Quê Hương và Người Huế

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Hue Trieudinh

Tôi là người Huế, sinh ở Huế, nhưng không lớn lên từ đó, không có kỷ niệm, không nhung nhớ, không một mối tình . Giữa tôi và Huế là xa lạ, dửng dưng, không mong ước trở lại.

Nhưng , tôi đã sinh ra ở đấy, đất đai đó là nơi trú ngụ đầu tiên . Và cũng chính trên mãnh đất này bạn bè tôi đã đánh những trận đầu tiên  trong thành phố, những người bạn từ  Sài Gòn, từ một tỉnh miền Nam, từ miền Bắc di cư vào, họ đã chết lạnh lùng, bất ngờ nằm xuống  giữa đám gạch xanh rêu không sinh khí. Vậy nên tôi phải viết về Huế. Viết cho tuổi thơ đã qua, lần trở lại bi thảm, viết về một mất mát, nhưng tôi cũng viết cho những tìm thấy thật cảm động . Cảm động rưng rưng nước mắt, cảm động của buổi tái ngộ oái oăm .

Khi lớn lên sau này, có ai hỏi ...Người xứ nào...Tôi thường tần ngần một lúc . Sự ngập ngừng phát sinh từ những mù mờ về Huế . Tôi là người sinh ra ở đó, nhưng biết được gì trên thành phố ấy, tên đường không thuộc, chùa Linh Mụ ra sao ? Thế nào là con gái trường Đồng Khánh  ? Nhớ, nhớ lại một kỷ niệm xa nhất, những hình ảnh  ghi nhận được , những điều còn sót lại trong vùng trí não mông mênh . Nhớ đến chỗ đầu tiên của hoài niệm tuổi thơ, tôi bốn hay năm tuổi gì đó...Cùng gia đình về Huế trong đêm khuya. Thuyền đi theo giòng sông, giòng sông đen , chiếc thuyền len lỏi qua hàng cây um tùm trên nước. Sông nào, tôi không biết. Cây gì, cây chà là. Sao lại cây chà là ? Chắc hẳn đó là do bất chợt nghe đâu một lần nên tôi đặt tên cho những đám cây đêm đó là cây chà là. Thuyền ghé bến , tôi lên bờ trên tay của cha. Ôm chiếc chiếu trong lòng . Tôi về Huế lần đầu tiên , tôi đến trong đêm , trên giòng sông. Trí nhớ nào đủ để ghi lại vài hình ảnh mông lung như mặt nước trên tâm hồn trẻ nhỏ ...Và đi ra khỏi Huế sau hai năm . Tôi còn lại  hình ảnh nào nữa ? Những  buổi chiều cuối năm gió rét, thổi qua những con đường phố im vắng , hình ảnh một bà già lưng còng , còng xuống thật thấp ,bán giò chả, tiếng rao lê dài qua khu phố theo gió đi xa , lành lạnh tái tê . Buồn hơn cả muà đông .Thế là hết kỷ niệm của Huế. Còn gì nữa không ? Chẳng còn gì hơn hình ảnh cô gái nhỏ cùng tôi chơi chiếc xe hai bánh , gồm bàn đạp, tay lái , chân để trên bàn đạp, chân chống xuống đất và chúng tôi thay phiên đẩy vào lưng nhau để tăng tốc độ . Tốc độ của đôi chân trẻ thơ nhưng quá nhanh trên mặt đường lồi lõm đá ; đường không người, hai hàng phố cửa đóng, vẻ hoang tàn hậu chiến , nét linh động chỉ là hai chúng tôi...

Thế là hết và tôi đi xa, xa về miền Nam, Huế đó tôi trả lại cho người, tôi về miền có biển có núi . Huế không có biển. Ở biển chúng ta nghe được thằng cuội chặt củi ở trên cung trăng . Một thằng bạn nhỏ khu xóm nghèo đường Gia Hội đã nói như vậy . Tôi đến vùng có biển và lớn lên từ những nơi này . Huế không có biển và tôi yêu biển biết bao nên xứ Huế được lãng quên .

Đà Nẵng và Nha Trang, thành phố bốn bề là biển, biển trước mặt, biển sau lưng , rẽ qua trái ra biển, rẽ qua phải đến sông, sông cũng dẫn ra biển , ngồi trong nhà gió biển lọt vào , rịn mùi muối trên da tay, đêm mùa đông nghe tiếng sóng  cuồng nộ từ xa tưởng chừng như sóng xô đẩy lại kéo trôi phăng thành phố. Thịt bò khô ở Nha Trang , con ghẹ tươi luộc ở bờ biển Đà Nẵng đối với tôi là những món ăn ngon nhất, quyến rũ nhất và đáng nhớ biết chừng nào . Chạy nhảy  trên những hòn đá ở Tiên Sa, hà cắt đứt bàn chân, vết thương tươi đỏ đầy máu  không tạo thành đau đớn, chỉ nhức nhức nhẹ nhàng , ngâm xuống nước mặn thành xót cay , nồng nàn như tuổi mới lớn , như tình yêu ước vọng của năm mười sáu, mười bảy...Máu chảy hoà nước biển, nước biển theo vết thương ngấm vào máu thịt, người như hạt muối được hong khô dưới mặt trời. Tôi ham mê đùa giỡn cùng sóng nước, giữa khung trời xa  tít không biên giới với luồng gió có hương ngát từ khoảng không trên ngọn hải đăng ở Đà Nẵng  ; tháp hải đăng xây bằng đá, xanh mướt , trơn bóng vì rêu phủ, gió bão, muối sát , dõi luồng sáng xanh chỉ có ở giấc mơ. Gió từ bốn phía ào ào, lau ngã nghiêng theo tám hướng . Tôi sống, lớn lên , yêu đời, yêu quê hương từ đó. Từ những nơi có gió. Từ một chỗ nào xa xăm tận cùng trời đất .

Đà Lạt nét đẹp não nùng, tưởng chừng như một nốt nhạc ngân hoài không dứt .Đà Lạt đẹp, thành phố, hồ Xuân Hương , hồ Than Thở đẹp nhưng phải đến Ankroet, trèo lên ngọn núi đằng sau nhà máy nước nhìn xuống thác Vàng, thấy cả trời  đất hoà chung dưới đáy . Hồ Ankroet trong vắt như thủy tinh xanh tươi hơn tận cùng ý niệm , nằm trong lòng núi như một chiếc gương  yên lặng khẽ gợn vì gió, vì sương đọng, vì núi nghiêng hay vũ trụ đang xoay, hay do người đang rơi vào ảo giác ...Trời ở trên, trời cũng dưới đáy hồ im lặng ! Có tiếng động...Không , chẳng có gì, lá thông rãi , cỏ đang mọc hay nước hồ đang nở...Nào ai biết, không ai viết gì của thiên nhiên im lặng đó chỉ nhìn và nhìn tận cùng với hết con người.

Trong vòng tay của núi và biển , tôi đi xa Huế vô cùng . Huế của đêm tối hồi cư, dòng sông đen đe dọa của tuổi thơ làm sao kéo được tâm hồn tôi trở lại .

Bây giờ là năm 1967 . Chiến tranh đầy trên quê hương như đàn ruồi trên đống rác . Tôi đang ở Sài Gòn. Ôi Sài Gòn , làm sao thấy được mặt trời mọc lúc nào , lặn ở đâu. Đâu bốn hướng đông , tây, nam, bắc...Thế nào là màu xanh, súc vật nuôi trong nhà, màu xanh tím và hơi mát khu đường Cường Để , vùng nhà thương Grall trông tội nghiệp, vá víu giả dối và còm cõi ! Sài Gòn với một khoảng  thiên nhiên mơ mộng của xa lộ, vài cây dừa xơ xác, một dẫy đất hoang cỏ mọc úa vàng bị đóng khung bởi Cái Lái, Thủ Đức, Bình Lợi...

Việt Nam 1967 , tôi lính chiến như một thanh niên mã tấu cùn rĩ, ném vào trong một đống rác vĩ đại . Đà Nẵng thì hết rồi biển Thanh Bình, hàng cây dương mới lớn của mười năm vể trước nay cằn cỗi vướng vít kẽm gai bao bọc trại lính. Bờ biển thuở xưa có cái lô – cốt bị chìm bây giờ đầy nhà cửa . Thôi còn gì nữa đâu, hết cả khoảng trời xanh , tiếng sóng vỗ cuồng bạo vào bờ đêm mùa đông , biển tối âm u, hàng dương liễu ngập nước như một khu rừng nổi...Tất cả không còn gì nữa, núi Tiên Sa Mỹ đặt đài radar, con đường lên núi đỏ thẩm giữa màu xanh của lá như một vết thương  chưa khép. Vị tiên nào đã sa xuống vùng núi hoang vu tuổi trẻ của tôi ngày xưa chắc bây giờ đã lăn lóc chiếc cánh bên cạnh đống vỏ bia . Tôi còn được một vùng thơ mộng nào trong quê hương ?

Trong thời gian này tôi trở về Huế. “ Trở về “. Sao lại dùng chữ này ? Phải đi thì mới gọi trở về . Hay tôi đang trở về quê cũ ? Chiếc C – 130 xuống phi trường Phú Bài vào buổi chiều mưa mờ mặt . Ôi mưa, mưa đúng nghĩa của mưa , mưa đầy mặt, mưa cách nhau khoảng năm mươi thước  không trông thấy , mưa không rõ hạt, chỉ một màn nước dày bao trùm  cảnh vật . Tất cả dựng khối đen lù mù im nín, không một hoạt động tồn tại, tan biến lặng lờ dưới sức nặng dị thường của hạt mưa . Mưa từ bao giờ ? Hỏi người bạn  đơn vị đã ra trước . Lâu lắm rồi , cả tuần nay . Không tạnh ? Tạnh sao nổi . Mưa khắp nơi như từ một khoảng không bốc hơi  và vạn vật  đang tan thành nước . Tôi bước xuống trong vũ trụ lạnh tanh đó . Người biến vào mênh mông .

Huexua 1967Huế - 1967

Mưa Huế ào ào phủ xuống đầu chúng tôi  khi từ máy bay chạy nhanh vào trạm hàng không . Ai đã  ghét mưa Huế vì phải chịu đựng nó quá nhiều, chắc tôi cũng ngao ngán vô cùng khi đi dưới cơn mưa nước ruộng ngập đến háng và bùn gần đến đầu gối từ Quảng Điền lên Phong Điền . Nhưng bây giờ mưa Huế đang chung quanh tôi , mưa của quá khứ, của tuổi thơ, tuổi lớn đang hoà vào nhau trì chậm ,quay đều trong một không gian im lặng ...

Huế đón tôi trong cơn mưa , tôi lên xe trở vào thành phố , ra lại ngoại ô, đóng quân  ở một làng có cái tên độc đáo, đặc biệt nhất của Việt Nam – Sịa . Sịa là gì ? Là sình đọc trại  ? Không phải , cái tên đặc biệt, âm vang như một nốt nhạc lạ . Sịa, tôi sẽ hoài hoài nhớ , hoài hoài thắc mắc sao quê hương ta có những địa danh vừa kỳ cục vừa lạ lùng , quê muà nhưng không thô, mộc mạc , bình dị và độc đáo !  Ở đâu có Sịa ? Chắc chỉ có Huế và đúng chỉ là có Huế .

Hành quân, mục tiêu 1, 2, 3... Đại đội  91, 92 chiếm 1  và 2  xong đợi  ở đấy, làm blocking – force  về hướng đông để đại đội  94 chiếm mục tiêu 3...Mục tiêu 3 , tôi nhìn  vào bản đồ  : Đồng  Xuyên , làng Đồng Xuyên khu xóm nhỏ phía tây giáp ruộng, phía đông cồn cát . Sau cồn cát là gì ? Phá Tam Giang . Phá thì lạ lắm , nhưng phá Tam Giang  đã nghe rất quen biết , lớp ba hay lớp nhì, ai chẳng một lần đã ê a trong “ Tập Đọc Vui “ hai mươi năm về trước , “ Đường vô xứ Huế quanh co. Non sông nước biếc ...Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang “. Phá Tam Giang là tuổi thơ thứ mười của tôi . Tuổi nhìn đời  đầy dẫy những câu hỏi  : Tại sao  đã yêu em nhưng lại không muốn vô ? Đấy , phá Tam Giang tôi đã quen thuộc với nó lâu hai mươi năm rồi còn gì nữa ? Phá Tam Giang , nỗi mơ mộng đầu tiên của tôi , vùng thần thánh của những lần rung cảm ngây ngất khi đọc đến : “ Yêu em anh cũng muốn vô...” Đi dọc theo bờ của phá, bên trái  dãy Phố Buồn Thiu, nơi B. Fall vừa chết tuần trước , người thông thuộc biến cố của Việt Nam nhiều nhất trong vòng hai mươi năm qua, nay vì trái nổ oan khiên bỏ lại đời đằng sau .

Dọc theo phá , đi hoài, đi mãi ...Giữa trời đất bao la giăng giăng u uất , không rộng rãi của biển, xanh thẩm của núi ,đây là hoang vu tiền sử , cỏ úa xanh nâu trải dài đến chân trời. Bồ nông , hạc , hải âu bay từng đàn nặng nặng , buồn buồn, chim bay như cố gắng , như thở dài, như hấp hối ... Bay một đoàn đầy trời, rồi cả đàn cùng dừng lại, tiếp tục bay đi , không phương hướng , không ào ạt ,không khỏe , không hùng ; đàn chim loang lỗ , đen trắng thấp thoáng trên cỏ khô , lúa mục . Đây là hoang vu sao lặng gió , con phá rộng mông mênh không bờ bãi , không vết sóng , chỉ một cánh buồm phiền , đàn chim mệt mỏi ...Đây là cảnh gần tàn , đời sắp đóng , trời đất âm u để sửa soạn cho lần đổ nát .

Bây giờ mới thấy Nha Trang quá trẻ trung  . Đà Lạt quá sang trọng . Sài Gòn còm cõi không sinh khí . Đây mới là khuôn mặt thật của quê hương . Tôi nghĩ vậy . Câm nín, u uất , nặng trĩu buồn rầu . Quê hương ta, khuôn mặt thật chắc là đây . Lên đến Phong Điền nhìn lại bản đồ  , mười bảy cây số đường  chim bay . Người nát rời từng mãnh, trời rét nhưng người quá dơ, bùn từ tóc , từ mặt , bám đầy trong hốc mũi, trong tai , bùn rơi từ cái dụi mắt, chớp mày . Xuống bến sông , bên kia là Quảng Trị , bên này là Thừa Thiên ,sông chảy ra phá Tam Giang , sông chảy từ Quảng Trị vào, từ núi ra , một nhánh nhỏ của sông Ô Lâu , nhưng đến đây chảy qua Mỹ Chánh sông mang tên khác . Hỏi cô giáo . Cô giáo thẹn như cô gái mới lớn , cô giáo mặc  áo đen quần trắng ,áo len đen , da trắng mát tự nhiên, môi đỏ hồng ,mắt thật xanh . Cô giáo bao nhiêu tuổi ? Dạ, hai mươi lăm . Sông gì ? Dạ thưa, sông Thu Rơi !  Sông Thu Rơi . Tôi cười...Cô nói đùa hay thật . Dạ thưa sông Thu Rơi. “ Dạ thưa, sông Thu Rơi “ . Tôi rưng rưng cảm động . Ai đã đối thoại với lính lễ độ , kính nể đến như vậy . Sông mang tên Thu Rơi ,tên thật thường nhưng chất ngất lãng mạng và đôn hậu , dân làng đã nghĩ sao khi chấp nhận tên này . Phải chăng là thi sĩ ? Phải chăng tên đã thành tự nhiên như câu hò , câu hát .

Ngược đường về, từ mục tiêu 15 trở lại mục tiêu I , ấp Đồng Xuyên ,ấp Mỹ Xá , đã đọc đi đọc lại nhiều lần từ bao nhiêu ngày  trên bản đồ , đã đi qua bốn ngày trước , nay trở lại sao lòng nôn nao cảm động ...Đồng Xuyên , Mỹ Xá ...Đúng rồi  ! Nơi chốn này thuở xưa mẹ tôi đã một lần đi đến , sau lệnh tổng phản công của Việt Minh năm bốn mươi sáu “ Vỡ mặt trận rôi chạy về Đồng Xuyên , Mỹ Xá, sau đó mạ gánh con về lại Gia Lê “. Mẹ tôi thường hay nói vắn tắt như vậy để trả lời cho tôi mỗi khi tôi hỏi về những biến cố của “ Vỡ mặt trận ...”. Tôi nhớ mãi nhớ hoài mẹ tôi với câu nói đó . Bà hay nói những chữ Huế , nơi này bà đã gánh tôi một đầu đòn gánh , đầu kia áo quần , soong chảo trên cánh đồng này hai mươi hai năm trước , chân trần tay lấm , cong chiếc lưng học trò mảnh mai để gánh tôi băng qua những đồi cát mênh mông bắt đầu từ Mậu Tài ra đến  Đồng Xuyên , Mỹ Xá ...Nơi này ,cha mẹ tôi đã thương yêu nhau trong cảnh chết ,tiếng nổ trên đầu , viên đạn rạch không khí bay xuyên tim người  dưới đất . Nơi này cha mẹ tôi đã lấy sức mạnh xác thân và tình thương mang tôi qua gió bão ...

Hôm nay, mùa đông 1967 , tôi đi qua trên đất như có hồn , cỏ có đấu vết , biết đâu mẹ tôi đã ngừng ở đây , lấy nón quạt cho tôi, cha tôi đã cúi mình trên bờ mẫu để gạn lấy phần nước trong mát nhất cho con . Giòng nước luôn trôi chảy , mẹ cha làm sao biết được hơn hai mươi năm sau đứa con trở lại một lần nhìn xuống để thấy gương mặt thật của mình trên suối dòng bất diệt quê hương .

Huexua phitruongphubai

Về Huế, nghỉ quân đóng ở Nam Giao, nơi thuở xưa vua nhà Nguyễn tế lễ trời đất . Trăng mùa đông huyền bí dọi ánh sáng xanh nhạt thếch xuống một vùng cổ mộ ...Emile Bronte ,Dostoiesky , Mai Thảo , Võ Phiến, trải dài trên tác phẩm bóng dáng quê hương họ yêu thương , hoài niệm , nếu không phải ca ngợi  nồng nàn , thì cũng là bối cảnh cho những tình yêu , thù hận ,hay điều ám ảnh . Tôi không là nhà văn , nhưng nếu có chọn lựa tôi sẽ viết về Huế trong tác phẩm của mình. Lạ lùng lắm , bí ẩn lắm , ngôi mộ nằm yên dưới bóng thẩm cây tùng , cây thông , trăng soi xuống , gạch đá như thở , như hấp hối thì thầm , rầu rĩ . Sông Hương đứng từ ngọn đồi lăng Khải Định nhìn xuống , không phải là sông của nước chảy, nhưng là núi xô nhau đi về nơi xa, sức xô đẩy lả lơi theo cỏ tranh , giăng giăng chập chùng đồi sim dại . Núi không cao ,không phải núi , gọi là đồi mới đúng , không cây cỏ chỉ có toàn một thứ đá nâu lớn bằng ngón chân  . Đồi trùng điệp nối dài , nắm tay nhau , dựa vai vào nhau, chuyển động nô  đùa trên mặt nước . Vua Gia Long chọn Huế thật phải , sông có , núi có, rừng thưa, rừng mới lớn chạy bước nhỏ dưới chân đồi như bầu bạn . Và đằng xa kia , xa ở chân trời...Biển ...đủ hết , cả bốn mùa thời gian, cả vóc dáng thế giới hợp vào đây , không lớn , không vĩ đại ,không ồn ào ,nhỏ và xinh như non bộ, giả sơn . Như cảnh mơ của em bé .

Đứng trên đồi , tắt máy , tắt đèn , đốt điếu thuốc nhìn xuống dòng sông ,thả khói bay vào núi , bay xuống mặt nước xám mờ , sương lạnh , mưa sa hạt nhỏ ...Có ai hỏi gì bây giờ , chỉ xin im lặng như cơn thở than trầm mặc...Vì tiếng hò đã cất lên . Tiếng hò xua nhau như sóng nhỏ cướng phải bụi bờ  chìm xuống nghe thê thảm , quá đỗi buồn rầu . “ À... ơ...Ai về Đại Lược “. Chữ “lược “xuống thật thấp như cố nuốt tủi hờn , chặn giòng nước mắt, che dấu cô đơn . À...ơ...Không thêm một chữ nào có ý nghĩa , chữ “ ơ “đưa lên cao từ từ rồi mất vào với gió với trăng , làm rợn những gai ốc trên da thịt . Hò như thế mới gọi là hò , Nam Ai như thế mới đủ năng lực diễn tả hết nỗi buồn rầu chất chứa toàn thể đời người phổ vào những tiếng à, tiếng ơi vô nghĩa . Một phút , hai phút trôi qua , thuyền đi được khoảng sông , câu hò chỉ được bốn chữ “ à, ơ “ ngân dài trên nước ,oan uổng thê lương dật dờ như thây ma trôi sấp . Tôi nghe bằng tai nhưng hồn tôi ai đem treo trên đầu ngọn gió , ai đem ướp dưới đáy sông ...Thật muốn khóc ...Muốn rưng rưng nước mắt  !!!  Sao có cảnh trầm mặc , sao tiếng hò thê lương, buồn đến thế này...Nguồn đau thương dân tộc đã mất những gì , còn lại những gì ...Hay mãi mãi đổ vỡ  tận cùng , không bao giờ sống lại ...

Tôi ở Huế một tuần, bún nước ,bún khô ,bánh khoái , nem chua , ăn thật nhiều ,thật ngon . Tôi vốn không thích ăn ngon ,không coi trọng chuyện ăn uống . Lính tráng kham khổ quen cơm hẩm ,dăm miếng thịt mỡ , vài cọng rau ,bi đông nước lã là xong bữa ăn . Bao nhiêu năm tôi không có dịp để chọn món ăn. Về đến Sài Gòn gặp gì ăn đó cho lạ miệng, ăn với bạn cho vui, không hề ham . Nhưng ở Huế ăn phải thích, ăn nữa không chán , ăn bao nhiêu bún cũng không vừa . Phải tới quán cho kịp giờ , trễ là hết, quá năm giờ tiệm bún ở đường ngang với đường Gia Hội nhất định hết . Người Huế lạ lùng như vậy, không thay đổi , không bị lôi cuốn . Mười năm trước vẫn một nồi bún  , bây giờ cũng vậy ,khách đông , khách chờ , khách đòi hỏi . Mặc  ! Hết là hết không nấu thêm . Ngày ế khách , ngày mưa gió , không bớt . Vì khách là khách quen  , xóm bên kia đường, đằng cuối phố , nhà nào , mấy người , ý thích mỗi ai...Người bán tất biết rõ . Bán như thế rãnh rỗi , thức ăn như một tác phẩm, nhiều quá sẽ thành thừa mứa , tầm thường . Giữa khách và chủ là bạn thân ,họ hàng . Người Huế sống với nhau thật khít khao . Nhà anh ấy , bác ấy có con thi đỗ cũng mừng , kỵ đám cả xóm xúm vào giúp nhau . Nhưng chính ở đây cũng là nơi xuất phát những cực đoan lộ liễu . Thầy trên chùa nhất định là đại từ ,đại bi , dù vào đến Sài Gòn nghe ai nói xấu đến thầy tức khắc lồng lộn , tức tối ...Không thế được , thầy không xấu như người ta nói !!!

Chúng tôi trở lại Huế bằng máy bay trực thăng trong ngày mùng bốn Tết Mậu Thân . Trời thật lạnh , mưa phùn , u ám thê lương bao phủ thành phố . Máy bay nghiêng nghiêng trên đà xuống, hạ thấp dần , khu doanh traị Bộ chỉ huy Sư Đoàn I Bộ Binh . Chúng tôi ùn ùn kéo ra khỏi phi cơ . Sau ba ngày đánh nhau ở Quảng Trị với số mất mát khá lớn mặc dù chúng tôi đã được cả một đống vũ khí chất đầy một GMC . Mới đây , Giao Thừa chúng tôi còn gọi nhau trong máy truyền tin để chúc tụng những lời đầu xuân, rồi ngày mùng Một , tôi nhớ rõ , bốn giờ sáng , từ đó là khởi đầu máu chảy...Vừa hay tin Thừa chết , đến Lộc , đến Hổ , bạn quen lâu , mới quen , thương mến thật nhiều , tất cả ra đi từng loạt từng  loạt. Trong những ngày đầu năm, trong những ngày đầy sương muối và mưa phùn, chúng tôi đã chiến đấu đơn độc và tuyệt vọng . Lính Mỹ án binh bất động nằm chờ thời . Không phi cơ , không pháo binh yểm trợ. Chúng tôi đến Huế với vô cùng mỏi mệt .

Kiểm điểm lại quân số , tấn công và chiếm lại Huế , mục tiêu là mấy cổng thành .Ngày đầu quân tiến thật nhanh tràn qua Tây Lộc , xong tiếp đến cửa Chánh Tây , giao lại cho bộ binh . Tối đến cổng thành lại mất . Chúng tôi bắt đầu chiếm lại , và từ lúc này chiến trận đã xảy ra ác liệt . Phi cơ bắt đầu can thiệp, pháo binh yểm trợ và địch tăng cường cố thủ . Chúng tôi tiến lên từng đường , từng ngõ , từng nhà . Thành nội Huế với đường nhỏ vuông vức bàn cờ , tiến quân như đi trên cái chết .Qua được một đường , tiếp tục bắn che chở cho khinh binh , khinh binh chạy thật nhanh , nhanh hơn nữa , nhanh để đua với tử thần , nhanh để sống , để thở , để cười ,để còn về lại Sài Gòn . Quân tiến thật chậm đến con đường Mai Thúc Loan  thì bị chấn đứng .  Can đảm đứng lên băng qua là chết . Bộ chỉ huy Việt cộng đóng ở trường Bồ Đề  nên con đường biến thành tuyến phòng thủ . Cửa Đông Ba cách hai trăm thước nhưng không thể nhào vào được . Việt cộng đào giao thông hào ,phát súng cho trẻ con mới lớn , gã du đãng muốn làm anh hùng , chủ tiệm bán cà phê được lên làm cấp chỉ huy . Tất cả mặc cảm về yếu kém, vô ích ,mặc cảm bị xem thừa , bỏ rơi , tất cả được Việt cộng  lợi dụng đến triệt để và tập hợp thành lực lượng lớn để đè bẹp chúng tôi . B 40 nổ như muốn nhức óc . Em bị rách áo , hai đứa con nghỉ phép dài hạn . Dồn dập , dồn dập .Đơn vị mệt và căng thẳng như con khô nung chín .

Lệnh tấn công trở lại , có pháo binh và phi cơ yểm trợ . Lần đầu tiên của đời lính , tôi đánh nhau trong thành phố và hủy diệt thành phố . Huế , Huế của tôi vừa tìm được , Huế của Việt Nam luôn cố duy trì để trường cửu đang sụp đổ , đang cháy đỏ tươi . Trước mắt tôi tường vôi , mái ngói bị ném lên tung vỡ . Lửa cháy thành ngọn yêu ma kinh dị . Lửa củi, lửa than nghe ấm , nghe vỗ về . Lửa nhà cháy có tiếng kêu như than, như khóc , như tức tưởi , như hú lên vì sợ. Lửa nhà cháy  ở thành phố là lửa tai ương , lửa bất hạnh , lửa có mùi ...Mùi người chết, mùi của xương ,của da , của thịt bị nung nóng thành than ,thành một vật chất quái dị , khô đặc , nức nẻ, đụng vào thấy ươn ướt nhầy nhầy ...Huế trước mắt tôi sụp đổ từng miếng một ,nghe đau xót như tình nhân bị cưỡng hiếp . Tôi đã từng chứng kiến nhiều đám cháy ở Kiến Hoà , Bồng Sơn ...Tiêu điều , tan nát  ! Đúng như vậy , nhưng chưa đến độ thấm đau đến phải bật khóc .Ở Kiến Hoà thì thấy tiếc – phải – chỉ tiếc nuối một phần vật chất bị hủy hoại .

Nhưng Huế cháy , gạch bát tràng , ngói âm –dương , tượng Di Lặc , tượng Thích Ca , Kim Cang , Thiện – Ác , lớp rêu trên viên đá , đầu trường thành cây kiểng trồng từ đời Gia Long , Khải Định ...Tất cả chúng đều có linh hồn , không chỉ là đất đá, cây thuần túy ...Chúng có kỷ niệm trong lòng , chúng là vết tích hoài hoài mà chúng ta luôn nhớ . Đó là cổng thành vua đã đi qua , đó là Phú Văn Lâu nơi xướng danh những người thi đỗ , này cung vua , lầu Hoàng hậu , con đường đi có mái để đưa hậu về cung son . Con người đã đi qua , nhưng dấu vết lịch sử còn đó . Tôi người mới lớn trên quê hương ,thấy lạc loài , bây giờ vừa tìm được ,mong tay bắt mặt mừng, thì Huế đã cháy , đã đổ . Tôi thấy đau , đau ngẩn ngơ , như thuở bé có món đồ chơi , rồi phải tự tay đập phá .Chiếc cổng thành xây bằng đá tảng đi qua mát lạnh mênh mông , bây giờ đổ xuống thiểu não như một thi thể già nua .Phi cơ xuống ầm ầm , tiếng nổ , đám khói mịt mù...Huế rên lên từng tiếng não nùng , tiếng kêu la gào thét của những mái cung điện, hàng cửa sổ  trên lầu Ngọ Môn . Vong linh tiền nhân còn có nơi đây ? không còn ai ! Chỉ còn bức tượng đá đăm chiêu nhìn ra một sân khấu bị trốc ngược .

Trong lửa cháy người Huế dẫn nhau chạy loạn , cha cõng con , chồng dìu vợ , con bế cha, mẹ già . Tất cả bình yên đẹp đẽ , đài các của ngày xuân tan thật nhanh trong lửa đạn . Đào thêm một nhát cuốc nữa cho đủ sâu, cô gái tóc xanh hôm qua nay đầy bụi bặm  , vành khăn tang quấn vội trên đầu , tay nắm chặt cán cuốc , cuốc những nhát cuốc đầu tiên trong đời để nên huyệt cho người thân .Người chết ở đâu nhiều quá , xác chết của lính , dân hay Việt cộng , chôn ở lề đường , sân chùa ,sân trường ,chôn ở đâu có đất . Chôn ngay chỗ ngã xuống , nằm yên lần cuối . Thôi người chết hãy ngủ yên . Thôi Huế hãy nuốt cơn đau .

Người Huế chết như trò chơi , như nằm ngủ, theo lính chạy về Mang Cá , bị B 40. AK  quét ngã, ở khu Gia Hội thì do pháo binh , ở khu Đập Đá chết bởi súng cối từ chùa Diệu Đế bắn về ...Chết ,chết ở đâu cũng có ,vì đạn, vì mảnh , vì hơi ép , vì chôn sống . Một ngàn cách chết , đầu đường, góc phố , xác chết nằm cong queo , nằm thẳng cẳng , sấp ngữa , kinh hoàng ,uất ức , trăn trối ...Làm sao nói cho hết , làm sao nói cho cùng . Hỏi trời , hỏi đất ,hỏi Thượng Đế ...Tôi muốn hỏi , muốn kêu , muốn hét nhưng hình như mọi phản ứng đã thừa , đều thiếu hụt ,không đủ nghĩa . Im lặng . Chỉ có tiếng than im lặng đó , chỉ có nó . Chỉ có nó vang lên , vang lên .

Phi trường Phú Bài , đoàn quân sau mười lăm ngày lửa đỏ đi trong nghẹn ngào xơ xác , không tăng viện được , chúng tôi trả lại Huế cho đơn vị bạn . Đoàn quân im nín , trong mắt mọi người đều sáng lên ánh lửa – Xin cho tôi xa nơi này , nơi địa ngục. Riêng tôi , tôi hứa rằng sẽ trở lại . Trở lại nơi đây , nơi bạn bè tôi đã nằm xuống không quan tài , vùi xuống ở khoảng địa cô quạnh bên cạnh đồn Mang Cá. Tôi sẽ trở lại nơi đây vì tôi bỏ qua hình ảnh những gã trai hai mươi , mười chín ,những cô gái muốn làm anh hùng ngã tắt , những trí thức làm dáng một lần vì mặc cảm rồi lao theo quỷ sứ . Những kẻ đó mới hôm qua còn tầm thường , còn đứng trong bóng tối , nay trở thành Ủy viên, nay làm cách mạng , mang AK, đeo băng đỏ đi xe Honda , Suzuki , ném lựu đạn ...Ôi cái ảo tưởng anh hùng sao mà vẫn còn hấp dẫn đến thế ! Tôi quên những hình ảnh lố bịch và đáng phẩn nộ đó vì tôi biết rằng ở Phú Cam , người Huế đã chống cự bằng Garant , Carbin M.1  suốt mười mấy ngày dài . Họ đã chiến đấu trong dũng cảm nhất với ý thức rõ ràng về sự chọn lựa cho con người một vị thế .

Đáng lẽ tôi phải viết thêm để nói về trận đánh bi tráng và tuyệt vọng của tiểu đoàn tôi , tiểu đoàn 2  và  7 Nhảy Dù trong suốt mười lăm ngày , kể từ ngày mùng một và mùng hai Tết... Những trận đánh từ làng Đốc Sơ nơi cầu An Hoà vào đến sân bay Tây Lộc . Những đơn vị bạn đã chiến đấu trong đơn độc không yểm trợ để chiếm cho được cổng An Hoà . Tôi phải nói cho rõ , nói cho cùng cái can đảm thần thoại của đại đội 92 với quân số trên bốn mươi người , chỉ hơn một trung đội Mỹ năm người , Thành “ Râu “, đại đội trưởng bị thương phải chống gậy chỉ huy chiếm cửa Thượng Tứ , bị kẹt lại suốt hai ngày đói và khát . Tôi phải nói cho hết niềm kinh hoàng tột độ của thằng bạn thân – Lô –đại đội trưởng 74 , người cao chỉ đến một thước sáu , lưng mang máy truyền tin , vừa chỉ huy vừa liên lạc , sử dụng luôn khẩu đại liên 60  chận địch cho quân sĩ rút lui trước , bị thương gãy chân kẹt giữa hai lằn  đạn trong suốt một buổi chiều . Nhưng khốn nỗi tôi không tham dự trực tiếp trận đánh nên không thể viết trumg thực được và điều giả dối ai nỡ đem vào trong văn chương . Nên nhân cảnh loạn ly tôi nói đến con người . Không nhớ  có ai đã phán ra câu đại để : “Trong gian nguy mới nhìn rõ mặt người “. Điều này đúng quá , những ngày khói lửa ở Huế , tôi mới có dịp để nhìn thấy người Huế , người của quê hương từ lâu tôi không gặp .

Tôi có một người chú họ , chú Bộ làm Cảnh sát , bị Việt cộng bắt cùng đám người công chức hoặc quân nhân , Việt cộng dẫn họ đi tải đạn và cuối cùng thì bắn chết tập thể .Chú tôi , một người chậm chạp, có thể gọi là lù đù , ngớ ngẩn vì rượu đã làm ông suy nhược trí óc lẫn thể xác , thế nhưng khi Việt cộng bắt đi theo vác nặng bao nhiêu ông cũng chịu đựng nổi , mặc dù một chân đã bị gãy từ trước , và đến lúc Việt cộng bắt đầu hành quyết , không biết do một sức mạnh và khôn khéo nào ,ông đã trốn thoát được . Về nhà sau năm ngày lẫn trốn , ông vẫn chậm chạp và ngớ ngẩn như thuở nào. Bác Soạn , người có ngôi nhà cạnh nhà bà nội tôi ,luôn luôn đứng vào hàng ngũ những người chống đối chính phủ , bác thuộc phe phái thầy ở trên chùa, từng bị Chi bắt đem giam tại trại  bài trừ du đãng mấy tháng sau vụ biến cố miền Trung năm 1966 . Việt cộng vào thành phố Huế cùng với sự trở về của những thanh niên trên dưới ba mươi , lớp tuổi của những đồng chí Ngô , Dinh...Những người bạn tôi đã trốn ra khu trong những năm trước , nay trở về với chức ủy viên này nọ . Tôi không hiểu có những gì đã biến đổi những người trẻ tuổi đó , những trí óc trẻ trung vị tha , trí thức ngày nào bây giờ  trở nên những tâm hồn cứng rắn , trì trệ ,hung tàn và hiếu sát . Có gì đã biến đổi họ để uỷ ban nhân dân có quyết định chôn sống từng loạt người sau trường tiểu học Gia Hội  ? Công chức , thuế vụ , công chánh , cảnh sát ...Tội ở đâu ? Hay vì đã từng bắt giữ một người đi xe đạp không đèn ,người ấy bây giờ làm ở uỷ ban nhân dân ?!  Hận thù nào đã chôn sống một nhân viên công an  vì người này đã một lần dọa “ bắn vỡ đầu “ một người bà con của một uỷ viên, thật tình tôi không hiểu động lực căm thù, chính sách khủng bố nào đã chỉ đạo cho những cuộc tàn sát tập thể trên  . Người Việt cộng vào thành phố , được đón tiếp bởi những kẻ nằm vùng  , chính lớp người này mới thật khó chịu , hống hách , cuồng sát và thâm hiểm một cách đáng sợ . Hình như bao nhiêu mặc cảm yếu đuối , thừa thải từ bao năm được bù trừ lại bằng vinh quang nhất thời  , họ hối hả hưởng cho hết cái uy quyền què cụt trong giây lát . Họ tố người này , bắt người kia, tuyên án giết người  thể như một trò đùa . Những tên trẻ tuổi tay mang băng đỏ , lưng đeo AK ,lái xe Honda lượn khắp thành phố , kênh kiệu và tàn ác như một loài  thú . Một cô gái trong ba ngày tố khổ và tuyên án gần hai mươi người . Nữ sinh viên mắt sáng , mũi cao , đẹp thật tươi , nhưng sao độc ác đến ngần ấy ? Khi tiểu đoàn tôi  bắt được , cô ả kháng cự lên tiếng thách thức , nhưng khi nòng súng của Sơn Bum dí vào người , cô gái mới tỏ vẻ sợ hãi . Tôi nghĩ rằng giây phút sợ hãi đó là cơn tỉnh giấc của một thời gian mộng du đẫm máu .

Những ngày ở Huế tôi còn được nghe tin Việt cộng bắt Thượng Nghị Sĩ Trần Điền và sau này chúng chôn sống ông. Tôi thuộc về hàng hậu bối  , xa xứ Huế không biết nhiều về ông , chỉ biết ông qua vóc dáng một Trưởng Hướng Đạo . Ông có Đệ Ngũ đẳng Bảo Quốc Huân Chương , khi chính quyền ông Diệm kết án ông về vụ Ba Lòng, ông đưa ra chiếc huy chương đó để biện minh lòng yêu nước . Thuở ấy Bảo Quốc Huân Chương là một cái gì hiếm có chứ không như những anh nhà binh sau này cứ đi lính lâu năm , hội đủ điều kiện thâm niên , một vài cái huy chương văn phòng nhưng tính điểm cao hơn Anh Dũng bội tinh nhành dương liễu , cộng chung tất cả lại đủ để có Bảo Quốc huân chương , ra toà án với các vụ lẩm cẩm như ăn cắp , thụt két ,hiếp dâm , giết người vì ghen hoặc thủ tiêu đàn em vì sợ  thằng nhỏ “ khui “ mình ... thường đem Bảo Quốc huân chương ra chạy tội !? Kết quả vụ án trên ông được giảm khinh . Nhưng điều tôi nhớ về ông nhiều hơn hết là giọng nói đĩnh đạc ,hùng hồn ,âm thanh cuốn hút người nghe . Lòng trẻ con của tôi thường mở ra nhìn ông như một vị huynh trưởng sáng giá , ông có tên “ Gà Hùng Biện “ theo luật của Hướng Đạo . Bây giờ nghĩ lại, ông quả là một huynh trưởng sáng giá thật, khi bị bắt , ông thẳng thắng nhận mình là một Thương Nghị sĩ của chế độ Cộng Hòa, ông vẫn giữ nguyên tinh thần bất khuất của một Tráng  Sinh đã lên đường , Con ông là San , khóa sau tôi đi Biệt động quân , tôi nghĩ rằng với uy tín ở miền Trung ông có thể “ chạy “ cho San  về một chỗ ở văn phòng , nhưng ông không làm như vậy , San đã đánh trận  đáng  tiền nhất của Vùng I Chiến thuật năm 1965 – Trận Ba Gia . Ngày Việt cộng phản công  chiếm lại đồi , tiểu đoàn San  bị tổn thất nặng , nó thoát chết chạy về Đà Nẵng ngơ ngác như một bóng ma . Có phải thế không San ? Mày không biết tao là ai , nhưng tao biết mày là đội trưởng đội Hồ đoàn Nguyễn Trường Tộ , thuở nhỏ tao muốn được hãnh diện của mày – Con của Trưởng Điền , “ Gà Hùng Biện “ . Bây giờ ông chết như một người Hướng Đạo sinh trong sạch từ  tư tưởng ,lời nói ... Mày cho tao chia sẻ cùng vinh dự này .

Người Huế thuở xưa đã thực hiện một chiến công không thành nhưng biểu lộ cách can đảm hùng tâm , dùng sức người vây hãm ,tấn công vào khu Morin của người Pháp trấn giữ đầy vũ khí. Muà xuân năm nay cũng vậy , những con người bình thản như dòng sông  kia đã chịu đựng nghiệt cảnh bi thảm không biên giới , và họ đã chiến đấu hết sức của một người . Khu Phú Cam  bằng Garant và Carbin M 1 , thanh niên và lính chuyên môn ở các trại quân cụ , công binh đã chống cự với Việt cộng  cho đến ngày cuối cùng . Và tôi nghĩ rằng hình ảnh bi tráng nhất của chiến tranh này là trong buổi Huế điêu tàn người Huế đã hát quốc ca khi lá cờ Vàng dần lên cột cờ loang lổ dấu đạn ...Người Huế đã cất cao giọng hát trong gió lạnh , hoà mưa bay khi nước mắt lăn dài trên gò má . Huế ơi ! Quê Hương  !  Tôi muốn khóc hôm ấy . Tôi muốn khóc biết bao nhiêu ...

Thieu Uy PhanNhatNam 1964

Bài viết của Phan nhật Nam   

Tháng 2-1968. Huế Mậu Thân.

Nguồn:hung-viet.org/p18a14607/hoi-ky-dau-binh-lua-3#vote_anchor_container