Tác giả và Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai
Tôi bắt đầu quen Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai lúc chúng tôi cùng viết trong Tạp chí Viễn Xứ xuất bản tại thành phố Canoga Park , do Nhà Báo Phong Vũ làm chủ nhiệm, Nhà Văn Thinh Quang làm chủ bút. Thưở ấy khoảng năm 1996, Ông chủ nhiệm và chủ bút đã tổ chức một buổi tiệc kỷ nhiệm 3 năm, ngày xuất bản tạp chí Viễn Xứ tại tư thất Nhà Báo Phong Vũ ở Canoga Park. Tôi bắt đầu biết rồi thân với Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai từ ngày ấy cũng như biết một số thân hữu cùng cọng tác trong tạp chí Viễn Xứ nhờ tham dự buổi tiệc nầy như Nhà Văn Thinh Quang, Nhiếp Ảnh Gia Hồ Đăng, Nữ Bác Sỹ Lan Đoàn, Bác Sĩ Kỳ vv… Năm 1994, lúc tôi ra mắt thi phẩm “Ngậm Ngùi” tại Quận Cam, vì cũng nằm trong ban biên tập của tạp chí Viễn Xứ nên Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai cũng đến tham dự và đàn giúp vui một vài bản nhạc. Sau khi buổi ra mắt sách chấm dứt, tôi đã mời tất cả những người tham dự dùng một bữa ăn nhẹ với bột lọc và bánh bèo do bà xã tôi làm. Sau bữa ăn nhẹ này, Nhà văn Thinh Quang và Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai cứ khen bánh bèo ngon quá và mỗi lần gặp tôi, Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai lại nhắc đến bánh bèo sau buổi sa mắt sách ngày ấy. Như đã đề cập ở trên, vì cũng nằm trong ban biên tập của tạp chí Viễn Xứ và tôi cũng có sáng tác một số bản nhạc trong thời gian ở tù, anh Hồ Xuân Mai là một Nhạc Sĩ dương cầm nên chúng tôi thân nhau rất nhanh. Vì thế cứ mỗi cuối tuần, tôi thường ghé đến phòng dạy nhạc của anh ở thành phố Reseda để hàn huyên tâm sự cũng như trao đổi cho nhau những nốt nhạc lời ca. Vì trình độ lý thuyết của anh về âm nhạc rất khá, mặc dầu anh Hồ Xuân Mai nói với tôi anh ta đã thi rớt Tiến Sĩ về âm nhạc, nên thỉnh thoảng tôi cũng lắng nghe những điều anh trình bày về tiết tấu, về âm thanh cũng như thường xuyên nghe anh đàn những bản nhạc cổ điển Tây phương của Mozart, Strauss, Beethoveen vv…Phải nói rằng trình độ chơi đàn dương cầm của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai thật điêu luyện, thật tuyệt vời! Tuyệt vời giống như Đại Thi Hào Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thuý Kiều lúc đàn cho Kim Trọng nghe vậy. Đặc biệt là cứ mỗi lần anh Hồ Xuân Mai đàn mấy nốt láy, tôi lắng tai nghe mà rụng rời tay chân! Thế rồi ngày lại ngày, chúng tôi bỗng chợt nghĩ đến vấn đề cùng nhau sáng tác nhạc chung. Vì tôi hay viết lách lại ít khi đàn, anh Hồ Xuân Mai lại hay đàn mà ít viết lách. Cuối cùng chúng tôi quyết định anh Hồ Xuân Mai sáng tác nhạc, còn tôi sẽ viết lời ca. Thế rồi cứ khoảng một hai tuần, tôi ghé phòng dạy nhạc của anh Hồ Xuân Mai lấy mấy bản nhạc về để viết lời ca. Tôi nhớ có lần anh ấy trao cho tôi sáu bản nhạc dĩ nhiên không có lời ca. Hai ngày sau tôi mang sáu bản nhạc với đầy đủ sáu lời ca lên trao lại cho anh ấy làm anh ta quá ngạc nhiên phải buột miệng nói:
- Anh viết lời ca nhanh quá làm tôi rụng rời cả tay chân
Tôi liền đáp lễ lại ngay:
- Thì cũng như anh vậy thôi. Mỗi khi nghe anh đàn mấy nốt láy, tôi cũng rụng rời cả tay chân
Lúc đầu khi nghe Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai nói sẽ thâu những bản nhạc chúng tôi sáng tác chung vào CD làm tôi rất thích thú.Vì thế mỗi lần anh Hồ Xuân Mai trao tôi bản nhạc nào tôi viết lời ca bản nhạc đó rồi trao lại cho anh ấy ngay. Cuối cùng, chúng tôi cùng nhau sáng tác cũng được khoảng mười mấy bài nhưng chúng tôi quyết định chỉ lấy 10 bài thôi. Sau đây là 10 bài chúng tôi dự định sẽ làm một CD để kỷ niệm :
1- Thưở mộng mơ
2- Tình yêu trong vòng tay .
3- Nỗi niềm nghệ sĩ.
4- Yêu thầm.
5- Còn yêu em mãi.
6- Anh đừng dối em.
7- Buồn hơn mọi ngày.
8- Những ngày em đã quên.
9- Tình tuổi đôi mươi
10- Nhớ miền cao nguyên
Tôi cứ nghĩ rằng anh Hồ Xuân Mai có một số học trò nên có thể nhờ họ hát dùm rồi thâu vào CD và nếu cần nhờ một cô ca sĩ tương đối nổi tiếng hát một hay hai bài để làm cho CD có giá trị thêm. Rồi thời gian trôi đi, học trò cũng chẳng hát được bài nào. Anh Hồ Xuân Mai và tôi nghĩ cách tự thực hiện lấy nhờ một số giọng ca không phải là ca sĩ nhưng hát tương đối khá và trả cho họ một số tiền tượng trưng, rồi thuê một ca sĩ nổi tiếng hát một bài thôi để làm nền cho CD. Nhưng rồi cả hai anh em chúng tôi đều nghèo xơ xác. Thêm vào đó tôi cũng quá bận việc vì phải đi làm, anh Hồ Xuân Mai bận phải dạy nhạc nên CD nhạc không thể thực hiện được. Thế rồi mỗi lần tôi ghé đến phòng dạy nhạc của anh để hỏi xem việc thực hiện CD nhạc tiến triển như thế nào, có thể thực hiện được không, lần nào anh cũng bảo là bận việc quá để từ từ xem sao. Sau đó anh Mai trao cho tôi một CD trong đó anh chỉ đàn 5 bài chúng tôi sáng tác chung và thêm một số bài mới anh bảo tôi tiếp tục viết lời tiếp, trong lúc chờ anh soạn hoà âm những bài trước đây. Tôi liền cầm CD nầy về để viết lời tiếp nhưng vì nghĩ rằng, sau khi thực hiện CD kia xong mình viết lời những bài mới kia cũng được. Vã lại tôi cũng đang bận viết mấy tác phẩm của tôi nên không có thì giờ để viết tiếp mấy bản nhạc mới này.
Bút tích của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai
Vì anh Hồ Xuân Mai và tôi thay phiên nhau đau ốm thường xuyên nên CD nhạc này xem như không thể thực hiện được nữa. Như vậy là mấy bản nhạc tôi và Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai sáng tác chung đã hoàn thành xong vào khoảng năm 1998, 1999. Nhưng vì những trở ngại nói trên nên chúng nó đã được đem vào cất trong ngăn kéo cả một thập niên! Mãi đến năm 2011 vì thấy ông tử thần ló dạng ở cuối đường hầm ( Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai bị ung thư tiền liệt tuyến ) nên anh Mai nói với tôi sẽ cố gắng tiếp tục cho thực hiện CD này. Dĩ nhiên CD nhạc chưa thực hiện được nhưng những bản nhạc anh Hồ Xuân Mai, dù quá bận việc và hay ốm đau, cũng đã cố gắng viết lại bằng computer rồi anh ấy đã soạn hòa âm luôn để thực hiện một tuyển tập nhạc làm kỷ niệm. Khi nghe anh Mai nói với tôi anh ta đang bị ung thư tiền liệt tuyến và gan có vấn đề, tôi liền e-mail cho anh Mai một toa thuốc chữa bệnh ung thư mà tôi đọc được trên internet. Trước khi gởi cho anh ấy toa thuốc này, tôi đã “tra tự điển Đông y” về các loại dược thảo trong toa thuốc và biết rõ chắc chắn là những loại dược thảo trong toa thuốc đúng là những loại dược thảo chữa bệnh ung thư gan. Toa thuốc ấy có nội dung như sau :
Chiều ngày 18 tháng 04 năm 2011, Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai gọi điện thoại cho tôi bão đến phòng dạy nhạc hàn huyên tâm sự chơi vì hôm ấy, học trò đều ở nhà để nghỉ lễ Easter.
Bàn làm việc trong phòng dạy nhạc của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai
Tôi liền ra xe phóng ngay đến nơi phòng dạy nhạc của anh để gặp anh ấy vì tuần trước, anh ấy nói với tôi anh ta đang lâm trọng bệnh. Khi vào phòng thấy anh ta đội mũ phớt màu đen trên đầu, tôi đoán ngay anh ta đã bị rụng tóc vì đang điều trị chemotherapy. Sau đó anh ấy nói cho tôi biết anh ta bị sưng tiền liệt tuyến và gan cũng đang có vấn đề nên cũng được điều trị cùng một lúc nên tóc bị rụng hết. Tôi hỏi anh ta xem có xử dụng toa thuốc Đông y tôi gởi cho anh ấy không anh ấy trả lời là chưa xử dụng vì đang được chữa theo Tây Y là chemotherapy. Lúc này Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai có vẻ bi quan về những căn bệnh hiểm nghèo sao đó nên anh ta liền kể cho tôi nghe về cuộc đời của anh ấy. Anh kể rằng năm lên 17 tuổi anh đỗ tú tài Pháp. Đáng lẽ anh ta phải nhập ngũ khoá 11 tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức nhưng vì đau ốm bệnh hoạn nên anh được hoãn. Thân sinh của anh ta khuyên anh nên học nhạc. Cuối cùng anh Mai đã bằng lòng học nhạc và thầy dạy nhạc tên là Nguyễn Văn Dung. Theo anh Mai kể thì thầy Dung này cũng là một võ sư và biết đến 17 thứ tiếng. Sau một thời gian học nhạc với thầy Nguyễn Văn Dung, anh đã gia nhập mấy ban văn nghệ trong quân đội rồi vừa tham gia văn nghệ vừa học âm nhạc để đi thi. Nhưng rồi ba lần thi Tiến Sĩ đều rớt cả ba. Năm đầu trình luận án về nhạc cổ điển bị rớt. Hai năm sau năm nào cũng trình luận án về ngũ cung cũng rớt luôn! Rồi anh tham gia vào ban văn nghệ của Biệt Động Quân. Năm 1968, lệnh tổng động viên được ban ra. Sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại, cuối cùng, vì có bằng Tú Tài I nên đơn vị anh bắt anh phải gia nhập vào Trường Bộ Binh Thủ Đức vào năm 1972 và anh ra trường cuối năm 1973. Nhưng rồi sau đó anh bị An Ninh Quân Đội nhốt vào khám Chí Hoà vì vụ Còi Hụ Long An. Anh cho biết rằng anh không tham gia vụ này và cũng chẳng biết Ất Giáp gì cả. Anh bị bắt chỉ vì có hình chụp chung với mấy người bạn cũ và mấy người bạn cũ này có tham gia vụ trên! Sau đó, nhờ một vị Đại Tá, học trò cũ của thân sinh anh ấy, xin cho ra khỏi tù.
Lúc đã sang ở bên Mỹ, anh còn kể rằng năm1994 anh dẫn con về cho bà nội, bà ngoại thăm cháu. Có người lạ đứng ở phi trường chờ sẵn, và nói với anh Hồ Xuân Mai là đưa anh ấy về tận nhà rồi mời anh Mai ra Hà Nội dạy đàn cho con ông ta. Anh Mai đã từ chối và hỏi ra mới biết trước đây anh Mai dạy đàn cho học trò ở Quận Cam, ông ta từ Việt Nam sang Mỹ chơi có ghé lại chỗ dạy đàn của anh Mai nhìn anh Mai đàn. Sau đó ông ta dò hỏi tin tức về anh Mai nên khi biết anh Mai về Việt Nam, ông ta chực sẵn ở phi trường để mời anh Mai về dạy đàn cho con ông ta ở Hà Nội. Năm 2001, anh Mai lại về VN một lần nữa vì mẹ vợ mất. Nhớ lại lần trước về Việt Nam nên lần này anh sợ quá không dám ra đường và chỉ ở Việt Nam có 4 ngày rồi qua lại Mỹ ngay. Mấy tháng sau, sau khi nhận được message anh nhắn trong máy, tôi liền ghé lại phòng dạy nhạc của anh để thăm anh ấy. Vừa vào phòng, tôi thấy anh đang ngồi dạy đàn cho một thanh niên. Lúc vừa quay mặt lại chào tôi, tôi thấy nước da anh đã hồng hào trở lại, tóc trên đầu đã mọc lên đều như cũ. Không như mấy tháng trước đây, tóc anh bị rụng hết vì đang được điều trị Chemotherapy.
Ngày 18 tháng 03 năm 2013, nhân đến văn phòng Bác Sĩ gia đình để khám bệnh, tôi liền ghé vào thăm Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai luôn vì phòng dạy nhạc của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai ở phía trên lầu. Vừa gặp anh Mai tôi liền hỏi thăm bệnh tình của anh ấy tiến triển như thế nào rồi. Anh ấy liền lấy mũ đang đội trên đầu xuống rồi nói rằng tóc của anh đã mọc lại trên đầu rồi. Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai nói với tôi rằng trước đây lúc thử máu, chỉ số của anh ta lên tới 1090. Bây giờ thử máu lại chỉ số đã xuống đến được con số 20 rồi. Như thế là quá tốt. Tuy nhiên chỉ số cần phải xuống tới con số 4 mới đỡ lo. Vì thế anh Mai phải uống thuốc thường xuyên để tiếp tục điều trị. Tháng nào tháng nấy phải trả trên dưới 200$ quá nặng cho tài chánh gia đình. Vì bệnh hoạn thường xuyên nên lắm lúc anh cũng tỏ ra bi quan, để rồi vì lo lắng quá khiến anh ta tự kiểm soát lại bản thân mình. Và cuối cùng anh đã tìm được chân lý cho cuộc sống: đó là buông xả và ngồi hành thiền. Thế rồi anh Mai liền in ra trên trang giấy một bài thơ mang màu sắc của THIỀN, có lẽ do anh Mai sáng tác. Nội dung bài thơ ấy như sau:
Học Làm Người
Hởi ai! biết được Ông Trời
Mách cho tôi hỏi tuổi Trời bao nhiêu?
Tâm trộm nhìn Trời
Trời trộm nhìn Tâm
Vậy Tâm ở đâu?
Vậy Trời ở đâu?
Sáng sớm ta thức dậy
Từng sát na trong ngày
Suy nghĩ không ràng buộc
Tư tưởng được tự do
Thân không vướng bụi trần
Tâm luôn luôn trống không
Vô trụ vô ngã chấp
Khắp nơi nở nụ cười
Khi đến hỏi Ngài có hay kông?
Ngài bảo đến đi không như có
Lúc về hỏi Ngài có hay không
Ngài bảo về đi có như không
Sau khi tặng bài thơ này cho tôi, chúng tôi liền ngồi hàn huyên tâm sự về âm nhạc, về sự thực hiện CD nhạc của chúng tôi sáng tác chung. Nhìn quanh trong phòng dạy nhạc của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai, tôi thấy có một đàn Digital Piano, một đàn Acoustic Piano và một đàn synthesize. Thế rồi tôi đứng dậy chụp một vài hình ảnh trong phòng dạy nhạc của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai làm kỷ niệm, rồi xin phép ra về để Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai dạy nhạc cho học trò.
Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai đang ngồi đàn
Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai đang dạy nhạc cho học trò.
Tác giả và Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai đang bàn luận về CD nhạc của hai người sáng tác chung sẽ phát hành.
Vào ngày 24 tháng 03 năm 2014, lúc đến khám bệnh tại văn phòng Bác Sĩ Phan Tuyết Mai xong, tôi liền lên lầu để thăm Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai. Nhưng lúc nhìn vào bên trong thì thấy phòng trống không. Tôi nghĩ không biết có chuyện gì xảy ra cho anh Mai không mà anh ta hết dạy nhạc rồi. Vừa về đến nhà, tôi liền gọi điện thoại lên nhà riêng của anh Mai ở Simi Valley nhưng không có ai trả lời. Tôi liền nhắn vài lời thăm hỏi của tôi trong máy điện thoại anh ấy. Hôm sau, tôi đang trên đường về nhà sau khi tập thể dục tại Gym thì nghe cell-phone reo. Sợ gặp cảnh sát sẽ bị phạt nên phải phanh xe lại để nghe điện thoại. Thì ra anh Mai gọi. Anh báo cho tôi biết đã nghĩ dạy nhạc mấy tháng rồi. Hiện giờ anh đang bị ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan và bị luôn cả mật nữa. Anh bảo Bác Sĩ đã bó tay. Không biết Bác Sĩ chữa bệnh cho anh ấy thế nào mà anh ấy nói với tôi anh ta không tin Bác Sĩ nữa! Bây giờ anh ta chỉ ăn muối mè với gạo lức thôi. Nghe Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai nói như vậy tôi nghĩ coi như xong rồi. Bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian lâu hay mau thôi. Tuy nhiên tôi vẫn an ủi anh ấy và khuyên anh ấy cố gắng vui vẻ mà sống, không nên quá bi quan mà phải tỏ ra lạc quan mới được. Sau đó tôi xin phép anh ấy được cúp máy để lái xe về nhà vì đang ở ngoài đường.
Chiều ngày 05 tháng 09 năm 2014, lúc tôi đang tập thể dục tại Trung Tâm LA Fitness thì nghe cell-phone reo. Nhấc cell-phone lên nghe thì anh Phong Vũ đầu dây cho biết, anh vừa nghe tin từ radio trong xe, Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai vừa qua đời lúc 3 giờ sáng nay! Nghe anh Phong Vũ báo tin này, tim tôi như muốn ngừng đập rồi xúc động đến nghẹn ngào! Tôi dự định lên Simi Valley thăm anh ấy nhưng phần thì không lái xe trên free-way được, phần thì chưa biết nhà anh ấy ở đâu vì thường xuyên chỉ gặp anh ấy tại phòng dạy nhạc gần nhà thôi, nên đang tìm cách hỏi bạn bè xem sao. Tôi có hỏi anh Phong Vũ để rủ anh ấy cùng đi nhưng anh Phong Vũ cũng không biết nhà. Thế rồi mấy ngày sau, anh đã vĩnh biệt cõi đời để rồi ra đi không bao giờ trở lại!
Sau khi đọc được bản cáo phó do Nhạc Sĩ Billy Hùng đăng trên mạng nên chiều ngày 14 tháng 09 năm 2014, tôi liền nhờ một người bạn học cũ là cựu Đại uý Pháo Binh Huỳnh Đình chở lên nhà quàn Rose Family Funeral Home tại số 4444 đường Cochran ở thành phố Simi valley, Ca 93063 để chia buồn cùng chị Hồ Xuân Mai và tang quyến, và cầu nguyện cho linh hồn Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai sớm được về cõi vĩnh hằng. Và trưa ngày hôm sau, tôi đã đến nghĩa trang Oakwood Memorial Park tại số 22601 đường Lassen thuộc tỉnh Chatsworth, Ca 91311 để cùng bạn bè tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng (hỏa táng).
Tưởng nam của Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai
Từ trái: Tác giả, trưởng nam và chị Hồ Xuân Mai.
Từ trái: Tác giả, trưởng nam và chị Hồ Xuân Mai.
Anh Mai ơi! Tôi vẫn còn nhớ ngày nào, anh đã đàn bản nhạc “ Còn Yêu em Mãi ” của hai chúng mình sáng tác mà anh và tôi cho là tâm đắc nhất để chúng ta cùng nghe. Âm thanh khi trầm khi bỗng như vẫn còn văng vẵng bên tai tôi lúc tôi đang viết mấy dòng chữ này: “ Người ơi! Nhớ chăng đêm nào gần nhau. Mình trao nhau những nụ cười, niềm ân ái quá tuyệt vời, tình xưa sao sáng ngời, ta giữ muôn đời, em ơi!...”.
Trích đoạn trong bản nhạc “Còn Yêu Em Mãi”.
Anh Hồ Xuân Mai ơi!
Xin vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt anh đời đời!
California một buổi chiều thu nhạt nắng.
(Viết sau ngày đến nghĩa trang Oakwood Memoral Park tiễn đưa Nhạc sĩ Hồ Xuân Mai đến nơi an nghỉ cuối cùng.)
Dương Viết Điền