Dưới Mái Trường Xưa

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

ThuLien2Được nhận vào lớp Đệ thất trường trung học Phan Châu Trinh mùa thu năm 1957, tôi thật sung sướng và hãnh diện, cảm thấy như mình lớn hẳn lên.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày khai giảng. Lòng tôi nao nao khó tả. Niềm vui tuổi trẻ như chắp cánh!

Một chút nghiêm chỉnh và rất nhiều mạnh dạn, tôi tha thiết ngõ lời  với mẹ tôi:

- Năm nay vào học, mẹ cho con mặc áo dài !

Mẹ tôi cười:

- Tại sao?

- Con lớn rồi con không muốn mặc áo đầm!

 

Có lẽ mẹ tôi thấy điều “thỉnh-cầu” này cũng có thể chấp nhận, mặc dù hơi bất ngờ, vì tất cả sách vở, giấy viết,  áo quần mẹ tôi đã lo sẵn sàng từ trước; hơn nữa cũng vì muốn chiều con gái mới được nhận vào trung học, nên mẹ tôi vội vàng đưa tôi ra tiệm, cấp tốc may cho hai cái áo dài.

Quyết định “mặc áo dài” đến với tôi từ lúc tôi nhìn tôi trong tấm ảnh lưu niệm của lớp nhất trường tiểu học Phan Thiết, thật là “không giống ai”. Toàn thể nữ sinh đều mặc đồng phục: áo bà ba trắng, quần trắng; chỉ có riêng tôi lạc lõng trong cái áo đầm, nổi bật với hai chân khẳng khiu đen đen, xem ra không khác chi một con vịt xiêm giữa bầy thiên nga trắng xoá!

BTMD DeThat co Ai

Nỗi khao khát được cắp sách đến trường đã có trong tôi từ lúc lên sáu, lên bảy . Ở cái tuổi mà mấy đứa trẻ cùng trang lứa, sống ở thành phố, được học hành đàng hoàng . Sự khao khát đó lớn  đến nỗi tôi  thường lấy mực tím thoa vào ngón tay để có cảm tưởng là mình được cầm viết đi học!

Khoảng thời gian này, nhiều gia đình phải tản mác về nông thôn tránh  bom đạn, gia đình chúng tôi cũng cùng chung một hoàn cảnh. Sự học hành của lứa trẻ chúng tôi không còn là một ưu tiên. Bài học vỡ lòng, tập đọc, tập viết được mẹ tôi dạy ở nhà. Tôi còn quá nhỏ để có thể theo chân các anh chị họ, mỗi chiều cầm lồng đèn, đi bộ qua vài cánh đồng, đến làng bên cạnh theo những lớp học đêm. Đó là những năm tháng ở Thanh Hoá và Nghệ An.

Buổi sáng ngày khai giảng, trời Đà Nẵng trong sáng, gió nhẹ nhàng. Lòng hân hoan xen lẫn hồi hộp , hai chị em theo chân Ba chúng tôi đến trường nhập học.

Ba cha con đi bộ vào sân trường theo con đường chính dẫn đến phòng giáo sư, đi ngang qua cột cờ giữa sân trường. Không biết vì sao Ba tôi lại chọn ngay thời điểm mà tất cả nam, nữ học sinh sắp hàng sẵn sàng chào cờ. Hai bên lối đi, các anh các chị đứng hàng hàng lớp lớp trong sân trường rộng mênh mông.

Em tôi nhanh nhẹn đi trước với Ba tôi, còn tôi thì lúng túng trong chiếc áo dài đầu đời, lụp chụp bước vội theo sau, trống ngực đánh liên hồi, hai tà áo như quấn lấy chân. “Ôi tà áo dài, tà áo dài quấn quýt chân em!”

Từ ngày nhập học đó cho đến bảy năm sau, tôi được dạy dỗ, được thương mến và lớn lên dưới mái trường Phan Châu Trinh yêu dấu . Trong suốt cuộc đời, với tôi khoảng thời gian bảy năm ở trường Phan Châu Trinh luôn luôn là khoảng thời gian mà tôi trân quý nhất, đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Mỗi một giờ trong lớp, mỗi một ngày đi học, là một khám phá, một niềm vui sướng vô biên.

Từ đó đến nay, qua bao nhiêu thay đổi của thời cuộc, qua bao nhiêu biến đổi của dòng đời, sau những thăng trầm và mất mát, tôi vẫn giữ được niềm tin là tình cảm giữa thầy trò, và tình cảm bạn hữu vẫn tồn tại mãi mãi.

    Mái tóc điểm sương thầy lẫn bạn 

    Bước đường lộng gió tỉnh dường say

    Cuộc đời dâu bể xoay vần mãi

    Nghĩa cũ tình xưa há đổi thay!

                Thơ thầy Bùi Tấn

Thật khó quên được dáng đi “lẹo xẹp”, nghiêng nghiêng của cô Liễng (Bà Trần Ngọc Liễng). Cô luôn giữ nụ cười hiền lành trên khuôn mặt đã bắt  đầu có những nếp nhăn, tay ôm cặp lúc nào cũng đầy nhóc giấy tờ, và cặp thì ít khi được cài lại cẩn thận. 

Cuối giờ Pháp văn, cô thường tập cho chúng tôi hát những bài mà có lẽ cô đã từng hát ở tuổi thơ . Một cảm giác vui vui khiến tôi phải mĩm cười mỗi lần nghe tiếng đồng ca vang lên những bài hát quen thuộc, chúng tôi biết ngay đó là giờ của cô Liễng ở các lớp bên cạnh:

Mes amis, la vie est belle,

Malgré les peines qui nous enchainent.

Âme claire, voix legère

Sans un sou au fond de l’ escarselle,

Chantons au soleil qui ruisselle,

La vie est belle, belle toujours!

Sau này trên dòng đời có những lúc “gập ghềnh”, cứ nhẫm hát bài cô dạy là thấy được lòng nhẹ nhàng , thanh thản ra. Không phải lúc nào trên khuôn mặt hiền tươi  tắn đó luôn giữ nụ cười trên môi. Cuối năm Đệ Lục biết là không còn tiếp tục dạy lũ trẻ con này nữa, cô tập cho chúng tôi bài giã biệt:

Ce n’est qu’un au-revoir 

Mes frères, ce n’ est qu’ un au-revoir 

Faut-il nous quitter sans espoir?

Sans espoir de retour

Faut-il nous quitter sans espoir

De nous revoir un jou!

Hát xong là cô ràng rụa nước mắt và chúng tôi nước mắt cũng lưng tròng! (cô Liễng nay đã qua đời, được biết tro của cô thờ ở chùa Khánh Anh Paris. Xin cầu nguyện hương linh cô vãng sanh cực lạc.

Thầy Hoàng Bích Sơn dáng người nhỏ thó, gương mặt gầy gầy, mà sao viết trên lời và nhạc Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh lại hùng hồn đến thế!

Vào một mùa thi cuối lớp, ngoài phần nhạc lý, có lần thầy vui vui bắt chúng tôi phải lựa hát một bài cho phần thực hành . Thầy cười quá , cười đến chảy nước mắt khi thưởng thức mấy giọng ca, khàn khàn, lạc điệu , cao thấp… tuỳ ý, hay những giọng rồ rồ “vỡ tiếng” của các cậu con trai mới lớn.

Tôi còn nhớ tôi đã chọn bài “Tiếng dương cầm”. Vì mắc cỡ nên cứ ghé sát vào tai thầy để trả bài ! Thầy Sơn cười quá, vừa chủ ý nghiêng đầu ra xa, tôi lại cứ nhoài người theo, rúc thật gần vào bên tai thầy mà hát, gần đến nỗi bây giờ tôi còn nhớ  những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy gầy của thầy!

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc được bổ nhiệm về trường khoảng giữa thập niên 50, lúc đó thầy rất trẻ, nhưng thầy vẫn có đủ  uy tín để điều hành ngôi trường lớn vào bậc nhất Đà Nẵng. Thầy luôn luôn nghiêm trang, mẫu mực đúng phong cách của một nhà mô phạm.

Thuở đó tôi sợ thầy hơn “sợ cọp “ Mỗi lần thấy bóng thầy là tôi tức khắc lẻn  đi chỗ khác…” (Trường Công Nghệ). Đấy là cảm nghĩ của anh Nghệ (PCT 1954-1960) khi hãy còn là một học sinh dưới mái trường. Vào tuổi trưởng thành, trong bộ quân phục, mũ nâu, một nam sinh khác tình cờ gặp thầy trên chuyến xe lam, ngần ngại một hồi lâu anh mới dám cất tiếng chào, vì “ Thưa thầy, em sợ thầy …, em sợ thật! “ (Những người bạn trẻ - Hoàng Nguyễn).

Thầy có cái “uy” của một nhà lãnh đạo , đã khiến cho mấy thế hệ nam nữ học sinh phải “phục” mà không hề “hận”.  Năm tôi vào lớp Đệ Nhị (1962) thì thầy Ngọc rời trường. Sự thuyên chuyển của thầy là một mất mát lớn đối với chúng tôi . Sau đó những biến động dồn dập của thời cuộc khiến chúng tôi ngẩn ngơ, mất phương hướng. Tiếp theo là những “biến động” ở trường khiến chúng tôi quá đau lòng. Cái nề nếp trật tự nghiêm túc mà thầy Ngọc đã gieo vào tâm hồn đám học sinh bao năm nay  duờng như đã bị lung lay!

Bây giờ, thầy là hình ảnh ở một người cha hiền, với nụ cười đôn hậu, bao dung, là  nơi qui tụ ấm áp để các anh chị em Phan Châu Trinh kéo về trong những dịp Lễ Tạ Ơn, hay mỗi lần Tết đến. Chúng tôi mãi mãi thương kính thầy.

Tôi nhớ đến những tiếng cười hồn nhiên trong giờ học. Đó là điều cấm kỵ, và cũng rất dễ dàng lãnh giờ cấm túc, nhưng  ở lứa tuổi “con nít” vừa qua mà người lớn thì chưa tới, tâm hồn vô tư đã khiến chúng tôi lúc nào và với điều gì cũng dễ dàng cười được! Cười khi thầy, cô đang viết, trật tay làm gãy viên phấn, cười khi thấy trên gương mặt của thầy cô có lấm vết mực, cười khi bất chợt có tiếng động khiến thầy, cô giật mình!

Giờ Việt văn của thầy Trần Đình Quân, một thư rơi chuyền từ cuối lớp ghi: “Để ý kiểu tóc của ngài!”. Đúng lúc thầy quay lưng ghi chép trên bảng, thì chúng tôi không nhịn được, cả đám cười rúc rích. Không hiểu sao thầy Quân chải tóc khéo thế, nhìn phía sau, tóc được chải đều và đẹp như một bông hoa, mà cái xoáy ở giữa làm nhuỵ! Lũ con gái cười khúc khích, rủi cho Kim An bị chiếu tướng:

  • Cô Kim An đứng lên! Tại sao cười?

Kim An ấp úng mãi mới ngập ngừng:

  • Dạ… Dạ… cái xoáy!!!

Thầy Quân nghiêm giọng:

  • Ngồi xuống!

Lần đó, chúng tôi được thầy tha tội. Nhân dịp  qua Cali dự lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập trường Phan Châu Trinh, hai chị em tôi đến thăm thầy Quân tại nhà. Thời gian này thầy đã yếu đi nhiều. Trên khuôn mặt xanh xao vẫn còn giữ nét hiền từ. Chúng tôi, mỗi đứa ngồi một bên, ôm lấy tay thầy mà khóc!

Không đầy một năm sau, tôi được tin thầy Quân vĩnh biệt ra đi (năm 2003).

Người đi xa, người đi rồi.

 “Khúc tình ca”… ở với đời thiên thu.

Lê Hân

Cuối năm Đệ tứ chúng tôi qua một kỳ thi tuyển để được lên Đệ tam. Học tài thi phận, người đậu, người rớt, sự chia tay phải đến sau bốn năm học bên nhau. Thế là cả lớp Tứ 2 chúng tôi rộn ràng viết “lưu bút ngày xanh”.

Rồi thì giấy xanh, giấy tím, giấy hồng đưa qua đưa lại lao xao, lẫn với tiếng hẹn hò tặng thư, tặng ảnh. Thầy Lý Châu, giáo sư cố vấn lớp tôi cười hóm hỉnh:

  • Đó…! Cứ yêu yêu với thương thương cho nhiều rồi cuối năm thi hỏng hết cho mà xem!

Lũ con gái cự nự:

  • Thầy…! Thiệt tình!

Thầy Trần Đại Tăng dạy Toán năm Đệ nhị đã thu hút sự  chú ý của chúng tôi ngay từ phút đầu. Chỉ cần quơ tay một cái là thầy đã tạo được một vòng tròn, tròn quay như người ta dùng compas để vẽ. Bằng lối giảng giải minh bạch, lớp lang, giờ toán của thầy trở nên khá hấp dẫn đối với chúng tôi, không khí học hành lại thoải mái , giúp chúng tôi quên đi sự lo lắng của kỳ thi cuối năm.

Không những là một giáo sư giỏi, thầy còn là một thi sĩ được nhiều người ngưỡng mộ.  Người bạn đời của thầy là cô bạn thân, nên đối với thầy, tôi cảm thấy thân tình hơn. Lần về thăm quê hương vào năm 1999, vợ chồng tôi ghé Đà Nẵng, đã đến thăm quý thầy Tăng, thầy Đáo, và các bạn cùng lớp.

Gặp lại nhau, niềm vui không kể xiết, tình cảm thầy trò và tình bạn thời trẻ lại sống dậy trong tôi như ngày nào. Những buổi gặp gỡ thật ấm cúng, thân mật và lúc chia tay sao quá bùi ngùi!

Bài viết thì có hạn mà nỗi niềm thì bao la. Khoảng đời niên thiếu của tôi sao cứ xoay quanh ngôi trường cũ, thầy cô, bạn bè và khu phố nhỏ nơi tôi lớn lên. Mấy câu thơ của Trần Hoan Trinh sao giống tâm trạng của tôi hôm nay:

   Chiều đi qua trường xưa

   Gọi tên từng bạn cũ (*)

   Như gọi từng nỗi nhớ

   Như gọi từng ước mơ…

Phan Thu Liên 

(Phan Châu Trinh 1957-1964)

(*) Nguyên văn: Gọi tên từng học trò.

Bài do TDT gởi đến