Trên Ngọn Sầu Đông - Tuỳ bút Trịnh Diệu Tân (updated July 15, 2022)

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 nguyendinhnghia ThoiSao

Ngày tôi âm thầm bỏ Đà Nẵng đi, trên chuyến tàu tình yêu chở trái tim đầy ắp hạnh phúc, bỏ tất cả bạn bè. Tôi không từ giã ai, không có người bạn nào biết tôi đi.

Tôi đã trải qua bước đường dài của đời người, bây giờ trời Maryland chớm sang xuân, không khí gây gây lạnh, mấy con chim nhỏ dễ thương, đã bay lại nhảy nhót bên thành cửa sổ hót tiếng vui tai.

Buổi sáng yên tĩnh bên ly trà nóng, nghe thời gian đi. Từ ngày anh Nghĩa ra đi, tôi vẫn lặng lẽ mỗi ngày nhìn bức ảnh của anh trên tường, ánh mắt nhìn tôi thăm thẳm như muốn nói điều gì và tôi mỉm cười với anh:

“ Em khỏe lắm anh, em vui lắm, em sắp đi Cali gặp các bạn Phan Châu Trinh, những người bạn thời niên thiếu của em, Phan Nhật Nam và chị Diệu Minh gọi nhắc nhở ngày 5 tháng 7 sẽ tổ chức họp mặt các bạn cũ. Phải sắp xếp gọi vé máy bay và phòng khách sạn. Chuyến đi nầy chắc vất vả lắm, vì sau 2 tuần lễ nghỉ hè ở đảo Saint Martin về tới Washington D.C đã 11 giờ đêm tối thứ Bảy, ngày 4 Chủ nhật 5 giờ sáng phải lên lại phi trường Dulles đi Cali. Nam nói 4 giờ chiều Chủ nhật phải có mặt. Thật ra với tuổi trẻ không sao, nhưng với tuổi gần 70, tính ra thật ái ngại. Nhưng gặp lại bạn bè cũ , em thật vui quá, vui quá, em thấy mình trẻ đi, và sống lại với tình bạn tuổi ấu thơ.

nguyen dinh nghia 3

nguyen dinh nghia B

Mấy năm trước về Cali, đã gặp vợ chồng Diệu Hồng, Ngọc Sương, Duyên, Nguyễn Hữu Cương, anh Thức. Vừa qua vợ chồng Diệu Hồng đến Maryland và đã gặp lại cô Đính, Lê Chí Thảo, An Thục Đức, Lý Tuyết Ánh. Anh Huỳnh Thái Bình trước ở Virginia. Vợ chồng tôi vẫn thường gặp anh hoài. Nhưng từ khi anh kết hôn với chị Nhật Hạ, gặp lại anh một lần, rồi sau đó biền biệt.

Võ Thi Thương đã gặp lại hơn 10 trước, ngày đầu tiên Phan Nhật Nam ra mắt sách ở Virginia. Võ Thị Thương thật yêu đời, yêu người, xôn xao nổi sóng. Sau đó Thương hay qua thăm tôi khi Nghĩa nằm bệnh viện, và đến với tôi trong ngày đám cưới của con trai tôi.

Trong tất cả bạn bè đã gặp lại, Phan Nhật Nam là người bạn ân tình của vợ chồng tôi. Nghĩa và Nam thâu đêm bên ly rượu, đã kể cho nhau nghe muôn vạn lời, 14 năm tù của Nam, và những đắng cay trong cuộc đời nghệ sĩ của Nghĩa.

Ngày Nghĩa ngã gục trên sân khấu ở New York, Nam mỗi ngày gọi cho tôi: “ Diệu Tân bình tỉnh nghe, đừng gục ngã nghe. Nghĩa rất cần Tân lúc nầy đó, không được khóc, không được khóc.”

Và người bạn nghèo nhất của tôi đã vội vã gởi cho tôi số tiền 1,000 đô. Anh không có tiền uống cả phê, làm sao có tiền cho tôi, anh thiệt là khùng quá. Ân tình của anh thật làm tôi chảy nước mắt.

Rồi đám tang của Nghĩa, rồi đám cưới của các con tôi, Nam mở lòng giúp đỡ. Ơn tình của anh còn có thể trả được sao. Nhưng tôi có nhắc nhở anh một điều phải làm cho tôi một điều nữa: là đám tang của tôi, anh phải chuẩn bị một bài điếu văn thật cảm động. Tôi nghe xong sẽ cười và đi. Cảm ơn anh, cảm ơn anh.

Tuần trước cô Đính có gọi hỏi : “Diệu Tân có đi Cali không?” Tôi nói có và mời cô đi chung. Cô chưa quyết định. Giọng cô vẫn ngọt ngào, dáng dấp vẫn kiêu sa, cô hơn mình có mấy tuổi mà mình vẫn khép nép với cô giáo như ngày nào. Cô nói rất nhiều câu chuyện, nhưng có một điều tôi nói được với cô là trường học đã không dạy được cho mình làm thế nào để giải đáp được những khó khăn và đau khổ của cuộc đời. Mỗi người trong chúng ta phải vất vả tìm đáp số cho riêng mình.

Tôi và các bạn cũng không quên được những người bạn đã ra đi… Anh Khiết, Nam, Dũng, Hạ Quốc Bảo… và nhiều nữa… Các bạn tôi, đã bay vào vùng lửa đạn. Từ đỉnh núi Tiger đến những cánh rừng bạt ngàn A Sao, A Lưới. Từ Nam Lào đến chặng Chu Pao rực lửa. Từ con sóng Vàm Cỏ Đông đến mùa gió chướng Thất Sơn. Khắp cùng bước chân các anh đã đi theo chiều tỷ lệ thuận với bom đạn.

Rồi một chiều sẩy đàn tan nghé, chúng ta cùng quay đầu nhìn về phía núi cất lên những tiếng kêu thương:

“ Anh tan theo, theo từng ngọn sóng 

Mảnh tàn y rách nát non sông

Chim lạc đàn,chim kêu lạc giọng 

Trời đông tây, muối sát cơ đồ…”

ng dinh nghia 8

Một ngày nào đó, chúng tôi cùng theo các bạn, những con hồng nhạn bơ vơ bay về đậu trên ngọn phế thành, kêu lên những tiếng kêu thống thiết. Tiếng kêu trầm thống trong đêm trăng, trong vườn Thượng uyển, để réo gọi về những cỏ cây trên chân núi Ngũ Hành. Những tiếng kêu thắt cùng của ngọn đèn chài, để réo gọi về những ghềnh đá, ngọn sóng trên bờ Tiên Sa.. Nơi đó khi mà tôi và các bạn đã trải qua những ngày khi dòng sông còn đầy ngập ánh đèn hoa đăng.

Hôm nay, đột nhiên chị An Thục Đức gọi viết bài gởi cho anh Trần Gia Phụng. Chị hỏi có nhớ tới anh Phụng không? Tôi ngẫm nghĩ thật lâu, nếu trả lời “không” thi bậy bạ quá, mà nói “nhớ” thì thật không đúng. Thôi thì chỉ biết cười trừ. Quả thật, đã gần nửa thế kỷ, giờ phút nầy gặp lại nhau thật là nhiều cơ duyên quá. Trân trọng giữ gìn.

Năm rồi, Đỗ Yên Thuận gọi đến hỏi: “Diệu Tân bây giờ ra sao? Già tới chừng nào rồi. Ngày xưa đáng lẽ má anh đi hỏi em làm cô dâu, nhưng anh đã chê em xấu và ốm nhom như con mèo nhỏ.” Trời đất, Thuận chê đến nỗi tôi phải chạy vào phòng nhìn vào kính để coi mình quả thật già và xấu tới đâu rồi. Hỡi ôi! (Chấm dấu than ở đây). Tôi thấy mình tội nghiệp quá, nếu ông Nghĩa không chê, tôi sẽ là con mèo nhỏ cô độc nằm ở xó bếp nhìn đời buồn tênh.

Mỗi lần gọi phone nói chuyện với các bạn học cũ, nói chuyện um sùm, mi tao thoải mái quá. Ngày đi học, nhà tôi nhỏ xíu, nhưng có cái sân rộng, để chiếc giường tre ra ngoài sân, dưới những tàn cây sầu đông. Phan Thị Nhung, Lê Thị Phương, Ngọc Sương, mấy đứa nằm cùng ngửa mặt lên trời đếm sao, nói cho nhau đủ thứ chuyện, tẩn mẩn những chuyện trong lớp.

Tôi kể chuyện thầy Minh Trai nhờ tôi đưa sách vở giùm về nhà cho thầy. Chị Xuân Lan hỏi tôi để chị đi thay giùm. Tôi đồng ý ngay và ngày hôm sau thầy Trai gọi lên mắng tôi lười biếng quá. Tôi đã muốn chảy nước mắt, nhưng chị Xuân Lan thì úp mặt xuống bàn khóc to hơn tôi.

Ngày ra Huế học Quốc Học, buổi chiều đạp xe đi dọc theo sông Hương về cầu Bạch Hổ, tôi gặp thầy Trai dựa xe đạp bên hàng rào ven đường. Tôi ngạc nhiên hỏi sao thầy ở đây? Thầy nói đã bỏ dạy ở Phan Châu Trinh, ra Huế tiếp tục học Văn Khoa. Tôi nhìn thầy rất lâu, rất kỹ. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Sau tôi không gặp thầy nữa. 

Có những kỷ niệm mà một lúc nào đó còn làm mình bồi hồi cảm động. Năm đệ tam trong quyển lưu bút mùa hè, Đoàn Văn Huệ viết: “Mong cuộc đời Diệu Tân phủ đầy hoa huệ.” Quyển lưu bút sau đó tôi giấu luôn không đưa ai viết tiếp. Nhưng bây giờ, mấy chục năm qua, không gặp lại, chỉ nghe tin anh mất, mới nhớ lại những lời của anh. Diệu Tân nhắc một chút kỷ niệm để hương linh anh ở một nơi nào đó có lại nụ cười tuổi trẻ.

Ngày ra Huế học, tôi buồn lắm, nhớ bạn học Phan Châu Trinh vô cùng. Tôi ở trọ ngôi nhà trên đường Huyền Trân Công Chúa. Mỗi buổi chiều ngồi trên ghế đá, nhìn sông Hương trước mặt, nước sông đổi màu theo ánh mặt trời, tôi nhớ tha thiết sông Hàn, nhớ biển Mỹ Khê, và nhớ hương sầu đông. Tiếng sáo của ai đó lướt thướt trên mặt nước làm tôi muốn khóc.

Một tiền kiếp nào đó trong mơ hồ, tôi biết tiếng sáo đã nuôi dưỡng linh hồn tôi.

Năm ngoái về Việt Nam, tôi có gặp lại chị Tầy, Như Lan, chị Diệp. Tầy vẫn tếu như xưa. Như Lan đã có tình yêu mới. Chị Điệp vẫn chững chạc như ngày nào. Tôi vẫn muốn gặp lại anh Lê Tử Thành, Phan Văn Huề, Phan Thị Nhuỵ, nhưng kiếm không ra địa chỉ. Đã nhờ người nhắn giùm chị Huyền Nhạn và Kiều Trang. Thăm thầy Phạm Thế Mỹ. Thầy bệnh đi đứng khó khăn, lúc từ giã thầy, tôi hứa sẽ trở lại thăm, nhưng rất tiếc đó là lần cuối cùng.

Tôi nhớ bản nhạc đầu tay của thầy, năm đệ ngũ, tôi và Ngọc Sương đã hát bài “Xây Một Nhịp Cầu”. Vở kịch “ Sắc Lụa Trữ La”, tôi đóng vai Ý Lan và Nguyễn Văn Để ở Thông Tin đóng vai Điền Quân. Thầy dẫn đoàn kịch đi diễn ở Hội An. Thầy khen em diễn xuất hay, sau nầy sẽ đi vào điện ảnh. Những lời thầy tiên đoán đã không đúng. Tôi suốt đời chỉ là cái bóng của Nghĩa.

Diệu Hồng có cho tôi coi cuốn tape của ông xã Hồng tổ chức ngày Không Quân. Tôi thật ngạc nhiên thấy Diệu Hồng trẻ trung, mặc áo dài dáng dấp như một thiếu nữ. Có thể hạnh phúc của đời người đã làm cho bạn tôi trẻ hoài. Cũng trong cuốn tape nầy, tôi thấy lại anh Võ Ý, anh Ngọc Ân.

Viết đủ thứ chuyện linh tinh bạn bè thuở xưa mấy tiếng đồng hồ trong buổi sáng, các bạn Phan Châu Trinh của mình chắc hẳn buồn cười lắm, những kỷ niệm đến rất mau và đi cùng rất nhanh. Nếu thoáng bắt được những khoảnh khắc hình ảnh, kỷ niệm nào thì ghi vội xuống. Tuổi già chóng quên.

Đã lâu rồi không cầm lại cây bút, cuộc sống nơi đây mỗi ngày đi qua nhàm chán và buồn bã. Giữa con người và con người hình như không có được những tình cảm chân thành của ngày xưa ở quê nhà thời đi học.

Tuổi của mình giờ nầy cứ quay đầu nhìn lại phía sau. Nhưng hai con mắt vẫn ở đằng trước, vẫn bắt mình nhìn tới tương lai. Mặc dù thời gian không còn bao nhiêu, nhưng Thượng Đế vẫn ban cho sự sống, nên mình vẫn phải trân trọng quí giá giữ gìn những gì mình đang có.

nghe si sao truc nguyen dinh nghiaTrinhDieuTan
NguyenDinhNghia

Quê mình mùa nầy những đêm sương mù đã bắt đầu giăng, ngọn gió nàng Bân cũng đã thoáng lạnh trên những luống cỏ vàng và khói trầm hương cũng bay đầy trên con đường Trung Bộ. Từ những tiếng chim kêu trên ngọn phế thành, đến những bọt sóng bên bờ biển Mỹ Khê, những ngày lửa đạn, những năm tháng đoạ đầy, bạn bè sẩy đàn tan nghé, ngoảnh lại chỉ là một sát na. Chỉ là một sát na. Ngoài sông lớn nước vẫn đi biền biệt và những bông hoa gạo vẫn cất những lời hát ngu ngơ bên bến sông xưa.

Các bạn tôi ơi!

Chiều Chiều mây phủ Sơn Chà

Lòng ta nhớ bạn, nước mắt và trộn cơm.

Trịnh Diệu Tân

( ĐS Kỷ niệm Trường xưa PCT, Cali 7/2009 )