Một Mình Trên Những Nẻo Đường Quê Hương

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

    tren dong song que huong

Viết để tưởng nhớ Dương Đình Quang và tặng Vĩnh Lộc          

Tôi thường trở lại quê hương, một mình. Không như một du khách, nhìn ngắm, khen chê. Như một phần cơ thể trở về trong cơ thể, nghe tâm tư xao xuyến, rộn rả, buồn vui. Như chiếc lá lìa ngàn về với đại ngàn, rì rào trong gió.

Tôi dừng lại bên bờ sông Hồng, nhìn dòng sông đỏ như mội giải son, vươn theo những con đê dài, giữa ruộng vườn xanh thắm. Và bên Hồ Tây, nghe gió lạnh chiều thu ngấm vào trong da thịt. Núi Tản Viên mờ xa đưa về những ngày lịch sử vời vợi Sơn tinh, Thủy tinh, Thánh Gióng ...Ghé lại Côn Sơn dâng nén hương trước bàn thờ Tam Tổ ( 1 ), màu thiền nghi ngút, chợt nghe “ tiếng tang hải “. Cúi lạy Ức Trai Nguyễn Trải, nhớ lại Bình Ngô, nhân trí dũng sáng chói muôn đời.

 Tôi đi qua sông Mã, nước sông cuồn cuộn. Cầu Hàm Rồng nối liền hai đỉnh núi bền gan. Bãi Thượng, Hồi Xuân, những con kênh dài đổ vào sông. Thọ Xuân, Nông Cống, Chợ Neo, Chợ Cốc, Chợ Đu...Lam Sơn, một giải núi xanh, quê hương của Bình Định Vương, Lê Lợi.

 Vào  vùng Sông Lam. Núi Lam Thành soi bóng bên bến nước xanh. Trên đỉnh núi vết tích rã rời cột cờ  Trương Phụ ( 2 ). Phía bên kia sông, thành Lục Niên ( 3 ) hoang vắng, âm vang tiếng binh lính thuở nào, chống quân Minh ròng rã trong sáu năm liền. Núi Tùng Ảnh, sông La hiền hoà...Quê hương của Nguyễn Thiệp, Phan đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...và những cô gái Trường Lưu dệt lụa cần cù.

Vượt Sông Gianh, đến vùng Bến Hải. Những triều đại qua đi. Vết hằn lịch sử còn đó. Đau thương cho hiện tại, lớp  trước và mai sau.

 Con đường số 9 nối liền Đông Hà, Khe Sanh, Lao Bảo hiu hắt. Giòng sông Thạch Hãn êm ả trôi bên cổ thành Quảng Trị điêu tàn. Phía tả ngạn sông là vùng Ái Tử cằn cỗi. Vang lên bước dừng chân thứ nhất của cuộc Nam tiến dài lâu. Mịt mờ Tây Bắc là Cùa, là Tân Sở, những cố gắng sau cùng của Nguyễn triều giữ gìn đất nước.

 Theo đường Đìu Hiu tôi vượt qua Huế, đi vào Đà Nẵng để nghe tiếng hát đã hơn một thế kỷ vọng về : 

                   Tai nghe súng nổ cái đùng

                   Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi !

 Tìm đến Trấn đài, Nguyễn Tri Phương trung trinh. Ghé lại Công qúan, nơi tiếp các phái đoàn Bồ, Tây, Anh, Pháp... và trạm nghỉ của các phái đoàn công cán Nam Bắc. Công quán không còn nữa. Một hí trường được dựng lên trên mãnh đất từng chứng kiến đổi thay của đất nước.

 Trấn hải đàì chỉ còn lưa những dấu vết mơ hồ. Trên vòng thành, nơi cao nhất một nhà nguyện Công gíao xây tự bao giờ. Dựa lưng vào đoạn thành gạch rêu phong còn lại mấy xóm nhà tôn lụp xụp.

 Đã đi vào lảng quê dấu vết thương xưa ! Bồi hồi trước cảnh đổi thay : Đà Nẵng, Hội An, phần đất Việt chịu đựng tiếng pháo xâm lăng Tây phương đầu tiên. Từ  thời Louis XVI, người ta đã quyết tâm tách khỏi cơ thể Việt Nam vùng đất cảng này. Đọc trong Traité de Paix 1787 giữa Việt và Pháp : “ Le Roi de Cochinchine ...lui ( Louis XVI – très chrétien ) cède éventuelllement la propriété absolue et la souveraintéde l’ile formant le port principal de la Cochinchine appelé Hoian, et par les Européens Touron...”  Vua xứ “ Cochichine “ ( ! ) nhượng cho Hoàng đế đầy tinh thần Thiên Chúa quyền sở hữu tuyệt đối cùng vương quyền trên hải đảo tạo nên cảng chính của Nam Việt có tên là Hội An hay Touron như người Âu gọi ).

 Rời Thu bồn vào Trà khúc. Núi Bút sừng sửng lặng yên đứng nhìn những guồng nước bên sông ngày đêm không ngừng nghỉ tưới mát cánh đồng mía ngọt ngào.

 Vùng Tam quan, những vườn dừa đong đưa, địa đầu Bình Định. “ Con gái Bình Định múa roi đi quyền “, đất nguồn võ Việt Nam. Tây Sơn, Bắc Bình Vương đã giãi phóng đất nước khỏi tay hai mươi vạn quân Thanh. Tiếng mõ trầm trầm mấy trăm năm xưa chuà Thập Tháp, giữa vùng đồi núi vắng lặng, đem hồn về một cõi đạo siêu nhiên.

Qua khỏi đèo Cù Mông đến Ô Loan, núi Nhạn, sông Đà ( Rằng ). Vượt Đèo Cả dằng dặc đi vào vùng cát trắng nên thơ Đại Lãnh, Tu Bông, Tháp Bà, Xóm Dừa, Xóm Bóng...Nha Trang bãi biển nghỉ mát tuyệt vời. Cam Ranh haỉ cảng đứng vào hàng nhất trên hoàn vũ.

Sau Khánh Hoà là Ninh Thuận. Những trái thanh long đỏ mọng, những Tháp Chàm của Chế Bồng Nga oanh liệt một thời.

 Rôi Bình Thuận, Phan Thiết. Những ruộng muối Cà Ná trắng phếu, những vựa cá nghều nghệu ; giọt nước mắm nhỉ nhểu ra thơm phức...

Từ già miền Trung, đi vào miền Nam. Thiên nhiên đã ưu đãi miền đất này nhiều hơn Trung và Bắc. Cây cối xanh tươi, đất cát phì nhiêu. Dừng chân qua Saigon rộn rịp. Đi về lục tỉnh ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay Rạch Gía, Cà Mâu, những rừng cao su tăm tắp Biên Hoà, Long Khánh, những dàn tiêu xanh mướt Lộc Ninh, những rừng dừa biền biệt Bến Tre...Đứng trên sông Tiền, sông Hậu nghe róc rách nước chảy qua chín cửa sông. Tiếng hò “ ví dầu “ mênh mông bát ngát.

Vòng lên Cao nguyên, miền đồi núi trập trùng. Những địa danh xa lạ nhưng thân thương : Maragui, Blao ( Bảo Lộc ), Djiring  ( Di Linh ) , Phinom, Lanhanh ( Làng Hành )...Cao nguyên huyền bí, thơ mộng, sáng lạn tương lai. Những chiều Dalat mù sương, tách cà phê nóng bên hồ Than Thở. Con đường bụi đỏ từ Buôn Ma Thuột, Pleiku, nối liền Qui Nhơn, Nha Trang...như  50 người con vùng núi rừng tìm về với  50 người con miền biển Việt.

Và tôi trở về đây : Phần đất Huế, Thừa Thiên ; phần đất không giờ phút nào lià tôi. Nói đúng hơn tôi chỉ là một hạt bụi bé nhỏ không bao giờ tách khỏi sức hút của vùng này.

Từ ngày mới sinh ra, thầy mẹ tôi đã nghĩ như vậy. Đặt tên cho tôi là Ngọc. Không phải vì tôi có được một giá trị gì. Thầy mẹ tôi ước mong tôi đừng quên miền đất thân yêu,tổng Ngọc Anh bên bờ sông Bình Lục. Chưa yên lòng, thầy mẹ tôi đặt cho tôi thêm tên nữa : Thừa. Là đứa con thứ hai trong gia đình, chắc không phải thừa ra. Thừa vì vốn dĩ ở Thừa thiên. Từ nhỏ đến lúc khôn lớn, anh em bạn bè trong làng xóm đều gọi tôi như vậy. Đến bây giờ, hơn ba phần tư thế kỷ trên vai, thân thuộc có người vẫn gọi tôi là Thừa. Suy nghĩ lại Thừa mang ý nghĩa là thừa ra nơi tha hương, nhiều hơn là Thừa trong Thừa thiên.

 Dù sao tôi vẫn sung sướng và hãnh diện với tên thầy mẹ tôi gọi, quê hương trao gởi cho tôi. Trở về đây, mang theo tấm căn cước từ nhỏ và suốt đời, hoà mình vào xứ sở. Trở vể đây như một giọt máu trở về âm thầm lưu thông trong huyết quản. Lắng hồn mình vào trong cảnh vật thương yêu như đứa trẻ lắng giấc ngủ yên lành trong vòng tay người mẹ.

 Một buổi chiều đứng trên cầu Tràng Tiền lặng nhìn dãy núi giăng màn phía Tây thành phố. Đỉnh Kim Phụng cao vượt màu xanh thẩm in trên màu xanh nhạt mờ sương. Mặt trời về chiều thật đẹp. Từ đỏ tươi chuyển sang vàng sáng. Mấy giải mây tím bầm, trắng bạc xếp theo những hình thù kỳ dị. Nhìn vào mặt nước, mặt trời lặn sau núi và dưới dòng sông. Tôi đứng đó thật lâu, chờ cho đến lúc tối hẳn. Trên lưng chừng núi Kim Phụng mấy ánh lửa bập bùng, leo lắt, có lúc bùng lên, chảy dài. Những ánh lửa trong bóng đêm, mênh mông, sâu thẳm.

 Lúc còn nhỏ có anh bạn học kể cho tôi nghe câu chuyện một nhà văn ngoại quốc ngắm nhìn cảnh chiều xuống trên sông Hương và cho đó là cảnh mặt trời lặn đẹp nhất ông ta từng trông thấy. Tôi không may mắn được biết đến nhà văn ấy, chỉ biết cảnh chiều hôm đó thật đẹp. Hồ Diệp và Trang Sinh, quốc quốc và gia gia, một giây phút trong cuộc hiện sinh, thấy buổi chiều bàng bạc, ánh chiều  và mình hoà nhập vào nhau.

 Đất Huế, Thừa Thiên nhiều sông lắm phá. Có thể theo sông nước đi khăp tỉnh, chiều dọc, chiều ngang. Theo thuyền thăm chùa Túy Vân.  Chùa xây trên ngọn đồi u nhã. Trước mặt là phá Cầu Đôi mênh mông. Những ngày còn là đứa học trò nhỏ chăm chỉ, lúc Huế còn mù sương, nghe tiếng chuông Thiên Mụ, Diệu Đế bổng tỉnh giấc ngủ say. Tiếng chuông chùa Túy Vân trải vang trên sóng nước, chợt thương thân phận nổi trôi. Bạn bè còn vài ba đứa. Biết bao giờ đến bến bờ.

 Trở về đây đi lại con đường cũ đã từng đi với thằng Lộc, thằng Quang. Quang tài hoa không còn nữa. Ôm tập thơ dang dở đi ra khỏi cuộc đời. Lộc ẩn mình trong một gian nhà nhỏ xa xôi, viết lại những thao thức một thời trả nợ nam nhi trên mọi vùng đất nước. Ba đứa cùng leo lên con đường Bạch Mã ngoằn nghèo “năm cua bảy càng “. Miệng nhai bánh mì phết mức ổi, lòng vui vô cùng. Lên đến đỉnh núi, lần tới Thác Lớn. Nước đổ xuống nơi sâu thẳm, đập vào những tảng đá, bọt trắng tung tóe. Lại men theo dốc, xuống tận chân Thác. Những vừng nước  trong vắt, mấy con rùa trong hốc đá , những giây leo thòng từ giữa trời cao. Lưng chừng núi dừng lại. Tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng vắng lặng của núi rừng. Giòng Thác Lớn như một giải lụa trắng lóng lánh, trải nghiêng trên một tấm thảm xanh vĩ đại.

Đi đến miền Nam Thừa Thiên. Lên đèo Hải Vân, nhìn Lăng Cô ngủ yên bên bờ cát trắng. Cửa Hải Vân Quan mặc lớp phong sương năm tháng. Mấy chữ Hải Vân Quan, nét bút tài hoa...Những vết đạn loang lổ đau thương, tấm lô- cốt bêông cốt sắt đè nặng lên cửa quan. Lặng nhìn trời biển mênh mang !

        Huế là một bài thơ

        Thừa Thiên là một bài thơ

        Quê hương là một bài thơ

  Tôi xin thêm đó là một bài thơ trữ tình vì chỉ có cảm xúc chan chứa, chỉ có một cuộc hành trình riêng tư đi vào hồn dân tộc may ra thấu hiểu phần nào.

 Thơ cũng là nhạc, là họa. Chỉ có thơ nhạc và hoạ lúc có tự do và hoà hài âm sắc. Không thể có thơ, nhạc và hoạ lúc con người chỉ biết có một màu, nghe theo một điệu. 

San Diego, chợt nhớ...
Nguyễn Đăng Ngọc – Hoàng Các     
                                  

Bị chú :

        1/  Chùa Côn Sơn hay Thiên Tư Phúc Tự còn gọi nôm na là Chùa Hun thuộc Chí Linh, Hải Hưng la nơi thờ Tam tổ Thiền Tông Việt Nam ấy là Điền Ngự Thiền sư, Pháp Loa Thiền sư và Huyền Quang Thiền sư. Cũng là nơi thờ Ức Trai, Nguyễn Trãi

        2/  Núi Lam Thành ở tả ngạn vùng hạ lưu sông Lam. Trên đỉnh núi hiện còn vết tích cột cờ của tướng nhà Minh Trương Phụ. Vết tích là một trụ gạch cao chưa đầy 1 mét và đường kính rộng hơn 1 mét.

        3/  Lục niên Thành ở phía hữu ngạn sông Lam, bên kia thành Trương Phụ, gần La giang. Tương truyền vua Lê đã dùng mưu đắp đập ngăn nước lại, chờ lúc quân Minh tấn công thì xả nước cho quân Minh tổn thất rất nhiều.