Trường PCT Trên Chặng Đường 20 Năm

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 BanhuuPCT1

… Hằng năm , trường có tổ chức những đêm văn nghệ thật đặc sắc như năm 1969  và 1970. Một cuộc triển lãm thật qui mô trong kỳ Đại Hội PCT do ông Trần Hữu Duận , Trưởng Ban Tổ chức , khiến cho uy tín nhà trường được nâng cao. Các mùa Đại Hội Thể thao trong toàn thị xã cũng đã đem lại cho trường nhiều vinh quang nhờ tài năng của học sinh .

Chúng tôi cần ghi rõ công ơn của Phân hội PHHS đã góp nhiều công của để tô bồi cho học đường mỗi ngày thêm hoàn hảo , dưới sự hướng dẫn tích cực của các vị Hội trưởng như cố Mục Sư Đoàn Văn Khánh, ông Võ Trọng Khoa, kỹ sư Nguyễn Văn Kiểm...Nhờ sự hợp tác chân thành  và chặt chẽ đó mà trường đã thu được nhiều kết quả mỹ mãn trong các kỳ thi hàng năm , và đã đào tạo được  khá nhiều nhân tài cho đất nước. Nhiều cựu học sinh PCT đã tốt nghiệp Đại học và trở về trường cũ làm giáo sư, nhiều nam nữ bác sĩ như bác sĩ Triết, nữ bác sĩ Tố Thanh, nhiều dược sĩ như cô Bạch Nga , cô H. , nhiều nha sĩ, kỹ sư ,luật sư..., còn nhiều và nhiều nữa mà tôi không biết cũng như không thể nào nhớ hết được.

 Nhưng nói chung, trong mọi ngành, mọi giới , từ nhân viên cấp cao đến nhân viên cấp thấp đều có mặt những người xuất thân từ trường PCT...Và cũng có người đã ra đi quá sớm , khi tuổi vừa mới đôi mươi , như anh Trần Trí Dũng nguyên là một học sinh xuất sắc, một cầu thủ tài ba về môn túc cầu của PCT đã từng đem vinh quang cho trường  trong các mùa Đại hội Thể thao những năm về trước. Tôi nhắc lại tên anh với niềm tiếc thương vô hạn .

 Rồi mỗi năm học sinh PCT lại ghi thêm những thành tích rực rỡ trong các kỳ thi tốt nghiệp  cũng như nhập học các trường Đại học ở Sài Gòn : Nữ sinh Đặng thị Xuân Phụng , 16 tuổi, sau khi đỗ Tú tài 2 ưu hạng lại chiếm luôn ngôi vị thủ khoa kỳ thi vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Anh Trưởng cũng chẳng chịu thua kém , nên cũng đã đạt thủ khoa kỳ thi vào Đại học Dược khoa. Một anh nữa , tên ( ? ) thủ khoa vào trường Cao đẳng điện học...Nay, tôi chỉ nhớ được có “ tam thủ “ , tuy còn nhiều, nhiều nữa, mà tôi quá vô tình quên mất tên hoặc không kịp nhớ ra đó thôi. Chứ có người, cách đã 10 năm như anh Hùynh Huynh, thì không những riêng tôi mà có lẽ nhiều người đều nhớ người học sinh xuất sắc toàn diện này của trường PCT, môn gì anh cũng đứng đầu sổ, cho đến Hội hoạ Âm nhạc  anh cũng dẫn đầu luôn . Có thể anh được nhớ tới không chỉ vì năng lực văn hoá mà còn ở nét gương mẫu về phẩm hạnh đạo đức thật đáng quí ở anh. Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh lúc anh đến thăm để chào từ giả tôi  trước khi lên đường vào Sài Gòn học tiếp, sau khi anh đậu Tú tài ban B ưu hạng, anh cứ mãi rón rén lấp ló ở bậc cửa, dù đây là một căn phòng bình dị của một thầy giáo nghèo trung lưu . Tôi vốn quí mến anh lại vừa xúc động trước sự tôn trọng , tôi tỏ sự thân tình cởi mở đối với một học sinh đã trưởng thành để anh tự nhiên hơn, nhưng cuối cùng anh cứ một mực bỏ dép khép nép đi chân không mà vào ...Lên trên anh vẫn học rất xuất sắc, đỗ Ph.D (Tiến sĩ ) ở nước ngoài , anh trở về nước giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn.

Trong suốt quảng đời “ gõ đầu trẻ “ của tôi, tôi chưa thấy người học sinh nào hoàn toàn về mọi phương diện như anh Huynh. Nói đến tài hoa và tình nghĩa của học sinh PCT trong những thế hệ đầu tiên chắc chẳng phải là ít, nhưng khả năng ghi nhớ của người thì có hạn, nhất là người có tuổi. Có thời gian mà gom chung những lắng đọng ấy lại sẽ có con số không ngờ

Nhắc đến tài hoa của thời kỳ đầu này thì tôi nhớ tới anh Trương Duy Hy, một học sinh vào lớp Đệ thất đầu tiên của trường PCT ( Lớp Trung học công lập ĐN ), và người vợ của anh là cô Thanh Thảo, cũng là một cựu nữ sinh PCT. Cô Thảo có giọng hát tuyệt vời và có tài diễn xuất kịch nghê, hằng năm cứ đến dịp Tết, toàn trường phải xúc động trước tiếng hát và những màn trình diễn của cô trên sân khấu nhà trường. Còn anh Hy học rất gỉỏi , làm việc rất hăng say trong suốt mấy năm học. Có thể nói anh là người văn võ toàn tài ; con người gan dạ, dũng cảm ,có ý chí nghị lực, nhưng cũng rất dạt dào tình cảm , giàu cảm xúc . Những đặc điểm này đã ít nhiều được thể hiện trong các công trình nghiên cứu và sáng tác rất có giá trị của anh. Dù gần 20 năm trôi qua, cả hai vợ chồng anh Hy chị Thảo đối với tôi vẫn rất thắm thiết trong tình thầy trò xưa cũ, không vì cuộc sống vật chất quay cuồng mà làm cho hoen ố hay phai nhạt đi được. Trong quảng đời đi dạy của chúng ta, chỉ gặp vài ba người học sinh như vậy, cũng đủ an ủi chúng ta biết bao nhiêu.HDGSPCT6236R

 Nói như vậy, để hiểu rằng có lúc chúng ta gặp một vài học sinh tệ bạc như hành hung thầy, hỗn xược với thầy và thậm chí có người còn coi thầy như kẻ thù “ không đội trời chung “ . Đó là điều đại bất hạnh cho chúng ta . Nhưng trong muôn ngàn học sinh, làm sao mà họ đối xử với chúng ta tốt hết được . Hãy quên đi ! vì nghề nào cũng có những rủi ro , bất trắc ! Hãy để thủy triều dâng lên xóa hết vết nhơ trên bãi biển .

Đến đây tạm đánh dấu một quãng đường 20 năm trong một cuộc đời. Cuộc đời của một trong những ngôi trường lớn bậc nhất ở miền Trung. Từ lúc mới mở mắt chào đời với một căn phòng duy nhất vay mượn tạm bợ cho đến lúc san sát lầu ngang dãy dọc, chứa đầy một khối nhân sự đông đúc , xôn xao trong nhịp sống đang vươn lên , với niềm tin yêu  và hy vọng . Hai mươi năm lịch sử thăng trầm ! Bao nhiêu triều đại hưng phế, bao nhiêu chế độ đổi thay , bao nhiêu thế hệ đi qua..., ngôi trường vẫn còn đây , uy nghi , sừng sững như thách đố với thời gian và định mệnh.

Từ vùng kháng chiến trở về Đà Nẵng cuối năm 1951, tôi đến đây , giẩm lên miếng đất sình lầy dơ bẩn này , rồi đến lúc chứng kiến phu công chánh đến đổ đá, đất, lấp đầy miền “ thung lũng hoang vu “ để xây dựng ngôi trường, từ 8 phòng học được nối dài thêm 4 phòng , rồi mỗi năm lần hồi mọc ra những lầu các rộng rãi , sáng sủa, tạm đủ chỗ học tập cho sĩ số tăng gia đông đảo hàng năm . Tôi quan sát từng gốc cây phượng vỹ, cây dương liễu, cây lao xao...từ lúc mới trồng trên sân trường cho đến lúc chúng cao nghễu nghện , đổ bóng mát lưa thưa trong những ngày nắng chói . Tôi đã nhìn bao nhiêu khuôn mặt trẻ của nhiều thế hệ đến đây với tôi, rồi từ giả tôi ra đi. Tôi đã chứng kiến những ngày mà ngôi trường chìm trong khói lửa, khắp nơi loang lổ vết đạn , chứng tích những ngày tối tăm , buồn tẻ, của một thời loạn ly đổ nát cũng như những ngày huy hoàng, sáng chói với những cuộc triển lãm quy mô, lộng lẫy, những buổi lễ tưng bừng , những đêm văn nghệ rực rỡ ánh đèn lung linh hương sắc...những thành tích ghi công trên các bảng vàng sĩ tử...

ChandundPCT 02R

Tất cả đều đi qua, và đương tiếp diễn không ngừng... Vừa là người trong cuộc, vừa là kẻ chứng nhân, tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động . Hai mươi năm trôi qua, tôi tưởng chừng như mới ngày hôm qua, hôm kia chi đây ! Quá khứ ! Hiện tại ! Tương lai ! Hai mươi năm là bao, mà cuộc đời sao lắm chuyện !

Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 100 năm sinh nhật của nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh mà ngôi trường này được vinh dự mang tên của Người, tôi vội chép lại hai mươi năm lịch sử của một ngôi trường để gọi là :

“...Trăm năm cũng từ đây

Của tin để một chút này làm ghi “

TNQ

Đà Nẵng, 24.3.1972 ( trích Hồi Ký  )

( Dạy Văn tại Trường PCT 1952-1975 )