Có một thời đồng bào chúng ta ở Saigon đã sống như thế
Bán Kính Một Trăm Mét
Phần mở đầu
Dùng căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ của tôi ở đường Lê Văn Duyệt (bây giờ là “Cách Mạng Tháng Tám“) làm tâm điểm, vạch ra một vòng tròn bán kính 100 mét.
Vì sao tâm điểm là nhà của tôi ?
Xin thưa. Tôi đã đứng nơi đây để nhìn Saigon tàn tạ từ ngày Việt cọng đặt chân đến .
Đi trong ruột của nhau, cọng sản mỉa mai cọng sản : “Varsovie phải mất 30 năm mới bằng Saigon. Saigon chỉ cần 3 năm thì đuổi kịp Hà Nội “. Đó là lời một cán bộ cọng sản Ba Lan công tác ở Saigon. Vâng, thủ đô Ba Lan cọng sản nghèo nàn lắm so với Saigon, nhưng với chính sách vơ vét của Cọng sản, Saigon rồi xác xơ chẳng khác gì Hà Nội, thủ đô của thiên đường Cọng sản Việt Nam.
Mà thật vậy, có ai ngờ được Saigon tuột dốc mau chóng đến chóng mặt. Chỉ cần 3 năm để thấy Saigon đổi thay, nhưng tôi đã ở lại Saigon hơn 12 năm, cho đến ngày ra đi để đoàn tụ với gia đình tôi thấy Saigon bây giờ chẳng còn có dáng vẻ nào của Saigon trước 75 .
Ghi lại đôi nét đổi thay của Saigon trong 12 năm tôi không có tham vọng nói lên hết sự thật của Saigon sau 75. Tôi chỉ mong mô tả lại phần nào nỗi đau khổ của một số đồng bào chung quanh tôi và gia đình tôi, thật sự đã lo âu, và cùng kiệt trong áp bức. Cuối đường hầm chẳng có chút ánh sáng, nên “cột điện có chân cũng ra đi“ như lời của một bà cụ đã trên 80 khi trả lời cho một phóng viên ở trại tị nạn.
Vòng tròn chỉ có bán kính một trăm mét vì trong giới hạn này mắt tôi thấy, tai tôi nghe “mục kích sở thị“. Trong 100 mét, tiếng đồn chưa biến sự thật ra thành mười hay trăm lần khác. Cái vòng tưởng tượng của tôi vạch ra đại để vây quanh vùng Ngã Sáu cổng xe lửa đầu đường Trần Quốc Toản (nay là Võ Văn Tần), Chợ Nguyễn Thông, Bộ Tư Lệnh Thành ngày trước.
Việc dùng căn nhà tôi làm tâm xét ra lại cũng có cái hợp lý ngẫu nhiên. Ở Saigon thời ấy chắc không mấy nhà “tứ diện thọ Việt Cọng“ như nhà tôi. Ngay trước nhà là căn cứ quân sự Việt cọng Z gì gì đó...(nguyên là trại quân cụ Lê Lai). Phía sau lưng là cư xá hoả xa, tư thất của các ông hạt trưởng , giám đốc đường sắt Việt cọng. Sát vách bên phải là căn lầu 3 tầng được ông chủ tịch phường tôi chiếu cố làm nhà riêng. Bên trái là cửa hàng một cán bộ cỡ bự miền Nam tập kết ra Bắc nay trở về hưu trí với bà vợ i-tờ , giám đốc một công ty có tầm cỡ ở Saigon.
Ở ngay trung tâm, không muốn nghe cũng phải nghe, không muốn thấy cũng phải thấy. Sự việc bày ra trước mắt hay do chính nạn nhân thuật lại. Toàn là những chuyện cười ra nước mắt, đau xót, đoạn trường. Có thể nói cả một Saigon thu nhỏ sau 75 trong cái vòng tròn nói trên.
Vì thiếu hiểu biết, nghèo đói và thù hận, Cong sản đã gây ra biết bao nhiêu khổ đau cho dân chúng, cản trở bước tiến của xã hội. Ngày nay, trong khi đa số dân chúng vẫn nghèo đói thì cán bộ cọng sản đã giàu lên. Tuy không còn có những sai lầm lố bịch như thời kỳ đầu, nhưng chưa phải hết sai lầm . Cái sai lầm bây giờ là sai lầm của những kẻ hãnh tiến (parvenus). Sai lầm vì thiếu thốn còn có thể hiểu và có thể sửa, nhưng một khi đã giàu mà vẫn giữ thói cũ, tham lam, lừa dối, vị kỷ và hợm hĩnh thì sai lầm đó còn tệ hơn nữa. Đó là lý do vì sao ngày nay có kẻ ăn không hết, người lần không ra và vì sao nạn tham nhũng cùng đồi trụy trong xã hội nước nhà mỗi ngày một gia tăng, vì sao xã hội không cải tiến được ngay ở những mặt căn bản như giáo dục, giao thông, vệ sinh...
Về mặt này trên báo chương nước ngoài và ngay ở trong nước không thiếu tin tức sốt dẻo.
Những tệ nạn trong xã hội có nhiều nguyên nhân gần và xa, bắt nguồn từ chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...Đành rằng thế nhưng tệ nạn nào cũng do con người tạo nên. Nếu con người biết mở mắt ra để nhìn, lắng tai để nghe, không tự cao tự đại...thì tệ nạn sẽ giảm đi. Nhưng khi con người cọng sản tự coi mìmh đã ở “ đỉnh cao trí tuệ “ , khinh dễ mọi người , nói láo, nói khoát mà cứ xem như là thật thì tệ nạn thay vì bớt đi lại phát triển ra nhanh chóng.
Nhìn cách sống ở Saigon sau 75 , tôi chợt nhớ câu chuyện xưa “ Hà chính mãnh ư hổ “ ( Chính trị hà khắc tàn bạo hơn cọp) trong Lễ Ký. Hàng triệu và hàng triệu người Việt đã đánh đổi cả cuộc đời mình, bỏ lại tất cả tài sản do mồ hôi và nước mắt mình tạo nên để vượt biên và vượt biển đi tìm một chút tự do ở những phương trời xa lạ, dù đôi lúc chưa biết phương trời tìm đến là ở đâu và như thế nào. Người dân mình sẽ giống như bà già trong truyện “ Hà chính mãnh ư hổ “, không chịu bỏ mãnh đất nơi chồng con mình đã chết dưới móng hổ vì nơi đó không có hà chính. Đồng bào ta nhất thiết không ra đi nếu không có nền chính trị tàn bạo của cộng sản, Tuy “ không tạo ra một biển máu “ như có người lo ngại nhưng cọng sản sau tháng 4 năm 75 đã tạo ra “ một biển nước mắt “. Đó là ý kiến của ông NTV, giáo sư Đại học Văn Khoa Saigon, trong bài tham luận đọc ở một cuộc hội nghị của Ủy Ban Khoa học Xã hội tại trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ chí Minh vào quảng năm 1978. Việt cọng đã gây ra biết bao đau khổ cho đồng bào !
Về lại Saigon một vài lần sau khi rời đất nước thân yêu tôi thấy Saigon thay đổi nhiều : nhiều cao ốc, nhiều hàng hóa, nhiều xe hơi, nhiều xe gắn máy khói tỏa mù mịt. Bề ngoài đổi thay nhưng lòng người có thay đổi không, bản chất của Cọng sản có thay đổi không ? Bên dưới cái vỏ hào nhoáng ở thị thành người dân nói chung đã suy nghĩ gì, tính toán gì ? Lo lắng ra sao ? Đất nước đi về đâu ? Còn có Việt Nam tự hào với nền văn hiến của mình , với những tâm hồn thanh cao như Trần Thái Tôn, Nguyễn Trãi, hay chỉ còn một tầng lớp cai trị mà phần đông chỉ biết địa vị, tiền bạc, ăn chơi đàn điếm, láo khoét để che lấp bao nhiêu tệ nạn xã hội. Đằng sau hào nhoáng , tình trạng lạc hậu, khủng bố đe doạ vẫn còn ì ra đó, cả ở nông thôn lẫn ở thị thành. Chú ý một chút có thể thấy ngay, không nhầm lẫn được.
Cuộc sống vốn phức tạp chuyện này tiếp chuyện khác chẳng theo một trật tự nào. Không bao giờ có một cái “ chain “ hợp lý như người ta thường nghĩ. Những chuyện tôi kể lại cũng rối răm tùm lum, không có mạch lạc. Vô lý, rời rạc, kỳ quái nhưng cứ chắp nối nhau trôi đi, buồn cười, đau thương, nhục nhã, ê chề .
Phần 1 :
Một chuyện rất tầm thường : Chuyện hộ khẩu
Xin bắt đầu với một chuyện rất tầm thường : lòng dạ đổi thay của một số người được mệnh danh là cách mạng 30 tháng 4.
Tôi vốn không có nhà cửa ở Saigon. Khi chạy loạn cọng sản vào Hòn ngọc Viễn Đông thì hòn ngọc sắp bị cướp rồi. Nhờ có anh bạn rộng lòng cho tá túc một thời gian ở Quận Năm Chợ Lớn và cũng may ông bạn đã cẩn thận lập giùm sổ gia đình cho tôi, theo sự bắt buộc lỏng lẻo thời Cộng hoà. Không có sự cẩn thận của ông bạn, tôi khó lòng có hộ khẩu ở Saigon sau 75 và e cuộc sống đã có nhiều biến chuyển khác.
Thất bại sau mấy lần tìm cách di tản, kẹt lại Saigon sau lúc Việt cộng tiến chiếm, tôi đành phải tìm một chỗ nương náu cho gia đình. Không thể lợi dụng lòng tốt của bạn bè mãi mãi . Vừa lúc có người bà con đề nghị cho chúng tôi đến ở phần sau cửa hàng của ông ta bấy giờ đang để trống. Xét ra người bà con rất tốt bụng, nhưng cùng lưỡng lợi đôi bên. Trước là có tiếng tăm trong cửa hàng về đêm, sau nữa là giữ được căn nhà không bị dân vô gia cư hay Việt cộng cưỡng chiếm. Thời buổi gian nan có một chỗ trú cho gia đình, dù tốt dù xấu là may mắn rồi nên tôi quyết định xin chuyển “ hộ khẩu “ từ Quận Năm ( Chợ Lớn ) lên Quận Ba ( Lê Văn Duyệt ). Trước lúc đưa gia đình về nơi cư ngụ mới, tôi đến nơi để dọn dẹp chỗ ở tương lai. Gần cạnh nhà, xác một anh lính Nhảy dù nằm lăn lóc bên vệ đường, không ai đoái hoài đến. Trước cửa nhà lại nghe nói có quả lựu đạn. Lòng bủn rủn muốn rút lui. Nhưng liệu về đâu ? Phóng lao đành phải theo. Xác anh lính Nhảy dù nhất định sẽ có người liệu lý. Nhưng còn quả lựu đạn ? Đánh bạo mon men lại gần một chú bộ đội mặt còn non choẹt canh gác bên kia đường : “ Chào chú bộ đội, ở cửa nhà bên kia có quả lựu đạn. Nhờ chú gở giúp “. Mặt chú bỗng tái mét : “ Đi ! Đi ! Không biết. Địt mẹ ! “. Không muốn ngửi mùi văn hoá Mác –xít , tôi vội vả bỏ đi. Đang tần ngần bỗng có đứa trẻ trong xóm reo lên: “ Không phải lựu đạn bây ơi, cái vỏ thôi “. May ơi là may ! Mở cửa nhà, dọn dẹp qua loa, tôi đem giấy tờ đi trình tổ trưởng dân phố ở gần đó. Ông này nguyên là trưởng tổ dân phố cũ. Mới vào Saigon, chưa kịp tổ chức. Việt cộng tạm để yên những chức vụ không quan trọng. Lại nghe ông tổ trưởng là một trí thức, kỹ sư công nghệ, giám đốc một trường dạy nghề. Tay cầm hổ sơ, lòng thấp thỏm mừng, găp được người thuộc chế độ cũ, lại trí thức, chắc dễ dàng ! Tôi trình giấy, chờ đợi . Ông tổ trưởng đang ngồi nơi bàn làm việc . Chẳng cần ngước mắt lên và có lẽ thừa biết tôi vì đã từng gặp tôi mấy lần ở nhà người bà con, ông ta đưa tay đón lấy hồ sơ, lật qua lật lại tờ giấy mỏng manh rồi lẳng lặng phê : “ Gia đình này không có trong địa phương “. Cầm lại hồ sơ tôi định trình bày với ông tổ trưởng, nhờ ông đổi lời ghi, nhưng thấy ông kỹ sư lạnh lùng và ít lời quá, tôi đành chào lui. “ Không có mặt trong địa phương “. Sự thật rành rành, rõ ràng như ánh mặt trời ! Nhưng lòng dạ rắc rối của ông thì ai thấu rõ ! Việt cộng vào Saigon chưa được mấy hôm mà sao ông thay đổi mau chóng thế ! Ông sợ hay ông muốn lấy điểm ?
Đem hồ sơ ra phường, ông chủ tịch phường bảo anh thư ký, có lẽ là một sinh viên đọc cho ông nghe . Lời phê của Quận Năm : “ Cho phép rời Quận Năm . Đến địa phương mới phải trình diện chính quyền trong vòng 24 giờ “, tiếp theo là lời bình của ông kỹ sư tổ trưởng. Đắn đo một chốc ông chủ tịch bảo : “ Mi ghi vào : Cho phép tạm trú tại số nhà...đường Cách Mạng Tháng Tám “.
Thế là từ đấy tôi được tạm trú tại căn nhà chật hẹp đường Cách Mạng Tháng Tám, để đêm đêm nhìn gián bò ra đen cả nền nhà và lũ chuột cống to tướng, nhung nhúc tững bầy từ cống rảnh rúc lên. Và cũng để nghe tiếng của cuộc sống Saigon trước mặt tôi, sau lưng tôi, rầm rì như tiếng sóng đại dương xa vời réo gọi ra đi ...
Phần hai :
Láng giềng sát vách bên phải : ông chủ tịch phường
Xin sơ lược về lai lịch căn nhà bên phải nhà chúng tôi. Nhà tôi tạm trú thì thấp bé, mục nát nhưng bên cạnh là một căn lầu 3 khang trang. Chủ nhân vốn nhà giáo, sĩ quan biệt phái nên phải đi học tập cải tạo. Vợ từ trước 75 ở nhà kinh doanh, mở cửa hàng thuốc tây. Nghe nói gia đình cả hai bên đều giàu có. Từ khi Việt cọng chiếm Saigon, chồng đi cải tạo nên bà vợ đã đóng cửa hàng, ăn chay niệm Phật chờ chồng. Không biết vì thành tâm cầu nguyện nên nên Trời Phật hộ trì hay đức “ Trần Hưng Đạo “ linh thiêng, trúng đường, trúng mối, ông chồng trở về khá sớm. Vào sáng sớm ngày Việt cộng đổi tiền lần thứ nhất, một trăm đồng miền Nam đổi được một đồng Bố Già và mỗi hộ chỉ đổi được một số tiền tương đương với 200 đồng mới mà thôi. Tôi hé mắt qua khe cửa nhìn ra phía trước đường, phố xá vắng tanh . Người giàu chắc đang rầu rĩ. Chẳng lẽ tài sản của mình chỉ rút lại hai trăm mảnh giấy cụ Hồ ? Người nghèo bâng khuâng : Thiên hạ bỗng nhiên nghèo kiết , mình kiếm đâu ra được miếng cơm từng ngày.
Có lẽ muốn chia sẻ nỗi lo lắng với đồng bào Saigon, khi phố xá chưa có bóng người, hai vợ chồng ông giáo láng giềng của tôi, nhẹ nhàng mở cửa, âm thầm leo lên một chiếc xích lô. Một ý nghĩ thoáng qua : Hai vợ chồng ông giáo thật cẩn thận, không ngoan ! Ra đi vào một ngày cán bộ và công an bận rộn , để hết tâm trí vào chuyện đổi tiền. Đi vào nhà, tôi thầm cầu mong cho họ thoát được. Chiều hôm ấy, khi giờ đổi tiền sắp kết thúc, không thấy ông bà giáo đi đổi tiền, công an và thanh niên cứu quốc phường lại đập cửa. Không có tiếng trả lời. Căn lầu khang trang sát vách nhà tôi được “ đóng chốt “ bắt đầu từ hôm đó. Đóng chốt nói cách khác là chiếm đoạt, là tịch thu chẳng xét xử, chẳng theo luật lệ nào, chỉ theo lòng tham và hận thù của cán bộ địa phương. Nhà bị chốt, có nghĩa là mất, bị cướp. Chủ nhà hay thân thích của chủ nhà không thể trở lại để ở hay mang ra một thứ gì, dù lớn dù nhỏ.
Những người đóng chốt nhà sát vách chúng tôi phần đông thuộc đám thanh niên, thanh nữ vô công ngồi rồi, không nghề nghiệp, cầu bơ cầu bấc ở xóm lao động gần đó. Trong căn nhà đóng chốt họ nhậu nhẹt, chưởi lộn nhau, diễn nhiều trò kỳ quái nhưng cũng biểu lộ ước mơ đáng thương của họ có được một chỗ ở sạch sẽ như nơi này nơi kia trong nhà...Nhưng cán bộ Cách mạng Mùa Thu “ sướng trước dân và khổ sau dân “nên chừng một tháng sau mấy anh mấy chị cô hồn bị đuổi ra khỏi chốt, nhường lại nơi thanh mát kia cho gia đình ông chủ tịch phường tôi.
Ông chủ tịch tuổi cỡ 45, dáng người trung bình, rắn chắc, mặt lúc nào cũng ửng đỏ, mắt như có những tia máu li ti nên trông có vẻ lừ nhừ và hậm hực. Quê ở Bến Tre, lúc nhỏ đi chăn trâu. Trình độ học lực, thoát nạn mù chữ. Năm 14, 15 tuổi tham gia cách mạng. Lập được nhiều thành tích phá làng, phá xóm , nên sớm được kết nạp vào đảng Cộng sản. Năm 1954, sau hiệp định Genève, để vợ con lại miền Nam, tập kết ra Bắc. Đảng và Bác ưu ái đưa về cho làm phu cảng ở Hải Phòng. Lấy vợ mới, người Bắc, cùng làm phu ở cảng. Bà vợ vóc người cao lớn, trông không cục mịch như đức lang quân. Bạo ăn bạo nói, bạo miệng, bạo mồm, tục tiũ có thừa. Ngoài đứa con của vợ trước, bấy giờ là cán bộ công an cỡ bự, con rễ của một ông bí thư tỉnh ủy, ông chủ tịch có với vợ mới 5 con: một hoàng nam và bốn hoàng nữ. Một gái thứ có chồng và cả hai vợ chồng đều làm công an phụ trách hộ khẩu. Cô gái út đang đi học. Hai cô còn lại, cao lớn giống mẹ. Tuổi đôi mươi, hâm mốt, cũng có chút nhan sắc. Cậu con trai 17, 18, vóc người cao ráo, mặt mày không đến nỗi ngu đần nhưng cũng như các chị, không học hành gì. May ra chỉ biết đọc biết viết qua loa như bố...Gốc nông dân, trở thành phần ưu tú của giai cấp, có thể xem như một gia đình điển hình của xã hội chủ nghĩa đào tạo ra.
Sau “ đại thắng mùa Xuân “ đảng Cộng sản tìm mọi cách để trì hoãn không cho cán bộ tập kết ra Bắc sớm trở về Nam. Đảng sợ họ cấu kết với Mặt Trận Giải Phóng miền Nam gây khó khăn cho miền Bắc. Chống lại việc ngăn cấm này, cán bộ tập kết một mặt tranh đấu công khai, một mặt dùng nhiều mánh khóe cá nhân để sớm trở về Nam. Có người thuê ghe thuyền vượt biển vào Nam như nhiều gia đình người Bắc khác, có người cho gia đình bà con ở miền Nam điện tín ra Bắc bảo cha mẹ, ông bà đau ốm, sắp chết v.v...rồi lấy cớ bỏ công tác vào Nam.
Gia đình ông chủ tịch phường tôi thuộc hạng liều lĩnh, nghe ngóng tin sốt dẽo ở cảng và “ nhớ thương da diết “ quê hương giàu có của miền dừa biền biệt nên đã vượt bao nhiêu gian nguy trở vào Nam rất sớm . Trong vòng 10 ngày sau khi Saigon mất ông và gia đình đã có mặt ở Bến Tre. Bà con cô bác, cán bộ và dân chúng địa phương chào đón ông như một anh hùng, đã đem cuộc đời cống hiến cho Cách mạng, nay vinh qui bái tổ làm vẻ vang cho họ hàng, làng xóm. Rồi ông giữ nhiều chức vụ quan trọng. Dân chúng chờ đợi ông sớm thực thi những chính sách của Đảng ông đã thấm nhuần trong những năm theo cách mạng ở Bắc. Hiểu biết thế nào là đường lối vắt chanh của Đảng và quen nếp sống buông thả ở cảng, sẵn rượu sẵn bia ông tha hồ nhậu nhẹt, thả bọn đàn em đi chèn ép, cướp bóc, tịch thu, chia chát. Cán bộ Cộng sản giải phóng địa phương bỗng chốc thấy mình bị mất cả quyền và lợi, đáng lẽ thuộc về mình, liền cấu kết truất phế ông, trục xuất người con thương yêu từng tập kết ra Bắc, từng được Bác và Đảng dạy dỗ trong vòng 20 năm hơn, ra khỏi địa phương...
Ông cán bộ tập kết sau khi bị đuổi ra khỏi làng mạc của mình không còn đường nào khác là cùng thê tử lên Saigon kiếm sống. Ông lang thang từ bến xe này đến bến xe khác, tiếp tục cái nghề ở cảng ngày xưa. Trời xui đất khiến một hôm ông gặp thằng bạn cũ, cũng tập kết, cũng ở cảng Hải Phòng, cũng nhậu nhẹt như ông
- Trời ! sao mày vẫn tiếp tục cái nghề này ? Ông bạn nối khố hỏi
- Ừ, cũng bất đắc dĩ .
- Thôi mày về giúp tao. Quận tao đang cần một tay chủ tịch phường.
Thế là ông cán bộ tập kết thất sủng ở địa phương trở thành chủ tịch phường tôi, “để săn sóc đời sống cho hơn 5000 cử tri “, như ông thường nói với tôi.
Lúc ông chủ tịch dọn đến nhà bên cạnh, tôi lo lắm. Nhất cử, nhất động từ nay phải giữ gìn, phải cân nhắc từng lời nói...Con cái tôi đi học được, có thể thi vào trường này trường kia tuỳ lời phê của ông, được ở lại thành phố hay đi kinh tế mới cũng tùy ông...Bao nhiêu điều quan trọng trong cuộc đời tôi, của gia đình tôi tuỳ thuộc vào ông, nhất là khi chúng tôi lại có mấy đứa con du học ở nước ngoài. Tôi muốn dấu diếm nhưng dấu thế nào được khi ông tổ trưởng kỹ sư của tôi cũng như đã có người biết từ trước. Lại còn an ninh của ông chủ tịch phường. Ông chủ tịch ở đó, công an buộc phải tìm hiểu và đề phòng những nhà láng giềng. Thành phần nào, làm nghề ngỗng gì, ai ra, ai vào lúc nào, với mục đích gì v..v...Không những tôi gìn giữ mà tôi còn dặn vợ con phải cẩn thận...
Ngày một qua yên ổn, ngày hai cũng trôi qua lặng lẽ chẳng có chuyện gì. Đêm thứ ba thời gian đã về khuya, tôi nghe tiếng xích lô đỗ trước nhà, tiếng đập cửa, tiếng ông chủ tịch giục giã...rồi tiếng căn vặn của bà chủ tịch :
-Thằng mặt dày, mày đi đâu về khuya thế này ?
Có tiếng xáng một vật gì đó .
- Con Bắc kỳ, câm mỏ mày đi. Tao đi đâu thì đi, ăn nhậu gì mày, khỉ đột Bắc kỳ !
Có tiếng con tắc kè kêu đêm trên mái nhà.
- Mày có nghe con gì kêu đó không ? Nó kêu tổ cha con Bắc kỳ (tắc kè ). Nó bò ngay vào nhà để chưởi tổ cha con Bắc kỳ đó .
- Tổ mẹ mày, không có con Bắc kỳ này thì thằng trôi sông dạt chợ như mày đã chết nhui chết nhủi từ lâu rồi...Đâu có đến hôm nay để đêm nào mày cũng đi nhậu, say sưa, ói mữa hôi hám như con chó rồi lại đòi “ nọ kia “. Mày muốn đ. thì về kêu con mụ già ở Bến Tre, con mẹ mày lên mà đ. !
Tiếng địt, tiếng đ. Cứ tiếp nhau như những tràng AK cắc bụp kéo dài đến 2,3 giờ sáng cho đến khi cả ông và bà chủ tịch lả mệt ngủ thiếp đi. Cảnh đập phá đồ đạc , bới mồ bới mã tam đại tứ đại lẫn nhau từ đó không mấy đêm không diễn ra. Tôi đã quen cảnh vợ chồng ông bà chủ tịch chưởi bới nhau quá nhiều giống như chuyện anh gác “ ghi tàu “ ( aiguille ) đêm nào tàu chưa chạy qua là chưa ngủ được.
Thực ra tuy nhậu nhẹt say sưa, đánh mắng, la hét nhưng giống như phần đông những phường nghiện rượu, nóng nảy nhưng không nham hiểm, mưu mô hại người như hai tên chủ tịch ở các phường khác. Trong vòng tròn đường bán kính một trăm mét tôi vạch ra, trên phần đất dưới quyền hắn, chưa thấy có người bị hắn bày mưu áp bức ai quá đáng. Thứ cán bộ tép riu như hắn, tập kết ra Bắc, tưởng được Bác và Đảng ưu ái nâng đỡ, không ngờ bị đày đọa làm phu cảng, hắn sinh ra bất mãn, rồi theo tập quán có sẵn, hắn lấy rượu cùng bạn phu cảng “ tiêu sầu giải muộn “. Noí cho xôm vậy thôi chứ hắn uống vì nghiện. Hắn cần có rượu như anh ghiền xì ke cần thuốc. Hắn sống trong một cái vòng lẩn quẩn : ghiền phải uống, uống rồi lại say, say rồi đập phá. Lại uống, lại say...
Những lúc không có tiền uống hoặc bị bọn tay chân làm khó dễ không chịu chi tiền để đãi đằng , hắn trực tiếp đòi hối lộ, không ngỡ ngàng. Có lần lập hồ sơ cho con thi vào đại học, cần cái lý lịch có chứng nhận của phường, hắn đòi tiền nhà tôi một cách trắng trợn . Nhưng cũng mừng hắn đã nói thẳng ra. Khi nhà tôi ra trụ sở phường, vừa trưng hồ sơ ra hắn hỏi ngay :
- Tiền đâu ?
Sợ cái khẩu hiệu to tướng treo trên tường “ Người hối lộ cũng có tội như người nhận hối lộ “, nhà tôi hỏi nhỏ :
- Dạ đưa tại đây có tiện không ?
- Có gì mà không tiện . Rồi một tay ký, một tay cầm tiền đặt ngay trên bàn trước mắt các nhân viên trong ủy ban.
Ký xong hồ sơ nhà tôi ra chợ mua một ít thức ăn. Trên đường trở về thấy ông chủ tịch cùng mấy nhân viên trong ủy ban mặt đỏ gay, vui vẻ chung quanh những ly bia đầy ắp, mấy dĩa đồ nhắm ngon lành. Tiền hối lộ chưa kịp nguội trong túi đã bốc lên hơi men. Nghe nhà tôi kể chuyện, tôi bỗng giật mình : Trước tháng tư 75 cũng có hối lộ. Dù không có khẩu hiệu “ người hối lộ và kẻ nhận hối lộ đều có tội “, nhưng việc hối lộ thường xảy ra kín đáo. Cả hai bên, người đưa kẻ nhận đều biết hối lộ là bất hợp pháp, trái đạo lý. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa dù khẩu hiệu sờ sờ trước mắt nhưng hối lộ khắp nơi và hầu như công khai. Đó phải chăng là quyền của cán bộ hay đó là chính sách của Đảng và nhà nước phóng tay cho cán bộ tham nhũng ?
Hối lộ lộ liễu trong tất cả các ngành, ngay ở những ngành thanh bạch như giáo dục. Muốn biết xin hỏi các học sinh và sinh viên từ Bắc vào. Ngày nhà giáo hằng năm được học sinh và sinh viên ở Bắc gọi là ngày nhục của nhà giáo, khổ nạn của học sinh. Phụ huynh phải chạy sốt vó để có tiền mừng thầy cô cho con em được điểm cao, được lên lớp, được chọn ngành tốt v.v..
Dù bê bối , liều lĩnh đến đâu con người, theo tôi nghĩ, chợt nhớ đến những việc sai trái đã làm cũng có phần hổ thẹn nhất là khi miệng cứ bô bô hô hào nếp sống văn minh, đạo đức. Ông chủ tịch của tôi hình như cũng thế, nhớ đến những lúc say sưa, đập phá, mắng chưởi bà vợ Bắc kỳ...đôi lúc ông cũng ngỡ ngàng với hàng xóm biết rõ chuyện gia đình của ông. Sáng sớm xách cặp ra trụ sở phường, có lúc ông gặp tôi trước nhà. Dừng lại ít phút ông phân trần :
- Anh Hai biết không, con vợ tôi ngu lắm, tôi phải đấu tranh quyết liệt cho nó sáng tỏ đường lối của Đảng.
Và lần nào ông cũng thòng thêm câu bùa hộ mệnh :
- Tôi chỉ biết có Đảng, một lòng theo Đảng. Đảng bảo đi, tôi đi.Đảng bảo đứng, tôi đứng...
Có lẽ nhờ câu này mà Đảng bộ phường dung túng ông, đảng viên phường bao che ông và bà con cô bác tất nhiên không dám chỉ trích ông công khai.
Nghe tiếng “ anh Hai “ ngọt xớt, tiếng mà “ khi miếng trầu, khi điếu thuốc “mới có, tôi mát cả ruột gan như giữa trưa hè nóng bức uống ly nước đá chanh đường. Rồi tự nhủ, ông chủ tịch, bà chủ tịch tranh luận về đường lối Đảng mà mình cứ nghĩ tào lao họ chưởi nhau như chó với mèo, cu li cu liếc đâu đâu vậy ! Ngụy là phải !
Ông chủ tịch tranh đấu hay đánh lộn với vợ khỏi phải bàn đến nhưng nói đến tranh đấu chống cái xấu trong gia đình ông thì cũng quá phải . Trong nhà ông chủ tịch, “ người chịu trách nhiệm về cuộc sống của 5000 cử tri trong phường “ mà bao nhiêu điều bất hợp pháp , trái đạo lý như buôn gian bán lậu , oa trữ trộm cướp, đĩ điếm ...., không có điều gì không có.
Trong gia đình ông chủ tịch hình như ai làm nấy hưởng theo chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng mạnh ai kẻ ấy tranh đoạt của người khác như chủ nghĩa cộng sản . Lương bỗng của ông chủ tịch chẳng bao nhiêu. Kiếm chác ít nhiều thì ông tiêu pha nhậu nhẹt lẫn bồ bịch. Ai ngờ con người như ông mà cũng còn lãng mạng. Có lần ông đã khoe với tôi tấm ảnh ông ấp ủ trong ví, ảnh người bồ ông, một nữ cán bộ lo việc nhà đất .
Bà chủ tịch dù chẳng thương yêu gì chồng nhưng dù sao phải chăm lo cho gia đình. Còn đứa con trai chưa có nghề ngổng gì và đứa con gái út nhỏ đang đi học. Với lại muốn bỏ chồng bà cũng không thể bỏ được . Căn nhà to lớn kia, đống của ấy buộc bà phải ở lại. Xét ra bà cũng có điểm biết điều vì chính bà chẳng phải là đảng viên . Bà không dựa vào chồng để quá phách lối và thỉnh thoảng cũng biết dùng cái thế bà chủ tịch để binh vực cho những kẻ yếu đuối bị bọn lưu manh dọa già dọa non. Có lần bà đã xỉ vả vạch mặt một nữ du đãng giật dây chuyền của một cô gái đi đường. Giật hụt nó liền vu vạ cho cô gái cướp chồng nó, biến tội lỗi nó thành ra chuyện đánh ghen . Bà cũng lo làm ăn, lo buôn bán, lo sản xuất nhưng không được may mắn dù việc kinh doanh của bà chẳng phải chịu thuế má gì . Bà mua máy sản xuất dép nhựa. Làm ăn cũng khấm khá nhưng thằng con trai phá gia chi tử ăn cắp bán túng bán tháo, mấy cô gái thiếu tiền ăn diện xén chỗ này bớt chỗ kia. Rồi tay nghề yếu, mấy mẻ dép cháy liên tiếp, bà đành phải ngưng sản xuất và bán máy.Lợi dụng nhà mặt tiền rộng rải, bà quay ra bán cà phê. Kể ra chẳng có gì quá đáng nhưng cà phê bấy giờ là hàng quốc cấm . Nhà nước độc quyền thu mua để xuất khẩu cho nên chẳng phải ai cũng được quyền mở quán cà phê... Các cửa hàng ăn uống lớn nhỏ lần lượt đi vào quốc doanh...nhà nước phái cán bộ đến điều khiển và kiểm soát thu chi. Riêng cửa hàng bà chẳng ai làm khó dễ, một phần vì thu hoạch chẳng nhiều, một phần vì bà là vợ ông chủ tịch phường.Ít bị làm khó dễ, cửa hàng của bà dần dần trở thành một nơi hẹn hò gặp gỡ của bọn trộm cướp, lưu manh, một nơi giao lưu hàng hoá bất hợp pháp. Hai cô gái lớn cũng tham dự vào các hoạt động không lương thiện. Có chút nhan sắc, hai cô đã lôi kéo tứ chiến anh hùng, nữ có, nam có , kể cả các ông xồn xồn có tiền nhưng háo sắc. Hoạt động phóng túng ngoài luật pháp về mọi mặt, kể ra không hết được. Chỉ xin nêu chuyện anh chàng Z. Râu Kẽm :
Gốc tích hắn không rõ. Chỉ biết nó tá túc trong nhà ông bà chủ tịch. Dáng người cao ráo, mặt mày sáng sủa. Thời buổi thiếu gạo thiếu cơm, không biết làm nghề ngổng gì mà hắn luôn luôn sơ-mi ngoại, quần bò mới, đồng hồ Oméga sáng bóng . Ăn ở, giao thiệp, nói năng cũng có vẻ lễ phép. Thỉnh thoảnh nó ghé nhà tôi, bác bác, cháu cháu, gạ gẩm mời tôi đánh cờ tướng và xin gởi tạm túi này, túi kia. Do linh tính và có thể có nhận xét sắc bén hơn tôi, mấy đứa con tôi cương quyết bảo tôi không được giao thiệp gì với tên ấy và tuyệt đối không cho nó vào nhà .
Một buổi chiều trời chưa tối hẳn, tôi thấy nó từ phía Ngã Sáu đi lại. Mặt mày hốc hác, vẻ hoảng hốt, thất thần như người ta thường nói. Thấy tôi, nó gượng gạo cười, lắp bắp chào rồi đi thẳng vào nhà ông chủ tịch. Tối hôm ấy công an thành đã lùng bắt nó ở một ngôi nhà gần đó. Hỏi ra chiều hôm ấy hắn đã bắn chết người, cướp đồng hồ và tiền của một người buôn đồng hồ ở chợ Tân Định. Con trai ông chủ tịch cũng bị bắt vì có liên can và tìm cách dấu diếm của vừa cướp được.
Trong gia đình đầy xáo trộn ấy đáng thương nhất là đứa con gái út vừa mới lên mười. Nó xấu hổ với bạn bè ở trường học, vớ hàng xóm láng giềng. Ngày lẫn đêm cha mẹ mắng mỏ nhau, anh chị em đùa cợt, trai gái, buôn bán mánh mung, có muốn học hành cũng không thể học được. Thỉnh thoảng nó ghé sang nhà tôi nâng niu quyển sách này, sách kia, ước mong lớn lên cũng được học hành đến chốn đến nơi.
Mà không phải chỉ có đứa nhỏ thấy khổ. Nhiều lúc tâm tình với nhà tôi cả bà mẹ lẫn hai cô con gái cũng kêu khổ : “Chán lắm bác ơi ! Nhiều lúc cũng muốn chết quách , muốn liều ra, đến đâu thì đến “. “ Đảng với điếc, làm ăn với chẳng làm...” “ Bọn cháu cũng muốn lấy chồng, có một gia đình tử tế. Nhưng lấy ai ? Ở miền Nam những người tử tế không ai muốn lấy bọn cháu mà lấy thằng cán bộ hay thằng bộ đội thì lương tháng của hắn chưa mua đủ cho bọn cháu cái xì-líp “. Đó là những câu nói tuyệt vọng họ thường thốt ra .
Năm 2000 chúng tôi có trở lại Saigon . Vì tò mò tôi có tạt qua thăm gia đình ấy. Tình trạng còn tồi tệ hơn. Ông chủ tịch về hưu đã lang thang ở một miền nào đó. Bà vợ vốn liếng mất theo “ huyện đề “, chẳng còn buôn bán gì. Cô gái lớn đi tù vì buôn ma túy và chứa điếm. ( Có tin đăng tải ở báo Việt hải ngoại ) . Con trai cũng đi tù vì dính líu đến băng đảng và cướp bóc. Cô con gái thứ vì tiếng tăm không tốt nên phải lấy chồng để giữ lại chút thể diện. Chồng trước kia cũng là một thanh niên trác táng, ưa chơi hơn ưa làm...Hai vợ chồng nay ôm đứa con nhỏ ngày nấu một nồi xôi nhỏ bán ngay trước cửa nhà...Cô gái út đã bỏ học. Không chữ nghĩa, không nghề nghiệp, sống bám vào mẹ. Hi vọng của họ giờ đây là bán được căn nhà không phải là mồ hôi nước mắt của họ nhưng hiện họ đang chiếm giữ, để có một số tiền lớn .
Thỉnh thoảng tôi suy nghĩ về gia đình ấy như một gia đình điển hình ở chủ nghĩa xã hội. Tôi tự đặt câu hỏi : Vì lẽ gì họ đã sống buông thả đến độ bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo đức, liều lĩnh đến độ không có việc gì sai trái mà họ không làm, miễn có lợi.
- Có phải vì bẩm tính, sinh ra đã nghiêng về tội lỗi ? – Không, không đúng. Có những hành động , những lời nói chứng tỏ họ sáng suốt, biết cân nhắc, biết phải trái.
- Có phải họ thiếu thốn ? – Cũng không phải. Tuy không giàu có thừa thải nhưng tương đối có cái ăn cái mặc so với nhiều người khác trong thời buổi ấy. Trình độ văn hóa kém nhưng họ có thể kiếm công việc dễ dàng vì thuộc vào thành phần có ưu thế, được nâng đỡ .
Sự tan rã của gia đình ấy, theo tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân . Trước tiên là việc tuyên truyền dai dẳng đề cao quá đáng giá trị của những người thuộc giai cấp công nhân và nông dân. Ở đâu cũng được đề cao nên họ đã lầm tưởng khi đã thuộc về thành phần nông dân hay công nhân thì mình đã trở thành những con người ưu tú rồi. Vào thời kỳ Đảng phóng tay phát động quần chúng ( nông dân )đấu tranh ,một đảng viên triển khai quan niệm trên đã phát biểu : “ người nông dân đêm đêm tỉ tê với vợ cũng đúng lập trường của Đảng và nhà nước. Họ tỉ tê chuyện gì khác ngoài chuyện cày cấy, tăng gia sản xuất ! “.Ông cán bộ ơi ! Sao ông ngây thơ thế ! Hay ông muốn chưởi xéo Đảng và Bác ! .
Một lý do khác khiến cho gia đình kia tan nát là vì ông chủ gia đình là đảng viên. Ông được bao che lên làm chủ tịch phường , lại được bao che khi hành động sai trái. Vợ con ông cũng được bao che. Hơn nữa ông và gia đình đã quen với lối sống chụp giựt giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với quần chúng. Coi chuyện chụp giựt là đương nhiên thì chụp giựt càng nhiều càng tốt.
Tôi không có ý đem chuyện riêng tư trong gia đình ông chủ tịch để tổng quát hóa thành luật. Chỉ xin dựa vào cái gia đình kia để nói rằng khi đảng độc quyền, bao che cho đảng viên để bảo vệ địa vị của đảng thì xã hội dưới quyền của đảng nhất định mỗi ngày một tồi tệ hơn.
Phần ba : Thành Phố Hồ Chí Minh : Ngư – Tiều – Canh – Mục
Cộng sản chiếm Saigon chẳng bao lâu thì phong trào “ngư tiều canh mục“ phát triển mạnh mẽ.
“ Ngư “ không phải là câu cá chờ thời như Khương Tử Nha bên bờ sông Vị. Ngư đây là nuôi cá rô Phi. Muốn thấy cảnh nuôi cá rô Phi náo nhiệt như thế nào xin hãy viếng thăm chợ bán thức ăn cho cá gồm trùn ( giun ) chỉ và loăn quăn, ở đường Dakao. Hai bên lề đường, kéo dài non một cây số, la liệt những thùng những thúng đầy rong rêu, loăn quăn và trùn chỉ nhung nhúc. Những trùn chỉ và loăn quăn được vớt từ các bãi sình lên nên hôi hám bẩn thỉu không thể tả được. Phần lớn nhà cán bộ nào cũng nuôi. Có đất thì đào một cái ao nhỏ, cho nước vào. Ở những nhà không có đất như ở các chung cư thì lấy tấm ni-lông lớn vây thành hồ nước để nuôi.
“ Tiều “ không phải là Chung Tử Kỳ với gánh cũi bên sườn non, đứng nghe Bá Nha đánh đàn. Tiều là đi khèo cành nhỏ, cành lớn dù tươi dù khô của các cây xanh bên vệ đường. Cành nào trong tầm với người đi khều đều không tha. Cành hết, đến lượt vỏ. Các cây lớn trong thành phố đều trơ trụi như những kẻ “ sexy ‘ không áo quần. Thiếu vỏ, thiếu cành nhiều cây lớn , cần ba bốn mươi năm để đem lại màu xanh cho thành phố bỗng chết đứng.
“ Canh “ đi theo với “ Mục “...Ngay trong Dinh Độc Lập thong dong năm bảy chú bò gặm cỏ non ...Nhưng nuôi bò thì khó, phải có đất rộng và bãi cỏ lớn , chỉ có mấy chú bộ đội đảm nhiệm việc canh gác dinh mới có điều kiện. Nuôi lợn dễ hơn, chỉ cần một khoảng không gian nhỏ hẹp là được. Rất nhiều gia đình cán bộ nuôi lợn. Từng hộ riêng rẻ nuôi lợn, chung cư, nhà cao tầng cũng nuôi lợn. Tầng một có lợn, tầng hai, tầng ba, tầng bốn...đều có lợn. Nhiều hộ trong các cư xá nhà nước đã dùng điện để nấu cám lợn. Tiền điện tăng gấp mấy trăm lần bình thường. Họ chẳng cần chú ý vì đã có nhà nước trang trải. Phân lợn tống vào nhà cầu. Cầu nghẹt, cả một thành phố hôi hám. Có thời đi giữa thành phố Hồ Chí Minh đâu đâu cũng ngửi thấy mùi cứt lợn. Nhập “ chi lan chi thất “, đi vào nhà trồng lan sau một thời gian không còn nhận ra mùi hoa lan nữa, nhưng mùi phân lợn thì không chịu nổi. Nó dính vào áo quần, len vào tóc, áp vào cổ họng khiến người ta phải nôn mữa.
Ngư, canh, mục, những hoạt động vừa nói trên, Đảng và nhà nước gọi là tăng gia sản xuất. Phường tôi cũng như tất cả các phường khóm khác trong thành phố nhiệt liệt hưởng ứng phong trào TGSX ( tăng gia sản xuất ). Tuy nhiên TGSX trên giấy tờ khác với TGSX trong thực tế. Không mấy nhà trong tổ dân phố nuôi gà nhưng dựa theo con số được ông tổ trưởng mới của tôi báo cáo thì số gà nuôi trong phường có lẽ đã đạt đến hàng mấy chục ngàn. May mắn thời buổi ấy chưa có bệnh dịch cúm gà ! .
Người thực hiện chính sách TGSX của Đảng gương mẫu trong phường có lẽ là ông giám đốc hoả xa phía sau lưng nhà tôi. Ông vừa “ mục trư “ vừa “ mục ngư “ nghĩa là vừa nuôi heo vừa nuôi cá . Là công nhân hoả xa vào đảng lâu năm nên ông thấm nhuần lý luận khoa học sắc bén chủ nghĩa Mác- Lê ! Ông tạo ra một vòng tròn sinh thái khép kín : nuôi lợn, lấy phân lợn nuôi cá, cá lớn bán lấy tiền nuôi thêm lợn...Giải quyết theo đường lối tiến bộ ấy có nhiều điểm lợi : Vừa khỏi tốn tiền mua thức ăn cho cá lại khòi kẹt cầu (tiêu) kẹt cống như ở nhiều hộ. Ông lại có suy nghĩ khoa học tiến bộ hơn nữa là phân lợn sống (phân lợn vừa tống ra) không có chất bổ cho cá. Phải để cho ruồi “ địt “ vào, chờ trứng nở ra dòi. Đem phân lẫn dòi ấy cho cá ăn , cá mới có đủ chất đạm (proteine), lớn mau chóng hơn. Nhưng thưa ông giám đốc, đầu óc khoa học của ông đã hại làng trên xóm dưới, làm khổ biết bao nhiêu người trong phường. Khi gà bươi, chim mổ, khi ông quậy thứ phân ấy lên, một mùi hôi thối, xú uế không ai chịu nổi . Là thân phận dân ngụy bị trị, chúng tôi chờ đợi ông chủ tịch lo lắng đời sống cho năm ngàn cử tri lên tiếng, chờ đợi những đảng viên trong phường khóm lên tiếng. Thế mà chẳng một ai lên tiếng dù tôi biết rằng họ phải trùm chăn lúc ăn cơm để khỏi nuốt mùi xú uế theo miếng cơm .
Chẳng đặng đừng tôi đành đánh bạo. Một buổi chiều trời mát mẻ, tôi đi sang nhà ông giám đốc. Đang lưỡng lự ở cửa ngõ, chưa quyết định bấm chuông thì ông giám đốc từ trong nhà đi ra. Ông hỏi : hỏi ai, có việc gì. Tôi tử tế chào ông giám đốc và lễ phép thưa :
- Thưa ông giám đốc, xin ông xét lại việc nuôi cá rô Phi.
Nhìn thẳng vào mặt tôi ông trả lời giọng rắn rỏi, cộc lốc :
- Nghèo quá thì phải nuôi .
Có lẽ ông đã hiểu vấn đề nên chẳng chờ tôi nói tiếp, mặt ông đỏ gay lên, bồi tiếp thêm một câu :
- Mà anh là thứ gì ? Anh là người, tôi không phải là người hả ? Anh biết hôi, tôi không biết hôi hay sao ?
Biết mình bị đưa vào một trận chiến chênh lệch, tôi liền đánh bài tẩu mã :
- Tôi xin lỗi ông giám đốc. Tôi xin rút lui ý kiến đã đưa ra. Ông giám đốc coi như tôi chẳng có ý kiến gì .
Tôi lặng lẽ trở bề nhà, lòng bồn chồn lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy tới. May mắn cho tôi, chiều hôm ấy, một nhóm chừng mười anh chị em xóm lao động gần đó, thứ vô sản thật sự, kéo đến trước cổng nhà ông giám đốc la lối đòi giải quyết vấn đề.
Tôi thoát nhẹ nhàng cả hai tai nạn, tai nạn ngửi mùi phân heo, tai nạn ông giám đốc, thứ đảng viên nặng ký hăm he . Xin cám ơn các anh chị em lao động, cám ơn anh thợ sữa xe đạp, xe gắn máy bên lề đường, các anh chị em buôn thúng bán mẹt trong phường .
Phần bốn : Giá một mạng người
Cách nhà tôi mấy căn, công đoàn hoả xa cất lên một bệnh viện nhằm phục vụ sức khỏe cho công nhân đường sắt. Gọi bệnh viện nhưng thật ra chỉ là một bệnh xá nhỏ . Một vài người y tá thay phiên nhau làm việc, phát thuốc men lặt vặt. Mà cũng chẳng mấy khi thấy ai đến xin thuốc. Bệnh xá gồm một căn nhà trệt dài chừng 10 mét chia làm ba gian. Lưng quay ra phía mặt đường . Dọc theo lưng nhà một dãy tường thấp, bên trên có rào dây kẽm gai để bảo vệ an ninh. Cửa chính hướng về phía bên trong nên gian nhà trông có vẻ kín đáo, bí mật lắm. Ban đêm mặt sau, phía đường, đã có đèn đường rọi sáng. Mặt tiền quay ra một mảnh đất trống đối diện với cư xá hoả xa thì ở hai góc nhà có hai ngọn đèn néon sáu tấc đêm đêm được bật lên . Nhất cữ lưỡng tiện, bệnh xá được sáng mà cỗng cư xá cũng sáng .
Một đêm về khuya, khi ông bà chủ tịch vừa diễn xong vở bi hài kịch ( xin xem phần 2 ), tôi đang chập chờn ngủ bỗng nghe tiếng súng nổ chát rồi tiếp theo một tiếng thở dài thật dài của một người đàn ông. Tiếng thở dài thật thê thảm, não nuột, đoạn trường. Tiếng của một người đang chết, một con bò trong nhà tế sanh vừa bị nhát búa đánh vào đầu. Hơn hai mươi năm trôi qua mỗi lần nghĩ tới tôi vẫn nhớ rõ ràng tiếng thở dài đêm ấy nhưng không đủ tài năng để diễn tả lại được cái cảm giác lúc bấy giờ.
Với lương tri thông thường tôi dự đoán chuyện gì đã xảy ra : Một người muốn đánh cắp cái bóng đèn ; cảnh vệ trông thấy và đã bắn chết anh ta. Sáng sớm mai chủ nhà căn nhà sát ngay bệnh xá kể lại chuyện đúng như tôi dự đoán. Nhưng mọi chuyện trông ra rất bình thường, chẳng có gì khác lạ xảy ra. Xác người thanh niên đã được chở tới một nhà xác nào đó. Không rõ thân thuộc có được báo tin cho biết hay không và có ai dám đến nhận cái xác của con người chết oan ấy .
Tiếng thở giốc của con người trước khi chết làm tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ : Cảnh vệ biết rõ người thanh niên cố ý ăn cắp cái bóng đèn nhưng sao lại bắn chết ? Anh cảnh vệ được lệnh hay bắn để lập công, bắn để đỡ buồn ngủ, bắn vì thói quen thường bắn hay vì muốn thử tài nhắm bắn của mình ? Rồi đây anh ta có được khuyên bảo hoặc xét xử, trừng trị gì không ? Và tin tức báo chí sẽ nói gì : một tên ăn trộm bị bắn chết hay một tên phản động phá hoại cơ quan nhà nước đã bị công an ta trừng trị xứng đáng. Hay chỉ im lặng vì tin như tin chó chết, mạng sống con người không đáng giá một bóng đèn néon sáu tấc !
Hoàng Nguyễn