Tết Của Tôi - Chút Hương Xưa

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 tet xua 03 Hue

Thưở nhỏ, khoảng thời gian tôi yêu thích nhất trong năm là những ngày cuối đông, từ Giáng Sinh cho đến Tết . Mỗi chiều đi học về, tôi bóc một tờ lịch , đếm xuống dần còn bao nhiêu ngày nữa, rồi trong cái lạnh dìu dịu, hồn lâng lâng  chờ đón Năm Mới .

Mùa đông ở Đà Nẵng thường hiền hoà, tương đối dễ chịu. Có mưa,nhưng ít khi mưa lê thê , hay rét buốt kéo dài tuần này qua tuần khác. Vẫn có nhiều hôm trời thật đẹp, với chút nắng nhẹ và thoáng lạnh ngây ngây. Chiếc áo len mỏng của sớm mai đi học, trưa về đã thấy không cần đến nữa.

Sau Giáng Sinh, bài hát “ Ly Rượu Mừng “ của Hoài Bắc Phạm Đình Chương bắt đầu vang vang khắp nơi. Không khí nồng đượm Tết như đã tưng bừng ở cái tỉnh nhỏ dễ thương, êm đềm này. Chợ Hàn, Vườn hoa ..., những dãy phố chính đường Hùng Vương, Độc Lập, Khải Định, Hoàng Diệu..., các cửa tiệm lớn , nhỏ , nơi nào cũng rộn ràng đón mừng Tết Nguyên Đán .

                                                                * * *                                            

Ở Trường, không khí Tết đến cùng lúc với kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt vừa xong. Mỗi lần tan học dắt xe đạp ra về qua cổng phụ , từ dãy phòng cạnh nhà Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, đã  vang vọng ra những bài hát Xuân vui vui, quen thuộc. Những “ ca sĩ ” của Phan Châu Trinh đang tập dượt ráo riết, tất cả cho Đêm Liên Hoan  Tất Niên tưng bừng sắp tới. Ngoài những Tuyết Ánh, Nguyễn Thị Mùi ( hay ca sĩ Liên Mai sau này ),Thu Phong, Phụng Hồng...Trường còn có nhiều tiếng hát rất hay và những “ ngôi sao” khác nữa .

Như Ngô Vương Hoàng , xinh tươi và thật hồn nhiên trong bài hát “ nhại ” ( “...Một ngày anh chết đi, em tiễn chân anh ra tận cuối đồi...”)

Như  Nguyễn Bá Trạc, trong bộ áo cổ truyền maù xám của người Trung Hoa, một đêm Liên Hoan năm nào , với  ca khúc “ Cánh Hồng Trung Quốc “.

Như đôi bạn Phạm Thị Quỳnh Diên và Nguyễn Văn Như Ý, duyên dáng  trong một vũ điệu Tây phương.

Như Phan Nhật Nam trong vai “ học trò Nhân” của vở kịch “ Bỏ Trường Mà Đi “ mà đạo diễn Trần Nhất Hoan chính là thầy Trần Đình Hoàn.

Như Đỗ Toàn với cây đàn guitar và giọng hát trầm ấp  trong bản “ Hoa Xuân “...

Và còn nhiều ,thật nhiều tài hoa PCT khác nữa ...                                        

Trong lớp cũng vậy, thi vừa  chấm dứt là Trưởng ban Văn Nghệ đã  ân cần hối thúc bạn bè góp bài cho báo. Những năm rãnh rỗi thì có Nội San, còn  với  các lớp  Đệ Tứ, Đệ Nhị hay Đệ Nhất , bận rộn mãi lo thi cuối năm thường thường chỉ  có mỗi  tờ bích báo. Nhưng điều ấy cũng không hẳn,  Đệ Nhị A niên khóa 1962-63,một năm thi cử,   vẫn có Nội san ! Thành ra, tất cả tùy thuộc tài cổ động của Trưởng ban Văn Nghệ, tùy ở sự hăng hái, và nhất là ở nguồn cảm hứng sáng tác của các “văn, thi sĩ  ” trong lớp nữa !

[ Nhớ mãi hai câu thơ trong tờ báo của lớp năm đó :

“...Bên đường bóng Lựu nhìn xa tắp

Bỗng thấy hoàng hôn xuống lạnh lùng ...”

( tác giả ? Võ Văn Đức ?? )

và bài viết cảm động của Thầy Nguyễn Thanh Trầm , giáo sư hướng dẫn .]

 Thế nên báo Xuân, dù Nội san hay Bích báo  đã trở thành như một cái lệ vui để mừng Năm Mới của ngày đi học, như truyền thống Lưu Bút mỗi độ Hè chia tay.

Những giờ học cuối năm, dù ở mấy năm thi cử,  Đệ Nhị và Đệ Nhất vẫn thấy như cần phải có một chút cố gắng để “ tập trung tư tưởng “ trong giờ học , giữa không khí nồng đượm Tết chan hoà chung quanh.

Các Thầy, Cô hình như  nhớ lại ngày còn đi học của chính mình  ,thường cho học trò nghỉ một, hai giờ cuối năm để vui chơi Tết  . Rồi cả lớp thay phiên hát cho nhau nghe ,  hoặc vui hơn nữa,  có khi  Thầy, Cô  bất ngờ  hát cho học trò nghe.

Nhớ  giọng hát thật hay của Thầy Ngô Hữu Ngọc  với bản nhạc  “ Phiên Gác Đêm Xuân “ của Nguyễn văn Đông . Một ngạc nhiên thích thú cho chúng tôi, bởi ngày thường Thầy ít khi  cười và rất nghiêm trong những  giờ  dạy .

Thầy Trần Đình Quân cũng thường hay giữ vẻ nghiêm , ( song  những giờ học với Thầy , không khí trong lớp vẫn  nhẹ nhàng ) ,  nhưng đặc biệt ở một giờ Việt văn hồi Đệ Nhị gần Tết năm đó , tác giả  “Khúc Tình Ca Xứ Huế “, lần đầu , cho học trò  thưởng thức tiếng hát qua bản  “Anh Cho Em Mùa Xuân”.  Bài hát với nhạc điệu và lời ca cũng  như tiếng hát của người thầy nghệ sĩ , khiến nao nức chờ đón Năm Mới  thêm  rộn ràng , khi nhìn Thầy  vừa đàn vừa hát .

Và Thầy Đặng Như Đức , giáo sư trẻ nhất của trường, đồng thời cũng là một trong số những thầy  cô được học trò kính mến nhất, với ca khúc  “Hoa Soan Bên Thềm Cũ “.  (Hình như lớp nào học với Thầy cũng đều được nghe  bài “ tủ “ này  của Thầy ,ở mỗi dịp họp mặt vui Tết hay ngày cuối niên khóa trước khi chia tay ?.)

Đôi khi , còn được “ăn Tết “ sớm, như một ngày  vui ở Phan Châu Trinh xưa, giờ Pháp Văn cuối năm , Thầy Nguyễn Bá Việt đến với bao kẹo thật lớn giữa sự hân hoan của học trò. 

Tiệc Tất Niên ở mỗi lớp thì năm có, năm không. Đặc biệt hồi Đệ Nhất, buổi Liên Hoan vui , ý nghĩa  hơn năm nào cả và khá “ long trọng “ nữa. Có chương trình Văn Nghệ nho nhỏ, có đầy đủ bánh mức, hạt dưa, có “beer” , bong bóng, confetti và  nhiều dây hoa xanh, hồng giăng lơ lững khắp trần nhà. Tấm bảng đen cũng được trang hoàng bằng phấn đủ màu và câu “Cung Chúc Tân Xuân “ được bạn nào đó viết thật  lả lướt, bay bướm...làm căn phòng học mọi ngày bỗng trở nên vui tươi lạ thường.

 Bằng hữu tất cả đều nhiệt tình trong việc lo tổ chức buổi Họp Mặt, và Nguyễn Quang Trung là một trong những người hăng hái nhất. Tấm ảnh kỷ niệm nào cũng dễ nhận ra Trung, trên tay bạn luôn luôn có chiếc mặt nạ con cọp !

Ngoàì Thầy Nguyễn Thanh Trầm, giáo sư hướng dẫn, đến chung vui với lớp Đệ Nhất A hôm ấy còn có Thầy Nguyễn Ngọc Thanh  và Thầy Lê Quang Mai . ( Hơi  tiếc cho Thầy Mai,  vì “đối tượng”  của cái đề thi Lý Hoá, độc nhất vô nhị của thầy, “ con lắc trong xe Opel ” hôm nay lại tự nhiên nỡ  vắng mặt !  ) .

Buổi Liên hoan cảm động,trong tình  Thầy trò ,  ấm cúng trong tình bằng hữu. Tất cả đều hiểu đây là lần Họp Mặt Tất Niên cuối cùng của lớp . Xong trung học thì mỗi  người mỗi ngã , rồi  đây sẽ theo dòng đời phân tán khắp nơi. Mai sau , một dịp  bằng hữu  gặp nhau đông đủ , thân ái như hôm nay chắc chắn sẽ không có lại được nữa.

                                                    * * *

Trong nhà, hương vị Tết thực sự đến khi thấy Mẹ sửa soạn nấu bánh chưng. Tuy nhiên cảm giác mong đợi Tết thường đến với tôi thật sớm. Từ cuối thu, khi trời bắt đầu chớm lạnh, một hôm chợt thấy bụi cúc nhỏ bên hiên nhà trổ vài bông hoa lúc nào không hay.

Nhớ  những buổi chiều cuối năm trời lạnh , đi học về, tìm thấy Mẹ đang sửa soạn mức bánh. Không khí ấm áp , vui vui  trong căn bếp nhỏ làm tăng thêm nỗi nao nức chờ đợi Năm Mới.

Và cũng nhớ cảm giác bồi hồi của lần đầu tiên, nơi ngôi nhà nhỏ trên con đường Trần Qúy Cáp yên tĩnh của Đà Nẵng xưa ,  nhận được tấm thiệp chúc Tết , thật bất ngờ vào đúng giữa đêm trừ tịch của tối 30 . Bâng khuâng cầm trên tay phong thơ không tem và cũng chẳng có dấu ấn của bưu điện nào !

tet xua01 Hue
Như thường lệ mọi năm , thi xong ở Trường ,  bọn tôi mới được cha mẹ cho hay năm nay sẽ ở lại nhà Đà Nẵng hay về Huế, quê Ngoại, để “ ăn Tết “ .

Đà Nẵng với Huế chỉ độ một vài giờ xe thôi, nhưng ngày xưa mỗi lần được “ đi xa “ như vậy là hồi hộp, nao nức vui trên suốt quảng đường.

Thuở ấy, đèo Hải Vân còn đường một chiều, các xe phải chờ ở đỉnh , trước khi đổ xuống một lượt theo giờ nhất định. Tháng chạp, trên đỉnh Hải Vân cao, sương mù giăng khắp nơi và thường khá lạnh.  Giữa cảnh đồi núi bao la, trùng trùng điệp điệp, những ngày sắp sửa bước vào tuổi đôi mươi, đứng nhìn mây trắng bay bay, rồi thả hồn mơ mộng viễn vông...

                                                        ***                                                     

Không phải chỉ  mấy ngày đầu năm mà cái vui Tết dường như đã có từ trong những lúc sửa soạn, từ trong khi chờ đợi.

Như buổi tối, mấy chị em quây quần , huyên thuyên vui chuyện cạnh nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa ấm áp, nhóm sau vườn nhà, để đợi những cặp bánh “ tí hon “ ,ngày nhỏ được Mẹ cho mỗi đứa tự gói lấy.

Như bao lần tất cả lúp thúp theo Cha Mẹ đi Chợ Tết chọn cành mai, được hỏi đến là tranh nhau ồn ào góp ý !

Như nỗi hân hoan rộn ràng khi chợt trông thấy cành mai làm tươi sáng một góc nhà. Màu vàng chẳng phải là màu ưa thích nhất, nhưng tôi vẫn yêu biết bao những cành hoa mai, thấy nó như biểu tượng vui rực rỡ của Năm Mới đầy hứa hẹn. Và “ ba ngày Tết” bên mình, nhà nào mà thiếu được ? ( Canada có một loại hoa, tên gọi là “forsythia “, cánh hoa nhỏ, thường nở vào những ngày đầu Xuân , khi  trời còn se lạnh . Không đẹp bằng vì hoa nhiều hơn lá, nhưng nhìn xa một khóm màu vàng, trông tựa hoa mai.  Có lẽ  vì một gợi nhớ , nên người Việt Nam ở đây hay trồng nó, vườn trước, vườn sau ? )

Như cảm giác êm ấm của gia đình thương yêu và đông đủ trong đêm 30 thức cúng Giao Thừa. Muì trầm hương phảng phất , ánh nến của cây đèn sáp đỏ lung linh trên bàn thờ,   cùng với nao nức  chen lẫn bồi hồi khó tả , miên man theo tôi vào giấc ngủ...                                         

                                                            * * *.

Những ngày vui thường trôi nhanh. Tết cũng thế. Mùng 4 Tết , tuy còn vui chơi vớt vát, nhưng đã có cảm giác “ tiếc rẻ “ những ngày vui sao qua mau ! Chờ đợi mãi rồi “ ba ngày Tết “ cũng hết , quá nhanh so với  nỗi hồi hộp trông ngóng trước đó. Và thuở nhỏ, sang mùng 5 Tết là đã thấy “ buồn “ quá rồi ! Ngày nghỉ gần hết, sắp  đi học trở lại, và bộ bài đã bị  Cha Mẹ cất đi . Phải ít ngày sau, hoặc có khi  đến cả tuần lễ , mới lấy lại được cái đà học cũ .                                                   

Rồi hình như càng lớn  nao nức đón Tết mỗi năm giảm lần cùng với tuổi, với thời cuộc đặc biệt của quê hương. Những năm sau 1968, niềm vui Tết chẳng còn trọn vẹn nữa, bởi nỗi lo sợ phập phồng một muà Xuân Mậu Thân đầy tang tóc, có thể bất ngờ tái diễn. Và Tết sau cùng ở Saì Gòn xưa, mùa Xuân 75, mang mang lo sợ , không còn vui nhiều ,và như đã có linh cảm thấy  trước một biến cố  thương đau sắp sửa xảy đến cho đất nước .

Sau đó, những năm tha hương bắt đầu .  Giáng Sinh nơi đây cũng là thời gian thiêng liêng cho  gia đình , cho những tụ họp  giữa những người thân yêu , bằng hữu và cũng có cái quyến rũ riêng của nó . Nhưng, với tôi , Giáng Sinh  vẫn không quyến rũ bằng  Tết bên nhà, thuở xưa, chẳng những vì phong tục , tập quán quen thuộc mà còn vì bao nhiêu ước mơ đã được gởi gắm vào đó . Song mong đợi Tết hình như cũng lãng quên , đã lâu lắm, kể tử cái Tết đầu tiên nơi quê người.

Nhưng rồi, khi bắt đầu bước vào tuổi lớn, thì Tết thường gợi lại những hoài niệm vô cùng êm ái .

Tôi qua biết bao nhiêu cái Tết “ hàm thụ “, với nhắc nhở của  người thân trong gia đình,  qua thư từ và hình ảnh xưa , nay của vài người bạn học ngày nhỏ , cũng như qua hồi tưởng của chính mình.   

Dẫu có  rất nhiều tổ chức, hay những buổi tiệc mừng Năm Mới ,nơi đây,  của các hội đoàn người Việt, các hội ái hữu v..v... song vẫn thiếu khung cảnh, thiếu không khí nên khó tìm lại được hương vị và ý nghĩa Tết như ở bên nhà, ngày xưa.

 Lại nữa, Tết ta thường rơi vào cuối tháng giêng hay tháng hai dương lịch, khoảng thời gian buốt giá của muà đông Bắc Mỹ . Có khi nhằm ngày bão tuyết hoặc giữa tuần, mọi người đều phải đi làm. Thường một cuối tuần gần nhất được chọn để gặp nhau gọi  là vui Tết, nhưng cũng ít khi gia đình được đông đủ như trước .

 Tuổi trẻ bây giờ có thể đầy đủ về vật chất hơn, nhưng tôi vẫn thấy buồn tiếc cho con tôi, chẳng hiểu được trọn vẹn tất cả những ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng và thi vị của ngày Tết. Cũng như không có cái vui hồn nhiên khi mặc vào chiếc áo mới , sáng mùng một để chúc Cha Mẹ, hay chẳng có được niềm hân hoan trẻ thơ khi cầm trong tay tờ “mừng tuổi “ còn thơm mùi bạc mới...

Tết của một thời bên nhà... nhất là những năm ở Đà Nẵng ,thành phố hiền hoà thuở xưa , ngày Cha Mẹ  hãy còn trẻ, chị em còn đông đủ  bên nhau, gia đình ấm cúng thương yêu , biết bao là vui . Mỗi lần nghĩ đến hồn bùi ngùi,  rưng rưng  tiếc nhớ .Tôi như thấy lại hình ảnh của chính mình, hai tay che kín tai, lòng rộn ràng đứng nhìn những xác pháo hồng thắm, nổ vang, tung tóe trước thềm nhà, một sớm mai nào đầu năm xa xưa ...

tet xua03

Thi Vân

 Canada ,1 / 2002