Bạn Bè, Đồng nghiệp, Học sinh cũ Trường Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
PCT 3517BisR

Tôi quê quán ở Đà Nẵng, nhưng được ( hay bị ? ) đi chu du khắp nơi đây đó từ nhỏ. Thuở bé học trường Tiểu học Pháp, về sau này được xây dựng làm dãy nhà của ông hiệu trưởng và vài vị giáo sư trường Phan Châu Trinh. Sau đó được gia đình gửi ra Huế , học nội trú trường Providence từ 6è ( Đệ thất ) đến 3è (Đệ tứ). Về lại Đà Nẵng học xong Tú tài tại Lycée Pascal. Rồi vào Sài Gòn học đại học. Tốt nghiệp năm 1967, tôi về dạy tại Kiến Hoà đến 1973 mới xin đổi về trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

Sỡ dĩ phải nói dông dài vòng vo tam quốc như thế để nhắc đến cái duyên tao ngộ giữa tôi và trường Phan Châu Trinh khá muộn màng so với nhiều bạn bè đồng nghiệp khác.

Tuy không học trường Phan Châu Trinh, nhưng bạn bè của tôi ở đó nhiều lắm. Nguyễn Kim Long, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Cầu, Hoàng Văn Lạc, Hoàng Bích Thủy, Nguyễn Nam, Nguyễn Phương Toàn, Huỳnh Dũng...Có nhiều bạn bỏ học nửa chừng đi lính.

Khi tôi về dạy ở trường Phan Châu Trinh , một hôm đang gần cuối giờ dạy thì có tin nhắn “ xuống văn phòng có người cần gặp “.

Mấy “ ông thần “ bạn bè nhà binh của tôi đi hành quân về, aó quần, xe jeep còn lấm bê bết bùn đất, đã ghé trường “ kêu thằng Trác đi uống cà phê “. Bạn bè nhìn tôi nhe răng cười “ Để mừng tụi tau còn sống “. Tôi phải vào văn phòng hiệu trưởng nói khó xin nhờ người dạy giờ kế tiếp. Rất nhiều bạn bè tôi đã bỏ cuộc chơi nửa chừng giữa cuộc chiến, nhiều người khác được qua Mỹ theo diện HO, rồi cũng bỏ cuộc chơi sớm .

Cũng có vài người bạn học hành quá siêng năng chăm chỉ như Lê Chí Thảo, khiến tôi luôn luôn bị Me tôi răn đe : “ Con ráng học giỏi như con Dì Nhạn để mai sau làm ông nầy ông nọ với người ta “. Vì hai bà cụ quen nhau khá thân nên “ ông con “ ham chơi hơn ham học là tôi bị nghe Me tôi giảng morale dài dài !

Năm ngoái trong kỳ Đại Hội Phan Châu Trinh tổ chức tại nhà hàng Regent West, tôi đã gặp lại người bạn học giỏi thuở xưa sau hơn  40 năm xa cách. Vẫn gíáng vóc cao gầy, vẫn giọng Huế nhỏ nhẹ như ngày nào, Thảo ngẩn người ra một lát sau mới nhận ra tôi.

Hay như Nguyễn Nam, người bạn thân “ bỗng dưng “ gặp lại sau hơn hai mươi năm bặt tin. Vừa mới đây thôi, tôi nhận được một email lạ có tiêu đề “ Bạn Đà Nẵng đây “, ký tên Tô Hoài Nam. Anh nói là thấy tên tôi trên Forum của Ái Hữu Trường Phan Châu Trinh, nên gởi email nhắc lái vài kỷ niệm cũ và hỏi tôi có nhớ anh là ai không ?

Tôi trả lời, kể tên vài người bạn như Nguyễn Kim Long, Nguyễn Đình Hòe...nhưng tôi không nghĩ ra anh là ai. Sau cùng thì ra là Nguyễn Nam  ! Lần gặp cuối cùng trước khi tôi qua Mỹ năm 1991 , Nam mời gia đình tôi đi ăn ở Sài Gòn. Rồi bặt tin từ đó đến giờ.

Quả đất nầy  tròn và nhỏ bé thật !

Vì vậy khi đổi về dạy ở trường Phan Châu Trinh năm 1973, tôi thấy mình như đã về một nơi chốn thân thương quen thuộc . Được các đàn anh, đàn chị đón tiếp rất thân tình. Câu chào đón thật đơn giản của chị Phan Thanh Gia Lai đã làm tôi thực sự cảm động  : “ Ừ, Trác về đây dạy với tụi mình cho vui, gần nhà, gần cửa “.

Các anh Huỳnh Mai trác, Lâm Thành Bích, Trần Đại Tăng cũng đã tạo điều kiện thật dễ dàng cho tôi trong việc phân phối giờ dạy, làm công tác hướng dẫn và hiệu đoàn. Cảm động nhất là mấy câu thơ của thi sĩ Trần Hoan Trinh  viết về bạn bè cũ sau mấy mươi năm xa cách trong đó có bốn câu thơ viết cho tôi . hay quá anh Tăng ơi ! Cám ơn ! Cám ơn thi sĩ !

Còn nhớ anh Trần Đại Tăng, lúc đó làm Giám học, sau khi đã giao đủ số giờ dạy cho tôi, vài ngày sau anh mời tôi xuống văn phòng để nhờ tôi dạy thêm lớp 12 C : “ Cụ học Sài Gòn ra, chắc dạy 12 C vững hơn. Mình nhờ Cụ nghe ! “  Làm sao mà từ chối cho đành khi anh có lối nói dễ thương như thế !

Còn nữa, nhiều lắm, và nhiều lắm .

Thầy Hoàng Bích Sơn, cây cổ thụ văn nghệ với “ Hành khúc Phan Châu Trinh “ nổi tiếng qua nhiều thế hệ.  Anh Đỗ Toàn, tac giả pho tượng Cụ Phan sừng sững trước sân trường. Các anh Trần Đình Quân với “ Khúc Tình Ca Xứ Huế “ ngọt lịm và êm đềm như giòng Hương Giang, người nghệ sĩ có nụ cười thật hiền , thật dễ thương, hình như chưa để mất lòng ai bao giờ, người đã rời bỏ cuộc chơi sau khi vướng vào căn bịnh làm anh quên hết những ưu tư dằn vặt của cuộc đời nầy. Tôi vẫn còn giữ cuốn Vườn Dâu Xanh  anh ký tặng tôi lần đầu gặp gỡ tại nhà anh.

Như anh Tôn Thất Lan, anh Tăng Kim Lân, chị Mộng Hoàn, “ một cây văn nghệ báo chí “, anh Huỳnh Khải, anh Trần Xuân Mai, Lê Quang Mai, anh Lộc dạy Công Dân, anh Cát Văn Uẩn dạy Anh văn, con người lúc nào cũng nói năng ôn tồn và rất gần gủi anh em, người mà cho đến bây giờ chúng tôi không biết tin tức anh đang ở đâu sau ngày mất nước. Tôi vẫn hay trò chuyện với anh sau những giờ dạy hay trong những lần đi trực đêm ở trường. Anh Uẩn rất thương tôi, và tôi cũng rất quý mến anh.

Vui nhất là mấy “ ông Tây nhà đèn “ chúng tôi, những người dạy Pháp văn mà anh em vẫn đùa gọi nhau là “ Pháp sư “ hay “ Tây nhà đèn “, hằng tuần hẹn gặp nhau ăn điểm tâm và uống cà phê ở quán Danube nằm trên đường Độc Lập. Trưởng nhóm Hùynh Mai Trác cùng đám anh em Tăng Kim Lân, Văn Đức  Triệu, Đặng Đăng Khoa, Lê Long Viên, Vĩnh Vinh và tôi vui đùa thân mật sau những giờ dạy hay làm việc căng thẳng ở trường. Không có một khoảng cách nào giữa hiệu trưởng, giám học và giáo sư.

Tôi yêu phong cách làm việc ở Phan Châu Trinh là vì thế. Không có “ chỉ tay năm ngón “ mà là “ nhờ anh, nhờ chị hay nhờ cụ...làm điều này, điều kia giùm mình...”

Còn nhớ khi anh Văn Đức Triệu du học pháp về, lừng lững đi vào trường trình diện, nhóm chúng tôi đã đặt ngay cho anh một biệt danh để đời : “ Văn Đức Triệu Lamartine, người sinh lầm thế kỷ “.

Triệu sống với anh em rất chan hoà dễ thương. Cũng du học từ Pháp về năm đó có anh Nguyễn Văn Thảo dạy Toán thật hay, con người đa tài nhưng bạc mệnh. Anh đã qua đời trong một tai nạn xe Honda.

Bạn bè của tôi ở Phan Châu Trinh còn nhiều lắm. Như đôi vợ chồng anh Kính dạy Lý Hóa và chị Quỳnh dạy văn hay anh Nguyễn Đăng Khoa và chị Mua cùng dạy Pháp Văn. Hai cặp này rất dễ thương , như những đôi chim bồ câu trong sân trường.

Tôi cũng không quên các anh Dương Đức Phương, Lê Long Viên lúc nào cũng đi rảo quanh sân trường, tay cầm chiếc roi mây dài ...thấy ớn lạnh ! Ít đánh học sinh, nhưng mấy em nhìn thấy hình ảnh của hai anh cũng đã phát rét rồi !  

Hay như anh Trần Hữu Duận, Kennedy của trường Phan Châu Trinh. Tổng Giám thị mà ăn nói nhỏ nhẹ, giọng Huế cứ như rót mật vào tai. Anh vẫn hay gọi phone thăm tôi và nhắc tôi tham dự Lễ giỗ cụ Phan hằng năm, hay đi tham gia ngày họp mặt và đóng góp bài vở cho đặc san.

Và các anh Trần Đại Cuộc, anh Vĩnh Vinh, anh Lê Long Viên, thầy Hoàng Bích Sơn từ Việt Nam qua mà tôi được gặp trong kỳ Đại hội năm trước. Và cũng mới gặp lại đây thôi qua những lần Đại hội trước, các anh chị Thái Doãn Ngà, Bác sĩ Tôn Thất Cần và chị Bội Hoàn, chị Nguyễn Đỗ Thu, chị Võ thị Hồng Diệp...

Nhắc đến trường Phan Châu Trinh là còn phải nhắc đến tình nghĩa thầy trò rất sâu đậm nữa. Trước khi về dạy tại đây, tôi đã dạy nhiều nơi ở Sài Gòn và ở Kiến Hoà, nơi nào học sinh cũng dành nhiều tình cảm cho thầy cô. Nhưng với các em học sinh cũ của tôi trong ba năm ngắn ngủi ở Phan Châu Trinh, các em đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Còn nhớ trước ngày 29 tháng 3 năm 1975, ngày mất Đà Nẵng, gia đình tôi di tản vào Sài Gòn. Những ngày tháng buồn thảm đó không biết phải làm gì, nên anh em đồng nghiệp chúng tôi hẹn nhau tụ tập tại Viện Đại Học Sài Gòn ở đường Duy Tân. Ai chưa kịp lãnh lương ngày  29 tháng  3 ở Đà Nẵng thì được truy lãnh, nên chúng tôi có được thêm chút ít tiền tiêu. Rồi chúng tôi bàn tán về tương lai đất nước , tương lai của gia đình mỗi người, của chính mình. Nhưng chỉ là đoán mò. Ai nấy ruột gan cũng rối bời . Rôi Sài Gòn cũng mất vào ngày 30 tháng  4.

Phải hơn 10 ngày sau gia đình tôi mới mướn được một chiếc xe tải của người quen để về lại Đà Nẵng. Căn nhà chúng tôi đã bị niêm phong. Họ chỉ định cho gia đình năm người chúng tôi ở dưới bếp. Hai hôm sau, chưa kịp tĩnh hồn, thì các em học sinh cũ kéo đến thăm. Các em ôm Me tôi và vợ chồng con cái chúng tôi khóc và nói : “Tụi con tưởng Bà cùng em và thầy cô đi Mỹ rồi chớ ! Tại sao lại quay về ? “.

Phải tin tưởng nhau lắm mới dám hỏi những câu “ chết người “ như thế vào lúc đó. Và thầy thì cũng” gồng mình “ để trả lời thật với lòng mình :” Cũng tìm đường đi rồi đấy chứ mấy em, nhưng cung thiên di của Bà và gia đình thầy cô chưa được sáng lắm nên mới quay về để gặp lại các em đây “ .

Hôm sau cả đám thay nhau mang đến “ ủy lạo “ gia đình thầy cô nào là gạo , muối, đường, sữa, nước mắm, xì dầu...ôi thôi , hầm bà làng đủ thứ, “ để bà, thầy cô và em dùng tạm qua ngày”. Cả nhà nhận quà mà nước mắt cứ chảy ròng ròng xuống trên mặt. Thầy trò cùng ôm nhau khóc. Thương cho phận mình hay cho vận nước nổi trôi ? Có lẽ cả hai !

Hàng năm cứ đến những ngày lễ, Noel hay Tết âm lịch, tôi vẫn nhận được những tấm thiệp với những lời chúc thật dễ thương của các em. Bây giờ đã là những ông bà nội, ngoại hết cả rồi, nhưng một điều cũng “ thưa thầy, e...” hai điều cũng “ thưa thầy, em...”. Một số em hiện đang ở San Jose hay ở New York. Tất cả các em đều khá thành công trong công ăn việc làm và trên thương trường.

Ngôi trường của tôi đó, nơi tôi chỉ mới về dạy được có ba năm thì mất nước và phải bị đổi đi dạy tại trường khác ở Duy Xuyên cùng với 13 nam nữ giáo sư khác của Phan Châu Trinh và Hồng Đức. Nhưng tình cảm của trường, của bạn bè đồng nghiệp,của các em học sinh dành cho tôi thì quá nhiều.

Tháng 3 năm  2010 tôi có về Đà Nẵng, ghé thăm lại ngôi trường cũ trước khi nghe nói là sẽ bị đập phá đi. Một cô bạn đồng nghiệp dạy Anh văn đưa tôi đi viếng trường. Vào cổng gặp mấy người con của bác Tô Thau, bác cai trường ngày xưa, đang ngồi giữ cửa.

Tôi xin được vào thăm lại ngôi trường cũ, và hỏi thử xem mấy cô có còn nhớ tôi không ? .Mấy cô đáp : “ Dạ tụi con nhớ chớ. Thầy Trác phải không ? “ .

Thăm trường, chụp vài tấm hình lưu niệm và thắp nhang lạy tượng Cụ Phan Châu Trinh xong, tôi gửi mấy người con của bác cai trường ngày trước ít tiền nhờ mua trái cây và nhang đèn cúng bác Thau.

Vài ký ức ghi vội về một nơi chốn tôi đã trưởng thành trong việc giảng dạy và giao tiếp với bạn bè, xã hội.

Cám ơn ngôi trường đó của ngày xưa.

Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Phạm Ngọc Trác

( Cuối tháng 2 năm  2012 )

(ĐS Kỷ niệm 60 năm thành lập Trung học Phan Châu Trinh.Đại hội ngày 01 tháng 7 năm  tại  Anaheim, California )