Hiện tượng dịch sách Pháp và truyện Trung Hoa tại Miền Nam việt Nam

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Hiện tượng sách dịch Kim Dung

tuyen tap tieu thuyet kiem hiep kim dungR

Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hoá ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Theo Vũ Đức Sao Biển [12], nhà Kim Dung học Việt Nam hiện thời, trong những năm 1960 có các dịch giả: Phan Cảnh Trung, Lão Sơn Nhân, Từ Khánh Văn và đặc biệt Từ Khánh Phụng và Hàn Giang Nhạn. Tôi xin bổ túc thêm Thương Lan (đã dịch ít nhất 10 bộ truyện của Kim Dung), Nhất Quỳnh Mai, Nguyễn Kháng, Trần Thanh Vân, Đà Giang Tử dịch chung với Phan Cảnh Trung.


Truyện chưởng Kim Dung ‘‘độc bá quần hùng’’ trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: ‘‘Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt.’’


Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội, từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa Bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài... đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa (mà nghĩ đến ông tôi bắt nghĩ đến Trần Trọng Đăng Đàn của Việt Nam), đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong ‘‘tứ đại tục’’ bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giầu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ... Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, v.v.. mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì?


Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa Hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính và Tà là vô thực [13].  Trong Kim Dung, có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính Nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính Nghĩa?


Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chòng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn… đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả VN. Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên.

 

Hiện tượng sách dịch Quỳnh Giao


Truyện của Kim Dung thì không là người Tàu, tất không viết được. Nhưng đến truyện tình, chả lẽ VN không có ai viết nổi? Có nhiều nữa. Bà Tùng Long là một tay viết cự phách được rất nhiều phụ nữ bình dân mê chuộng. Theo Hồi ký Bà Tùng Long, nxb Trẻ 2003, bà đã in 32 cuốn, nếu kể cả chưa in thì có trên 60. Vậy mà bà có đến 2 cái thiệt thòi: Thứ nhất không được nhà văn Võ Phiến kể vào trong số những nhà văn trong Văn học miền Nam tổng quan.

Truyen Ba TungLOng1R

 

ChanDung Ba TungLong

Thứ hai: Bà Tùng Long để cho Quỳnh Dao lấn lướt cái thị phần độc giả nữ, nhất là giới nữ học sinh. Tiểu thuyết đầu tiên của Quỳnh Dao xuất hiện tại Sàigòn là Song Ngoại. Câu chuyện tả mối tình giữa một nữ sinh Giang Nhạn Dung với một giáo sư tên Khang Nam. Đầy tình tiết éo le rồi bị dư luận khắt khe lên án. Mối tình tan vỡ... Không tìm được hạnh phúc với người chồng mới cưới, Giang Nhạn Dung quay trở lại với Khang Nam nay chán đời rượu chè be bét. Tất cả những câu chuyện của Quỳnh Dao là vậy. Chuyện tình xoay quanh các cô nữ sinh bậc cao trung, những nữ sinh trẻ, đẹp, mơ mộng ở thành phố. Đó là những thứ tình cảm lãng mạn đầu đời, những rung động bầy tỏ những khát vọng tuổi trẻ muốn yêu và muốn được đền đáp. Nhưng thường tình yêu đó gặp những nghịch cảnh, những ngang trái, những éo le, những chồng chéo, áp lực gia đình, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán đã xô đẩy những cảnh đời của những người trẻ đến tan vỡ, chia lìa và phản bội. Tình yêu như những tiếng réo gọi đầy nước mắt, nhớ thương và không khỏi tủi nhục, xót xa. Những truyện như Hải âu phi xứ có đến bốn dịch giả khác nhau. Có đến hơn 60 chục đầu sách Quỳnh Dao được dịch sang tiếng Việt, thậm chí có cả nhà xuất bản Quỳnh Dao chỉ để in sách dịch Quỳnh Dao. Cuốn Cánh hoa chùm gửi trong một năm được in đi in lại đến ba lần vào năm 1972. Nếu Kim Dung có dịch giả Hàn Giang Nhạn, thì Quỳnh Dao có Liêu Quốc Nhĩ. Anh vốn là một giáo sư Toán còn trẻ, dạy đại học Khoa Học, đến năm 1972 thì nghỉ dạy hẳn chuyên ngồi dịch sách Quỳnh Dao. Kể cũng là một trường hợp hi hữu lắm.

QuynhGiao MuaThuLaBayR

 

Quynh Giao 03
Hình như chiến cuộc càng leo thang, chiến tranh mỗi ngày càng ác liệt, tiếng bom tiếng đại bác ban đêm dội về thành phố càng nhiều thì chuyện tình của Quỳnh Dao càng được chiếu cố tận tình. Phải chăng hiện tượng sách dịch Quỳnh Dao cũng là những liều thuốc ngủ qua đêm?

Nhận xét chung về 20 năm sách dịch ở miền Nam


Trong bài viết này, tôi đã không thể nói tới các sách dịch có tính cách giáo dục như sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê, cũng như những sách giáo khoa dùng trong trường học, sách dịch về khoa học thường thức, v.v. Ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch hơn 20 đầu sách về Giáo dục làm người, đặc biệt là Dale Canergie và Dorothy Carnegie như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Giúp chồng thành công, v.v.. Hay các sách dịch có tính cách thời sự về chính trị, quân sự hay nhân vật lịch sử một thời như Hitler chẳng hạn [14].


Kể từ sau tháng 11-63, khuôn mặt báo chí, sách truyện ở miền Nam có rất nhiều thay đổi. Có hiện tượng bùng lên về số báo xuất bản, về số truyện dài để lấp đầy trang báo và để lôi cuốn bạn đọc. Có vấn đề thị trường tiêu thụ, vấn đề thương mại, quảng cáo. Có vấn đề viết nhanh viết vội, viết thấp, viết dễ, viết để giải trí. Nhưng bấy nhiêu yếu tố cũng không đủ giải thích sự bùng lên của sách dịch. Không ai trong số các nhà văn đã đặt ra một cách tự vấn là viết cho ai? Viết cho loại độc giả nào? Có đáp ứng được đòi hỏi của người đọc không? Có tầm nhìn, tầm hiểu biết về trào lưu tư tưởng của thế giới không? Tôi nghĩ câu trả lời là Không, cùng lắm là chưa đủ và hạn hẹp.


Không phải nhà văn VN thiếu khả năng sinh ngữ, yếu kém văn hoá, nhưng không có đủ thì giờ để đọc, để trau dồi. Vấn đề của các nhà văn VN là vấn đề thì giờ, vấn đề sinh nhai. Có nhà văn bận sinh kế, lớp lo làm báo, dạy tư chạy hết trường này sang trường khác. Càng dạy hay, càng nổi tiếng, càng bận. Rồi mở trường, chủ bút... thì giờ đâu cho việc đọc, việc nghiên cứu. Đọc mười chưa chắc viết được một. Câu người ta nói chẳng có thiên tài nào mà lại không có tiền bối vẫn đúng. Không đọc, không có vốn, làm sao viết sách cho có tầm cỡ được. Nếu nhà văn đã không bị sinh kế ràng buộc níu kéo, chuyện đã hẳn là khác. Nhiều nhà văn nhà báo khác cũng lao đao khốn khổ như thế vẫn không đủ ăn. Ngày viết 4, 5 truyện dài chỉ là chuyện viết vội, vá víu cho xong. Trường hợp như nhà văn Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ phải lao đao đầu này, đầu kia mới có đủ ăn, nói ra đến tàn nhẫn. Viết hay sao được. Những cách viết vội, viết lấy được, viết cho có, thấy rõ nơi các ông Chu Tử, Hoàng Hải Thủy, Lê Xuyên. Vốn viết ít, vốn đọc ít ỏi, vốn sống cũng không luôn. Vốn sống của một số nhà văn VN là gặp bạn bè mỗi ngày, ngồi ăn nhậu, ngồi tán gẫu chuyện thế sự, chuyện người, chuyện tào lao, chuyện ăn chơi, chuyện trai gái... và để lấp tội, họ cho nhà văn là phải sống trác táng, ăn chơi mới là nhà văn. Y như cái thời xa xưa, nhà văn là phải cô đầu, hút thuốc phiện, bài bạc trai gái. Vốn sống ở đây là vốn đi, vốn giao tiếp trao đổi, vốn trải nghiệm với con người, với thiên nhiên. Thật khó mà đòi hỏi ở các nhà văn Việt Nam hơn thế được.


Cho dù Văn học dịch đã chiếm phần lớn thị phần người đọc miền Nam trong 20 năm, vẫn chưa làm đủ chức năng mà người ta chờ đợi ở nền văn học dịch thuật này. Các trào lưu tư tưởng không được giới thiệu, hoặc dịch đồng bộ. Rất khập khiễng. Thời Triết hiện sinh, có mấy cuốn Triết kinh điển được dịch? Thời Phong trào ‘‘tiểu thuyết mới’’sau đó không có quyển nào. Đã thế, nhiều cuốn lại dịch trùng lấp lên nhau. Một người dịch đã đành, đến hai có khi đến ba, lãng phí thì giờ và công sức. Nữa là đã không có dịch giả chuyên môn làm công việc dịch thuật, trừ trường hợp tiểu thuyết của Kim Dung và Quỳnh Dao. Mỗi người ghé qua một chút, rồi bỏ đi. Công việc dịch thuật trở thành công việc thêm vào, đọc cái gì thấy hay, thấy thích thì dịch chơi. Lại một thứ nghiệp dư. Nếu không nghiệp dư thì dịch là để kiếm tiền. Để kiếm tiền nên dịch vội, dịch ẩu, dịch truyện nào câu khách. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ có thế giá cũng đành lòng nhảy sang lĩnh vực dịch. Do thiếu tự tin? Hay chỉ vì lý do tài chính? Nhưng lý do chính đáng nhất là họ đọc được một tác phẩm hay muốn phổ biến cho mọi người cùng được thưởng thức. Chẳng hạn nhà văn Võ Phiến với Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà. Rồi Thế Uyên với bộ sách dịch về Tình Dục và Exodus, Về miền đất hứa. Thời đó, những loại sách về Do Thái rất được ưa chuộng. Cuốn Về miền đất hứa là một câu chuyện cảm động đến ứa nước mắt. Có những hình ảnh câu chuyện về tướng độc nhãn Moshe Dayan đeo kính den trở thành một cái mốt. Hầu như bất cứ tướng lãnh nào của Việt Nam khi lên tướng thì việc làm đầu tiên của họ là phải sắm một cặp kính đen. Tiếp đến là các nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Tô Thùy Yên, Đinh Hùng với bút hiệu khác Hoài Điệp Thứ Lang, Lê Huy Oanh, Mặc Đỗ, Huỳnh Phan Anh, Hoàng Hải Thủy, Trần Phong Giao, Hoài Khanh, Bùi Giáng... Những người này phần lớn là công chức, giáo sư hoặc một thiểu số ở trong quân đội. Họ có lương bổng, đời sống tương đối ổn định. Dịch thêm như một nghề tay trái. Trong số những người trên, Trần Phong Giao đã để tâm dịch thuật khá nhiều về các tác giả Hiện Sinh. Công của ông không nhỏ. Người ta cũng nhận thấy, ít khi nào có sách dịch ngay từ khi cuốn sách mới được xuất bản ở nước ngoài. Nó mất cái thời tính, cái trào lưu và sự cập nhật thông tin. Nó là những sản phẩm quá date. Trong phạm vi dịch thuật, chúng ta tụt hậu từ 50 năm đến 100 năm. Chẳng hạn, cho đến bây giờ mà dịch giả uy tín của miền Bắc, Dương Tường còn mang Camus ra dịch lại. Dịch lại L’étranger mà trước đó 40 năm đã có ba dịch giả trong miền Nam dịch rồi. Nếu mục đích dịch là để cho người đương thời tìm hiểu một tác giả, một giai đoạn văn học thì còn tạm được, nhưng nếu dịch để cho độc giả bây giờ đọc để giải trí thì đúng là lỗi thời. Thế giới truyền thông, thế giới sách vở hiện đại mà thật khó có tác phẩm nào ngồi quá một năm trên kệ sách, việc dịch thuật sách cũ, dù là nổi tiếng cũng cần được xét lại. Lấy một tỉ dụ: Tôi ra thư viện mượn lại cuốn Bonjour Tristesse của Sagan, cuốn duy nhất còn sót lại trong ba thư viện để đọc lại. Năm 1999, ghi có hai người mượn đọc, năm 2000 có một người mượn vào ngày 11 tháng Giêng. Từ 4 năm nay, không ai đọc nữa. Có một số tác giả làm công việc dịch vì lợi nhuận, đã không chọn tác giả, đầu sách, mà nhắm vào thị hiếu khiến nhiều cuốn sách dịch đáng nhẽ không nên có mặt. Nhưng biết làm sao được, vì vẫn có một số người đọc.


Dù gì đi nữa, sách dịch đóng góp không nhỏ vào thị trường sách vở miền Nam. Nó bù vào chỗ cái thiếu của nhà văn VN. Thiếu về sự đa dạng, thể loại, về tầm cỡ, về tư tưởng thời đại. Nếu về kinh tế, xuất cảng là đầu ra của sự thịnh vượng, thì về văn học, dịch thuật là đầu vào của một sinh hoạt văn học đa dạng và phong phú. Còn nếu cái sinh hoạt đó như thế nào, hay hay dở, phần quy trách vẫn là phía các người làm văn hoá, nghệ thuật, các nhà văn, nhà thi sĩ. Nếu họ viết không tới, không đáp ứng được tính đa dạng của nhu cầu người đọc, trách nhiệm về họ.


Trong bất cứ trường hợp nào, người đọc bao giờ cũng có lý. Nhưng đừng quên rằng, trước 1954 cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, chưa thể nói đến một nền văn học dịch. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh chẳng hạn không chú trọng đến phần dịch thuật. Cuốn duy nhất của nhóm này đã dịch là cuốn Le Chemin du bonheur của Victor Pauchet. Trong Nam, trước 54, cái người có công lớn nhất trong việc dịch thuật là ông Phạm Văn Tươi, tức nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, vào năm 1950 đã dịch và cho xuất bản lọai sách Học làm người (Culture humaine, hay Selt improvement). [15]


Người ta biết rất ít về văn học thế giới. Có biết chăng nữa, sự hiểu biết đó gói ghém vào trong các nhà văn, nhà tư tưởng của thế kỷ 17 đến 19 của Pháp và thường chỉ có những học sinh xuất thân từ các trường Tây hoặc ban C, chương trình Việt mới có cơ hội được học hỏi. Lần đầu tiên ở miền Nam mà thôi, nhờ dịch thuật mà thế giới văn chương nước ngoài được du nhập vào VN.


Nghĩ lại 20 năm miền Nam là cả một trời văn học dịch. Thật khó có một thời điểm nào phong phú và đa dạng hơn nó nữa. Sự phủ nhận nó là một điều tồi tệ.


NGUYỄN VĂN LỤC
tháng 8-2004