Nhớ bạn

 

 

YLOAN

 tác giả Châu Yến Loan

         

Trong số những bạn thời trung học ở trường Phan Châu Trinh, người tôi hay nhớ đến là Lựu.

         Tôi quen Lựu trong trường hợp nào, lâu quá rồi, tôi không còn nhớ rõ chỉ biết là chúng tôi gặp nhau hồi học lớp Nhất (lớp 5) tại trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng. Năm đó trường mở thêm một lớp nên chúng tôi may mắn được tuyển vào. Đó là lớp Nhất B do cô Minh Nguyệt phụ trách.

         Lựu quê ở Quảng Nam, nhưng ba của Lựu là một quân nhân ngành Tài chánh làm việc tại Huế nên gia đình sống nhiều năm ở đó. Mùa hè năm 1956, Lựu theo ba chuyển vào Đà Nẵng và chúng tôi gặp nhau rồi trở thành đôi bạn suốt tám năm trời.

         Lựu lớn hơn tôi một tuổi, dáng người mảnh khảnh, dịu dàng, với mái tóc thề buông xỏa ngang lưng, thoạt nhìn qua ai cũng tưởng là con gái Huế. Tôi và Lựu cùng ở đường Hoàng Diệu, cách nhau hơn vài trăm mét, nhà tôi ở đoạn dưới nhà Lựu ở trên, gần chợ Mới  nên mỗi khi đi học Lựu thường ghé lại rủ tôi cùng đi. Bấy giờ chúng tôi là hai bé gái mới 11, 12 tuổi nên ba mẹ chưa cho đi xe đạp, nhà lại không có người đưa đón nên chúng tôi chỉ toàn đi bộ đến trường. Ngày nào cũng vậy, dù mùa đông mưa lạnh buốt xương hay mùa hè nắng gắt, cứ gần 6 giờ sáng đã thấy Lựu thấp thoáng ngoài sân gọi tôi đi học. Đoạn đường từ nhà chúng tôi đến trường cũng không gần, khoảng non vài cây số nhưng chẳng hiểu sao bữa nào chúng tôi cũng đi bộ mà không thấy mỏi chân và cũng không hề trễ học lần nào. Thường thường tan học chúng tôi về nhà nhưng thỉnh thoảng có những hôm học thêm buổi chiều thì chúng tôi ở lại trường buổi trưa và dẫn nhau xuống quán phở trong ngõ hẽm trước chợ Hàn mỗi đứa ăn một tô với giá 3 đồng rồi trở về lớp học nghỉ ngơi đợi tới giờ vào học. Hàng ngày chúng tôi cùng học bài với nhau, chỉ cho nhau giải những bài toán khó, những bài tập về nhà nên hai đứa đều được xếp vào hạng khá giỏi trong lớp.

         Năm lớp Nhất trôi qua nhanh chóng, tôi và Lựu đều đỗ tốt nghiệp bậc Tiểu học và trúng tuyển vào lớp Đệ Thất (bây giờ là lớp 6) trường Phan Châu Trinh năm 1957.

         Niên khóa 1957-1958 trường xếp tất cả nữ sinh vào lớp Đệ Thất 1, ba lớp còn lại toàn là nam sinh. Tuy học cùng lớp nhưng Lựu chọn tiếng Anh làm sinh ngữ chính còn tôi lại chọn tiếng Pháp nên đến giờ học ngoại ngữ lớp chúng tôi lại chia ra làm hai. Sang năm sau (lớp Đệ Lục, nay là lớp 7) trường chia lại lớp học có nam có nữ theo ngoại ngữ chính là Anh văn hay Pháp văn tôi vào lớp Đệ Lục 2, Lựu lớp Đệ Lục 3, thế là chúng tôi không ngồi chung lớp với nhau cho đến hết lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9).

         Sau khi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp, tôi và Lựu cùng nhau chọn Ban A (ban Khoa học tự nhiên) vì cả hai chúng tôi đều có ước vọng sau khi đậu Tú tài toàn phần lên Đại học sẽ thi vào trường Dược hoặc trường Y nên chúng tôi lại trở về học chung một lớp thêm 3 năm Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất( chỉ học riêng giờ ngoại ngữ).

        Bảy năm Trung học, dù học chung một lớp hay khác lớp chúng tôi vẫn luôn bên nhau trong mọi sinh hoạt. Cùng đi học, đi về, học bài, giải bài tập, đi học thêm v.v..

*

* *

          Tôi và Lựu đều là chị cả trong một gia đình đông con vì thế ngoài giờ học  ra, chúng tôi còn phải chăm sóc các em, phụ giúp việc nhà nên ít có thời gian tham dự những cuộc vui chơi với các bạn trong lớp ngoại trừ những sinh hoạt do nhà trường tổ chức, hoặc thỉnh thoảng về  quê.

         Thú vị nhất là về thăm quê của Lựu ở Kỳ Lam nay là thôn Kỳ Lam thuộc xã ĐIỆN THỌ quận ĐIỆN BÀN, tỉnh QUẢNG NAM. Kỳ Lam là một làng quê yên bình nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn giáp với các làng Bì Nhai, Phong Thử, Long Hội, An Tế, Nông Sơn. Bên bờ Tây sông Thu Bồn, giáp với các làng Trừng Giang, Bảo An, Xuân Đài. Làng Kỳ Lam chuyên sản xuất nông phẩm như lúa, khoai, bắp, mía, nấu đường, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải, lụa, trồng thuốc lá .v.v...

SONGTHUBON

sông Thu Bồn

 

            Ngày ấy cách đây hơn 50 năm, chưa có xe máy để đi lại tiện lợi như bây giờ, về Kỳ Lam chúng tôi phải đi vừa bằng xe đò vừa xe đạp nên tôi và Lựu không thể tự đi mà phải đợi lúc nào có người lớn rảnh rỗi mới đưa chúng tôi đi. Từ Đà Nẵng chúng tôi phải dậy thật sớm lúc bốn năm giờ sáng lên bến xe Vĩnh Trung để kịp chuyến xe đầu tiên. Tuy phải chen chúc trên chiếc xe đò củ kỷ chạy cà rịch cà tang, lại còn hay dừng dọc đường đón khách làm mọi người phải mệt nhừ có kẻ phải chóng mặt buồn nôn vì mùi xăng nhưng lòng háo hức về quê đã khiến cho chúng tôi quên đi tất cả. Đến thị trấn Vĩnh Điện chúng tôi xuống rồi đạp xe men theo hương lộ số 6 về Kỳ Lam.

            Đầu làng có lò ép mía nấu đường thủ công, chúng tôi tạt vào xem, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy cách làm các bánh đường bát mà mẹ tôi vẫn thường mua để kho cá, nấu khoai lang khô, hay chè đậu đen v.v… tôi rất ngạc nhiên hết chăm chú nhìn đôi trâu kéo chiếc cần ông che ép mía một cách nặng nhọc, cứ đi vòng quanh máy ép suốt ngày mà không biết chúng có mỏi chân không? rồi lại quay nhìn chão đường đen thui đang sôi sùng sục trên lò tỏa mùi mật thơm ngào ngạt nhưng tôi không dám lại gần vì sợ những giọt đường văng ra làm bỏng da.

         Về quê Lựu tôi khoái nhất là được ăn những xâu khoai lang nhúng đường nóng hổi, ngọt lịm. Những củ khoai chạc bé xíu bằng ngón tay út bình thường chẳng ai thèm ăn vì nhỏ quá chỉ bỏ cho súc vật, thế mà đem xiên vào chiếc lạt tre thành từng xâu nhúng vào chão đường non chừng năm mười phút đã thành món khoái khẩu cho những bé con ở xa về đói bụng. Cầm xâu khoai teo rúm, bóng ngời, thơm nức mùi mật mía vừa thổi vừa cắn mà nghe cái cảm giác vừa ngọt, vừa dai, thật là thú vị.

         Quê Lựu còn có món nhộng rang, đây là món đặc sản nhiều người mê, cắn vào miệng nghe cái bụp mằn mặn, bùi bùi, béo béo, thơm thơm mùi tơ lụa, ai cũng ghiền cái món độc ấy, riêng tôi sợ quá chẳng dám đụng tới. Nhiều lần người cô của Lựu cầm miếng bánh tráng nướng xúc mấy con nhộng đưa vào miệng ép tôi ăn, nhưng một cảm giác rờn rợn như đang ngậm mấy con sâu vào miệng làm tôi vội vàng nhả ra khiến mọi người cười ồ chê con bé nhát gan. Bây giờ tuổi đã về già nhưng cảm giác rờn rợn đó vẫn còn đeo đuổi tôi mỗi khi thấy những con nhộng vàng óng bày trên chiếc đĩa sứ trắng tinh điểm thêm vài cọng ngò xanh biếc trông thật bắt mắt nhưng tôi đành ngó lơ. Về đây tôi còn được ăn nhiều món lạ mà ở Đà Nẵng ít thấy như món bánh tráng nướng kẹp đường non, canh hến bóp khoai lang, mít hông v.v.. những món ăn dân dã vô cùng hấp dẫn mà đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy nhớ.

 

nhongrang

*

* *

         Thế rồi tình bạn thân thiết của tôi và Lựu cũng thắm thoát trôi qua theo bảy năm trung học, đậu Tú Tài Toàn phần xong tôi vào trường Đại Học Sư Phạm Huế còn Lựu học ở Đà Lạt. Tuy không phải xa mặt cách lòng nhưng việc học tập với những bận rộn ngày càng nhiều cùng với khoảng đường gần ngàn cây số khiến chúng tôi khó gặp mặt, thỉnh thoảng chỉ biết tin nhau qua những cánh thư.

         Tôi tốt nghiệp Đại học, lập gia đình và dạy tại trường Đồng Khánh Huế còn Lựu cũng lấy chồng rồi dạy ở Đà Nẵng. Thời ấy đường đèo Hải Vân đi lại khó khăn, nguy hiểm nên họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp nhau vài lần vào dịp nghỉ hè.

        Sau 1975, chồng Lựu chết, Lựu  nghỉ dạy, một thân một mình không có công ăn việc làm, đôi vai mảnh khảnh của Lựu không sao gánh nổi gánh nặng oằn vai.

        Nhiều lần tôi sang thăm Lựu nhưng cửa đóng then cài không gặp được. Mấy tháng sau nghe nhà hàng xóm nói gia đình Lựu đã dọn đi nhưng chẳng biết đi đâu. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau.

         Hơn mười năm sau, vào một buổi chiều, trên đường đi dạy về, tình cờ gặp người anh họ của Lựu, tôi mới biết Lựu đã qua đời ở Sài Gòn vì bệnh tim.

         Tôi bùi ngùi thương người mệnh bạc, mắt tôi rưng rưng, tôi kêu thầm trong cổ họng hai tiếng Lựu ơi!

                                                                                            

Châu Yến Loan