Theo Wall Street Journal, đứng đầu nhóm này là 1 nhà đầu tư mạo hiểm 33 tuổi có xuất thân là 1 nhà nghiên cứu vật lý có tên Tom Cahill, người sống xa tầm mắt công chúng trong căn hộ 1 phòng ngủ đi thuê ở gần công viên Fenway ở Boston. Anh chỉ sở hữu 1 bộ vest duy nhất, nhưng có đủ các mối quan hệ để có thể ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Những nhà khoa học và tỷ phú này miêu tả thứ mà họ đang theo đuổi giống như dự án Manhattan hậu phong tỏa (đặt tên theo dự án Manhattan nghiên cứu và phát triển, chế tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, chủ yếu do Hoa Kỳ thực hiện với sự giúp đỡ của Anh và Canada). Lần này, các nhà khoa học đang đổ trí tuệ và tiền của vào những ý tưởng không chính thống được lượm lặt từ khắp thế giới.
Tự gọi mình là “Những nhà khoa học ngăn chặn Covid-19”, nhóm này gồm các chuyên gia công nghệ sinh hóa học, 1 chuyên gia về miễn dịch, 1 nhà sinh học thần kinh, 1 chuyên gia về nhịp sinh học, 1 bác sĩ chuyên khoa ung thư, 1 bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, 1 chuyên gia về đại dịch và 1 nhà khoa học hạt nhân. Là một trong số những nhà khoa học thuộc nhóm này, chuyên gia sinh học Michael Rosbash, người đạt giải Nobel năm 2017, tự nhận mình là người “kém cỏi nhất”.
Nhóm này đã trở thành cầu nói cho các công ty dược phẩm tìm kiếm 1 mối kết nối danh tiếng với những người làm chính sách trong chính quyền Trump. Họ cũng làm việc như một ủy ban phi chính thức đánh giá hàng loạt những nghiên cứu về virus corona, bác bỏ những nghiên cứu sai trước khi chúng đến được với các nhà hoạch định chính sách.
Lần này, các nhà khoa học đang đổ trí tuệ và tiền của vào những ý tưởng không chính thống giúp chống lại Covid-19.
Họ đã soạn thảo 1 báo cáo dài 17 trang kêu gọi thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn virus. Một trong những ý tưởng là sử dụng thuốc từng điều trị virus Ebola cho bệnh nhân Covid-19, với liều mạnh hơn so với các thử nghiệm trước đây.
Giám đốc Viện Y tế quốc gia Francis Collins từng chia sẻ ông đồng tình với phần lớn các đề xuất được nêu ra trong báo cáo. Báo cáo đã được trình lên Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu đội đặc nhiệm chống virus corona của Mỹ.
Quay trở lại với tiến sĩ Cahill, “tài sản” lớn nhất của anh là những quan hệ có được thông qua công ty đầu tư của mình. Đó là những tỷ phú như Peter Thiel, Jim Pallotta và Michael Milken. Nhóm của Cahill cũng thường xuyên tư vấn cho Nick Ayers, trợ tá lâu năm của ông Pence.
Rõ ràng là không ai trong nhóm này lấy tài chính làm động lực chính khi theo đuổi dự án. Họ được thôi thúc bởi cơ hội tăng cường thêm các mối quan hệ của bản thân và hỗ trợ cho cuộc chiến chống virus đang rất căng thẳng ở cả cấp bang và liên bang.
“Chúng tôi có thể thất bại, nhưng nếu thành công, điều đó có thể giúp thay đổi thế giới”, Stuart Schreiber, nhà hóa học đang giảng dạy ở Harvard University và là 1 thành viên của nhóm nói.
Steve Pagliuca, đồng Chủ tịch của Bain Capital và cũng là 1 trong những nhà đầu tư của Cahill, đã giúp chuyển bản báo cáo đến CEO David Solomon của Goldman Sachs, sau đó ông Solomon lại chuyển tới Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
2 năm trước, Cahill – khi đó đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Duke University, đã triển khai nghiên cứu về những bệnh có gene hiếm gặp. Anh nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này sau khi hoàn thành luận văn. Tuy nhiên, thay vào đó Cahill lại liên lạc với 1 người bạn và vào làm tại công ty của bố anh ta, quỹ đầu tư Raptor Group. Anh đặc biệt thích đầu tư vào những công ty trong mảng khoa học đời sống, vì có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn bằng cách tìm kiếm những nhà khoa học triển vọng và giúp họ giải quyết các vấn đề cả về khoa học và tài chính.
Một thời gian sau, Cahill tự lập ra quỹ đầu tư của riêng mình, Newpath Partners, với 125 triệu USD huy động được từ 1 nhóm nhỏ các nhà đầu tư giàu có, trong đó có Peter Thiel. Họ bị thu hút bởi cách tiếp cận mới mẻ của Cahill.
Đầu tháng 3, khi số ca tử vong do Covid-19 tăng lên, anh cảm thấy khá thất vọng với thực trạng nghiên cứu virus. Các nhà đầu tư cũng liên tục hỏi về virus, do đó anh đã tổ chức 1 cuộc họp trực tuyến để chia sẻ một vài ý tưởng về cách đẩy nhanh phát triển thuốc đối phó với virus corona chủng mới. Cahill dự tính sẽ có khoảng 20 người tham dự. Nhưng kết quả thành công mỹ mãn khi anh kết nối được với rất nhiều ông lớn, thậm chí nhà đầu tư Milken nói rằng: “suốt 50 năm tham gia nghiên cứu về y học, tôi chưa từng thấy sự hợp tác nào lớn đến vậy”.
Trong giai đoạn đầu, họ tập hợp hàng trăm nghiên cứu khoa học về Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới, phân loại thành những ý tưởng có triển vọng và ý tưởng tồi. Mỗi thành viên đọc tới khoảng 20 nghiên cứu mỗi ngày, tức tốc độ gấp khoảng 10 lần so với công việc hàng ngày. Họ liên tục tranh luận qua các cuộc họp trực tuyến và cả điện thoại, tin nhắn. Một số ý tưởng được nhắc đến nhiều như sử dụng thuốc Hydroxychloroquine hay test kháng thể để cho phép người nhiễm bệnh đi làm trở lại đều bị bác bỏ ngay lập tức.
Khuyến nghị đầu tiên của nhóm là cần mở rộng phạm vi hoạt động của chính quyền liên bang. Ví dụ, mua thuốc vẫn chưa được chứng minh là 1 cách hiệu quả để khuyến khích các công ty dược tăng tốc sản xuất vì họ vẫn lo ngại sẽ thua lỗ nếu thuốc đó thất bại. Một kiến nghị khác là giảm thời gian review thuốc mới từ 9 tháng hay 1 năm xuống chỉ còn 1 tuần.
Công việc tiếp theo là đưa được những kiến nghị tới đúng người trong chính quyền Trump. Cahill nhờ tới 1 tỷ phú khác: Brian Sheth, đồng sáng lập của quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Vista Equity Partners. Nhân vật này đã giới thiệu nhóm của Cahill với Thomas Hicks Jr., 1 doanh nhân ở Dallas và là đồng chủ tịch Ủy ban Cộng hòa toàn quốc (RNC). Mối quan hệ này giúp kết nối nhóm các nhà khoa học tự do với 1 thành viên quyền lực của đảng Cộng hòa thường đi bắn chim với con trai Tổng thống Trump.
Mối lo ngại lớn nhất của các nhà khoa học chính là Cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Họ xác định các thuốc kháng thể đơn dòng là phương pháp điều trị có nhiều hứa hẹn nhất, nhưng để có thể sản xuất đủ số lượng, 1 công ty dược như Regeneron Pharmaceuticals sẽ phải chuyển 1 phần hoạt động sản xuất sang Ireland. Luật của FDA quy định quá trình phê duyệt phải mất vài tháng.
Nhưng cuộc gọi tới FDA mang lại sự thất vọng khi những quan chức của FDA nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Sau vài nỗ lực, cuối cùng giấy phép đã được cấp ngay lập tức.
Ở thời điểm này, ưu tiên của nhóm là triển khai giai đoạn 4: tái mở cửa nước Mỹ. Các ý tưởng bao gồm thực hiện xét nghiệm nước bọt và xét nghiệm vào cuối ngày để có thể có kết quả ngay buổi sáng hôm sau. Họ cũng đề xuất toàn dân sử dụng 1 ứng dụng smartphone để xác nhận không mắc phải bất kỳ triệu chứng nào trong số 14 triệu chứng.
“Chúng tôi cần đến toàn bộ đất nước – chính phủ, doanh nghiệp và giới khoa học – đoàn kết để chống lại dịch bệnh”, Cahill nói.
Theo Khoa học