Như thuở ban đầu

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

NhuThuoBanDau 01

Có rượu nhiều không mà tamời nhau

Có buồn vu vơ như thuở ban đầu

Gọi em một nửa đời em nhỉ

Em chỉ trả lời trong chiêm bao

Tạ Ký

Tặng Q. Và các bạn PCT đã rời trường để nhớ một thời mới lớn.

Nguyên Thao


NonLa 01R

 

Không gì để lại nhiều kỷ niệm khó quên bằng tình đầu...Tôi chắc các bạn đều đồng ý với tôi điều này. Riêng tôi, hình như nó đã ăn sâu vào thớ tim một cách hồn nhiên, tự bao giờ mà không hay !

Sau cuộc đổi đời và sau những tháng năm bầm dập ngút ngàn, ngày ra khỏi trại “ cải tạo “ thấy hiện tại, tương lai chẳng là gì cả ! Tiếp đến, nơi quê người ; làm lại cuộc đời trong muộn màng, vội vã, rồi với tuổi trời chồng chất, những tưởng tâm hồn đã chai đá...

Nhưng không! Bạn ơi, chỉ một gợi nhớ nhỏ cũng đủ làm cho lòng xôn xao ! Có lẽ, vì trong cuộc sống thường thường chỉ có những khoảnh khắc nhỏ nhoi hạnh phúc ở hiện tại mà thôi, thế nên con người thường có khuynh hướng thích sống với những hoài niệm cũ, thích ôn lại dĩ vãng để tìm những kỷ niệm đẹp của ngày xưa, nhất là khi tuổi già vừa đến.

Tôi nghiệm ra điều đó rõ rệt hơn trong chuyến về thăm quê nhà vừa qua.

Sau một thời gian dài mới gặp lại Q.,thằng bạn thân cũ, bọn tôi chỉ có vài câu hỏi về hiện tại của nhau. Ngoài ra, bao nhiêu giờ còn lại, trong suốt câu chuyện hôm này  qua hôm khác, cũng vẫn là “ ngày xưa “...

Ôn lại quảng đời hồn nhiên ấy, để cùng nhau tìm về dĩ vãng êm ái, trong nhắc nhở lại những hình ảnh thân yêu của một thời niên thiếu, để thấy hồn vẫn còn ngây ngất trong nỗi rung động ban đầu và sung sướng có cảm tưởng như được trẻ lại !

Ngày xưa...cái ngày mà lũ con trai mới lớn , nhiều thằng trong đám nghịch phá có thể bỏ xa ma quỷ, nhưng về chuyện yêu thương hầu hết chẳng khác gì con nai vàng ! Riêng Q. , vẫn thường chế nhạo bạn bè “ toàn một đám thỏ nhát “ ,đã từng cổ võ rằng : “ Khi yêu là phải, bằng cách này hoặc cách khác, nói cho đối tượng rõ, nếu bị từ chối thì...thôi, còn hơn yêu hờ “  v..v... và v..v...Một lần Q. đến tận nhà người hắn yêu để “ bày tỏ “. Năm sáu thằng gác xe đạp ngồi chờ ở đầu đường, nhìn” Đông Phương Sóc” bình tĩnh ( ? ) bấm chuông đi vào ngôi nhà “ kín cổng cao tường “...Sau đó, hình như lũ bạn chẳng thằng nào bắt chước  lối “ trực tiếp “ của Q.. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy biết đâu Q. cũng đã “ có lý “ ! Thường thường chúng ta tiếc đã nhỡ nói nhiều, nhưng đây là một lần  ( hiếm hoi ) trong đời , tôi tiếc đã im lặng.

Mấy chục năm qua thật nhanh, nhanh hơn tôi ngờ ! Bao biến đổi oái oăm của đất nước, của cuộc đời và của chính bản thân...Buổi chiều tôi ngồi trên bãi biển Mỹ Khê với Q. và cái ngày cùng lũ bạn đứng nhìn Q,. đi vào nhà cô bạn cùng trường, khoảng thời gian đó tính ra gần khoảng nửa đời người ! Vâng, lâu lắm rồi, hai đứa mới có dịp ngồi lại với nhau, kể từ ngày rời Phan Châu Trinh, mà ôn lại những phần đời đã qua cho nhau nghe...” ...Đôi khi ta lắng nghe ta. Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du...” ( T.C.S ).

Buổi chiều đó, tôi ngạc nhiên thấy một con người khá sướt mướt nơi Q., thằng bạn ngày xưa lúc nào cũng vui, cũng pha trò được, cũng như tôi đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi nhận thấy chính mình đã có lúc tình cảm như thế !

Tôi vỗ vai Q., muốn nói một câu gì để an ủi, nhưng tôi không tìm được lời , vả lại tôi thấy câu nói nào cũng dư thừa. Tôi tin Q. hiểu như tôi hiểu bạn. Cũng như tôi vẫn tin, mỗi khi nghĩ đến người con gái chung trường ngày xưa, thì ở một nơi xa xôi nào đó, C.L., dẫu mấy chục năm qua, bằng trực giác, cũng có thể cảm nhận được. Như ngày xưa tôi đã tin rằng “ giác quan thứ sáu “ của người con gái đối tượng khiến cho cô bạn hiểu tình yêu của tôi, không đợi nghe nói ra. ( Phải chăng trong tâm hồn người đàn ông “ gần già “ hôm nay vẫn còn chút “ ngây thơ “ của thằng con trai mới lớn ngày nào ? ) . Một niềm tin tưởng vô cớ, biết vậy, nhưng tin thì cứ vẫn tin !

Suốt gần ba tuần lễ, mỗi sáng trước khi đèo nhau đi đâu . đôi lúc Q. chở tôi hoặc có khi Q. ngồi sau yên xe, dù hai đứa không dặn nhau, nhưng bao giờ cũng vậy bọn tôi đều vòng qua con đường ngang trường Phan Châu Trinh trường xưa một lần trước đã. Cử chỉ vừa như vô thức vừa như chủ ý ! Từ đó, trường cũ là một khởi điểm thân yêu để bao kỷ niệm êm ái trở về với đôi tâm hồn có mái tóc đã hai màu , rồi phiêu diêu trong cảm tưởng ngày xưa hãy “ mới gần đây “, và lòng tôi bồi hồi như được thấy lại , thấp thoáng đâu đó tà áo trắng đoan trang ngày nào ...

Ôi !  cái thời mới lớn, ngày tâm hồn mẫn cảm với yêu thương. Tình yêu đầu đời , dẫu không một lần hẹn hò, chưa một câu yêu được nói, được nghe, nhưng chân thật, đầy đam mê và vô cùng trong sáng, đối với tôi, như một cái gì thân yêu, quý báu nhất còn sót lại của tuổi trẻ. Mà lạ thật, những lúc buồn càng hay tưởng nhớ đến, để thấy rằng chút tình thơ dại đó vẫn còn “ mầu nhiệm “ xưa làm ấm lòng, vẫn còn đem lại một niềm vui cho hồn, tuy trong cái vui này cơ hồ chen lẫn chút gì nuối tiếc !  Và rồi , nỗi nhớ nhung không nguôi vụt trở lại trong ray rức cũ....

Nhớ những sáng thứ Hai chào cờ  đông đủ các lớp ở Phan Châu Trinh xưa ...Đó là một dịp được trông thấy C.L. gần hơn, những lần gặp khác chỉ là thoáng thấy  xa xa, trong sân trường hay ngoài đường phố. Những “ buổi-sáng-thứ-hai-đợi-mong “, trời như đẹp hơn, sân trường như rộn rã, như vui lên làm thằng con trai lần đầu biết yêu cũng thêm bồi hồi !

Thường thường các lớp thay nhau, lớp nào phụ trách kéo cờ thì đứng sắp hàng ngay ở cột cờ và hát quốc ca luôn. Mỗi lần đến phiên lớp của C.L. , bao giờ cô bạn  cũng đứng ở hàng thứ nhì, bên cùng phía của lớp tôi sắp hàng. Có lẽ đó là một thói quen tình cờ ( ? ) , nhưng theo Q. là một “ chủ ý “, và tôi vui vui với nhận xét đó. Cũng như nhiều lần đứng trong hàng, bắt gặp ánh mắt nhìn của C.L. , cho tôi một niềm tin vô cớ...Những hôm trời mưa, lễ chào cờ thứ Hai thường lệ phải huỷ bỏ, lòng tôi tự nhiên cũng man mác buồn theo. Một tuần nữa , “ bảy ngày đợi mong “ !

Dẫu chung trường, nhưng những lần gặp nhau thật ít ỏi, và những “ thoáng gặp “ tình cờ, cho dù chỉ vài phút giây ngắn ngủi, cũng đã đem lại cho tôi cái vui ấm cúng, vấn vương cho nhiều hôm sau. Ngày ấy, có lẽ vì thiếu phòng nên các lớp học khác buổi, như lớp C.L. ngày đệ lục học buổi sáng, còn lớp bọn tôi, đệ tam, buổi chiều. C.L. hay để quên lại các thức. Có hôm để quên cây viết ( có khắc chữ “  Nguyễn...” ). Tôi cầm cây bút, cảm giác hơi ấm từ bàn tay của cô bạn như thể còn đây, và tôi dùng cây Pilot có mưc màu tím này để ghi bài buổi học chiều hôm ấy ...Trước khi về, tôi để lại nguyên chỗ cũ, với một chút tiếc nuối vẩn vơ !

NoLaVutBay 01

Một lần khác ở Phan Châu Trinh, vừa tan học ra thì gặp C.L., bàng hoàng với nỗi vui bất ngờ chợt đến. Chiều hôm đó gió khá mạnh, chiếc nón lá của C.L. vụt khỏi tay, bay là là trên vỉa đường Lê Lợi, dọc theo hàng rào của Trường. C.L. vội vàng chạy theo, nhưng khi tới gần thì gió lại vô tình đẩy chiếc nón đi một khoảng xa hơn ! Thấy vậy, tôi lại giúp, hình như có một quảng chúng tôi chạy song song, chiếc nón cũng có lúc dừng lại, nhưng rồi lại bị gió tiếp tục đẩy xa. Tôi cố chạy nhanh hơn gió ( ! ) và rồi bắt được .Nhìn lại, tôi thấy C.L. đứng đợi , lúc đến trao chiếc nón, tôi nghe được tiếng thở còn ngắt quảng của cô bạn và tiếng lí nhí “ cám ơn “. Lần đầu , được nhìn thật gần vào đôi mắt của C.L., tôi muốn kéo dài giây phút ấy, muốn hỏi một câu gì để nghe tiếng nói của cô bạn, rõ hơn, một lần nữa. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không nghĩ ra được một câu bâng quơ nào cả ! Trước vẻ ngượng ngập của C.L., thấy không nỡ kéo dài im lặng và đứng nhìn , tôi vội làm cử chỉ như để chào , trở lại lấy xe đạp rồi phóng nhanh về nhà.

Một lần “ gặp gỡ “ gần và lâu nhất có lẽ là hôm 26 tháng 10 , 1959, đêm rước đèn nhân Lễ Quốc Khánh. Tình cờ lớp của C.L và lớp bọn tôi xếp hàng sát cạnh nhau. Nhìn qua hàng bên, chợt thấy C.L. Ánh nến lung linh của cây đèn giấy dầu màu đỏ đang cầm trên tay phản chiếu lên đôi mắt, lên vầng trán hồn nhiên. Hình ảnh đó theo tôi mãi nhiều năm, để sau này, mỗi khi tình cờ nghe câu hát : “” ...Ánh mắt sáng ngời. Bầu trời u tối. Không gian xa vời. Ngày đó có nhau. Vui duyên tình đầu...Một thoáng qua rồi.Để buồn mai sau...”, thì đêm rước đèn Quốc Khánh, mùa thu năm đó, lại một lần trở về nồng ấm trong hồn . Và tôi yêu biết bao bản ca này. Các bạn có nghĩ như tôi, lắm lúc ta thích một bài hát ,không phải vì lời ca hay  điệu nhạc mà chính vì nó gợi cho ta giấc mơ xưa , làm sống lại những tâm tình cũ hay cảm xúc nào đó trong cuộc đời ?

Trên chuyến bay dài trở về nhà, hình ảnh C.L. của lần gặp cuối, một ngày gần Tết ,khoảng tháng 2 năm 1961, chiếc khăn choàng mỏng manh màu vàng mơ, che nửa bờ vai, tươi mát và trong trắng tựa đóa hoa rừng, như lại rõ rệt trước mắt tôi. Và tôi qua những giấc ngủ chập chờn , đầy mộng mị , trên máy bay.

Tôi nhớ hôm ghé Sapa , định về nhà sẽ viết kể lại cho Q. nghe. Từ Hà Nội đi phải mất độ  10 tới 12 tiếng xe lửa ( ? ) đến Lào Kay, rồi khoảng vài giờ bus nữa để tới Sapa. Hôm tôi đến đây, đứng trên đỉnh núi cao, hình như có cao độ gần bằng rặng Fan Si Pan ?, sương mù khá lạnh, nhìn chung quanh núi rừng bao la, đẹp và nên thơ. Những bản dân nơi này như người Nùng, người Mường...đặc biệt những cô gái Mường aó xanh, áo đỏ, đi chân đất, người nhỏ nhắn thấp bé, tất cả hình như không cao quá thước tư, nhất là những cô gái thuộc bản H’Mong, nom xinh xắn như những con  “ búp bê “. Được biết người Mường ở đây, có một phong tục gọi là “ Chợ Tình “. Mỗi năm họ có một buổi như phiên chợ cho những người yêu nhau thuở trước song vì những trở ngại gì đó mà chẳng nên vợ chồng, những ai muốn gặp lại “ người xưa “ thì đến đây để gặp. Phong tục đó mới nghe qua, tôi đã yêu thích ngay, thấy vẻ gì rất nên thơ,( vừa “ nhân đạo “ nữa! ) , và gợi cho tôi nhớ tới C.L. thật nhiều ngày hôm đó, cũng như giây phút khi tôi viết những dòng này.

Và cùng  với hình ảnh C.L., quảng đời êm đẹp của những ngày ở Phan Châu Trinh dấu yêu xưa, một trời thương nhớ cũ cũng lại dạt dào trở về...Tôi muốn bắt chước Xuân Diệu , “ Bạn ơi, có gặp tuổi thơ của tôi trên đường cái không ? “

Nguyên Thao

Tháng 6, 2002.

ĐS Kỷ niệm 50 năm  thành lập Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 11 năm  2002. Little Saigon, Hoa Kỳ  )