớ Lạc Dương".

(3) MIẾU NHỊ NƯƠNG là MIẾU HAI CÔ, nơi người thiếu nữ Áo Tím Hoa Sim và em gái đã tử thương bên lề Đại lộ Kinh hoàng (Quốc lộ 1 mới), cách thành phố Quảng Trị gần 20 cây số về phía nam, nằm phía bắc sông Mỹ Chánh.

(4) Đại lộ Kinh hoàng được đặt tên cho đoạn đường nói trên trong trận chiến mùa hè 1972.

Trần Nhất Lang
Mon Aug 12, 2013 12:25 pm


LacDuong2 TQ
Lạc Dương

Sau khi đọc được bài của Thi sĩ Trần Nhất Lang đăng dưới bài của tôi, tôi liền gởi một điện thư đến Thi Sĩ Trần Nhất Lang như sau:

From: dien duong <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>;
To: "This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>;
Sent: Thursday, August 15, 2013 5:39 AM
Subject: Tham hoi

Kính thăm Đại Niên Trưởng,

Em là Dương Viết Điền (Hạ Ái Khanh). Cám ơn anh đã đọc bài" Hồi ức về mùa hè đỏ lửa tại tỉnh Quảng trị" của em. Thì ra lúc ấy, anh đang bận chỉ huy tại mặt  trận ở vùng II như anh đã hồi âm cho em dưới bài viết của em. Và tháng 05 mùa hè đỏ lửa, anh lại bay ra vùng hoả tuyến với Lữ đoàn 2 Nhảy Dù để bày binh bố trận chuẩn bị tái chiếm Cổ Thành Quảng trị. Để rồi nơi xứ bom rơi đạn nổ nầy, anh đã chứng kiến hai chị em người đẹp mặc áo tím màu hoa sim đã gục ngã trên "Đại Lội Kinh Hoàng" khiến lòng anh xúc động đến ngậm ngùi! Thế rồi trong buổi xế chiều của cuộc đời, bài thơ ÁO TÍM HOA SIM với thể Tam thủ liên hoàn độc vận của Thi Sĩ Trần Nhất Lang ra đời làm cho em cũng như các nghệ sĩ trong BếnSôngMây cũng xúc động đến nghẹn ngào!

Mong được gặp lại anh trong một ngày đẹp trời để cùng nhau tâm sự như những lần trước đây anh nhé.

Thân kính,

Em,

Dương Viết Điền

( Hạ Ái Khanh)

Và khi nhận được điện thư của tôi, Thi Sĩ Trần Quốc Lịch liền hồi âm như sau:

From: trannhat lang <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.;
To: dien duong <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>;
Sent: Thursday, August 15, 2013 12:38 PM
Subject: Re: Tham hoi

Chào chiến hữu DVĐ,

Cám ơn em đã email cho anh . Cuộc chiến hôm qua đã để lại cho đất nước VN những điêu tàn đổ nát mà nhiều thế hệ sau này với thể chế Tự Do, Dân Chủ cộng thêm vào đó là những nhà lãnh đạo tài ba, trong sạch mới hy vọng xây dựng lại một nước VN Tự Do,  Dân Chủ, Độc Lập và thịnh vượng .

Mùa Hè 1972 tại Quảng Trị với những trận đánh đẫm máu, trong đó có trận đánh với xe tăng quân Bắc Việt tại bờ Nam sông Mỹ Chánh .

Hình ảnh Đại Lộ Kinh Hoàng và Miếu Hai Cô đã gây nhiều súc động để viết ba bài thơ TNBC Liên Hoàn này .

Mong có dịp gặp lại nhau, chúng ta hàn huyên chuyện cũ trong niềm tưởng niệm đến những người đã hy sinh cho tổ quốc, và cho đồng bào trong đó có chúng ta được sang đây định cư .

Chúc em sức khoẻ và nhiều cảm tác .

Mong ngày tái ngộ .

TNL .

Nhận được e-mail của Thi Sĩ Trần Quốc Lịch, tôi liền hồi âm như sau:

From: dien duong <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.;
To: trannhat lang <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.;
Sent: Thursday, August 15, 2013 3:02 PM
Subject: Re: Tham hoi

Kính anh,

Cám ơn anh đã hồi âm cho em nhé.

Kính chúc anh một cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc bên người thân.  

Cũng không quên chúc anh luôn luôn được dồi dào sức khoẻ và Trường Thọ.

Thân kính,

Dương Viết Điền

 &&&

California, USA.

Dương viết Điền