Những Người Học Trò Năm Xưa
Tác giả Hoàng Nguyễn
Tôi đi vào giáo dục tương đối sớm, một năm sau khi đỗ tú tài với kiến thức đơn sơ. Nhưng trẻ tuổi, nhiệt thành và cảm thấy cái xấu hổ sâu xa của một người dân bị trị, tôi không nề hà gian khó. Thêm nữa nể lời một vị thầy cũ giữ chức vụ giám đốc giáo dục miền Trung lúc bấy giờ, tôi vui vẻ nhận lời đi dạy ở Vinh dù Nghệ an là một tỉnh nổi tiếng khe khắc. Tuy dân chúng hiếu học, có nhiều khoa bảng, làm việc cần cù nhưng nói chung nghèo khó, tính tình gàn bướng, sẵn sàng chống đối hay như người ta thường nói lúc bấy giờ là có tinh thần cách mạng cao . Mang theo một hình ảnh có sẵn, tôi ngại ngùng trên đường đi tới nhiệm sở. Nhưng rồi làm việc và tiếp xúc với dân chúng ít lâu, tôi nhận thấy cái quan niệm chung về người Nghệ an không phải không đúng nhưng phần tốt nhiều hơn phần xấu và cuộc sống không gay gắt như tưởng tượng.
Tôi nhớ lại một câu chuyện có tính cách hài hước nhưng thật về người Huế mà một anh bạn người Nam, ở San Diego, kể cho tôi nghe : Một hôm anh Xuân (tên bạn tôi) đưa một người bạn Huế về nhà chơi. Bà cụ anh Xuân vui vẻ, niềm nở tiếp đón, coi anh ta như con. Anh bạn Huế của anh Xuân cảm động kể cho bà cụ nghe từ chuyện này đến chuyện khác. Nhưng không biết bà cụ có nghe và hiểu được gì không, chỉ thấy sau lúc anh bạn ra về, bà cụ hỏi anh Xuân :- "Bạn mày là người nước nào thế ? "
Lúc bấy giờ vừa xong bậc trung học, chưa từng mấy khi rời khỏi Huế, cái cảm tưởng của tôi đến Nghệ an cũng tương tự, gần như đi du lịch đến một nơi xa lạ. Tiếng nói mười tiếng chỉ nghe ra 6,7, riêng tiếng Nghi-lộc, nói chẳng có dấu (1), thì ban đầu tôi chẳng hiểu được gì . Phong tục tập quán có nhiều điều khác với Huế. Tôi xin dẫn ra một vài tỉ dụ đặc biệt đối với phụ nữ và vợ chồng mới cưới . — Huế nơi sinh ra tôi, thì "con so về nhà mẹ" hay con gái đi lấy chồng mà sinh con đầu lòng thì xếp đặt về nhà cha mẹ sinh cho mẹ săn sóc : "cháu bà nội, tội bà ngoại" mà ! — Nghệ an trái lại, đó là một điều tối kỵ. — Huế việc đối xử với vợ chồng trẻ hay già chẳng khác gì nhau. — Nghệ an nếu là vợ chồng trẻ lở phải xa nhà thì thiên nan vạn nan mới tìm ra một chỗ trọ. Tôi nhớ mãi chuyện vợ chồng chúng tôi phải lang thang ngoài đường hai đêm liền lúc di tản về quê, trước lúc gặp được một ông bạn nhà giáo tốt bụng và "vượt mức tiến bộ" cho chúng tôi trọ ở nhà ngang của anh ta. Tuy phong tục tập quán có điều tôi nghĩ là không đúng nhưng có điểm tôi phải kính phục là tinh thần hiếu học và lòng kính mến thầy giáo của dân chúng. Đi dạy học mà biết gìn giữ tác phong và đạo đức đôi chút thì dạy ở Nghệ an vào thời trước theo tôi nghĩ thật lý tưởng. Học sinh lễ phép, thân kính thầy, phụ huynh tôn trọng thầy như những ân nhân cho gia đình và con cái họ.
Đúng là tinh thần "tôn sư trọng đạo", "một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy" hay như người ta thường bảo :
Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy .
Nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo nói trên đã sớm biến đi hay lặn mất theo nền giáo dục cọng sản . Giáo dục cọng sản sau tháng 8-45 nói chung vẫn theo hình thức giáo dục thời thuộc Pháp và chính thể Trần Trọng Kim. Vì áp lực của dân chúng và chưa đủ "cán bộ giảng huấn", cọng sản chưa áp đặt ngay được một nền giáo dục chuyên chế. Sau ngày 19 tháng 12 năm 1946, viện cớ chống Pháp, đảng cọng sản chiếm độc quyền cai trị, áp đặt đường lối Mác- Lê và Mao trên mọi lãnh vực sinh hoạt. Thứ trưởng giáo dục cọng sản Nguyễn Khánh Toàn, viện sĩ Liên Xô, ủy viên trung ương đảng, bắt đầu cải cách giáo dục, biến giáo dục cũ thành "giáo dục nhân dân"(!), một công cụ để đào tạo con người chỉ biết trung thành với Đảng và nhà nước Cọng sản .
Theo tổ chức giáo dục nhân dân thì chi bộ đảng trong trường gồm có một số giáo chức và học sinh đảng viên nắm mọi quyền quyết định. Trong chi bộ ấy tiếng nói của các học sinh đảng viên thường thường mạnh hơn vì họ là thành phần cốt cán xuất thân từ tầng lớp bần cố nông. Ban giám hiệu chỉ là tổ chức hành chánh bề ngoài hầu như không có quyền hành gì. Bên cạnh chi bộ trường có Hiệu đoàn, gọi là tổ chức quần chúng, điều khiển hoạt động của học sinh. Thật ra hiệu đoàn chịu sự chỉ đạo của chi bộ, thi hành những chỉ thị và quyết định của chi bộ .
Hậu quả đầu tiên của việc cải cách là cuộc tổng phê bình giáo chức tiến hành vào năm 1949-50. Tác phong, đạo đức và ngay cả kiến thức, nhất là kiến thức khoa học xã hội đều được học sinh đem ra phân tích, mổ xẻ, phê bình. Dựa vào các sách giáo khoa mác-xít và đứng trên lập trường gọi là biện chứng pháp duy vật thì Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa đều vượt hẳn các nước tư bản . Nói ngược lại, dù trưng dẫn con số hay bằng chứng cụ thể, đều bị xem là phản động. Nhiều giáo chức lúc giảng dạy không chú ý đến điểm này đã bị buộc tội nặng nề là "trí thức phản động" hoặc "trí thức lưu manh..." Không đề cao lập trường bần cố nông cũng là phản động .
Ví dụ giảng bài ca dao Thằng Bờm mà không nêu rõ sự chống đối của Bờm đối với phú ông là một sai lầm nghiêm trọng vì Bờm đại diện cho tầng lớp bần cố nông. Những chuyện trớ trêu như vậy làm tinh thần yêu nghề xuống thấp. Nhiều giáo chức chán nản không chịu đựng được cuộc phê bình, gọi đó là một cuộc "tổng xỉ vả", đã bỏ nghề hay trốn vào thành (vùng quốc gia) nếu gặp cơ hội .
Những học sinh có gốc gác tiểu tư sản hay địa chủ cũng không tránh khỏi tác hại tàn khốc của nền giáo dục kia .
Bấy giờ tôi dạy tại trường H.T.K., một trường trung học cấp ba lớn nhất ở Liên khu 4. Trong nông thôn đang có cuộc đấu tranh chống man khai hay chống việc khai ít lại diện tích và sản lượng ruộng đất để tránh thuế nông nghiệp quá nặng nề so với thu hoạch ít ỏi. Mà thật ra làm sao khai cho đúng vì việc đo đạc từ xưa. Thực chất đây là một phong trào sơ khởi gây căm thù đối với địa chủ, chuẩn bị cho phong trào dã man "phóng tay phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất".
Nhà trường theo đúng nghĩa "nhân dân" phải theo sát sinh hoạt quần chúng: ngoài xã hội có chủ trương chống man khai thì trong trường phải có một phong trào tương tự. Do đó trường đã tổ chức những cuộc kiểm thảo để học sinh phê phán thái độ học tập của mình, đặc biệt thái độ trong các kỳ thi lục cá nguyệt, những kỳ thi mà trước đây các trường trung học đều tổ chức mỗi năm hai lượt. Cuộc kiểm thảo do ban chấp hành hiệu đoàn chỉ đạo. Buổi sinh hoạt bắt đầu chậm chạp, uể oải. Một vài cán bộ vai vế trong hiệu đoàn đứng ra tự kiểm làm gương, thái độ giống như các hoàng đế sư tử trong bài ngụ ngôn "Loài vật mắc phải bệnh dịch hạch "(Les animaux malades de la peste) của La Fontaine. Nhưng không khí đột nhiên thay đổi sau lúc anh Võ văn Thành, tôi còn nhớ rõ tên họ anh này dù cách đây đã nửa thế kỷ, lên tự thú :
- Tôi xin tự phê, cũng như một số anh chị em học sinh trong lớp, tôi đã có động cơ học tập không đúng. Trong kỳ thi lục cá nguyệt vừa qua tôi đã nhìn bài của bạn và có ý mở sách để xem. Thành là một học sinh hiền lành, mặt mày sáng sủa. Chẳng hiểu vì lý do gì Thành được gửi từ Liên Khu 5 ra. Ít nói năng, chăm chỉ, thích âm nhạc và đặc biệt thích học thêm sinh ngữ. Thỉnh thoảng trau dồi sinh ngữ bằng cách tập viết nhật ký với vốn liếng đã học được. Từng ấy điều đủ để cán bộ hiệu đoàn chú ý đến người học sinh được liệt kê thuộc loại "cá nhân chủ nghĩa ", gốc tích tiểu tư sản .
Thành vừa tự phê xong thì từ phía bên dưới có tiếng của một nữ cán bộ hiệu đoàn :
- Khuyết điểm là khuyết điểm của mình, không thể nói khơi khơi giống như những người khác. Chúng ta cần vận dụng cả ba mặt đấu tranh : đấu lý, đấu lực và đấu pháp để đánh gục kẻ thù tư tưởng trong chúng ta cũng như những kẻ thù của giai cấp trong xã hội. Vân dụng lý là vạch rõ nguồn gốc sâu xa của tư tưởng sai lầm; vận dụng lực là dùng toàn sức mạnh của toàn thể đội ngũ ta; vận dụng pháp là trừng phạt thích đáng theo đòi hỏi công bằng của quần chúng.
Giống như ngọn đèn xanh đã được bật, những lời chỉ trích tới tấp chỉa vào Thành. Có người bảo biết rõ gia đình anh Thành thuộc thành phần địa chủ phản động từng cấu kết với phong kiến và thực dân. Phát triển lý luận người khác họa theo : -Ăn gian để được điểm số cao là thói ưa ăn trên, ngồi trốc để đàn áp giai cấp lao động. Tiếng la thét, xỉ vả tới tấp đến từ mọi phía. Thành được lệnh im lặng để tiếp thu ý kiến sáng suốt của quần chúng.
Những lời phát biểu dần dần chuyển sang phần đấu pháp. Một người tất tả từ dưới lớp chạy lên xỉ vào trán, hất ngược mặt Thành ra, có người vả vào má,... rồi đấm, rồi đá cho đến lúc Thành vừa tủi nhục vừa đau đớn nằm gục xuống mặt đất lạnh .
Hội trường đã vắng lặng từ lâu, Thành vẫn còn nằm đó. Chi bộ trường và ban giám hiệu lẫn tránh đâu mất, không có người ra mặt. Mãi đến khuya mới thấy bóng dáng hai người công an đến dẫn Thành về trụ sở . Thành không còn được đi học nữa, bị đuổi ra khỏi khu nhà trọ dành cho học sinh Bình Trị Thiên và Khu 5; học bổng hằng tháng giúp Thành sinh sống tối thiểu cũng bị cắt. Trở thành một kẻ lang thang không nơi nương tựa, Thành hằng ngày vào rừng kiếm cũi đem về chợ bán để rồi cuối cùng đi ở đợ cho một tên công an tỉnh mà gia đình làm nghề đồ tể .
Ít lâu sau tôi chuyển dạy một trường khác nên không rõ cuộc sống của Thành thay đổi ra sao. Tuy nhiên có lần gặp riêng anh Đặng văn H., quê ở Phủ Diễn, nguyên hiệu đoàn trưởng bị thất sủng vì thuộc gia đình địa chủ, tôi có hỏi. :- Sao lúc bấy giờ anh hăng hái thế ?
- H. cho tôi biết : - Em lo cho bản thân và gia đình nên cần tỏ ra nhiệt thành. Vả lại chị X. trong chi bộ (người nữ sinh mở đầu cuộc đấu tố) vì ghen ghét Thành, đã bảo em phải đấu cho khắc khe. Em không thể không nghe theo. Không thể bảo chuyện của Thành có tính cách cá biệt. Nó tiêu biểu cho một đường lối giáo dục. Giáo dục là tạo hoàn cảnh giúp cho mỗi một thanh thiếu niên tiến bộ thì không thể vì thành kiến riêng tư, vì một chủ nghĩa, một đảng phái mà chà đạp lên giá trị con người. Hình ảnh của anh học sinh Võ văn Thành bị chưởi rủa, đánh đập, vứt bỏ ra bên lề xã hội đã ám ảnh tôi rất nhiều trong cuộc đời nghề nghiệp.
Sau hiệp định Genève tôi không còn dạy ở miền Bắc nữa. Cuộc đời dạy học 20 năm sau của tôi ở miền Nam tuy không phải hoàn toàn tốt đẹp nhưng êm ả hơn trước nhiều. Nhưng giống như chuyện ông Nỉnh ông Nang đi đâu cũng gặp nhau, sau tháng 4 -75 tôi đối diện lần nữa với nền giáo dục tôi đã chối bỏ. Hình ảnh người học sinh bất hạnh đã trở lại trong trí óc tôi.
Không cần phải đi đâu xa, những ai còn ở lại Saigon sau tháng 4-75 chắc đã thấy biết bao nhiêu học sinh rơi vào trong trường hợp như Võ Văn Thành và chắc cũng đã thấy rất nhiều nhà giáo đã oan ức bị liệt vào loại "trí thức phản động hay lưu manh". Đếm không hết những học sinh, sinh viên xuất sắc bị gạt ra khỏi trường trung học hay đại học Huế, Saigon và ở các nơi trên miền Nam. Đếm không hết những giáo chức sau tháng Tư năm 75 ngồi lê bên vỉa hè bán sách báo cũ, vá xe đạp, chạy xích-lô, đi lao động ở các đồn điền, đi ăn xin... Nhưng trí tò mò và hình ảnh hiền lành của một số học sinh tôi từng dạy lúc mới tập tểnh vào nghề thúc đẩy tôi đi tìm lại họ, xem họ sinh sống và thay đổi ra làm sao .
Năm 96 trở lại miền Bắc, tôi đã không gặp được Võ văn Thành dù có ý hỏi thăm. Có lẽ anh đã chết hay sống lảng quên ở một nơi hẻo lánh, xa xôi nào đó. Nhưng tôi đã gặp lại được một số học sinh cũ mà nay có người tóc đã trắng hơn tôi vì tuổi tác của họ chẳng thua tôi bao nhiêu. Lúc gặp gở có người ôm chầm lấy tôi nức nở : " Anh không thể biết hết nỗi khổ của bọn em. Còn sống sót tới ngày nay để gặp được anh lại, đó là điều thật may mắn." Tôi hiểu họ không muốn nói đến cái gian khổ vì chiến tranh, vì bom đạn, vì thiếu thốn nhưng nói về những nỗi lo âu do thành phần xã hội của họ. Cha mẹ họ hầu hết đều bị đấu tố, chết đói, chết rét ở những trại tập trung, ở những nông trường lao động... Họ còn sống sót là vì chiến tranh, đảng và chiến trường còn cần đến sức lao động và chút trí thức văn hóa của họ. Chị C.L. con của một công chức làm việc ở Đà-lạt trước 45, một nữ sinh ở trường Couvent des oiseaux nay trở thành một bà già móm mém, cằn cỗi vì gia đình bị đấu. Sống trong thiếu thốn triền miên, từ 50 tuổi hầu như không giữ lại được chiếc răng nào. Có anh cho biết nhờ nói được chút ít tiếng Pháp nên đã được cử làm chuyên viên viện trợ kỹ thuật cho một số nước ở châu Phi như Congo hay Algeria. Lương mỗi tháng được 600 đô-la thì bị nhà nước tước mất hết 500. Tuy ít oi nhưng còn hơn ở nhà, lương chỉ có 30 đến 40 đô. Anh T.C. một bác sĩ ở Hà-nội, tâm sự với tôi cái may mắn của anh. Gia đình bị đấu tố một cách dã man, cha bị đốt, bị dìm nước chết đi. Năm 54, sau hiệp định Genève, nhờ lúc công an chỉa mùi dùi vào những kẻ tìm cách đi Nam, anh trốn được ra Hà- nội, khai gian lý lịch thi vào trường y rồi trở thành bác-sĩ. Lúc ra trường lý lịch bị lộ nên anh đã mất hộ khẩu ở Hà-nội, bị đày lên một bộ lạc thiểu số ở Cao bằng. Vào những năm Mỹ ném bom gay gắt, Hà nội cần bác sĩ, anh được điều động về và thoát được cái cảnh giam lỏng nơi thâm sơn cùng cốc. Anh cho biết thêm nhiều người bạn đồng cảnh ngộ của anh không may mắn như anh, hiện còn ở trên các bản làng Trường sơn hay thượng du Bắc Việt. Tiếng là bác sĩ nhưng thiếu thốn đủ mọi thứ, không dụng cụ, không thuốc men, không phương tiện, không ra khỏi được khu vực cầm cố, họ dần dà trở thành những người thiểu số, sống gian khổ và bị lảng quên giữa núi rừng .
Nghe anh C. kể chuyện tôi liên tưởng đến bài tham luận về giáo dục của giáo sư Ngô Gia Hy đăng trên báo Saigon Giải phóng, trước kỳ đại hội Đảng năm 1996. Chắc các bạn còn nhớ đến bác sĩ Hy, từng là giáo sư khoa trưởng trường Đại học Ykhoa Saigon. Sau tháng 4-1975 bác sĩ Hy ở lại Saigon, tiếp tục giảng dạy ở trường Y. Trong bản tham luận tôi nhớ bác sĩ đã đề cập đến nhiều mâu thuẩn trong chế độ giáo dục ở Việt Nam hiện tại .
Thứ nhất là lương cha mẹ mỗi tháng chỉ có 5,6 trăm ngàn đồng mà phải trả hơn cả 4 trăm ngàn cho con đi học thêm và xây dựng nhà trường dù đứa trẻ mới học lớp Một. Thử hỏi sau khi trả tiền học, cha mẹ còn gì để ăn? Trường hợp mâu thuẩn khác là nạn đào tạo chuyên viên mà không sử dụng vì chế độ hộ khẩu. Rời khỏi Saigon hay Hà nội là bị cắt hộ khẩu ngay. Nhưng chẳng ai muốn rời khỏi Saigon hay Hà-nội vì tương lai con cái, vì cuộc sống bên ngoài thị thành quá bấp bênh và gian khổ. — Saigon cũng như ở Hà nội số bác sĩ ra trường nhưng không được cấp bằng, phải đi làm chui, làm dạo theo những người hiểu biết, lên đến trên hai nghìn (2000), trong khi đó thì ở nông thôn thiếu bác sĩ trầm trọng. Tiếng là giáo dục phổ cập nhưng học sinh từ vở lòng cho đến hết bậc trung học đã phải tốn kém rất nhiều, số học sinh bỏ học càng ngày càng đông vì không đủ tiền. — bậc đại học cũng thế. Tốt nghiệp xong ít khi có được công việc đúng khả năng, có công việc nào đó thì tiền lương quá ít ỏi. Cái mong ước lớn lao của đa số sinh viên là được một công ty ngoại quốc thu nhận. Nhưng may mắn thật mong manh mà thi vào đại học và chọn được đúng ngành nghề hay tốt nghiệp đâu có dễ dàng ! - Phải trải qua trăm ngàn cửa quyền .
Người ta thường bảo sự thành hay bại của một ngành giáo dục là do ở giáo chức. Điều này đúng nhưng ở nước ta thì chỉ đúng phần nào vì giáo chức không lãnh đạo giáo dục mà đảng lãnh đạo với những tổ chức đầy quyền lực này nọ của đảng bên trong nhà trường. Số giáo chức có thực tài, có thiện chí ở trong nước không ít nhưng tài của họ không được phát triển, chí của họ không được nghe. Khi ở Hà nội tôi có gặp một vài người bạn cũ cùng đi dạy với nhau ngày xưa. Anh H.T một người tương đối có vai vế trong giáo dục, thế mà đã bảo với tôi :-"Trong giáo dục nhiều chuyện kỳ lắm, nhưng làm sao mà thay đổi. Nơi này bảo thế này nơi kia bảo thế khác. Cháu tôi xin vào trường điểm mẫu giáo mà phải vận động biết bao nhiêu người". Anh H.L. một người đã có nhiều đóng góp trong lãnh vực Hán Nôm, bi quan hơn : "Tôi mong hai bữa xong rồi dồn tâm lực vào công cuộc nghiên cứu, không muốn để ý gì đến những chuyện khác." Vì đảng lãnh đạo nên trong nhà trường luôn luôn có sự đối chọi giữa chi bộ trường và ban giám hiệu, giữa giáo chức và học sinh, giữa các phe nhóm .... Nhóm nào cũng muốn bảo vệ quyền và lợi của mình. Tôi nhớ đến chuyện kình chống giữa ban ngoại văn và ban khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Saigon vào quãng năm 78-79. Ban khoa học cần giáo sư sinh ngữ muốn nhờ đến ban ngoại văn. Ban ngoại văn nhất định cấm giáo sư ban mình dạy cho ban khoa học. Tự ái bị va chạm ban khoa học dự trù đặt kế họach đào tạo giáo sư ngoại văn để tự túc dù tốn kém và mất thời gian. Thay vì phục vụ cho giáo sư và sinh viên để giảng dạy và học tập tốt thì đảng buộc giáo chức và học sinh phải phục vụ ngay cho mình dưới hình thức này hay hình thức khác. Học sinh, sinh viên phải mất thì giờ, sức lực để tỏ ra trung thành với đảng, với đoàn, học tập những triết thuyết đã không còn thích hợp với thời đại, cốt để bảo vệ sinh mệnh chính trị của mình. Nhận xét về giáo dục tại nước nhà hiện tại tiến sĩ N.Đ.T. ở Sacramento, California có viết trong một bức thư : "Hệ thống giáo dục Đại học tại Việt nam cần phải được tổ chức về tất cả mọi mặt, từ chương trình, lương bổng, quyền lợi của giáo chức (cán bộ giảng dạy! ) đến các tổ chức phục vụ sinh viên. " Mượn ý trên tôi xin thêm là giáo dục hiện tại ở nước nhà cần đặt lại mục tiêu : "giáo dục phải phục vụ cho đất nước chứ không thể phục vụ cho đảng hay chủ nghĩa". Vì nhằm đào tạo người học sinh trung thành với đảng nên con người mà đảng muốn vun "trồng" hơn năm mươi năm nay chẳng ra hình ra dáng gì cả. Mà làm sao tốt tươi và ra hình dáng được khi trong lòng mỗi một học sinh, mỗi sinh viên, mỗi giáo chức nuôi một mối nghi ngờ về chế độ giáo dục mình đang tiếp thu hay quảng bá .
Lang thang mấy ngày ở Hà nội tôi cảm thấy có lỗi nếu không đến thăm Văn miếu, không phải để lạy cụ Khổng nhưng để lạy các vị tiến sĩ đã lưu danh với lịch sử và trên bia đá. Tôi tần ngần đứng chiêm bái trước chân dung của các cụ Nguyễn Trãi, Lương thế Vinh... Hai hàng 82 tấm bia đá nhắc nhở lại một quá trình giáo dục dài lâu và xa xưa. Đọc cái ý trên tấm bia đầu tiên, khoa 1442: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài ", lòng tôi bâng khuâng vô vàn. Bia khoa 1446 còn thêm "Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn....Phải có đào tạo mới có nhân tài."
Đào tạo như hiện nay thì bao giờ mới có thực nhân tài ! Xin đừng "tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa", đừng vì đảng nữa mà xin hãy phát huy thích hợp cái truyền thống giáo dục tốt đẹp tiền nhân đã vạch ra để đất nước có thể đi đến một tương lai sáng sủa hơn !
San Diego, Hè 2000
Hoàng Nguyễn
Bị chú :
1- Người Nghệ an thường đùa về cách phát âm của người Nghi Lộc. Sau đây là câu nói đùa thường nghe : "Ăn ca co đuôi hay ăn ca co cuông? " Cá và cà đều phát âm là "ca " . "Ca co đuôi" là cá; "ca co cuông (cuống) " là cà .
2- Trích trong thư nói về giáo dục tại Việt nam ngày nay gửi cho một người ở Sacramento . Kính mong giáo sư tiến sĩ N.D.T. cho phép được trích.