Những Kỷ Niêm Vui Buồn Trong Những Năm Dạy Học

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Những Kỷ Niêm Vui Buồn Trong Những Năm Dạy Học, Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng

 ( Tưởng nhớ những đồng nghiệp tại trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng , đã yên giấc ngàn thu  )

TraiheMyThi

Tình đồng nghiệp cũng thiêng liêng cao quí như tình bạn , tình đồng đội, đồng hương , đồng sự . Đây là những người chọn  chung một nghề , cùng phục vụ một lý tưởng . Trừ một vài trường hợp đổi ngành , hay vì hoàn cảnh đất nước sau biến cố 1975 , một số giáo chức bị mất dạy học , đa số những đồng nghiệp giáo chức khi đã chọn nghề , sẽ đem hết lương tâm phục vụ từ ngày vào nghề đến ngày hưu trí . Dù không được dạy chung một trường hay làm việc chung  một nhiệm sở , những đồng nghiệp giáo chức hàng năm thường gặp nhau trong các kỳ chấm thi hay những khoá tu nghiệp .

Tôi được hân hạnh làm nghề giáo từ năm 1958 , dạy ở trường Tư thục Bình Minh Huế, đến năm 1968 làm việc ở Nha Du học, Bộ Giáo Dục, tổng cọng 10 năm, rồi được từ dịch khỏi nghề giáo, chuyển qua làm nghề khác . Trong ba năm từ  1960 đến 1963 dạy học tại trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng , tôi đã gắn bó mật thiết với một số đồng nghiệp ở đây . Cho đến nay đã 39 năm xa cách , kể từ 1963 có nhiều đồng nghiệp cũ ở trường Phan Châu Trinh tôi chưa hề gặp lại . Tôi cũng không nắm vững hiện giờ những đồng nghiệp cũ của tôi ở Phan Châu Trinh ai mất , ai còn ,ai đang ở trong nước , ai đang sống ở hải ngoại . Mặc dù vậy , tôi vẫn luôn luôn nhớ những đồng nghiệp cũ . Hình bóng các đồng nghiệp không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi .

Nhân muà Vu Lan năm nay, tôi muốn viết vài giòng để tưởng nhớ những đồng nghiệp cũ của tôi ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã an giấc ngàn thu mà tôi biết hay được nghe kể lại ,hoặc đọc trong bản tin của đặc san Aí Hữu Phan Châu Trinh. Lẽ dĩ nhiên bài viết này còn thiếu sót , hay có nhiều chỗ không được đúng ,mong các bạn đồng nghiệp của tôi hiện ở khắp năm châu hay ở trong nước , cũng như những cựu học sinh trường Phan Châu Trinh biết rõ hơn , xin bổ túc để bài viết này được hoàn hảo thêm .

Tôi xin bắt đầu theo thứ tự A,B,C của tên các đồng nghiệp .

Anh Ngô Văn Chương

Anh Ngô Văn Chương học Cao đẳng Sư phạm  vừa đỗ Cử nhân Văn Khoa Đại học Sài Gòn . Sau khi ra trường anh được đổi về dạy trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế . Vì có năng khiếu về văn chương , anh dạy Quốc văn ở trường Đồng Khánh được đa số nữ sinh quí mến.

Giữa năm 1962 , anh được sự vụ lệnh Bộ Giáo Dục đề cử làm Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng thay cho Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc , được  cử vào làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ ,Tuy Hòa.

Vì thời gian đó anh Chương có người anh vợ là Dân biểu Hà Như Chi thân cận với gia đình họ Ngô ,nên ai cũng cho rằng anh được chế độ ưu đãi . Cũng có thể một phần do lỗi của anh không khéo léo cư xử, đôi khi để lộ ra mình là người có quyền thế . Vì vậy giáo sư và học sinh trong trường một số không thích anh . Riêng tôi , lúc nào anh Chương cũng đối xử rất tử tế . Thỉnh thoảng có giờ rãnh , tôi thường rủ anh xuống Chợ Hàn ăn phở . Món phở anh thích nhất là món tái sách .

Tháng 8-1963 , trong lúc anh đi làm Chánh Chủ Khảo Hội Đồng thi tú Tài I ở Huế , thì tôi nhận được Sự vụ lệnh thuyên chuyển về Viện Đại học Huế theo nhu cầu công vụ. Nhận Sự vụ lệnh do anh Tổng Giám thị Trần Hữu Duận , xử lý thường vụ Hiệu trưởng tống đạt, tôi rời trường Phan Châu Trinh ra Viện Đại học Huế , không một lời từ biệt anh Chương .

Chỉ mấy tháng sau , xảy ra biến cố 1-11-1963 chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ . Tôi không còn ở trường Phan Châu Trinh để chứng kiến phút đau khổ nhất đời của anh . Chỉ nghe một vài đồng nghiệp kể lại , anh bị một số Giáo sư  và học sinh đưa ra giữa cột cờ để buộc tội . Sau đó anh được đưa vào trình diện Bộ Giáo Dục , nhận Sự vụ lệnh  thuyên chuuển về dạy tại một trường Trung học nhỏ miền Tây . Một thời gian anh được  gọi nhập ngũ , rồi  giải ngũ và biệt phái về dạy trường Nữ Trung Học Đồng Khánh , Huế, nơi anh dạy trước đây.

Sau biến cố tháng 4-1975 , anh bị nghỉ dạy , nhưng sau lại được nhận vào làm việc tại Trung Tâm Dịch Thuật thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ ) . Có lần anh tâm sự với tôi rằng trong thời gian ở Trung Tâm Dịch thuật , vào những giờ nghỉ làm việc ở sở , anh thường ngồi ở Lăng Cha Cả để coi bói hay nhận chấm tử vi cho khách hàng kiếm tiền nuôi sống gia đình . Đây là một nghề bất đắc dĩ ,lại bị chính quyền Cọng sản nghiêm cấm là mê tín dị đoan , nên anh phải hành nghề chùng lén .

Thời gian sau đó , tôi vì lăn lộn đi vượt biên ,nên ít khi có mặt ở Sài Gòn . Khi về Sài Gòn thăm gia đình ,nghe một vài người bạn kể lại , trong một cơn đau nhồi máu cơ tim , anh đã vĩnh viễn lìa trần .

Chị Ngô Thị Như Hà

Chị Hà đỗ Tú tài II ban Văn Chương , được vào dạy trường Phan Châu Trinh , bắt đầu năm 1957 . Giữa chị và tôi , không những là đồng nghiệp ở trường Phan Châu Trinh ,mà còn là những đồng sự cọng tác kinh doanh , trong những năm chúng tôi sống ở Sài Gòn . Tôi đã viết một bài dài về chị Như Hà đăng trong  Website Phan Châu Trinh

Hôm nay tôi ghi thêm vài nét đặc biệt về chị . Đó là sắc đẹp duyên dáng của chị , nổi bật chiếc răng khểnh trong những lúc chị cười nói . Cách ăn mặc của chị rất tao nhã ,kể cả chiếc áo dưỡng thai của chị mặc cũng hài hoà đẹp đẽ . Tiếng nói của chị ngọt ngào truyền cảm , tạo được sự thương mến của đa số đồng ngbiệp và học sinh các lớp chị dạy .

Vì hồng nhan , nên đời chị gặp nhiều gian trân trong vấn đề tình ái . Mối tình Hà Lãng Hổ đã làm chấn động dư luận một thời . Cũng vì hồng nhan  nên chị bạc mệnh. Chị đã qua đời ở Houston, Texas ,lúc tuổi chưa qúa năm mươi để lại thương tiếc cho bao nhiêu người.

Thầy Phạm Hữu Khánh

Thầy Phạm Hữu Khánh dạy môn Vẽ cho hầu hết các lớp trung học đệ nhất cấp trường Phan Châu Trinh . Mặc dù mỗi tuần chỉ có một giờ Vẽ , nhưng tất cả học sinh Phan Châu Trinh đều học với Thầy , nên biết Thầy . Có lẽ nghề dạy học chỉ là nghề tay trái của Thầy . Thầy đã có một cơ ngơi làm ăn lớn trên đường Hùng Vương , gần con hẽm đi vào chùa Hải Châu.

Thầy có hai cô con gái ngoan, học giỏi , là Phạm thị An và Phạm thị Ninh học lớp tôi dạy . Sau này cô An lấy Trần Vạn Hồng , cũng là cựu học sinh Phan Châu Trinh .

Tôi không biết Thầy mất năm nào . Trước 1975 , cô Khánh một hôm đến nhà tôi ở Sài Gòn thăm và nhờ tôi giúp đỡ chỉ vẻ chủ tục nạp đơn xin du học tự túc cho đứa con trai , em của hai cô An và Ninh . Lúc đó nghe cô nói tôi mới biết Thầy Khánh đã mất . Mặc dù tôi không còn làm việc ở  Nha Du Học , tôi vẫn sốt sắng chỉ giúp cô mọi thủ tục về du học . Sau đó tôi có  đến thăm gia đình cô ở đường Phan Thanh Giản , trước mặt Bệnh viện Bình Dân .

Sau 1975 , thỉnh thoảng tôi có gặp Trần Vạn Hồng , chồng cô An , viết cho tờ báo Sài Gòn Giải Phóng , phụ trách Mục thơ trào phúng , lấy biệt hiệu Cung Văn . Còn Phạm thị An làm việc cho tờ tuần báo Tuổi Trẻ ,nhưng tôi không có dịp đến thăm . Hình như Phạm thị Ninh ở Mỹ . [ Theo lời anh Phạm Hữu Phụng, con của giáo sư Phạm Hữu Khánh, thì giáo sư  Khánh  tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật tại Hà Nội , và từ trần ngày 23-10 năm Ất Tỵ, tức 15-11-1965 tại Sài Gòn ] .

Anh Trần Công Kiểm

Anh Trần Công kiểm học Cao đẳng Sư Phạm Sài Gòn được về dạy trường Võ Tánh, Nha Trang, sau đổi lên trường Trung học Ban Mê Thuộc . Năm 1961 anh được đổi về dạy ở Phan Châu Trinh , cùng một lần với anh Trần Đình Đàm .

Tôi với anh Kiểm  , mặc dù không học chung với nhau , nhưng có sự quen biết về gia đình . Anh Kiểm là cháu ruột bác Trần Điền , cựu tham sự Công chánh . Tôi là người bà con cùng quê với Cô Phan thị Ngân , Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng , vợ của bác Trần Điền .

Khi anh Kiểm về dạy trường Phan Châu Trinh , gia đình anh ở tại nhà vợ chồng bác Trần Điền , đường Cô Giang . Thỉnh thoảng tôi ghé thăm Cô Trần Điền  nên gặp anh.

Lúc tôi còn làm việc ở Nha Du Học Bộ Giáo Dục , một hôm anh Kiểm và anh Trần Đại Tăng đến Nha Du Học nhờ tôi qua phòng Lương Bổng của Bộ xin cho hai anh giấy đình chỉ lương , để hai anh nộp vào trường Thủ Đức , kịp điều chỉnh lương sai biệt cho hai anh . Tôi qua gặp Chủ sự phòng Lương Bổng xin làm liền cho hai anh.

Từ đó đến sau biến cố  1975, tôi không bao giờ gặp lại anh Kiểm. Chỉ nghe hung tin là sau 1975 anh không được đi dạy học , phải đi phụ công việc xây cất , rủi ro bị gạch đổ làm gảy lưng và đôi chân của anh , làm anh trở thành tàn phế . Rồi vì bệnh tật mỗi ngày một nặng thêm , thuốc men không đầy đủ , anh đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chưa được sáu mươi.

Cô Trần Ngọc Liễng

Cô Trần Ngọc Liễng không những là đồng nghiệp mà là bậc thầy của tôi . Cô dạy học đã lâu . Nhiều phụ huynh của học sinh cũng là học trò cũ của cô. Cô nguyên là Giáo viên Tiểu học , được biệt phái lên dạy Pháp văn ở Trung học .

Khi tôi vào dạy ở trường Phan Châu Trinh thì Cô đã dạy đó lâu rồi. Lúc nào Cô cũng hiền từ , luôn luôn cười khi nói chuyện với chúng tôi . Chồng của Cô lúc đó là Giám đốc Kinh Tế Trung Nguyên Trung Phần . Gia đình giàu sang , có địa vị . Nghe tin Cô mất ở Pháp vì tuổi già và bệnh.

Anh Ngô Hữu Ngọc

Anh Ngô Hữu Ngọc, tôi , Hoàng Thế Diệm và Ngô Hao ( sau thêm dấu huyền thành Hào ) cùng chung học với nhau lớp Đệ thất B6 trường Trung học Khải Định niên khóa 1949 -1950 , dưới thời thầy Nguyễn Hữu Thứ làm Hiệu trưởng .

Anh Ngọc lúc nhỏ đẹp trai , dễ thương , hay cười duyên và đánh bóng bàn rất giỏi . Hết niên khóa đó , vì hoàn cảnh chiến tranh , tôi bỏ học về quê . Đến năm 1953 , tôi mới trở lên Huế học lại lớp Đệ lục. Lúc đó anh Ngọc, Diệm và Hao đã học Đệ tam. Nhờ thi băng, tôi chỉ còn thua mấy anh đó hai lớp . Rồi không biết các anh đó thi hỏng hay học xong Tú tài 2 , không học tiếp mà xin đi dạy học , nên khi lên Đại học, tôi lại học chung Đại học Sư Phạm Toán với Ngô Hao . Khi vào dạy trường Phan Châu Trinh  tôi lại gặp Hoàng Thế Diệm từ trường Cường Để Qui Nhơn , mới đổi ra trường Phan Châu Trinh năm trước . Riêng anh Ngọc, học xong Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn , được đổi về dạy trường Phan Châu Trinh cùng một năm với tôi .

Gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách, thỉnh thoảng anh Ngọc , Hoàng Thế Diệm  và tôi thường nhắc những kỷ niệm năm học chung Đệ thất với nhau . Sau khi tôi rời khỏi trường Phan Châu Trinh , Ngô Hao mới ra trường Đại học Sư Phạm đổi vào dạy trường Phan Châu Trinh .

Anh Ngọc , khi dạy ở trường Phan Châu Trinh , tánh tình hơi nghiêm nghị , lúc nào cũng có vẻ buồn buồn , không nhanh nhẹn như lúc còn đi học . Chị Nguyễn Thị Lý , vợ anh , cũng là Giáo sư Phan Châu Trinh thời đó . Nghe tin , sau biến cố 1975 , anh bị thôi dạy và đi học tập cải tạo vì anh là sĩ quan biệt phái . Lúc được ra trại cải tạo , về nhà gặp chuyện buồn phiền trong gia đình , anh đã tự vận .

Anh Đặng Xuân Nhi

Anh Đặng Xuân Nhi học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn . Lúc ra trường anh dạy học ở miền Nam , sau đó anh xin chuyển về Phan Châu Trinh từ năm 1961 . Anh gốc người Quảng Nam nên việc đổi về dạy ở Đà Nẵng rất thích hợp với anh . Khi về dạy Đà Nẵng , vợ chồng anh đã có một dãy nhà cho thuê ở đường Hoàng Diệu . Gia đình tôi , Lê Quang Mai và Trần Xuân Mai đều là giáo sư  Phan Châu Trinh , đã thuê nhà của anh . Anh không mơ địa vị cao sang , chỉ thích dạy học ngày hai buổi . Nhiều lần được Bộ Giáo Dục đề cử anh làm Hiệu trưởng trường Trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ , anh đều chối từ . Sau vì tình thế bắt buộc , anh đành phải nhận làm Hiệu trưởng Trần Cao Vân Tam Kỳ chỉ một năm , rồi anh xin về Đà Nẵng dạy học , vừa làm kinh doanh . Nghe tin biến cố 1975 , anh bị tử nạn chiến tranh trên đường di tản . 

Anh Trần Ngọc Quế

Anh Trần Ngọc Quế nguyên là giáo viên Tiểu học , nhờ có tài viết văn , nên được biệt phái dạy môn Việt Văn tại trường Phan Châu Trinh đã lâu. Mặc dù lớn tuổi , miệng đã móm ,anh vẫn sống độc thân . Nghe người ta đồn anh có số đào hoa . Nhiều cô con gái và nữ sinh đẹp tất mê anh , thường đến thăm anh tại nhà . Trước kia anh thuê nhà của vợ chồng bác Trần Điền ở đường Cô Giang , sau anh về thuê nhà ở đường Phan Châu Trinh cạnh nhà tôi thuê  lúc đó .Đúng như lời đồn không sai ,những ngày nghỉ học , đứng ở cửa sổ nhà tôi nhìn qua , thấy có nhiều cô con gái đẹp hay nữ sinh đến thăm anh.

Biến cố 1975, anh di tản được từ Đà Nẵng vào Sài Gòn . Anh cùng vài đồng nghiệp cũ có đến thăm tôi ở Sài Gòn . Sau ngày 30 . 4. 75 , anh cùng vài đồng nghiệp cùng tôi ngồi uống cà phê ở Tân Định . Dịp này , tôi có khuyên anh nên ở lại Sài Gòn sinh sống hơn là trở về Đà Nẵng . Không biết sau đó anh có về Đà Nẵng rồi bị bắt đi học tập cải tạo , hay anh ở Sài Gòn đi trình diện học tập cải tạo  , vì trước đây anh là đảng viên Quốc Dân Đảng ở Đà Nẵng . Có lẽ vì không có thân nhân bới xách thăm nuôi , anh không chịu nổi cực khổ trong thời gian  đi cải tạo  nên anh đã chết trong trại cải tạo .

Thầy Bùi Tấn

Thầy Bùi Tấn là bậc thầy của tôi . Năm 1949 học Đệ thất trường Khải Định , mặc dù tôi không được học môn Thầy dạy , nhưng đã thấy Thầy dạy Toán ở Khải Định mấy niên khóa rồi . Sau đó bỏ học một thời gian vì chiến tranh , năm 1953 lên Huế học lại Khải Định , tôi cũng không được học với Thầy . Tuy nhiên những nâm đó , mấy cuốn sách Toán Hình học và Đại Số của Thầy soạn chung với hai Thầy Đinh Qui và Lê Nguyên Diệm , tôi nghiền ngẫm ngày đêm , nên tên của Thầy đã in sâu vào tâm trí tôi.

Khi được vào dạy trường Phan Châu Trinh gặp được Thầy dạy môn Toán , tôi rất mừng vì sẽ được học hỏi những kinh nghiệm của Thầy trong môn dạy Toán .

Thầy là con người mô phạm , đạo mạo , nghiêm trang tôi luôn luôn kính phục . Thầy không ưa địa vị , chỉ thích dạy học . Nhiều lần Thầy được đề cử làm Hiệu trưởng trường Trần Quí Cáp Hội An , Thầy đều chối tờ . Ngay taị trường Phan Châu Trinh , năm 1962 được phép mở các lớp Đệ Nhất , Thâỳ Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc mời Thầy làm Giám học . Nể lời Thầy Ngọc, Thầy nhận lời , nhưng chỉ một năm sau , khi anh Ngô Văn Chương vào làm Hiệu trưởng thay Thầy ngọc đổi vào làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, thầy Bùi Tấn xin thôi làm Giám học, trở lại dạy học . Tôi được hân hạnh thay Thầy dạy Toán các lớp Đệ tứ trong niên khóa 1962 – 1963, khi Thầy làm Giám học .

Khi tôi còn dạy ở Phan Châu Trinh , Thầy có con trai là Bùi Anh Tuấn và em ruột là Bùi Văn Nam Sơn học lớp tôi dạy. Có Bùi Thị Dương Nguyên là con gái Thầy cũng học ở Phan Châu Trinh . Sau cả Bùi Anh Tuấn và Dương Nguyên đi du học . Riêng Bùi Văn Nam Sơn  , đỗ Tú tài 2 rồi vào Sài Gòn học , đỗ Cử nhân Luật , xong nạp đơn xin du học tự túc .

Gia đình thầy Bùi Tấn sau 1975  di chuyển vào Sài Gòn , ở tại đường Phan Đình Phùng cũ . Tôi có ghé nhà thầy thăm một lần  . Gặp tôi , thầy cô rất vui mừng tiếp tôi niềm nở . Tôi qua Canada năm 1992 , vài năm sau tôi được tin thầy đã qua đời  ngày  25 . 1 . 1995 viì chứng bịnh ung thư .

Thầy Trần Tấn

Thầy Trần Tấn gia đình ở Điện Bàn , Quảng Nam , nhưng thầy ra dạy trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng  . Đôi mắt thầy bị cận thị nặng nên thầy phải đeo cặp kính cận . Năm tôi vào dạy ở trường Phan Châu Trinh thì thầy đã lớn tuổi . Thầy chuyên dạy Pháp văn . Mỗi khi có ngày lễ hay ngày nghỉ đi biển Cửa Đại , Hội An bằng xe Lambretta , lúc nào đến ngang Điện Bàn  , tôi thường ghé thăm Thầy Cô.

Kể từ khi rời khỏi trường Phan Châu Trinh năm 1963, tôi không bao giờ gặp lại Thầy . Trong hai năm 1967 , 1968 làm việc ở Nha Du Học Sài Gòn, có người con gái của Thầy tên Trần Thị Nhi, là cựu học sinh Phan Châu Trinh , học đỗ Kỹ sư Nông Nghiệp , đang làm việc tại Bộ Canh Nông Sài Gòn , thỉnh thoảng có gọi điện thoại hỏi thăm tôi . Nhờ thế tôi biết được vài tin tức về Thầy . Cuối cùng nghe tin Thầy đã qua đời vì tuổi già và bệnh tại Vĩnh Điện , Điện Bàn .

Anh Bửu Thiếc

Anh Bửu Thiếc vào dạy trường Phan Châu Trinh trước tôi mấy năm . Anh tuổi lớn hơn tôi . Trước đó tôi không quen anh ,nhưng khi đến thăm anh tại nhà riêng ở Đà Nẵng , tôi mới biết chị Lục ,người ở gần nhà tôi ở Huế là vợ anh . Cũng nhờ tánh tình anh hiền hậu nên anh được thầy Lê Xuân Đích ,dạy Anh văn tại trường Nguyễn Tri Phương Huế làm mai lấy chị Lục là cháu ruột của thầy Đích . Khi dạy học ở Phan Châu Trinh , anh được đa số học sinh học với anh rất thương anh . Tuy nhiên đồng nghiệp trong trường lại hay chọc đùa anh, nhất là thường bầu chọn anh làm những việc trường cần .Thế mà anh luôn luôn vui vẻ nhận lời làm ,không bao giờ tỏ vẻ phàn nàn .

Sau ngày tôi rời Phan Châu Trinh, hình như một năm sau , anh cũng xin thuyên chuyển về dạy trường Nguyễn Tri Phương  Huế . Nghe tin anh đã qua đời vì bịnh .

Anh Hoàng Ngọc Trác  

Khi tôi rời trường Phan Châu Trinh  , đổi ra Viện Đại Học Huế , rồi qua làm việc tại trường Đại học Luật khoa  Huế , thì ngược lại anh Hoàng Ngọc Trác lại từ trường Đại học Luật Khoa Huế đổi vào dạy học ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng . Thành thử giữa tôi và anh Trác không phải là đồng nghiệp ở trường Phan Châu trinh ,nhưng xem như là hai người hoán chuyển trường với nhau.

Anh Trác nguyên là sinh viên đỗ Cử nhân Luật ở Sài Gòn , rồi tiếp tục du học Hoa Kỳ , lấy được bằng Bachelor of Arts ( BA ) . Khi về nước anh được đổi về trường Đại học Luật khoa Huế . Thời gian đó Giáo sư Bùi Tường Huân làm Khoa trưởng trường Luật không phân công anh làm giảng nghiệm viên hay Phụ khảo mà bắt anh làm công việc văn phòng . Anh bất mãn , không chịu làm văn phòng ,nên xin chuyển làm Quản Đốc Đại học xá sinh viên . Khi làm việc ở đây ,anh tham gia công việc đoàn Thanh Niên Cộng Hoà . Biến cố 1 .11.1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm , giải tán Thanh Niên Cọng Hòa . Anh hết chỗ đứng đành phải xin đổi vào trường Phan Châu Trinh dạy học . Rôi sau đó hình như anh vào trường Sĩ quan Thủ Đức và dạy trường Sinh Ngữ Quân Đội .

Sau 1975 anh bị đi học tập cải tạo một thời gian rồi được thả . Lúc học tập về ở sài Gòn tôi có gặp anh một lần .Sau đó khoảng mấy tuần sau được tin anh đi vượt biên trót lọt . Qua Canada năm 1992 tôi được bạn bè cho biết anh và gia đình định cư ở California, Hoa Kỳ . Nhưng sau đó nghe tin anh bị mang chứng bịnh ALS , một chứng bịnh nan y , không nói được và người mòn mỏi lần cho đến khi chết . Anh đã vĩnh viễn qua đời cách đây mấy năm ở California, Hoa Kỳ .

Trên đây là những dòng tôi viết về những đồng nghiệp ở Phan Châu Trinh đã an giấc ngàn thu . Mặc dù các đồng nghiệp tôi không còn nhưng hình ảnh và tên của các đồng nghiệp đó vẫn sống mãi trong tôi, trong các đồng nghiệp còn sống  , cũng như trong các cựu học sinh trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng .

Nhân mùa Vu Lan , tôi kính cẩn nghiêng mình đốt nén hương tưởng nhớ đến các đồng nghiệp ở trường Phan Châu Trinh đã an giấc . Cầu nguyện các đồng nghiệp có một giấc ngủ an lành, vứt bỏ mọi nghiệp chướng  lụy phiền ở cõi dương thế , để hương linh sớm được siêu thoát .

Vu Lan 2002

Uyên Minh Trần Trừu

thayngocthaytruu

Thày Ngọc, Thầy Trần Trừu

thayTranTruu

Thầy Trần Trừu

line1

12 short stem roses hand tied bouquet

giphy