Viết về anh Khiết ...

User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

 

BietKichKhietR2

 

THULIENÝ nghĩ viết về anh Khiết đến với tôi khi nghe một người bạn nhắc lại sự vĩnh biệt ra đi của anh, và đồng thời cũng là ý muốn đóng góp một phần nhỏ vào Đặc San Kỷ Niệm 50 năm của trường Phan Châu Trinh, nơi đây tôi đã sống qua bảy năm trung học, một quảng đời dài của thời niên thiếu.

Biết bao nhiêu là kỷ niệm với Thầy Cô, với bạn bè. Biết bao nhiêu là thâm tình không phai lạt.

Anh Đặng Ngọc Khiết là một người được nhiều bạn bè thương mến và luôn được nhắc nhở đến. Sự quen biết anh cũng thật đặc biệt: Tôi đươc biết tên anh trước khi gặp mặt anh.

Năm Đệ lục Phan Châu Trinh, sau buổi lễ phát phần thưởng cuối năm, tôi hí hửng ôm chồng sách về nhà, hân hoan ngồi lật từng trang sách còn thơm mùi giấy mới. Một bất ngờ đến với tôi khi nhìn thấy câu “Tặng Thu Liên” và chữ ký tắt Đ. N. K ở ngay trang đầu, và rãi rác trên nhiều trang sau của mỗi cuốn. Cô học trò ngày đó thấy “bất bình”, và phàn nàn với nhỏ em, đây là phần thưởng của trường cho, mà sao “ai” có quyền ký tặng? Sau đó, hai chị em suy đoán và cùng kết luận là có một “ anh lớn”, trên mấy lớp, được Thầy, Cô giao nhiệm vụ gói ghém phần thưởng cho các lớp đàn em, đã thuận tay ghi tặng (?).

Năm học kế tiếp, mỗi lần mở sách ra lại thấy mấy chữ Đ. N. K. trước mắt, thật khó tránh. Nhưng cái “phiền” này cũng qua nhanh, nhường chỗ cho nỗi tò mò muốn tìm hiểu ai là tác giả. Sau đó không lâu, “bí mật” này được tiết lộ bởi Ngô Phước A., người cháu gần gụi như một người bạn (học trên “dì” TL một lớp): Đ. N. K. là anh Đặng Ngọc Khiết, anh giáo dạy kèm ở nhà của mấy anh em Ngô Phước A. 

hs14

Gần Giáng Sinh năm đó, một ngẫu nhiên kỳ lạ đưa đẩy mấy chị em tôi về cùng ở “dươi một mái nhà” với anh. Ba tôi phải đưa Mẹ tôi vào Sài Gòn giải phẩu nên gởi tôi và Thu Hà cùng các em nhỏ tá túc tại nhà anh chị họ, ba mẹ của Ngô Phước A.

Đây là khoảng thời gian tôi gặp anh nhiều nhất, ngoài những ngày trong tuần ở trường, về nhà còn gặp anh vào những buổi điểm tâm, ăn trưa, ăn tối. Cái bàn ăn thật dài đủ cho một tiểu đội 10 anh em trai san sát tuổi nhau mà Ngô Phước A. ( Nô) là đầu đàn, với “ông thầy” Khiết, cọng thêm tôi và TH cùng 4 sắp nhỏ em tôi.

Buổi ăn nào cũng thật nhộn nhịp, đầy tiếng cười rúc rích của đám anh em trai, như “đồng lõa” với Ngô Phước A: hết nhìn “ông thầy” lại đến nhìn “dì “ TL.

Anh Khiết lúc nào cũng giữ vẻ nghiêm trang, và để duy trì trật tự, anh luôn luôn lên giọng: “Ni! ăn đi….”, “ Na! không được ồn…”, “ Nê! ngồi xuống…”

Phần tôi, lo ăn cho nhanh để vội rút về phòng .

Cuối tuần, đối với tôi thật dài, vì hầu như bị “giam lỏng” trong phòng: mỗi lần đi ra là chạm mặt ngay với anh. Cái phòng nhỏ của tôi”xuất- nhập” chỉ một cửa ra vào, mà dường như anh Khiết cứ thích ngồi ở bàn ăn ngay trước cửa! Vì vậy, mỗi lần muốn uống nước là phải “tuần hành” trước mặt anh, nên tôi ngại lắm. Nhỏ em TH “tiếp viện” cho vài lần, sau đó dù năn nỉ mãi cũng không được, “khát thì ra mà lấy!”. Tôi đành phải tự túc. Vừa ra khỏi phòng là chạm trán ngay anh Khiết, trong bộ pyjama xanh biếc, và luôn luôn với cuốn “Số đỏ” trên tay! ( không hiểu chương trình Việt văn Đệ tam năm ấy có bao gồm tác giả Vũ Trọng Phụng?).

Thời đó, “Số đỏ” chưa phải là cuốn sách cho lứa tuổi tôi được xem, nên tôi rất “khớp” và thấy anh thật là “người lớn” quá !

Nhớ một chiều, hai chị em tôi qua nhà chơi với Thái Thị M., chị của Thái Th., và ra vườn ngồi xích đu. Sau đó, anh Khiết và Nô xuất hiện nên đám con gái vội nhường ngay xích đu. Chẳng may cho anh, cái dây thừng có lẽ đã gần đến cõi, nên khi anh Khiết vừa lên đong đưa vài vòng thì té cái bịch! Từ vụ đó, anh được mang biệt hiệu “tạ gạo”.

Còn nhớ một ngày ở Phan Châu Trinh, vừa tan trường ra, đi bộ trên đường Lê Lợivề nhà,tôi gặp anh Khiết ngồi trên cyclo với chiếc valise. Anh bảo xe dừng lại và đến nói lời từ giả. Anh cho biết sẽ đi Sĩ quan Đà Lạt, và cuối cùng “ không mong gì hơn chúc TL ở lại được vui vẻ…”

BietKich01

Sự quyết định bỏ trường ra đi của một thanh niên mà tương lai còn nhiều hứa hẹn, bất chợt làm tôi thật xúc động, nhưng lại không biết nói gì, lúng túng chỉ biết “dạ” và “cám ơn”.

Từ đấy, mỗi dịp Tết về, hay vào những mùa thi, sau khi có kết quả, tôi đều nhận được từ phương xa những tấm thiệp với lời chúc luôn luôn chân tình và dễ thương.

Xong trung học, tôi vào Sài Gòn, đôi lần anh ghé lại nhà thăm. Còn nhớ một hôm, đang ngồi học, cháu Ngô Phước A. chạy vào hớn hở báo tin: “Mấy dì sửa soạn, có “đại tướng” đến thăm. Tra…la…la!”. Rồi cậu ta trịnh trọng đưa tay về phía cửa: anh Khiết xuất hiện trong bộ áo Sĩ quan Đà Lạt, đầy đủ huy hiệu sáng ngời. Trước lời giới thiệu phá phách trẻ con của Ngô Phước A., anh Khiết phớt tỉnh như không. Đó là điểm đặc biệt ở anh, nghiêm trang mà vẫn tươi cười.

Lần cuối cùng, anh lại thăm tại nhà đường Võ Tánh Sài Gòn, để từ biệt trước khi ra đi với lời hẹn sẽ trở lại sau ngày hoàn tất nhiệm vụ.

BietKich NguyenDangKhiet

Hôm ấy, thấy anh không còn vui như mọi lần… Anh cười buồn “nếu sau ba tháng không thấy trở về, TL nhớ cúng anh”. Nghe lời từ giả của anh, lòng tôi thật xốn xao. Lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam đã vô cùng sôi động. Tôi như có linh cảm anh sắp phải đương đầu với một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Trong niềm xúc động, tôi cầu chúc anh mọi điều an lành.

 

BIETKICH

Ba tháng qua, anh Khiết không trở về như lời hẹn!

Một thời gian không lâu sau đó, được tin anh qua đời vì nhiệm vụ tại miền Bắc, với một cái chết bi thảm. Tin dữ đến khiến tôi bàng hoàng đến sửng sờ. Với một bó hoa và một nén hương, tôi ngậm ngùi tưởng niệm anh.

20190205080803 file 5c59ed23f2ba2


Rb14e7f4ea05b7c057a971a62349e2f21

 

Anh ra đi mang theo tất cả niềm hăng say và nhiệt tình của một người trai trẻ với bao nhiêu mộng ước chưa thành. Như một ngọn lửa của bầu nhiệt huyết bị dập tắt quá phủ phàng, anh đã để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè và những người quen biết anh.

 Phan Thu Liên

(Phan Châu Trinh 1957-1964)