“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 1: Sài Gòn năm 1955
Xin mượn một câu hát nổi tiếng trong nhạc Phạm Duy, trong loạt bài viết đưa độc giả “về miền quá khứ” này, chúng tôi xin kể lại, và lật lại những tấm ảnh xưa của Sài Gòn từ những năm 1955 đến 1975.
Trong phần đầu tiên, xin lật lại những hình ảnh đẹp nhất của Sài Gòn năm 1955, ngay sau hiệp định Geneve không lâu.
Đây là năm xảy ra rất nhiều biến động trong lịch sử đất nước. Trước đó không lâu, đã có gần 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam sinh sống. Đó là thời gian mà hiệp định Geneve vừa được ký kết để đình chiến giữa các bên, chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong khi chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Khoản a, điều 14 ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy.”
Thời điểm này, quân đội của Quốc Gia Việt Nam được tập hợp ở phía nam vỹ tuyến. Quốc Gia Việt Nam lúc này vẫn là do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu và điều hành chính phủ là thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Đầu năm 1955, nội thành Sài Gòn có sự xung đột quân sự giữa lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn và chính phủ Ngô Đình Diệm.
Tháng 4 năm 1955, quân Bình Xuyên tấn công thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn – Chợ Lớn và rút về Rừng Sác.
Trong hình dưới đây là Đại lộ Trần Hưng Đạo vốn là một trong những con đường sầm uất nhất của Sài Gòn, đã bị trống vắng trong thời gian xung đột giữa quân Bình Xuyên và quân đội Quốc Gia.
Thời điểm này, để đánh dấu việc giành được độc lập từ Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ đường mang tên Pháp sang tên Việt. Đường Trần Hưng Đạo chỉ 1 năm trước đó còn mang tên là Galliéni.
Năm 1955 cũng là thời điểm mà hố sâu ngăn cách giữa quốc trưởng và thủ tướng ngày càng lớn, và đến tháng 10 năm 1955, quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất khi cựu hoàng này đang ở nước Pháp.
Ngay sau đó, ông Ngô Đình Diệm với vai trò là Quốc trưởng đã tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và sau đó ông Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam.
Mời bạn xem qua các hình ảnh chọn lọc khác của Sài Gòn trong năm 1955:
“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 2: Sài Gòn năm 1956
Xin mượn một câu hát nổi tiếng trong nhạc Phạm Duy, trong loạt bài viết đưa độc giả “về miền quá khứ” này, chúng tôi xin kể lại, và lật lại những tấm ảnh xưa của Sài Gòn từ những năm 1955 đến 1975. Sau phần 1 với những hình ảnh năm 1955, phần 2 này là những hình ảnh của Sài Gòn năm 1956.
Năm 1956 có một số sự kiện mang ý nghĩa lớn với Sài Gòn và cả miền Nam. Đây là năm chính phủ tổ chức thành lập và tuyển cử bầu ra Quốc Hội lập hiến, rồi ban hành hiến pháp VNCH đầu tiên, và ngày ban hành hiến pháp là 26 tháng 10 năm 1956 cũng trở thành ngày quốc khánh đầu tiên.
Mời các bạn xem lại những tấm ảnh chụp Sài Gòn trong năm 1956 sau đây:
Đông Kha (nhacxua.vn)
Nguồn hình ảnh: manhhai flickr
“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 3: Sài Gòn năm 1957
Tiếp theo 2 phần trước, giới thiệu những hình ảnh Sài Gòn được chụp trong 2 năm 1955, 1956.
Đến năm 1957, lúc này miền Nam bắt đầu ổn định về chính trị và không có quá nhiều sự kiện nổi trội, và hình ảnh của Sài Gòn trong năm 1957 còn lưu lại cho đến ngày nay cũng không có nhiều, ngoài chùm ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Mậu ở dưới đây.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu sinh năm 1928, cuộc đời của ông gắn liền với đất Đà Lạt. Ông có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được giải quốc tế. Các góc ảnh chụp khắp nơi ở Miền Nam của ông Nguyễn Bá Mậu rất khác biệt với đa số tấm ảnh về Sài Gòn trước 1975 của các quân nhân Mỹ, vốn chỉ là những tay máy nghiệp dư.
Hình ảnh của Nguyễn Bá Mậu được căn chỉnh bố cục rất đẹp và nghệ thuật.
Những tấm ảnh sau đây của ông được lấy từ trang artcorner.vn:
Kiến trúc tuyệt vời của Dinh Độc Lập trước khi bị phá hoại năm 1962.
Công trình trong hình này được xây dựng xong năm 1871, được đặt tên ban đầu là Dinh Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ.
Từ 1871 đến 1887, dinh là nơi làm việc của Thống đốc Nam kỳ nên gọi là dinh Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền. Nơi ở và làm việc của các Thống đốc chuyển sang dinh Gia Long gần đó. Tuy nhiên, dinh chỉ được sử dụng làm nơi làm việc cho Toàn quyền Đông Dương cho đến năm 1906. Sau khi Phủ Toàn quyền ở Hà Nội được xây dựng xong thì các Toàn quyền và hầu hết bộ máy giúp việc dời ra Hà Nội. Nơi đây chỉ còn lại các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền đặc trách ở Nam Kỳ. Mặc dù vậy dân gian vẫn quen gọi đây là dinh Toàn quyền.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong thế chiến, Pháp trở lại chiếm Nam bộ, Dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm việc của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ gần tương đương với chức vụ Toàn quyền thời thuộc địa.
Đến năm 1954, dinh là nơi làm việc của thủ tướng Ngô Đình Diệm, sau đó trở thành tổng thống VNCH. Lúc này ông quyết định đổi tên dinh thành Dinh Độc Lập. Đến năm 1962, dinh bị phe đối lập làm sập toàn bộ cánh trái, do không thể khôi phục nên kiến trúc tuyệt đẹp này đã bị phá bỏ để xây dinh mới như ngày nay, sau 90 năm tồn tại.
Hai tấm ảnh chụp chợ Bến Thành năm 1957 của Nguyễn Bá Mậu. Lúc này chợ đã được xây được 43 năm. Kiến trúc chợ hơn 100 năm qua hầu như không thay đổi, trở thành biểu tượng quen thuộc của Sài Gòn. Ngôi chợ được xây từ năm 1912 đến 1914 với vốn đầu tư của đại phú gia người gốc Hoa nổi tiếng là Hứa Bổn Hòa
Dãy nhà mái ngói bên trái của hình hiện nay vẫn còn sau hơn 100 năm. Đó là dãy nhà cũng gia Hứa Bổn Hòa xây cùng lúc với chợ Bến Thành để kinh doanh.
Nhà thờ Tân Định chụp năm 1957 tại đường Hai Bà Trưng. Nhà thờ này được xây trước Nhà thờ Đức Bà chỉ một vài năm, có quy mô lớn nhất thời điểm đó. Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không hề xóa đi nét kiến trúc ban đầu đã tồn tại gần 150 năm.
Một góc ảnh quen thuộc của Sài Gòn, đó là đường Tự Do, khách sạn Continental và phía trước nhà Quốc Hội. Trong ảnh này có thể thấy xe con nối đuôi nhau đi trên đường Tự Do.
Góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện năm 1957. Khối nhà trong ảnh là Phòng trà Tour d’Ivoire, sau này đổi tên Việt thành Tháp Ngà.
Cảng Sài Gòn năm 1957
Bên trong Thảo Cầm Viên năm 1957. Đây là 1 trong 8 vườn bách thảo lâu đời nhất thế giới.
Đền Kỷ Niệm và Viện Bảo Tàng bên trong Thảo Cầm Viên. Hiện nay những kiến trúc này vẫn còn.
Chợ Bình Tây (Chợ Lớn) năm 1957. Khu chợ này khánh thành năm 1930 và được thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ.
Đổi lại, ông chỉ xin được xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và được đặt tượng mình giữa chợ khi mất. Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn.
Một số hỉnh ảnh khác của Sài Gòn năm 1957:
Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng tại Sài Gòn ngày 7/3/1957. Hình chụp tại góc Tự Do – Gia Long. Góc trên phải là Công viên Chi Lăng.
Không ảnh chụp khu vực Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Trung Tâm năm 1957. Có thể thấy khuc vực này được quy hoạch rất đẹp.
Một góc khu vực chợ Bến Thành năm 1957
Xích lô máy trên đại lộ Thống Nhứt. Phía bên kia là đường Pasteur
Xích lô chờ khách ở góc đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi)
“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 4: Sài Gòn năm 1958
Tiếp theo 3 phần trước, đã giới thiệu những hình ảnh chọn lọc của Sài Gòn trong những năm đầu của thời kỳ đệ nhất cộng hòa, đó là 1955, 1956, 1957.
Sau đây xin giới thiệu những hình ảnh của Sài Gòn năm 1958.
Xin nói thêm về tòa nhà Hội Trường Diên Hồng ở bên trên, nơi mà sau này từ năm 1967 trở thành trụ sở của Thượng Nghị Viện, thuộc Quốc Hội. Tòa nhà này được chính quyền Pháp xây năm 1927 để làm trụ sở phòng thương mại mới (trụ sở cũ nằm ở công trường Mê Linh, đến nay vẫn còn, trở thành 1 quán bar). Trụ ở mới này được thiết kế phong cách tân cổ điển, có chút ảnh hưởng từ cả kiến trúc Chăm và Khơ Me.
Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.
Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng như đã thấy ở hình trên, là nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.
Xin nói thêm về tòa nhà CEE ở bên trái của hình bên trên, hiện nay là trụ sở của Tổng công ty Điện Lực Miền Nam.
CEE là chữ viết tắt của Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon, nghĩa là Công ty Điện Nước Sài Gòn được thành lập năm 1900, ban đầu có nhiệm vụ cung cấp nước cho các vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả Nam Vang (Phnompenh).
Đến năm 1909, CEE đã mua lại SEVS – là một công ty điện khác – để chính thức trở thành nhà cung cấp cả điện lẫn nước cho Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh.
Mặc dù nước Pháp đã chấm dứt sự hiện diện tại Việt Nam từ năm 1954, nhưng công ty CEE của Pháp vẫn hoạt động đến năm 1967 theo hợp đồng ký với chính quyền VNCH, rồi sau đó mới chuyển giao lại cho công ty Sài Gòn Điện Lực.
Xin nói thêm về phim Người Mỹ Trầm Lặng được quay tại Sài Gòn năm 1958, vì có 1 số chi tiết thú vị.
Từ năm 1956, đạo diễn người Mỹ Joseph L. Mankiewicz tới miền Nam Việt Nam cần tuyển một thiếu nữ châu Á tóc dài để đóng vai chính là một thiếu nữ người Việt tên là Phượng cho phim The Quiet American, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Graham Greene, có bối cảnh là thành phố Sài Gòn năm 1952.
Trong thành phần Ban Giám Khảo lựa chọn diễn viên có tài tử Lê Quỳnh và vài người Pháp khác, và người đẹp xứ Đà Lạt 18 tuổi tên là Huỳnh Thị Bê đã được chọn vào vai diễn này. Có một điều đặc biệt, đó là Huỳnh Thị Bê chính là người vợ đầu của danh ca Hùng Cường, là mẹ của ca sĩ Quang Bình.
Tuy nhiên khi hãng phim dự tính mời cô Huỳnh Thị Bê sang Hawaii đóng những cảnh đầu của phim, cũng là lúc đám hỏi giữa cô và Hùng Cường vừa tổ chức xong, nên Hùng Cường không đồng ý cho cô đi một mình sang ngoại quốc, vì thế cô Huỳnh Thị Bê đành từ chối hợp đồng đóng phim trên.
Sau đó đoàn làm phim chuyển hướng sang mời một người mà sau đó đã trở thành minh tinh nổi tiếng nhất của Miền Nam, đó là Kiều Chinh.
Kiều Chinh kể lại rằng năm 1956, khi cô đang đi lễ nhà thờ về và dạo bước trên đường Tự Do, thì vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz đang ngồi trong quán cafe tầng trệt Contentinal Palace đã phát hiện ra và ngay lập tức mời cô đóng vai Phượng cho phim The Quiet American. Ông đạo diễn đưa script kịch bản cho Kiều Chinh để cô về đọc thuộc và ngày hôm sau sẽ lên thử vai.
Khi Kiều Chinh trở về, trình bày với cha mẹ chồng sự việc này. Khi đó cô mới lấy chồng, ở nhà cha mẹ chồng. Lúc đó điện ảnh chưa thịnh hành ở Việt Nam, nên việc một cô gái được Hollywood mời đóng phim là một việc gì đó rất lạ lẫm, và sau khi nghe sơ qua kịch bản, cha mẹ chồng của Kiều Chinh không đồng ý để cô tham gia đóng vai chính trong phim.
Kiều Chinh quay trở lại gặp vị đạo diễn, trình bày lại và cáo lỗi vì không tham gia được, ông cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng cũng đành chịu, và mời Kiều Chinh đóng một vai cameo chỉ xuất hiện có vài giây trong phim và không có thoại.
Đến 1 năm sau, Kiều Chinh mới chính thức bén duyên với điện ảnh trong bộ phim Hồi Chuông Thiên Mụ năm 1957 và trở thành nữ minh tinh nổi tiếng nhất của miền Nam từ trước đến nay.
Sau nhiều lần hụt vai chính, khi các cô gái người Việt gốc không thể tham gia đóng phim được, đoàn làm phim Mỹ chấp nhận một sự thật rằng văn hóa của Việt Nam thời đó không cho phép các cô gái “nhà lành” đóng những vai có hoàn cảnh rất “éo le” như trong phim The Quiet American, cuối cùng họ đành mời một cô diễn viên người Ý tên là Giorgia Moll, hóa trang thành người Việt để đóng vai Phượng.
Dưới đây là một hình ảnh khác của xưởng đóng tàu Ba Son năm 1958, với hình ảnh ụ đóng tàu đã có từ thời Pháp thuộc.
“Mời người lên xe, về miền quá khứ” – Phần 5: Sài Gòn năm 1959
Mời các bạn trở về quá khứ của Sài Gòn hơn 60 năm trước, với loạt ảnh được chụp vào năm 1959.
Đầu tiên là loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu ghi lại hình ảnh của thành đô Sài Gòn. Hình chụp của ông rất khác biệt với đa số tấm ảnh về Sài Gòn trước 1975 của các quân nhân Mỹ, vốn chỉ là những tay máy nghiệp dư.
Hình ảnh này được người nhà của ông Nguyễn Bá Mậu đăng trên artcorner.vn, tất cả những hình sau đây đều được chụp vào năm 1959.
Bến Bạch Đằng ngay đầu đường Tự Do
Dinh Độc Lập khi còn kiến trúc cũ
Dưới đây là Cầu Mống nối Quận 1 và Quận 4 được xây vào cuối thế kỷ 19, là một trong những cây cầu cổ xưa nhất của Sài Gòn hiện nay vẫn còn được giữ lại và chỉ dành cho đi bộ tham quan.
Tiếp theo là những hình ảnh Sài Gòn năm 1959 đăng trên tập san Tiếng Dội Miền Nam của Trần Tấn Quốc:
Một số hình ảnh khác của Sài Gòn năm 1959:
bài: Đông Kha
nguồn: nhacxua.vn
nguồn ảnh: manhhai flickr