Kỷ Niệm Trường Xưa, Phan Châu Trinh - Đà Nẵng

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 Dethat2 53 54 PCTB

Sau năm 1950, tấm biển École Franco – Vietnamienne de Tourane được thay thế tấm biển mới , với chữ Việt Nam là Trường Tiểu học. Niên khóa 1952 -1953 , học sinh lớp Nhứt ( lớp 5 ngày nay ) tại thành phố Đà Nẵng, theo tôi dự đoán, ít nhất có từ 4 đến 6 lớp, mỗi lớp trung bình gồm 50 học sinh. Như vậy tỷ số học sinh lớp Nhứt, bậc Tiểu học lúc đó có khoảng 300 học sinh. Tỷ số đậu bằng Tiểu học xong, tôi đóan ít nhất cũng có khoảng 200 học sinh. Tôi là một trong 200 học sinh đó, để dự thi vào một lớp duy nhất năm đầu tiên , gọi là lớp Đệ thất (chỉ chọn 60 học sinh ) của Trường  Phan Châu Trinh Đà Nẵng lúc bấy giờ. Lớp Đệ thất ( lớp  6 ngày nay ) nầy nằm ké trong khu trường Nam Tiểu Học Đà Nẵng, ở dãy lớp phía bên phải của nhà trường.

Qua niên khóa 1953 -1954 , Trường Phan Châu Trinh tuyển thêm một lớp Đệ thất mới  còn lớp Đệ thất năm ngoái, niên khóa này lên Đệ lục ( lớp 7 ngày nay ) . Như vậy, Trường Phan Châu Trinh chỉ có 2 lớp ( một Đệ thất và một Đệ lục ) và hai lớp nầy vẫn còn nằm tạm trong Trường Nam Tiểu học. Tôi còn nhớ hai lớp nầy  nằm sát vách Nhà Máy Đèn của Thành phố Đà Nẵng . Tiếng máy Nhà Đèn chạy ồn ào, đã gây bực mình cho các giáo sư giảng dạy lúc bấy giờ cũng không ít. Các giáo sư tôi còn nhớ như Thầy Nguyễn Hữu Thứ, Trần Ngọc Quế, Lê Trọng Nguyễn, Thầy Tri, Cô Giáng Châu, Cô Liệu, Cô Hường v..v...

Qua niên khóa 1954 – 1955 , Trường Trung Học Phan Châu Trinh dời qua địa điểm mới, được xây trên một khu đất rộng , mở thêm nhiều lớp hơn ...nằm đối diện với Bệnh xá. Khu Bệnh xá nầy , sau trở thành Trường Nam Tiểu học, cũng nằm trên đường Lê Lợi. Cũng dọc theo con đường nầy, chạy dài xuống phía biển là Trường Trung học tư thục Phan Thanh Giản . Trong thời gian này, tại Đà Nẵng , các trường Trung học khác cũng mọc lên theo nhu cầu dân số và học vấn của học sinh, như các Trường Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Trường Tây Hồ, Sao Mai..v.v...Trường Phan Châu Trinh, cũng vì nhu cầu trên , nên mỗi năm đều phải mở tăng thêm lớp học, cải tiến phòng ốc, và bổ nhiệm thêm các giáo sư cần thiết khác...

PCT1953 540004

Hồi đó tôi còn nhớ, hễ cô cậu nào mà trúng tuyển vào Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, hoặc được cá trường công khác chuyển đến , có nghĩa là được học Trường nầy...là điều hãnh diện .

Sau năm Đệ tứ , niên khóa 1955 -1956, các cô cậu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng phải vô tận Hội An để thi bằng Trung Học. Kết quả lần đầu tiên , Đà Nẵng rớt hơi nhiều, trong đó có tôi . Sau kết quả kỳ thi , các cô cậu đậu trung học, nếu gia đình có khả năng cho tiếp tục học thêm thì phải vào Sài Gòn hoặc ra Huế để học tiếp các lớp Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất, vì lúc bấy giờ, thành phố Đà Nẵng chưa có các lớp này.

Từ niên khóa 1958 -1959 , Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng bắt đầu mở lớp Đệ tam, rồi năm sau thêm lớp Đệ nhị. Cũng để đáp ứng cho nhu cầu  về nghề nghiệp, thành phố Đà Nẵng còn mở thêm Trường Kỹ Thuật rất tân tiến , trang bị đđầy đủ các phương tiện chuyên khoa , tọa lạc tại khu bãi biển Thanh Bình.

Nói về kỷ niệm đối với Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng , riêng tôi, cũng như một số bạn nam nữ khác, sau khi đậu Trung học kỳ nhì, tôi phải khăn gói ra Huế vào Trường Quốc Học để học lớp Đệ tam ban A.

Những người cùng thế hệ với tôi bấy giờ, từng học lớp Đệ thất, Đệ lục, nằm ké trong Trường Nam Tiểu học Đà Nẵng cho đến khi qua Trường mới, với danh hiệu Trường Trung Học Phan Châu Trinh, và khi xa trường, hoặc bỏ trường cũ mà đi, để xa các bạn bè thân thương  như Trương Duy Hy, Lê văn Cử, Trần Thượng Thiện, Vương văn Mau ( Mau Chà Và ) Nguyễn Như Hàng ,Nguyễn văn Tú, Nguyễn ngọc Bang, Lâm Quang Thị, Lý thị Hạnh, Trần thị Ngọc Trai ,Nguyễn thị Trai ,An Ý Hạnh, Nguyễn thị Xuân Hương, Nguyễn thị Bich Liên ( tức Đệ ) v..v...thì làm sao mà không lưu luyến về kỷ niệm ấu thơ của mình ?

Trong suốt thời gian học tại Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng tôi cũng có một hãnh diện khác nữa là tôi ở trong Đội Bóng Tròn của nhà Trường. Đội Bóng Tròn Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã gây tiếng vang chiến thắng nhiều lần . Chỉ có một lần thua Đội Bóng tròn Quốc Học tại Huế mà thôi. Lúc đó tôi đá cả hai chân . Thường tôi đứng trung đạo. Nếu thiếu góc trái thì tôi đứng bên trái. Trong đội có Trần Thượng Thiện chuyên môn tết (tức” tête”,là dùng đầu đánh gạt banh vào lưới ) . Bây giờThiện trở thành Mục Sư. Lê văn Cử đã chết trong tù ở Bắc Việt. Trương Duy Hy, Nguyễn Như Hàng bị kẹt ở Đà Nẵng. Trần thị Ngọc Trai xưa kia xinh đẹp , học giỏi , nay bị lãng trí ở Canada.

PCT Bongda1

Bạn bè chung lớp ngày xưa tứ tán khắp nơi , đương nhiên cũng có người qua bên kia thế giới, cũng có người đỗ đạt thành tài như Hùnh Huynh ( thạc sĩ Mỹ ) và cũng có người đứng bên kia chiến tuyến ý thức hệ trong cuộc chiến Việt Nam.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng đã là bạn bè, chung trường và chung kỷ niệm thời thơ ấu với nhau – rất tuyệt đẹp – thì không thể nào có cái cảnh như Đặng Trần Thường cư xử quá ư cay nghiệt với Ngô Thời Nhậm , bạn học ngày xưa vì một hoàncảnh đã đổi thay, dưới thời vua Gia Long và Nguyễn Tây Sơn .

Vô Tình

( Houston – tháng bảy trời mưa như mưa xứ Quảng )

( Đặ̣c San Kỷ niệm 50 thành lập Phan Châu Trinh , Đà Nẵng. Cali 2002   )