Tôi nhớ lại, tôi đứng nghe thầy Tổng Giám Thị đọc tên những thí sinh đậu vào trường Phan Châu Trinh. Tôi đợi mãi và cuối cùng nghe tên mình. Tôi vô cùng mừng rỡ.
Tôi học Đệ Nhất cấp (1956-1960), Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ.
Tôi ở ngay Ngã Năm, nên nhiều bạn về cùng đường với tôi. Nhất là các bạn gái của tôi đi về phía Phan Châu Trinh và Hoàng Diệu, và xa hơn tí nữa là đuờng Hoàng Văn Thụ (sau đó gia đình tôi cũng chuyển về Hoàng Văn Thụ). Các bạn hay ghé nhà tôi chơi như Hoàng Vu, Huỳnh Thi Bích, Phan Toán, Tuyết Nhung, Lệ Hưởng, Nguyễn Thị Thành. Sau bốn năm Đệ Nhất cấp tôi đã rời trường để theo con đường mà mình yêu thích, đó là gia chánh và làm bánh. Và tôi đã thành công với ước mơ của mình.
Thôi gian sau này các bạn ra đời có sự nghiệp, có gia đình, con cái ổn định như bạn Đặng Văn Sở, Nguyễn Bảy (mất) đã liên lạc các bạn cùng khối họp lớp từ những ngày ấy, rồi những bạn từ nước ngoài về cũng liên lạc gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm thời cắp sách.
Bây giờ ai cũng qua được thời cơm áo gạo tiền.
Bốn năm học ở Phan Châu Trinh, tôi là người rời trường trước nhất.
Vì tôi thích công việc gia chánh từ nhỏ, thế là tôi đã sang một bước ngoặc khác. Tôi học bánh và làm hoa (vải, giấy).
Sau đó tôi mở dạy làm bánh và làm hoa được nhiều người yêu thích, nên tôi có học viên khá đông.
Học làm bánh và hoa cũng khá tốn tiền. Các học sinh phải chia bánh và hoa, học rất tốn kém.
Thế là tôi vào Sài Gòn nên lúc đó ba mẹ tôi tốn kém cho tôi nhiều lắm .
Học xong, tôi về lại Đà Nẵng và mở lớp gia chánh Uyên Cơ (dạy nấu ăn, làm bánh v…v) nên tôi cũng ổn định được nhiều.
Thời đó, nấu ăn những món Pháp, nấu những món rất cầu kỳ, các học viên rất yêu thích, chi phí về vật liệu rất tốn kém nên học viên cũng ít đi. Tôi phải theo đuổi một đam mê khác. Tôi luôn luôn thích nghi và thích ứng với tình hình. Nếu việc dạy gia chánh của tôi hơi giảm học viên, tôi lại nghĩ đến việc nhận làm bánh sinh nhật, bánh đám cưới như bánh trái cây. Tôi lại xây lò, nhưng thời bao cấp chưa có máy móc tối tân hiện đại nên tôi tò mò tìm hiểu, rồi nhờ người xây lò nướng và tích trữ than củi.
May mắn là nhà tôi rộng nên việc thu xếp đặt một cái lò trong nhà là chuyện đơn giản. Tôi đã làm thêm bánh khô như Cham pain, bánh dừa, bánh bao nướng… để bỏ cho những tiệm bánh. Do đó cuộc sống của tôi cũng tạm ổn.
Ở tuổi 70 tôi cũng có thêu những bức tranh lớn để treo trong nhà của mình cho đẹp.
Bây giờ ngồi nhìn lại, tôi thấy mình không còn gì để tiếc nuối. Với đam mê công việc gia chánh thời trung niên, tôi đã báo hiếu được cho cha mẹ. Công việc cuốn hút tôi nên đôi khi có hàng gấp nên tôi phải làm cả đêm.
Tôi nhìn lên thì không bằng ai, chứ nhìn xuống ít ai bằng mình.
Tôi đã đạt được ước mơ của mình, các bạn cũng đã hoàn thành những giấc mơ, những hoài bão và đưa con cái đến nơi đến chốn. Chúng tôi lại liên lạc, gặp nhau ôn lại thời tuổi trẻ của mình.
Nhiều bạn rất thành đạt, nhiều bạn ra đi sớm, nhiều bạn cũng còn lao đao. Nhưng xã hội là như vậy. Thành công cho những người có quyết tâm và nghị lực.
Tôi bằng lòng về công việc mưu sinh của mình và từ đó đã chan hoà vào những sinh hoạt của lớp, của trường cũng như những cuộc hội ngộ với bạn bè từ xa về thăm lại quê hương.
Và tôi đã trẻ lại như thời còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bây giờ tôi và các bạn đều ở độ tuổi U80, bát thập lai hy. Chúng ta thoải mái họp lớp. Các bạn còn đề nghị viết tập đặc san của tuổi già. Có rất nhiều bạn đã giã từ cuộc sống như bạn Bảy, Lệ Hưởng…, và những Phạm Thị Yến, Lê Thị Thanh là ba bạn học là cô họ của tôi trong gia đình.
Kinh tế cũng quan trọng nhưng có được thêm sức khỏe mới là điều tiên quyết. Ở tuổi này tôi mà con đi chơi, đến thăm các bạn, đi chùa làm từ thiện, nấu cơm, cháo cho các bệnh viện thì tôi cũng thấy đã mãn nguyện lắm rồi về một đời người của mình.
Nhớ lại tuổi thơ, mình cũng hãnh diện là học sinh Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cũng là trường công có tiếng ở Đà Nẵng.
Tôi hãnh diện là người vào đời trước, con cháu, em út của mình vào được trường này là niềm hãnh diện của mẹ cha.
Hồi tưởng thời đam mê Nữ công gia chánh và có tên tuổi trong GIA CHÁNH UYÊN CƠ của tôi.
Ngày 25/9/2020
Lê Thị Tranh