Hôm nay chúng ta, người Việt Nam ở San Diego, bao gồm nhiều thành phần , tề tựu tại đây, trong hội trường Hiệp hội người Việt, để làm lễ kỷ niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một vị tướng kiệt suất đã 3 lần chiến thắng đoàn quân hùm sói của Hốt Tất Liệt, một vị anh hùng lẫm liệt đã được dân chúng tôn vinh làm bậc Thánh, Đức Thánh Trần Hưng Đạo hay nói gọn là Đức Thánh Trần .
Kỷ niệm Ngài, đem lòng tôn kính và sự biết ơn dâng lên Ngài, chúng ta không thể không học bài học lớn Ngài đã dạy. Chúng ta không thể không tự hỏi vì sao một dân tộc nhỏ bé như dân tộc chúng ta thời bấy giờ lại có thể chiến thắng quân đội của một đế quốc rộng lớn, lan trải trên một 1/2 Châu Âu và bao gồm gần như toàn bộ Châu Á. Hẳn chúng ta còn nhớ quân Hung nô mà người Âu Châu gọi là Huns tức Mông Cổ đã tiến đến trước ngưỡng cửa thành La Mã. Vó ngựa của Mông Cổ cũng đã dẫm lên đất Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện, Cao Ly...và sau khi thống lĩnh toàn bộ Trung Hoa, vua Mông Cổ đã ba lần tiến đánh Việt Nam.
Với chính sách tàn bạo như Attila, dòng dõi Hung nô đã nói : “ Nơi nào vó ngựa ta ( quân Mông Cổ ) đã đi qua, cỏ xanh không mọc lại được “, họ đã chiến thắng hầu như khắp nơi. Nhưng mấy lần thử thách với Việt Nam là mấy lần nếm mùi thất bại đắng cay trước sức chống trả mãnh liệt của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN.
Kỷ niệm Ngài, chúng ta cũng không thể không tự hỏi vì sao trong muôn vàn anh hùng dân tộc, Ngài là một trong số ít, được dân chúng tôn vinh lên bậc Thánh, một vị Thánh đặc biệt linh thiêng đối với dân tộc. Tôn vinh Ngài, ngoài lòng kính trọng ra, đồng bào ta còn gửi gấm vào đó một ý nghĩa nào khác nữa không ?
Kính thưa quí vi,
Có rất nhiều lý do để đáp lại mấy vấn nạn trên nhưng theo thiển ý chúng tôi hai yếu tố quan trọng đã giúp đem lại kết quả rực rỡ cho dân tộc ta bấy giờ cũng như đã gói ghém tất cả cái ý nghĩa lớn lao lúc dân tộc ta tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương lên bực Thánh, đó là ý thức minh xác về giá trị Con Người và tinh thần dân chủ cao độ của Ngài cũng như nhiều vị quan nhà Trần.
Thành tích quân sự thời nhà Trần, của Hưng Đạo Đại Vương thật lớn lao, ít có thành tích nào so sánh được. Nhưng lớn lao hơn, khắc sâu vào lòng dân tộc và ở trong tâm khảm mỗi một chúng ta, theo tôi thiết nghĩ, lại chính là tinh thần dân chủ và ý thức tôn trọng giá trị Con Người nói trên. Tinh thần và ý thức ấy đã rạng rỡ dưới thời chống Nguyên.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay nhân lễ kỷ niệm Đức Trần Hưng Đạo, chúng tôi xin được đem câu chuyện “Tinh thần dân chủ và ý thức giá trị Con Người dưới thời vua quan nhà Trần “ ra thưa cùng quí vị.
Kính thưa quí vị,
Hai yếu tố Dân chủ và giá trị Con Người, đúng ra chỉ là một : có ý thức về giá trị con người mới có dân chủ ; có dân chủ mới biết tôn trọng giá trị con người. Tuy nhiên tôi xin tách riêng ra làm hai cho tiện việc phân tích.
- Trước tiên xin nói về ý thức tôn trọng giá trị Con Người .
Theo quan niệm truyền thống của dân tộc thì Con Người ta có tính chất thiêng liêng. Người ta được tạo nên không những nhờ khí huyết của mẹ cha, mà còn do tú khí của núi sông hun đúc lại. Coi con người linh thiêng nên tự nhiên ai cũng lấy việc trau dồi đạo đức làm trọng. Trong quá trình lịch sử ta, đời nào cũng có những gương đạo đức sáng chói. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu ...tiếng thơm còn mãi muôn đời. Tuy nhiên chưa có một thời đại nào mà cái đạo đức tích cực, nghĩa là thứ đạo đức vừa lo cho mình vừa biết lo cho người, cho nước, cho dân, cái đạo đức Dân chủ lại phát triển đến một mức cao như dưới đời nhà Trần, đặc biệt vào giai đoạn chống Nguyên.
Vua Trần Thánh Tông ( 1258 - 1278 ) và vua Trần Nhân Tông ( 1279 - 1283 ) là những vị vua nổi tiếng nhân từ, không còn phân biệt địa vị cao thấp, đối xử với tôn thất , quan lại như bè bạn. Đối với đồng bào Ngài thường nói : “Chỗ đồng bào máu mủ, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui . “ ( Theo Phạm Văn Sơn – Việt Sử Toàn Thư , tr. 234 ) .
Vua Trần Thánh Tông sống một cuộc đời hết sức đạo hạnh. Giữa chốn phù hoa Ngài không mê hoặc vì phú quí. Lòng trổng lặng thẳng ngay, Ngài không tham lam, không nghe lời xu nịnh, đúng như lời Ngài đã nói trong bài phú CƯ TRẦN LẠC ĐẠO : “Mình ngồi thành thị, nết dụng lâm tuyền, muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính ...”. Với cuộc đời đạo hạnh, Ngài trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền Tôn Việt Nam, pháp hiệu là Điều ngự Thiền sư .
Đến khi quân Nguyên xâm lăng thì cái ý niệm về giá trị Con Người , tức là biết trọng giá trị của mình và trọng giá trị của người đã được Hưng Đạo Đại Vương đưa lên thành sách lược . Tôi xin gọi là sách lược vì Ngài đã lấy lòng yêu mến những giá trị chân chính của Con Người làm nền tảng để sức mạnh vũ khí dù có ít oi, có thể thắng được quân thù. Trong bài hịch gửi các tướng sĩ Ngài đã kích thích lòng tu sĩ của mọi người. Phải biết nhục trước cái nhục, biết căm hờn những điều gian ác. Có biết yêu giá trị Con Người mới biết ghét cái gì phá hoại giá trị đó. Có yêu nhiều mới biết ghét nhiều, yêu ghét đến độ hy sinh cả cuộc đời để chống lại những nỗi nhục nhã, những điều tàn bạo, để giữ tròn nhân cách. Cách đây đã hơn 700 năm với những lời lẽ hùng tráng, Ngài đã chỉ dạy cho chúng ta thấy những giá trị tự do của con người là cao quí hơn hết mọi thứ. Không tiền bạc. Không châu báu nào mua được giá trị con người nếu ta không trau dồi và đành lòng đánh mất đi. Xin trích một đoạn trong bài hịch Ngài gửi cho tướng sĩ :
“ Nay các ngươi (tướng sĩ ) thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sĩ mà không biết thẹn, thân làm tướng mà phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm...( thì )chẳng là chịu nhục bây giờ mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi ...gia thanh các ngươi chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không ?...( Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim ).
Ngài có lần nhắc tới những quyền lợi : “Chẳng những thái ấp của ta được vững bền mà các ngươi cũng hưởng được bổng lộc...” Nhưng những quyền lợi tinh thần vẫn được Ngài chú ý tới hơn : “...Chẳng những tiền nhân ta được vẻ vang, mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ phụ, trăn năm vinh hiển ; chẳng những một mình ta sung sướng mà các người cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho “. Kết luận đọan này Ngài đưa ra một ý kiến thật đơn giản nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối của Ngài vào giá trị chân chính của Con Người : “ Bấy giờ các ngươi dầu không vui vẻ cũng tự khắc vui vẻ “ . Tại sao “ không vui vẻ “ mà lại “ tự khắc vui vẻ “ . Vì con người chân chính biết giữ trọn giá trị con người không thể nào không vui vẻ. Nói khác đi là chỉ có một thứ hạnh phúc duy nhất, hạnh phúc đã giữ đúng giá trị con người.
Những lời Ngài chỉ dạy không phải là một tiếng nói suông. Cuộc đời của Ngài, hành động của Ngài là tấm gương sáng biểu thị lòng tôn kính các giá trị con người. Trước muôn ngàn gian khổ để bảo vệ quyền tự do làm người, Ngài đã không lùi bước . Đáp lại lời nói nhân từ của vua Trần Nhân Tông muốn hoà hoãn với quân Nguyên để giảm bớt đau khổ cho dân chúng, Ngài đã tiết tháo đáp :
“ Bệ hạ thật là nhân đức...nhưng nếu Bệ hạ muốn hàng thì xin chém đầu tôi đi đã rồi sau sẽ hàng “.
Từ lời sắt thép đó đã vọng lên những lời sắt thép khác. Tiếng mắng giặc Mông của Trần Bình Trọng từ chối mọi phú quí từ giặc đưa ra : “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc “ . Lời thề “ Sát Đát “ (diệt Mông ) khắc trên tay mọi chiến sĩ chống Nguyên.
Trần Bình Trọng hiên ngang giữa trại giặc
Khi toàn dân, toàn quân , dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Đại vương, nhất tề đứng lên, bất chấp mọi hiểm nguy, để giữ giá trị con người, để không trở thành nô lệ cho quân Nguyên, thì hành động có tính cách con người đó đã thăng hoa, trở thành một hành động thiêng liêng, thần thánh ( l’acte humain se transcende en acte divin, sacré ) .
Và thái độ “ ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ...” ( Hịch tướng sĩ văn ) để cùng toàn dân lo lắng chống Nguyên, đẩy lui bóng tối man dại đe dọa dân tộc, cũng đã thăng hoa trở thành thần thánh. Cái chính khí lưu hành trong trời đất đã tập trung lại thành khí Hạo nhiên rực sáng nơi Ngài :
Một vùng Chính khí lưu hành
Khoảng trong Trời Đất, Nhật Tinh Sơn Hà
Hạo nhiên ở tại lòng ta ...
CHÍNH KHÍ CA
Hưng Đạo Đại Vương đã trở nên thiêng liêng, một bậc Thánh trong tâm thành của dân tộc là vì lẽ đó chứ không phải vì Ngài có tài “ kêu gió gọi mưa “ hay dựng được xác đồng của cô 13, 17...lên. Ngài đã đưa giá trị con người đến một mức tuyệt đỉnh trong quyết tâm và trong chịu đựng để bảo vệ những giá trị thần thánh của con người. Những gian khổ tưởng chừng như sức người không vượt qua được nhưng Ngài đã đảm đương nổi, lại thúc đẩy những kẻ khác đảm đương. Đó là điểm thần thánh của Ngài.
Để hiểu rõ hơn tính chất thần thánh nơi Ngài thiết nghĩ ta có thể liên tưởng tới chuyện ông Quan Vân Trường trong Tam quốc chí. Ông Quan Vân Trường đã hiển thánh, không những được người Trung quốc phụng thờ mà còn được cả dân ta tôn kính, không phải vì ông đã phò trợ Lưu Bị nhà Hán, mà vì suốt đời lòng dạ thẳng ngay không ai bằng.
[ Những con người bình thường cũng có thể có những hành động thần thánh. Cuốn tiểu thuyết “ Những chuyến bay đêm “ ( Vol de Nuit ) của nhà văn Pháp Saint Exupéry, kể lại chuyện một viên phi công, đã rớt máy bay trên một dãy núi tuyết miền Nam Mỹ. Những vết thương nhức nhối, aó quần rách nát, giày dép không có, làm cho thân xác anh ta đau đớn vô cùng. Một ý thóang qua : giá như bây giờ nằm xuống trên tuyết giá thì sẽ khoan khoái biết bao. Mọi cảm giác đau đớn sẽ tan biến, sẽ êm ả, không còn biết gì nữa . Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến bạn hữu, nghĩ đến trách nhiệm những bao thư, anh vẫn cố gắng lê bước. Cuối cùng đã sống sót và khi gặp được người bạn đầu tiên, anh ta đã được nghe nói : “Chỉ có Con Người, những kẻ tôn trọng giá trị con người, mới có những cố gắng siêu nhiên, thánh thiện như anh “ . Nói nôm na như chúng ta thường nói là có thánh mới chịu đựng nổi, có thánh mới làm được như anh ấy. Hành động chống chỏi gian khó đến mức độ cuối cùng để biểu lộ ý chí sắt đá của con người, là hành động thánh thần ] .
Cho nên khi tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương làm bậc thánh – kính trọng gọi Ngài là Đức Thánh Trần – dân chúng đã vô hình chung có một sự lựa chọn, có một luận lý rõ ràng. Dân chúng đã tôn sùng ý thức cao đẹp về giá trị con Người của Ngài, tôn sùng nghị lực, và ý chí cương quyết tuyệt đối bảo vệ giá trị con Người, riêng cho Ngài và cho cả dân tộc.
Và sau lúc tôn vinh Ngài lên làm bậc Thánh, dân chúng trước kia cũng như bây giờ hằng năm đã hội họp để tế lễ Ngài. Đó không phải vì mê tín dị đoan nhưng ước mong qua tấm gương sáng của Ngài vĩnh truyền những giá trị cao quí Ngài đã xây dựng nên ; đã gửi gấm vào đó một bài học huyền diệu, mong cho toàn thể và mỗi một chúng ta, cho cả muôn đời sau, biết tôn trọng giá trị con người ở chính bản thân mình và ở nơi người khác ; phải kiên quyết bảo vệ lấy những giá trị cao cả đó để sống một cuộc sống xứng đáng.
Bây giờ xin nói qua điểm thứ hai : Vua quan nhà Trần đã có một ý thức dân chủ cao độ .
Nghe qua thì có vẻ nghịch lý vì vua quan là phong kiến. Và phong kiến trong quan niệm thông thường là áp bức, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng tư của gia tộc, của tầng lớp mình. Có thể có như vậy, nhưng vua quan nhà Trần nói chung thì không, trái lại, những vị lãnh đạo lúc bấy giờ, tức là vua quan, đã có một tinh thần dân chủ cao độ.
Kính thưa quí vị,
Ý kiến này không phải của riêng tôi. Cụ Nguyễn Văn Cừ, Hội trưởng Hội Già chúng ta ( xin lỗi qúi vị, tôi đã nôm na thay chữ cao niên bằng chữ già ) cũng suy nghĩ như thế. Trong một buổi mạn đàm với cụ trên đường từ Santa Ana về San Diego tôi đã tâm đắc với cụ về điểm này. Nhưng xin lỗi cụ Cừ,chẳng phải ý kiến của cụ đâu, cũng chẳng phải của tôi nữa. Vào thời cụ còn thơ ấu và lúc tôi mới chập chửng sinh ra, có một nhà nho uyên thâm , đậu đến Phó bảng ( tiến sĩ ) cũng đưa ra ý kiến đó rồi và đã nói ngàn lần rõ ràng hơn tôi trình bày bây giờ.
Chẳng phải đưa ra thêm những chi tiết khác, chắc quí vị cũng đã đoán biết được nhà nho ấy là ai. – Đó là cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh, một người yêu nước nổi tiếng đồng thời với cụ Phan Bội Châu. Có thể nói Cụ Phan Châu Trinh là nhà nho đầu tiên say mê cổ súy chế độ dân chủ ở nước ta. Cụ triệt để chống lại chế độ vua quan, coi vua quan chỉ là tầng lớp đục khoét, báo hại nhân dân cho nên đã rủ áo từ quan sau khi nếm qua mùi vị quan trường. Mặc dầu chống đối vua quan nhưng đối với vua quan nhà Trần, cụ đã có một lòng tôn kính đặc biệt. Tôi xin đọc ra đây một đoạn trích trong bài diễn thuyết về “ Đạo đức và luân lý Đông Tây “ cụ đọc tại nhà hội Việt Nam Saì Gòn ngày 19 tháng 11 năm 1925 để qúi vị rõ quan niệm của cụ, hết sức coi thường vua quan nói chung nhưng lại kính trọng vua quan nhà Trần như thế nào :
“...xưa nay nước ta... chỉ có một cái luật ( ấy là luật ) vua tôi ( quan ) bắt buộc dân phải theo. Vua với dân không có luân lý gì dính với nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua ( tức quan lại ) hiệp nhau lại , lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy.
Trừ ra đời Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những kẻ phụ lão đều được dự bàn việc nước, và khi vua đã truyền ngôi cho hoàng thái tử rồi thì thường đi khắp dân gian xem xét phong tục, chính trị, để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của dân ; cho nên dân mến đức mà cảm phục , mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ ,mấy phen hiệp sức để giúp nhà vua, mới được thắng trận một cách vẻ vang như thế .”
Ở đây tôi không bàn đến quan niệm quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa của cụ Phan, duy chỉ xin chú ý đến một điểm : cụ Phan say mê dân trị chủ nghĩa, ghét cay ghét đắng quân trị chủ nghĩa, nhưng lại hết lời ca tụng vua quan nhà Trần. Điều ấy cho thấy vua quan nhà Trần có tinh thần dân chủ biết bao nhiêu.
Mà thật đúng như vậy : “ Vua với dân đời Trần gần nhau lắm “. Cứ lấy việc vua Trần Thánh Tông viết kinh Khóa hư, vua Trần Nhân Tông trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tôn thì cũng thấy các Ngài đã lo nghĩ đến dân, muốn dân sống một cuộc sống yên vui, phát huy được giá trị con người, biết xả thân cho người khác như thế nào. Dân chủ chính là biết hy sinh cho người và biết thương mến người.
Cũng như các vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương không bao giờ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người, đến đất nước và dân tộc. Ngài đã vì quyền lợi chung , vì tiếng thơm của đất nước để kêu gọi chống quân Nguyên , không phải chỉ vì xã tắc riêng của nhà Trần . Quyền lợi chung là cơ sở, là điều kiện bảo đảm cho hạnh phúc riêng tư . Nói với những kẻ chỉ biết lợi ích , vui thú riêng , Ngài đã giảng giải vừa đạt lý, vừa chí tình : “ Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được aó giáp , mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu...chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết , tiếng hát hay không làm cho giặc điếc tai...bấy giờ chẳng những thái ấp ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng hết , chẳng những là gia quyến ta bị đuổi ,mà vợ con các ngươi cũng nguy...”
Trong một thể chế có tính cách dân chủ, quyền lợi riêng , quyền lợi chung quyện lấy vào nhau và khi quyền lợi chung và riêng mâu thẩn thì quyền lợi chung bao giờ cũng được tôn trọng . Trong một thể chế độc tài, độc trị, thì trái lại, quyền lợi đảng, quyền lợi cán bộ bao giờ cũng trên cả ; dân thì sống chết mặc bây.
Dân chủ còn có nghĩa giữ đúng luật pháp , không lạm quyền, dùng quyền hành để hà hiếp dân chúng hay mưu đồ lợi ích riêng . Trong lúc chống quân Nguyên, các vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã cho Ngài rất nhiều quyền, có thể tự tay trừng phạt hay phong tước rồi sau mới tâu vua. Thế mà Ngài thưởng phạt rất công minh, luôn luôn giữ đúng “ chức phận bề tôi không dám kiêu ngạo “, như lời sử gia Trần Trọng Kim đã nói. Còn có thể nói rất nhiều về ý thức dân chủ của Hưng Đạo Đại Vương và các vua nhà Trần. Nhưng tinh thần dân chủ rực rỡ của nhà Trần và của Hưng Đạo Đại Vương thể hiện rõ ràng nhất trong việc triệu tập các hội nghị để nhân dân có thể tham gia vào việc nước. Hội nghị Bình Than đã đưa lại nhiều kết quả quan trọng , khiến cho vua tôi một lòng. Nhưng Hội nghị Diên Hồng thì quan trọng gấp ngàn lần , có một không hai trong lịch sử. Hội nghị Bình Than chỉ có vua quan và tướng sĩ, Hội nghị Diên Hồng có cả toàn dân. Các bô lão, những vị đã trọng tuổi , có kinh nghiệm việc nước, việc đời, đại diện cho toàn dân, đã từ khắp nơi tụ về Diên Hồng tạo nên cái khí thế oai hùng , cả một dân tộc cương quyết chống giặc Nguyên. Dân nước ta bấy giờ chưa đông, đất nước ta bấy giờ chưa rộng thế mà số bô lão tham dự Hội Nghị Diên Hồng lên đến 10.000 vị. Con số này đã được nhà viết Sử nổi tiếng của Mỹ, Joseph Buttinger, trích dẫn lại trong tập sử Việt Nam của ông, nhan đề là “ The Smaller Dragon “ ( Con rồng nhỏ ) . “ At the beginning of the Mongol invasion he assemblent 10.000 old men from all over the country and asked them for advice whether to risk a fight against superior force or to submit to Mongol domination. All 10.000 shouted “ War “ ( The Smaller Dragon- p. 187 ).
Con số 10.000 thật vĩ đại, thật đầy đủ để tiêu biểu cho đủ mọi tầng lớp dân chúng. Các vị cứ xét xem số người trong phòng họp của chúng ta , số dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ trong quốc hội Mỹ là bao nhiêu ? Trong phòng họp này chắc không quá 300 và quốc hội Mỹ cũng chỉ trên 300. Nước có số đại biểu đông nhất trong quốc hội ngày nay có lẽ là Trung quốc cũng chỉ trên mấy ngàn trên số một tỉ dân. Có so sánh như thế chúng ta mới thấy rõ cái tinh thần dân chủ rộng rãi của nhà Trần và tổ chức phải khó khăn và chu đáo biết bao nhiêu để thể hiện cụ thể cái tinh thần ấy. Không có sự đồng lòng, đồng sức của mọi người , không có tinh thần dân chủ không làm sao tổ chức được. Tôi nghe kể rằng cứ mỗi làng thì cử một hay hai đại biểu và bấy giờ không chỉ có người Việt ở miền xuôi tham dự, mà có cả người Việt ở miền thượng du, tức là các sắc dân Mường, Mán v.v...Bằng chứng là lúc chống Nguyên, nhiều hào trưởng Mường, Mán như Hà Bồng, Nguyễn Khả Lập, Nguyễn Truyền...đã đem dân quân tập kích quân địch sâu vào nội địa. Dân chủ chính là không coi dân là “ cỏ rác “, hay là “ khúc gỗ tròn, lăn đâu thì lăn “, mỗi một Con Người, mỗi một người dân có giá trị thật lớn lao .
Sự đoàn kết dân chủ thần thánh ấy đã làm cho chúng ta khâm phục đã đành mà ngày nay các sử gia ngoại quốc, mỗi khi đọc lại đoạn lịch sử vinh quang lúc bấy giờ cũng phải hết lòng kính phục, nhất là tinh thần dân chủ nói trên . Sử gia Mỹ Joseph Buttinger đã có những lời bình luận hết sức nhiệt tình đối với quân và dân ta lúc bấy giờ : “ Những trận đánh ác liệt đẫm máu, những sự tàn phá và thương vong thật khủng khiếp , tài cầm quân của vị tướng chỉ huy ( Đức Trần Hưng Đạo ) và tinh thần chiến đấu của quân sĩ Việt Nam vượt lên trên mọi sự so sánh. “ ( The battles are bloody, the devastations are frightful, the skill of the Vietnamese commander and the valor of his troops beyond comparison ) . Nhưng ông ta đã kinh ngạc và đặc biệt kính phục về tinh thần dân chủ đoàn kết quân dân .
Tôi xin phép trích tiếp lời của sử gia Buttinger : “ Nhưng chiến thắng đòi hỏi hơn nữa. Chiến thắng được là nhờ toàn dân đã lao vào trận chiến với tất cả sức lực và tinh thần quyết chống lại quân ngoại xâm đã chà đạp trên đất Việt “ ( “ But victory needed more. It was achieved because the whole people threw itself body and soul against the foreign armies on Vietnammese soil.” The Smaller Dragon – J. Buttinger p. 162 ) .
Cả một dân tộc, toàn thân và toàn tâm, nhất trí lao vào cuộc chiến chống lại kẻ thù chung, đó là Dân Chủ.
Kính thưa quí vị,
Sau lúc chiến thắng quân Nguyên, trong một buổi tiệc mừng, tướng Trần Quang Khải có làm bài thơ tứ tuyệt như sau :
奪槊章陽渡,
擒胡鹹子關。
太平須努力,
萬古此江山。
Đoạt sáo Chương Dương độ.
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Tôi xin phép được trích ra hai câu cuối : “ Thái bình tu nỗ lực , Vạn cổ thử ( cựu ) giang san “ làm kết luận bài nói chuyện hôm nay, nhưng vì dốt nát Hán văn nên dịch đại ra như sau :
Hỡi ai người Việt Nam
Gắng giữ đức tính Việt
Để cho dân tộc mình
Tồn tại cùng thời gian.
Có vụng về, sai chữ, sai nghĩa xin cụ Trần Quang Khải , cũng như quí vị tha thứ cho.
Trước khi dứt lời chúng tôi xin chân thành cám ơn cụ Nguyễn Văn Cừ, Hội trưởng Hội người Việt cao niên miền Nam California, quí vị trong các hội đoàn, các cơ quan truyển thông và báo chí Việt Nam, quí vị trong ban tổ chức đã cho phép tôi được hầu chuyện với tất cả quí vị trong buổi lễ hôm nay. Chúng tôi cũng xin cám ơn quí vị đã kiên nhẫn chờ cho đến lúc hết câu chuyện.
Trân trọng kính chào tất cả quí vị.
San Diego, Mùa Thu 95
Nguyễn Đăng Ngọc