Vui Buồn Phấn Trắng Bảng Đen

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 TaQuocBao2

Thầy Tạ Quốc Bảo và phu nhân (Minh Nguyệt)

Khi biết được sẽ về dạy tại trường Phan Châu Trinh, tôi đã không ngăn được xúc động. Trước hết là vì đổi về đó là đúng theo ý nguyện của thân phụ tôi khi ông ghé chân nơi này năm 1954, sau khi từ Hà Nội vQào Sài Gòn, rồi lại thuyên chuyển ra làm việc ở miền Trung. Tôi cũng chỉ nhớ mang máng là ông đã nói rằng Đà Nẵng thoang thoảng một Hà Nội năm xưa. Vì thế mà tôi chọn Đà Nẵng là ưu tiên một, trước Huế và Nha Trang trong đơn xin bổ nhiệm sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế. Thứ hai là vì Đà Nẵng gần Huế, và nếu muốn học thêm Cao học, tôi cũng có thể đi về dễ dàng hơn (thực sự sau đó tôi lại ghi danh tại Sài Gòn vì các giáo sư của tôi đã chuyển về đó sau những biến chuyển tại Đại Học Huế). Và sau này tôi cũng thấy mình chọn Đà Nẵng là đúng, vì đã lấy vợ người Đà Nẵng và nếu còn ở lại Huế theo lời khuyến khích của một ông thầy người Mỹ để phụ tá cho ông, thì chắc tôi cũng bị thủ tiêu trong vụ Tết Mậu Thân, khi mấy người bạn học cũ ở Văn Khoa từ bên kia về tìm tôi trong dịp này. (Tôi biết được chuyện này nhờ hai người bạn thân nói rằng những người đó tìm không thấy tôi ở Huế nên đã tìm các bạn tôi để hỏi).

Khi sự vụ lệnh về thì tôi đang tu nghiệp và Đại diện Tổng Hội Sinh Viên Huế tham dự Đại Hội Sinh Viên Thế Giới tại Tân Tây Lan (New Zealand), nên vào trình diện trễ. Tôi được ông Giám học Ngô Anh Tuấn (ông là con của thầy Ngô Đốc Khánh dạy tôi Pháp văn sinh  ngữ 1 năm Đệ nhị C trường Quốc Học, sắp cho dạy Anh văn 3 lớp Đệ lục (lớp 7 sau này) với lời an ủi: “Anh mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên dạy lớp nhỏ trước.” Ông ấy không biết tôi đã dạy Anh văn lớp Đệ nhị mấy năm tại trường Bình Mình Huế khi tôi còn là sinh viên. Còn thầy Hiệu trưởng Châu Trong Ngô sợ tôi buồn, bèn kéo tôi vào văn phòng nói tôi dạy mấy lớp đó cho khỏe, vì là giáo sư đệ nhị cấp chính ngạch, dạy lớp nào cũng lãnh lương như nhau. Thầy Ngô là giáo sư dạy tôi môn Thiên văn học năm Đệ Nhất C Quốc Học 1959.

Tôi thấy đó là một thích thú vì tôi có thể áp dụng những phương pháp dạy Anh văn tôi đã hấp thu tại Huế và Tân Tây Lan khi các em còn chập chững học Anh văn. Tôi nhớ đó là lớp Đệ lục 3, 4, 5. Lớp Đệ lục 3 thì toàn con gái. Lục 4 nửa gái nửa trai. Lục 5 thì toàn con trai, học trong dãy nhà ngang sau phòng thí nghiệm (ông Ngô Anh Tuấn lấy 1 phòng làm tư  thất, sau này ông Hiệu trường Thái Doãn Ngà và Ban Giám đồc dùng cả  dãy làm tư thất). Nói chung, lớp Lục 3 thì có những em ngoan, giỏi và nghịch ngợm của con gái. Lục 4 thì ngoan, giỏi, đằm hơn (cũng nghịch nhưng e ngại phái kia cười). Lục 5 thì ngoan, giỏi và năng động hoàn toàn con trai…

Tưởng cũng nên tả qua về sơ đồ của trường vào dạo đó. Trường có tất cả 7 dãy nhà có hình chữ U. Căn nhỏ nhất nằm ngay góc đường Thống Nhất và Lê Lợi, là nơi thầy Tổng giám thị Trần Hữu Duận cư ngụ. Thứ hai là dãy lầu nằm song song với đường Thống Nhất. Dãy thứ ba  nằm ngang song song với đường Lê Lợi là dãy chính chưa có lầu. Dãy thứ tư thẳng góc với dãy chính thì làm văn  phòng, chỉ còn một phòng làm phòng học. Văn phòng chiếm khoảng hai phòng, trong đó, phòng Hiệu trưởng chiếm khoảng 1/3 diện tích của một phòng học để thầy Châu Trọng Ngô vừa dùng văn phòng cho ban ngày vừa dùng làm phòng ngủ vào ban đêm ( vợ con Thầy ở lại Huế), với một cái tủ nhỏ treo áo quần và cái ghế bố ban ngày xếp lại để trong góc phòng! Phòng  Giám học của thầy Ngô Anh Tuấn cũng chỉ chiếm 1/3 của một phòng học. Phẩn còn lại thì làm phòng Tổng giám thị của thầy Trần Hữu Duận.

Văn phòng chung gồm có học vụ có bác Bửu Diêu, bà Trần Đình Chín (thân mẫu của giáo sư Trần Đình Thanh Lam), bà Nguyễn Khoa Dánh, bác Nguyễn Đỗ Thuận ( thân phụ của Nguyễn Thị Cẩm Nhuỵ), bác Nguyễn Kế (thân phụ của Nguyễn Đức Chương, bác Nguyễn Văn Thiên. Bước xuống vài bước thềm là sân bóng rổ (sau này có thêm sân vũ cầu), rồi đến phòng thí nghiệm. Phía sau đó là một dãy nhỏ có 3 phòng, nhưng chỉ có 2 phòng dùng làm phòng học, còn 1 phòng dùng làm tư thất của ông Giám Học Ngô Anh Tuấn. ( Về sau thì dãy này hoàn toàn được dùng làm tư thất của các vị Hiệu trưởng, Tổng giám thị, Phụ tá TGT). Dãy thứ 7 gồm 2 căn nhỏ dùng cho gia đình bác Tô Thau, còn bác Luận và bác Đinh Tránh thì được phép cất thêm 2 căn cuối cùng dãy. Ngay bên trái cổng chính là dãy nhà lợp tôn để xe cho giáo sư. Phòng giáo sư nằm trong dãy chính, hai bên có hai cây phượng vỹ chưa lớn lắm. Khi đó chưa có tượng cụ Phan. Mấy năm sau giáo sư Đoàn Văn Toàn (Đỗ Toàn) mới đúc tượng này bằng đồng đen, rất đẹp làm tăng thêm vẻ đẹp của trường. Dọc theo dãy chính có một hàng thông dài, sân chưa có cỏ hay nếu có cũng không chịu nổi bầm dập của những bước “chân chim” hàng ngày dậm lên!!!  Chung quanh trường có hàng rào kẽm gai như trại lính…

1- NIỀM VUI ĐÁNG NHỚ

Hồi đó, các lớp Lục tôi bắt đầu dạy này “đóng đô” tại dãy thứ 6 nằm phía sau phòng Thí Nghiệm, nhưng vì thiếu phòng học nên đôi ngày phải chạy phòng qua “tạm trú “ vài phòng khác.

Điều làm tôi thích thú khi dạy 3 lớp này là các em rất “khoái” giờ Anh văn của tôi. Chính các em đã cho tôi những kỷ niệm không thể quên được. Bây giờ sau gần 40 năm, tôi xin đặc biệt cám ơn các em năm đó đã cho tôi một năm đầu tiên đầy  thú vị trong đời dạy học của tôi tại trường Phan Châu Trinh. Những em của các năm sau đó trong các lớp Đệ nhị và Đệ nhất lại cho tôi những kỷ niệm khác,  nhất là mối lo cho các em trong các kỳ thi Tú tài.

Tôi thường dạy vào buổi chiều sau giấc ngủ trưa. Vào mấy tháng đầu, ông bà cụ tôi còn ở Huế chưa dọn vào nên một mình tôi thuê căn nhà của anh Long, em trai thầy Nguyễn Giai ở đường Ba Đình. Một hôm ngủ quá giấc, thình lình tôi dật dờ nghe tiếng léo xéo, rúc rích của con gái con trai đã thức tôi dậy. Té ra các em không thấy tôi đến trường nên đến tận nhà tìm… Ham học đến thế là cùng. Tôi còn nhớ trong nhóm đó có Phạm Thị Diễm, Nguyễn Thị Ngọc Liên B (sau này là bác sĩ), Nguyễn Thị Ngọc Liên A, Trần Thị Cẩm Lai (hình như sau này đang dạy tại Đại học Sai Gòn), Trần Thị Thuý Nhạn, Bùi Thuý Hương, Lê Thị Phương Lan, Nguyễn Tuấn Dũng, Trần Được… và ba bốn em  khác mà bây giờ tôi chỉ nhớ mặt. Thế là em này đi lấy nước, em kia đi lấy khăn. Nguyễn Tuấn Dũng mở tủ áo hối tôi mặc áo quần màu nào. Nguyễn Tuấn Dũng cũng nhanh  nhẹn lấy giùm tôi  cuốn Let’t Learn English và cuốn sổ điểm danh giùm tôi. Rồi sau ít phút các em cùng tôi đi HỌC… 

Một ngày không thể quên.

Năm đó tôi là giáo sư cố vấn của lớp Lục 3. Phạm Thị Diễm (con bác sĩ Tú) làm trường lớp, giỏi ngoan, lễ phép và rất hoạt bát. Các em trong ba lớp Đệ lục này có Thuý Nhạn, Thuý Hương (con thầy Bùi Tấn) cũng giỏi, ngoan và rất hoạt động. Nguyễn Thị Ngọc Liên thường đứng đầu lớp. Nguyễn Tuấn Dũng thì liếng thoắng sau này hợp với Trần Quang Sanh nhỏ mà chững chạc, Trần Nhi có dáng đi mang máng James Dean, Trần Được, Nguyễn Văn Mài rất năng động trong các sinh hoạt của trường khi các em lên lớp cao. Mài cũng là cầu thủ bóng tròn của trường sau này.

Theo thông lệ vào dịp Tết, các lớp tổ chức liên hoan, và tôi cũng phải lì xì cho cả ba lớp đồng đều. Thầy cô đều được các em mời tham dự. Đa số chúng tôi chỉ ghé mỗi lớp một chút. Nhưng hôm đó, tôi phải ở lại lớp 6/3 vì tôi là giáo sư Cố vấn. Ăn uống và nghe các em hát. Các em cũng yêu cầu tôi hát một bài. Tôi cũng không nhớ là tôi hát bài nào… Hình như là bài “Anh đến thăm em một chiều mưa” thì phải. Thầy Trần Đình Quân (biệt hiệu Trần Đại Mỹ) cũng ghé lại và hát bài “Khúc tình ca xứ Huế “ của thầy. Các em bên 6/4 và 6/5 qua mời,  nhưng lớp 6/3 nhất định không cho tôi đi, và còn nói “Thầy của bọn này, các trò không được mời”. Cô Tạ Thúc Phú, Cô Chi, cô Lê thì bảo tôi “Ai biểu chiều chúng nó nên đáng đời”.

Cuối cùng thì tôi cũng qua thăm được các lớp kia.

Rồi ngày Tết đến. Các em đến nhà thăm tôi, nhận lì xì, nhưng khi ra về đã không quên hái vài trái cam quật trong chậu mà ông cụ tôi mua về để hai bên cửa. Đến ngày mùng ba thì hai chậu này chỉ còn lá. Ông cụ tôi chỉ lắc đầu cười. “Nhất trò nhì ma thứ ba cũng học trò”. Ông cụ kiêng chữ quỷ vào ngày Tết nên đổi cả câu. Thế là TRÒ vừa nhất vừa ba!!!

Cuối niên khoá đó, Hội đồng giáo sư họp lại để tuyển học sinh xuất sắc trao phần thưởng. Bàn thảo sôi nổi nhất là về phần thưởng danh dự toàn trường cho một trong hai em vào chung kết là Nguyễn Văn Hưng và Phạm Vũ Thịnh,người tám lạng kẻ nửa cân. Chúng tôi mất hơn một giờ thảo luận, xem xét học bạ của cả hai, môn nào cũng nhất hết. Cuối cùng đành bỏ phiếu. Tôi bỏ phiếu trắng vì không dạy em nào cả sau khi đề nghị cho hai giải đồng hạng của tôi không thành. Kết quả thì chỉ một em được chọn vì hơn một phiếu. Cả hai em sau đó đều đậu ưu hạng trong kỳ Tú tài 2 và được học bỗng du học thành tài. Hiện nay anh tiến sĩ Thịnh đang làm việc tại Úc, chắc tiến sĩ Hưng cũng còn ở đó. Cũng trong năm đó, tuy tôi không dạy, nhưng biết có rất nhiều em đã đậu Tú tài điểm cao như Trần Thị Kim Giao, Phạm Thị An, Nguyễn Đỗ Thu, Ngô Phước Khánh.

Những năm sau tôi không còn được dạy các lớp nhỏ nữa, mà phải phụ trách môn Anh văn chính và phụ các lớp Đệ Nhị và Đệ nhất cấp . Sau khi thầy Trần Xuân Giảng xin nghỉ về Sai Gòn, thì tôi dạy Anh văn sinh ngữ 1 lớp Nhị C và Anh văn sinh ngữ 2 cũng lớp Nhị C  khi cô Hoàng Oanh chuyển về trường Trưng Vương, Sài Gòn.

Trong lớp này có Hồ Thi Tú nói và viết Anh văn hay và thông thạo, Đặng Thị Toán, Nguyễn Thị Minh Nguyệt , Phạm Thị Thương, Phạm Thị Cảnh, Nguyễn Thị Xuân Hoà, Đào Thi Kim Dung, Đỗ Thị Hoàng… đều là học sinh giỏi và chăm. Phạm Thị Nê rất hăng say trong sinh hoạt xã hội của trường.

Trong các lớp Đệ Nhất A và B, thì tôi còn nhớ được các em Phạm Văn Hơn chăm chỉ cẩn thận, Nguyễn Văn Phùng lanh lợi, Lê Thị Minh Châu, Cẩm Nhung, Cẩm Nhuỵ như bóng với hình, Lê Thị Hải, Hà Văn Hải… Trong lớp Nhất C Anh văn sinh ngữ chính thì có Trần Thị Hạc, Hoàng Quang Tín, Lê Thị Hân, Trương Hữu Phú, Đặng Xuân Kiên rất khá. Tôi biết Phú từ lúc em còn học tiểu học khi tôi ở trọ nhà em trong khu Hồ Mưng Huế, năm tôi học Đệ Tam Quốc Học năm 1957. Đặng Xuân Kiên khi đó là trường lớp và trong Ban Đại diện Học sinh của trường.

Những năm sau, tôi cũng được hân hạnh hướng dẫn nhiều em giỏi không những về Anh văn mà còn về các môn khác nữa như Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Thị Xuân (A), Bùi Thị Dương Nguyên (con thầy Bùi Tấn), Bùi Thị Thuý Hương (cũng con thầy Bùi Tấn), Trần Thị Diệu Min (con thầy Trần Tấn), Thuý Nhạn, Trần Quang Sanh, Phạm Thi Diễm, Đặng Thi Xuân Hương ( con thầy Đặng Xuân Nhi), Nguyễn Thị Ngọc Liên, Trần Thị Hải, Trần Việt Hùng, Hoàng Thị Hồng, Lê Thị Thanh Sơn, Võ Thị Thanh Tâm, Nguyễn Viết Duy (em của nha sĩ Liên Hương)…

Tôi không thể quên Nguyễn Hữu Viện, cao gầy, cận thị nặng, nói và đọc tiếng Anh hay trong lớp Nhị B. Em thường đến nhà tôi chơi, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ có lẽ cũng bằng tuổi em, miệng há hốc mắt nhướng lên nhìn đường…, khi thắng lại thì chỉ dùng chân nên đôi giày mòn nhanh hơn thắng xe. Em học chăm và giỏi và tôi rất mến trọng. Sau nầy, lần cuối cùng gặp em vào tháng 4 năm 1975 lúc em đến thăm tôi ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn . Em có nói rằng chắc em sẽ học tiếng Nga… Không ngờ gần đây lại liên lạc được với em ở bên Pháp với những bài văn thơ rất hay và cảm động.

Nguyễn Văn Quốc em ruột của Nguyễn Văn Hưng, cũng học Nhị B, nói và viết tiếng Anh lưu loát. Em cũng giỏi các môn khác và đậu ưu hạng trong kỳ thi Tú tài.

Nguyễn Thị Xuân học Ban A rất ngoan, hiền và xuất sắc về mọi môn. Em được trao Giải thưởng Danh dự toàn trường, đậu Tú tài tối ưu và đậu đầu trường Y khoa Sài Gòn. Rất tiếc em phải bỏ dở việc học vì bị bệnh giữa năm.

Còn Bùi Thị Thuý Hương thì tôi đã dạy năm Đệ lục, rồi Đệ nhị C, đã là một nữ sinh viên vẹn toàn về thể thao và học vấn. Em đã đem lại cho trường rất nhiều huy chương và cúp danh dự trong các lần tranh giải điền kinh cho học sinh toàn vùng 1. Hiện nay em cũng rất thành công trong nghề nghiệp tại Mỹ.

Các em Trần Thị Thuý Nhạn, Phạm Thị Diễm, Đặng Thị  Xuân Hương, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Trần Quang Sanh, Trần Việt Hùng, Trần Thị Hải, Trần Thị Hạc, Trần Thị Cẩm Lai sau này cũng đã làm rạng danh trường trong các kỳ thi vào trường chuyên môn như Y Khoa, Dược, Công Chánh, Hành Chánh, Sư Phạm… tại Huế và Sài Gòn.

Về văn nghệ thì có nhiều em xuất sắc như Nguyễn Văn Phát hát rất hay, Trần Ngọc Châu diễn kịch tài tình, Phạm Thị Tâm Nguyên hát tân nhạc đã hay mà ca cải lương cũng rất mùi. Trước đó thì có Phước Khánh, Vân Anh cả hai đều có giọng ca ngọt và truyền cảm, nhất là khi đó các em còn được các giáo sư tài danh như Tôn Thất Lan (dạy Anh văn), Trần Đình Quân (dạy Việt văn) hướng dẫn thêm về nhạc lý. Những đêm trình diễn văn nghệ cuối năm đều rất khởi sắc nhờ những tài danh học sinh của Phan Châu Trinh.

Tôi nhớ một năm khi các giáo sư Tôn Thất Lan, Trần Đình Quân đi nhập ngũ, và trường tổ chức hai đêm văn nghệ lấy tiền giúp gia đình cố giáo sư Trần Vinh Anh, tôi đã phải phụ tá cho các giáo sư Trần Đại Tăng và Trần Thông để điều khiển phần vũ của vở kịch “Thằng Cuội”… Cơ khổ tôi có biết múa may gì đâu, mà nay giao cho tôi chỉ bảo cho các em… nhưng vì nhu cầu nên tôi đành nhận… Tôi chọn bản “Tiếng sáo Thiên Thai” hoà chung với bản “Thiên Thai” để các em tập múa… Các em đóng vai tiên nữ trên Cung Quảng gồm có Võ Thị Xuân, Võ Thị Hạnh, Trần Thị Cẩm Lai và mấy nữ sinh khác, còn thằng Cuội là Nguyễn Văn Đờn… Em này rất có khiếu về kịch… và chính em đã giúp tôi hướng dẫn các em này múa theo tiếng nhạc. Thành công rực rỡ và tự nhiên tôi được nổi danh thêm về môn vũ!!! Cũng năm đó, Nguyễn Văn Phát, Tâm Nguyên nổi danh là ca sĩ học trò. Tâm Nguyên cũng bất ngờ làm khán giả mê say trong vai Điêu Thuyền với giọng ca cải lương thật mùi.

Tôi cũng không quên, có một đêm sau buổi trình diễn văn nghệ, lúc khán giả về hết, tôi cùng các thầy Cao Huy Hoá, Trần Thông, Trần Đại Tăng, Trần Xuân Mai… đứng lại trong sân trường bàn về các ưu khuyết điểm… Chúng tôi i phá lên cười khi thấy thầy Duận từ nhà ra, mặc quần xà lỏn đi giày vẫn còn  áo sơ mi thắt cà vạt … Thầy cũng gãi đầu nở nụ cười Kennedy…

Còn một hình ảnh nữa mà tôi không thể quên. Lớp Nhị C tôi dạy nằm bên cạnh lớp Tam B Pháp văn của thầy Trần Tấn ở cạnh cầu thang. Một hôm rảnh rỗi vì lớp Nhị C đang làm luận Anh văn, tôi trở về phòng Giáo sư uống nước. Khi ngang qua phòng lớp Tam B, tôi thấy một em đang thao thao đọc bài Récitation mà mắt nhìn chăm chú vào một tờ giấy dán ở thành bàn, còn cuối lớp thì hai ba em đang đánh croix-zé ro… Cũng một lần tôi bắt gặp một em trong lớp này đang tự nhiên tiểu tiện qua cửa sổ. Thầy Tấn hiền và cận thị nặng. Theo vai vế bên vợ thì tôi gọi thầy là Ông chú, chứ không phải là chú…

Những ngày còn độc thân, tôi thuê nhà ở đường Duy Tân, sau lưng trường Phan Thanh Giản. Những buổi tối tôi và các thầy Nguyễn Văn Kính, Trần Thông, Lê Khắc Khoan, Nguyễn Khoa Cang thường ghé lại tán gẫu với thầy Nguyễn Hương, Cao Huy Hoá, Đặng Như Đức ở đường Nguyễn Thị Giang. Thường thì thấy thầy Cao Huy Hoá đang nằm ghếch chân nghêu ngao vài câu hát, thầy Nguyễn Hương đang ngồi gảy guitare bản Espana Cani mà tôi đã nghe hơn một năm. Còn thầy Đặng Như Đức đang ngủ say như một kẻ thất tình. Khi cao hứng thì chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm tối tại một nhà hàng trước mặt nhà sách Sông Đà trên đường Độc Lập. Chúng tôi cùng với thầy Ngô thường ăn trưa và tối ở đây những năm về trước. Vào những sáng cuối tuần, chúng tôi lại cùng với thầy Trần Đình Quân, Nguyễn Ngọc Thanh kéo nhau đi ăn sáng uống cà phê tại Thành Ký, trước mặt nhà thờ Chính Toà. Thế rồi người lấy vợ, thầy Hoá đổi về Huế, thầy Hương và Đức buồn tình đổi về Nha Trang , nhóm giáo sư trẻ chúng tôi tan rã. Thời huy hoàng chấm dứt!!!

PCT HM04

Thầy và trò trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng trong buổi hội ngộ.
Hàng ngồi, từ trái, các thầy cô Lê Thị Hồng Khanh, Võ Thị Hồng Diệp, thầy Trần Xuân Mai, Tạ Quốc Bảo, và cô Lữ Bá Diệp.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)

  1. NỖI BUỒN AI HAY?

Khi thầy Châu Trọng Ngô và Ngô Anh Tuấn xin từ nhiệm để về Huế, trường Phan Châu Trinh không có Hiệu trưởng. Thầy Tổng giám thị Trần Hữu Duận xử lý cả hai chức vụ gần cả năm cho đến khi thầy Trần Vinh Anh về làm Hiệu trưởng, rồi thầy Thái Doãn Ngà làm Giám học.

Thầy Trần Vinh Anh trẻ hơn tôi và ra trường sau tôi. Dáng người nhỏ, da ngăm đen, khuôn mặt nghiêm trang trong cặp kính cận màu xanh lạt. Thầy có bước đi dài và cương quyết . Khi Thầy mới về cũng có một số giáo sư không thích vì cho rằng Thầy quá trẻ để điều khiển một trường lớn nhất thành phố. Nhưng tôi thấy Thầy đã đem lại sinh khí cho trường khi Thầy khởi xướng các cuộc họp mặt giáo sư liên trường Đà Nẵng. Thầy cũng khuyến khích phong trào khỏe trong giới giáo sư và học sinh. Sự thẳng thắng trong sự hoà đồng của Thầy đã dần dần thâu được cảm phục của mọi người .

Lần đầu tiên, các kỳ thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt được tổ chức toàn trường vào cùng một tuần. Tôi nhận thấy kỳ thi vào Đệ thất năm đó công bình nhất trong suốt thời gian tôi dạy tại trường. Năm đó các cô cậu ấm con cháu các ông bà lớn rớt như lá mùa thu, vì không được gởi gấm ai được. Nhưng cũng vì thế các vị có quyền thế trong địa phương đã trả thù bằng cách  không cộng tác yểm trợ phương tiện cho sinh hoạt thể thao và học đường toàn vùng mà trường Phan Châu Trinh phải đứng ra tổ chức.

PCT Bongda2

Đội bóng tròn Giáo sư Huế tại Đà Nẵng 

Mùa hè năm đó, thầy Trần Vinh Anh được cử làm Phó chủ tịch Trung tâm Giám thị trong kỳ thi Tú tài tại Nha Trang. Giáo sư Cao Huy Hoá, Nguyễn Văn Kính, và tôi thì sẽ vào sau để chấm thi viết, nên còn ở lại Đà Nẵng.

Sau ngày thứ tư của kỳ giám thị, chúng tôi đau đớn đến sững sờ khi được tin thầy Trần Vinh Anh đã bị một du đãng đâm chết khi thầy vừa từ tiệm ăn bước ra. Chúng tôi không vào Nha Trang nữa và ở lại để nghênh đón linh cữu của Thầy được đưa về quàng tại Phòng giáo sư của trường. Sự đau buồn thương tiếc báo trùm khắp trường . Cụ thân phụ của thầy Anh đã yêu cầu chúng tôi đừng cho vợ của Thầy biết vì bà vừa mới sinh được có mấy ngày. Toàn thể giáo sư và học sinh thay phiên nhau để canh quan tài.  Biết bao nước mắt và ngậm ngùi. Ngày cuối, trước khi di quan, cụ thân sinh của Thầy mới dẫn chị Anh trong áo tang đến làm lễ. Linh thiêng thay, khi chị vừa phục xuống khóc lạy trước quan tài thì quan tài tự nhiên bị xì khiến chúng tôi không thể ở lại trong phòng. Khi di quan ra xe tang, chúng tôi phải cần đến hai mươi người mới khênh nổi.

Tên sát nhân là con của một quan lớn đầy quyền thế trong vùng, vì gian lận trong kỳ thi  nên bị thầy Anh cảnh cáo. Hắn đem tâm thù nên đã giết chết Thầy và bị Tòa Án Quân Sự  Mặt Trận tuyên án tử hình. Nhưng nhờ thế lực, hắn được ông Chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương (tức thủ tướng) ân xá. Đau đớn và tủi nhục cho công lý.

  1. BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI

Năm 1974, tôi từ giã Phan Châu Trinh để qua điều hành Ban Thanh tra bên Ty Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên gồm các thầy Huỳnh Phú và Nguyễn Đăng Khoa làm Thanh tra Tiểu học, thầy Bùi Đình Nhuận, Dương Ngọc Tạo, Lê Khắc Khoan, Trần Công Kiểm làm Thanh tra Trung học, và hai thư ký để đánh máy các tờ trình thanh tra. Tôi không còn dạy lớp nào ở Phan Châu Trinh nữa.

Khi đó vì còn điều hành trường Anh văn của Hội Việt Mỹ vào buổi chiều tối, nên tôi cũng phải bỏ dạy tại các trường Sao Mai và Bán Công.

Tuy thế, tôi vẫn thường xuyên theo dõi các diễn biến tại các trường trong thị xã Đà Nẵng, nhất là qua các tờ  trình thanh tra. Sau đó, thấy mình chẳng có thực quyền, tôi đã xin thuyên chuyển qua làm Phụ tá Học vụ cho Viện Đại Học Quảng Đà vào cuối năm đó. Tôi cảm thấy mình có những bước sai lầm như thế, vì không còn thấy được niềm vui trong đám học trò, không còn thưởng xuyên tiếp xúc với các em hằng ngày với những vui buồn tuổi trẻ.

Đó thực sự là những điều đáng tiếc.

Rồi tôi cũng xa cách quê hương năm 1975, mãi cho đến năm 2001 mới có dịp cùng nhà tôi và các con về thăm quê cũ. Tôi đã có dịp ghé thăm trường Phan Châu Trinh, nhưng các đồng nghiệp cũ đã xa, một số đã vĩnh viễn ra đi, một số đã di chuyển đi nơi khác, và một số đã về hưu.

Cũng may, nhờ  liên lạc được với một người  con của thầy Trần Đại Tăng, tôi có dịp gặp lại thầy Hà Công Bê, và đã được thầy Bê chở Honda đi thăm Đà Nẵng về khuya. Thay đổi nhiều  và xô bồ. Tôi không có dịp gặp mặt thầy Nguyễn Văn Kính và cô Quỳnh vì cả hai vừa ra Huế dự đám tang của thân nhân. Tôi chỉ có dịp nói chuyện với vợ chồng thầy Kính qua điện thoại  khi tôi đang ở Hà Nội. Khi đến thăm lại trường Phan Châu Trinh, tôi thấy trường thay đổi quá nhiều và có vẻ chật chội hơn. Tôi có dịp vái lạy cụ Phan ngay giữa sân trường trước sự ngơ ngác của một số thí sinh đang dự kỳ thi vào Đại Học. Các trường khác đã thay tên. Cũng may trường Phan Châu Trinh còn giữ được tên cũ.

  1. NHỮNG ĐIỀU SUY NGHĨ

Bây giờ quê hương, bạn bè, học trò cũ đã xa, tất cả chuyện đời chỉ là dĩ vãng, đáng lẽ mình phải quên đi. Nhưng tôi chỉ muốn nói ở đây một vài ý nghĩ vụn khi nhớ về quá khứ.

Như đã nói ở trên, thầy Trần Vinh Anh là một người khẳng khái hăng say. Trong kỳ thi vào Đệ thất, ông đã bỏ qua mọi áp lực và điều khiển một kỳ thi công bằng nhất trong lịch sử của trường Phan Châu Trinh trong suốt bao năm tôi dạy ở đó. Kết quả là con cháu các thế lực địa phương rớt rụng như sung . Thế rồi các thế lực đó đã cho trường Phan Châu Trinh biết uy quyền của họ. Năm đó, Bộ Giáo Dục lại ủy thác cho trường Phan Châu Trinh tổ chức Đại Hội Thể Thao toàn vùng 1. Nhưng ông Anh không được sự cộng tác và yểm trợ cần thiết như an ninh, trật tự, khán đài, xe cộ của giới chức thẩm quyền vì con cháu họ đã bị rớt trong kỳ thi.  Cuối cùng, nhờ có lệnh của ông Tướng Vùng, mọi chuyện mới tạm êm. Đó là một bài học đáng quý trong một thời giáo dục chỉ là thứ yếu.

Về kỳ thi Tú tài tại Nha Trang, ông Anh đã cảnh cáo một trường hợp gian lận ở phòng thi. Ông không làm biên bản cấm thi mà chỉ “dọa”. Nhưng ông bị hại bởi một tên võ lại con ông cháu cha. Hắn đã bị tuyên án tử hình,  nhưng lại được kẻ cầm sinh mạng quốc gia ân xá. Đau đớn thay cho câu “Dân chủ pháp trị “ vẫn được lải nhải hàng ngày trên báo chí và đài phát thanh thời đó. Còn Bộ Giáo Dục cũng im hơi lặng tiếng. Đúng là tư cách thua một kẻ thất phu  !!! Bây giờ, tôi chỉ cầu mong linh hồn của thầy Trần Vinh Anh tha thứ.

Sau khi thầy Trần Vinh Anh mất, trường Phan Châu  Trinh có một Hiệu trưởng mới là thầy Thái Doãn Ngà. Vào thời điểm này trường phát triển mạnh về cơ sở và sĩ số. Nhưng rồi một bác sĩ làm Tổng trưởng Giáo Dục phát biểu một câu hại đến uy tín của toàn thể giáo sư. Các giáo sư Phan Châu Trinh họp lại làm kiến nghị yêu cầu ông ta cải chính. Thế là qua mật báo của ai đó, ông ta đã đưa một số giáo sư như Tôn Thất Lan, Trần Đình Quân, Lê Quang Mai đi nhập ngũ, trong khi các vị này còn đủ điều kiện hoãn dịch. Đúng là cách trả thù của một cao thủ mang danh trí thức. Bây giờ, chắc thầy Trần Đình Quân đã tha thứ hành động tiểu nhân của ông Tổng trường này cũng như của kẻ mật báo, bởi vì tuy thầy Trần Đình Quân còn sống, nhưng đã quên… quên hết.

Tôi cũng còn nhớ năm 1965 khi được học bổng Usaid để du học Hoa Kỳ, bên Usaid bảo tôi phải qua Nha Du Học Bộ Giáo Dục và Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng lo hoàn tất thủ tục. Tôi đã học được cách thức đi qua “cửa hậu” để được đủ giấy tờ. Chỉ tiếc rằng khi đó là một thầy giáo nghèo, nên không đủ tiền để qua cửa đó, và tôi đã không được đi Mỹ mặc dầu Usaid đã can thiệp vài lần. Học bổng của tôi được dành cho con một ông Tướng thay thế. Thế lực và tiền tài là thế.

Tham nhũng và gian lận len lỏi khắp ngành mọi ngõ, ngay cả trong ngành Giáo Dục vốn được xem là trong sạch nhất. Người ta đã nhân danh nó để đút lót mà làm giàu. Ngày trước tôi chỉ nghe thôi, mà chưa thật sự mắt thấy tai nghe. Khi qua Ban Thanh tra thăm viếng và xem xét hồ sơ hành chánh và học vụ của mấy chục trường công tư trung và tiểu học trong thị xã, tôi đã thấy trước được những cái bất bình thường, mà trước đó vì lý này, lẽ kia  đã được bỏ qua, chính yếu là vì nhũng lạm. Tôi đã thấy những giấy chứng chỉ giả mạo không có trong sổ đăng bộ, các thành tích biểu giả và con dấu giả mà vẫn được nhận vào học hay chuyển trường. Một số tư thục thuê các giáo sư không đủ tiêu chuẩn để làm Hiệu trưởng hay để dạy, phê điểm và ký trên thành tích biểu. Họ vẫn dạy,  nhưng một giáo sư khác ký thế vào . Khi chúng tôi đến thanh tra, thì vị giáo sư kia nghỉ. Cũng may, khi tôi xin chuyển qua nơi khác để khỏi biết thêm những điều “đau đớn lòng “ vì biết Ban Thanh tra vô quyền chẳng làm gì được.

Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thầm nhủ (bắt chước câu của cụ Chu Mạnh Trinh nói về thân phận nàng Kiều): Giả sử ngay khi trước, chức thăng cứ mặc (để vẫn ở lại dạy tại trường Phan Châu Trinh), thì đâu đến nỗi…

TẠ QUỐC BẢO

10-2-2002