Cựu học sinh PCT Đà Nẵng ‘gắn bó đậm sâu hơn nửa thế kỷ’

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

WESTMINSTER, California (NV) Buổi hội ngộ của cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng trong không khí ấm tình đồng môn và nghĩa thầy trò, diễn ra hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Mười Một, tại nhà hàng Blue, thành phố Westminster, với những tâm tình đậm sâu sau hơn nửa thế kỷ.

PCT HM01

Hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh, ông Phan Ứng Thời (trái) và ông Võ Văn Thiệu, khai mạc buổi hội ngộ.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phan Ứng Thời, hội trưởng đương nhiệm Hội Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh, cho hay hôm nay là lần đầu tiên anh em hội ngộ sau gần hai năm ngưng trệ vì đại dịch. Nhân dịp Lễ Thanksgiving, hội tổ chức buổi hội ngộ hôm nay để tay bắt mặt mừng, tạ ơn Thượng Đế đã giữ gìn tất cả anh em bạn bè trong thời gian qua.

“Chúng tôi dự định sẽ tổ chức buổi đại hội cựu học sinh Phan Châu Trinh toàn cầu vào Tháng Bảy năm 2022 tại Nam California, hy vọng lúc đó sẽ là buổi hội ngộ đông nhất với sự tham dự của quý thầy cô và anh em đồng môn từ khắp nơi trên thế giới,” ông Thời cho biết thêm.

Tham dự buổi hội ngộ, quý nhất là quý vị giáo sư dù tuổi cao vẫn đến chung vui với những kỷ niệm xưa tại ngôi trường thân yêu cùng học trò cũ. Giờ thầy và trò giờ tóc cũng đã bạc màu thời gian.

Có những bạn đồng môn, cùng trường và cũng là chiến hữu khi vào quân đội, chiến đấu bên nhau, có dịp hồi tưởng về thời gian bên nhau nơi trường xưa, nhớ về những người bạn thân thương đã ra đi mãi không về!

PCT HM02

Những cựu học sinh Phan Châu Trinh, cũng là chiến hữu trong chiến trường, gặp nhau trong buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Và có lẽ ba người bạn cùng lớp Đệ Thất cho đến Đệ Tứ năm xưa vui nhất hôm nay, sau 69 năm rời xa mái trường, với những chuyện tâm tình kể mãi không thôi, từ khi còn là học sinh cho đến khi là chiến hữu trên chiến trường, đó là các ông Phan Ứng Thời, Vĩnh Đương, và Nguyễn Minh.

Ông Thời cho biết năm 1950, ba người cùng vào lớp Đệ Thất (lớp 7) năm 1952 học cho đến Đệ Tứ (lớp 9), sau đó ông vào Sài Gòn học tiếp.

“Năm 1952 khi tôi vào lớp Đệ Thất ở trường Phan Châu Trinh, thầy Nguyễn Hữu Thứ là Dự Thẩm ở Quảng Trị, khi về làm giáo sư ở Đà Nẵng, đã xin chánh phủ cho thành lập trường trung học tại đây, vì lúc đó chỉ có trường trung học tại tỉnh Hội An, trong khi đó Đà Nẵng chỉ là thành phố.”

“Sau khi trường trung học đầu tiên được thành lập, chỉ có một lớp Đệ Thất, sau khi lên Đệ Tứ (lớp 9) là hết lớp, phải ra Huế hoặc vô Nha Trang còn tôi vô Sài Gòn học tiếp. Sau năm 1957, trường Phan Châu Trinh mới có Đệ Nhị Cấp, bây giờ trường đã lớn lắm rồi, với 72 lớp,” ông Thời cho biết.


PCT HM03Đồng môn vui mừng gặp lại sau bao năm xa cách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong khi đó, ông Vĩnh Đương cho hay qua bao năm chiến tranh, bạn bè xưa còn gặp lại thật quý biết bao, với những kỷ niệm xưa nơi trường mẹ có lẽ nhắc hoài không hết.

“Thời đó ngôi trường nhỏ bé không có rào dậu gì, chỉ có mấy lớp thôi. Tôi vào trường năm 1952, chỉ có lớp Đệ Thất tới Đệ Tứ, tôi ra Huế học trường Providence, chương trình Pháp. Tiếp tục qua Quốc Học, và vô Sài Gòn học và thi đậu Cao Học Công Pháp tại trường Luật. Sau đó tôi vào lính và dạy Luật tại trường Võ Bị Đà Lạt,” ông Đương kể.

Thầy Lê Đình Phước, cựu học sinh Phan Châu Trinh, cựu giáo sư Viện Đại Học Vạn Hạnh và Viện Đại Học Đà Lạt, giáo sư tại UCLA và USC, hiện nay là bác sĩ chuyên ngành Pháp Y Tâm Thần, cho hay: “Thầy và trò có dịp hội ngộ, tâm tình nhắc lại, điểm danh coi bạn bè mạnh khỏe như thế nào, nhắc lại thầy xưa bạn cũ, với những tên gọi thân thương ngày xưa thật quý hóa biết bao. Mong rằng mọi người đều mạnh khỏe và những buổi hội ngộ như thế này luôn đón nhận những thầy cô và đồng môn, không ai được vắng mặt.”

PCT HM04

Thầy và trò trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng trong buổi hội ngộ.
Hàng ngồi, từ trái, các thầy cô Lê Thị Hồng Khanh, Võ Thị Hồng Diệp, thầy Trần Xuân Mai, Tạ Quốc Bảo, và cô Lữ Bá Diệp.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu Trung Tá Võ Ý, phi đoàn trưởng Phi Đoàn 118 đóng tại Pleiku, cho hay ông là cựu học sinh niên khóa 1954-1960.

“Mặc dù đã qua bao năm tháng, nhưng phải xác định một điều là trường trung học Phan Châu Trinh là nơi hình thành nhân cách của công dân, huống chi những học trò ở Đà Nẵng đã được thụ huấn tư tưởng của cụ Phan, với tôn chỉ ‘Khai Dân Trí – Chấn Dân Khí – Hậu Dân Sinh’ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị,” ông Ý nói.

“Đúng ra ban tổ chức sẽ đại hội hai năm một lần nhưng vì dịch bệnh nên tạm ngưng, hôm nay buổi hội ngộ tuy nhỏ, nhưng thể hiện tình thầy xưa bạn cũ cũng là điều hay. Hầu hết những bạn bè đều là cựu học sinh, cựu chiến hữu của chúng tôi ngày xưa trên chiến trường, gặp lại nhau đây cũng đậm nét thi vị trong tình bằng hữu!”

Ông Võ Văn Thiệu, cho biết gặp nhau hôm nay rất vui, trước là gặp gỡ, sau là bàn tính chuyện sắp tới.

PCT HM05

Ba người bạn thời trung học Phan Châu Trinh, cũng là chiến hữu khi vào lính, hội ngộ sau 69 năm xa cách.
Từ trái, ông Nguyễn Minh, ông Vĩnh Đương, và ông Phan Ứng Thời. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tôi trải qua các trường Phan Châu Trinh, Kỹ Thuật Đà Nẵng, Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn, sau khi đậu Tú Tài, sang du học tại Ý. Qua 51 năm rời ghế nhà trường, hôm nay gặp lại thầy cô và anh em ở đây thật quý vô cùng, xin tạ ơn trên giúp mọi người đều vượt qua được mọi hoàn cảnh, nhất là mùa đại dịch vừa qua, một ngày Phan Châu Trinh là một đời luôn gắn bó bên nhau.”

Ông Đoàn Ngọc Đa, hội trưởng Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng cho biết ngày xưa, hai trường Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là hai trường lớn nhất tại Đà Nẵng.

“Tôi học Trần Quý Cáp, sau khi ra trường, bạn bè chúng tôi tuy học ở hai trường nhưng vẫn gặp gỡ thường cho đến bây giờ. Hôm nay hội ngộ nơi đây thật ấm tình thầy trò và bẳng hữu sau hơn nữa thế kỷ, những người xa quê chúng tôi luôn mong gặp mặt để nối lại tình thân, hy vọng thời gian tới, chúng tôi sẽ tái lập lại những chương trình hoạt động như bình thường.”

Buổi hội ngộ nồng ấm nghĩa thầy trò, tình bằng hữu kéo dài mãi với những chuyện xưa, từ khi rời xa trường sau gần ba phần tư thế kỷ, đến giờ vẫn luôn nồng thắm với thời gian. 

Nguồn: Báo Người Việt