Vài Kỷ Niệm với Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
DoaQuocSy

Lúc còn đang theo học bậc trung học, tôi đã có dịp đọc được một vài tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Một trong những tác phẩm tôi thích nhất là cuốn “Gìn Vàng Giữ Ngọc”.

Vì ở miền Trung nên tôi không hân hạnh được học với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và cũng chưa hân hạnh được diện kiến nhà văn. Mãi cho đến khi sang Mỹ tôi mới có dịp gặp nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Vào khoảng tháng 03 năm 2003, tôi nhận được giấy mời của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Nam California, xuống Quận Cam họp để chuẩn bị bầu Ban Chấp Hành mới của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Vì nằm trong ban tổ chức do anh Trần Thy Vân, chủ tịch Hội Văn Bút Nam Cali, chỉ định, tôi cũng giúp anh em trong ban tổ chức một tay tiếp đón các văn hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự đại hội.

DQSyvaDVDien

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Dương viết Điền

Chính trong dịp này tôi đã gặp nhà văn khả kính Doãn Quốc Sỹ. Sở dĩ có sự hiện diện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngày hôm ấy vì nhà văn là một trong những nhân vật nằm trong ban cố vấn của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Lúc nhà văn Doãn Quốc Sỹ đang ngồi nói chuyện với một văn hữu bên cạnh, tôi tiến lại gần nhà văn và khi nhà văn vừa ngưng nói chuyện, tôi liền kính cẩn nghiêng mình rồi lên tiếng chào nhà văn sau khi tự giới thiệu tên tuổi mình:

- Nghe danh giáo sư từ lâu nhưng mãi đến bây giờ mới hân hạnh được diện kiến giáo sư

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa nhoẻn miệng cười vừa nói:

- Dạ không dám!

Sau một vài phút tâm sự rồi chúc sức khoẻ nhà văn, tôi liền tặng cho nhà văn hai tác phẩm của tôi. Đó là cuốn hồi ký “Trại Ái Tử và Bình Điền” và cuốn “Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân”. Sau khi tặng xong, tôi có nhờ giáo sư cho một vài nhận xét về hai tác phẩm đó. Nhân thấy có nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhà văn Minh Đức Hoài Trinh ngồi bên cạnh, tôi cũng tặng cho hai vị này mỗi vị cũng hai tác phẩm của tôi luôn. Sau đó vì bận công việc trong ban tổ chức nên tôi xin tạm biệt giáo sư để giúp anh em một tay. Sau ngày hội ngộ của các văn hữu trong Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Nam California, chúng tôi chia tay nhau ra về và không biết bao giờ sẽ gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ nữa. Vì gặp giáo sư Doãn Quốc Sỹ lúc đang bận rộn nên tôi không có nhiều thì giờ để được tâm sự và hiểu biết giáo sư nhiều.

Mãi đến 3 năm sau trong dịp ra mắt tuyển tập Nam Phong tại hội trường Thánh Thất Cao Đài ở California, tôi mới có dịp được gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ.

Số là ban chủ trương và thực hiện tuyển tập Nam Phong ra thông báo sẽ tổ chức một buổi ra mắt tuyển tập I tại Nam California và yêu cầu các tác giả có đăng bài trong tuyển tập hãy đến tham dự. Thế là tôi và nhà văn Việt Hải rủ nhau xuống Quận Cam để tham dự buổi ra mắt. Trước khi đi anh Việt Hải (một trong những người nằm trong ban thực hiện Tuyển tập Nam Phong) cho tôi biết rằng có nhiều nhà văn nổi tiếng như qiáo sư Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nguyễn Thị Vinh (trong Tự Lực Văn Đoàn) cũng sẽ tham dự buổi ra mắt sách thể theo lời mời của ban chủ trương và thực hiện tuyển tập vì các nhà văn tiền bối này cũng có bài đăng trong tuyển tập. Vì đi nhờ xe của một người bạn nên tôi phải theo bạn tôi xuống Quận Cam rất sớm nên khi đến hội trường, tôi thấy chỉ có một vài người trong ban tổ chức đang sửa soạn sân khấu và giăng biểu ngữ. Lúc ấy lòng tôi thật nôn nóng muốn được gặp lại giáo sư Doãn Quốc Sỹ, một nhà văn nổi tiếng như sóng cồn từ nhiều thập niên qua với những tác phẩm viết rất công phu và mang nhiều sắc thái của nền văn hoá dân tộc Việt Nam có trên 4 ngàn năm văn hiến. Những tác phẩm như  Sợ Lửa (1965), U Hoài (1957), Gánh Xiếc (1958), Gìn Vàng Giữ Ngọc (1959), Dòng Sông Định Mệnh (1959), Hồ Thuỳ Dương (1960), Trái Cây Đau Khổ (1963), Người Việt Đáng Yêu (1965), Cánh Tay Nối Dài (1966), Đốt Biên Giới (1966), Sầu Mây (1970), VàoThiền (1970), Người Vái Tứ Phương, Dấu Chân Cát Xoá, Mình Lại Soi Mình, Khu Rừng Lau, Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng v.v… đã đưa nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào thẳng lâu đài văn học sử Việt Nam. Vì thế trong văn học sử Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã chiếm một vị trí hết sức quan trọng vì đã tạo nên một trang văn học thật sáng chói và huy hoàng. Trong lúc chờ đợi giáo sư Doãn Quốc Sỹ đến để được tiếp chuyện và nghe giáo sư bàn về văn học, tôi thấy nhiều nhân vật mà tôi chưa từng quen biết bước chân vào hội trường. Đoán chừng những nhân vật nầy là những tác giả có đăng bài trong tuyển tập đến tham dự, tôi tiến lại gần họ và cúi đầu chào. Thấy một anh vóc dáng cao cao, đầu đội mũ bêrê đen chào lại, hỏi ra mới biết đó là nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, phu quân của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, từ Na Uy đến. Sau đó tôi tự giới thiệu tên tôi cho anh Nhật biết. Thế là hai người ôm chầm lấy nhau như quen nhau đâu từ tiền kiếp mặc dầu trước đây chúng tôi chưa hề gặp nhau bao giờ, mà chỉ gặp nhau qua báo chí, có bài đăng chung cùng tuyển tập, qua internet và đọc tiểu sử của nhau thôi! Sau phút hạnh ngộ diệu kỳ đó tôi liền hỏi anh Nhật nhà văn Nguyễn Thị Vinh đâu, anh Nhật cho biết nhà văn Nguyễn Thị Vinh đang còn ngồi ngoài xe và cũng sắp vào hội trường. Tôi liền xin phép anh Nhật ra ngoài để chào đón một nhà văn nữ có chân trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu, qua những tác phẩm đã một thời vang bóng tôi đã đọc được hồi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường. Khi đến gần xe, tôi thấy một người đàn bà trạc độ gần 70 tuổi ngồi một mình trên xe phía bên tay lái. Vì lúc vừa ra khỏi hội trường, một người ngồi ở ghế ngoài cửa cho tôi biết nhà văn Nguyễn Thị Vinh đang ngồi ở trên xe nên khi vừa thấy nhà văn tôi hơi ngạc nhiên. Vì theo tiểu sử của nhà văn, năm nay (2005) nhà văn đã 81 tuổi (sinh năm 1924). Nhìn người đàn bà ngồi trên xe tôi thấy trẻ hơn nhiều. Khi tiến đến gần xe, tôi liền cúi đầu chào rồi nói ngay:

 - Dạ kính chào chị. Nghe danh tiếng của chị đã lâu ngay từ lúc còn ở tại quê nhà, mãi cho đến bây giờ em mới diện kiến được chị ở quê người đất khách.

Tôi vừa nói xong thì thấy nhà văn Nguyễn Thị Vinh chắp hai tay trước mặt như lúc lễ Phật rồi nói:

- Dạ không dám.

Thấy chị Nguyễn Thị Vinh chắp tay lại làm tôi giật mình vì tuổi tác của chị đáng vào bậc dì hay mẹ mình nên tôi cũng chắp tay lại đáp lễ ngay rồi mời chị vào hội trường. Chị bảo từ từ rồi chị sẽ vào sau vì đang còn sớm.

Sau khi chào nhà văn Nguyễn Thị Vinh xong, tôi liền vào ngay hội trường để đón chào giáo sư Doãn Quốc Sỹ. Khoảng 20 phút sau, giáo sư Doãn Quốc Sỹ từ ngoài cửa bước vào hội trường. Đi bên cạnh giáo sư là một người đàn ông cũng trạc tuổi giáo sư mà tôi đoán là bạn vong niên. Tôi liền tiến về phía giáo sư và kính cẩn cúi đầu chào. Sau khi nhắc lại lần gặp gỡ đầu tiên trong ngày đại hội Văn Bút Việt

Nam Hải Ngoại, tôi liền tặng cho giáo sư mấy tác phẩm cũ của tôi, thêm thi phẩm “Ngậm Ngùi” nữa. Sau đó giáo sư, bạn giáo sư và tôi cùng một vài anh ngồi nói chuyện văn học. Vài phút sau tôi thấy nhà văn Việt Hải và nhà văn Nguyễn Ngọc Minh bước vào. Nhà văn Việt Hải đến sau tôi vì đi nhờ xe nhà văn Nguyễn Ngọc Minh. Mặc dầu chúng tôi ở gần nhau nhưng cả hai đều không lái xe được nên phải nhờ xe bạn bè chở xuống. Thế là chúng tôi ngồi quây quần bên nhau để nghe giáo sư Doãn Quốc Sỹ bàn chuyện văn học nghệ thuật. Được dịp ngồi bên cạnh giáo sư, tôi mới nhận thấy rằng giáo sư đúng là một mẫu người rất khiêm tốn, bình dị. Khuôn mặt rất nhân hậu, trí thức. Nụ cười thật hiền hòa, dễ thương, tươi tắn, luôn luôn nở trên môi dù tuổi tác đã xế chiều. Xuyên qua những lời nói khi bàn về văn học, tôi thấy giáo sư tự hạ mình ngang hàng với những đối tượng đang ngồi nghe. Giáo sư như muốn hòa mình với tha nhân với tuổi trẻ, muốn tha nhân, tuổi trẻ và giáo sư cùng đập chung một nhịp tim, cùng thổn thức hay nức lòng một giai điệu văn học. Giáo sư vừa làm trưởng ban nhạc, cầm đũa đánh nhịp một bản đại hợp xướng nhiều bè, vừa muốn hát chung cùng những ca viên trên sân khấu khiến người nghe bản đại hợp xướng thật êm dịu và hài hòa. Đó là lý do khiến giáo sư luôn luôn muốn hòa mình với tha nhân để cùng nhau bảo tồn và phát huy nền văn học nước Việt. Nếu không nền văn học hải ngoại sẽ mai một trong một sớm một chiều. Chính điểm nầy khiến giáo sư đã không quản ngại đường sá xa xôi, quyết chí lên đường bay sang California để tham dự buổi ra mắt tuyển tập Nam Phong nầy. Chính điểm nầy khiến giáo sư nhất quyết lên đứng trên sân khấu chung với những tác giả có bài đăng trong tuyển tập, để được ban tổ chức giới thiệu với cử toạ, nhưng tuổi tác và trình độ của họ đáng ngang hàng với học trò mình như tôi, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, nhà văn Ngọc An, nhà văn Việt Hải, nhà văn Cù Hoà Phong, nhà văn Hà Đình Huy.

DVDien vaThabHuu
Từ trái: Nhà văn Đỗ Tiến Đức, một thân hữu,

Dương Viết Điền, nhà văn Bích Huyền, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Ngọc An.

Hành động này đúng là biểu tượng của hòa đồng làm nức lòng tha nhân và tuổi trẻ, khuyến khích tha nhân và tuổi trẻ hãy cùng nhau bảo tồn và phát huy nền văn học nước nhà. Bởi vì giáo sư Doãn Quốc Sỹ biết rằng nếu không bảo tồn và phát huy nền văn học nước nhà, rồi đây nền văn học của chúng ta sẽ bị lai căng, mất gốc vì sẽ bị ảnh hưởng nhiều sắc thái của một vài nền văn học ngoại lai, bệnh hoạn. Và khi nền văn học bệnh hoạn, đau yếu thì xã hội cũng khó mà lành mạnh được đúng như lời của tư tưởng gia Maurice Nadeau đã từng nói “Quand la litérature a mal, la société ne va pas bien (Khi văn chương đau yếu, thì xã hội không lành mạnh). Tuyển tập Đồng Tâm chính là thửa đất mà giáo sư và nhà văn Tạ Xuân Thạc muốn tất cả các văn nhân nên tham gia vào để bảo tồn và phát huy nền văn học. Đây là nơi giáo sư muốn gieo những hạt mầm văn học cho tương lai, và cũng là nơi “dụng võ” của tao nhân mặc khách. Vì quyết chí hoà đồng với mọi người nên trong truyện ngắn “Người Vái Tứ Phương”, giáo sư đã không ngần ngại hạ bút viết: “Thế giới nầy là nơi cộng đồng trách nhiệm. Khi cái đẹp, cái thiện đã được khơi nguồn, thắp sáng, người ta dễ bề mở rộng cái tôi cá biệt đi vào cái ta hòa đồng”.

Và với những ước mơ suốt đời canh cánh bên lòng, giáo sư luôn luôn cổ xúy và  xiển dương tư  tưởng “Gìn Vàng Giữ Ngọc” để bảo tồn nền văn hóa nước Việt, ngõ hầu khỏi làm phật lòng thi hào Nguyễn Du qua hai câu thơ Kim Trọng dặn dò Thuý Kiều trước khi tạm biệt:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Với chủ trương luôn luôn gìn vàng giữ ngọc của giáo sư nên ngày hôm nay, thi hào Nguyễn Du có thể tiếp tục an giấc nghìn thu dưới suối vàng khỏi phải trăn qua trở lại giữa đêm khuya thanh vắng vì trên thế gian này, giáo sư Doãn Quốc Sỹ vẫn còn thức.

Viết về thân thế và sự nghiệp văn chương của giáo sư Doãn Quốc Sỹ qua mấy chục tác phẩm đã xuất bản phải cần một cuốn sách vài trăm trang, làm sao có thể cô đọng được trong vài trang giấy trắng nầy? Vì thế tôi chỉ viết một vài kỷ niệm với giáo sư Doãn Quốc Sỹ trong những lần gặp gỡ giáo sư thôi. Cuối cùng tôi có một nhận xét tổng quát sau khi đọc được một số tác phẩm của giáo sư và xuyên qua cuộc đời của giáo sư từ lúc thiếu thời cho đến ngày hôm nay rằng, một con người có dáng dấp dong dỏng cao, hơi gầy, với một khuôn mặt thật đôn hậu như thế, một con người đã tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ tại một đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ và suốt đời chỉ cầm cục phấn trên tay với nghề gõ đầu trẻ, mà vẫn cố gắng chịu đựng được sự khủng bố triền miên về tinh thần, chịu đựng được sự hành xác giữa trời lúc thì nóng như thiêu như đốt, lúc thì rét căm căm phải run rẩy thân tàn ma dại qua một thời gian đầy khổ luỵ trên dưới 12 năm trong trại tù, lòng vẫn luôn luôn giữ được khí tiết và tỏ ra bất khuất trước bạo tàn thì đúng là một đấng trượng phu nghìn đời khâm phục.

Giáo sư Doãn Quốc Sỹ đúng là một mẫu người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” vậy.

VanHocNamPhong

Những người được tặng hoa (từ trái): Nhà văn Việt Hải, Dương Viết Điền, nhà văn Cù Hoà Phong, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nguyễn Lý Tưởng, nhà thơ Ngọc An.

Dương viết Điền