Đi máy bay, với nụ cười và cái thẻ của Vietnamairlines, tôi thường xin cô nhân viên quầy vé sắp xếp chỗ ngồi nhìn ra cửa sổ. Trước khi hạ cánh phi trường Nội Bài, Hà Nội dưới mắt tôi, những cánh đồng mùa xuân mạ xanh mơn mởn, xa xa Sóc Sơn mây mù bay bay. Sài Gòn, đại đô thị mênh mông đến tận chân trời nhưng sắc màu đa dạng với những mái ngói, mái tôn, cao ốc san sát điểm xuyết có dòng sông uốn lượn. Huế là hình ảnh những cồn cát trắng xóa trên đó nhấp nhô những ngôi mộ trông như những chiếc nón lật ngược, cồn cát chạy ven biển và đầm phá với hai màu nổi bật xanh-trắng. Đà Nẵng hiện ra khi máy bay vòng từ phía nam lên để hạ cánh với toàn cảnh núi non màu lam-sông xanh-đồng lúa chín vàng, mái ngói đỏ và đại dương nghìn trùng xanh thẳm, trên đó vòng cung Trường Sơn phía Tây với bán đảo Sơn Chà vươn ra tận biển.
Tôi đến Đà Nẵng lần đầu tiên mùa hè năm 1965. Bấy giờ là đô thị thời chiến với nhiều binh chủng: Thủy quân lục chiến Mỹ bên kia sông Hàn dọc bờ biển, lính Nam Hàn từ Hà Mi, Điện Ngọc quay về, biệt kích rằn ri miền Nam VN từ căn cứ Thượng Đức, Quảng Nam xuống phố…
Thành phố có vùng nội thị với hướng đông là những con đường song song hay thẳng góc với sông Hàn. Thuở ấy, Đà Nẵng chỉ có cây cầu Trình Minh Thế bắt qua sông. Người dân, học trò đi phà sang sông. Sông không rộng lắm nên phà nhỏ qua nhanh, chưa hết điếu thuốc thì đã sang bờ, không đến nỗi miên man diệu vợi, qua sông lụy phà như Bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ hay Vàm Cống. Bên kia sông là những làng chài, rừng dương, cồn cát chạy dài từ chân bán đảo Sơn Chà đến Cửa Đại, Hội An. Địa lý học gọi là tombolo. Một phần dải đất cát nầy là quận Ba, dân gian gọi đùa là q. Ba. Vần tiếng Việt ngày trước, chữ q đọc là cu.
Hướng Bắc thị xã nhìn ra Vịnh Đà Nẵng hay còn gọi là Vũng Thùng, nay có công ty đang san lấp một phần để biến thành đô thị. Thành phố đất rộng mênh mông đặc biệt phía Tây và phía Nam, phía Bắc là vịnh biển xanh màu ngọc bích đẹp như thế, hà cớ gì phải quai đê lấn biển như thuở đồng chiêm Kim Sơn-Tiền Hải.
Vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Chà là nơi liên quân Pháp-Tây Ban Nha mở đầu việc đánh chiếm VN năm 1858. “Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây đã đến Vũng Thùng hôm qua”. Sau mười tám tháng tiến thoái lưỡng nan giằng co với quân và dân Việt, lại bị thời tiết, dịch bệnh phong tỏa nên liên quân theo gió mùa Đông Bắc chuyển hướng vào Nam, đánh chiếm các tỉnh miền Đông/1862, miền Tây/1867… Ngày nay, di tích còn lại của trận chiến bi thương mà hào hùng ấy là một đoạn thành Điện Hải bằng gạch vồ bên hào sâu trong khuôn viên trường Blaise Pascal cũ, nằm chênh chếch sau lưng Tòa nhà Hành Chánh thành phố có hình từa tựa trái bắp. Dấu binh lửa còn lưu lại tại khu mộ tập thể/ossuaire của lính viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha dưới chân bán đảo Sơn Chà. Người Đà Nẵng cố cựu gọi là nghĩa trang Y Pha Nho. Về phía Việt Nam, sau nhiều lần di dời, nơi quy tập hài cốt những chiến sĩ trận vong thuở ấy, nay là Nghĩa Trũng Khuê Trung ở Hòa Vang.
Vịnh Đà Nẵng có bãi biển Nam Ô là nơi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ ngày 8/3/1965, hết ngày chọn hay sao mà lấy ngày Phụ Nữ để… đổ bộ, lần biểu dương nầy đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam. Bây giờ là khu du lịch Xuân Thiều, có nhà hàng nhìn ra biển mang tên Red Beach Two vốn là mật hiệu/nickname của bãi cát lịch sử Nam Ô. Tương truyền Red Beach One là mật hiệu bãi đổ bộ Normandy Ngày dài nhất/The Longest Day/6/6/1944. Nam Ô có hai thế mạnh: cá mắm và sản xuất pháo như Bình Đà ngoài Bắc. Pháo nay đã xa rồi, làng nghề năm xưa đang gắng gượng sống còn với nghề đi biển và chế biến hải sản.
Trước năm 1975, nghĩa trang lớn nhất thành phố Đà Nẵng là Nam Ô, nay người chết cũng phải ra đi, nhường chỗ cho những khu công nghiệp. Vùng cát trắng Nam Ô có con sông Cu Đê nổi tiếng, thượng nguồn từ Trường Sơn chảy ra Vũng Thùng, nước trắng xóa dưới chân cầu Nam Ô. Thuở nội chiến Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, vùng sông Cu Đê phía Nam Hải Vân là chiến trường ác liệt. Chính tại đây, Đông cung Nguyễn Phúc Dương bị Nguyễn Nhạc bắt đưa về Hội An làm bình phong cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Từ sông Cu Đê theo đường thượng đạo là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Cơ Tu, đi vòng phía sau Bạch Mã …
Trước năm 1975, miền thùy dương cát trắng nầy là quận Nhì tương đương với hai quận Liên Chiểu, Thanh Khê ngày nay, là vùng đất mở ra từ nam Hải Vân với những khu công kỹ nghệ nối tiếp. Thành phố, các khu dân cư phình ra phía Tây Nam chập chùng đồi núi, vùng khai thác mỏ đá, nghĩa địa… Trước đại dịch Covid-19 lần 2 vài hôm, đi viếng người bạn qua đời. Nhà anh nằm sâu sau lưng bến xe Đà Nẵng, nhìn ra vùng đất mới, hỏi thăm người con trai… Cháu trả lời, cách đây vài năm, đây còn là vùng khai thác đá xây dựng.
Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Văn Gia, già làng Thanh Khê… thảo lư, cảm khái: ”Quê tôi/ giờ lạ hoắc/ Người xứ khác ở quanh/ Họ sắm nhà/ mua đất/ Như mua… quả ớt xanh. Tôi quanh quẩn quê mình/ Cho đến khi tóc bạc/ Nghe giọng lạ thất kinh/ Cứ ngỡ mình đi lạc”. (Nắng gió quê nhà)
Phía nam nội thị là quận Cẩm Lệ, nối tiếp huyện Hòa Vang với những địa danh nổi tiếng như Trung Lương, Cồn Dầu…nay là khu đô thị mới Hòa Xuân, tiếp giáp tỉnh Quảng Nam.
Hướng đông, từ bán đảo Sơn Chà xuôi Non Nước-Ngũ Hành Sơn đến Hội An qua hai con đường: đường ven biển mới mở rộng cách đây khoảng 20 năm nay, dân lái xe du lịch chuyên nghiệp gọi là đường APEC, để phục vụ cho Hội Nghị Châu Á Thái Bình Dương năm 2017 và đường tỉnh lộ truyền thống. Theo chân nhà văn Võ Phiến từ Đà Nẵng vào Hội An cách đây hơn nửa thế kỷ qua: “Con đường từ Đà Nẵng đi Hội An, vừa ra khỏi thành phố một cái là phủ rợp bóng tre. Tre hai bên đường xanh tốt giao đầu lại với nhau làm thành một vòng cung, một cái hầm xanh rập rờn linh động mát rượi che kín mặt đường… Bởi vậy, đoạn đường từ Đà Nẵng về Hội An sẽ làm người ta quên hết những tên Tây kỳ cục của nó (như Tourane, Faifo, chú thích củangười viết), mà chỉ gợi nhớ đến cu gáy với bướm vàng trong ca dao, đến “con đường thơm”… Võ Phiến. Hội An. Tùy Bút”. Văn Nghệ. 1993.
Những ngày giáp Tết trước đây, con đường thơm của Võ Phiến rợp sắc vàng hoàng mai như đường Phấn thông vàng từ con sông đào An Cựu lên Đàn Nam Giao ở Huế hay những con đường nhỏ dọc bờ kênh miền Nam, nhất là ở Cái Bè, Vĩnh Long… Mai vàng ngẩn ngơ từ đầu kênh đến cuối ngõ.
Bây giờ đường xưa lối cũ có sáu làn xe chạy miên man mà nắng chang chang. Thỉnh thoảng, tôi đi xe buýt màu vàng từ Hội An về Đà Nẵng qua con đường nầy.
Như bao thành phố trên đất nước nầy, Đà Nẵng không thoát vòng tục lụy biến dịch quay cuồng: đất đai-đầu cơ-giải tỏa-xây dựng từ khoảng 25 năm trở lại đây, thậm chí còn là trường hợp điển hình, tiêu biểu. Chu kì nầy có phần khựng lại gần đây vì đại dịch. Truyền thông chính thống khẳng định 2 nguồn thu chính yếu của các địa phương trên cả nước là đất đai và xổ số. Đất đai thì kẻ giàu và quyền lực ngày càng giàu thêm, đất đai có giới hạn, chính quyền gọi là quỹ đất, bán hoài cũng hết; xổ số thì anh nghèo càng lúc càng thua thêm, chỉ còn lại… giấc mơ.
Ngược dòng lịch sử, 12 năm sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, năm 1570, Trịnh Kiểm giao thêm cho ông việc cai quản đất Quảng Nam với số thuế phải nộp hàng năm là 400 lạng bạc và 500 súc tơ lụa. (Lê Thành Khôi. Histoire du Viet Nam, des origines à 1858. p.255. Sudestasie. Paris.1992). Từ đó, Chúa ở Phú Xuân, thế tử ở xứ Quảng. Nguyễn Hoàng củng cố Đàng Trong nhưng tâm tư vẫn hướng về Thăng Long văn vật. Phải mất 30 năm sau khi giấc mộng mưu bá đồ vương bất thành trên đất Thăng Long, lại chịu hết nỗi bọn nho sĩ Bắc Hà lý luận, Nguyễn Hoàng mượn cớ đi dẹp giặc chống họ Trịnh ở cửa Đại An/Nam Định rồi theo đường biển về Thuận Hóa. Giã từ vĩnh viễn châu thổ sông Hồng, Nguyễn Hoàng tích trữ và củng cố quân lương, vượt Hải Vân, hướng về phương Nam. Đà Nẵng, trong vòng tay Quảng Nam và Đàng Trong, trở thành vị trí tiền tiêu nhìn xuyên suốt phía Nam đến tận vịnh Thái Lan.
Là một phần của Quảng Nam. Đà Nẵng lâm đại dịch thì Quảng Nam…cách ly. Nhà văn Phan Xuân Sinh nhận xét chí lí: “Chớ dại mà đụng chạm anh Đà Nẵng trước mặt ông Quảng Nam, cãi cho tới cùng”.
Theo dòng, khi cửa sông Thu Bồn bị cát bồi lấp, từ đó Đại Chiêm cửa khẩu nhường vị trí thương cảng cho Đà Nẵng. Thành phố là miền đất tụ hội, khai phóng, là đất mở, vươn lên miền thượng du Tí, Sé, Dùi Chiêng… hướng về đại dương gió muôn phương lồng lộng. Theo gió mùa, thương thuyền ghé bến buôn bán, trao đổi sản vật. Giáo sĩ đến truyền đạo. Chữ quốc ngữ ra đời. Tương truyền, cố đạo dòng tên người Bồ Đào Nha Francisco de Pina, ông thầy tiếng Việt của linh mục Đắc Lộ Alexandre de Rhodes chết đuối ở vịnh Đà Nẵng khi cố cứu khách thương trên một con tàu đắm ở vịnh. Cuối thế kỷ thứ 17, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng tương tự Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, hai thế kỷ sau khi người Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam.
Đà Nẵng là thành phố nhượng địa/concession française như Hải Phòng thời Pháp Thuộc, đô thị thời chiến trong chiến tranh Việt Nam, thị xã buồn hiu sau 1975. Thời buổi ấy, đất tụ bỗng thành đất tán. Ai cũng muốn bỏ xứ mà đi, vào Sài Gòn, lên cao nguyên, vượt biên. Khi đất nước mở cửa, thành phố bên sông Hàn mới tỉnh giấc chiêm bao. Đà Nẵng như một công trường xây dựng hoạt động ngày đêm. Có lúc Đà Nẵng mơ thành Tân Gia Ba/Singapour. Và ai đó muốn biến thành… Lý Quang Diệu. Ôi! Mảnh đất lắm người nhiều ma, tựa đề một cuốn tiểu thuyết thời văn chương cởi trói, là để dễ hình dung thành phố cảng trong cuồng phong đổi thay. Chỉ một nhúm quan chức-thân thuộc thủ lợi từ những cơ hội ấy. Người dân vẫn không khấm khá gì hơn dù ngôn ngữ hiệu triệu nghe ra có phần đường mật. Giới trung lưu thì đi chỗ khác chơi hay co lại như miếng da lừa.
Trong thế sự đổi thay, người Đà Nẵng đi xa đã lâu, ký ức có lẽ chỉ quanh quẩn nơi vùng trung tâm, giới hạn phía tây là Ngã Ba Huế, phía bắc vịnh Đà Nẵng với Nam Ô và biển Thanh Bình, phía nam quá Chợ Mới, quanh co thêm một chút đến trường trung học Hòa Vang, nhà máy dệt Sicovina hoạt động từ 1962, nay mang tên Hòa Thọ, đi thêm chừng 1km dừng lại QL1, nhìn sang bên kia dốc Hòa Cầm, đi Hòa Vang, Đại Lộc, phía đông là Sơn Chà-Mỹ Khê-Non Nước.
Từ ngày 27/7/2020, Đà Nẵng giãn cách xã hội lần 2, người dân chỉ ra đường khi cần thiết (!), smartphone cài đặt Bluezone để dễ truy tìm dịch bệnh, chính quyền phát phiếu cho dân đi chợ theo ngày, người lớn tuổi/senior được khuyến cáo ở nhà cho nó lành… Buồn quá, rồi cũng chạy xe máy thăm bạn già, loanh quanh phố phường đô thị thời dịch bệnh.
Con đường đẹp nhất thuở ấy và bây giờ có lẽ là đường Bạch Đằng song song sông Hàn. Trên đất nước thân yêu nầy, những con đường dọc bờ sông đều đẹp và tình, nhất là những con đường hai bên bờ sông Hương. Tòa Thị Chính Đà Nẵng trước đây màu vôi vàng nhạt, kiến trúc Art-déco, có cây cầu nhỏ đưa ra sông một đoạn. Ngày tết hoa lá quanh đây, bà con tha hồ ra chụp ảnh selfie, tiếng Việt diễn nghĩa là… tự sướng! Khi Đà Nẵng có Trung Tâm Hành Chánh mới thì tòa nhà này ngủ đông. Nghe nói, đang có kế hoạch đánh thức cả hai tòa nhà vốn rất đẹp, kể cả kiến trúc bên cạnh để biến thành bảo tàng.
Cạnh đó, ngày trước là Trung Tâm Văn Hóa Pháp/C.C.F . Những bậc cấp dưới bóng cây nay đưa lên Thư Viện Tổng Hợp thành phố. Hoàng tử bé lui vào hậu trường, nhường mặt tiền cho Thép đã tôi thế đấy. Đề huề. Không gian bên ngoài thư viện có quán cà phê ngoài trời trên những bậc thềm cao cao nhìn ra dòng sông, trông rất tình và lãng mạn. Sách, cà phê, bóng cây xõa tóc bên bóng ai và dòng sông lững lờ. “Dường như đứa trẻ nghìn năm trước/Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta”. Nguyễn Bắc Sơn.
Đi thêm một đoạn, nhìn ra sông là nhà hàng Memory khai trương cách đây khoảng mươi năm. Ký ức chẳng gợi cho tôi một sợi sắc không nào. Chỉ nhớ bến phà ngày đó, những lần dắt xe đạp lên phà qua sông đèo vợ con đi tắm biển Mỹ Khê.
Trên đoạn đường nầy vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi nhà, biệt thự đẹp, thường là kiến trúc thuộc địa. Gần giao lộ Bạch Đằng-Phan Đình Phùng là một kiến trúc đẹp nhìn ra sông, cây xanh, bãi cỏ chung quanh nhưng quanh năm cửa khóa then cài. Trước 1975 là trụ sở ngân hàng, nay hình như là cơ quan công quyền.
Bên kia đường Phan Đình Phùng, chiếm đến bốn mặt tiền là một khu vực biệt lập, ngày trước, hướng đường Độc Lập/Trần Phú là nhà bạn tôi, BQ. Phía sau, nhìn ra đường Bạch Đằng, gia đình anh cho Mỹ thuê sửa sang thành Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng, gọi là Bạch Tượng. Ngày tháng sau 1975, Lãnh Sự quán biến thành Tòa nhà Tội Ác Đế Quốc Mỹ với kẽm gai, bao cát… đi ngang thấy ghê ghê. Bây giờ là khu trung tâm thương mãi và condo đắt nhất Đà Nẵng. Bạn tôi, BQ, lưu lạc Hoa Kỳ, tốt nghiệp Đại Học Berkeley, nay giã từ cõi mộng điêu linh về ẩn cư Phú Lộc, chiều chiều ra bãi biển Nam Ô nhìn trời mây non nước. Anh người dưng mà xuất xử hơn cả thiền sư. Xin ngả mũ.
Tôi đang đi phía sau chợ Hàn, hướng nhìn ra dòng sông. Khách du lịch Hàn và Hoa rất mê chợ Hàn. Trước dịch Covid-19, có người nói hơn 80% giao dịch thương mãi tại đây thực hiện với khách du lịch, khiến người địa phương né chợ vì giá cao. Như chợ Bến Thành, Sài Gòn mùa vắng những cơn mưa. Đoạn đường nầy về đêm nhộn nhịp vui vẻ với những quán nước dừa ngồi chen vai thích cánh, bar cho Tây ba lô, hoạt cảnh như mấy quán trà chanh san sát của giới trẻ Hà Nội bên góc sân Nhà Thờ Thánh Giuse.
Cuối đường là Cầu Rồng, đầu rồng nhìn ra biển Đông, đuôi hướng về Trường Sơn. Người Đà Nẵng tự hào về con rồng vàng vươn mình trên dòng sông, cuối tuần khạc lửa mấy phát cho vui, khói lửa mù trời. Riêng tôi thấy cây cầu dây văng nằm song song phía Nam thay thế cầu sắt lần lượt mang tên De Lattre de Tassigny, Trình Minh Thế, Trần Thị Lý đẹp hơn, trông như cánh buồm căng gió. Buổi sáng, dưới chân Cầu Rồng, từ Bảo Tàng Chăm nhìn ra bờ sông là quang cảnh rất lành mạnh quý cô tập thể dục buổi sáng, có âm nhạc phụ họa.
Năm 2015, Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm mừng 100 năm thành lập (1915-2015). Nguyên đây là công viên Tourane, tên cũ thành phố nhượng địa Đà Nẵng. Từ những cuộc khai quật khảo cổ của trường Viễn Đông Bác Cổ khắp miền Trung, tượng điêu khắc, bi kí, phù điêu trang trí… Chăm tập trung về đây nhiều quá khiến Trường Viễn Đông Bác Cổ/EFEO, Khâm sứ Trung Kỳ, Hội Đồng Hành Chánh Quảng Nam-Tourane và đặc biệt kiến trúc sư-nhà khảo cổ Henry Parmentier vận động xây dựng một bảo tàng dành cho điêu khắc Chăm trên giồng đất nhìn ra sông Hàn. Bảo tàng đầy đủ và bài bản nhất về nghệ thuật của một vương quốc mà cương vực địa lý kéo dài từ sông Gianh đến tận Phan Rang thêm một phần Cao nguyên Nam Trung Phần. Qua bao dâu biển, Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm có lẽ vẫn là kiến trúc đẹp và hài hòa nhất với cảnh quan thành phố bên sông. Người dân Đà Nẵng trước đây thường gọi Cổ Viện Chàm, hay Viện Cổ Chàm. Bây giờ, mấy ai còn nhớ, trừ mấy anh phụ xe buýt màu vàng, chuyến Hội An-Đà Nẵng và ngược lại. Đi xe buýt từ Hội An ra Đà Nẵng, đến gần cuối đường Tiểu La, anh phụ xe sẽ nhắc nhở: bà con cô bác, ai xuống Viện Cổ Chàm. Chuẩn bị. Viện Cổ Chàm, ba chữ ngắn ngủi mà bồng bềnh một trời thương nhớ Đà Nẵng-Tourane-Ia Praung/tên nguyên thủy Chăm của Đà Nẵng có nghĩa là sông lớn (Lê Trung Hoa. Địa danh học Việt Nam. NXB. KHXH. 2006).
Từ Viện Cổ Chàm, nhìn sang bên kia đường Trưng Nữ Vương là ngân hàng Shinhan, HSBC, khách sạn. Nguyên trước đây là trường Trung học Sao Mai, trường mất tên từ 1975, về sau đổi thành trường Trần Phú. Ông tổng bí thư đầu tiên của ĐCSĐD rồi cũng ra đi nhường chỗ cho ông ngân hàng, khách sạn thời buổi kim tiền. Xóa sổ trường học để biến thành nơi kinh doanh là dấu hiệu suy vong của đất nước.
Từ Viện Cổ Chàm, theo đường Trưng Nữ Vương lên Chợ Mới. Dọc đường đi ngang trường Thọ Nhơn dành cho con em người Hoa trước đây, nay là trường cấp 2 Trần Hưng Đạo. Bạn tôi, HLT là phó ban điều hành trường sau 1975. Anh chẳng tranh đấu nằm vùng cũng không cách mạng, đơn giản chỉ là người Hoa như nhà thơ Hồ Dzếnh, anh tốt nghiệp Đại học Sư Phạm ban Pháp văn. Giáng Sinh đầu tiên sau ngày đất nước sang trang, anh và tôi tháp tùng hai nhan sắc lang thang Đà Nẵng đêm Bình an cho người dưới thế. Ngang trường cũ, nhớ bạn hiền phương xa.
Tôi nhớ Chợ Mới hay chợ Hòa Thuận ngày trước có nhà may Cao rất nổi tiếng. Bao nhiêu năm rồi không ghé hiệu may kể từ ngày đến anh M. Thông gần chợ Hàn may bộ costume nhân đám cưới con trai. Anh Mai Cồ vừa lấy số đo vừa giảng cho tôi về chính nhân quân tử trong thời đại ngày nay. Anh là một khuôn mặt rất điển hình nơi thành phố bên sông Hàn. RIP anh M.Thông.
Ở xứ tôi, thợ may giảng về đạo làm người. Thế gian ai cũng là bác sĩ và dược sĩ. Đi khám bệnh, phòng mạch tư cũng như bệnh viện công, bác sĩ rất kiệm lời, ghi toa cực nhanh và chữ nghĩa mê hồn trận, nhiều vị… tịnh khẩu luôn nhưng bà con cô bác thì bình luận về bệnh tật rôm rả, không chê vào đâu được. Đi họp mặt bạn bè, kị giỗ, khúc dạo đầu thường xoay quanh chủ đề bệnh tật, nhiều khi cứ tưởng như dự… hội thảo y học. Cho nên, tôi vừa sợ đi bệnh viện như bất cứ ai trên cõi đời nầy, nhất là mùa dịch bệnh vì có thể sẽ bị cách ly luôn, mà cũng sợ họp mặt senior. Tôi thích lang thang cà phê hơn.
Từ đô thị thời chiến sang thời đại dịch, giãn cách xã hội rồi cũng sẽ qua đi. Tôi lại lạc quan đi tắm biển Mỹ Khê, đi cà phê. Trước 1975, ghé Cà phê Star, Lộng Ngọc… góc đường Độc Lập, Phan Đình Phùng, ngồi uống cà phê nghe Trả lại em yêu…, túi tiền sinh viên thời đó và cả bây giờ hơi hẻo dù quán đẹp, caissière xinh, cà phê ngon, nhạc hay, không khí có vẻ snob, tôi thích cà phê lề đường hơn như cà phê Thanh Hương ở đường Độc Lập, cà phê Thông Tin nhìn bâng quơ ra chợ Vườn Hoa. Chợ Vườn Hoa là một dãy kiosques bán hàng hóa linh tinh hướng ra công viên, cánh phụ nữ thường đến mua sắm, hoạt cảnh buổi sáng chủ nhật vui mắt nhộn nhịp sinh động như bản nhạc Beautiful Sunday thịnh hành bấy giờ. Rất tiếc, những người buôn bán nhỏ hết đất sống, nhường chỗ cho những tập đoàn, những ông trùm. Khuôn viên chợ Vườn Hoa bây giờ là một công trường xây dựng dở dang, kéo dài mươi năm nay.
Tuy không phải là vùng đất trồng cà phê, từ thuở còn đi học rồi lang thang qua bao bến bờ, tôi nghiệm thấy, có lẽ hơi chủ quan nhưng không có tính cách sô vanh, địa phương, cà phê Đà Nẵng ngon, vừa túi tiền, không khí quán xá, phục vụ dễ thương. Một tách espresso hay cà phê đen VN đậm vị, gu robusta, đĩa sứ lót bên dưới kèm một stick brown sugar, giá phổ biến từ 12.000 đến 15.000 đồng. Ở Hội An, 40.000. Sài Gòn, chuỗi cà phê Phúc Long là 25.000, Hà Nội, Sapa giá gấp đôi Phúc Long, Starbucks là 100.000. Chất lượng gần như tương đương, dĩ nhiên Starbucks ngon hơn. Chất lượng song hành giá cả mà Tây gọi là rapport qualité-prix. Cho đến bây giờ, tôi chưa dám phiêu lưu vào các chuỗi cà phê Cộng hay Út Tịch đã thấy xuất hiện đây đó ở Đà Nẵng, sợ không còn cái lai quần để về nhà. Cà phê tại những quán rất thời thượng mà giá đắt như Trúc Lâm Viên, Madame Lân (!) thì xoàng. Có lẽ, chủ nhân đầu tư cảnh quan, cây xanh, bàn ghế, món ăn hơn là cà phê. Việt Kiều về Đà Nẵng muốn mời bạn bè cà phê, ăn sáng thường được giới thiệu hai địa chỉ nầy.
Bạn vào một quán cà phê Đà Nẵng, nếu gọi cà phê đá, nhân viên sẽ hỏi: Thưa, cà phê đá Đà Nẵng hay Sài Gòn? Câu hỏi nầy chỉ xuất hiện quanh quẩn sông Hàn, vượt Hải Vân ra Huế hay vào đến Điện Bàn thì hết phim, sự khác biệt của hai ly cà phê là ít đá và nhiều đá. Anh Ba Sài Gòn thì thích nhiều đá. Chắc vì nóng quá và thường xuyên kẹt xe!
Từ vịnh Đà Nẵng, vòng qua bùng binh, bây giờ gọi là vòng xuyến (?), theo đường Độc Lập/Trần Phú đến trung tâm thành phố. Đường Độc Lập là một con đường đẹp, nhiều bóng cây. Đi ngang trường xưa đã khép Blaise Pascal nay là Tòa nhà Hành Chánh Đà Nẵng, Trung tâm IT, bãi đổ xe… Nếu sau 1975, bên thắng cuộc chịu khó sửa sang cơ ngơi trường Blaise Pascal biến thành khu đại học thì không gian nầy sẽ đẹp và lãng mạn biết bao. Ngày xưa, trường Blaise Pascal như một khu rừng, trường học trong rừng cây, cỏ cây chen đá lá chen hoa, có thành quách, hào sâu, cầu hẹn hò dưới bóng đa cổ thụ, lối mòn dẫn vào lớp học, phòng thí nghiệm, bậc thang đá đưa lên nhà nguyện, bước xuống sân tập thể dục. Dĩ vãng từng trang từng trang xanh xao theo năm tháng.
Đường Độc Lập rất đẹp với những bờ đá xanh bên trong vệ đường. Ngày trước, từ cổng trường BP đi lên rạp ciné Kinh Đô, con đường thẳng tắp mở ra trước mắt. Vài năm trở lại đây, sở giao thông vận tải thiết kế một cầu chui cắt ngang con đường. Cầu chui chẳng giải quyết bao nhiêu nạn kẹt xe, chỉ phá vỡ sự thông thoáng vốn có của con đường và quy luật phối cảnh chung. Đi cầu chui lại nhớ Hàn Tín luồn trôn.
Ngày trước, trên đường Độc Lập, đối diện doanh trại quân đội là văn phòng Air VietNam, cạnh đó có rạp chiếu bóng Kinh Đô. Nhan sắc NKDP, bạn học cùng lớp ở trường BP là con gái ông chủ rạp. Tôi nhớ nhất quang cảnh ở đây một chiều thu năm 1974. HLT và tôi mua vé xuất chiều xem phim ‘’Điều tra về một công dân ngoài vòng cương tỏa’’/Enque^te sur un citoyen au-dessus de tous les soupçons. Phim Ý. Thể loại hình sự không có cảnh đánh đấm, bắn súng, đối thoại hơi nhiều, tình tiết rối rắm, không khí ngột ngạt. Phim chiếu xong. Đèn bật sáng, khách lục tục ra về. Ngoài kia, trước văn phòng Air VietNam, rất đông người bàng hoàng, khóc lóc tìm đến văn phòng hỏi thăm tin tức chuyến bay 706 bị không tặc trên vòm trời Phan Rang. Chiều thu buồn hoang hoác.
Bây giờ, đi ngang đoạn đường nầy, mấy ai còn nhớ đến một thời vang bóng Kinh Đô. Trong ánh hồi quang năm xưa, còn đọng lại một bóng hình, đôi mắt và những cuốn phim một thời…
Trên đường Độc Lập có hai kiến trúc tôn giáo quan trọng: chùa Long Thơ ẩn mình nơi khu dân cư và nhà thờ Đà Nẵng trong một khuôn viên đẹp. Trước đây, tháp chuông nhà thờ Đà Nẵng cao nhất vùng nội thị, nhớ tiếng chuông nhà thờ rơi từng giọt, từng giọt đêm Giáng Sinh hay Phục Sinh những năm tháng cô liêu. Trước mùa dịch bệnh, nhà thờ Đà Nẵng và thánh thất Cao Đài là những điểm thăm viếng tấp nập của du khách Hàn. Làm tour giá rẻ hay tour 0 đồng (?) cho khách Hàn và Hoa, cứ ghi chương trình thăm viếng chùa chiền, nhà thờ là ổn nhất, khỏi phải mua vé tham quan, lại được đi restroom miễn phí. Quý du khách hoan hỉ !
Chợ Hàn nằm giữa chùa và nhà thờ trên đoạn thẳng chừng cây số. Tuy người Đà Nẵng-Quảng Nam nổi tiếng cãi nhau đến cùng, hơi cố chấp trên nhiều vấn đề, nhìn chung, họ bao dung, thẳng thắn, dễ gần gũi, thật lòng, thân thiện, không xảo ngôn. Tôi có những người bạn QN-ĐN rất tốt. Từ trường học ra trường đời, hơn nửa thế kỷ sống Đà Nẵng, dù có lúc chia xa vài tháng, mấy năm đại học, đi đây đi đó, thấp thoáng thấy biển Thanh Bình, sông Hàn hay xuôi xe đò từ Nam Ô, lòng đã rộn rã… về nhà. Đà Nẵng chân chất dễ mến như khuôn mặt mộc người thiếu nữ có đôi mắt mở to nhìn thẳng vào hồn ai.
Hôm qua, ghé thăm ông bạn Đà Nẵng đã hơn 85 năm gắn bó bến nước Vu Gia và Hàn giang. Hỏi những điều được và chưa được về thành phố. Anh trả lời, bộc trực kiểu Quảng Nam: Đà Nẵng nhà cao cửa rộng bây giờ san sát, vươn ra đến tận bờ sông, bãi biển, nhưng thành phố thiếu một không khí và sinh hoạt văn hóa ngang tầm. Triển lãm tranh, tượng thường mang tính phong trào, sự kiện. Đi một vòng Bảo Tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng thấy nghèo nàn và đơn điệu so với Hà Nội và Sài Gòn. Viện Cổ Chàm hấp dẫn nhưng vắng khách Việt. Nhà trưng bày Hoàng Sa có tác dụng giáo dục mà đìu hiu… Đà Nẵng tuy vậy mà dễ sống. Khẩu hiệu “Thành phố đáng sống” thì chữ nghĩa hoa hòe, đại ngôn, không phải tâm tình người Đà Nẵng.
Đà Nẵng được quy hoạch, chỉnh trang đô thị hơn 25 năm trở lại đây. Thành phố không bị… vướng vào những di tích lịch sử như Huế; thiên nhiên Đà Nẵng với hướng địa thế: biển cả, vịnh, núi non-bán đảo và dòng sông thuận lợi cho quy hoạch, vậy mà cảnh quan thành phố không đẹp như mong ước. Để xây dựng, phát triển một thành phố tân tiến mà vẫn bảo tồn ký ức và bản sắc, thể chế toàn trị, tiền bạc… chưa đủ, cần có tầm nhìn rộng mở trong một bối cảnh minh bạch. Điều nầy quá khó đối với Đà Nẵng và cả nước.
Sáng nay, 9/9/2020, giãn cách xã hội có phần nhẹ nhàng hơn. Tôi gửi xe gần biển, đi bộ một vòng trên bãi cát, nhưng không được tắm. Biển thời cách ly sạch, chỉ thấy những dấu chân trên cát khiến tôi nhớ khí vị một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đức Sơn đọc cách đây đã lâu. Dọc bờ kè, rau muống biển hoa màu tím qua mùa dịch đã phủ kín những bậc cấp. Sóng vỗ chập chùng nhớ những năm tháng đã xa, biển cũng hoang vắng như bây giờ. Biển nhớ.
Như nhiều thành phố trên cả nước, con đường học trò quen thuộc nhất Đà Nẵng là đường Phan Chu Trinh đi ngang trường trung học cùng tên, trường Nam Tiểu Học và bên hông trường Nữ Trung Học Hồng Đức trước đây. Trường Nam Tiểu Học được xây mới thành cơ sở 2 của trường
PCT, trông như một chung cư hay trụ sở ủy ban…hơn là trường học. Giữa hai ngôi trường có lối đi dưới lòng đất nối kết.
Trường PCT cũ mới được sửa sang gần đây. Cổng cũ ngày xưa vẫn còn, tượng bán thân cụ Phan Chu Trinh rất đẹp do điêu khắc gia, thầy giáo Đỗ Toàn thực hiện, tượng bán thân lặng lẽ trước những gốc cổ thụ tỏa bóng sân trường, những hệ thống ô lam che nắng thiết kế trang nhã. Tuy bị mất một phần diện tích nhường chỗ cho đường Nguyễn Hoàng/Hải Phòng nối ra Nguyễn Tri Phương/Nguyễn Chí Thanh, trường PCT vẫn còn đẹp.
Bạn tôi, NVT, thầy giáo toán, tốt nghiệp thủ khoa toán ĐHSP Huế năm 1973, đi Pháp tu nghiệp một năm, về lại trường PCT, nhiệm sở cũ trước tháng 3/1975, tiếp tục dạy học sau đó. Một sáng đẹp trời, ông hiệu trưởng nhìn anh mang giày tây, áo quần tươm tất lên lớp, liền phán: “Anh Th. khi nào cũng đi giày nghiêm túc nhỉ!”. Trả lời:”Thưa ông! Tôi chỉ còn lại đôi giày để đi tạm. Chẳng lẽ tháo giày mang dép lốp. Vậy ai đó đi xe hơi thì đã sao?”. NVT đã qua đời trong một tai nạn xe máy trên đường Đà Nẵng-Hội An. RIP Th.
Từ đường Phan Chu Trinh, đi tiếp lên Ngã Năm, trước mắt là hai khách sạn nổi tiếng trước đây, Phương Đông/Orient và Thái Bình Dương/Pacific, nay bóng ngả về Tây nhìn buồn hiu như cửa hàng thời bao cấp với tem phiếu một thời.
Một trong những con đường chạy theo hướng bắc-nam đặc trưng Đà Nẵng, ít thay đổi qua bao năm tháng, là đường Ông Ích Khiêm từ biển Thanh Bình đến chùa Tỉnh Hội, con đường giao thương buôn bán từ bao đời qua các chợ Thanh Bình, Tam Giác nay không còn nữa và đặc biệt chợ Cồn; ngày trước gần đó có bến xe liên tỉnh. Sau năm 1975, đường ngang ngõ tắt chung quanh chợ Cồn, những quán cà phê cóc, những chiếc dù bạt che nắng mưa dọc đường hay di động là thủ phủ dân chợ trời thuốc tây, đồng hồ… Tôi bươn bả góc chợ trời ấy gần 15 năm, cũng bằng đoạn đường lưu lạc của nàng Kiều. Cả một thời mộng mị bỗng hiển hiện quay về. Cám ơn đời, cám ơn chợ trời và những mảnh ghép đầy sắc màu những năm tháng chẳng thể nào quên.
Đà Nẵng có những con đường ngang vươn từ bờ sông sang hướng Tây như đường Quang Trung, Thống Nhất, Hùng Vương… Nhớ nhất là đường Thống Nhất, tên mới LD, chạy từ cầu quay sông Hàn ra hướng Ngã Ba Huế. Con đường cây cao bóng cả với hàng cây xà cừ, gạo, phượng vĩ… giờ trống hoắc, hàng loạt cây xanh bị đốn bỏ để mở rộng đường sá cách đây chừng 25 năm. Con đường đi ngang trường Nữ Trung Học Hồng Đức, Đà Nẵng một thời nhung nhớ. Quá trường Nữ là dốc Cầu Vồng mà tôi thường đèo con thả dốc rồi hì hục leo lên những năm ’80 hiu hắt của thế kỷ trước. Cầu Vồng được hạ giải và rơi vào quên lãng sau đó.
Ghé bến sông Hàn, đi lại những đường xưa lối cũ mà không sang sông là không phải người Đà Nẵng. Bên kia sông là ánh mặt trời. Này người yêu, người yêu anh ơi. Bên kia sông đường vẫn còn dài. Nhạc Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch. Như đã trình bày, bên kia sông là q. Ba trước đây. Bạn tôi ở Montréal, bỏ Đà Nẵng mà đi biền biệt từ đó, gần đây điện thoại hỏi thăm, nhờ tìm homestay sát biển, phải là biển Mỹ Khê. Với người Đà Nẵng xa xứ, biển Đà Nẵng chỉ có thể là Mỹ Khê. Có lẽ, địa danh nầy quá quen thuộc, bãi biển không xa thành phố, qua phà là đến, không phải thuyền bè cách trở như bãi cát Tiên Sa dưới chân Sơn Chà. Bà con ngư dân lớn tuổi còn giải thích thêm: thời Pháp thuộc, Tây chọn Mỹ Khê làm bãi tắm vì độ sâu thoai thoải, con nước hiền. Dù vậy, đi tắm biển, cần lưu ý điểm giao thời giữa hai mùa, tương ứng với các tháng 3, 4 và 10, 11 hàng năm, thường có hiện tượng sóng lừng/rip current hay lame de fond cuốn bạn ra xa, không thể bơi vào bờ. Mẹo nhỏ cho người biết bơi: đừng hoảng sợ, đợi khoảng lặng, sau đó nương theo con sóng để bơi vào bờ, hướng chênh chếch 45°.
Như mọi người dân Đà Nẵng chính gốc, mỗi khi có mặt chốn nầy, tôi đều lần mò về thăm biển… Đó là biển của cuộc đời tôi. Lưu Vĩ Lân.
Rời biển của cuộc đời, loanh quanh bên kia sông đường vẫn còn dài, bạn sẽ đi qua nhiều địa danh như An Hải, An Cư, chùa An Phước, An Bàng để rẽ về Hội An… Nhiều nỗi niềm mong ước An hòa của người xưa vang vọng từ Đà Nẵng đến Hội An, An cần thiết và gần gũi như gió biển, con cá, bát cơm, dân chủ và các quyền tự do căn bản…
Dọc đường Võ Nguyên Giáp và những đường cắt ngang, ngoài kia là biển cả, bên nầy nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng… dành cho khách du lịch. Người dân địa phương chỉ đi ngang hoặc bước ra bãi tắm công cộng. Sang đường Trường Sa đi vào Hội An, bãi biển thường… trong phạm vi quản lý của các khách sạn, resort vốn dẫm chân ra tận biển. Như bao địa danh du lịch trên thế giới, cuối cùng, dân địa phương bị vét ra vùng ven, nhường đất cát nhà cửa cho những tập đoàn, những ông chủ… Kiến trúc không thay thế con người. Những tháp Eiffel, Bảo Tàng Louvre, Khải Hoàn Môn… ở Hàng Châu, Trung Quốc là đồ giả, trong khi tại Paris, người dân đang sinh sống, làm việc không xa các di tích lịch sử là một phần ký ức Paris. Từ Montréal đi thăm phố cổ Québec ở Canada hai lần năm 2019, tôi có cảm tưởng phố cổ Québec không có dân địa phương sinh sống, chỉ khách sạn, hàng quán và khách du lịch. Có thể đó là một cái nhìn chủ quan, vội vàng nhưng thực lòng. Tôi hỏi vài người Québecois tại chỗ, thấy những lời giải thích không mấy thuyết phục. Phố cổ Hội An thì khác, người dân vẫn sống, buôn bán trong lòng phố cổ dù đất lành chim đậu có người tha phương đến làm ăn, buôn bán. Phố đi bộ về đêm góc Bùi Viện mà tôi thường lưu lại khi vào Sài Gòn nay cũng đã sang tên đổi chủ rất nhiều. Chiếc mề đay mang tên du lịch thường có hai mặt, nhiều khi chỉ thấy mặt kim tiền.
Bạn và tôi vừa đi qua mấy nẻo đường quen thuộc Đà Nẵng thuở ấy, đi xe máy vì người Việt mình bây giờ rất ngại đi bộ, tản bộ trông có vẻ… tội nghiệp! Thú đi bộ, vừa đi vừa ngước nhìn bâng quơ hay cảm nhận vu vơ, đã mai một, chỉ khách tây mới thích lang thang đây đó. Đi bộ trên đất nước Đỉnh cao chói lọi xem ra có vẻ nửa đường đi xuống. Dĩ nhiên, cũng còn người đi bộ dọc bãi biển, bờ sông buổi sáng, buổi tối khi lệnh giãn cách xã hội nhẹ nhàng hơn kể từ hôm nay (11/9/2020), nhưng họ đi là để vận động, tập thể dục.
Nếu bạn đề nghị tôi đưa đến thăm những khu phố mới ở Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hòa Cường, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn… thì chắc chắn tôi phải bấm Google map xem trước vì đó là những khu đô thị mới, đường sá mới mà mình không mấy rành rẽ, hơn nữa cũng đã bắt đầu thấy mỏi gối chồn chân muốn dừng. Người đứng lại. Ngoài kia, dòng sông cứ thế vẫn trôi, sóng nhấp nhô và biển vỗ về.
Tống Văn Thụy 9/2020
Nguồn: Cựu SV 2 Khóa LƯƠNG VĂN CAN (69-73) & HUỲNH THÚC KHÁNG (70-74) – ĐHSP HUẾ