Tôi thật rất có phước được là một y sĩ Hải Quân, và tôi là y sĩ Hải Quân duy nhất “được” đi tù cải tạo tại miền Bắc. Nhiều người thương hại cho số phận hẩm hiu của tôi, nhưng tôi coi đó là một hân hạnh. Hân hạnh vì đất nước tôi trong cuộc tranh đấu cho Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ đã trải qua một cuộc chiến anh dũng. Nay vì vận nước nghiêng ngả, đồng bào lâm cảnh lầm than đau khổ, chúng tôi bị đi đầy tận miền bắc thì kể như chúng tôi tiếp tục tham dự cuộc chiến trong phần đen tối nhất và đóng góp phần đời và xương máu để cùng chia xẻ với cái nhục mất nước chung của toàn dân.
Sau đây tôi xin ghi lại khoảng đời đó của chúng tôi:
I. Y Bạ trích ngang
Tôi tốt nghiệp Y Khoa Đại Học năm 1965, và được trưng tập về phục vụ Quân Chủng Hải Quân năm 1966. Được bổ nhậm làm việc tại Vùng II Duyên Hải, ở Cát Lở, Vũng Tàu và Bệnh viện Hải Quân ở Saigon và Khối Quân Y thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Năm 1972, nhà tôi được Bộ Y Tế bổ nhậm làm việc tại Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Long Xuyên. Tôi xin thuyên chuyển về làm tại Bệnh Xá Căn cứ Hải Quân Long Xuyên. Năm 1973, tôi được biệt phái về làm việc ở Long Xuyên.
II. Cuộc đổi đời
Thế rồi ngày 30-4-1975 đến. Một tiểu đội Việt Cộng từ bắc Vàm Cống rụt rè tiến về thành phố. Không một tiếng súng.Không có cảnh đau lòng của bọn cách mạng 30 nhiễu nhương đường phố. Nhưng bỗng nhiên mọi việc đều thay đổi. Một bầu không khí ngột ngạt bổ xuống. Phố xá vắng người. Tiếng ra rả tối ngày của các loa tuyên truyền là vang động duy nhất của một thành phố đang hấp hối trở thành thị xã của tỉnh Long Châu Hà của Việt Cộng, gồm Long Xuyên - Châu Đốc- Hà Tiên cũ.
Công an xử bắn một hai người.
Bệnh nhân Quân Y Viện Long Xuyên bị đuổi ra đường. Các bạn ở Quân Y Viện bị đưa về đâu không biết. Anh em chúng tôi ở Bệnh Viện Long Xuyên rồi thì cũng bị gom vào trung tâm cải huấn cũ. Nơi đây tập trung đầy đủ Quân-Dân-Cán-Chính của chế độ cũ. Nhanh chóng chúng tôi trở thành tù, mặc dù chánh sách “khoan hồng” bảo là “Cải tạo viên”. Chúng tôi sớm biết thế nào là ngoan ngoãn tuân hành nội quy cách mạng.
Ban điều hành trại cho một anh lao công cũ của trại lên nhận thư của một số anh em chúng tôi nhờ chuyển tin tức về gia đình, để rồi nạp cho trại. Chúng tôi bị tập họp lại và bị “lên lớp”. Những anh em gởi thơ lén liền bị điều động đi biệt tích, còn lại chúng tôi bị làm nhục, hăm he đủ điều.Sau nhiều cuộc “biên chế” (sắp xếp), dân số tập trung bị chuyển đi dần, mà không biết chuyển đi đâu.
Lối tháng 8/75, chúng tôi gồm 5 Y sĩ Thiếu Tá biệt phái của Châu Đốc, Long Xuyên bị đưa qua trại giam tù binh cộng sản ở Cần Thơ. Lúc này, toàn thể quân nhân thuộc Quân đoàn IV đều bị tập trung, và cấp Tướng và Đại Tá đã bị chuyển khỏi vùng, còn lại cấp Trung Tá, Thiếu Tá và một binh Nhất. Anh này không biết do ai cố vấn, tự động trình diện cải tạo với cấp bậc Thiếu Tá, hy vọng sẽ được tốt nghiệp như Thiếu Tá cải tạo để le lói với đời. Bị phát giác, nhưng anh vẫn được giữ lại, có lẽ để được xử dụng theo dõi chúng tôi.
Một hôm chúng tôi đang lao động nhổ cỏ, một anh bạn thì thầm nhận xét: Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa sang thiệt! dùng toàn thành phần bác sĩ để làm việc nhổ cỏ. Mà sang thật, họ bắt chúng tôi vào tù, chúng tôi phải tự mình biến chế tự làm ra từ chiếc ghế nhỏ để ngồi đến sạo thiếc để ngủ, từ hội trường đến nhà bếp, từ xây giếng đến đào nhà xí. Bếp núc cũng do chúng tôi xây, dĩ nhiên nấu nướng cũng do chúng tôi. Đồ ăn thức uống thì nói cho có, chỉ toàn rau úng, cá ôi, gạo ẩm đầy sỏi cát. Khẩu phần thì ngày càng hạn chế. Trại cho như vậy là rất tốt để chuẩn bị chúng tôi vào học tập và đón nhận chân lý cách mạng và nếp song văn minh của Xã Hội Chủ Nghĩa.
Bài học gồm 10 bài. Nội dung và cách giảng dạy rất sơ đẳng. Mục đích không phải là thuyết trình lý luận Chủ nghĩa vô sản, mà chính là để ghép chúng tôi vào tội phản quốc, chống cách mạnh, là bắt chúng tôi phải nhận đã gây nhiều tội ác “trời không dung, đất không tha”, và phải thành khẩn khai tội lỗi càng nhiều càng tốt, càng khai nhiều tội thì càng sớm được cứu xét về lại với gia đình. Chúng tôi còn được khuyến khích, bắt buộc phải khai báo, phóng đại những “tội ác” có thật hoặc tưởng tượng của toàn thể các cấp của chế độ cũ. Dĩ nhiên là trại đã thất bại, chúng tôi đã “nín thở qua sông”, khai báo lấy có.
Sau cùng gần như toàn thể chúng tôi bị đưa ra miền Bắc.
'Học tập cải tạo' hay khổ sai, lưu đày?
III. Một chuyến ra đi, trên đất thù
Vào tháng 6/1976, giờ “đền tội” đã đến. Giống như Tết Mậu Thân, ở Huế, vì sợ tốn đạn, hơn 3,000 đồng bào bị chôn sống trong những nấm mồ tập thể, giờ này, để khỏi mang tiếng diệt chủng như Pol Pot ở Cao Miên, chúng tôi bị đày ra miền Bắc để chết lần mòn, suy kiệt ở các trại lao tù hẻo lánh của Thượng Du Bắc việt.
Chúng tôi xuống những chiếc chiếc tàu sắt dài khoảng 20 thước tại Bình Thủy, Cần Thơ. Qua một khung vuông, chúng tôi leo xuống một hầm bít bùng chật hẹp vừa đủ chỗ để ngồi sát nhau. Suốt 4 ngày đêm, với nắp hầm được khép kín, tầu lênh đêng không biết về đâu. Có anh trào phúng cho rằng: “chúng mình được đưa về phóng thích tại Saigon trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế để chứng minh chính sách khoan hồng của chế độ”, ai nấy đều ngao ngán, khoan hồng như thế này à? Cảnh người nô lệ thời Trung Cổ không thể tệ hơn.
Anh T.Đ.V, Trung Tá (dường như là bạn cột chèo với Tướng Ng.C.K) huỵch tẹt cho rằng: chúng nó đưa bọn mình ra Bắc chớ không có đưa đi đâu hết. Nghe ra ai nấy đều ngỡ ngàng. Miền Bắc xa vời lắm, đưa ra ngoải để làm gì?
Sau cùng thì đoàn tàu cũng cập bến. Vừa thoát ra khỏi hầm, ánh bình minh làm chóa mắt sau những ngày trong bóng tối. “Xem kìa, rặng núi nơi xa kia là rặng núi Bửu Long Biên Hòa, chúng mình sắp được về Saigon rồi!”. Đó là lần chót chúng tôi nghe nói đến 2 địa danh của miền Nam, vì hiện tại, chúng tôi đang đặt chân lên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, thành phố Vinh.
Xế chiều chúng tôi bị dồn vào những toa xe lửa để xuôi ra Bắc. Đường rầy xe lửa Xuyên Việt thời Pháp để lại, chiều ngang rất hẹp nên mỗi lần quẹo cua, thì xe chao đảo tưởng chừng như sắp ngã lúc nào không hay. Từ nay vĩnh viễn xa quê hương, sống chết có nghĩa gì!
Xe lửa chậm chạp đưa chúng tôi qua làng xã miền Bắc. Chúng tôi qua Thủ Đô Hà Nội nghèo nàn, vượt sông Hồng cạn nước, và đến một vùng đồi núi, cây cọ vùng Phú Thọ, đất của Tổ Hùng Vương. Trên toa xe, có một linh mục già nhìn ngọn cây cọ xa xa, mắt chan chứa đổ lệ, vì đây là quê của ngài. Là người đã lìa bỏ quê làng để vào Nam 20 năm trước, nay nhìn lại cố quận qua khe vách của của xe tù, bảo sao mà cầm được nước mắt! Cha ơi, con xin chia xẻ và cảm thông với mối xót xa của Cha.
Tối đến, chúng tôi đến một nơi không biết là đâu, đèn đuốc lu câm. Chúng tôi bị lùa xuống, và hối hả bị đốc xuống một chiếc phà gỗ nhỏ. Chiếc phà được kéo bằng giây luộc xuống một khúc sông khá rộng. Đó là phà Yên Bái vượt qua song Hồng. Chúng tôi bị tách rời thành nhiều toán, và rải rác phân phối khắp miền Tháp Bà, Lào Kay, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La… Nhóm chúng tôi được chất lên những xe Molotova và vất vả đoàn xe rồng rắn vượt qua núi đồi. Thế là hết, chúng tôi sẽ được đem đi dấu ở những đỉnh núi miền Thượng Du, để rồi như bầy cua bị nhốt cùng chung một rọ, lần hồi gãy gọng gãy càng chết lần chết mòn.
Đang mệt mỏi ngủ gà ngủ gật thi có tiếng quát: “tới rồi, tất cả xuống hết, khẩn trương tập họp…”. Thì ra trời vừa sáng, một khoảng đất trống đầy sương hiện ra trước mắt, chung quanh núi đồi, không thấy nhà cửa, trại lều… thật là hoang vắng, sơn dã. Quá xa lạ, ngỡ ngàng, chúng tôi như con người máy, lũ lượt làm theo lệnh. Tối đến chúng tôi ngã người xuống đất đầy cỏ gai và sâu, ngủ một giấc không hồn.Sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi thấy còn sống vì còn nhận ra được mặt mày thân thương của bạn tù. Từng cuộn khói bốc lên sau các ngọn đồi chung quanh. À, bạn hữu mình cũng được phân phối quanh đây.
Chúng tôi thuộc Trại 6, Liên trại 4 của Đoàn 776. Tất cả có 9 trại rải rác ở quận Phú Yên, tỉnh Sơn La, nghe nói cách Điện Biên Phủ 60km về phía Tây. Sau 3 tháng ổn định nơi ăn chốn ở, có nghĩa là làm từ con số không, với 2 bàn tay trắng chúng tôi đã xây dựng được trại, láng, và hang rào tre chia cách các khu. Chúng tôi sống như những người tiền sử, không đèn đuốc, không dụng cụ, không 1 cây đinh, khúc sắt.
Tuy nhiên việc tẩy não không hề thiếu vắng. Nào họp tổ, bình bầu, đấu tố (vâng đấu tố) nghĩa là kiểm thảo, tố cáo, vạch mặt, chửi bới, không thiếu mục nào. Những thức ăn chúng tôi dấu được sau nhiều đợt khám xét cạn dần. Cái đói, và bịnh đã xuất hiện.
Trời đã cuối Thu, se sẽ lạnh. Từng cơn gió ào ào thổi qua ngọn cây. Chúng tôi bắt đầu nếm mùi giá lạnh Thượng Du Bắc Việt.
Ngay sau khi đến đây được một tuần, một sang đang tập họp nhận lệnh công tác lao động trong ngày, một láng báo cáo vắng mặt 4 anh. Anh em xầm xì “trốn trại!”. Ai nấy đều cảm phục nhưng đầy lo âu cho 4 anh, thầm mong các anh thoát khỏi.
Bảy ngày sau, bốn anh mình mẩy sưng vù, máu me, cùm trói như con vật, bị vệ binh kéo xệt về trại, và bị giam nhốt riêng ra. Về sau bị chuyển nào biết nơi nào. Cả năm sau, anh B, một trong 4 anh, vì bịnh phong, được chuyển về Bịnh viện Yên Bái kể lại. Ngay ngày đầu, các bạn bàn với nhau và quyết định trốn trại. Các anh tích trữ khẩu phần ăn, muối, phơi khô. Tạm đủ, các anh rời trại vào buổi tối lối 11 giờ, tương đối dễ, vì vệ binh canh gác sơ sài. Nhóm gồm có một anh Thiếu Tá Biệt Động Quân, trước có tham dự trận Điện Biên Phủ. Anh hướng dẫn đêm đi, ngày nghỉ, hướng về phía Tây, cố vượt biên giới Việt-Lào, để tìm đường đi Thái Lan… Đến ngày thứ năm bị lộ vì quá đói, đào trộm sắn (khoai mì) của người Mường. Họ phát giác sắn bị đào, nên săn đưổi các anh ráo riết và bao vây các anh ở một ngọn đồi. Với giáo mác gậy gộc, họ lăn xả vào các anh, đánh đập, đâm chém, vừa la hét: “giết, giết bọn hút máu ăn thịt này, chính bọn này đã hãm hiếp, giết người, đốt làng xã của họ”. Toàn là những luận điệu tuyên truyền của nhà nước với người thiểu số.
Sau một hồi, tưởng là các anh đã chết, họ mới giao nộp cho công an xã và bọn này giải giao các anh cho bộ đội trại. Đó là trận đào thoát thất bại đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến.
Một buổi sáng, chúng tôi gồm khoảng 14 anh em gồm Y, Nha, Dược Sĩ được chọn từ 9 trại về 1 nhà tráng xi măng duy nhất của liên trại để thành lập bệnh xá. Nhà này nghe nói trước là nhà tù Sơn La của thực dân Pháp, giam cầm các lãnh đạo cộng sản đầu thập niên 40. Cùng với 5 anh em được chuyển về từ các trại khác, chúng tôi bắt đầu vào việc chuyển nhà giam thành bệnh xá. Từ tay không, và không phải tay nghề,chúng tôi đã dựng nên được một nơi mà chúng tôi hy vọng các an hem đồng cảnh tù bị bịnh sẽ tìm được sự chăm sóc, hoặc ít nhứt là sự an ủi cảm thông, vì chúng tôi thưa biết phương tiện y tế và thuốc men kể như là số không.
Quả vậy, sự hiện diện của chúng tôi, những người áo trắng, giữa cảnh tù tội, đã đem lại cho anh em tù một nguồn an ủi. Vì trong mấy tháng vừa qua, một số chúng tôi đã giúp nhiều đồng đội trong cơn bệnh hoạn, ngay cả đã giải phẫu một, hai trường hợp cứu cấp khá thành công, cán bộ, bộ đội cũng lén lút đến nhờ chúng tôi cứu chữa, hoặc xin thuốc “con nhộng” (Aureomycine, Terramycine…). Phần nào chúng tôi cũng có được sự nể nang âm thầm, nhưng vẫn phải chịu chung sự đối xử nhục nhã, thô bạo của kiếp tù. Nhứt là trong những buổi học tập chính trị không thể thiếu.
IV. Lên đồi - xin nhận nơi đây là quê hương
Anh em bịnh hoạn từ các trại được chuyển về. Có gì đâu để chữa trị, nhưng ít nhất cũng không phải lao động.
Và cái chết đầu tiên xảy ra: đó là một anh Trung Tá bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Thật đau lòng. Tuyệt vọng không phải vì không thuốc chữa, nhưng mộng ước được chết giữa người thân yêu xa vời, mặc dù đã nhiều lần xin cứu xét.
Anh ra đi! Một kiếp người. Ai nấy đều tủi cho số phận của anh và cũng của chính mình.
Anh thứ hai là một Trung Tá của Quân đoàn II. Anh được chuyển đến để làm lao động cho bệnh xá. Anh rất yếu, bị “xơ gan cổ chướng” (Cirrhosis), anh cùng tôi nằm gần bên nhau. Anh rất hiền lành. Tôi không nghe anh than thở, xin hỏi thuốc men. Một tối, anh mửa ra máu và ra đi. Tôi tiễn người bạn tôi lên đồi.
Nhưng có một anh khi ra đi đã gây trong lòng tôi một nỗi buồn sâu đậm. Anh đến bịnh xá vì có vẻ khác thường: thầm lặng và biếng ăn. Một đêm anh lên cơn làm náo động cả bịnh xá. Vệ binh ôm súng lên cò la hoảng: “tù binh thoát trại”. Chúng tôi giữ yên được anh. Sáng ra, ban quản giáo ra quyết định cách ly (nhốt riêng) anh. Anh hoàn toàn mất trí. Tôi tình nguyện săn sóc anh. Tôi sống với anh 24/24 ở một chòi cách ly. Giữa mùa Đông giá lạnh, sống và chăm sóc một người lú lẫn nặng không phải dễ. Ban ngày đút cho anh ăn chiếm cả thì giờ. Tối lại, anh thường lên cơn, vì bóng tối khiến cho anh hoảng sợ, tôi phải canh anh suốt canh dài. Cả một sự kiên nhẫn, ân cần giữ anh sống được qua ngày. Rồi anh yếu dần và ra đi sau một cơn động kinh. Tôi chăm sóc anh như một người thân. Anh đi rồi, tôi buồn lắm.
Một buổi tối, cận Tết, chúng tôi nhận lệnh đón một bệnh nặng từ trại 9 chuyển đến. Đến 4 giờ sang anh mới được võng đến (anh nằm trên võng do hai anh gánh đến). Anh bị bịnh viêm màng bụng (peritonitis) đã 2 ngày, tình trạng rất nguy kịch. Cán bộ ra lệnh “phấn đấu giải phẫu!” Trại mộc gần bên “khẩn trương” đóng bàn giải phẫu. Anh V.T.A (cựu Thứ Trưởng Bộ Chiêu Hồi) được lệnh đi bệnh viện Phú Yên (cách 7-8 km) xin tiếp liệu y cụ và dược phẩm cần thiết cho cuộc giải phẫu. Phải đến 2 giờ chiều anh mới về trại. Anh kể, anh phải chờ, Bác sĩ bệnh viện đang bận giải phẫu. Và bác sĩ quả thật đang mổ heo, vì ngày hôm nay là ngày bệnh viện được cấp 1 con heo. Bác sĩ mổ thịt chia bán cho nhân viên. Anh A. mang về được một chai nước cất, 2 ống ether, 2-3 cuộn bang. Thế thôi.
Chưa có ca giải phẫu nào mà có nhiều bác sĩ, dược sĩ tham dự như vậy, và cũng không có cuộc giải phẫu nào mà y dụng thô sơ đến như thế. Đánh ngủ bằng đổ Ether qua một lớp bông gòn, bịt ngay lỗ mũi. Cuộc giải phẫu rất đơn giản. Thành bụng lép xẹp, không mỡ, bị rạch mà không chảy máu (có máu đâu mà chảy). Ổ bụng có mủ, một cọng rễ (có lẽ là rễ một loại rau dại) đâm thủng thành ruột non mỏng dánh. Phải nương tay lắm mới khâu được lỗ thủng. Và cũng vừa lúc bệnh nhân cựa quậy ra khỏi cơn mê vì đã hết Ether từ lâu. Thành bụng không khâu, sợ bịnh nhân chết vì quá yếu, chịu đau không nổi.
Hai ngày sau, khi chúng tôi lao động trên núi, có tiếng kẻng từ Bịnh xá gọi về. Qua khỏi cổng, chúng tôi nghe: “Gi. đã địt được rồi!” Ai nấy đều mừng, đường ruột của anh Gi… đã hoạt động. Và chúng tôi có được những ngày Tết ấm cúng bên cạnh đống củi khô cháy rực giữa phòng, với sự bình phục của anh Gi., một Gi.. , cựu Tiểu đoàn Trưởng Biệt Động Quân vui tính và rất tiếu.Sau Tết, riêng mình tôi bị “biên chế”. Tôi người trẻ nhứt, bị tách rời để đổi đi Yên Bái. Anh em ái ngại nhìn tôi trèo lên xe Molotova chở đầy bộ đội xa rời liên trại.
V. Bệnh viện Yên Bái - Đoàn 776
Vào khoảng trưa, tôi qua phà Yên Bái, và được đến một ngọn đồi, mênh mang giữa bao ngọn đồi- Nơi đây tôi gặp lại Ng. Tr. B., Trung Tá Công Binh trước cùng nằm bên nhau ở trại tù Cần Thơ. Anh và một nhóm anh em được điều động đến xây dựng một lều tạm để bắt đầu xây dựng bịnh viện xử dụng chung cho trung đoàn 776 và tù cải tạo.
Lần hồi tụ tập thêm một nhóm anh em Hạ sĩ quan Cảnh Sát Quốc gia, trước bị giam ở Phú Quốc ,và 3 bác sĩ tuyển mộ từ các trại Tháp Bà, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ.Chúng tôi lại xây dựng từ con số không, với 2 bàn tay trắng. Đến khi vào sinh hoạt, chúng tôi có 1 khu cho chỉ huy trại, khu cho cán bộ quản giáo, khu giải phẫu và điều trị cho đoàn 776, khu dành cho bệnh nhân cải tạo, một nhà chờ xuất viện, một khu nhà bếp, một gian nhà cho tù cải tạo phục vụ bệnh viện, và một khu cách ly.Chúng tôi xây được một cái giếng ciment, và những cầu xí 2 ngăn.
Không bao lâu, bệnh viện lác đác nhận bịnh, bộ đội, cán bộ riêng, tù cải tạo riêng. Ba anh bạn bác sĩ được phân phối phục vụ Bịnh viện, cùng với một số anh em già yếu. Tôi được sắp cùng với số còn lại để lao động nặng. Ngoài ra, có một số được chia ra để làm mộc, đóng bàn ghế, rương hòm cho cán bộ, và một số khác phụ trách trồng trọt tăng gia nuôi cả trại.Tôi ở đây từ đầu năm 1977 đến cuối năm 1978. Nơi đây tôi chứng kiến vực thẳm của tù đầy và sự vinh quang của sự đổi mới.
VI. Hai bạn trong số bạn hữu lại ra đi
Đúng vậy, thời buổi này là tệ hại nhất. Thiếu ăn, rét lạnh, và dịch bệnh tàn phá chúng tôi không thương tiếc.
Không thăm nuôi, không tin tức gia đình, lao động nặng, khí hậu khắc nghiệt đã quật ngã chúng tôi. Chúng tôi là những xác không hồn, những sinh vật bò bốn chân, lê lết ba chân. Anh em chúng tôi thi nhau ra đi. Riêng tại bệnh viện, những anh em may mắn được chuyển đến, để rồi cũng tiếp tục ra đi. Làm gì được? thức ăn không có, lấy gì có thuốc mà cầm cự. Chúng tôi hết đào huyệt rồi lại đào mồ. Chúng tôi liên tục vác các anh em chúng tôi nằm trong 6 tấm ván mục sơ sài xuống đồi. Có lắm lần đường đồi trơn trượt, chúng tôi chúi nhủi, hòm các anh rớt xuống, lăn đè lên chúng tôi. Đâu đó có tiếng cầu nguyện: “Quý anh ơi, xin ra đi thanh thản, chớ bận bịu mà ôm chúng tôi làm gì, tội chúng tôi lắm…”.
Tôi nhớ rõ hai trường hợp:
*Anh Ph Q T, Trung Tá giải ngũ. Anh bị sơ gan cổ chướng. Bụng to như trống chầu, da bụng mỏng tanh. Trong gói quà mà tôi nhận được lần duy nhất từ khi ra Bắc, có một gói bột Bích Chi. Tôi đem tặng anh, anh không nhận, tôi phải thuyết phục anh: “anh dùng đi,cái này rất tốt, vì theo phương pháp dưỡng sinh Nhật Bản, bột gạo lức có rất nhiều chất bổ dưỡng trị được sơ gan”, Anh nhận, nhưng anh biết rõ tình trạng sức khỏe của anh. Một đêm, anh ộc ra từng bụm máu. Tôi ngồi bên anh, giữ anh ngồi để máu không tràn vào phổi, anh thì thào: "Bác sĩ cho tôi nằm". Anh nằm xuống, gương mặt xanh xao, nhưng tỉnh táo: "Bác sĩ, tôi yên tâm có bác sĩ bên cạnh, tôi chết không tiếc nuối. Bác sĩ có được thả về, nhớ ghé nhà tôi báo tin dùm".
- Anh T, tôi xin hứa. Anh có muốn tôi rửa tội cho anh không?
- Xin Bác sĩ giúp tôi.
- Tôi rửa tội cho anh Phêrô T, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Anh T lạnh dần và ra đi.
* Anh Trung Tá L V Ng, người hùng Tống Lê Chân
Anh đến bịnh viện từ lúc bắt đầu. Anh bị bướu ác tính vòm họng, di căn qua các hạch ở cổ và vòm họng, bóp nghẹt khí quản và thực quản. Anh thở và ăn uống rất khó nhọc. Dáng anh rất thư sinh, một thư sinh rất ốm đang vật lộn với căn bịnh ngặt nghèo. Sáng nào cũng vậy, anh để cả tiếng đồng hồ để cố khạc nhổ đờm dãi ứ đọng trong cổ, để rồi dùng cả buổi để cố gắng nuốt thử hạt bo bo. Nếu có hình ảnh kiên trường chiến đấu cùng tử thần, thì đó là hình ảnh của anh. Hình ảnh thảm thương của cuộc chiến đấu vô vọng trong thầm lặng anh dũng (gémir, crier, ce n’est que lâche!), anh kéo dài được hơn một năm. Ngày cuối của anh là một đêm rất lạnh. Tôi ngồi cạnh anh, anh rất yếu, khó khan lắm mới rót được một hơi mỏng manh. Anh bảo: “chắc… tôi… chết”, tôi ái ngại xoa bóp lưng anh, tôi không biết nói chi.
Chôn cất anh xong, nhớ lại câu trối của anh: “chắc tôi chết!”, tôi mới hiểu sự quyết tâm của anh chống lại cái chết để anh về với gia đình, cho đến hơi thở cuối cùng anh mới : “chắc tôi chết”. Anh Ng ơi, người chiến sĩ già không bao giờ chết, họ chỉ thoáng qua thôi.
VII. Những Tướng VNCH đã qua bịnh viện Yên Bái
* Chuẩn Tướng Ph H Th, Cục Trưởng Cục Quân Y đến bịnh viện không phải để được điều trị, mà chỉ để tạm trú qua đêm, để hôm sau xuôi về Nam, có lẽ để được phóng thích. Chúng tôi rất vui mừng, “hồ hởi” vì ông là người đầu tiên thoát khỏi thiên đường Cộng sản.
* Thiếu tướng Đ V Qu, cựu Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt đến bịnh viện vì bị đau dạ dày. Là Tướng lãnh của Quân lực VNCH, ông không bao giờ hạ mình tuân lịnh nội quy bịnh viện: nghiêm chỉnh đứng chào cán bộ mỗi khi họ vào phòng. Bọn nhóc tì vô cùng tức giận, hoạnh họe chửi rủa cộc cằn. Chúng liền trả ông về trại cũ. Có sao, ở đây cũng chẳng có thuốc men, khác chi ở trại. Tôi được biết ông mất một thời gian sau đó, và cũng chẳng có thuốc thang gì.
* Thiếu Tướng Ng X Tr, Bộ Tổng Tham Mưu, được đưa đến bịnh viện trong cơn đau đớn tột cùng của Acute Glaucoma Crisis (cơn đột phát tăng nhãn áp cấp tính). Ông đến không đúng lúc vì lúc đó bịnh viện đang có một phái đoàn y tế cao cấp đến công tác, phổ biến và nâng cao trình độ y-học cho cán bộ bịnh viện. Họ đem trường hợp của ông đễ giảng dạy và phô trương. Họ đem ông vào phòng mổ, và biểu diễn tài giải phẫu, bằng mổ và móc mắt ông. Đây là cach điều trị siêu hạng Xã hội Chủ nghĩa. Từ nay một Tướng VNCH nhờ được ta cứu, nhìn vinh quang Cách mạng với một con mắt đầy cảm phục!
* Y sĩ Thiếu Tướng V Ng H, cựu Cục Trưởng Cục Quân Y đến vì bị sa bẹn (hernia). Sợ trường hợp của Thiếu Tướng Tr tái diễn, anh bạn bác sĩ Ph T L nài nỉ xin được làm phụ mổ. May phước, Tướng H được tai qua nạn khỏi. Ông được xuất viện trả về trại cũ sau khi được mổ khá bình thường.
* Một ông Tướng của Thống Tướng Tưởng Giới Thạch, tình nguyện phục vụ cho Quân Lực VNCH được đưa đến bịnh viện vì bị đái ra máu do nhiếp hộ tuyến bị sung. Ông rất hề hà, nói không rành tiếng Việt. Không thuốc men gì, trả về trại thôi.
VIII . Một tù cải tạo hào hùng - Một bạn vàng
* Ở bên trại 4 Hoàng Liên Sơn có một cải tạo viên rất nổi tiếng. Từ Nam ra Bắc, anh có cuộc sống rất hào hung, dọc ngang trời đất, trên đầu nào có ai. Anh sống rất hiên ngang, coi bọn cán bộ không ra gì. Anh có cái hay là lúc nào anh cũng thoát khỏi đòn thù của bọn họ. Đó là Tiểu Đoàn Trưởng Nhẩy Dù Ng L. Tôi được kể lại khi ở trại Sơn La, một sáng ra ngoài lao động, đội đang đi thì có một thiếu phụ người Dao (đồng bào Dao rất nổi tiếng vì cái đầu tóc rất bù xù, một năm mới tắm gội một lần) đi ngược chiều. Anh L bỏ hàng ngũ và bước tỉnh bơ theo gót người đẹp và chung sống được một tuần. Nhớ bạn bè, anh lại trở về trại, không nghe nói anh bị hình phạt ra sao, chỉ biết một thời gian sau, anh được chuyển đến bịnh xá của các bạn đồng nghiệp cũ của tôi, vì chảy máu hậu môn (trĩ). Các bạn đồng nghiệp tìm cách chuyển anh về bịnh viện Yên Bái. Anh có đến gặp tôi và chuyển lời chào của các bạn cũ.
Một thời gian sau, anh xuất viện, nằm ở Khu chờ đợi trại cũ đến lãnh về. Một bữa lúc 4:30 giớ sang anh âm thầm ra trại, đem theo quần áo bạn bè ra chợ Yên Bái đổi lấy thức ăn, bánh trái và ăn uống suốt ngày thoải mái. Đến 11 giờ đêm anh lục tục đi về. Trong nháy mắt, anh quăng phắt tất cả bánh trái cho anh em, vừa đúng vệ binh chạy đến bắt và còng anh đi. Sáng sớm tôi ra giếng rửa mặt, gặp anh bị còng trói phơi người trong đêm lạnh. Tôi nhìn anh đầy thán phục, anh nhìn tôi mỉm cười coi như trò chơi. Anh thật là một hảo hán trong cõi lao tù.
* Đồng thời ở bịnh viện Yên Bái có một anh rất được mến mộ, anh Đại Úy Thiết giáp T.T.V. anh có dáng như môt ông Địa, tay chân, bụng, mặt no tròn, sung phù. Cái miệng như lúc nào cũng cười toe toét. Anh bị viêm thận vô niệu, mỗi ngày chỉ đái được vài giọt nước đỏ lòm. Và cũng không có thuốc men gì cả. Trong gói quà tôi nhận được có ít viên B1 nội hóa, tôi đem cho anh uống. Do sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong đêm anh đi đái được và đái rất nhiều. Sau 2 ngày, anh như ông già Michelin bị xì hơi thành một anh hề Hardy ốm lòi xương. Chúng tôi trở thành đôi bạn đầy cảm thông. Chúng tôi không nói gì với nhau nhiều, nhưng mỗi lần gặp nhau chúng tôi thấy vui trong long.
IX. Một sự hồi sinh
Thời gian ở bịnh viện Yên Bái là thời gian khổ tâm vô cùng. Tôi tìm lại nguồn an ủi bằng cach ôn lại trong đầu, những bài giảng đạo khi tôi còn học trường Lasan Taberd. Một ông Trung Tá cho tôi mượn đọc một cuốn sách Kinh mà ông dấu được. Hằng đêm tôi đọc kinh thầm và suy gẫm lời Thánh kinh. Lần hồi trong tôi xâm nhập long thương xót và hoài niệm về Tình Thương. Cái đói lạnh, cái khổ thể xác và tinh thần vẫn còn đó, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Chung quanh tôi có rất nhiều gương của long tốt, tình người. Bọn tôi không ai có thể thoát chết mà về được với gia đình nếu không có sự giúp đỡ, chia xẻ, săn sóc và an ủi của anh em đồng cảnh tù. Về sau tôi được chứng kiến nhiều cảnh cảm động của những cụ già, những thiếu phụ xanh xao ốm yếu, những trẻ thơ gầy guộc ngơ ngác, lặn lội từ xa, gồng gánh những gói quà ra nuôi và cứu chữa an hem chúng tôi. Chính tình yêu của gia đình đã vực chúng tôi khỏi vực thẳm của tử thần.
Tôi cũng đã chứng kiến, trong cảnh lao tù thiếu thốn, một số trong anh em chúng tôi đối xử đầy tình người với chính những kẻ đã đối xử chúng tôi như kẻ thù, và chúng tôi cũng giúp đỡ được đồng bào trong những trường hợp hy hữu. Ngược lại, không ít trường hợp chúng tôi cũng nhận được lòng tốt của cán bộ, vệ binh và đồng bào, tuy là lén lút.
X. Một thời buổi đáng ghi nhớ - Sưởi ấm ở Quảng Ninh
Thuở đó, vào cuối năm 1978, có tin đồn có vấn đề biên giới Việt - Trung. Đoàn 776 có dấu hiệu “biên chế”. Khu dành cho Đoàn bị giải tán. Bên cải tạo thì có nhiều trường hợp chuyển trại. Còn lại một phần nhỏ để thanh toán trại và 40 anh em bịnh nhân quá yếu không thể chuyển trại được. Tôi được trại “bố trí” để lo cho 40 anh em này để chuyển tới một địa điểm mới.
Lần đầu tiên trại mướn 2 chiếc xe dân sự, loại Volswagen 14 chỗ ngồi, chở chúng tôi về Quảng Ninh, một trại tù dân sự do Công an quản lý. Chúng tôi bị nhốt trong một phòng gạch có 2 hàng băng xi măng, có từng trên bằng gỗ làm giường ngủ. Nơi đây có 2 cụ già rất yếu, còn xót lại sau đợt chuyển trại của các viên chức cao cấp chế độ Cộng Hòa, trong đó có Đại Tá V. V. C cựu Đô Trưởng Saigon. Một cụ là chủ đò Thủ Thiêm, một cụ là Khóm trưởng. Hai cụ vì bị thù oán cá nhân với bọn cách mạng 30 địa phương mà bị đày ra đây. Hằng ngày một Trung úy công an với một tù hình sự đến mở cửa sắt, điểm danh, cho tù hình sự đem nhiều bó tre đến để cho chúng tôi đan rổ rá. Chiều đến, ông đến kiểm điểm thành quả lao động trong ngày và nhốt chúng tôi lại vào “chuồng” và đương nhiên là không có thuốc men cho mỗi ai. Ông chỉ định tôi chịu trách nhiệm anh em.
Những ngày đầu chúng tôi rất khốn khổ, chia ra từng nhóm riêng rẽ, và có xảy ra hục hặc tranh chấp. Một bầu không khí nặng nề khó chịu bao trùm chúng tôi, ai nấy nặng chĩu ưu tư, lo sợ. Cảnh thế này, thì khó tránh được điều tệ hại nhứt.
Chúng tôi cùng quyết tâm với nhau:
- Không có thuốc, thì phải cố gắng tránh cho bịnh không trở nên trầm trọng.
- Không ăn uống đầy đủ, thì phải tiết kiệm năng lượng.Làm sao?
- Lao động tối thiểu.
- Ngủ nhiều để dưỡng sức, vì mất ngủ sẽ hao mòn sức khỏe rất nhanh.
- Tránh buồn phiền ưu tư và gây gổ.
- Nâng cao tinh thần bằng vui ca, và tự hào về đời sống “Ngụy” của chúng mình.
Từ đó chúng tôi làm việc cầm chừng. Nhiều anh sinh hoạt làm thơ, học đờn, sáng tác nhạc. Tối lại chúng tôi đờn, ca hát nhạc vàng, kể nhau thành tích quá khứ, truyện chưởng và truyện tiếu lâm. Và chúng tôi đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Chúng tôi có cuộc sống bất chấp kỷ luật và nội qui trại (cùi rồi đâu sợ lở). Cũng may, ông Trung úy và cả trại dường như bỏ bê chúng tôi. Chúng tôi đâu có hay rằng chúng tôi được đoàn 776 chuyển đến đây để tạm trú, trong những ngày tháng giá lạnh của mùa Đông. Chúng tôi đã qua được những ngày lạnh giá mùa Giáng Sinh và mùa Tết 78-79 đáng ghi nhớ nhất, vì chúng tôi đã sống như con người của chúng tôi trước năm 75. Không một ai trong chúng tôi bị trở bịnh và mệnh hệ.
XI. Trại Mễ Nam Định, rửa tội và về Nam
Ra Xuân, vào tháng 4/79 chúng tôi được trả về trại Nam Hà do công-an quản trị. Chúng tôi được đưa đến trại Mễ, trại bịnh của hệ thống trại tù Nam Hà. Trại này ở ngoại ô Phủ Lý, Nam Định, cạnh một nhánh của sông Mã. Trại có rất nhiều anh em cải tạo bệnh nặng từ các trại từ Nam Hà chuyển đến. Hằng đêm tiếng còi hú của đoàn tàu xuôi nam làm không ít anh em thức giấc đêm dài.Tại đây chúng tôi bắt đầu được gia đình ra thăm nuôi, và trại cũng bắt đầu kinh doanh làm tiền bằng cuối tuần nấu phở bán cho cải tạo viên, hoặc trao đổi lén lút hang hóa. Và cũng tại đây bắt đầu có những đợt phóng thích. Mỗi lần thấy một số trong 40 anh em chúng tôi được về xum họp cùng gia đình, trong tôi có một cảm giác mừng vui khó tả.
Đặc biệt nơi đây, cha H (tô gọi thân mật như vậy) linh mục dòng Đồng Công đã rửa tội cho tôi dưới sự chứng kiến của một vài anh em Công Giáo.Ban trật tự sắp xếp tôi làm công tác y tế cho trại. Đó là mỗi sang sớm khám những anh em khai bịnh để khỏi lao động. Đã nói nơi đây là trại bịnh, nhưng ban điều hành lại vẫn bắt anh em lao động, dù là chẳng có gì, nhưng mục đích vẫn là đày ải. Vì vậy anh em nào không muốn lao động thì tôi cứ ghi thuận “miễn lao động”, cùng lắm thì tôi sẵn sàng bị đuổi, trỏ về cùng với anh em lao động.
Rồi một ngày tôi được kêu lên trại “làm việc”. Tôi bị bắt ký vào một tờ giấy khai tôi không bị hành hạ ở trong các trại cải tạo.Hôm sau, một mình tôi bị chuyển trại. Tôi buồn và hoang mang, nhưng sau hàng rào, sao lại có một vài anh em vẫy tay chào tôi vui vẻ? Tôi được đưa vào trại A, Nam Hà vào ngày lễ 2/9. Gặp lại một vài bạn các trại tù cũ, tôi được biết nơi bịnh xá trại này đã đã quy tụ các anh em đồng nghiệp đã ở cùng chung trại ở Sơn La.
Sáng hôm sau, chúng tôi độ 14 người được tập họp ở một khoảng sân trống. Nhìn lại toàn là anh em chúng tôi, đều là những Y Nha Dược sĩ của các trại tù miền Bắc. Một cán bộ tuyên bố: “các anh được tự do, chúng tôi sẽ đưa các anh ra ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Chúng tôi sẽ trao các anh vé tàu lửa và tiền lộ phí. Kể từ đây chúng tôi hết trách nhiệm về các anh”.
Chỉ có vậy, vào tù cũng không có lệnh, ra tù chỉ là lời nói! Tôi giữ lại một kỷ niệm với Thủ đô Xã hội Chủ nghĩa bằng ăn một tô phở ở chợ Đồng Xuân. Tưởng là bát phở nổi danh của Hà Nội 36 phố phường, nhè đâu là tô phở nhạt nhè Xã hội Chủ nghĩa mà ngay cả tôi, một tù cải tạo đói khát cũng không thưởng thức nổi!
XII. Từ tù nhỏ ra tù lớn
Sau 4 ngày 5 đêm thì chúng tôi cũng về được đến Sài Gòn (à quên Hồ chí Minh) thân yêu. Ga Bình Triệu hơi vắng. Chúng tôi xuống sau cùng một vài bạn được gia đình đón rước. Rồi tất cả cũng rời đi, còn lại tôi và một anh bạn nha sĩ trẻ, không tiền, không thân nhân. Một bác phu xích lô máy đồng ý chở chúng tôi về nhà, trả tiền sau. Mà nhà nào? Nhà tôi quanh chợ Bà Chiểu, gần rạp hát Cao Đồng Hưng nay còn đâu? Thôi thì về nhà ông bà già vợ ở đâu đó ở Hóc Môn. Trong thơ duy nhất mà tôi nhận được, ba má nhà tôi bị đuổi ra khỏi nhà ở trong nha Mục Súc, và có về Hóc Môn, ở ấp Cây Sộp làm trại nuôi heo. Bác xích lô máy chở chúng tôi qua Hạnh Thông Tây, đến chợ Cầu. Nơi đây có vài trại nuôi heo, và hỏi thăm trại của bác sĩ Tư. Và đây rồi, chúng tôi cũng tới được: “Ba má ơi, con về đây!”.
Tiếng chó sủa rân, một ánh đèn dầu bật sang. Em vợ tôi bật cửa chạy ra. Vào nhà, ba má già nua thấy rõ, nhìn hai chúng tôi ngỡ ngàng và thương hại.
Hai tin đang chờ tôi.
- Má tôi và cả gia đình bên tôi đã vượt biên và hiên đoàn tụ cùng một người chị và một người anh đã ra đi từ 4/75. Ngoại tôi 84 tuổi cũng đi theo vượt biên, bà thở hơi cuối cùng khi vừa đặt chân trên đảo Bidong. Bà đã hy sinh cho con cháu được sống. Ngoại ơi, ngoại... ơi.
- Tin thứ nhì là nhà tôi và thằng con trai 10 tuổi đang ở miền Bắc, tìm cách thăm nuôi tôi.
XIII. Một thiếu phụ, 2 con giữa giữa bầy thú dữ
Nhà tôi là một trong 2 bác sĩ chế độ cũ còn lại phục vụ cho Bịnh viện Long Xuyên. Nhà tôi phụ trách ngoại khoa và giải phẫu, làm việc rất bận rộn và vất vả. Cùng với toàn thể nhân viên chế độ cũ, nhà tôi được ban giám đốc và lãnh đạo đối xử như ngững công dân hạng hai (second class citizen). Vào thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhà tôi và 2 con sống rất chật vật và thiếu thốn như mọi người. Không được tin tức của tôi là nỗi đau lòng luôn luôn canh cánh bên lòng. Nhà tôi cằn cỗi và tiều tụy trông thấy. Đã vậy có lắm lần bọn cách mạng tìm cách lại ve vãn nhà tôi. Có một anh chàng đến nói thẳng: ”thằng chồng của cô sẽ không bao giờ được thả về, có thế mới bắt cô ở lại phục vụ bịnh viện chớ. Cô nên sớm lo liệu cho cô đi!”.
Rồi có lần hắn đến dằn một cái cộp, cây súng lục trên mặt bàn và nói: "nhiều khi lời nói không đem đến kết quả, thì vật này sẽ làm được việc". Cũng may, hắn ta, có lẽ có quá nhiều thành tích, nên bị chuyển công tác khỏi tỉnh.
Khi chuẩn bị vượt biên, má tôi cũng kêu nhà tôi cùng đi, bảo rằng: “biết bao giờ thằng Bình mới được thả về!”. Nhà tôi vâng lời. Trùng vào ngày nhà tôi và 2 con đi theo chị tôi xuống rước để xuống ghe trốn đi, thì nhận được lá thơ duy nhất của tôi gởi về từ Yên Bái. Nhà tôi nẩy ra ý: nếu nhà đi vượt biên thì bao giờ tôi mới được ra tù? Vì vậy vào giờ chót nhà tôi ở lại. Cũng may tối hôm đó, thằng con trai lên cơn sốt, nó bị sung màng óc. Số nó còn hên, nên được cứu chữa kịp thời. Có một bạn tôi, bác sĩ Đ.H.Đ làm ở Châu Đốc. Anh bị sắp cho đi tù vì bị kết tội là cố tình mổ chết một cán bộ. Nhà tôi cho anh hay và nói anh khai bịnh để chuyển từ Châu Đốc xuống Long Xuyên để nhà tôi gấp rút chuyển anh về Bịnh Viện Bình Dân vì quá khả năng điều trị. Trước khi đi anh kịp thời bảo nhà tôi “chị ráng lo cho thằng Bình, chớ không thì nó sẽ chết ngoài Bắc". Anh cho nhà tôi địa chỉ của bạn cùng lớp, BS N.V.Tr, anh này là em Thứ trưởng Bộ Y Tế, Sáu Cương.
Nhà tôi liền lên gặp anh Tr và Sáu Cương. Ông này nói thẳng “ai tôi cũng muốn xin về để phục vụ nghành y tế rất thiếu bác sĩ, nhưng vừa lãnh xong, vừa về, thì hôm sau lại đi vượt biên tuốt luốt. Coi kìa, Bác sĩ T.Ph.L cũng là bạn của Tr và chồng cô, tôi lãnh về xong thì cũng vượt biên mất rồi. Vậy cô có bảo đảm với tôi rằng nếu được lãnh ra về, anh Bình và cô có hứa sẽ ở lại phục vụ hay không?”.
Nhà tôi trả lời ngay tức thì “danh dự không cho phép tôi hứa những gì trong tương lai thời thế không cho tôi giữ được”.
Quả là câu trả lời quá bộc trực của dân miền Nam. Ông Sáu Cương cảm thông và đích thân viết một đơn xin lãnh chồng và đưa cho nhà tôi ký. Vừa về lại Long Xuyên thì có một cô em đến cho nhà tôi hay; "em mới vừa thăm ba em ở tù ngoài Bắc vừa về. Ba em cho biết Bác sĩ Bình đang ở cùng trại với ba em, và bác sĩ Bình bịnh rất nặng, bà bác sĩ đi thăm mau đi, kẻo không kịp”.
Tin này loan ra mau, rất nhiều người thân đến giúp nhà tôi chuẩn bị đồ đạc để gấp rút ra thăm tôi. Cùng lúc trong bịnh viện có một bịnh nhân già bị thổ huyết nặng vì loét bao tử. Nhà tôi mổ khẩn cấp. Hôm sau trước khi về Saigon để ra Bắc, nhà tôi vào bịnh viện hậu phẫu thăm ông. Con ông cám ơn nhà tôi: “nghe nói bác sĩ sắp ra thăm ông ở ngoài Bắc, tôi có thể giúp bác sĩ mua vé máy bay”. Thời buổi này mà đòi đi thăm chồng bằng máy bay thì chuyện không tưởng, nhà tôi không chú ý lắm. Cho đến khi đến ga xe lửa Saigon mua giấy, thì được bảo rằng phải đăng ký một tuần lễ mới có vé, nhà tôi mới đến nhờ mua vé máy bay, và mua được 2 giấy cho cả hai mẹ con ra Bắc. Hôm sau nhà tôi và thằng con trai được cô B, một bệnh nhân cũ đến đưa ra phi trường. Tại đây công an đòi phải xuất trình thẻ công nhân vì trên vé máy bay ghi tên nhà tôi là công nhân công ty xăng dầu đi công tác ở Hà Nội. Cô B liền bảo nhà tôi đứng chờ, cô chạy lên lầu và trở xuống với một cán bộ. Ông này là cháu của cô và cũng là trưởng công an phi trường. Ông can thiệp cho nhà tôi được lên phi cơ. Phi cơ rất dơ và chở toán người ngoại quốc, có lẽ là người Liên Xô.
Đến phi trường Nội Bài cũng hơn 9 giờ tối. Phi trường rất tối và đe dọa. Trên xe ca về Hà Nội có 2 thanh niên trẻ măng mặc quần áo bộ đội, 2 em giúp nhà tôi cất đố đạc lên xe, vì quá nặng nề cho mẹ con nhà tôi. Nhân tiện nhà tôi nhờ hai em xem 2 địa chỉ nhà tôi được giới thiệu để tá túc trong thời gian thăm tôi, và coi nơi nào thích hợp nhứt. Xem xong, hai em nói “địa chỉ thứ nhất thì ở giữa Thủ đô, nhưng ở tận từng 5, không tiện, vì khi chị lên đến đó và trở xuống thì đồ đạc bị chúng khuân đi mất rồi. Địa chỉ thứ hai thì ở ven đô thành, tiện hơn và phải đi xe hơi”.
Hai em phụ chất đồ lên xe lôi, một loại cyclo như trong Nam, nhưng không có gối có đệm.Nhà tôi gởi hai em một chút tiền để dùng café, hai em tuyệt nhiên từ chối: “2 em giúp chị vì thấy đồ đạc quá nặng nề, thế thôi”.
Nhà tôi đến nơi, thì đây là một ngăn nhà rất nhỏ, phía trước chưng bán tạp hóa, phía sau là một cái phản để làm giường ngủ. Anh chủ nhà bảo: “cô là bạn của cô Minh nhờ chúng tôi giúp đỡ. Như cô thấy chỗ chúng tôi quá chật. Thật tình nếu cô không ngại, chúng tôi sẽ đưa cô đến một người bà con ở ngoại ô, cô có thể tá túc được?". Ông mới cho một em bé gái đạp xe hướng dẫn bác xe lôi chở mẹ con nhà tôi đến Ngã Tư Sở (về sau chúng tôi cố tìm đến để tạ ơn thì không thể tìm ra, Hà Nội biến đổi quá nhanh). Nơi đây là một nhà xưa, có 2 chái. Chủ nhà vui vẻ cho trú ngụ. Nhà giữa thì có 2 phản cho 2 vợ chồng và 2 con. Bà cụ của chủ nhà ở 1 chái, bên chái kia thì vợ chồng em chủ nhà ở. Hai đứa con bị đuổi đi sang qua ở bên chái của vợ chồng người em, để chỗ cho mẹ con nhà tôi. Khoảng 1 giờ đêm, nhà tôi nghe lục đục ở trước và tiếng xì xầm. Ông chủ nhà làm ca đêm vừa về. Sáng ra anh chủ nhà cũng tên Tường trùng tên với nhà tôi bảo: “cô ra thăm chú ấy ở Phủ Lý, đồ đạc nhiều quá, chuyên chở bất tiện, nếu cô không gấp thì chờ tôi vào sở xin phép nghỉ, ngày mai tôi chở giúp cô vào thăm”.
Hôm sau ông cùng người em rể và một người bạn chở vợ con tôi vào trại Mễ. Tới nơi, sau khi chờ đợi khá lâu, thì được cho biết không có giấy phép thăm nuôi thì họ không cho thăm. Anh Tường phải năn nỉ mãi thì mới được cho biết tôi không còn ở trại Mễ nữa và đã được chuyển vào trại A Nam Hà. Anh Tường bảo: "trại A ở đường đi Chi Nê, nhiều đồi dốc khó khăn, cô và cháu chịu khó ghì chặt, mình ráng vào cho kịp giờ". Khổ nhọc lắm chúng tôi cũng đến được trại A, để được cho biết đã hết giờ thăm nuôi. Anh Tường lại năn nỉ: “cô em tôi ra thăm chú ấy, tôi phải nghỉ phép để đưa cô, xin đồng chí thông cảm cho cô thăm chú”. Nhưng vô ích. Nhà tôi quá mệt mỏi và thất vọng, ngồi bẹp xuống đất, nón lá che đầu. Một công an trẻ đến khều trên nón lá, và ngoắc nhà tôi đến một góc phòng. Tưởng là họ muốn làm tiền, nhà tôi đến và được hỏi nhỏ: “phải nhà chị có tên Nguyễn Vĩnh Bình không? Anh ấy được thả rồi”. Nhà tôi mừng quá cho anh Tường hay, đồng thời nói với anh công an trẻ: "cho tôi tặng lại anh các gói hàng này, tôi không rinh về được”. Anh công an trẻ vội nói: “ấy chết, tôi mà nhận, bọn họ biết tôi cho chị tin, thì tôi chết với họ”.
Chúng tôi lại trở về Hà Nội. Anh Tường đưa nhà tôi lên Bộ Cải Tạo để xác nhận tin tôi được thả về. Nơi đây bảo tuần sau trở lại sẽ có kết quả. Suốt thời gian chờ đợi, chị Tường đưa nhà tôi đi quanh Hà Nội. Một hôm chị bảo: “hôm nay cô Tường và cháu đi thăm viếng lăng Bác nhé”, nhà tôi chối từ, “Ậy, mình đi để được mua mỗi người một mẩu bánh mì giá rẻ, cơ”.À thì ra thế, người ta bỏ ra một ổ bánh mì rẻ tiền để dựng được huyền thoại lòng sùng kính của quần chúng với lãnh tụ vĩ đại, và để tha hồ tuyên truyền với toàn dân thế giới.
Tuần lễ đã qua, anh Tường và nhà tôi trở lại Bộ Cải tạo và được xác nhận tin tôi đã được thả.Trên đường đi “đăng ký” vé máy bay, anh Tường nói: “tôi khuyên, có chú ấy được về, cô chú sớm tìm đường ra nước ngoài. Tôi thấy cháu kháu khỉnh tôi thương quá, cháu sẽ không được đi học, không có một tương lai trong xã hội này”. Anh Tường khuyên thành thật. Về sau chúng tôi được tin buồn, anh Tường và con trai bị bắt khi tìm đường vượt biên ở Hải Phòng. Trong xã hội độc tài, nhà tù mà chúng tôi sống qua được là cũng nhờ vào lòng tốt, và tình người cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trong gian nan khốn khó, lòng nhân đạo được cảm nhận sâu xa và đầy đủ nhứt. Chúng tôi là những nhân chứng sống.
XIV. Một chuyến ra đi
Về lại Saigon, chúng tôi quyết định, tôi sẽ ở lại cùng với ba má nhà tôi, và nhà tôi tiếp tục làm việc ở Long Xuyên, để tiện việc lo vượt biên.Tháng 4/1980, chúng tôi được cố Giám Mục (N.K.Ng) Long xuyên sắp xếp cho đi vượt biên cùng với tổ chức của ông S. Ông này đã tổ chức thành công nhiều chuyến. Chuyến này là chuyến chót. Ông đem hết gia đình trên 2 chiếc ghe chở khoảng 210 người. Chúng tôi ra đi vào cuối tháng Tư. Ngày trước có giông bão cấp 4. Sáng ngày đi, trời còn âm u và mưa lất phất. Chúng tôi chuyển xuống ghe lớn an toàn, và sau 2 ngày 2 đêm chúng tôi tới Khlong Giai, tỉnh Thái ở sát biên giới Cao Miên. Chúng tôi vào trại tỵ nạn Liêm Sỉnh.
Chúng tôi bị trở ngại khi đi phỏng vấn với phái đoàn INS. Chị hai của nhà tôi hình dáng nhỏ thó rất khác với nhà tôi, quá nhút nhát không chịu trả lời phỏng vấn viên, nên hồ sơ tỵ nạn bị xếp lại. Cũng may, nhờ có một nhân viên tòa Đại sứ Mỹ ở BangKok chuyển gia đình chúng tôi về trại Lumfuini ở Bankok. Tại đây, một cô tình nguyện viên làm thân với nhà tôi, và dẫn ông chồng đến gặp chúng tôi. Ông này là người phụ trách toàn chương trình định cư của Mỹ ở Thái Lan. Ông đã giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn tất thủ tục để định cư ở Mỹ. Lại một lần nữa, gia đình chúng tôi đón nhận lòng tốt và nhiều sự giúp đỡ trên đường đi tỵ nạn từ nhiều người, thân, lạ, đều có đủ. Đầu tháng Giêng 1981, 11 giờ đêm, phi cơ phản lực American Airway cất cánh, đem chúng tôi lên cao dần, nhìn qua khung cửa, ánh đèn thành phố mờ dần, một quãng đời tôi cũng lùi vào quá khứ, một nỗi buồn man mác tràn dâng trong long tôi. Phi cơ càng lên cao, ánh trăng bàng bạc soi sáng không trung, lòng tôi thầm cảm tạ ơn Chúa, và tri ân long tốt và tình người mà nhiều thân, bạn hữu và ân nhân đã tặng cho chúng tôi.
Một vài đám mây nhẹ nhàng trôi, tôi tự nhủ cố gắng sống cho phải đạo để đáp ứng phần nào nghĩa tình mà tôi chắc chắn rồi đây trong khoảng thời gian còn lại, nơi chân trời xa lạ chúng tôi sẽ tiếp tục đón nhận.Con tàu tiếp tục phi đạo vào không gian vô tận, không gian của Tự Do và Tình Người.
Raleigh vào mùa Đông, 2020
Nguyễn Vĩnh Bình
Nguồn: Hội Quán Phi Dũng