Tình cờ khi đi tham dự ngày họp mặt đầu năm của Hội Cựu Học sinh Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng năm 1998 tôi đã gặp lại người bạn cũ và cũng là một nhạc sĩ đã có với tôi những kỷ niệm đẹp của một thời còn cắp sách đến trường của Đà Nẵng,Sài Gòn daọ nào. Đó là nhạc sĩ Nhật Ngân. Sau khi buổi liên hoan chấm dứt, nhạc sĩ đã viết tặng tôi một tuyển tập đã phát hành vào năm 1996, có tên là “ Tuyển Tập Ca Khúc Nhật Ngân “ với lời đề tặng rất dễ thương : “ Tặng Bái để nhớ một thời PCT “. Tôi đã cám ơn anh về những cảm tình mà đã dành cho tôi.
Khi về lại San Diego tôi đã có dịp xem qua tuyển tập và một trời kỷ niệm lại về với tôi cùng với người nhạc sĩ trẻ tài hoa này.
Nói đến nhạc của Nhật Ngân là nói đến tính chất đa dạng và phong phú về mảng đề tài cũng như phong cách, kỹ thuật thể hiện.
Từ những nhạc phổ từ thơ của các thi sĩ, đến việc đặt lời cho nhạc Trung Hoa đi cao và xa hơn nữa là nhạc truyện. Bất cứ lãnh vực nào mà nhạc sĩ thể hiện đều có sức cuốn hút và rất thành công.
Về nhạc tự soạn, nhạc sĩ Nhật Ngân viết rất nhiều nhưng phải kể đến những bài ca đã được khán thính giả yêu thích nhất qua sự đãi lọc của thời gian như là :
“ Một Mai Giã Từ Vũ Khí “ mà có một lần tôi đã nghe ca sĩ Chế Phương hát rất truyền cảm bài ca này :
“ Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn. Anh chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi “
Rồi đến “ Ngày Vui Qua Mau “ với tiếng hát đầm ấm của Thái Châu :
“ Cuộc tình anh dành cho em. Đam mê đắm say kiếp kiếp. Em ơi tìm đâu xa nữa em ơi”
Rồi đến “ Người Hát Bài Quê Hương “ mà tôi đã nghe ca sĩ Trường Vũ rất ray rứt thể hiện bài ca này :
”Xin đừng hỏi tôi tại sao tôi hay hát nhạc buồn. Xin đừng hỏi tôi tại sao, tại sao hay hát dân ca “.
Về dòng nhạc viết chung với những nhạc sĩ khác thì cũng có rất nhiều , nhưng đặc biệt phải nói đến “ Tôi Đưa Em Sang Sông “, mà anh đã viết với Y Vũ từ lâu và đã được rất nhiều ca sĩ nổi danh một thời trình diễn rất tuyệt vời.:
“ Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẩm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa. Đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về. Mà nỡ quay mặt bước đi “
Bài hát “ Tôi Đưa Em Sang Sông “ làm tôi nhớ đến một kỷ niệm khó quên với Nhật Ngân.
Tôi quen Nhật Ngân khi chúng tôi còn rất trẻ, còn mài đủng quần ở các giảng đường đại học.
Vì là những sinh viên có máu văn nghệ, văn gừng nên để thay đổi không khí, chúng tôi thỉnh thoảng hay đi “ nhót “ ỡ vũ trường Olympia xuất buổi chiều. Vũ trường tọa lạc ở tầng lầu trên của rạp xi nê Vĩnh Lợi, cạnh nhà hàng Thanh Bạch đường Lê Lợi.
Tôi nhớ buổi đầu tiên tôi gặp Nhật Ngân qua sự giới thiệu của Hoàng, bạn tôi, sau khi chúng tôi yên vị trên những chiếc ghế của vũ trường. Ban nhạc chiều hôm đó do nhạc trưởng Lê Như Khuê điều khiển, đệm đàn dương cầm. Cũng chiều hôm đó do sự yêu cầu của chúng tôi, Hoàng Tiến Long với giọng hát rất ấm và truyền cảm đã ôm đàn phong cầm và hát bài “ Tôi Đưa Em Sang Sông” của Nhật Ngân , một bài hát rất thịnh hành vào thời điểm đó trong khi chúng tôi ôm đào du dương qua tiếng nhạc trầm bổng. Tuổi trẻ của chúng tôi có những khoảng trời rong chơi như thế đó. Bây giờ chỉ còn là những kỷ niệm vang bóng.
Rồi đến “ Xuân Này Con Không Về “ viết chung với Trần Trịnh dưới bút hiệu Trịnh Lâm Ngân.
Tôi đã nghe Duy Khánh hát với tất cả niềm rung cảm chân thành bài ca này :
“ Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa “
Bài hát “ Xuân Này Con Không Về “ nhắc tôi nhớ một kỷ niệm nữa liên quan đến Nhật Ngân.
Vào một đêm giáp Tết năm 1979, trong một láng trại tù Xuyên Mộc Đồng Nai, trong khi mọi người đang yên giấc thì bỗng bên tai tôi có tiếng vọng khe khẽ từ bên ngoài cửa sổ vọng vào của một vệ binh cọng sản “ Ở đây có anh nào biết hát bài “ Xuân Này Con không Về “ không thì hát cho tôi nghe với “.
Lúc đầu tôi hơi ngỡ ngàng vì không tin đó là chuyện thật, nhưng sau một phút định thần tôi đã nhận ra rằng tôi đã nghe không lầm và đã nói với anh ta rằng tôi biết bài ca này nhưng không nhớ hết lời. Chỉ nhớ mang máng vài câu đầu mà thôi.
Sau đó anh ta không nói thêm một lời nào cả vả bỏ đi. Tôi biết tác giả của bài ca này là Trịnh Lâm Ngân nhưng không biết Trịnh Lâm Ngân và Nhật Ngân là một. Mãi đến sau này chúng tôi mới khám phá ra là như thế.
Thật tình tôi không ngờ bài ca có giá trị đánh động được con tim của những kẻ xa nhà, xa quê hương nhân dịp Xuân về như vậy cho dù đó là một cán binh cộng sản.
Rồi đến “ Qua Cơn Mê “, Nhật Ngân cùng với nhạc sĩ Trần Trịnh hợp soạn cũng dưới bút hiệu Trịnh Lâm Ngân mà ngày xưa tôi đã nghe nhiều lần ca sĩ Trúc Mai rất thiết tha thể hiện ca khúc này :
“ Một mai qua cơn mê. Xa cuộc đời bồnh bồng. Tôi lại về bên em”
Rồi đến “ Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ “ viết với Duy Trung, mà đã có lần tôi đã nghe nữ ca sĩ Thanh Thúy rất ray rứt khi thể hiện bài ca này :
“ Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Người đời vô tình dẫm nát thân em
Người đời vô tình dày xéo lên em
Người đời vô tình giết chết đời em “
Về việc viết lời cho những dòng nhạc nước ngoài thì phải nói rằng về lãnh vực này, nhạc sĩ Nhật Ngân đã rất thành công vượt trội với những bài ca đặt lời từ nhạc Trung Hoa như những bài ca “ Mưa Trên Biển Vắng “ mà Như Quỳnh đã rất thâm trầm thể hiện rất hay bài ca này :
“ Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Con sông nào khơi lên nỗi đau trong ta bao nhiêu chiều lang thang một mình “
Tiếp đến là “ Cánh Hoa Tàn Úa “ mà ca sĩ Tú Quyên rất đam mê thể hiện bài ca này :
“ Anh đem trao cho em nụ hồng
Nụ hồng mong manh như sương mai trong gió
Em nâng niu đem hoa về giữ trong hồn
Mong sao hoa không phai sắc hương “
Tiếp đến là “ Tình Nhạt Phai “ mà tôi đã nghe Don Hồ rất bâng khuâng, xa vắng khi trình bày ca khúc này :
“ Chiều buồn nghiêng nắng
Biển vắng mênh mông lang thang mình ta
Mây trên cao bay khuất chân trời
Và theo gió cuốn trôi đi bao nhiêu mộng mơ “
Tiếp đến là “ Tango Say “ mà tôi đã nghe ca sĩ Aí Vân đã rất xót xa thể hiện ca khúc này :
“ Rượu đã say, sao nghe mình thêm buồn
Lòng giá băng, có ai người biết cho mình “
Về dòng nhạc phổ thơ thì phải kể đến “ Kiếp Sau “, phổ thơ Trần Mộng Tú. Aí Vân cũng đã tha thiết diễn tả bài ca này :
“Đêm qua em nằm mơ. Mẹ đem em gã chồng
Cho một chàng thi sĩ. Số chàng rất long đong “
Về nhạc truyện, thật tình mà nói, nhạc sĩ Nhật Ngân đã tiến lên một bước thành công mới với thể loại nhạc này. Đáng kể nhất là nhạc chuyện “ Tấm Cám “ , được thu hình trong video Thuý Nga Paris By Night 34 với phần trình diễn của Ái Vân, Aí Thanh, Nguyễn Hưng, Chí Tài rất hay và sinh động.
Với khối lượng âm nhạc mà nhạc sĩ Nhật Ngân đã sáng tác và dàn trải trong hơn bốn thập niên qua đã làm nên tên tuổi của anh, đã đưa anh đến với khán thính giả xa gần cùng với sự ngưỡng mộ một con người, một cuộc đời cho nghệ thuật.
Xin phép anh cho tôi được đại diện những người cùng thế hệ với anh, thương mến anh và nghĩ về anh như là một trong những nhạc sĩ đã đóng góp tích cực cho nền âm nhạc Việt Nam trong hạ bán thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này.
San Diego Đông 2001
Nguyên Phan
(ĐS “ Bạn Cũ Trường Xưa” Đại hội PCT toàn thế giới kỳ V,California 9 tháng 7 năm 2023 )