Thưở Mới Vào
Sau kỳ thi tuyển, tôi được vào lớp Đệ thất trường trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nhằm dịp khánh thành ngôi trường mới ( dời từ trường Nữ Tiểu học- nay là trường Phù Đổng – cạnh Nhà đèn Đà Nẵng về đây ) đối diện với trường Kim Đồng bây giờ.
Tâm trạng của tôi vào lúc ấy dường như không chỉ có niềm sung sướng không thôi, mà trong bỡ ngỡ buổi đầu tôi còn cảm thấy như lớn thêm ra vì đã là một học sinh trường Trung Học của một trường mới xây cất lớn nhất thị xã.
Rồi một sự hòa đồng tự nhiên đã đến với tôi trong mọi sinh hoạt, học tập, mà tôi nghĩ một phần là do sự hồn nhiên vô tư của tuổi trẻ ở bạn bè, nhưng phần khác toả ra thành không khí môi trường, sức sống đặc biệt học đường đó là tấm lòng của thầy cô thể hiện trong sự quan tâm ân cần chăm sóc , tận tình dạy bảo, dìu dắt giúp đỡ trong mọi sinh hoạt của trường, lớp. Khiến có lần tôi tự hỏi có phải chính những ấn tượng tình cảm sâu dày đó đã đưa đẩy tôi vào bước đường nối nghiệp thầy cô ? Và lại trở về công tác tại trường PCT là nơi đã dưỡng dục mình nên nghiệp . Đến năm 1975 tôi mới rời trường vì phải chuyển đi nơi khác . Cho nên, mỗi khi nói về ngôi trường này trong tôi dậy lên bao kỷ niệm ...
Nhớ Thầy, Nhớ Ban, Nhớ Nôn Nao
Trước hết là gương sáng đạo đức của qúy thầy Bùi Tấn, thầy Huỳnh Văn Gi, thầy Nguyễn Đăng Ngọc...là những vị Hiệu trưởng tiền nhiệm của trường ở thời kỳ đầu mới thành lập. Thầy Ngọc tuy ở cương vị ấy , nhưng thầy luôn luôn gần gủi và yêu thương học sinh.
Và làm sao tôi quên được tính tình hiền dịu của thầy cô, lúc nào cũng hoà nhã mà vẫn nghiêm trang : cô Kim Đính, cô An Hà Châu, cô Từ Diệm, Cô Ngọ, cô Lệ An ...Lòng tận tụy vì nghề nghiệp, vì học trò của qúi thầy cô là những dấu ấn khích lệ việc học tập và tu dưỡng của học sinh. Bên cạnh các thầy trên còn phải kể thầy Trần Tấn , thầy Nguyễn Văn Đáo, thầy Trần đại Tăng...Riêng thầy Tăng có nét đặc biệt khó quên, đó là thầy dạy Toán , nhưng lại cũng là một nhà thơ có thơ rất được hoc trò yêu thích .
Trong số những người yêu thích ấy có cả bạn tôi . Những người học cùng lớp , cùng phòng trong suốt 4 năm liền ở đệ nhất cấp và một năm Đệ tam ở đệ nhị cấp, nên chúng tôi gần gũi, gắn bó, yêu thương nhau như anh chị em một nhà . Các bạn gái rất thân của tôi, chỉ xin kể tiêu biểu, có Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Tây, Nguyệt Thi, Nguyệt Phúc, Tuyết Ánh, Thanh Thảo, An Thục Đức, Cúc Hương, Duyên, Khẩn, Kim Cúc, Ngọc Diệp , Nhung, Hồng, Nhạn, Huyền Nhạn, Thạch Trúc, Bạch Nga, Kim Như, Kim Phước, Diệu Minh...
Làm sao tôi quên được các bạn ?
Các bạn trai thì có Đàm văn Trí, Lê Tự Hỷ, Phan Nhật Nam, Vũ Ngự Chiêu, Hồ Hoàng Tuấn, Tôn Thất Hải, Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Hữu Hùng, Tôn Thất Chân Tu...Mỗi bạn đều có một nét cá biệt về tính tình, độc đáo về tài nghệ mà hồi đó tôi rất thân quý.
Bạn Võ Thị Thương học rất giỏi, đỗ thủ khoa Thành chung năm 1959.Hôm lễ bế giảng, bạn Thương nhận phần thưởng Thủ khoa, phần thưởng danh dự nhiều đến nỗi phải nhờ xích lô chở phần thưởng về nhà. Bạn Chân Tu thì có tài về bóng đá và có chân trong trong đội Tuyển của trường. Bạn Phan Nhật nam với biệt tài độc diễn hài kịch, đã bao phen làm cho thầy , bạn cười đến ôm bụng . Các bạn Tuấn, Hải, Hỷ, Hùng đều học rất giỏi. Đặc điểm nữa của lớp tôi là có nàng Tây Thi gái nướcViệt ( tên của hai bạn Tây và Thi, cả hai bạn đều rất đẹp ) . Về sau trường có Đệ nhị cấp, ( cấp 3 ), Thạch Trúc được ngầm chọn là hoa khôi của trường. Còn bạn Khẩn của tôi, người bạn ít nói, tính tình hiền dịu hay thương người nên sau này chị chọn ngành y để có môi trường và điều kiện làm công tác từ thiện .
Bến Nứớc Chương Dương, Một Thời Lưu Diễn
Gợi lại công tác xã hội là chợt nhớ ngay đến văn nghệ – vốn thân thiết với đời sống học trò – tôi quên thế nào được các bạn Lý Tuyết Ánh và Thanh Thảo, hai “ ca sĩ “ của trường. Chính hai bạn đã từng đưa giọng hát và ngâm thơ toả khắp thị xã Đà Nẵng,trong những buổi dự thi văn nghệ tại rạp Ciné Palace hồi 1954-1955. Và cũng từng đem lại chiến thắng vinh quang cho trường trong cuộc thi tại Trại hè Hoa Lư do liên trường tổ chức ( Phan Châu Trinh và các trung học tư thục Phan Thanh Giản, Tây Hồ ) ở Lăng Cô về ca kịch.
Tôi cũng còn nhớ rõ, hồi đó hoạt động Hiệu đoàn được thầy Huỳnh Văn Gi, Hiệu tưởng cho phép thành lập ban Văn nghệ để phát động phong trào nên không chỉ diễn trong trường mà còn công diễn đôi nơi trong thị xã. Sự thành công khiến trường càng quan tâm hơn. Ban Giám đốc giao trách nhiệm cho thầy Tường hướng dẫn ban Văn nghệ vào tham dự Hội Chợ Tết ở Hội An ( Xuân 1959 ). Tôi và một số bạn tuy không giữ các vai diễn nhưng là thành viên của Ban Văn nghệ nên được theo để giúp đỡ về mặt tài chính , do đó mà chúng tôi có được nhiều kỷ niệm gắn bó với Ban Văn nghệ.
Tại Hội An, vở diễn “ Bến Nước Chương Dương “, một bi hùng kịch bằng thơ ( do Thanh Thảo soạn và nhờ Cụ Trần Gia Thoại nhuận chính ) được khán giả hoan hô nhiệt liệt . Vở kịch có các bạn lớp Đệ Ngũ như Đinh Văn Quý ( biệt hiệu Xướng –Huy-Quân ) rất đạt trong vai tráng sĩ, tiêu biểu người hùng “ Nặng nghĩa nước, nhẹ tình nhà “, dù rằng khi diễn, có lúc anh xúc động trước lời van xin của người yêu không muốn anh đi xa...đến nỗi rơi kiếm báu đang cầm chặt ở tay . Nguyễn Văn Hương thì trông thật uy nghi trong vai bộ tướng ...
Bốn Năm Kỹ Niệm, Bạn Ở Phương Nào ?
Hôm nay, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh – Đà Nẵng, trong tiềm thức tôi như hiện rõ hình ảnh người bạn cùng lớp Thanh Thảo với kỷ niệm riêng tư khó quên, trong đó có cả mối tình của bạn với anh Trương Duy Hy, học trên chúng tôi hai lớp. Sau ngày đi lấy chồng “ máu văn nghệ “ của chị dồn cho gia đình, săn sóc chồng, nuôi dạy các con nên người.
Lần kỷ niệm 40 năm , ngoài một số bạn, tôi có gặp chị , cũng trong sân trường PCT này và cũng được nghe chị đại diện cho cạc cựu học sinh chúng tôi cất cao giọng hát chào mừng qúy thầy, cô và những khách quý.
Đau đớn thay, cuộc đời tài hoa của chị sớm kết thúc. Chỉ sáu tháng sauvì mang trọng bịnh và mặc dù được người bạn cũ khả kính , anh Nguyễn Tăng Niên, bác sĩ khoa ngoại bịnh viện Đa Khoa , ĐN tận tình giúp đỡ , vẫn không qua khỏi. Chị đã đi vào cõi vĩnh hằng vào giữa năm 1993 .Hôm nay, lại nhằm ngày kỷ niệm thành lập Trường , và cũng từ đây, tôi và các bạn mãi mãi không còn nghe giọng hát, ngâm thơ của chị nữa...
Tôi viết bài này để nhớ về Mái Trường Xưa ( không phải là cũ, vì bây giờ còn chăng chỉ là trong hoài niệm xưa ), đã từng là mái ấm . Nhớ thầy cô đã nghìn thu xa cách và riêng chị Thanh Thảo cùng các bạn đã vĩnh viễn ra đi như chị Hồng Nhụy, chị Hồng, chị Lý...đều đã trở thành thiên cổ. Tôi gởi đến hương hồn các chị niềm tiếc thương chân thành vô hạn . Tiếc rằng các chị đã không còn để tận mắt chứng kiến sự đổi thay và những gì mà ngôi trường PCT thân yêu đã đạt được hôm nay, cũng như để gặp lại các thầy, cô và bạn bè của chúng ta, những người đã từng sống , làm việc và gắn bó một phần đời với ngôi trường đã thành đạt cùng những cống hiến to lớn cho xã hội .
45 năm, thời gian khá dài cho một đời người, nhưng chỉ là một giai đoạn đối với sự phát triển của một ngôi trường. Trường PCT, trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, nhưng bao giờ cũng sinh sản ra những người con ưu tú, gieo mầm và nuôi dưỡng những tài năng, để từ đó toả đi khắp mọi nghành, mọi miền đất nước . Nhưng dù tận ở chân trời góc bể nào, cũng có lúc họ nghĩ về mái trường PCT thân yêu như những gì đẹp đẽ, hồn nhiên và đầy nhiệt tình lý tưởng của một thời thơ trẻ.
Nhớ mái trường xưa, thuở mới vào
Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ nôn nao !
Bến nước Chương Dương : một thời lưu diễn
Bốn lăm năm kỷ niệm , bạn phương nào ?
Đà Nẵng, 12.01.1997
Thái Thị Hoài Cựu họs sinh PCT 1954-1958
Dạy Văn tại PCT 1971-1975
( Đặc san " 45 năm Trường trung Học Phan Châu Trinh- ĐN 1997)