Những Năm Tháng Với Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Tôi về trường Phan Châu Trinh vào niên khóa 1956-1957. Trường lúc đó mới có  7 phòng và  8 lớp  Trung học. Là người phụ trách môn Âm nhạc, tôi được bầu hướng dẫn Văn nghệ Hiệu Đoàn.

Bộ sách giáo khoa và bài Hiệu đoàn ca

Vì chưa có sách giáo khoa nên tôi phải tự soạn theo chương trình phổ thông một bộ sách âm nhạc gồm các lớp  6, 7 ,  8 , 9  và lớp thực hành hoà âm và sáng tác nhằm hướng dẫn và phát huy năng khiếu học sinh.

Bản Phan Châu Trinh Hành Khúc được soạn trong dịp này. Bài hát được học sinh đồng ca lần đầu tiên trong lễ khai giảng niên khóa 1956-1957 và được chọn làm Hiệu đoàn ca từ đó

Việc tổ chức , rèn luyện và sử dụng năng khiếu học sinh

Cũng cần nói thêm, việc phát huy năng khiếu văn nghệ ở học sinh là cốt đẩy mạnh phong trào hoạt động và học tập trong nhà trường  chứ không để gây tác hại làm xao lãng hoặc chi phối nhiều đến việc học của các em, nên các ban văn nghệ lớp, trường phải bố trí sinh hoạt vào thời gian thuận tiện , thích hợp nhất.

Mỗi đầu niên khóa đều có tổ chức những cuộc thi tuyển giọng ca mới trong số học sinh vừa trúng tuyển kỳ thi vào đệ thất ( lớp  6 ) ở trường. Và giờ Nhạc cũng đóng góp một phần trong việc rèn luyện kỹ năng ca nhạc cho học sinh có năng khiếu. Để hàng năm , sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt ( học kỳ 1 ), ban văn nghệ tuyển chọn một số tiết mục xuất sắc của các lớp , kết hợp tập dợt thêm một vài tiết mục chính như kịch, múa, hợp xướng ( chừng 100 học sinh với nhiều giọng ca nam, nữ ) để tổ chức đêm văn nghệ cuối năm, mục đích mời phụ huynh học sinh và gây quỹ để sắm quà Tết tặng học sinh nghèo , qua ban xã hội.

Tinh thần đội ngũ và thành quả

Từ năm 1958 trở đi, trường thêm đệ nhị cấp ( cấp 3 ), thêm phòng học, đón thêm nhiều thầy cô giáo mới, trẻ, vừa tốt nghiệp, đầy tài năng và nhiệt tình trong việc hướng dẫn học sinh. Nhờ sự tận tình hướng dẫn của các thầy như Trần Đình Hoàn, Trần Đại Tăng, Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan, cô Kim Thành , thầy Trần Thông, Đông Trình ( Nguyễn Đình Trọng )...trường đã có những đêm văn nghệ thành công, những đêm thơ nhạc, những cuộc triển lãm, cùng với những đặc san, tuyển tập thơ ca, văn nhạc họa của thầy trò.

Sau đó có những người nổi tiếng như thơ thầy Trần Đại Tăng , Đông Trình, nhạc của Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan , Trần Nhật Ngân, họa của Hạ Quốc Huy, thơ văn của Nguyễn Bá Trạc, Hà Nguyên Thạch, Huỳnh Bá Thành, Phan Duy Nhân ( Phan Chánh Dinh ), Phan Nhật Nam...

Dư âm của đêm văn nghệ còn vang mãi với vở kịch “ Người chép sử “ ( Kinh Kha), Thằng Cuội, Kiều Loan. Múa thì có “ Đêm Trung Hoa”, “ Vũ khúc lúc không giờ “. Nhạc cảnh “ Đám cưới đầu xuân “ với cô dâu đẹp thùy mị bên cạnh chú rể ( nữ hóa trang ) vui tính chọc cười cả hội trường.

Giọng ngâm thơ Thanh Thảo được tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa nâng hơi, cùng với những tiếng hát truyền cảm của Lý Tuyết Ánh, Thúy Hồng , Kim Phước được tiếp nối bởi những giọng ca của Liên Mai , Phụng Hồng, Hồng Nhụy, Thanh Vân, Vân Anh, Hồng Toàn, Lệ Hồng, Hoàng Linh, Tâm Nguyên...khiến cho sân khấu trường PCT qua nhiều năm dậy lên tiếng hát không dứt và còn ngân vang trong lòng người nghe và nhắc nhở nhiều năm sau đó.

Thầy Phạm Hữu Khánh  ra đi để lại một số môn sinh hội hoạ, sau khi thành tài có người trở lại trường tiếp bước thầy hướng dẫn lớp đàn em như Hồng Diệp, Kim Trinh, hoặc trở thành họa sĩ nổi tiếng như Hạ Quốc Huy. Hoạ sĩ-điêu khắc Đỗ Toàn còn lưu lại giữa sân trường pho tượng cụ Phan Châu Trinh, những tượng, phù hiệu và tranh ở trước và trong thính đường nhà trường.

Mở rộng phạm vi và bổ sung phương tiện

Ban nhạc với nhóm Đỗ Toàn, lúc đầu chỉ nhằm phụ họa cho các giọng ca trên, sau được bổ sung dần, tăng cường thành một ban nhạc với nhiều nhạc cụ không chỉ đủ khả năng giúp cho các màn ca múa của Ban Văn Nghệ nhà trường mà còn tạo những hạt nhân gây mầm cho nhiều ban nhạc cơ sở trong thành phố. Nhóm kịch Trần Thông cũng có học sinh sang giúp đỡ cho học sinh trường Nữ Trung Học Hồng Đức hoặc Bán Công trong những lần hội diễn. Như vậy sinh hoạt văn nghệ của học sinh PCT không chỉ đóng khung trong trường, mà còn hoà đồng với các trường bạn cũng như nhiều đơn vị, tổ chức ở ngoài trường.

Tiếng hát của học sinh PCT cũng được truyền đi xa qua đài phát thanh Huế cùng các bạn trong Ban Tiếng Thùy Dương, qua đài Sài Gòn khi đi dự trại tại đây.

Kỷ niệm buổi phát hình đầu tiên của Đài Truyền hình Đà Nẵng tại Tiên Sa  cũng còn ghi hình ảnh ban văn nghệ HS PCT, như một thử thách táo bạo, lần đầu tiên các em đứng trước camera. Nhưng mà vẫn thành công vì các em là học sinh PCT.

Nhờ sự mạnh dạn hoạt động, hăng hái phát triển liên tục mà ban văn nghệ không chỉ tiến bộ về mặt nghệ thuật mà còn có thêm kinh nghiệm về mặt kỹ thuật, tổ chức và cải thiện , bổ sung và phong phú hóa dần phương tiện cũng như điều kiện quá thiếu thốn lúc ban đầu. Nội vấn đề sân khấu thôi cũng có lịch sử oanh liệt của nó. Từ sân khấu lộ thiên với bàn ghế học sinh ghép lại, đến dùng 3 phòng học liền có vách ngăn và chia làm nhiều tầng. Và sau cùng mới có hội trường riêng biệt ở trên phòng thí nghiệm như hiện nay với tiện nghi tương đối của sân khấu học đường.

Thời gian sau, khi cần, học sinh đến mở cửa Thính đường, bật đèn , kéo màn thì có thể khai diễn được rồi. Nên có thể ít ai nhớ hoặc hình dung những khó nhọc công phu vất vả của ban trực nhật và các bác cai trường trước cũng như sau đêm văn nghệ cuối năm : Việc chuẩn bị, dọn dẹp thật rềnh ràng phức tạp, nhất là khi xong việc cũng vừa thời gian tất niên.

Tuy vậy, dù trong hoàn cảnh nào, người làm văn nghệ cũng khó quên cái thời khắc khi màn khép lại cùng với những tràng pháo tay thật dòn dã vang dội hội trường dần lắng xuống...thầy trò cùng thở phào , cùng ngồi quanh xuống bên quán bún, nồi chè mà nhắc lại những hồi hộp, bồn chồn, ray rức buồn vui, lo lắng vừa qua cùng với ánh nhìn cảm thông vì thầm nghe đâu đó lời ca vui : “buồn ơi, bỏ đi tám !

Những lần chia tay , để một ngày ...gặp lại

Rồi cứ mỗi khi Hè đến, những tâm hồn trong Ban văn nghệ lại trải qua những xao xuyến ,thổn thức trước những cuộc chia tay. Có bạn chia tay để còn gặp lại trong đầu năm học mới của lớp trên. Có người rời trường vì hết cấp học, nhưng cũng có kẻ phải ra đời bằng một cuộc sống mới. Cuộc chia tay nào , dù đúng theo ý nguyện cũng không khỏi gợi một nỗi buồn man mác trong lòng thầy cô và học trò.

Tuy nhiên cũng có lần chia tay đậc biệt :

Đó là lần tách học sinh sang trường Nữ Trung học Hồng Đức mới thành lập năm 1968, số nữ sinh đệ nhất cấp ( cấp 2 ) rồi đệ nhị cấp ( cấp 3) sẽ lần lượt chuyển sang trường mới. Trường PCT mất đi nhiều tài năng văn nghệ.

Lần thứ hai vào năm 1975, thầy trò trường PCT rời trường khá đông, tản mác đi khắp nơi mà nhiều năm sau mới có dịp gặp lại,. Vì vậy, mỗi lần gặp lại là không ngăn được xúc động, buồn vui lẫn lộn đến rơi nước mắt. Tôi rời trường cũng vào dịp này và vì mãi lận đận theo cuộc sống nên ít có dịp trở lại trường. Có một lần đi ngang qua trường vào dịp học sinh cắm trại khiến tôi nhớ đến ngày trại truyền thống nhân kỷ niệm ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh...

Trường Phan Châu Trinh, đồng nghjiệp và học trò của trường

Trường PCT được xây dựng trên quê hương của cụ Phan Tây Hồ, Tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Học sinh PCT có phải là những người thường vào ra dưới cổng trường có biển mang tên người, có phải là những người có gắn bảng tên trường PCT phía gần con tim  và đã từng hát Hiệu đoàn ca vào buổi sáng thứ hai để tỏ lòng ngưỡng mộ và nhớ ơn Người chiến sĩ cách mạng , dốc lòng duy tân đất nước để chống ngoại xâm...Đâu phải chỉ có thế.

Con tim của học sinh PCT không chỉ vang lên nhịp đập dưới bảng tên trường, mà còn phải luôn luôn lắng nghe tiếng nói phát ra từ cái tên ấy để phát huy tinh thần , tư tưởng của Người mà trường đang mang tên , để noi chí Người một lòng vì nước...

Đổi mới để cứu nước và giữ nước. Muốn thế phải khởi từ việc học để mở mang trí thức. Từ trước tới nay học sinh PCT đã kế  thừa tinh thần học tập của danh nhân Đất Quảng. Kết quả của các kỳ thi tuyển vào các trường Đại học, các cuộc thi toàn tỉnh, toàn quốc cũng như quốc tế đã nêu lên nhiều tên tuổi học sinh PCT. Điều này đã làm rạng danh cho ngôi trường, cho quê hương và đất nước...

Đang suy nghĩ miên man, chợt tôi nhận ra trong sân trường học sinh đang cắm trại kỷ niệm sinh nhật Đoàn 26- 3. Ngày giỗ cụ Phan đã qua hai hôm rồi...

Gần đây,  tôi có dịp gặp lại đồng nghiệp và học sinh cũ của trường trong những buổi họp mặt thân mật đón Xuân  hay kỷ niệm húy nhật cụ Phan, đồng thời góp lời cầu nguyện cho những người đã khuất. Trong những lần hội ngộ như thế đã làm cho tôi vô cùng xúc động, dù xa cách những 20, 30 năm mà tình bằng hữu, thầy trò vẫn còn nguyên vẹn. Bản Phan Châu Trinh Hành khúc lại được đồng ca để mở đầu chương trình với những giọng ca cũ, những bản nhạc đã được tán thưởng 30, 40 năm trước. Bây giờ, tuy giọng ca không còn trong trẻo như xưa, nhưng xem ra truyền cảm hơn. Vì những bài hát đó, như Ly ruợu mừng, Cành hoa trắng, Đường xưa lối cũ, Diễm xưa, Tà áo cưới...đã nhắc lại cho người hát cũng như người nghe những kỷ niệm êm đẹp của một thời cùng sinh hoạt dưới mái trường PCT – ĐN.

Năm nay, trường được  45 tuổi, thời gian gắn bó với ngôi trường cũ sống lại trong tôi sinh động hơn bao giờ hết. Tôi lại viết một bài nhạc thứ hai về trường PCT – ĐN.  Bài thứ nhất đã được chọn làm Hiệu đoàn ca khi tôi mới đến trường. Nay tôi mượn lời thơ của thầy giáo thi sĩ Trần Đại Tăng sáng tác khi thấy nữ sinh trở laị đồng phục aó dài trắng, khiến thầy xúc động về “ Một Thời Phan Châu Trinh “. Bản nhạc phổ thơ với đoạn kết như sau :

HieuDoanPCTR

Đà Nẵng, 1 – 97

Hoàng Bích Sơn

(Dạy Âm nhạc tại trường Phan Châu Trinh  1956 -1975)