Tạ Ơn Thầy Cô

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 danangxua truongphanchautrinh

Học trò xứ Quảng nổi tiếng thông minh. Trí thông minh này biểu lộ rất rõ rệt trên lãnh vực văn chương . Đa số nhà văn, nhà thơ Việt Nam xuất thân từ Quảng Nam. Giỏi văn tức là yêu tiếng Việt. “ Yêu tiếng nước tôi “ thăng hoa thành lòng yêu nước. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những sát phạt đẫm máu và bất tận do thực dân quốc tế, đặc biệt là thực dân Tàu , chủ mưu.

Thêm vào đó Quảng Nam là quê hương của “ Chó ăn đá, gà ăn sỏi “ . Đào tìm cơm áo cho bản thân và cho gia đình là cả một vấn nạn lớn lao và dài thăm thẳm . Vấn nạn vừa kể đi kèm với những phiền muộn xoáy tim óc trước thân phận ảm đạm của Việt Nam trên dòng sử đã làm cho người học trò Quảng Nam không hài lòng đối với bất kỳ loại hiện tại nào . Đó là tâm lý bất mãn hiện sinh. Biến thái của bất mãn hiện sinh là tính thích hài hước và ưa quậy phá. Nói một cách chung nhất , tánh khí của người học trò Quảng Nam có thể được diễn tả bằng bài toán cộng như sau :

Tính thích hài hước, ưa quậy phá + Tư chất thông minh + lòng yêu nước thiết tha + tâm lý bất mãn hiện sinh .

Với tính khí đặc biệt như vừa kể , học trò Quảng Nam khi bước chân vào ngưỡng cửa trường Trung Học Phan Châu Trinh phải qua một cuộc thi tuyển nhiều chông gai. Sau đó, phải khép mình trong khuôn khổ kỷ luật nghiêm minh của nhà trường . Cuộc chung sống này chẳng khác nào cuộc hội ngộ giữa nắng hè hực nóng với băng giá của mùa đông tê cóng. Từ đó, đời sống của người học sinh trường Phan Châu Trinh không thể không đối diện với vô vàn “ lúng túng “. Lúng túng không có nghĩa là bối rối khi không thể tìm ra đáp số cho một trở ngại trong đời sống . Lúng túng ở đây là tình huống con người phải chìm nổi , phải điêu đứng giữa thắng và bại, giữa tin yêu và nghi ngờ, giữa cao vọng và tuyệt vọng , giữa hài lòng và bất mãn...Cao Bá Quát cho rằng đời sống của một người càng nhiều “ lúng túng “ , người đó càng có cơ hội trở thành “ nhân vật lớn “. Chính vì vậy, trong bài thơ “ Bất ngộ thời “, Cao Bá Quát đã hạ bút viết rằng :

“ Ngất ngưởng thay Con Tạo khéo cơ cầu

Muốn đại  thụ hãy dìm cho lúng túng “ ( Thơ Cao Bá Quát )

Nhờ vào đâu học sinh Phan Châu Trinh đã vượt thoát được những tình huống lúng túng như vừa mô tả ? Câu trả lời sẽ tìm thấy khi chúng ta hướng mắt nhìn về phía Thầy gíáo và Cô giáo trường Phan Châu Trinh. Thực vậy, ngoài những giờ dạy chuyên môn về khoa học toán, khoa học thực nghiệm  và khoa học nhân văn , Thầy và Cô giáo trường Phan Châu Trinh đã thường xuyên tĩnh táo và kịp thời trong việc ứng xử với đám học trò bất mãn hiện sinh mỗi khi kỷ luật nhà trường bị vi phạm.

Những ứng xử kia là : khi lạnh lùng xa cách, khi thân thiết kề cận , khi nghiêm khắc trừng phạt, khi nồng nhiệt ban thưởng . Điều cần nhấn mạnh ở đây là các ứng xử tuy có khác nhau về hình thức, về mức độ nặng nhẹ, nhưng trong cốt lõi của mỗi ứng xử bao giờ cũng là sự ẩn chứa một cách rõ nét lòng yêu thương rộng lượng của Thẩy và Cô giáo đối với học trò. Chính lòng yêu thương này đã hối thúc Thầy và Cô giáo , ngoài những giờ dạy các môn học chuyên khoa , đã dùng ngôn ngữ , cử chỉ hoặc chính đời sống của mình để trao truyền cho học trò hai lời giáo huấn căn bản :

Lời giáo huấn một : Đà Nẵng là thương cảng lớn của Việt Nam. Đà Nẵng là điểm hội tụ của dân thập phương thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau . Họ kéo về Đà Nẵng nhằm tìm phương tiện sinh sống . Đặc tính của người Đà Nẵng là hòa đồng với người của muôn phương để chung sống trong thương yêu và phát triển . Đó là Đà- Nẵng-tính.

Lời gíao huấn hai : một trong những điểm nổi bật trong tư tưởng Phan Châu Trinh là thái độ nhìn nhận mọi dị biệt giữa người dân với người dân về vũ trụ quan, nhân sinh quan và xã hội quan . Có nhìn nhận như vậy, Việt Nam mới có cơ hội vươn mình lên thành một xã hội đoàn kết , văn minh, dân chủ và thịnh vượng . Tình bạn giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là sự minh chứng rằng người ta có thể bất đồng nhưng không bất hoà . Đó là cốt lõi của Phan-Châu-Trinh-tính .

Nhờ vào công trình giáo dục phối hợp nhịp nhàng giữa nghiêm minh trong trí dục và dịu dàng trong đức dục, Thầy và Cô giáo trường Phan Châu Trinh qua nhiều niên khóa, đã cống hiến cho xã hội Việt Nam những công dân hữu ích . Đây là những con người thành công trong xã hội, thông minh , yêu nước, chống bất công bằng tất cả tâm tình tha thiết của những người đã thực sự chìm nổi trong dòng sử Việt .

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết “ Tạ Ơn Thầy Cô “, những điều trình bày ở trên chỉ nói lên được phần nào công ơn trời biển của Thầy và của Cô giáo trường  Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng . Nói tới công ơn tức là nói tới tình và nghĩa . Tình là thất tình . Trong thực tế khi nói tới chữ “ Tình “, người ta thường nghĩ đến tình thương yêu. Khi hai hay nhiều người có tình với nhau, họ phải biểu lộ chữ tình kia bằng một số việc làm , đó là nghĩa. Tình là tư tưởng, nghĩa là hành động thể hiện tư tưởng . Tình và nghĩa như hai mặt không thể tách rời của một bàn tay. Sau đó tình và nghĩa nắm tay nhau, cất cánh bay cao .

Do lòng thương mến tuổi trẻ, Thầy giáo và Cô giáo tận tụy dẫn dắt học trò mở mang trí tuệ và thăng tiến đạo đức . Đó là tình và nghĩa của Thầy dành cho Trò. Đáp lại, học trò biết ơn và thương kính Thầy Cô. Trò học hành chăm chỉ, mẫn cán làm những công việc để Thầy Cô vui lòng . Đó là tình và nghĩa của trò đối với Thầy . Cứ như thế, tìng nghĩa Thầy Trò quấn quyện vào nhau, cùng nhau thăng hoa.

Thầy Trần Đại Tăng là một vị Thầy rất nghiêm khắc trong giờ dạy toán. Thế nhưng khi Thầy và Trò đã biền biệt xa cách, nhà thơ Trần Hoan Trinh đã nhẹ nhàng viết ra những thương mến đậm đà :

“...Rồi các em bỏ đi về tám hướng

Một mình thầy đứng lại giữa sân trường

Hồn no đầy mới lạ của trăm phương

Có bao giờ lòng quay về chốn cũ ? “

( “ Chiều một mình sân trường “. Thơ Trần Hoan Trinh )

“ Có bao giờ lòng quay về chốn cũ  “ ư ? Thưa rằng trong thâm tâm của mỗi học sinh Phan Châu Trinh công ơn của Thầy, của Cô bao giờ cũng là điểm nhớ mà lòng vẫn thường xuyên quay về. Sau khi ra trường, trò có thể là một người công danh hiển đạt. Thế nhưng mỗi lần gặp mặt Thầy Cô, mặc dầu cả Thầy lẫn Trò tóc muối nhiều hơn tóc tiêu , trò vẫn một mực trình diện Thầy Cô bằng tất cả tấm lòng tôn kính và mến thương :

Thưa Thầy em là cựu học sinh Phan Châu Trinh một dạo

Tóc dẫu pha sương, một chữ ơn Thầy “

( “ Về Đà Nẵng Đọc Thơ Trần Hoan Trinh “ – Thơ Võ Ý )

VoY TDT 1R

Câu chuyện đối đáp văn thơ giữa Thầy Trần Hoan Trinh và trò Võ Ý chỉ là một tình huống trong muôn ngàn tình huống cho thấy tình Thầy Trò Phan Châu Trinh là loại tình cảm đặc biệt keo sơn.

Trong keo sơn kia, Thầy và Trò Phan Châu Trinh còn nhìn ra sự thể rằng người Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 là lớp người sống lưu lạc triền miên từ Bắc vào Nam : 1954, lưu lạc trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam do những tai ương của chiến tranh và sau cùng là một lưu lạc thảm sầu làm cả quốc tế phải rung động , đó là cuộc lưu lạc trên toàn thế giới sau biến cố  30/04/1975.

Ngày nay có những người đã phải sống ở ngoại quốc lâu dài hơn năm tháng được sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong cảnh đời lưu lạc nghiệt ngã mà chúng ta đang trôi nổi, hai chữ quê hương bất ngờ trở thành một dấu hỏi lớn  : Quê hương là Huế, SàiGòn, Hà Nội ư ? Quê hương là Paris, Hoa Thịnh Đốn, Luân Đôn ư ? Hay quê hương chỉ là chùm khế ngọt ? Thưa không phải như vậy ! QUÊ HƯƠNG LÀ NƠI MÀ TÌNH CẢM VÀ TƯ TƯỞNG CỦA MỘT NGƯỜI ĐƯỢC VƯƠN LÊN VÀ ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH .

Căn cứ vào suy nghĩ vừa kể, bạn học trường Trung Học ở đâu, nơi đó chính là quê hương của bạn . Quê hương của chúng ta là trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng . Linh hồn của nhà trường chắc chắn phải là hình ảnh của các Thầy Hiệu trưởng, các Thầy giáo và các Cô giáo.

HDGSPCT6236E

Như vậy tình Thầy Trò trường Phan Châu Trinh hàm chứa cả tình yêu quê hương của lớp người lưu lạc. Tình Thầy Trò là tình riêng, tình yêu Quê Hương là tình chung . Tại mái trường Phan Châu Trinh : tình riêng và tình chung đã được nhập làm một . Trong trạng thái nhập làm một vừa kể, tình Thầy Trò Phan Châu Trinh trở thành những đóa hoa tuyệt tươi thơm và tuyệt lộng lẫy ...

Đỗ Thái Nhiên

(Đặc san kỷ niệm 60 thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng,

California tháng 7 năm 2012)