Một Chuyến Về Thăm Quê Hương Cụ Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Trước khi vào chuyện kể về chuyến đi thăm, tôi xin nói vể thân thế và sự nghiệp của Cụ Phan Châu Trinh.

Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 8 tháng 5 năm  1872 tại làng Tây Lộc, phủ Tam Kỳ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra khi đất nước có ngoại xâm, khi lên 8 tuổi do cái buồn vì mẹ mất nên việc học hành của ông có sự hạn chế .

Năm 1887 cái tang thứ hai trong đời là cha ông hy sinh khi họat động phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam. Từ đó lòng thù hận quân xâm lược đang dày xéo nước ta và ý chí yêu nước của ông vun lên. Năm 10  tuổi nhờ sự giúp đỡ của người anh, ông mới bắt đầu vào trường học lại . Mặc dầu vậy nhưng tầm nhìn và tình yêu nước của ông rất xa so với các bè bạn cùng tuổi .

Phan Châu Trinh là người thành lập phong trào Duy Tân ở đầu thế kỷ 20, nhưng phong trào kết cuộc không thành, Cụ bị bắt giam tại Hà Nội và giải về Huế, rồi bị đày đi Côn Lôn . Khi  ở Pháp Cụ chịu sống cuộc đời cơ cực để nuôi con ăn học, và bị bắt khi hoạt động  và bị giam ở ngục Santé. Khi ra tù năm 1910 trở về sau này, Cụ tiếp tục hoạt động cho phong trào Duy Tân ở trong nước cũng như ở Pháp.

Năm 1923 từ Pháp về Việt Nam, Cụ bị bịnh và mất tại Sài Gòn ngày 24 tháng 3 năm  1926.

Phan Châu Trinh là người thông minh, dũng cảm hăng hái nóng nảy , nghiêm trang và Cụ là người  nhiều tình cảm đối với gia đình . Cụ thể như việc Cụ đã cứu  người em bị sập bẩy heo rừng khi đi lánh nạn. Mọi người nói không thể nào cứu em ông được vì hầm bẩy rất sâu , ông liền nói với những người đi theo ông lấy dây thắt lưng ( lúc đó  thắt lưng bằng dây vải ) cột ông lại và thả ông xuống dưới hầm đó. Tiếp theo dặn họ kéo em gái lên trước, từ dưới hầm sâu và kéo ông lên sau .

Tình yêu đất nước , đồng bào của Cụ cũng rất sâu. Cụ nói khi nào đồng bào còn đau khổ, còn ngoại xâm thì lúc đó Cụ ăn không ngon, ngủ không yên  . PCT ChiSi

Bây giờ tôi xin kể về chuyến đi thăm quê hương Cụ Phan Châu Trinh.

Trong dịp về thăm quê nội tôi ở làng Tây Lộc  ( nay là Tam Lộc ) Tiên Phước ; tôi và gia đình có dịp đi thăm nhà của Cụ Phan Châu Trinh, nơi Cụ ở thuở thiếu thời . Hiện tại còn di tích trong đó có những hình ảnh  về cuộc đời hoạt động  vì nước của Cụ cũng như những kỷ vật lúc Cụ còn sống . Hiện tại cháu Cụ là ông Phan Tự Cư trông coi đền thờ của Cụ Phan Châu Trinh.

Từ Đà Nẵng thuê xe của công ty du lịch Đà Nẵng, đưa chúng tôi từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ. Từ Tam Kỳ có hai đường đi đến làng Tây Lộc ( Tam Lộc ).

Một là từ Tam Kỳ đi lên quận Tiên Phước và từ quận đi ra làng Tam Lộc khoảng hơn một tiếng đồng hồ vì đường có sõi đá và đất nên xe chạy rất chậm .

Thứ hai là từ ngã ba Trường Xuân , Tam Kỳ, chúng ta có thể đi thẳng đến làng Tây Lộc cũng gần một tiếng đồng hồ . Nên nhớ là đi lúc trời tốt không có mưa, chớ khi có mưa thì sự di chuyển xe rất khó khăn, trong khi đi qúi vị sẽ nhìn thấy tấm bảng khắc chữ Tam Lộc. Đến nơi phải xin phép cháu của Cụ Phan Châu Trinh là ông Phan Tư Cự, ông ta sẽ mở cửa đền thờ cho vào xem. Do ông Phan Tư Cự biết gia đình tôi nên ông mở cửa cho vào xem , những ai không quen phải xin phép chính quyền địa phương mới được vào tham quan.

Từ Tiên Phước chúng tôi cũng đi Tiên Lãnh ( Tiên Thanh ) để thăm nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khách ở xa có thể ngủ qua đêm ở nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng, có phòng riêng dành cho khách ngủ qua đêm, Cháu Cụ Huỳnh Thúc Kháng là ông Huỳnh Hồng đang trông coi đền thờ.

Khi tôi đến nhà Cụ Huỳnh Thúc Kháng thì thấy có tấm bia khắc trước ngõ vào là nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng ở nhà Cụ Phan Châu Trinh thì không có. Ước mong Thầy Cô và học trò trường Phan Châu Trinh làm một tấm bia để trước nhà Cụ Phan Châu Trinh thì sẽ thấy đẹp hơn , và hơn thế nữa để đáp ơn Cụ Phan Châu Trinh đối với chúng ta .

Tiên Phước, quê hương của Cụ , có dòng sông Tiên nước chảy ngược nên thơ như cảnh êm đềm của đồng quê , chứa chan bao tình người. Tôi xa Tiên Phước từ năm 1963 sau trận lũ lụt năm Thìn,  mặc dù xa quê nhưng mỗi lần nghỉ hè tôi cũng ghé về thăm quê nội, quê ngoại .

Quí vị cũng như tôi sẽ được đi thăm từng nhà, người dân quê ở đây rất chất phác và thành thật. Họ sẽ mời quí vị ra xem cánh đồng gặt hái, họ sẽ bắt cá đem kho , nấu canh mời quí vị ăn, cũng như họ sẽ dẫn quí vị ra vườn của họ để có dịp thưởng thức những quả trái cây tươi thơm, chín ngọt trên cành . Người dân địa phương đối đãi gia đình chúng tôi rất nồng hậu và tử tế.

Tiên Phước là nơi sản xuất ra tiêu, cau, trà...và gần Tiên Phước có mỏ vàng. Hàng năm thường xuyên có nhiều người đi đến đó để đải vàng . Gần Tiên Phước có vùng Trà My sản xuất quế, có bài hát ca ngợi cô gái Trà My.

Bây giờ xa quê, xa Tiên Phước , xa Tây Lộc, quê hương Cụ Phan Châu Trinh , nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ đến Tiên Phước, vì nơi ấy tôi đã sinh ra , hễ có dịp là tôi về thăm , để được nhìn thấy nụ cười tươi vui , tấm lòng chân thật của người Tiên Phước .

Mong mọi người dù xa quê hương nhưng vẫn giữ được tấm lòng Việt Nam đoàn kết , thương yêu giúp đỡ lẫn nhau , để xứng đáng là con cháu,  học trò Phan Châu Trinh.

ChandundPCT 01R

Lê Xuân Lợi, Mississauga, Ont, Canada

( Cựu học sinh  Phan Châu  Trinh  và Kỹ Thuật Đà Nẵng  )

( Kỷ Yếu Hội Ngộ PCT- Hồng Đức, 30 năm xa xứ tại Hải ngoại 2005 )