Một Nơi Để Về

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 TuCaiTaoBiDuaRaBacVN

Về Nam, hai tiếng ấy luôn luôn réo gọi trong nỗi hi vọng chứa chan của chúng tôi, những tên tù biệt xứ. Từ ngày xuống tàu Sông Hương ra Bắc, cả một lũ lôi thôi lếch thếch đổ bộ lên – một kho năm kho bảy gì đó – cảng Hải Phòng, trong một buổi chiều nhá nhem, giữa những ánh đuốc và ánh mắt hận thù, giữa súng, lưỡi lê và tiếng gầm gừ của đàn chó săn Đông Đức, chúng tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng không bờ bến . Miền Nam giờ đã quá xa, ba ngày đêm dưới những khoang tàu trâu ngựa, ngập ngụa tanh hôi, xa trong nỗi nhung nhớ xót xa. Ở phương trời đó bao nhiêu gia đình , có cả con thơ, vợ dại, mẹ già ngày đêm trông ngóng , mò mẫm trong những mớ tin đồn , những thông cáo trấn an...Không ai biết chúng tôi đi đâu, bằng phương tiện gì, chết sống, đày đọa ra sao .

Trên chuyến tàu đêm hôi hám, nghiêng ngửa xô lệch, chúng tôi nghe nỗi va chạm giữa những bộ xương gầy ấy với thân con tàu cứng lạnh, giữa những bánh xe rên xiết rợn người trên những đường sắt . Chúng tôi nghe gió rít ngoài khung cửa , và tiếng còi tàu thỉnh thoảng thét lên trong đêm khuya như để dọa nạt , gieo thêm nỗi kinh hoàng của những con vật người chất chồng trong nhứng toa tàu đang lao mình về với địa ngục. Rồi buổi sáng ra, bao nhiêu phong cảnh của quê hương, những địa danh đã thường nghe trong những bài địa lý ngày xưa, những nhà ga, những chiếc cầu sắt hoen rỉ lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi , trong một nỗi ngỡ ngàng , xa lạ.

Chúng tôi tới Yên Báy , một nhà ga nhỏ cuối đường tàu, còn vết đào xới vì chiến tranh , chung quanh nhà ga chỉ thấy toàn đàn bà lam  lũ  và công an áo vàng. Qua những nẻo đường đất nước , giữa cơn nắng tháng tám nám đen những khuôn mặt, giữa những trận mưa đá hận thù được dàn dựng. Cảnh cáo chúng tôi không được ngẩng mặt lên nhìn ai . Đây chính là đất trích của những kẻ phát vảng, như trong chuyện  chiến tranh thời cổ, kẻ chiến thắng chở chiến lợi phẩm và bắt tù binh đem về hậu cứ...Chúng tôi qua thác Bà, vùng đất trước đây là thung lũng , nay đã trở thành hồ lớn , vết tích những công trình xây dựng còn sót lại là cái nóc nhà thờ với cây thập tự nhỏ nhô lên khỏi mặt nước. Chúa ơi ! có nỗi khổ nào bằng , sao Chúa đã bị đóng đinh rồi mà chúng còn dìm Chúa xuống nước !

Từ Hoàng Liên Sơn, chúng tôi dõi nhìn về phương Nam , chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Miền Nam đã xa khỏi tầm mắt , chỉ còn trong nỗi nhung nhớ không nguôi . Những buổi chiều rã rời trở về trại , nghe thoáng trong gió đưa xa tiếng mõ trâu , lê bước qua những ngôi nhà sàn, thèm chút hơi ấm từ những bếp lửa gia đình và tiếng cười nói xôn xao. Những đêm mùa đông buốt giá , thân ve bụng lép, trăn trở trên vạt tre già, những ngày lên rừng xuống nương thất thểu với gốc cây rừng , bó nứa nặng trên vai, tôi vẫn nhủ thầm , an ủi, phải sống mà về.

Về Nam, có nghĩa là chúng tôi chấp nhận khổ đau của cuộc đời tù tội giảm lại chỉ còn một nửa. Năm nào, vào những tháng muà đông, chúng tôi trong những lúc tán gẩu vẫn thường hỏi nhau : “ Tết năm nay bọn mình ăn bánh chưng hay bánh tét ? “ Bánh chưng là Tết phương Bắc, bánh tét là vị Tết miền Nam. Nếu chưa về sum họp với gia đình, thì ít nhất cũng được về miền Nam nắng ấm . Chúng tôi đã quá chịu đựng với những đêm co quắp vì lạnh nằm nghe tiếng gió rít trên đồi, với tiếng loa rè rè phát thanh bản tin cuối cùng của đài Hà Nội , những buổi sáng trời còn sương muối, cơn lạnh cắt da thịt những bàn chân trần lội qua con suối lạnh.

Cho nên trước ngày được tin sửa soạn về Nam, chúng tôi rộn rã, phấn chấn như được ra tù. Ở Bắc chúng tôi là những người tù xa xứ bị giam giữ giữa những vòng vây  súng đạn và hận thù. Về Nam, chúng tôi là những người bạn bị sa cơ thất thế, còn trong vòng lao lý.

Con tàu qua cầu Hiền Lương, rồi từ đó con tàu chạy sát với quốc lộ ruột rà đã mang biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Trên những nhà ga miền Nam, những em bé đã vẩy tay không ngớt chào đón chúng tôi trở về bằnh những món quà nhỏ dạn dĩ ném qua cửa sổ con tàu, những người mẹ nhìn theo cánh tay aó chùi ngang khóe mắt. Những lòng nhà ga miền Nam chúng tôi đi qua đã được phong toả bằng mọi hình thức. Sau những cánh cửa đóng, sau những hàng rào kẽm là bà con miền Nam chúng tôi đang vui mừng mà ngậm ngùi đón chúng tôi trở về.

Xưa kia, những ngày lớn lên sống xa nhà tôi vẫn thích có những ngày được trở về Huế. Trở về Huế, chứ không phải ra Huế. Về, có nghĩa là trở lại nơi phát xuất, nơi đã từ đó mà ra đi, về là về với cội nguồn, gốc gác, vì vậy trong đời tôi, đã bao nhiêu lần nhắc tới một chỗ về, một ngày về, và đã bao giờ thực hiện được một chuyến về. Sau bao nhiêu nỗi thăng trầm, đau khổ, tôi muốn được trở về, có dịp tắm lại trong giòng sông ấu thơ. Trở về, trở về một nơi tôi có cả một quảng đời ấu thơ vui buồn, nơi còn có mẹ tôi và căn nhà cũ đầy kỷ niệm, nơi có một ngôi làng nhỏ, nơi có con sông, những mái trường cũ, những thảm cỏ xanh, dù sao đi nữa cũng dịu dàng, êm ái của một thời.

Tôi xuống sân ga một đêm trời mưa rét, Huế tù mù lạnh lẽo với những ngọn đèn đường vàng vọt. Nỗi khốn khó, khổ đau và cả nỗi nhẫn nhục hiện lên đậm nét trên từng khuôn mặt của người phu khuân vác, những người lái xe ôm và tôi nghe cả trong tiếng rao hàng trong khuya nỗi mệt mỏi chán chường và chịu đựng của một đời nghèo khó tỉnh nhỏ.

Tiếng còi tàu thường réo gọi, thôi thúc người ta đi xa, tiếng còi tàu hôm nay, trong ngày trở về nhắc đến cho tôi bao nhiêu nỗi ly biệt, ngăn cách . Dưới chiếc cầu ga, giòng sông Ngự tăm tối vẫn lặng lẽ chảy, giòng sông đã từng ôm ấp bao nhiêu hình ảnh của một thời áo trắng, và trên con đường ướt mưa đêm tôi như hình dung ra tiếng guốc của một tháng ngày đã xa.

Tôi không tìm được một nơi trở về yên tĩnh. Ở nơi đó có quá nhiều thay đổi khiến người ta phải xót xa, có quá nhiều mất mát làm người ta phải ngậm ngùi. Những bờ thành vỡ nát rêu phong, những con đường gạch xô lệch, những hồ sen khô cạn, những cây sứ không còn hoa, những khẩu súng thần công nằm trơ trụi  dưới trời mưa nắng . Đó là cảnh vật, còn con người ? Tôi như ít gặp lại những người quen biết, hình như họ đều là những người đã đi xa. Tôi gặp rất nhiều khuôn mặt lạ lẫm của những người mới tới. Những người khác cho ở lại là số phận hẩm hiu cuộc đời đã dành cho họ. Những gì của quá khứ như đã vùi sâu trong những phần mộ, lăng tẩm, những gì thuộc về tương lai mang vẻ héo hắt cằn cỗi. Những nụ cười thường hiếm hoi và những đôi mắt nhìn nhau như e ngại. Những gì tôi bắt gặp hình như khác xa những gì tôi thường ôm ấp và vẽ vời trong trí tưởng tượng cho một ngày về.

Đêm cuối cùng trước khi rời Huế, đã khuya, tôi còn muốn ngồi nán lại trên một đoạn bờ sông nào đó. Trong đêm, tôi có cảm tưởng như nghe được hơi thở của đêm, tiếng chèo xô nước của một con thuyền vừa di chuyển, ánh đèn thấp thoáng bên kia sông như một nỗi buồn hiu hắt. Nơi tôi muốn trở về hình như có một đời sống khác , ẩn sâu và chìm lắng, nó khơi dậy cho người trở lại những nỗi buồn, cuốn người ta chìm sâu vào trong những gì không có trong hiện hữu mà ở một cõi nào khác.

Ngày mẹ tôi qua đời, tôi đang ở xa mẹ tôi nửa vòng trái đất. Đã lâu rồi không được gặp mẹ, tôi không hình dung nổi bây giờ bà ra sao, hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ trong lòng về mẹ tôi là đêm cuối cùng , lúc bà nằm ngủ yên trong chiếc mùng nhỏ đã buông xuống, hai tay chấp trên ngực, hơi thở đều hoà. Có lẽ lúc mẹ tôi nằm trong quan tài, khi hơi thở không còn, cũng với tư thế như vậy . Tôi đứng lặng nhìn mẹ tôi, bịn rịn không muốn chia rời, vì tôi biết tôi khó lòng gặp lại mẹ tôi. Sáng hôm sau tôi đã lên tàu sớm, để sau đó thực hiện một chuyến đi xa...Bây giờ dù tôi có dịp được về, mẹ tôi cũng không còn nữa. Chính mẹ là hình ảnh của quá khứ, quá khứ thoạt đầu ở rất xa, rồi cuối cùng nhạt nhoà, nhưng vẫn còn lặn sâu trong tiềm thức, trồi lên trong những giấc mơ, như nỗi hồi tưởng đột nhiên trở lại không hề báo trước.

Xưa kia, dù ở nơi đâu, tôi cũng có một chỗ để trở về. Những chiều mùa đông rét mướt, hay một ngày nắng hạ oi nồng, khi thành phố đã lên đèn, căn nhà nhỏ bao giờ cũng là nơi để trở về vào cuối ngày. Tôi xếp bỏ những mệt mỏi phiền muộn của một ngày  để trở về trong ánh đèn ấm cúng, dưới khung cửa thân quen. Cũng như tôi đã bỏ một thành phố xô bồ rộn ràng tiếng động , với những món nợ áo cơm để trở về một nơi nào đó yên tĩnh, mà tôi có thể tìm thấy lại mình trong tuổi ấu thơ hồn nhiên không hề lo nghĩ.

Bây giờ là những ngày tháng ở xa. Tôi như một con nước đã đi quá xa nguồn, qua sông, về biển. Tôi như con chim đã quá đường bay, đang ở một phương trời xa lạ. Tôi còn có chăng một nơi để trở về. Xưa đi xa, tôi muốn trở về nhà ; ra Bắc , tôi muốn trở về Nam ; ở Sài Gòn, tôi muốn trở về Huế. Có lẽ điều bất hạnh nhất của một đời người là không có một nơi nào đó để trở về. Tôi nghĩ đến điều đó nhiều năm nay và sẽ ấp ủ nó mãi mãi sau này, và đôi khi bất chợt rùng mình sợ hãi, nếu thật hôm nay tôi chưa có một nơi để trở về .

Con chim phiêu bạt có một phương nam nắng ấm để trở về trong mùa đông, những con én mỗi năm trở về vỡi mùa xuân trên tháp chuông Capistrano, người tù khổ sai còn có một đoạn đời cuối trở lại căn nhà cũ. Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc, lúc nào cũng canh cánh bên lòng một nỗi hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa. Sau những ngày ở xứ người phong trần  , mỏi mệt, tôi biết trở về đâu. Quê hương không xa lắm trên đường bay của một cánh chim , nhưng xem chừng như còn quá nhiều cách trở. Chung cuộc, nỗi xót xa cuả chúng ta là nỗi xót xa vỏ cây bị bóc rời ra khỏi cốt lõi, đã đau đớn lóc ra khỏi xương.

Những niềm mơ ước đơn sơ ấy rồi trong những ngày cuối của cuộc đời, chúng ta có thực hiện được không ? Đó là nơi về của thân xác, nhưng phải chăng thân xác phải trở về với cát bụi như thân xác ấy từ cát bụi mà ra.

Bây giờ là lúc tóc đã bạc, tuổi đã xế chiều, những mơ ước hăng say của một thời đang dần dần đi chậm lại , mang thêm chút mệt mỏi buồn phiền của những điều bất như ý . Tôi thấy quá khứ hình như đã đứt đoạn, quay đầu nhìn lại thấy cả một khoảng cách thật xa, mà trước mặt, những ngày cuối cùng của một đời người hình như lại rất ngắn ngủi .

Nếu thực sự cõi đời này là cõi tạm, thì chúng ta chắc chắn sẽ có một nơi là vĩnh hằng. Nếu xem cuộc đời này chỉ là nơi sống gởi – sinh ký, thì rồi chúng ta có một chốn để về – tử quy. Một nơi để về, phải chăng trong suốt đời người, chúng ta luôn luôn nghĩ về một nơi và một lúc như thế, dù có khác nhau , nhưng cuối cùng vẫn là một.

Huy Phương

( trong “ Nước Mỹ Lạnh Lùng “ )