Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, thầy Tôn Thất Lan vào trường Phan Châu Trinh dạy lớp chúng ta năm Đệ Nhị (1961-1962). Thầy sinh năm 1940, còn quá trẻ so với độ tuổi trung bình của lớp (1943) thì thầy chỉ hơn trò 3 tuổi. Nhưng đối với tuổi thật mà không phải là tuổi trong giấy khai sinh của các bạn “quá đát”, thì thầy còn thua nhiều người, như Đinh Ngọc Hiền, Huỳnh Ngọc Lạc, Nguyễn Vạn Hồng, , Đỗ Bá…
Với phương pháp sư phạm bài bản cùng với sự nhiệt tình thầy Tôn Thất Lan đã dẫn dắt chúng ta tiến bộ khá nhanh về tiếng Anh. Để bổ sung về phát âm , thầy còn mời được giáo sư Trench , người Mỹ chính cống đến phụ đạo mỗi tuần hai buổi. Thầy còn được cử làm giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Nhị B2 của chúng tôi. Trên cương vị này thầy đã cho bầu trưởng lớp, phó lớp, ủy viên học tập, ủy viên trật tự và thành lập ban văn nghệ của lớp, ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt lớp, thầy còn huấn luyện cho chúng tôi nâng cao kỹ năng sống, bằng cách đưa ra một số đề tài khá hóc búa, rồi yêu cầu chúng tôi thảo luận để làm quen với cách phát biểu trước đám đông. Tôi còn nhớ, đề tài mà chúng tôi tranh cãi sôi nổi nhất là:”Có nên đưa thơ Hồ Xuân Hương vào chương trình Việt văn hay không? “. Thầy chia lớp ra làm hai, bên phải thì phản đối, bên trái thì ủng hộ, không được đổi chỗ, và cả lớp thi nhau cãi như mổ bò. Lấy bản thân tôi làm thí dụ, tôi vẫn thích thơ bà Hồ Xuân Hương, nhưng lại ngồi bên phải nên tôi phải vắt óc suy nghĩ tìm mọi cách bươi móc, hạ bệ bà Hồ Xuân Hương. Tôi đã cố tình đọc lớn các bài thơ nặng “đô” nhất của bà. Đột nhiên các bạn nam thích cười hô hố, các bạn nữ thì im lặng, lúc đầu có vẻ khó chịu . Tôi liền nắm bắt cơ hội, nói chậm rãi, rõ từng chữ: “Tai sao các anh cười, mà các chị im lặng lắc đầu. Điều nầy chứng tỏ bài thơ thiếu đứng đắn, hay nói rõ hơn, bài thơ của bà Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự ức chế tâm sinh lý ở bậc thấp, mà chúng ta bây giờ, không hoặc chưa cần thiết để tìm hiểu độ sâu của sự ức chế đó”. Tôi nói xong, thầy Lan gật đầu, và có vài tiếng vỗ tay. Nhưng tôi thấy khó chịu trong lòng, thấy mình đã làm chuyện bất xứng đối với nữ sĩ tiền bối Hồ Xuân Hương. Nhưng thầy bảo cãi thì phải trương cổ ra mà cãi, biết làm sao hơn. Đến bây giờ tuổi đã gần tám mươi, đã trải qua bao nhiều sóng gió và giao tiếp cuộc đời, tôi mới nhận ra rằng: Trên đời nầy, không phải bao giờ mình cũng được bênh vực những điều mà mình ưa thích, hoặc phản bác những điều mà mình không hợp ý, vừa lòng.
Thầy Tôn Thất Lan ít khi biểu lộ tình cảm với học trò, nhưng lại quan tâm rất nhiều đến lớp B2. Tôi còn nhớ thầy dạy cuốn “Fluent English” ở năm Đệ Nhị. Nhưngg khi lên Đệ Nhất, thì thầy Nguyễn Ngọc Kỳ dạy Anh văn theo cuốn sách mà thầy đã bao kín , nên không ai biết tên cuốn sách là gì. Vậy mà vào tháng 5 năm 1963, khi chúng tôi ra Huế thi tú tài toàn phần thì thầy Lan cũng ra theo. Khi biết được thầy Hoàng Thạch Thiết, bạn cùng khoá với thầy, làm giảm khảo vấn đáp môn Anh văn, thầy Lan đã đề nghị thầy Thiết sử dụng cuốn “Fluent English” để khảo thí vấn đáp và thầy Thiết đồng ý. Như vậy, thay vì phải theo chương trình lớp Đệ Nhất, thì lại được thi theo chương trình lớp Đệ Nhị và chúng tôi xem như trúng tủ. Tôi còn nhớ, tôi được gọi lên đầu tiên, thầy Thiết đưa cho tôi cuốn Fluent English và bảo tôi đọc bài đầu tiên. Đó là bài “Bobby March in the parade”. Tôi đọc một mạch, nhấn nhá, ẹo giọng ngon lành giống như thầy Lan và thầy Trench. Thầy Thiết gật đầu, ok, ok tỏ vẻ hài lòng. Tiếp theo tôi trả lời các câu hỏi về nội dung và ngữ pháp, lại trúng tủ vì thầy Lan đã dạy rất kỹ bài nầy. Phải nói là dân B2 đều trúng tủ, , nên đứa nào cũng được điểm rất cao trong môn thi vấn đáp năm đó
Qua một số sự kiện trên, chắc các bạn cũng thấy được cảm nhận và tình cảm của dân B2 chúng tôi đối với thầy Tôn Thất Lan là như vậy đó. Đối với các bạn khác lớp hoặc khác khối, đặc biệt là các bạn yêu thích văn nghệ hoặc đã có tham gia ban văn nghệ của trường, chắc cũng có nhiều cơ hội để có những cảm nhận khác. Ấn tượng đầu tiên mà thầy Tôn Thất Lan đã để lại trong lòng học sinh Phan Châu Trinh là đêm văn nghệ tất niên cuối năm 1961. Đêm đó thầy đã trình diễn độc tấu mandoline. Với kỹ thuật tremolo điêu luyện thầy đã trình diễn liên tục 6 bài, gồm bốn bài kinh điển châu Âu, hai bài của Phạm Duy và Văn Cao, thầy vừa đàn vừa hát và chúng tôi thật sự bị cuốn hút theo tiếng đàn, giọng hát của thầy. Buổi trình diễn rất thành công với những tiếng bis và những tràng pháo tay kéo dài. Sau đêm đó, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc mời thầy phụ trách ban văn nghệ của trường cùng với hai thầy Hoàng Bích Sơn và Trần Đình Hoàn, riêng cô Kim Thành thì phụ trách bộ môn kịch . Với bốn thầy cô tài hoa như vậy , phong trào văn nghệ của trường Phan Châu Trinh bùng lên và phát triễn rất nhanh. Ngoài ban văn nghệ của trường, mỗi lớp đều có ban văn nghệ riêng, vì vậy mỗi khi có chương trình trình diễn, bốn thầy cô phụ trách phải tổ chức sơ tuyển để chọn lựa các tiết mục hay nhất để đưa vào chương trình trình diễn chung. Các đêm trình diễn văn nghệ của trường Phan Châu Trinh bao giờ cũng “hoành tráng” với đầy đủ các tiết mục ca vũ nhạc kịch, tiết mục nào cũng hay, không thua gì các đại nhạc hội chuyên nghiệp. Riêng về phần hợp xướng, từ năm 1960, trường đã dàn dựng ba bài. Năm 1960, thầy Trần Đình Hoàn đã dựng bài “Ngày Trọng Đại” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1961 và 1962, thầy Tôn Thất Lan dựng hai bài “Hồn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương và bài “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ban hợp xướng có khoảng từ 30 đến 40 “ca sĩ”. Phần lĩnh xướng được giao cho Nguyễn Đức Bông (tẹo), Phụng Hồng (soprono), Ngô Ngọc Ngoạn (bass). Tôi cũng được tham gia cả ba bản hợp xướng , nên cũng được có một số nhận định như sau:
Thầy Trần Đình Hoàn là người đào hoa, đa tài và sáng tạo. Sự sáng tạo của thầy Hoàn có liên quan đến một số kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, nên tôi xin lang mang ngoài đề một chút, mong các bạn thông cảm. Trong dịp Quốc Khánh ngày 26/10/1960 thầy cùng thầy Phạm Hữu Khánh thiết kế và thực hiện chiếc xe hoa “Con Rồng Cháu Tiên”. Khung xe hoa là một chiếc GMC, thầy Khánh vẽ hai con rồng thật lớn phủ kín hai bên hông xe, trên đầu xe được thiết kế một sàn gỗ khá rộng, trên trần xe đặt một chiếc ngai vàng lộng lẫy, toàn bộ xe được treo đèn kết hoa phủ kín , không thấy được thân xe, khi xe bắt đầu di chuyển, toàn bộ sáng rực lên, trông rất “hoành tráng”, lung linh. Tám em lớp Đệ Thất, Đệ Lục đóng vai tiên nữ, múa khúc nghê thường trên sàn gỗ. Còn các anh các chị lớp lớn được đóng vai vua Hùng, Hai Bà Trưng, vua Lê Lợi, vua Trần Hưng Đạo và vua Quang Trung, chen chúc ngồi núp trong thùng xe. Khi xe hoa “Con Rồng Cháu Tiên” nối đuôi hòa vào dòng xe hoa của các trường khác, các tổ chức và đơn vị khác , thì thầy Hoàn ngồi trong ca bin bắt đầu đọc lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước. Khi đến giai đoạn lịch sử nào, vị vua nào, thì thầy Hoàn giới thiệu lên ngồi trên ngai vàng, rồi thấy đọc lịch sử và những chiến công hiển hách của vị vua đó. Bài lịch sử khá dài, nên dù xe chạy chậm như đi bộ, nhưng cũng phải chạy gần một cây số mới giới thiệu hết các vị vua. Điều bất ngờ và thú vị là khi ông Thị trưởng đứng trên ban công Toà Thị Chính, sau khi xem hết đoàn xe hoa đi qua, ông đã yêu cầu ban tổ chức đưa xe hoa “Con Rồng Cháu Tiên” lên đi dẫn đầu, vì ông có nhận xét rằng: xe hoa nầy đẹp, “hoành tráng”, sôi động và mang nhiều ý nghĩa nhất. Đoàn xe hoa diễu hành khắp thành phố, đến hơn 11 giờ đêm mới trở lại vườn hoa Diên Hồng. Ở đây, ban tổ chức chấm điểm và tuyên bố: xe hoa của trường Phan Châu Trinh đoạt giải Nhất với một số tiền thưởng khá lớn mà tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu. Khi xe về tới cổng trường, thầy Hiệu trưởng ra đón, khen ngợi và tuyên bố sẽ sử dụng toàn bộ tiền thưởng để tổ chức tức thì một tiệc liên hoan, mà nhà trường đã cho chuẩn bị từ trước, dành cho những học sinh tham gia xe hoa. Riêng chúng tôi, gồm có Hồ Dương Minh, Phan Độ, Nguyễn Phương Toàn, Phan Van Báu, Trần Đình Đồng được “mời” dự tiệc. Bởi lẽ ngày hôm trước, thầy Duận đã cắt cử sáu đứa chúng tôi phụ trách trật tự cho xe hoa. Chúng tôi mặc đồng phục, cánh tay mang băng đỏ có chữ “trật tự”, tay cầm gậy hướng đạo, đi hai bên xe với nhiệm vụ chủ yếu là ngăn chặn không cho ai lại gần xe hoa để tránh nguy hiểm và làm bể bóng đèn. Phải đi bộ khắp thành phố gần hai tiếng đồng hồ, nên mỏi đến rã cẳng, mệt muốn đứt hơi, nhưng dự được buổi tiệc linh đình, quá ngon và quá vui, nên bao mệt mỏi đều tan biến mất. Rất tiếc là thầy Duận không cho uống bia mà chỉ được uống nước ngọt. Chúng tôi hội ý, thằng Mình lén ra ngoài mua mấy chai bia “Bông Hường”. Bia được mở sẵn, để dưới gầm bàn, đợi thầy Duận đi xa, chúng tôi chia nhau tu lấy tu để, hết sáu chai, đã quá chừng.
Thầy Trần Đình Hoàn giỏi về âm nhạc , chơi được ghi-ta nhưng không chuyên, vì thầy không thích âm nhạc bằng thơ ca, với bút danh Trần Nhất Hoan, thơ của thầy mang màu sắc triết lý siêu thực . Tôi là bạn khá thân với thằng Trần Đình Đồng , hỗn danh cu Hon, là em út của thầy, nên tôi thường đến nhà thầy. Nhiều lần thầy đọc thơ của thầy cho tôi nghe , nói phải tội, tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng chứng tỏ mình là người có đầu óc , có suy tư triết lý hẳn hòi nên tôi đã khen: “Hay quá thầy ơi!”. Chắc thầy cũng hiểu, với thằng nhà quê, ù ù cạc cạc như tôi mà nói chuyện thi ca thì chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”. Việc thầy Hoàn nhận dựng bài hợp xướng “Ngày Trọng Đại” là thầy bị gài vô thế “chẳng đặng đừng”. Chuyện là, nhân ngày Quốc Khánh năm đó, Ty Thông Tin Đà Nẵng đề nghị trường Phan Châu Trinh trình diễn bài “Ngày Trọng Đại” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Hội Đồng Giáo Sư họp để phân công , thầy Hoàng Bích Sơn cương quyết từ chối với lý do riêng. Nhìn đi nhìn lại chỉ thấy còn thầy Hoàn là giỏi về âm nhạc (thầy Lan và thầy Quân chưa vào dạy Phan Châu Trinh), cọng với việc các thầy khác lại xúm vào ép mãi, nên cuối cùng thầy Hoàn đành phải nhận lời. Nhận lời trong miễn cưỡng nên thầy Hoàn tập hát cho ban hợp xướng không mấy nhiệt tình. Thầy dễ dãi trong lúc tập , đứa nào muốn hát sao cũng được, miễn đúng tông và không trật nhịp là được rồi. Bài hát dài như vậy mà chỉ tập một tuần là xong. Còn một lý do khác khiến thầy Hoàn không mấy nhiệt tình vì bài hát “Ngày Trọng Đại “ không hay, nội dung chủ yếu là ca tụng Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lời bài hát thì như hô khẩu hiệu. Nào là “Ngày trọng đại là ngày cọng hoà, ngày huy hoàng, ngày vinh quang…”, hoặc là “Anh hùng họ Ngô như muôn tinh, Anh hùng họ Ngô luôn luôn hy sinh…”. Tệ hại hơn nữa tác giả đã lấy phần nhạc của bài La Marseillais, quốc ca Pháp, để đặt lời thể hiện tinh thần chống thực dân Pháp của ông Ngô Đình Diệm. Đó là một việc làm thiếu khôn ngoan và phi chính trị. Vì vậy, khi trình diễn, mặc dù là tiết mục chủ yếu nhưng bản hợp xướng đã không thành công như các tiết mục khác.
Xin trở lại với thầy Tôn Thất Lan. Thầy rất giỏi âm nhạc, chơi được nhiều nhạc cụ, nhất là mandoline và ghi-ta. Trong hai năm liên tiếp (1961-1962) thầy đã dàn dựng cho trường hai bài hợp xướng: “Hồn Vọng Phu” và Ly Rượu Mừng”. Do có kiến thức khá chuyên sâu về nhạc lý, thầy trở nên khó tính khi tập dượt. Thầy lưu ý từng độ dài của từng syncop, của từng dấu lặng. Thầy quan tâm từng cách phát âm và diễn đạt lời của bài hát. Có những đoạn chúng tôi bị bắt phải tập đi tập lại nhiều lần , cho đến khi nào thầy đồng ý mới thôi. Vì vậy, việc tập dượt thường kéo dài gần một tháng. Khi trình diễn, cả hai bài hợp xướng đã thành công hơn mong đợi và đã gây ấn tượng sâu sắc trong trường, mà cho đến bây giờ, ngay cả những bạn không ở trong ban hợp xướng, cũng có thể nhớ để hát một vài đoạn trong hai bài hát này.
Riêng với lớp B2, thầy Tôn Thất Lan đã “ưu ái” tập cho nhạc cảnh “Mùa Thi “ của Đỗ Kim Bảng. Đây là một bài hát vui, thầy chọn 12 “ca sĩ” của lớp rồi chia làm hai phe, sáu đứa đóng vai thí sinh hỏng thi, sáu đứa còn lại vào vai thí sinh thi đậu. Khi thầy chọn đứa nào cũng hồi hộp, né tránh vì không ai muốn hỏng thi. Cuối cùng thầy cho bốc thăm, tôi lại gặp số hên vì được xếp vào toán “thi đậu”. Sân khấu được thiết kế thành cổng trường, bên ngoài có tấm bảng ghi: “Kết quả kỳ thi Tú tài 1” và các diễn viên lên sân khấu bằng xe đạp hay đi bộ. Sau khi làm động tác chen chúc nhau xem kết quả trên bảng, thì bắt đầu hát: “Hôm nay mùa thi, bao nhiêu người đi…, bay nghẹn ngào, bám ồn ào, buồn vui vì mi…”. Sau đó, tội nghiệp mấy đứa “hỏng thi” phải hát trong nước mắt: “Đây bao bộ mặt cười ra nước mắt, than câu học tài thi phận, hu hu hu. Còn sáu đứa “thi đậu” thì huênh hoang: “Đây bao tiếng cười, đắc chí khoe rằng, phen nầy tau trượt thi ai đậu cho, ha ha ha. Nhạc cảnh tuy không dài nhưng khá thành công vì được thể hiện sống động và mới lạ. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy vui và khoái trong lòng. Có lẽ do được đóng vai “thi đậu “ nên số “hên” cứ bám theo tôi mãi, và từ đó về sau, tôi thi đâu đậu đó, mặc dù sức học của tôi cũng chỉ được xếp loại “trung bình” mà thôi. Cám ơn số hên, cám ơn thầy Lan và cám ơn “Mùa Thi” của Nhị B2.
Sau 1975, thầy Tôn Thất Lan không được đi dạy nữa vì thầy là sĩ quan biệt phái, thầy phải kiếm sống bằng nhiều cách, chật vật đủ điều. Lúc đó, chữ “biệt phái” còn nặng nề lắm, nên dù lúc đó, ở Đà Nẵng, cựu học sinh Phan Châu Trinh làm lớn cũng khá nhiều, nhưng không ai dám giúp thầy. Đến năm 1979 thầy đầu quân thổi kèn cho Đoàn cải lương Sông Hàn. Sau nầy, khi gặp lại, tôi có hỏi thầy về giai đoạn “đổi đời kỳ lạ” nầy thì thầy cho biết đại khái là: Lúc đó quá khó khăn, vào đoàn cải lương chỉ để kiếm sống mà thôi, chẳng phải yêu thích văn nghệ văn gừng gì cả. Đoàn đã đủ bộ sậu, chỉ thiếu cây kèn nên thầy đành nhận thổi kèn để kiếm được ba đồng mỗi đêm trình diễn. Nếu mỗi tháng kiếm được 15 đêm, thì cũng tàm tạm. Vào đoàn cải lương, được tiếp xúc với anh em nghệ sĩ cũng vui, mà vui nhất là được đi nhiều nơi, vào Nam ra Bắc đủ cả. Và khi được hỏi về chuyện thổi kèn, thầy giải thích như sau: “Năm 1966 tôi động viên vào khoá 24 Thủ Đức, ra trường tôi được biệt phái về dạy tại trường Sinh ngữ quân đội. Nửa năm sau, tôi được chọn đi Mỹ để tu nghiệp tiếng Anh. Ở Mỹ, trong những lúc rồi rãnh, tôi thường nghe nhạc jazz , một thể loại nhạc tiêu biểu của xứ Cờ Hoa này, rồi tôi đâm ra mê thích tiếng kèn độc đáo của Louis Amstrong. Mê quá nên tôi mua kèn để tập, thổi kèn hơi khó, phải dùng sức nhiều, nhưng tập riết trong mấy tháng thì cũng thổi được mà thôi”.
Năm 1984, thầy Tôn Thất Lan mang gia đình vào Sài Gòn. Lúc ban đầu, vẫn chưa hết khó khăn, phải ăn nhờ ở đậu nhiều nơi. Nhưng chỉ sau một thời gian, bạn bè và học trò của thầy xúm vào giúp đỡ. Với tấm bằng Đại Học Sư Phạm Anh văn, lại được tu nghiệp tại Mỹ nên thầy được mời dạy nhiều nơi như Hội Nghiên cứu Dịch thuật, Đại học Tổng hợp, Đại học Văn lang. Ngoài ra, thầy còn được mời làm tư vấn Anh văn cho ngân hàng ABC và luyện giọng cho các ca sĩ ở Sài Gòn muốn hát tiếng Anh. Cuộc sống của gia đình thầy dần dần ổn định. Một cơ duyên khác lại đến với thầy, đó là vị Thượng tọa trù trì chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp đến gặp thầy, cảm mến thầy, cho thầy mượn mấy cây vàng và xây cho thầy một ngôi nhà khá khang trang trên đường Nhiêu Tứ, Phú Nhuận. Như vậy, thầy đã được an cư và lạc nghiệp bên vợ và hai người con trai cũng tài năng và hào hoa như thầy.
Vào tháng 5/2018, tôi đến thăm thầy và tặng thầy cuốn Trường Xưa 2. Cầm cuốn sách, nhìn qua một lượt, đọc sơ một vài trang, thầy trầm trồ khen ngợi: “Các em giỏi quá!”. Khi được biết lớp chúng ta đang chuẩn bị ra Trường Xưa 3, thầy liền gởi bài và gọi điện thoại hỏi thăm, khích lệ. Thế mới biết, tình cảm của thầy dành cho học trò Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên .
Đà Nẵng, 23 tháng 9 năm 2020
Cư vân Nguyễn Văn Phước