Nếu có ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất trong cuộc đời, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại trả lời : đó là những năm tháng tôi còn đi học dưới mái trường Phan Châu Trinh, trường Trung học nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng, nơi đó tôi có thầy, cô, các bạn và những kỷ niệm đẹp nhất của đời học trò. Cho dù tôi có già đi, tương lai có thể bị lú lẫn, nhưng chắc tôi sẽ nhớ mãi không thể nào quên .
Đã lâu rồi, từ ngày đất nước bị thay chủ đổi ngôi, rồi đến ngày gia đình chúng tôi rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ, gần bốn chục năm có lẽ, suýt soát nửa đời người nếu nói không sai.
Năm 2010, tôi có dịp trở lại Đà Nẵng thăm ngôi nhà cũ, nơi ba mẹ và chị em chúng tôi sinh sống ngày nào, cũng là dịp tôi ghé thăm ngôi trường xưa, trường Phan Châu Trinh yêu dấu, vang bóng một thời, nơi tôi đã dành trọn tuổi hoa niên của mình chăm lo việc đèn sách. Nhìn ngôi nhà cũ bị chia năm xẻ bảy, ngôi trường xưa với tượng cụ Phan Châu Trinh sừng sững giữa sân, nhưng trường học đã bị bỏ phế từ lâu, lòng tôi quặn thắt , ngậm ngùi như lúc nhìn thấy ngôi nhà của mình bị người ta chiếm đoạt . Sân trường vắng vẻ, vài ba cậu học trò nhỏ đang đá bóng trong sân . Bao nhiêu kỷ niệm của một thời đi học như cuốn phim quay đi quay lại trong ký ức của tôi .
Tôi về thăm nhằm vào mùa hè, muà phượng nở, nhưng phượng hồng đâu không thấy, chỉ thấy lá rụng đầy sân . Nhìn những gốc cây ở cuối sân, ngày xưa tôi và Hồng Châu ( cô bạn thân ) thường ngồi đó tâm sự nhỏ to. Hồi đó, mỗi sáng Thứ hai đều có chào quốc kỳ , cột cờ thật cao với lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trên nền trời xanh . Những buổi sáng Thứ hai như vậy, tất cả các học sinh từ Đệ thất ( lớp 6 ) đến Đệ Nhất ( lớp 12 ) đều phải ra sân.
Không khí thật trang nghiêm . Nam sinh quần tây trắng, aó chemise trắng. Nữ sinh aó dài màu thiên thanh, quần dài trắng . Thời gian tôi học thầy Duận làm Tổn giám thị. Suốt năm Đệ tam ( lớp 10 ), tôi bị thầy bắt ra khỏi sân mấy lần vì không mặc đồng phục như quy định. Nói thật không phải tôi cố ý như vậy, nhưng mẹ tôi nói aó dài xanh chỉ mặc mỗi ngày Thứ hai, nên tôi chỉ có một cái. Không may cho tôi lần đó ông thợ may cắt không được đẹp, nên nó bị xếp vào một xó trong góc tủ. Mặc dù tôi cố tránh và sợ toát mồ hôi nhưng thầy vẫn bắt được. Tôi mắc cỡ quá chừng vì những ánh mắt trêu ghẹo của những bạn nam sinh ở dãy bên kia.
Sang Mỹ rồi, mỗi lần thấy các học sinh Trung học mặc áo quần đi học thật đơn giản : chỉ quần jean với T shirt, có nhiều cô còn mặc short ngắn lên đến tận mông, nhìn họ tôi lại cảm thấy may mắn là mình được giáo dục trong một môi trường có kỷ luật như hồi xưa.
Tôi bước vào căn phòng cuối dãy, lớp học của tôi ngày nào. Tại căn phòng này với bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về : lúc đó tôi học Đệ tam, ngồi cạnh Hồng Châu. Sáng nào chúng tôi cũng đến lớp học sớm. Các bạn biết làm gì không ? Đến để kiếm những lá thư của những anh chàng si tình để lại dưới bàn từ buổi học hôm qua. Lúc đầu tôi vì vui nên cho các bạn khác cùng đọc. Sau đó thấy anh ta thật tình, tha thiết, tôi cảm thấy mình làm thế là không đẹp, nên giấu kín mặc dầu các bạn tiếp tục hỏi tôi : Có thư không H ? Tuy vậy tôi vẫn để tâm truy tìm “ thủ phạm” là ai. Thì ra, không ai khác hơn là anh chàng Long, anh học hơn tôi hai lớp.
Sau khi biết tôi đã khám phá ra, anh bèn đổi chiến thuật, buổi trưa đi học về anh chờ trước cổng trường với cuốn truyện của Võ Hồng trên tay . Thấy tôi, anh ấp úng nói, giọng Bắc rất dễ nghe : “Anh thấy H hay đọc truyện nên có cuốn này mới ra anh tặng H “. Tôi không nhận và không trả lời. Anh biết thế là không xong nên rút lui.
Từ năm Đệ lục đến năm Đệ nhị, tôi đều đi học cùng với Hồng Châu, nhưng nhà tôi ở đường Trưng Nữ Vương gần Chợ Mới, trong lúc nhà Hồng Châu ở ty ngân khố. Muốn được trò chuyện với bạn, tôi đạp xe đạp từ nhà tôi băng qua trường Sao Mai mới đến Ty ngân khố. Tôi gởi xe đạp ở nhà Châu, rồi chúng tôi đi bộ từ đó đến trường, khoảng đường có một block nhưng cũng đủ cho chúng tôi có thời gian làm mê mệt ba ông quan hai ở sở Tiếp vận. Ba ông này, một ông cao hơi ốm, hai ông khác thấp hơn. Mỗi sáng sau khi uống café và ăn sáng ở nhà Hồng Châu ( nhà Châu có bán bún bò ) xong là về đứng giàn chào trước cổng để chờ chúng tôi đi qua. Anh quan hai cao gầy lại để ý đến tôi nên lúc tan học, anh ta thường lái vespa đi tò tò sau lưng tôi về đến nhà. Có lần ba tôi đi làm về bắt gặp, ông nói thế nào với anh quan hai tôi không được biết, nhưng kể từ hôm đó , em tan học về KHÔNG theo Ngọ về nữa.
Sẵn mang trong người một chút lãng mạng của người con gái miền Trung, tôi biết yêu rất sớm. Năm tôi vừa mười lăm tuổi học Đệ tứ, có một anh chàng hàng xóm để ý đến tôi. Anh học Đệ nhất trường Sao Mai . Lúc đầu tôi không dám nghĩ tới vì sợ ba mẹ tôi la, nhưng dần dần với những lời tán tỉnh cũng như những cái liếc mắt cười duyên, đã làm tôi xiêu lòng. Tôi như thấy thiếu tiếng cười, tiếng hát của anh, mỗi lần nhìn qua nhà không thấy bóng anh. Thế là chúng tôi bắt đầu hẹn hò, lúc thì đi xem chiếu bóng, đi biển hoặc viếng cảnh Ngũ Hành Sơn. Thỉnh thoảng anh tặng tôi quà, lúc thì kẹo bánh, lúc thì bản nhạc tình mới ra.
Chuyện khéo dài không lâu, ba mẹ tôi bắt đầu nghi ngờ và sự trừng phạt cuối cùng để cắt đứt sự liên lạc giữa hai chúng tôi là chuyển nhà qua An Hải gần biển Mỹ Khê. Từ đó tôi không còn liên lạc gì với anh nữa. Khoảng vài tháng sau, tôi được người bạn cho biết anh đã xung phong vào trường Võ Bị. Thế là chấm dứt mối tình đầu. Đọc đến đây chắc các bạn sẽ nghĩ là con nhỏ này quậy quá trời. Không đâu . Thật tình mà nói, tính tôi hay mắc cỡ, nhút nhát lại sinh vào năm Canh Dần nên tự ái cùng mình. Bữa nào đi học quên làm bài tập là ngồi chịu trận chứ không mượn hoặc chép của ai. Năm tôi học Đệ Nhị, ba tôi nhờ ông anh họ kèm Toán và Lý hóa cho tôi rất gắt, kết quả là tôi thi đậu tú tài I ngay kỳ một. Thú thật, trong những năm trung học, năm này là tôi cảm thấy thoải mái và rất tự hào về mình.
Qua năm Đệ Nhất, không may cho tôi đến lượt ông anh họ lại đi Thủ Đức. Việc học hành của tôi trở nên bết bát, cuối năm đó tôi thi hỏng tú tài II. Không buồn cũng chẳng vui, tôi chỉ tiếc là đã làm ba mẹ thất vọng. Sau đó tôi ở nhà phụ mẹ tôi trong việc mua bán cho đến ngày lấy chồng.
Tôi biết mình học hành không đến nơi đến chốn, nhưng bù lại tôi đã có những tháng ngày đẹp, vui vẻ cùng các bạn ở ghế nhà trường. Sau khi lấy chồng, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau, chia sẻ cho nhau những chuyện vui, buồn của cuộc đời làm vợ, rồi chúng tôi đi ăn. Trở về với quán ăn cũ như bánh bèo cầu vòng, ăn vẫn ngon nhưng không bằng những lúc còn đi học, nghỉ được một hai giờ giữa buổi học là chúng tôi đi ăn. Trời hơi lạnh sắp sang đông, cầm chén bánh bèo nóng, trên mặt được trét tôm chấy với tóp mỡ, mùi hành hương làm chảy nước miếng, thật là tuyệt.
Những lúc trời nắng, buổi trưa đi học về chúng tôi lại rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ hay đậu xanh nước dừa, vừa béo vừa ngọt, hoặc ly sâm bổ lường ở Ngã Năm thật mát. Nhớ không các bạn ?
Tôi vốn ít nói nên không nhiều bạn bè. Suốt thời gian học trường Phan Châu Trinh quanh đi quẩn lại chỉ vài cô bạn như Hồng Châu, Thu Hương, Kim Khánh, Ngọc Hà. May mắn là ba trong số đó lại đang ở tại Cali, chỉ có Kim Khánh còn ở lại Việt Nam. Năm ngoái nghe tin tôi bệnh nặng ,cả ba đứa có ghé thăm. Chúng nó có mang theo một người bạn mới mà tôi đã nghe tiếng hồi còn học ở trường là Cẩm Lai. Lúc tiễn các bạn ra về, tôi đã không cầm được nước mắt vì cảm động. Tội nghiệp Thu Hương lần đó về bị té gãy chân phải mất gần nửa năm vẫn chưa lành hẳn.
Tôi đã lưu lạc nhiều nơi từ ngày rời mái trường Phan Châu Trinh, nhưng tôi may mắn còn giữ được vài tấm hình thời còn đi học , trong đó có tấm hình anh Hoàng Chương vẽ tặng năm tôi học Đệ tam. Thỉnh thoảng buồn, tôi nhìn lại những tấm hình này, vui vẻ mĩm cười với ý nghĩ ít nhất mình cũng đã có những kỷ niệm đẹp, những mối tình học trò thơ mộng dưới mái trường Phan Châu Trinh.
TTH ( San Diego 04-20-2012 )
( ĐS Kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.
Đại hội ngày 01 tháng 7 năm 2012,Anaheim, California )