Chủ trương đối xử nghiệt ngã, dã man với tù cải tạo nằm trong chính sách chung của Việt Cộng. Chính sách đó được truyền từ trung ương xuống tận từng trại, khắp mọi miền đất nước. Chúng nhằm trả thù đám quân, cán, chính từng phục vụ trong chế độ miền Nam trước đây. Bọn cai tù, hành hạ những người “tình nguyện” vào tù bằng những thủ đoạn thâm độc, bắt tù cải tạo lao động quá sức nhưng chỉ cho ăn cầm hơi. Mục đích để giết lần giết mòn đám tù mà không phải tốn đạn, lại còn được tiếng với dư luận quốc tế là khoan hồng, nhân đạo.
Với Cộng sản, nói một đàng, làm một nẻo. Với người tù cải tạo, gian khổ, đói khát, bị đày đọa từng phút, từng giờ, hàng ngày, hàng tháng, năm này qua năm nọ, thậm chí có thể bị mất mạng bất cứ lúc nào chỉ vì một vài câu nói bâng quơ! Ngày về chỉ là hứa hẹn suông, không biết khi nào mới thực hiện.
Bị dồn ép đến cùng cực, anh em tù cải tạo phải phản ứng lại. Những cuộc nổi loạn, đưa đến bạo động trong tù bắt nguồn từ đó.
A. NHỮNG CUỘC NỔI LOẠN
Ai cũng biết rằng những lời hứa hẹn của Việt Cộng luôn luôn như nước đổ đầu vịt và không bao giờ đúng với sự thật. Ngay vấn đề thời gian “học tập” trong trại “cải tạo”, khi chúng nói thế này, khi chúng nói thế khác. Tôi còn nhớ, vào dịp Tết năm 1975, sau khi chúng tôi vào Trại Ái Tử được khoảng 8, 9 tháng gì đó, nhân đêm đón giao thừa, chúng tôi được lệnh lên hội trường tập họp để nghe bài diễn văn của một tên tướng Việt Cộng, qua đài phát thanh. Bài diễn văn này, có đề cập đến ngày về của các anh em tù cải tạo. Một đoạn trong đó nói đại khái như sau:
- Tết năm nay, các anh tạm thời đón xuân về trong trại “cải tạo” và Tết sang năm, chắc chắn các anh sẽ được về xum họp với gia đình!
Nhưng rốt cuộc không phải vậy. Nhiều người đã phải đợi hơn 10 cái Tết mà ngày về vẫn chưa thấy. Ngay việc hứa hẹn ở Trại Ái Tử, trước khi đưa đám tù nhân đi sông Mực, Thanh Hóa, để làm lao động, rằng anh em sẽ được trả tự do sau khi hoàn thành công tác, cũng chỉ là một điều hoàn toàn láo khoét. Đưa ra lời dụ dỗ đó, bọn giám thị trại chỉ muốn lợi dụng sự nhẹ dạ của một số người, tin vào chính sách của chúng, bóc lột sức lao động của tù, để rồi khi công trình hoàn tất, chúng chuyển hết đám tù cải tạo vào Trại Bình Điền để “được học tập” tiếp tục cho đến khi nào tốt hơn nữa! Đã thế, cuộc sống trong các trại tù cải tạo lại quá khắc nghiệt, cực khổ, ăn uống quá thiếu thốn, sức khỏe ngày càng giảm sút, thân thể mỗi lúc một tiều tụy thê thảm. Với cuộc sống tù đày như vậy, anh em ai nấy đều uất ức, chán chường, nhiều người không chịu nổi vì thần kinh căng thẳng, đã biến thành điên khùng.
Để chống lại cách đối xử dã man này, nhiều anh em đã bí mật họp thành từng nhóm, phản ứng mãnh liệt đi tới những hành động cụ thể để phản đối chế độ lao tù của Cộng sản. Cứ vài tháng, vài năm, thỉnh thoảng lại có một vài người bị bắt, một vài nhóm bị phát giác. Nhưng sự phản kháng vẫn tiếp tục diễn ra, hết trại này đến trại khác. Cuộc nổi dậy gây chấn động nhất ở trung tâm cải tạo Bình Điền là cuộc bạo động của tập thể anh em sĩ quan QL/VNCH thuộc Trại 4.
Sự việc xảy ra vào ngày 20 tháng 4 năm 1979, nên sau này, mỗi khi nhắc lại, ai cũng gọi đó là “vụ 20 tháng 4”. Cuộc bạo động này do một ban tham mưu gồm 9 sĩ quan lãnh đạo, có tên dưới đây:
1. Trung tá Nguyễn Tri Tấn: TRĐ Phó TRĐ2/SĐ3BB.
2. Thiếu tá Vũ Ngọc Tụng: Quân trấn Đà Lạt.
3. Thiếu tá Phạm Cang: TĐ Trưởng TĐ/TQLC.
4. Thiếu tá Lê Quang Liễn: Sĩ quan TQLC..
5. Thiếu tá Hoàng Hưng: Sĩ quan BB.
6. Thiếu tá Phan Văn Lập: CĐ Trưởng Thiết Giáp.
7. Đại úy Trần Biên: Sĩ quan Truyền tin SĐ5BB.
8. Đại úy Nguyễn Thuận Cát: Sĩ quan BĐQ.
9. Đại úy Nguyễn Đình Khương: TĐ Phó 120ĐPQ Quảng Trị.
Cuộc bạo động này đã làm chấn động dư luận khắp 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, làm điêu đứng toàn thể bọn công an ở Ty Công an tỉnh Thừa Thiên, khiến bọn đầu sỏ công an của Bộ Nội Vụ tại Hà Nội mất ăn mất ngủ mấy tháng trời.
Lúc cuộc bạo động xảy ra, tôi đang ở Trại 1, chỉ cách Trại 4 vài trăm thước. Vì vậy, tối hôm đó, toàn thể anh em ở Trại 1 đều nghe những tiếng hô vọng lại từ Trại 4, như sau:
- Đả đảo Cộng sản!
- Đả đảo.
- Đả đảo Phát Xít!
- Đả đảo.
Sau vụ này, một số sĩ quan đầu não, lãnh đạo cuộc nổi loạn bị đưa qua trại tôi rồi bị còng cả tay lẫn chân, tống vào nhà kỷ luật. Sau khi họ được thả ra khỏi nhà kỷ luật, tôi đã lần lượt tìm cách gặp các anh trong ban lãnh đạo vụ “20 tháng 4”. Các anh đã thuật lại cho tôi nghe tất cả những diễn biến cũng như nguyên nhân đưa đến cuTheo anh Nguyễn Tri Tấn (hình như là cháu đích tôn của Nguyễn Tri Phương), sau khi chế độ miền Nam sụp đổ tất cả nhân viên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đều bị đưa vào trại tù cải tạo cả. Sống trong trại tù quá cực khổ, tương lai mù mịt, ngày về lại vô định, thân thể ngày càng tiều tụy, tinh thần suy sụp vì lo âu, tuyệt vọng. Đã thế, Cộng sản lại ma giáo, phản bội lời hứa về việc trả tự do cho anh em trong trại tù cải tạo. Trong giai đoạn này, Trung Cộng xua quân ồ ạt vào các tỉnh miền Bắc nước ta sát ranh giới Tàu, định dạy cho Việt Cộng một bài học, và đồng thời, về phía Tây Nam, lực lượng Pôn-Pốt của Kampuchia cũng cho nhiều sư đoàn tấn công qua lãnh thổ Việt Nam. Kết hợp sự bất mãn của anh em tù với tin tức tình hình căng thẳng tại vùng biên giới, anh Nguyễn Tri Tấn họp ban tham mưu lại bàn thảo, và cuối cùng quyết định châm ngòi lửa mở màn cuộc bạo động trong tù.
Cuộc bạo động không những làm khuấy động dư luận quần chúng tại Việt Nam mà còn lan truyền ra ngoài quốc tế. Đài BBC đã có buổi phát thanh tường thuật lại vụ bạo động sau khi nó xảy ra được vài ngày. Dĩ nhiên vì quá uất ức và tuyệt vọng, muốn bọn Việt Cộng phải cải thiện phần nào chế độ lao tù chúng đang áp đặt cho tù nhân trong trại nên cuộc bạo động mới bùng nổ. Bằng vào thực tại, anh em trong tù không một tấc sắt, làm sao có thể chống lại với súng đạn, lưỡi lê! Cho dù, ban tham mưu đã tính toán khá kỹ lưỡng, tổ chức rất cẩn thận, đã đề ra phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” để ứng phó với tình hình. Biết trước kết quả nhưng anh em vẫn quyết định tiến hành vì, không thành công cũng thành nhân.
Theo anh Phạm Cang, ban tham mưu của cuộc bạo động, đã được thành hình ngay từ những ngày đầu vào Trại Bình Điền. Thời gian khi còn ở Ái Tử, các anh chỉ mới dò dẫm và tổ chức mới bắt đầu nhen nhúm. Khi tổ chức mới thành hình, các anh Nguyễn Tri Tấn, Phạm Cang và Vũ Ngọc Tụng cùng nhau nhất quyết lập ra 3 ban để hành động:
1. Ban Kỷ Luật.
2. Ban Tuyên Huấn.
3. Ban Tình Báo.
Về nhân sự của tổ chức, các anh chủ trương xây dựng tổ “Tam tam chế”, chỉ 3 người trong từng nhóm biết nhau mà thôi, mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Các nhóm tuyệt đối nhóm này không biết nhóm khác. Như vậy sẽ tránh được thiệt hại tối đa nếu bị phát giác. Riêng ban tham mưu, tất cả phải biết nhau để cùng phối hợp làm việc. Tổng cộng, 9 anh em đã lèo lái tổ chức từ khi thành lập đến lúc tan rã.
Sau khi hoàn thành công tác ngoài sông Mực ở tỉnh Thanh Hóa, tất cả anh em tù nhân thuộc trung tâm cải tạo Ái Tử tỉnh Quảng Trị được di chuyển về Trại tù cải tạo Bình Điền ở Huế. Không một ai được trả tự do như bọn cán bộ đã hứa hẹn trước khi “xuất quân”. Vì vậy, hàng ngày anh em tù đều biểu lộ sự bất mãn ra mặt. Lúc đi lao động ngoài rẫy hay cả khi làm việc trong trại, anh em không chịu chấp hành mệnh lệnh của mấy tên cán bộ một cách nghiêm chỉnh như trước đây. Tất cả công tác được giao phó hầu như dậm chân tại chỗ, không kết quả. Nhiều buổi sáng, trước khi lao động, anh em kéo nhau lên phòng y tá khai bệnh gần ¾ trại. Đây chính là những phản ứng của tù nhân Trại 4, có sự hướng dẫn của ban lãnh đạo tổ chức. Một số người tham gia chỉ vì theo số đông chứ không hề biết gì về kế hoạch hành động mà tổ chức đang lèo lái một cách bí mật. Chủ trương lúc đó của ban tham mưu lãnh đạo là mọi ngôn ngữ, hành động của anh em đều nhằm làm thế nào chống lại lệnh công tác của bọn cán bộ trại. Sự phản ứng này kéo dài mấy tháng trời khiến bọn cán bộ phải họp mật nhiều lần để tìm cách đối phó. Trong khi nghiên cứu biện pháp làm sao có thể buộc anh em tù chịu làm việc trở lại, chúng cũng tập họp anh em lên hội trường để giải thích lý do tại sao chúng đã không giữ được lời hứa hẹn trước đây. Những lời giải thích chỉ là quanh quẩn, làm sao anh em có thể tin được. Tình hình trong trại ngày càng căng thẳng, khí thế phong trào chống đối ngày càng tăng, sự đối đầu giữa bọn cán bộ và anh em tù bây giờ càng rõ nét.
Việc gì đến phải đến. Ngày 26 tháng 3 năm 1979, một vụ đàn áp tù nhân tại Trại 4 đã xảy ra. Đó là dịp Việt Cộng tổ chức ăn mừng ngày chúng lợi dụng lệnh hưu chiến, lẻn vào tiến chiếm thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Chính Bộ trưởng Văn Hóa của ngụy quyền Hà Nội, nhạc sĩ Trần Hoàn, đã lấy ngày này làm cảm hứng để sáng tác bản nhạc tựa đề “Nắng tháng ba”. Lợi dụng ngày bọn Việt Cộng tổ chức kỷ niệm, anh Hồ Văn Vĩnh, cựu Thiếu tá Pháo binh SĐ1BB, trưởng ban văn nghệ Trại 4 lúc bấy giờ, xin phép ban giám thị trại tổ chức một đêm văn nghệ gọi là để mừng “chiến thắng”. Tất nhiên ban giám thị “hoan hỉ” bằng lòng! Thế là đêm văn nghệ mừng kỷ niệm ngày “chiến thắng” được diễn ra.
Thay vì trình diễn những bản nhạc “cách mạng”, vinh danh “bác”, ca ngợi “đảng”, mừng “chiến thắng của quân đội nhân dân anh hùng”…, anh Vĩnh, người gia nhập tổ chức vụ 20 tháng 4, cùng một số anh em chuyển sang hát nhạc “vàng”, gần như từ đầu đến cuối chương trình, thỉnh thoảng mới chêm vào một hai bài nhạc “cách mạng”. Thấy buổi trình diễn văn nghệ đi lệch chiều hướng, mấy tên cán bộ ra lệnh ngừng lại và giải tán anh em về lán.
Sáng sớm hôm sau, một số anh em bị kêu lên tra hỏi, có những anh bị đánh đập tàn nhẫn. Anh Hồ Văn Vĩnh bị gọi lên để trả lời về nội dung của chương trình văn nghệ đêm trước. Riêng bác sĩ Hoàng Thế Định để quên sao đó, tập “nhạc vàng” lọt vào tay cán bộ. Vì thế anh Định bị nghi ngờ nhiều nhất dù anh không hề tham gia vào tổ chức. Còn một anh nữa, Nguyễn Văn Báu, Đại úy, chỉ vì vài cử chỉ tỏ ra coi thường, khinh khi đám cán bộ trại mà phải chịu nhiều đau khổ. Anh Báu bị dẫn sang Trại 1 và bị tống vào nhà kỷ luật. Lúc tên cán bộ dẫn giải dắt anh đi ngang qua khối tôi, anh hiên ngang ngẩng đầu nhìn tôi và nở một nụ cười rất tươi. Nụ cười, tôi đọc được qua đó, sự hãnh diện vì những phản kháng của mình, dám ngang nhiên chống lại bọn cán bộ, sẵn sàng chấp nhận những trừng phạt đang chờ đợi phía trước. Thật tội nghiệp, trong nhà kỷ luật, bọn Việt Cộng đã hành hạ, tra tấn, đánh đập anh một cách dã man không thương xót. Gan anh bị những trận đòn thù, dập nát bên trong lồng ngực, vô phương cứu chữa khi được khiêng lên bệnh xá. Chỉ vài tuần sau đó, anh trút hơi thở cuối cùng trong trại tù cải tạo.
Chỉ ít bữa sau, để đề phòng, ban giám thị Trại Bình Điền xin Ty công an tỉnh Bình-Trị-Thiên, điều động mấy trung đội công an đang đóng tại Văn Thánh lên tiếp ứng, một mặt canh gác nghiêm ngặt, một mặt chuẩn bị đàn áp nếu có nổi loạn xảy ra.
Dù cho số lượng công an xuất hiện trong trại đông hơn trước, anh em tù vẫn phớt tỉnh Ăng-lê. Số anh em khai bệnh hàng ngày vẫn lên tới 2/3 nhân số trong trại. Với số lượng công an tăng cường, bọn cán bộ rảnh tay, lục lọi ráo riết khắp nơi. Bắt được vài chứng cớ khả nghi, ngày 20 tháng 4, chúng ồ ạt vào trại, đến từng khối, lục soát đồ đạc tù nhân. Cuộc bố ráp quy mô đưa đến kết quả: chúng bắt một số anh em mà chúng nghi ngờ có dính líu đến việc xách động toàn thể tù nhân trong Trại 4 nhằm chống lại bọn cán bộ và ban giám thị trại:
- Anh Nguyễn Văn Thiện, Đại úy (Nghe nói, sau khi được thả, anh Thiện vượt biển qua Thái Lan và bị bắn chết khi gần vào tới đất liền).
- Anh Hồ Văn Vĩnh, Thiếu tá.
- Anh Nguyễn Văn Vy, Đại úy.
- Anh Nguyễn Hữu Ái, Đại úy.
- Anh Võ Văn Xuân, Đại úy.
Tất cả các anh đã bị bọn chúng bắt đem đi và bị đánh đập tàn nhẫn. Sau khi từ nhà kỷ luật ra, anh Ái kể lại, tên cán bộ tra khảo anh, đã nắm cả hai tay, lấy hết sức đấm vào bụng anh liên tục. Chưa thỏa mãn, nó còn dùng giầy đá vào bụng anh thật mạnh khiến anh đau quá phải gập người xuống. Vừa đá nó vừa hét:
- Cho mày chừa cái tội “đả đảo Cộng sản”.
Riêng anh Hồ Văn Vĩnh, người đã tham gia tổ chức qua sự móc nối của anh Vũ Ngọc Tụng, kể lại cho tôi, anh đã suy nghĩ vài ngày trước khi quyết định gia nhập. Sau đó có những dấu hiệu cho thấy tổ chức đang bị lộ vì vài sơ hở gì đó, anh Vĩnh khuyên anh Tụng nên giải tán và chuyển sang hành động dưới một hình thức khác. Anh Tụng không đồng ý. Ngày bị bắt, trên đường đi, tên cán bộ dẫn giải đã đánh làm anh Vĩnh gẫy một cái răng. Lúc tên cán bộ Huề, từ ty công an lên hỏi cung, anh từ chối không chịu nhận mình nằm trong ban tổ chức. Tên này bèn đọc cho anh nghe, lời khai của một anh khác, anh Vĩnh chỉ còn cách đưa đẩy:
- Cán bộ biết rồi còn hỏi tôi làm gì nữa!
Tên Huề đập bàn giận giữ:
- Tao có quyền hỏi mày để biết thực hư ra sao, biết không?
Đến ngày 21 tháng 5 năm 1979, Trung tá Nguyễn Tri Tấn và Thiếu tá Vũ Ngọc Tụng bị bắt. Dọc đường, cả hai đều bị đánh đập liên tục. Tên dẫn giải anh Tấn, mặt đằng đằng sát khí, vừa đi vừa dí lưỡi lê vào cổ anh, miệng hằn học:
- Mày là Trung tá mà đả đảo Cộng sản há!
Ngày 29 tháng 5 năm 1979, đến lượt Thiếu tá Phạm Cang. Dọc đường anh cũng bị đánh đập nhiều lần. May cho anh, theo lời anh Cang cho biết, nhờ tên dẫn giải không biết cách đánh vào những chỗ hiểm nên tương đối anh bị nhẹ hơn. Vì là một trong ba người thuộc ban lãnh đạo của tổ chức, anh Cang cũng nếm đủ mọi cực hình tra tấn giống như anh Tấn và anh Tụng. Có lần, tên cán bộ điều tra Nguyễn Thống Nhất, bắt anh đứng ngay trên ổ kiến lửa suốt một tuần lễ. Đàn kiến bò lên khắp thân thể, tha hồ cắn, đốt khiến anh đau nhức vô cùng. Giống như những anh khác, lúc đầu anh Cang cũng không chịu nhận mình có nằm trong tổ chức. Sau những trận đòn phủ đầu, bằng những thủ đoạn tra tấn dã man, rồi những lời khai đối chất của một số đã chịu nhận, biết bị lộ, không thể ngoan cố mãi chỉ thiệt thân, anh Cang còn cách gì khác hơn là nhận. Sau khi đúc kết tất cả lời khai, bọn cán bộ nắm được ai là đầu não của tổ chức. Tên Huề vặn hỏi anh Cang hết câu này sang câu nọ. Nào là tổ chức được thành lập từ bao giờ? Có đóng tiền nguyệt liễm hay không? Có may cờ vàng ba sọc đỏ không? Cuối cùng nó thắc mắc:
- Anh là một người thật khôn ngoan. Bề ngoài sống rất đàng hoàng, ít nói, luôn luôn chấp hành “nghiêm túc” tất cả mọi lệnh lạc, chỉ thị của ban giám thị trại, vậy mà không ngờ!!!
Lệnh tống giam sau đó, anh Cang bị nhốt vào nhà kỷ luật, thời gian 40 tháng.
Sau anh Cang, ngày 31 tháng 5 năm 1979, các anh Lê Quang Liễn, Thiếu tá TQLC; anh Trần Biên, Đại úy, sĩ quan Truyền tin SĐ5BB, cũng bị bắt.
Riêng anh Liễn, trong ngày 20 tháng 4 năm 1979, khi bọn công an từ ty công an Bình-Trị-Thiên lên phối hợp với đám công an Trại 4 để đàn áp cuộc bạo động, đã bị bọn chúng đánh hội đồng bởi “thập trụ”, toàn thân tím bầm, chưa kể một xương sườn bên hông trái (gần sát nách) bị gãy vì những cú đá quá mạnh của mấy tên công an nét mặt đầy thù hận. Kết quả, anh Liễn phải ngồi liệt một chỗ trên mười ngày đêm vì nếu nằm, anh không thở được. Khi bị còng tay dẫn qua Trại 2, anh còn bị hai tên công an dẫn giải quất cho mấy báng súng vào lưng làm cho cái thân xác đau đớn của anh, chưa kịp dịu lại những vết thương cũ, lại gánh thêm những đòn thù mới!
Tới Trại 2, anh được đưa vào hỏi cung ngay. Trong suốt thời gian hỏi cung, bọn công an từ ty công an lên, bỏ đói, không hề cho anh ăn uống gì cả. Buổi tối, chúng tống anh vào một căn nhà bỏ trống (dùng để nuồi gà, vịt), kế khu vệ sinh của Trại 2. Cái sạp giường để nằm chỉ là 4 thanh gỗ kê sát đất, không mùng mền, không một tấm chiếu lót lưng. Nằm như vậy làm sao ngủ được, chỉ cần quay trái hay phải một chút thôi là rớt xuống đất ngay. Đã thế 2 chân còn bị cùm lại bằng cái cùm gỗ, dày độ 10-12 phân, rất khó xoay sở. Hai tay cũng thế, bị còng bởi một cặp còng sắt, mỗi ngày chỉ được phép mở 10 phút để ăn uống và làm vệ sinh cá nhân. Chiếc giường ọp ẹp, mùi ẩm thấp và xú uế từ khu vệ sinh xông lên, muỗi mòng như trấu thay phiên hút máu tấn công khiến anh mau chóng tiều tụy, gầy còm.
Suốt thời gian này, bọn công an tra tấn anh rất dã man. Chúng có một đòn tra tấn độc ác được mệnh danh là “Chuồn chuồn đạp nước”. Trước tiên, chúng bắt anh đứng trên một chiếc ghế, đưa hai tay ra sau lưng, dùng dây dù cột ngón tay cái lại và kéo vòng ra trước bụng. Xong, chúng vắt sợi dây dù lên xà nhà và buộc chặt lại rồi đá cái ghế ra khỏi chân anh. Thế là toàn thân anh ở vào thế treo lủng lẳng trên không như một vật vô tri. Trong tư thế đó, anh Liễn cho biết, chỉ không tới 2 phút, anh bị ngất xỉu ngay vì máu tụ lại ở hai đầu ngón tay quá nhiều khiến cơ thể rất đau đớn, không chịu nổi. Thấy anh bị ngất, chúng lấy nước lạnh tạt vào người, đồng thời đá vào mặt bắt anh tỉnh lại. Thật là dã man kinh khủng. Khi thời gian tra tấn hỏi cung kết thúc, anh Lê Quang Liễn bị đưa vào nhà biệt giam từ ngày 31 tháng 5 năm 1979. Sau 4 năm, 7 tháng, 24 ngày, anh Liễn được ra khỏi nhà biệt giam như những anh khác. Ngày 12 tháng 2 năm 1988, anh Lê Quang Liễn, sĩ quan TQLC cuối cùng của Trại Bình Điền được trả tự do về với gia đình.
Phần anh Trần Biên, sĩ quan Truyền tin SĐ5BB, cũng bị bắt một lần với anh Liễn. Lúc đám công an dưới ty và bọn võ sĩ trường Văn Thánh lên đánh “hội đồng” tại Trại 4, anh Biên cũng không thoát khỏi bàn tay tụi này. Giống như những anh khác, anh Biên bị đấm đá túi bụi đến bầm gan tím ruột, nằm ngất xỉu giữa sân trại. Tỉnh dậy, anh được anh em khiêng vào lán. Thấy việc làm của mình đã bị bại lộ, vài người trong nhóm đã bị bắt nhốt, anh nghĩ sẽ đến lượt mình thôi. Không muốn thể xác bị hành hạ, anh lấy một viên Chloroquine và 50 viên Névaquine còn lại trong ba-lô bỏ vào miệng nuốt để tự tử. Vài giờ sau, anh vừa ói ra mật xanh mật vàng, vừa đi té re đầy quần. Nghĩ mình sắp chết, anh Biên lấy cái ví có đựng ít giấy tờ và một tấm hình của mình, trao cho anh Võ Trọng, cùng chung một lán, nhờ trao lại cho ba anh sau này khi có dịp. Thấy tình trạng anh Biên như vậy, anh Trần Trung Việt liền dìu anh vào nhà cầu. Không hiểu do chưa tới số hay vì một nguyên nhân nào đó, một lúc sau, anh Biên tỉnh táo lại. Sau này, anh nói với tôi, có lẽ nhờ vừa ói, vừa “phọt” bằng đường “hậu” nhiều quá, chất thuốc chưa kịp ngấm vào máu nên anh mới thoát chết. Âu cũng là số mạng. Thấy thế, bọn chấp pháp gọi anh lên lấy cung tiếp.
Anh Biên kể, tên cán bộ chấp pháp hỏi cung anh, ăn nói rất thô lỗ, cọc cằn. Nó xưng hô với anh Biên mày tao và chửi thề luôn miệng. Trước thái độ mất dậy của tên công an, anh Biên giữ im lặng, không thèm hé môi trả lời bất cứ câu hỏi nào của nó. Không làm gì được, nó phải trả anh về trại. Sau đó, hai ba lần nữa, nó lại kêu anh lên. Anh tiếp tục câm như hến. Bọn cán bộ cấp cao hơn, nghe nó báo cáo lại, bèn chỉ thị cho tên cán bộ Đính ở Trại 4, kêu anh lên để tìm hiểu tại sao anh không chịu trả lời. Anh Biên vặn lại tại sao không hỏi tên cán bộ chấp pháp? Anh không thể trả lời một cán bộ thiếu “tư cách” và không có “đạo đức cách mạng” như tên công an chấp pháp này. Anh đã khéo léo xỏ lá bọn chúng khi dùng những chữ “tư cách”, “đạo đức cách mạng”. Bọn Việt Cộng thường huyênh hoang tự khoe rằng chúng xuất thân từ nhân dân mà ra, quân đội nhân dân, công an nhân dân…, luôn luôn có tác phong và đạo đức cách mạng, chiến đấu và làm việc vì nhân dân, vì tổ quốc, noi gương “bác Hồ” vĩ đại!!! Vậy thì khi một người tự xưng là cán bộ, không thể dùng những lời lẽ thô tục, chửi thề để tra hỏi một phạm nhân, anh lập luận như vậy để trả lời cho tên Đính. Chẳng lẽ tên cán bộ này hành động noi gương “bác Hồ” vĩ đại hay sao?
Tất nhiên tên này thừa hiểu anh Biên chứi khéo bọn chúng. Chúng cho điệu anh vào một cái lán vắng người và thay phiên nhau tra tấn anh. Lúc đầu, chúng bắt anh ngồi chồm hổm trên một cái ghế, mấy tên công an đi vòng quanh chiếc ghế theo một hướng chừng vài phút rồi chúng lại đổi hướng đi ngược lại, mục đích cố ý làm anh chóng mặt. Sau màn này, chúng tái diễn trò “chuồn chuồn đạp nước” như từng tra tấn anh Liễn. Anh Biên bị ngất xỉu nhiều lần. Cứ mỗi lần ngất đi lại bị tạt nước vào mặt kèm theo những cú đấm đá liên hồi, buộc anh tỉnh lại. Cuối cùng, sau khi kết thúc những màn tra tấn độc ác, dã man đó, anh Biên cũng như một số anh khác có tên trong tổ chức, bị chúng nhốt vào nhà ri 40 tháng với hai tay, hai chân bị còng cả ngày lẫn đêm.
Có một thời gian, bọn cán bộ cho anh Biên và một số anh khác ra lao động dãy cỏ quanh khu nhà ở của bọn cán bộ, nằm trong phạm vi hàng rào trại. Một bữa, không hiểu tên cán bộ canh giữ bực bội gì đó, nạt nộ om xòm và dọa bắn các anh em đang cuốc cỏ. Thấy thái độ hùng hổ của nó, anh Nguyễn Văn Thiện, anh Trần Biên và vài anh nữa liền cởi áo ra. Thấy thế, nó quát:
- Các anh cởi áo làm gì vậy?
Vừa chỉ tay vào ngực, anh Thiện vừa đáp:
- Đây này, chỗ này này, cán bộ bắn đi. Đừng có dọa. Nhớ nhắm cho trúng đó, kẻo phí đạn!
Tên cán bộ khác đứng cạnh đó, coi bộ tình hình không ổn, vội chen vào:
- Thôi, các anh mặc áo vào và làm việc đi.
Nói xong, nó khều khều tên cán bộ vừa thốt lời đe dọa hồi nãy kéo ra chỗ khác.
Lúc về lại nhà ri, thấy một bãi phân trâu trên đường, các anh liền cúi xuống hốt. Một tên trong đám cán bộ dẫn giải liền hỏi:
- Các anh làm gì vậy?
- Hốt cứt!
Anh Thiện trả lời trống không. Tên cán bộ lại hỏi:
- Hốt phân đó làm gì?
Anh Thiện đáp:
- Để bón rau cho tốt mà ăn.
Nó vặn lại:
- Các anh vừa mới ưỡn ngực muốn được bắn chết, mà còn trồng rau với bón phân làm cái gì?
Qua những mẩu đối thoại này, chúng ta mới hiểu được, các anh từng bị nhốt ở nhà ri, bị đối xử không bằng con vật. Họ chấp nhận dấn thân vì đại cuộc nên coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cuộc sống trong tù chung đã cùng cực, thì biệt giam ở nhà ri còn khốn nạn hơn nữa, chết có lẽ còn đỡ hơn sống lay sống lắt. Vì vậy họ coi thường cái chết, dám vạch ngực thách đố bọn công an cầm súng bắn vào!
Hết thời hạn 40 tháng, các anh Biên và Thiện được trả về trại cùng anh em lao động như cũ. Sau 13 năm trong lao tù cải tạo, cuối cùng anh Biên cũng được thả cho về đoàn tụ với gia đình.
Phần anh Hoàng Hưng, anh cũng bị điệu qua Trại 1 cùng với anh Tấn và anh Cang. Khi đội tôi ra sửa sang hồ cá ở trước Trại 1, tôi thấy ba anh, mỗi anh ngồi trong một “nhà kỷ luật” sát bờ hồ cá, chân tay đều bị còng lại. Sau ba tháng, các anh được di chuyển vô khu nhà kỷ luật trong trại, nhưng mỗi người vẫn bị nhốt riêng rẽ.
Anh Hưng kể lại, có một lần, anh bị tên cán bộ trại dùng đủ mọi phương thức để “dợt” anh đến xiểng liểng. Nó đấm đá anh thật tàn nhẫn ngay cạnh hồ cá khiến máu mũi, máu miệng anh tràn ra. Lúc đó, anh Phong, một tù nhân của Trại 1, đang sửa chòi canh, từ trên cao nhìn xuống thấy đến uất ức trong lòng nhưng đâu có thể làm gì được. Sau khi tên cán bộ mỏi tay bỏ đi vào trại, anh Phong làm bộ đến gần hồ cá rửa tay và nói nhỏ đủ để anh Hưng nghe:
- Đang ngồi sửa trên chòi canh, thấy nó đánh anh tới tấp, tôi đau lòng quá, chỉ muốn bay xuống nện nó một trận cho hả dạ, anh Hưng ơi!
Vì là một trong chín người nằm trong ban tham mưu của vụ 20 tháng 4, anh Hưng cũng bị khai thác liên tục. Anh nói với tôi, bọn chấp pháp cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần rằng, anh tham gia vào vụ bạo động một mình hay có kết hợp tổ chức với những ai. Dĩ nhiên, anh khai chỉ có một mình. Bọn công an chấp pháp đời nào tin những lời khai đó một cách dễ dàng như vậy. Chúng dùng mọi biện pháp dã man, thô bạo để tra khảo nhằm ép anh phải khai ra một cái tổ chức nào đó, gây nên cuộc bạo động với âm mưu lật đổ chính quyền “cách mạng”. Dù cho bị hành hạ cỡ nào, anh Hưng vẫn cắn răng chịu đựng, khăng khăng chỉ nhận tội tham gia một mình. Cuối cùng, bọn cán bộ chẳng moi thêm được gì nữa đành phải tống anh vào lại nhà ri như những anh khác.
Anh Hoàng Hưng trước 1975, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng ĐPQ ở Quảng Ngãi. Thời gian trước khi chiến cuộc trở nên sôi động, anh được Đại tá Tỉnh trưởng Lê Bá Khiếu gởi đi học lớp tham mưu cao cấp tại Sàigòn. Lúc tình hình khẩn trương, ông này gọi anh về để có người chỉ huy lại mặt trận, anh ghé về quê thăm nhà thì bị kẹt luôn ở ngoài này và cuối cùng bị đưa vào Trại Bình Điền.
Cũng như các anh Tấn, Cang, Tụng, Liễn, Khương, Biên, Lập, Cát, anh Hưng bị còng suốt mấy năm trời trong nhà ri. Chế độ ăn uống cho tù nhân trong khu nhà kỷ luật này còn thê thảm hơn nhiều so với đám tù bình thường trong trại. Bọn giám thị cố tình tạo sự khác biệt này để răn đe những tù nhân khác. Anh Hưng phải chịu đựng như vậy trên 4 năm rưỡi mới được thả ra ngoài lao động như các anh em tù khác. Cuối cùng, anh được cho về đoàn tụ với gia đình sau gần 13 năm tù dài đằng đẳng!
Riêng anh Phan Văn Lập, cựu Chi đoàn trưởng Thiết giáp thuộc Thiết đoàn 7, bị bắt một lượt với anh Lê Quang Liễn và được đưa vào Trại 1 để khai thác. Sau đó chúng chuyển anh qua Trại 3 nằm tuốt trong núi.
Anh Nguyễn Tri Tấn nói với tôi, trước tiên anh Tấn bị đưa vào Trại 3, sau chuyển qua Trại 1. Khi mang ba-lô đi, anh thấy chúng chuyển anh Lập vào trám chỗ.
Sau khi Trại 3 giải tán, anh Lập bị đưa về Trại 5. Vì là một nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong ban tham mưu vụ 20 tháng 4, Trưởng ban tình báo, nên bọn chấp pháp thay phiên nhau lấy khẩu cung anh, liên tục từ tháng này sang tháng nọ. Hai tên sĩ quan công an, một Đại úy, một Trung úy trong toán chấp pháp đã tấn công anh tới tấp, hòng moi ra đường dây tình báo từ trại này đến trại khác. Dù bị tra tấn đủ kiểu, thân thể bị dày xéo vô cùng đau đớn, anh Lập vẫn cắn răng chịu đựng. Cái thân thể vốn đã gầy còm, nay càng thêm tiều tụy xơ xác vì trải qua quá nhiều lần bị ngất xỉu với những đòn thù hành hạ. Các bộ phận phía trong cơ thể thì không rõ tổn hại ra sao chứ một bên tai trái, màng nhĩ bị những cú đấm đá quá tàn bạo, đã bị rách. Chỉ vài tuần, tai trái anh không còn nghe được gì nữa. Suốt cuốc đời còn lại, anh bị điếc một bên, chỉ còn nghe được bằng tai phải!
Vì quan niệm ngành tình báo rất quan trọng nên bọn Việt Cộng đã quyết ra tay thật độc ác, dùng bất cứ thủ đoạn nào, miễn là moi được tin tức gì đó. Cũng chính vì vậy, anh Lập bị chúng nhốt trong nhà kỷ luật lâu hơn tất cả những anh khác: đúng 5 năm trời. Tất nhiên, trong suốt 5 năm này, cả chân lẫn tay đều bị còng lại. Chỉ cần lâu thêm một thời gian nữa, chắc anh Lập sẽ bị bại liệt suốt đời vì máu huyết không thể lưu thông khắp cơ thể khi bị giam cầm quá lâu ngày trong cái tư thế còng tay chân như vậy. Theo y lý Đông phương, tất cả các khí trong cơ thể đều bị mất hết, vì thuyết Ngũ Lao có nói: đi lâu hại gân, đứng lâu hại xương, ngồi lâu hại thịt, nhìn lâu hại huyết, nằm lâu hại khí. Anh còn chút may mắn, đúng 5 năm, chúng cũng cho anh ra ngoài lao động và cuối cùng sau 13 năm trong trại tù cải tạo anh được trả về với gia đình.
Đau đớn nhất là anh Nguyễn Thuận Cát, cựu Đại úy Tiểu đoàn 31 BĐQ. Cũng là một trong 9 người của ban tham mưu vụ 20 tháng 4 năm 1979 tại Trại 4, trung tâm cải tạo Bình Điền, anh bị nhốt trong nhà kỷ luật. Có lẽ vì bị đánh đập quá dã man hơn những anh khác, lúc được thả ra khỏi nhà kỷ luật, anh Cát lâm trọng bệnh. Trại không có cách chữa trị buộc phải chuyển anh về bệnh viện Huế. Đã từng là thành phần chống đối, bị bệnh đến độ phải đưa đi bệnh viện ngoài trại tù, chắc mọi người am tường về chế độ Cộng sản, phải thừa biết, người bệnh chỉ còn đường chờ chết. Quả như vậy, bệnh viện Huế cũng bó tay và cuối cùng anh Nguyễn Thuận Cát đã vĩnh biệt cõi đời trước sự ngậm ngùi luyến tiếc của tất cả anh em trong trại.
Anh Nguyễn Thuận Cát ơi! Anh đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại sau 10 năm trời quằn quại vì bị đầy đọa trong ngục tù Cộng sản. Sự hy sinh cao cả của anh để bảo vệ lý tưởng tự do sẽ đời đời bất diệt. Tổ Quốc và QL/VNCH xin vinh danh và ghi ơn anh mãi mãi.
Để rõ thêm về cái chết của anh Nguyễn Thuận Cát, tôi xin trích bức thư của anh Huỳnh Bá Kiệt, cựu Đại úy BĐQ, gởi cho tôi từ San Jose như sau:
California ngày 12 tháng 8 năm 2002.
Thăm Điền và gia đình,
Trước hết cho mình gởi lời thăm hỏi Điền và gia đình; luôn tiện mình xin bổ túc thêm vài điều về Nguyễn Thuận Cát mà mình là nhân chứng.
Những gì xảy ra trong trại tù chắc Điền đã rõ, mình không nói thêm và ngày tháng mình cũng không nhớ rõ. Nhưng chắc chắn một điều là khi Cát được trại chuyển về bệnh Viện Trung Ương Huế, vài ngày sau vợ chồng mình ghé qua thăm, thì có tên công an canh gác Cát, y hỏi khó dễ mình, nhưng cuối cùng cũng cho thăm như thăm nuôi ở trại tù. Em trai của Cát là Nguyễn Thuận Hóa cho mình biết là trong mấy ngày đầu nhập viện, Cát còn bị còng vào cột giường bệnh. Sau đó thấy bệnh có vẻ nguy kịch quá mới thôi còng. Trong thời gian này, vợ chồng mình vẫn tiếp tế sữa, đường phèn và thuốc cho Cát. Độ hai tuần sau, quyết định mổ, gia đình phải chạy đôn đáo để mua chỉ khâu. Sau khi mổ, vì tình trạng đã quá trầm trọng nên bác sĩ quyết định chỉ khâu lại sơ sài, chờ chết. Mình nhớ rõ một lần mình qua thăm, Cát có nói với vợ chồng mình là xin một ít lưỡi lam để cạo râu vì quá dài, riêng mình thì quá biết và trả lời:
- Mày xin lưỡi lam để cắt mạch máu chứ gì!
Nó chỉ cười. Một thời gian ngắn sau thì Cát chết. Vợ chồng mình vội liên lạc với Nguyễn Thuận Hóa để lo chôn cất. Hóa cũng nói thêm vài điều, tên công an dẫn giải không cho gia đình để di ảnh của Cát trong bộ quân phục BĐQ với lon Thiếu tá trên quan tài. Tên công an còn cho mình biết phải báo cáo rõ ràng trường hợp chết của Cát, sau khi chôn cất, phải vẽ sơ đồ mồ mả của Cát để báo cáo Sở Công an Bình-Trị-Thiên.
Sau hết, dù sao Cát cũng còn chút an ủi cuối đời là có một người đàn bà đẹp, nhỏ những giọt lệ tiễn đưa, và thật tội nghiệp, cũng đã tiếp tay để chăm sóc nó trong những ngày tháng tuyệt vọng. Hình ảnh này, mình vẫn còn nhớ mãi. Tất cả ba anh em Cát đều vào tù cả. Anh đầu là Thiếu tá Hải Quân, hiện nay ở Úc. Thằng em út là Hóa, nay chắc sống một nơi nào trên đất Mỹ mà mình không rõ. Lâu lâu lại gặp anh em trong khóa và đơn vị, ai cũng nhắc Cát với những gì tốt đẹp nhất. Nhắc lại thấy buồn quá Điền ơi! Có lẽ vì vậy mà mình vẫn có lời nguyền: “Sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam”.
Thôi nhé.
Riêng anh Vũ Ngọc Tụng, một trong 3 người đầu não chỉ huy cuộc bạo động ngày 20 háng 4 năm 1979, sau khi bị bắt, anh bị đưa qua Trại 5, cũng thuộc trung tâm cải tạo Bình Điền. Anh Tụng xuất thân khóa sĩ quan Đập Đá Huế năm 1951. Năm 1958, anh mang cấp bậc Đại úy và giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ2, rồi TĐ3 TRĐ3/SĐ1BB. Anh đã từng làm Quận trưởng các quận Cam Lộ, Quảng Trị; quận Phú Thứ và Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1960, anh sang Mỹ học khóa Bộ binh Cao cấp tại Fort Benning, tiểu bang Georgia. Năm 1963, anh học khóa Tham mưu Chiến tranh Đặc biệt ở Fort Bragg, thuộc bang North Carolina. Trước 1975 cho đến ngày mất nước, anh làm việc ở Tiểu khu Tuyên Đức, phòng Quân trấn thị xã Đà Lạt.
Sau đây là lời anh Vũ Ngọc Tụng kể lại cho tôi nghe về những sự kiện liên quan đến vụ bạo động:
“Năm 1979, Việt Cộng chiếm Kampuchia, thế nào Tàu cũng trừng phạt, chưa biết hậu quả ra sao. Cộng sản đối xử với anh em trong các trại tù quá tàn tệ. Mỗi ngày chỉ được 35gr gạo, mấy ngày mới được một bữa cơm. Sắn thì đắng quá. Gia đình thăm nuôi chỉ cho nhận 3kg quà. Lúc này khí thế của gần 3.000 anh em trong trại lên rất cao, anh em căm thù Cộng sản đến tột độ. Nếu có chuyện gì xảy ra mà không có ai chỉ huy, điều khiển thì hậu quả sẽ không lường được. Vì vậy tôi mới bàn với anh Tấn, thành lập một nhón chỉ huy, để có gì hành động thống nhất và kỷ luật, với mục đích:
1- Thống nhất hành động trong 5 trại.
2- Giữ vững tinh thần Quốc gia Dân tộc và tinh thần chống Cộng trong anh em.
3- Ngăn chận và trừng phạt những tên phản bội và hèn nhát.
4- Chỉ huy anh em lúc hữu sự.
Hai anh em tôi móc nối anh Cang thì anh Cang đồng ý ngay. Ba anh em chúng tôi trở thành đầu não làm nhóm điều khiển chỉ đạo 5 trại. Lúc đó anh em trong trại tù cải tạo hầu hết thuộc SĐ1BB, TQLC và các đơn vị ĐPQ. Anh Tấn có ảnh hưởng với anh em SĐ1BB, anh Cang nắm được TQLC, còn tôi thì các đơn vị ĐPQ và SĐ1BB cũng biết nhiều. Chúng tôi đồng ý thành lập một nhóm mẹ 9 người: Tấn, Tụng, Cang, Liễn, Hưng, Lập, Biên, Cát và Khương. Mỗi người trong nhóm mẹ lại lập ra một nhóm con, từ 5 đến 7 người, và phát triển ra các nhóm cháu. Con và cháu của mỗi nhóm không biết nhau. Mỗi lần họp, chỉ có nhóm mẹ và có người canh chừng. Có lần chúng tôi đọc được một lá thư của một trại viên cấp bậc Đại úy, gởi cho cán bộ trại, nội dung kể lể thành tích hợp tác của anh ta ở Trại Ái Tử và xin được tiếp tục hợp tác ở Trại Bình Điền. Chúng tôi biết được và tên đó đã bị trừng phạt.
Vào ban đêm, chúng tôi thường lén lấy tất cả thư trong thùng thư dưới chòi canh gác trước cổng trại (dù trên chòi có cán bộ gác và thùng thư luôn có ổ khóa bên ngoài), vì muốn biết ai là những tên ăng-ten chuyên báo cáo.
Chúng tôi còn dự tính nhiều kế hoạch chống đối cũng như tìm cách thoát ra khỏi trại. Đại khái như sau:
Trại 4 có 9 đội đi làm ngoài. Mỗi đội phụ trách một khu vực nào đó chung quanh trại. Có hai tên bảo vệ đi theo mỗi đội khi ra ngoài. Sáng cũng như chiều, anh em đều được giải lao 15 phút khi có tiếng kẻng báo hiệu. Đúng ngày N, giờ G (giờ có 3 tiếng kẻng báo hết giải lao), số anh em của tổ chức (Khoảng 10 người một đội), sẽ tìm cách lấy 2 khẩu súng của 2 tên bảo vệ, rồi lấy 2 bộ quần áo vàng của chúng và về tại kho của chúng ở trại lấy thêm súng (có khoảng 30 cây). Như vậy cộng với 18 cây lấy của các tên bảo vệ đi theo 9 đội, chúng tôi khoảng 100 người, sẽ đi thẳng vào rừng nhắm hướng Thái lan trực chỉ. Trong khi di chuyển, nếu chúng đuổi theo, chúng tôi sẵn sàng chống trả với số vũ khí lấy được của chúng, đồng thời dọc đường, chúng tôi tự mưu sinh thoát hiểm kèm theo những thứ chúng tôi đã dự trữ chuẩn bị sẵn như dao, rựa, giây nhợ, xăng, lưỡi câu… Trong số chúng tôi, nhiều anh em đã từng hành quân vùng A Sau, A Lưới, từng qua Lào… Với 50 tay súng, chúng tôi tin sẽ đạt được mục đích không khó khăn mấy.
Vụ đả đảo Cộng sản đêm 20 tháng 4 là do một số anh em tự phát, không ai chủ trương. Ngày hôm sau, chúng tăng cường một số công an từ trường võ thuật Văn Thánh lên để đàn áp anh em trong tù đồng thời bắt đi một số. Trong tổ chức, lúc đó chưa có ai bị bắt cả, nhóm mẹ cũng như nhóm con. Một tháng sau, anh Tấn với tôi mới bị bắt vì chúng nghi ngờ có tổ chức chứ trong số đã bị bắt có ai biết gì mà khai. Vài người trong số này (xin được dấu tên), vì bị gạn hỏi, đã khai là có thấy 3 anh Tụng, Tấn, Cang hay ngồi chung với nhau nhưng không biết có âm mưu tổ chức gì không. Thế là tôi và anh Tấn bị bắt. Sau đó cả 9 anh em trong nhóm mẹ cũng chịu chung số phận, nhóm con không biết gì hết. Lúc đầu bọn chúng quyết định đưa vụ tôi ra tòa, nhưng cuối cùng, dù tra hỏi đánh đập, chúng chả moi ra được yếu tố gì rõ rệt. Không đủ bằng chứng, chúng đành phải dẹp và chỉ còn cách hành hạ chúng tôi bằng những biệp pháp trong nhà biệt giam của trại mà thôi. Chúng phân tán chúng tôi ra nhiều trại khác nhau, dùng mọi thủ đoạn hành hạ thể xác, dọa nạt tinh thần, cho ăn uống thiếu thốn… Anh Báu, bị bắt ngay đêm 20, bị đánh đập tới chết. Anh Cát, bị tra tấn về tới Trại 1 đau nặng và qua đời sau đó. Anh Trần Hữu Sơn, sĩ quan Đà Lạt, quê ở Thành Nội Huế, có thể là thành viên của một nhóm con, bị bắt đưa qua Trại 2, bị đánh ngất xỉu và vật như một con nhái trước mặt anh Nguyễn Đình Khương (nhóm mẹ). Riêng phần tôi, trong nhà ri, từng tuyệt thực 3 lần mà không chết. Sự việc xảy ra ở Bình Điền đã khiến bọn Cộng sản phải tập trung tất cả các trại trưởng các trại tù trên toàn quốc lại cho biết để học tập rút kinh nghiệm”.
Ngoài những dữ kiện vừa nêu trên, anh Tụng còn kể cho tôi nghe rằng, đêm 30 Tết năm 1979, tất cả anh em trong Trại 4 thức suốt đêm để hát nhạc hùng, những bài ca yêu nước. Đến 6 giờ sáng ngày mùng 1, anh em lại ca bài Quốc Ca của chế độ miền Nam trước đây rồi mới giải tán. Riêng trong tháng 3 và tháng 4, anh em còn tổ chức những đêm không ngủ. Ngày lễ Phục Sinh trong tháng 4, anh em bày ra cầu nguyện ngoài trời và hát những bài thánh ca. Tiếp theo đó, hàng đêm anh em thường tụ họp quây quần ca hát nhiều lúc đến 1, 2 giờ sáng dù chỉ có một hai cây đàn guitare đệm nhạc. Với phản ứng của anh em tù như vậy, bọn cán bộ trại rất lo ngại nên phải tìm cách để dập tắt.
Theo lời anh Tụng cũng như một số anh em khác, đúng 14 giờ 20 ngày 20 tháng 4 năm 1979, khoảng 50 tên công an ồ ạt ùa vào Trại 4, gom hết tù ra tập họp giữa sân. Chúng lần lượt gọi tên một số anh và bắt ra khỏi hàng đứng về một góc. Khi đọc được chừng 50 tên, mấy chục tên công an, được mệnh danh là “thợ đấm” từ trường võ thuật Văn Thánh điều lên, bắt đầu ra tay. Từng người một, bị kêu ra là 4 tên công an xúm vào đánh hội đồng theo kiểu “tứ trụ”. Người bị đòn, văng qua góc nào là tên đứng góc đó tha hồ báng súng phang, quật; tay đấm thoi; chân đá, đạp. Chúng “biểu diễn” võ thuật liên tục 3, 4 tiếng đồng hồ không mệt mỏi, trước bao cặp mắt chứng kiến của tất cả anh em tù đang ngồi im, bất động giữa sân. Tất cả chỉ còn biết ngồi sững sờ nhìn những bạn bè đồng tù đang bị đòn, mặt mũi đầy máu me, nằm rên la trên mặt đất… Một cảnh tượng giống như tại bãi chiến trường với những binh sĩ đau đớn rên la vì vết thương, đang nằm chờ trực thăng tản thương tới bốc đưa về bệnh viện.
Sau khi bọn công an “thợ đấm” ra khỏi trại, toàn thể anh em còn lại đã cấp tốc khiêng những anh bị đánh vào lán rồi xoa dầu, đấm bóp, nắn các bắp thịt bị bầm tím trên khắp cơ thể. Anh em khối nào thì khiêng về khối đó, nằm la liệt khắp nhà, cảnh trại lúc đó chẳng khác gì cảnh một nhà xác ở bệnh viện. Sau đó có thêm 19 anh bị bắt giam và bị đánh đập thật man rợ. Chứng kiến cảnh bạo hành đầy thú tính như vậy nên khi bị tống vào nhà ri với cả chân lẫn tay bị còng, không xoay sở được, anh Vũ Ngọc Tụng, một trong những người đầu não của tổ chức, quyết định tuyệt thực 3 lần để phản đối, đòi hỏi ban giám thị phải thả các anh em khác ra, anh xin chịu trách nhiệm vì anh là người tổ chức. Sau lần tuyệt thực thứ ba, anh Tụng bắt đầu thoi thóp, nói không ra tiếng, miệng càng ngày càng khô, vì chúng bảo anh đòi tuyệt thực nên không cho uống nước luôn. Anh cố gắng thu hết tàn lực, lấy một cục vôi viết lên vách cửa những chữ: “Đả đảo Cộng sản, tôi chết cho tự do, công lý. Tôi phản đối hành động vô nhân của Cộng sản. Cộng sản phải đền tội”.
Theo lời anh Tụng thuật lại, trong số những người bị bắt, bọn cán bộ đã đánh đập để hỏi cho ra tổ chức, nhưng sự thực họ không hay biết hoặc chỉ lờ mờ suy đoán chứ không rõ ràng. Căn cứ vào lời khai của vài anh nói là họ thấy 3 anh Tụng, Tấn và Cang hay ngồi chung, chuyện trò nên bọn chúng đã tra khảo các anh rất kỹ. Chúng không ngại ngùng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, thô bạo hòng moi ra những chuyện trò các anh đã trao đổi, những hoạt động của tổ chức thế nào, kế hoạch ra sao…
Trước khi bị bắt, hai anh đã bàn bạc với nhau, nếu nội vụ đổ bể, họ sẽ khai là họ tổ chức để đòi ban giám thị trại thi hành chính sách 12 điểm của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và đối xử nhân đạo với cải tạo viên như đã từng công bố trên đài phát thanh, truyền hình cũng như báo chí. Tổ chức chỉ yêu cầu được ban giám thị thực hiện đúng chính sách của nhà nước với anh em mà thôi chứ không tổ chức để chống đối lại chính quyền cách mạng nào cả. Làm sao bọn công an tin vào cái lập luận đó. Ngoài đám công an thay phiên tra tấn, chúng còn cho bọn trật tự trại vào tận nhà ri đánh đập các anh một cách tàn nhẫn. Thật thê thảm thay cái cảnh tù nhân đánh đập tù nhân! Không biết những tên này nghĩ gì vì có khi họ ra tay còn độc ác không thua gì bọn cán bộ công an! Gánh những đòn hiểm độc trên thân thể khiến tên họ của chúng không bao giờ phai mờ trong trí óc anh Tụng được: các tên Trung úy Dậu, Thiếu úy Hồ và tên Vinh, cán bộ xây dựng nông thôn. Cả ba, từng là cựu quân cán chính của VNCH, cùng đồng cảnh tù đày, vậy mà vì lý do gì họ đã đánh mất lương tri để có hành động như thế? Tên trật tự Vinh, đã từng cầm cái ổ khóa bằng sắt rất to, đập mạnh vào đầu anh Tụng nhiều lần khiến anh bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, sờ lên đầu, anh Tụng cảm thấy những cục u to như những cái trứng vịt, bên ngoài là lớp tóc quết lại với nhau từng chùm bởi máu rỉ ra từ vết thương đã khô cứng lại. Anh Tụng còn bị tên Thiếu úy Hồ cùng với tên cán bộ Bình đá vào những chỗ hiểm trên ngực, bụng tới tấp hàng tiếng đồng hồ khiến ruột gan bầm tím, đau đớn vô tả.
Sau khi các anh trong ban tham mưu Tụng, Tấn, Cang, Liễn, Lập, Biên, Hưng bị bắt, hai anh còn lại là Nguyễn Đình Khương và Nguyễn Thuận Cát cũng bị bắt luôn khi đang lao động ngoài rẫy. Mấy tên công an ra tận nơi, đọc lệnh bắt rồi dẫn giải đưa sang giam tại Trại 2, trung tâm Bình Điền.
Anh Khương cho tôi biết, anh đã từng đánh một tên vì nghi nó làm “ăng-ten” cho cán bộ. Từ đó ban tham mưu để ý tới anh. Trước tình hình căng thẳng ở biên giới với Tàu Cộng và Kampuchia, trước sự đối xử tàn tệ vói tù cải tạo, cuộc sống không khác gì con vật, ngày về thì mù mịt vô vọng… nên khi được ngỏ ý, anh Khương sẵn sàng tham gia vào ban tham mưu 9 người của tổ chức không chút do dự. Anh kể lại, vào một buổi tối trời mưa, anh Nguyễn Thuận Cát, Đại úy BĐQ gọi anh ra họp. Khi hai người ra ngoài, các anh em trong ban tham mưu đã ngồi chờ sẵn. Trong buổi họp, anh em đề nghị anh Khương làm ủy viên tuyên huấn và kỷ luật, nhưng anh từ chối. Anh Hoàng Hưng được đề cử thay thế. Sau đó, để khỏi lộ bí mật, anh Hưng chủ trương, hội họp không giấy tờ, không làm biên bản, không gặp nhau quá 2 người. Tất cả nội dung chỉ nói bằng miệng và phải ghi nhớ trong đầu. Anh Hưng còn chủ trương, không nên khiêu khích bọn cán bộ để tránh bị theo dõi. Một khi bị lộ sẽ bị chúng tiêu diệt ngay.
Anh Khương cho tôi biết đã từng không tán thành việc tổ chức đêm lễ Phục Sinh nhưng vì là thiểu số nên việc này vẫn xảy ra. Vì bị bắt cuối cùng nên anh Khương chỉ bị đánh đập nhẹ hơn các anh khác rồi tống vào nhà biệt giam ở một góc của Trại 2.
Phòng biệt giam thực ra chỉ là một cái phòng nhỏ làm bằng ri sắt, vừa thấp vừa hẹp. Đứng lên, ngồi xuống, quay qua, quay lại rất khó khăn. Anh Khương bị giam trong đó đúng 4 năm 8 tháng. Tay chân anh bị còng thường xuyên. Hai cổ chân anh bị trầy, lở loét vì mỗi khi xoay sở va chạm vào cái vòng sắt rỉ sét ôm sát vào ống quyển. Vết loét ngày càng lan rộng vì bị nhiễm trùng mà không có thuốc men để xức. Được thể, những con gián đánh hơi mùi thịt thúi vì vết lở mưng mủ, bò lại đục khoét thêm. Cái cảm giác đau đớn khó diễn tả mà anh đành cắn răng chịu đựng vì không có cách gì xua đuổi mấy con gián quái ác đó đi được trong lúc cả hai tay cũng bị còng. Phần ăn cho tù biệt giam bị cắt giảm chỉ còn 6kg gạo một tháng, quy ra khoai sắn nên bữa ăn sáng không có. Cơ thể anh ngày càng xác xơ, tiều tụy thê thảm, chỉ còn da bọc xương. Tình trạng các anh Tấn, Cang, Tụng, Lập, Liễn, Biên, Cát và Hưng cũng không khác. Sau 13 năm bị giam cầm trong trại tù cải tạo, anh Khương cuối cùng cũng được trả tự do về với gia đình với cái hình thài thân tàn ma dại.
Nhân lúc kể cho tôi nghe về việc anh tham gia vào vụ 20 tháng 4 ở Trại Bình Điền, anh Khương còn nhắc đến các vụ tên “ăng-ten” Trần Trọng Truồi bị đánh tại trại, vụ Thiếu úy Trần Hữu Sơn bị bọn công an vật như con nhái đến chết, vụ Thiếu tá Võ Đằng Phương cùng anh ta thảo bức thư gởi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cả ba vụ này, anh Khương đều tận tai nghe, mắt thấy, nên anh chính là một nhân chứng rất quan trọng.
Vụ thứ nhất, theo lời anh, tối hôm đó, sau khi đã được căn dặn cẩn thận. anh Nguyễn Đại Hùng, cựu Thiếu úy Đại đội trưởng công vụ TĐ120ĐPQ, đã chuẩn bị tâm tư, nghiên cứu đường đi nước bước, tính cho tên Trần Trọng Truồi một bài học. Anh Hùng lấy khăn bịt mặt lại để khỏi bị nhận diện, cầm một thanh sắt dài, rón rén đi lại chỗ tên Truồi đang nằm. Thấy một cây đèn cầy đang đốt sáng cạnh giường nằm của nó, anh Hùng đưa thanh sắt gạt mạnh để dập tắt hầu dễ dàng hành động trong bóng tối. Khi thấy có người đưa cây sắt gạt cây đèn cầy, tên Truồi hoảng hốt vùng dậy né tránh sang một bên khiến thanh sắt anh Hùng giáng xuống không trúng người nó mà trúng vào sợi dây thép treo mùng. Tên Truồi thoát hiểm chứ nếu không có thể vị vỡ đầu toi mạng vì cú đập khá mạnh. Sợ bị phát hiện, anh Hùng nhanh chân biến mất. Sự việc đồn ầm cả trại. Mọi người chỉ biết là tên Truồi bị đánh chứ không rõ ai là “người hùng” đã ra tay trừng trị nó, một tên “ăng-ten” nổi tiếng của Trại 4, thuộc trung tâm Bình Điền.
Vụ thứ hai, khi anh Trần Hữu Sơn, khóa 29 VBQGĐL bị bọn công an vật như nhái ngay trước cổng trại, anh Khương thấy rất rõ vì chỗ anh nằm trong nhà biệt giam cũng sát gần đó. Bốn bức tường phòng biệt giam làm bằng tre trét phân trâu nên có rất nhiều kẽ hở. Anh Khương còn nhớ như in từng chi tiết, cái cảnh bọn công an đã dợt anh Sơn như thế nào.
Sự việc bắt đầu sau khi anh Sơn tắm ở dưới suối lên đi vào trại. Tới cổng, anh bị mấy tên công an trong trại đi ra chận lại. Anh xin chúng cho vào gặp trưởng trại để trình bày nỗi oan ức của mình nhưng chúng không cho. Vài phút, lời qua tiếng lại sao đó, mấy tên công an xúm lại đánh đập anh nhừ tử. Vừa đấm, đá, đạp… dù anh đã ngã nằm sõng xoài trên mặt đất. Một công an tên Đính nắm hai cổ tay, tên Thượng sĩ Lực chụp hai ống quyển của anh Sơn, cùng nhau hất bổng anh tung lên trời rồi buông ra. Cái thân xác anh lúc đó tuy bị thương tích khắp nơi nhưng vẫn còm cảm giác vì đau đớn. Sau khi bị tung lên cao và rớt xuống mặt đất, một tiếng “bịch” khô khan vang lên, cái xác anh như bất động, không còn nhúc nhích. Có lẽ anh đã bất tỉnh. Nhưng, chúng nào đã tha, chúng nhào tới chụp những ngón tay bẻ nghe kêu răng rắc, đá liên tu ti vào ngực, bụng, sườn… Bọn công an còn chưa thỏa mãn, chúng bẻ quặt tay anh ra đằng sau lưng, quay mặt ngửa lên trời, lấy chân đạp, day day lên mặt anh như người hút thuốc day cái mẩu thuốc tàn sau khi liệng bỏ.
Chứng kiến cảnh tượng này, ngồi trong phòng biệt giam, anh Khương chỉ còn biết xót xa thầm trong bụng. Thương thay cho một sĩ quan trẻ, mới ra trường, xuất thân từ một quân trường hiện dịch, khóa 29 VBQGĐL, anh đã tình nguyện chọn cho mình con đường để phục vụ Tổ Quốc với lý tưởng vì tự do, chống lại bọn Cộng sản hiếu chiến, xâm lược miền Nam. Lý tưởng chưa thành, bị tống vào đây, anh lại phải gánh chịu những đòn thù của bọn công an không còn nhân tính.
Sau trận đòn dã man này, anh Sơn được khiêng thẳng vào giam tại nhà ri của Trại 2. Thời gian ở đây, các bộ phận trong lục phủ ngũ tạng của anh đã bị chấn thương trầm trọng. Không có thuốc men, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, những bộ phận bị bầm dập đã trở thành hư thúi và bốc mùi từ trong. Chỉ nửa tháng sau, anh Trần Hữu Sơn trút hơi thở cuối cùng trong nhà biệt giam của Trại 2. Khi hay tin, anh em trong trại đã rơi lệ. Mọi người đều tiếc thương một sĩ quan đầy gan dạ, khí phách, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng tự do cho dân tộc. Anh đúng là mẫu người phải được vinh danh trước QL/VNCH và Tổ Quốc.
Trong lá thư đề ngày 18 tháng 7 năm 1992 gởi cho tôi từ Dallas, tiểu bang Texas, anh Trần Quang Miễn đã viết về anh Trần Hữu Sơn như sau:
“Mình chứng kiến cái chết bi tráng của Trần Hữu Sơn. Một sĩ quan Đà Lạt ra trường non hai năm rất trẻ và đẹp trai. Nếu không có biến cố 75, anh sẽ có một tương lai đầy danh vọng và quyyền lực. Còn nếu anh chấp nhận cúi đầu trước sự phi nhân và bạo lực, anh có thể ra khỏi tù và có một đời sống bình thường trong câm lặng như bao kẻ khác. Không! Anh chọn sống thành người với đầy đủ nhân cách và phẩm giá. Anh hoạt động phản đối chính sách đối xử bất nhân của Cộng sản với tù nhân Trại 4. Làm reo, tuyệt thực, đưa kiến nghị. Rồi anh bị bắt, bị đánh đập, biệt giam, chuyển trại. Anh đã bị bắt trong nhóm Nguyễn Tri Tấn (vụ 20 tháng 4 ở T4) đưa về biệt giam ở T2. Lúc đó tôi bị điệu từ biệt giam T5 đến T2 để bọn chấp pháp thẩm cung và cùng nằm cùm chung một nhà với Sơn. Khoảng ba tháng sống chung, cùng dưới một mái sắt biệt giam, tôi thấy hết những đặc tính thanh niên kiên cường bất khuất của Sơn. Anh vẫn tiếp tục đấu tranh bất bạo động: tuyệt thực vô thời hạn. Suốt 10 ngày cao điểm, anh đứng cất cao đầu, mặt nhìn thẳng, nghiêm trang và im lặng. Bọn cai tù tìm mọi cách khiêu khích, anh vẫn im lặng và đòi gặp trực tiếp thủ trưởng của chúng mới chịu có ý kiến. Những miếng bánh mì đen luộc cho tù, phát theo khẩu phần do anh em có trách nhiệm đem lại vẫn để chồng chất, mốc thếch dưới chân Sơn.
Hai chân Sơn tụ máu sưng húp sát vào vòng cùm sắt 10 ly quanh cổ chân, nhưng anh vẫn đứng đó như một thách thức bạo lực. Bọn cai tù đã dùng những “tuyệt chiêu” võ lực xô ngã hòng uy hiếp anh phải khuất phục. Anh vẫn bật thẳng dậy sau đó và lại uy nghiêm, hùng tráng như ngạo nghễ thách thức. Cho đến một sáng kia, tấm thân vô thường của Sơn không còn chịu đựng nổi nữa, phải ngã gục. Pho tượng bằng xương thịt của anh nằm xuống nhưng tinh thần bất khuất của người chiến sĩ tranh đấu cho lý tưởng tự do vẫn mãi mãi tồn tại. Trong thâm tâm anh, anh rất thanh thản vì biết được cái giá mình phải trả khi hành động chống đối của mình bị lộ và vai trò của mình đã chấm dứt”.
Nói tóm lại, trong vụ 20 tháng 4 năm 1979, các anh Nguyễn Tri Tấn, Vũ Ngọc Tụng, Phạm Cang, Lê Quang Liễn, Trần Biên, Nguyễn Thuận Cát, Nguyễn Đình Khương, Hoàng Hưng, Phan Văn Lập Nguyễn Hữu Ái, Hồ Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Thiện, Võ Văn Xuân, Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Văn Báu. Trần Hữu Sơn và một số anh em khác đều bị giam và bị tra tấn, đánh đập một cách dã man tại trại cải tạo Bình Điền.
Mặc dù đã thất bại, cuộc bạo động này đã nói lên được tinh thần bất khuất và kiên cường của sĩ quan QL/VNCH dù đang bị giam cầm trong ngục tù Cộng sản.
Bởi đã được rèn luyện kỹ lưỡng từ vật chất đến tinh thần, các quân nhân QL/VNCH dù sa cơ thất thế trong cảnh tù đày, vẫn luôn giữ vững niềm tin, thắng không kiêu, bại không nản, quyết một lòng bảo vệ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm đến giọt máu cuối cùng bất chấp họng súng bạo tàn của Cộng sản luôn luôn chĩa vào họ. Không thành công nhưng họ đã thành nhân vậy.
Dương viết Điền
(Trích từ hồi ký tù cải tạo “Trại Ái Tử và Bình Điền”, xuất bản năm 1993, tái bản năm 2003)