Tóc Thề Áo Lụa

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 Hue06

Thời gian gần đây, tự nhiên Huế được nhắc tới hoài. Bệnh “Nhớ Huế” là một bệnh hay lây, “tui” không phải là dân Huế , không ở Huế lâu mà cũng đâm ra “dzớ” Huế da diết, nhất là thỉnh thoảng gặp ngày trời lại đổ mưa dai dẳng!

Tôi lớn lên ở Đà nẵng, một thành phố láng giềng của Huế. Tuy chỉ cách nhau khoảng 100 cây số, từ khung cảnh, khí hậu đến con người, qua khỏi đèo Hải Vân là thay đổi hẳn.

Huế chỉ có hai mùa, mùa nắng và mùa mưa. Suốt mấy tháng liền, mưa xứ Huế sướt mướt như người con gái khóc dai, nỉ non thánh thót suốt mấy ngày liền mới dứt, rồi lại mưa nữa! Mưa rả rích trên mái ngói âm dương rêu phong cổ kính, mưa lộp độp trên tàu lá chuối sau vườn, mưa dâng nước sông Hương, mưa ngập lụt thành quách! Mưa buồn, ít có mưa... vui!

          Mưa chi mưa mãi

          Lòng nhớ nhung hoài

Nào biết nhớ nhung ai!...

Mưa mãi hoài như rứa nên trai gái Huế cứ ngồi mà nhớ nhung nhau, dệt bao nhiêu là khúc tình ca, lãng mạn êm đềm cũng có mà chia ly đành đoạn cũng nhiều!

Đà nẵng thì nắng sớm mưa chiều, giông bão ầm ầm rồi tạnh, thành phố hải cảng ồn ào, cởi mở và ít thiên tai hoạn nạn.

Khung cảnh khác thì con người cũng khác. Huế thì điệu ơi là điệu, điệu rơi điệu rụng, còn dân Quảng nam, Đà nẵng thì bộc trực, thích ăn là ăn, thích nói thì nói! (Nhiều ông chồng Quảng nam còn dám tuyên bố: Tui ăn cục nói hòn như rứa đó, chịu được thì thì chịu, không chịu được … thì thôi!)

Tôi hợp với Đà nẵng nhưng lại ngưỡng mộ Huế. Đối với tôi cô gái Huế là hình ảnh cô gái Việt Nam tiêu biểu nhất, e ấp dịu dàng mà đằm thắm. Con gái Huế đẹp, thoáng gặp là đã ngẩn ngơ!

          Học trò trong Quảng ra thi

          Thấy cô gái Huế chân đi không đành!

Anh chàng trai Quảng Nam mà tán được cô gái Huế chắc là gay go lắm. Anh vốn ăn nói thẳng quá, không quanh co khéo léo, không biết chiều từ thằng em nhỏ cho tới mệ nội mệ ngoại nhà nàng, phải bền bỉ lắm mới thành công.

Tiếc một điều là lạ lắm, những người đẹp xứ Huế mà đi khỏi Huế thì bớt đẹp hẳn đi. Những nhan sắc đã từng làm cho bao trái tim phải thổn thức, qua đến Mỹ chỉ còn phảng phất nét ngày xưa mà thôi. (Những nữ nhân Huế mà quý vị thấy đẹp bây giờ thì ngày xưa còn … đẹp hơn nhiều lắm!)

Câu thơ của Nguyên Sa:

          Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát,

          Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Qua đến đây được nối tiếp bằng hai câu:

          Áo lụa Hà Đông dệt bằng lông sư tử

          Em mặc vào giống sư tử Hà Đông!

Xin lỗi những người đẹp xứ Huế, không bao giờ đàn bà Huế là sư tử Hà Đông hết!

Lúc bực dọc tức giận lắm cũng chỉ đay nghiến dằn vặt thôi, ít khi thấy có ai lồng lộn gào thét cả. Nói lang bang dễ bị lạc đề, tôi chỉ muốn nhắc đến tà áo lụa của cô gái đất thần kinh, những bóng dáng mà tôi là đàn bà con gái còn mê thay, huống chi mấy anh Bắc kỳ, Nam kỳ từ xa đến.

Người con gái Huế đẹp thơ mộng thướt tha trong chiếc áo lụa trắng ngà, nón bài thơ e ấp và mái tóc thề mượt mà buông xỏa ngang lưng. Cô gái Huể yểu điệu đi bộ một mình cũng đẹp,, vài cô đạp xe qua cầu Trường Tiền, tà áo bay bay cũng đẹp mà đến lúc mít tinh, cạnh trường Quốc Học, từng nhóm ríu rít khúc khích cười đùa duyên dáng vì biết đang có người dõi mắt ngưỡng mộ mình cũng đẹp luôn! Người đẹp xứ Huế đối với tôi là nàng thu của Xuân Diệu: “Nàng thu bước ra khoan thai, hai tà áo thướt tha, chân không có tiếng, thỉnh thoảng cánh quạt khẻ mở, để lộ đôi mắt êm như trời thu buổi chiều. Mặc dầu bên tây cũng có mùa thu nhưng thiên hạ vẫn cứ tưởng mùa thu là ở…” Huế! Khung cảnh đền đài lăng tẩm cổ kính, dòng sông Hương êm đềm chảy quanh co, cầu Trường Tiền, hàng phượng vĩ … đã tô điểm cho người đẹp xứ Huế nhưng chính thật con gái Huế cũng đáng ca tụng với tóc thề áo lụa thanh nhã dịu dàng. Sau năm 54, chắc chắn không phải áo lụa được các cô gái Huế ưa chuộng dệt ở Hà Đông, có thể đó là lụa tơ tằm được dệt ở Quảng Nam, vùng Duy Xuyên, Kỳ Lam:

          Duy Xuyên là lụa mỹ miều

          Thôn Mai mắc cửi, xóm Chiều tơ giăng

Áo lụa không trắng tinh mà trắng ngà, óng ả. Sợi tơ tằm nếu cứ giặt xà bông hoài thì sẽ mất nước bóng, vàng xỉn đi, mất đẹp. Áo giặt sạch xong phải ngâm với chanh vắt thì nước lụa mới đẹp. Lụa tơ nguyên chất nên phải ủi lúc còn âm ẩm. Bàn ủi phải thật nóng, ủi thử vào vạt hò trước rồi đến tay áo, thân áo và hai vạt áo sau cùng rồi treo lên móc cẩn thận. Món ăn Huế thanh tao, chỉ “ăn lấy hương lấy hoa”, thức ăn đựng trong những đĩa trà nhỏ xíu nên ít khi có đàn bà con gái Huế nào đầy đặn hay hấp dẫn kiểu ba vòng rõ rệt. Con gái Huế đẹp mảnh mai thanh thoát, áo may vừa phải, không thắt, không chật. Lụa dễ bị nhăn và mong manh dễ rách nên phải nương nhẹ. Xe đạp phải có lưới ở bánh sau, đề phòng tà áo bị dây sên cuốn, vạt áo sau dắt nhẹ vào một sợi dây thun. Ngồi trong lớp học, tà áo buông nhẹ sau lưng. Lúc bước đi, phải uyển chuyển dịu dàng với tà áo thướt tha. Con gái Huế không được hấp tấp vội vàng hay chạy nhảy kẻo sợ bị chê:

          Vô duyên chưa nói đã cười,

          Chưa đi đã chạy là người vô duyên!

Ngoài áo lụa trắng, màu áo được ưa chuộng khác là màu tím. Màu tím than có sắc đậm hơi xanh. Màu tím Huế sắc đậm hơi đỏ. Áo trắng mặc đi học, áo tím mặc đi chơi, còn áo hoa hòe ít thông dụng. Nhìn sau lưng, dáng dấp yểu điệu của áo lụa được kết hợp, tô điểm với mái tóc thề xỏa ngang lưng. Mái tóc đẹp phải đen, dày và mượt. Từ tuổi mười hai, mười ba, người đẹp xứ Huế đã biết săn sóc mái tóc trời cho, gội đầu bằng bồ kết và chanh, xả lại bằng nước mưa càng tốt và hong tóc bằng gió sông Hương. Thỉnh thoảng cẩn thận một chút, , người đẹp lại nuôi tóc bằng lòng đỏ hột gà, trùm kín đầu một lúc rồi mới xả . Vô phúc cho anh chàng ái mộ viên nào tới thăm nàng vào lúc này, nhất định đứa em sẽ bảo: Chị em không có nhà! Tóc thề phải dài đến giữa lưng, cắt thẳng, ngọn tóc không vàng hoe, không chẻ đọt. Chỉ có con gái mới để tóc thề, đàn bà tóc tai phải gọn gàng hơn. Nắng Huế hanh vàng dù ngay giữa mùa hè oi ả chứ không gay gắt như nắng Sài gòn, tóc thề mướt thêm vì được bảo bọc, che chở bằng chiếc nón bài thơ. Bây giờ các cháu gái lớn lên ở Mỹ chắc không hình dung nổi chiếc nón bài thơ nhưng hồi trước, ai ghé thăm Huế cũng đều không quên mua nón bài thơ và kẹo mè xửng để làm quà.

Nón bài thơ mỏng và nhẹ, chằm bằng hai lớp lá kè, giữa là giấy được cắt thành hình sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, lăng tẩm đền đài … và nhất là phải có một câu thơ. Nhìn qua nắng, những hình ảnh này hiện ra lung linh như hình đèn kéo quân. Nón lá phải trắng mịn, quang một lớp dầu cá rất mỏng. Nón găng dày hơn, kiểu cọ hơn, chỉ dùng cho các bà mệnh phụ có tuổi. Nón lá thường buộc quai nhung đen, có người đẹp khôn ngoan hơn, dùng nhung hay nỉ màu đỏ huyết dụ, tô thêm màu hồng của đôi gò má! Nón bài thơ không chịu được gió mưa, vành sẽ sổ, lá sẽ bong, và phải nương nhẹ như áo lụa vậy.  Con gái Huế đi mô cũng phải có cái nón mới yên tâm. E ấp điệu bộ như rứa nhưng có anh mô đi theo, cách cả chục bước cũng biết hết, mà biết cả ngọn nguồn lai lịch nữa mới là tài! Lúc bối rối thẹn thùng thì nghiêng nghiêng vành nón, vân vê quai nón, cũng có bạn mà chia xẻ nỗi bâng khuâng. Đồng bộ cho tóc thề, áo lụa, nón bài thơ là đôi guốc trắng quai trong, gót không cao lắm, không xước mẻ, không màu mè. Nữ sinh Đồng Khánh  không được trang điểm, ai điệu lắm thì thì dùng chút phấn nụ và đánh răng bằng kem Leyna, để lại trên vành môi chút màu hồng như vô tình. Con gái Huế còn đẹp bằng cái tên, những nàng Tôn Nữ, Nguyễn Khoa, Lê Khắc… kèm theo tên riêng: Dạ Khê, Diệu Uyển, Lan Đài, Tuệ Thư … Từ thanh âm cho đén ý nghĩa đều được trau chuốt, chọn lọc kỹ càng. Đàn ông miền trung hơi có máu phong kiến, chồng chúa vợ tôi, nhưng cô con gái Huế được ba mẹ quý như vưu vật trời cho để tô điểm gia đình. Có cô con gái được nhiều người ngấp nghé, thăm hỏi là niềm hãnh diện của bà mẹ. Người đàn bà lớn tuổi thường thương con một cách thực tế , có khi quên đi hay không thông cảm với tình yêu lãng mạn tuổi mới lớn nên thường ép con làm vui lòng ba mẹ để lấy một người chồng mà  họ nghĩ là xứng đáng hơn. Nhiều khi người con gái phải gạt lệ, quên đi mối tình thơ mộng, lấy một người chồng danh giá từ bên Tây mới về hay bác sĩ, kỹ sư ở Sài Gòn mới ra. Đắm mình trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, nhưng cũng có những phút buồn thoáng qua:

          Vẫn để hồn theo người lận đận,

          Vẫn hằng trông đếm bước anh đi…

Tình xưa nghĩa cũ còn vấn vương, chút buồn thương trong ánh mắt cũng tô điểm thêm cho cuộc đời. Có tội hay vô tội, xin đừng gay gắt phê bình, rồi đâu cũng vào đó! Xã hội Huế khắt khe, chuyện “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, người con gái Huế e ấp sau hàng chè tàu cũng nhút nhát, ít khi có gan làm điều chi quá đáng. Những mối tình đẹp thường hay dang dở, không thành, vì nếu thành rồi thì ít đẹp khi va chạm với thực tế phủ phàng. Mới đó mà đã cách xa ngàn vạn dặm, những chàng trai đã có một thời ước mơ được làm rể đất thần kinh hãy quên đi những mệt nhọc, khó khăn trước mắt, lắng lòng mình lại để mơ về một ngày xa xưa với tóc thề áo lụa, vợ không biết mô mà sợ! (Xin mấy chị đừng giận mà nghĩ rằng tôi nối giáo cho giặc – ông chồng tui mê không biết mấy người đẹp xứ Huế rồi mà rốt cục cũng về tay tui!) Phút mặc niệm chấm dứt, lại lái xe, lại jobs, lại bill. Nhưng thôi, ít nhất thì cũng “ Còn một chút gì để nhớ, để thương!”

Liên Hương