Chút Hoài Niêm Vế Quê Hương Quảng Đà

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 SongCamLeDaNang

Xứ Quảng Đà là một vùng đất quê hương đã để lại trong tôi  nhiều kỷ niệm buồn vui, cho dù thời gian tôi ra chơi ở Đà Nẵng chỉ vỏn vẹn có 15 ngày. Thời gian thiệt quá ngắn ngủi để đi sâu vào đất nước và con người Đà Nẵng nói riêng và xứ Quảng Đà nói chung . Tôi muốn ghi lại nơi đây những hình ảnh còn ghi đậm trong tôi , dưới ánh mắt của một cô bé ngày ấy chỉ vừa tròn 13 tuổi đời về miền non nước thơ mộng , huyền bí và hữu tình này.

Tôi biết Đà Nẵng vào mùa Xuân 1975, lúc ấy ba tôi được lệnh dời Tiểu đoàn Quân Y Dù từ căn cứ Shally Phú Bài, về đóng quân lập bệnh viện dã chiến ở căn cứ Phi trường Non Nước. Tôi biết Đà Nẵng trong những ngày  cuộc chiến trở nên ác liệt ...” Tết năm đó cô bé ăn Tết ngoài hành quân với ba cô bé ở tận Đà Nẵng. Cô bé đã chứng kiến ngày mùng hai Tết, từng đợt trực thăng đổ xuống đem thương binh về. Cha cô bé đã giải phẩu không nghỉ từ sáng tới tối. Cô bé không còn nhìn cuộc đời qua cặp kiếng màu hồng nữa khi chính cô bé đã nhìn thấy tận mắt mình những vết thương tàn khốc của chiến tranh . Mỗi chiều về, cô bé lặng nhìn những đoàn xe chở những cây “ tré người “ từ trận tuyến về. Gọi là “ tré “ vì xác người lính  tử trận được gói trong một mãnh poncho. Đầu và chân được cột như những chiếc tré của người dân Huế. Cô bé bỗng trở nên trầm lặng hơn . Tiếng đạn pháo nghe mỗi lúc một gần ...” ( Trích “ Ngày ấy quen nhau “ – Tiểu Vũ Vi  ).

Những ngày tháng của mùa xuân năm đó tôi không thể nào quên. Tôi còn nhớ, chiều ngày mùng hai Tết, tôi thiệt buồn lắm và rất sợ khi nghe ba tôi giải thích về những cây “ tré “ người. Một cô bé đã từng yêu Huế từ mấy năm nay, và nhất là rất thích ăn các món đặc sản của Huế như các loại bánh Huế và tré. Ừ, làm sao có thể chấp nhận sự thật phủ phàng ấy...và tôi đã khóc bỏ chạy ra bãi biển Non Nước. Chiều hôm đó, là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt trời lặn xuống biển , và cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận thế nào mà người ta gọi là hoàng hôn tím , hay chân trời tím . Những gì tôi thấy trước mắt thật đẹp lắm, không thể nào bằng văn bút mà diễn tả nổi . Đà Nẵng là thành phố cảng từ xưa vẫn nổi tiếng về những bãi biển đẹp như Tiên Sa, Mỹ Khê, Thanh Bình, Non Nước...Bờ biển Đà Nẵng uốn cong đẹp như eo người thiếu nữ Việt Nam, duyên dáng trong vạt áo cát trắng tơ mịn màng

Từ Ngũ Hành Sơn ta nhìn về Đà Nẵng

Phố xá như là phố Trân Châu

Dải lụa trắng men theo bờ cát lặng

Bãi Tiên Sa ngơ ngẩn ngọn Sơn Trà

( “ Một chút tình cho Đà Nẵng “ – Lưu Nguyễn )

Nhưng đối vớ tôi bãi biển Non Nước là nên thơ nhất . Đứng trên bãi Non Nước, nhìn thẳng đàng trước là màu xanh mênh mông thăm thẳm của biển, còn nhìn về bên trái là màu xanh lá cây đậm của dãy núi Sơn Trà mà trên đỉnh núi lại giắt ngang một vành lụa mây trắng mỹ miều . Xéo bên tay phải có năm ngọn núi đá đứng ngạo nghễ giữa trời mây đó là Ngũ Hành Sơn . Nếu bảo tôi phải diễn tả màu sắc của Ngũ Hành Sơn như thế nào thì thật là rất khó vì màu núi thay đổi theo thời gian trong ngày, có khi thì màu xanh ngọc bích , rồi màu xanh rêu, màu xanh ngả xám  hay có khi màu đen  trong những ngày không có nắng ...Và khi mặt trời lặn, màu cam ửng hồng dần rơi , nơi chân trời một màu tím loang dần trên mặt biển tạo nên một vòng ngũ sắc thật huyền diệu. Buổi chiều mùng hai Tết năm ấy , trước mặt tôi là một bức tranh thiên nhiên diễm tình đã cho tôi một cảm gíac bình yên , đã khắc sâu trong tâm khảm  một cô bé vừa tròn tuổi ô mai , và đã theo tôi suốt 32 năm dài ...

Hỡi chồi đá Ngũ Hành Sơn cổ kính

Hỡi dọi cát dài Mỹ Thị lê thê

Mây phủ ngọn Sơn Chà kia có lẽ

Đã bay mù theo gió biển Mỹ Khê

( “ Núi sông Đà Nẵng “ – Luân Hoán )

Những ngày tháng tôi ở Đà Nẵng, tôi được các chú trong tiểu đoàn sau những giờ trực đưa tôi đi chơi thăm phố cảng. Tôi thích nhất là thả bộ dọc theo con đường Thống Nhất đi từ bờ sông ngang qua trường Nữ trung học khi chiều tan trường, với những tà áo dài trắng thướt tha...Cũng với những mái tóc thề xoả vai như ngày xưa mỗi lần ra Huế tôi vẫn thường vào “...những buổi trưa hè oi ả của ngọn gió Hạ Lào, ngồi trong xe jeep của tiểu đoàn , tôi đã lặng nhìn say sưa những tà áo tím duyên dáng Đồng Khánh , che nghiêng vành nón, suối tóc thề xỏa vai dịu dàng thướt tha bước khoan thai trên cầu Tràng Tiền ...( Trích “ Huế, thi ca và tôi “-Bích Phượng).

Em Huế dịu dàng trong thơ Nguyễn Bính

Suối tóc mượt mà như nước dòng Hương

Một tiếng “ dạ...thưa “ chân tôi luýnh quýnh

Nhịp guốc qua cầu trăm nhớ ngàn thương

( “ Theo em qua cầu Tràng Tiền “ – Tiểu Vũ Vi )

Nhà thơ Vương Ngọc Long đã có một thời ngất ngây trước vẻ đẹp duyên dáng kiêu sa của người con gái Huế với mái tóc thề buông dài xỏa kín bờ vai :

Mái tóc thề xỏa trên bờ vai

Cho tôi nhung nhớ tháng năm dài

Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc

Cho tôi thờ thẩn mộng thiên thu

(  Vương Ngọc Long – “ Huế ngọc “ )

thì nhà thơ Luân Hoán lại ngẩn ngơ trước nét yêu kiều hoa mộng của các cô nữ sinh Đà Nẵng :

“Mười sáu tuổi em tập làm thiếu nữ

vai tóc thề aó lụa trắng bay bay

quai nón đỏ ngậm hờ vành môi ướt

vuông khăn thêu kín đáo xếp trong tay ...”

Theo tôi nghĩ thì cái đẹp giữa người con gái Huế và người thiếu nữ Đà Nẵng có thể so sánh như hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân mà nhà thơ Nguyễn Du đã dùng bút phát họa như sau :

Mai cốt cách , tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười “

Khi tôi đến thì Đà Nẵng đang khóac áo mùa Xuân. Mấy chú kể tôi nghe mỗi khi hè về hai bên đường Bạch Đằng và Độc Lập , những tàng phượng nở rộ những chùm hoa đỏ thắm , rất lộng lẫy. Gió thổi cho cánh phượng bay rơi trên ghế đá ven sông ...Giờ ở nơi xứ người xa xôi . tôi cũng thường hay ngồi trên chiếc ghế đá dọc bờ sông, nhắm mắt lại và tưởng tượng mùa hè đang về với những nuối tiếc nhớ nhung

Cánh phượng buồn như đong đầy kỷ niệm

Của một thời áo trắng đẹp ngây thơ

Em còn về sân trường xưa chờ đợi

Anh tình yêu ngày mới lớn dại khờ

 

Con ve sầu chiều nay vang tiếng hát

Bài tạ từ trên cánh phượng nở hoa

Màu phượng trôi chập chùng vùng kỷ niệm

Bóng em đâu sao mắt thấy nhạt nhoà

(“ Vaò Hè ” – Khiếu Long )

để bỗng chợt thấy thèm đi lại trên lối phượng xưa ngày nào

Cơn mưa hạ nhẹ lay vòm lá biếc

Tiếng ve kêu rả rích khúc tự tình

Giữa sân trường phượng thơm hương ngào ngạt

Đốt tim sầu thương niềm nhớ linh đinh

( “ Lối phượng xưa “ – Tiểu Vũ Vi )

và được ngồi lại trên chiếc ghế đá nhìn ngắm chiều buông trên sông Hàn .

Sông Hàn tuy không thơ mộng trữ tình trầm mặc như dòng Hương Giang với những đêm trăng tình tự , với những chiếc đò ngược xuôi chuyên chở những cung điệu Nam Ai, Nam Bình não nề ai oán nặng tình yêu thương non nước :

“ Dòng Hương duyên dáng lung linh

Như O con gái tự tình đêm trăng

Mơ màng sương khói mây giăng

Tóc thề buông xõa đón vầng bán cung

Phiếm đàn gieo khúc não nùng

Rối lòng lữ khách muôn trùng vấn vương “

( ” Hương Giang dạ khúc “ – Tiểu Vũ Vi )

nhưng cũng đã đem đến nhiều nguồn mỹ cảm sáng tác cho nhiều nhà thơ gốc Quảng . Mối tình giữa người con đất Quảng với dòng sông cuộn sóng phù sa này rất nhẹ nhàng, êm đềm nhưng cũng không kém phần tha thiết :

“ Chiều viễn xứ ta mơ về Đà Nẵng

Có sông Hàn cuồn cuộn phù sa

Nước mắm Nam Ô đượm tình sâu nghĩa nặng

Mì Túy Loan thơm ngát quê nhà “

( “ Một chút tình cho Đà Nẵng “ – Lưu Nguyễn )

Mô tả về địa danh này, nhà thơ Việt Hải gói ghém cả một vùng trời địa dư gồm những thắng cảnh Đà Nẵng mà những ai yêu mến nơi đây sẽ cảm nhận tình hoài hương đất nước :

“ Khúc khuỷu Hải Vân đèo ngăn cách

Dặm đường Non Nước còn bao xa

Ngũ Hành Sơn hữu tình gợi cảnh

Phố cổ Hội An thoáng nhớ nhà

Lấp lánh Thu Bồn ngàn ánh bạc

Bãi Nam Ô hồn mãi trong ta “

(  “ Về Đà Nẵng “ – Việt Hải )

Mùa Xuân năm đó tôi được đi viếng thăm phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm về phía Nam Đà Nẵng khoảng 30 cây số, bên dòng sông Thu Bồn, quanh năm nước chảy lững lờ trong veo và xanh biếc. Cảnh sắc và kiến trúc nghệ thuật ở Hội An thật đặc biệt, vừa cổ kính vừa huyền bí. Khi tôi nhìn lên bờ sông Hội An , những mái ngói phủ rêu xanh và nét chạm trổ tinh vi cầu kỳ trong những căn nhà được xây bằng gỗ quý đã tồn tại từ hơn ba trăm năm nay, tôi cảm thấy mình như đi lạc vào một thế giới không gian nào khác. Có lẽ vì nơi đây, ngày xưa là tụ điểm giao thoa cho nhiều dòng văn hóa Á, Âu, Chiêm, Việt, Nhật, Trung Hoa và Pháp đã tạo cho phố Hội cổ kính mang một sắc thái riêng biệt, có một không hai. Ở đây, tôi cũng được dịp thưởng thức thủ công tinh xảo của những chiếc đèn lồng xinh xắn...và hương vị độc đáo của mì Quảng Cao Lầu mà nhà văn Việt Hải trong “ Hội An bến mơ “ đã diễn tả như sau :

“ Hội An nói riêng hay Xứ Quảng nói chung còn có vô số món. Nhưng tiêu biểu qua món mì cao lầu không thôi đã cho ta thấy cả nét đặc sắc như cọng mì phải dòn, rồi nào là lát thịt săn mỏng da, nào hương vị tép mỡ, rau thơm, và nào là nước lèo có hương thơm của chất thịt. Tất cả các yếu tố được gọi là mì Cao lầu sẽ làm cho khách thưởng ngoạn đê mê vị giác và ghiền mãi món ngon quê hương Hội An ...”

Tuy chỉ một ngày ở Hoài phố cũng đủ để tôi khi ra đi chợt thấy quyến luyến. Có lẽ vì thành phố cổ này có sức thu hút đặc biệt đã để lại trong lòng những người con du tử như nhà thơ và văn Trần Trung Đạo biết bao là kỷ niệm khó quên ...” những người con gái của quê hương tôi cũng đẹp hơn con gái của bất cứ một nơi nào mà tôi đã đi qua. Đồng bào tôi sống bằng nghề dệt vải, dệt lụa nên đàn ông con trai thì thường mặc áo quần may bằng vải, goị là vải nội hóa hay vải ta, và đàn bà con gái thì mặc áo quần may bằng lụa. Một lần ở trường Trần Quý Cáp Hội An , bọn chúng tôi trai gái cùng đi học về thì chẳng may trời đổ mưa như tát nước. Chiếc áo dài bằng lụa mỏng đã vô tình đồng lõa một cách tội lỗi với cơn mưa để phơi bày thân thể của cô bạn học. Hình ảnh dễ thương tuyệt vời đó đã đọng lại trong thơ tôi :

“ Em về phố cũ chiều mưa lớn

Vóc ngọc ngà phơi dưới lụa hồng

Ta như giọt nước mùa mưa ấy

Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông ...”

(“ Mưa Phố Hội “- Thơ Trần trung Đạo  )

Ra Tết, chỉ còn vài ngày nữa là tôi trở về Sài Gòn. Ba tôi thấy tôi cứ buồn nên đã cho mấy chú đưa tôi về thăm Huế một ngày. Tôi thiệt rất vui và thầm cảm ơn ba tôi lúc nào cũng yêu thương , chìu chuộng và hiểu con gái mình. Chặng đường đi từ Đà Nẵng ra Huế đã để lại trong tôi mãi mãi một hình ảnh trời mây non nước vừa hùng vĩ vừa lãng mạng nên thơ đến tuyệt vời, vì tôi đã được đi qua đèo Hải Vân nối liền ranh giới tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng . Tôi còn nhớ chú dược sĩ Chí , người được ba tôi giao trách nhiệm đưa tôi đi thăm Huế, đã giải thích cho tôi rằng , đèo được mang tên Hải Vân vì nằm trên núi Hải Vân , mà đặc điểm của dãy núi này là, chân ngâm dưới nước biển xanh và ngọn lẫn trong làn mây trắng , vì thế mà núi có tên là Hải Vân.

Đường đèo khi đi lên tới ngọn rất hiểm trở quanh co, uốn lượn trong mây và dày đặc sương mù. Nhìn bên kia dốc đèo, vực sâu thăm thẳm, có những đám mây ngũ sắc bay lơ lững từ trên trời tuông xuống . Tiếng gió thổi xô vào hàng bạch đàn như tiếng vó câu của đàn ngựa . Gió đùa trên dòng tóc tôi bay. Xa xa, màu xanh thiên thanh của sóng đại dương vỗ vào chân núi, gió đưa mây trắng lướt theo làn sóng bạc nhấp nhô...càng làm nổi bật nét đẹp kỳ diệu và hoành tráng của Hải Vân :

“ Chiều chiều mây phủ Hải Vân

Súng rền Non Nước bâng khuâng dạ người “

( ca dao )

Có những đoạn đường đèo eo hẹp bên dốc núi đá lấm tấm một loài hoa dây leo dài, màu trắng xanh pha tím nhạt mà chú Chí của tôi gọi là hoa Cát Đằng. Chú bảo tôi hoa này tuy chỉ là một loài hoa dại nhưng có thể ví như một loài tuyết mai vì cốt cách và tính kiên cường bền bỉ của nó trước cái nghiệt ngã của môi trường gió lạnh, ẩm sương quanh năm ...Chưa bao giờ tôi lại thấy lòng mình rung động ngây ngất đê mê trước vẻ đẹp của gió, trời mây, sóng nước như thế này. Thật như là một bức tranh thủy mạc được ngọn bút thiên nhiên tô điểm đến diễm lệ như gấm bạc tơ trời...Ngày hôm ấy đối với tôi thiệt khó quên, vì sau lần đó tôi chưa một lần về thăm lại Huế dấu yêu của tôi.

Trước ngày tôi rời Đà Nẵng, ba tôi đã dẫn cả nhà tôi đi chơi ở Ngũ Hành Sơn . Sau hơn mười mấy ngày ba tôi bận bịu với các thương bệnh binh của mình, rốt cuộc mấy chị em tôi cũng có được một ngày ba là của riêng chúng tôi. Ngũ Hành Sơn cách xa Đà Nẵng khoảng 7 km về hướng đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển. Ngũ Hành Sơn gồm 5 hòn: hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thuỷ, hòn Hoả, hòn Thổ, có lẽ vì chịu ảnh hưởng của tư duy triết học của Trung Hoa mà những ngọn núi này được đặt tên theo những yếu tố cấu thành vũ trụ. Ngũ Hành Sơn là một địa linh phong cảnh hữu tình quyến rũ, cảnh trí thiên nhiên kỳ lạ với nhiều hang động thạch nhũ và chùa chiền. Có những ngôi chùa rất đẹp như chùa Non Nước, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng...Tôi còn nhớ trên hòn Thủy, đã phải trèo lên 108 bực thang để có thể đứng từ Vọng Giang Đài ngó về Đà Nẵng . Đến ngoạn cảnh Ngũ Hành Sơn, tôi thấy mình như lạc vào bồng lai tiên cảnh .

“ Vọng Hải Đài vui hứng gió nhơn

Thân cuộc trần ai rủ sạch

Văn Thông động mặc dù nhẹ tách

Lạch Đào Nguyên thắng cảnh nào hơn “

Tuy lúc đó tuổi tôi còn nhỏ nhưng Ngũ Hành Sơn đã cho tôi một cảm giác thật yên bình giữa mùa chiến lọan. Nhất là khi đi trên những con đường lá mục dẫn vào các hang động thật rất nên thơ :

“Nước non chừ đã mù sương

Lưng chừng dốc núi con đường quanh co ”

( “ Lá Mục “- Tôn Thất Phú Sĩ )

để rồi đến khi đứng giữa Huyền Không Động, tôi đã lặng nhìn đến si mê kiệt tác của thiên nhiên mưa và gió...Gió mưa như cặp tình nhân say điệu luân vũ xoáy mòn sâu vào trong núi đá điêu khắc nên những giọt sương trời lung linh ánh màu. Một luồng sáng rơi nhẹ từ tinh không , tiếng tí tách âm vang như những cung nhạc trầm bổng, càng làm tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo của Huyền Không Động . Nhà thơ Thái Tú Hạp đã dùng thi bút để họa nên những bức tranh Huyền Không Động với một vẻ đẹp hài hoà :

“...Trăng biếc nghìn khuya hồn cổ tự

Lối đi về quạnh quẽ khói sương

Lên cao đá tảng rừng cây dựng

Hơi thở phù vân đau cố hương

 

Trang Kinh giở mãi đều vô sắc

Đá núi trầm ngâm chuyện thế nhân

Hạt cát bên bờ hằng sa mộng

Vô lượng triều dâng sóng bạt ngàn

( “ Huyền Không Động “- Thái Tú Hạp )

Ngày hôm sau , chiếc phi cơ quân sự C 130 chở mẹ con chúng tôi về lại Sài Gòn cùng với những xác người lính tử trận không còn bọc sơ sài trong chiếc poncho như những đòn “ tré “ Huế nữa , mà được tẩm liệm trong những quan tài phủ màu lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu...Không hiểu tại sao tôi không còn thấy sợ hãi nữa. Nhìn qua khung cửa nhỏ của phi cơ, tôi vẩy tay giã từ Quảng Đà, một vùng đất quê hương đã cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương . Để giờ đây, sau ba mươi hai năm dài, lòng tôi vẫn còn thấy nhung nhớ miên man tình hoài niệm và thầm mong một ngày về ...

“ Đất nước, ngày mai em trở lại

Với luồng gió mới ngược Trường Sơn

Mang màu nắng ấm xuôi thành phố

Sưởi ấm bao lòng đang héo hon

( “ Vang bóng cờ bay “ – Nhược Thu )

Bích Phượng

Viết tại Paris , mùa hè 2007

 

( ĐS Kỷ niệm 55 năm thành lập Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Hải ngoại  2007 )