Những Mái Trường Xưa

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
PCT 3541R

Khi lớn lên bắt đầu cắp sách đến trường, tôi học vỡ lòng tại một trường làng ở gần đình Thành Mỹ, quận Tam Kỳ. Cô giáo là bà chị con ông bác của tôi là cụ V.N.C. Nhưng rồi thay vì “ xuống “Quán Rường, theo học trường tiểu học của xã Kỳ Mỹ lúc bấy giờ, tôi lại về ở với ông bà ngoại ở làng Kim Đới , xã Kỳ Anh và rồi đậu bằng “ thành chung “ ở đó. Nghe nói có bằng “ thành chung “ chắc quý vị tưởng tôi già lắm. Bằng thành chung thì vào thời Pháp thuộc kia. Nói cho vui vậy chứ tôi đậu bằng tiểu học vào năm chót của thời Đệ nhất Cộng Hoà, tức là hè năm 1963.

Sau đó tôi thi đậu vào lớp Đệ thất của trường Trần Cao Vân ( T C V ), Tam Kỳ, cho niên khóa 1963-64 . Vào thời kỳ đó, thi vào đệ thất ( tức lớp 6 bây giờ ) cũng chua cay lắm chứ không phải dễ.

Các bạn tôi đứa nào không học vững về Toán và các môn khác thì rớt như chơi, vì sĩ số học sinh được nhận vào có giới hạn . Đã có một vài nơi tổ chức luyện thi vào đệ thất lúc bấy giờ.

Thi rớt thì ra học trường tư, xem không có “ oai “ gì cả mà cha mẹ lại phải trả học phí. Lúc ấy các thầy, cô  dạy trường công thì phải tốt nghiệp sư phạm , nên trên nguyên tắc họ phải dạy giỏi hơn mấy ông thầy ở trường tư, dạy giờ, đôi khi họ học chưa xong cử nhân, hoặc chỉ có vài chứng chỉ.

Khi tôi vào trường Trần Cao Vân, ôi sao tôi thấy nó nguy nga và to lớn làm sao. Tôi còn nhớ lúc đó, có một ông thầy trước khi giảng bài, ông khuyên chúng tôi nên cố gắng học hành vì “ các em phải hiểu rằng các em được may mắn học trong một trường ốc khang trang, có hai lớp cửa sổ “. Lúc ấy tôi nhìn ra cửa sổ và thấy ông thầy nói đúng ghê, quả là tôi đang ở trong một lớp học đầy đủ tiện nghi, phòng học có thêm một lớp cửa sổ bằng kính, ngoài cửa sổ lá sách bằng gỗ, khác xa với các trường làng nhà quê !

Năm sau tôi chuyển ra Đà Nẵng, sống với chị tôi, lúc ấy vừa được  bổ về làm việc tại nhà thương chính của thành phố trên đường Hùng Vương. Từ trường công này chuyển qua trường công khác không có gì trở ngại cho lắm. Thế là tôi vào học lớp Đệ lục 4 cho niên khóa 1964-65 của trường Phan Châu Trinh ( PCT ).

Chị tôi thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Hoàng trong một con hẽm nhỏ, đi kế bên nhà Bà Đệ bán nem tré, mà ở Đà Nẵng ai cũng biết. Lúc đó đối diện nhà Bà Đệ người ta chưa xây nhà thương đa khoa. Đó chỉ là một khoảng đất trống nếu tôi nhớ không lầm.

Từ nhà đến trường PCT, tôi đi bộ mỗi buổi sáng trên đường Nguyễn Hoàng, đi qua nhà thờ Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ, qua đường Cô Giang, rồi qua trường Nam Tiểu học, băng qua đường thì vào đến trường PCT.

Lớp Đệ lục 4 của tôi năm đó được sắp xếp ở giữa dãy nhà chính, nằm gần cột cờ của trường . Tôi còn nhớ cái cảm tưởng đi trong một hành lang dài và rộng thênh thang để đến lớp học. Tôi ngồi ở cuối lớp và gần kề cửa ra vào.  Trai gái lúc đó còn học chung với nhau, chưa có trường Hồng Đức cho nữ sinh. Phòng học thì rộng rãi với một tấm bảng đen rộng và dài, so với cái bảng đen nhỏ xíu lúc tôi còn học ở Tiểu học. Có hai người thầy mà tôi còn nhớ tên là thầy T.N.Q và thầy T.Q.B.

Thầy Q. thì nay không còn nữa , nhưng thầy T.Q.B thì hiện ở La Verne, California. Tôi còn nhớ thầy T.Q.B sao giỏi Anh văn đến thế ? Ông cầm quyển English For Today  mà đọc lưu loát, lại pha chút giọng Anh hay Mỹ gì đó đối với chúng tôi lúc ấy làm tôi bái phục khả năng Anh ngữ của thầy quá trời. Tôi còn nhớ ông đi chiếc vespa thì phải, chạy đậu ngang trước văn phòng, rồi đi thẳng vào phòng giáo sư nằm ở dãy nhà bên trái của trường. Cái hình ảnh đó đẹp vô cùng lúc ấy đối với bọn học trò chúng tôi.

Mỗi khi thay đổi môn học, các thầy, cô thay nhau về lớp mình. Học trò thì yêu kính thầy, thầy thì dạy hết lòng và có nhiều tư cách của một nhà mô phạm. Đời sống của giáo sư tương đối đầy đủ và có địa vị trong xã hội. So với thời nay nền giáo dục dưới chế độ C.S, chuyện viết ra trên kể như tiểu thuyết, nhưng đó là sự thật.

Tôi học ở PCT một năm, thì năm sau lại chuyển qua trường khác, tuy đã là học sinh của PCT thì ở Đà Nẵng tương đối là “ ngon nhất “ rồi. Nhưng ba mẹ tôi thấy tôi có năng khiếu về kỹ thuật vì lúc nhỏ tôi hay  tự chế đồ chơi cho chính mình, vì làm gì có nhiều đồ chơi như con trẻ bây giờ, nên khuyến khích tôi thi vào trường Kỹ Thuật Đà Nẵng ( KTĐN ).

Khi đến thăm trường KTĐN, tôi thích qúa. Trường mới xây được có mấy năm nên trông còn mới, với một lối kiến trúc tân kỳ. Trường có văn phòng rộng rãi, có nhiều dãy lầu cho các lớp học ngăn nắp, có nhà xưởng đủ các ngàh nghề với máy móc tối tân. Ở giữa trường có cả một sân bóng rỗ cho học sinh chơi, lúc đó không biết tại sao tôi không học chơi môn thể thao này, chắc là không mua nổi trái banh bóng rổ chăng ? Trường lại có thêm một ông Mỹ làm cố vấn, lo giúp đỡ cho trường lúc ban đầu.

Tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp Đệ ngũ trường KTĐN với hạng ba và được cấp học bổng cho một năm. Lúc đó tôi còn nhớ số tiền học bổng này đã giúp tôi sống gần cả năm mà không cần xin tiền ba mẹ. Vừa chuyển qua KTĐN thì tôi lại đi ở trọ vì chị tôi đã xin về Sài Gòn làm việc tại Bộ Y Tế. Tôi trọ tại nhà một người quen, gần trường KTĐN. Lúc đó người Mỹ đã vào Đà Nẵng rất đông. Bà chủ nhà năm đó có nuôi thêm mấy người Phi Luật Tân qua làm việc cho hãng RMK.

Đến giờ ăn, tôi được phép ngồi chung bàn với mấy anh Phi làm công này, nhưng vốn liếng Anh văn của tôi lúc đó chỉ có mấy câu, nên cũng không trao đổi gì với nhau được nhiều. Năm sau tôi lại dời đến nhà một người quen khác nằm trong vùng đất gần sát biển Thanh Bình . Đi đường Khải Định, chạy ra biển đến cuối đường, quẹo trái thì vào khu này. Tôi còn nhớ ở đầu hẻm có căn nhà khang trang của thầy T.T.D.K, lúc trước làm hiệu trưởng trường TCV. Sau ngày đảo chính 1-11-1963, thầy về dạy ở trường PCT.

Khu đất này, tôi nhớ vào những năm đó, ai đến trước thì cắm đại, chiếm đất, xây nhà , rồi biến thành nhà đất của mình. Đa số là dân từ vùng quê bị CS chiếm đóng chạy về đây tìm cách sinh sống. Sau này có lẽ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng hợp thức hóa cho các vị được may mắn này.

Cuối đường Khải Định, trước khi ra biển Thanh Bình, tôi còn nhớ có một quán bán nước ngọt, nước đá chanh nằm bên tay phải, trước khi quẹo qua các con đường khác vào khu nhà lúc ấy cho Mỹ thuê rất nhiều, Tại quán này tôi và chú em V.K.G, con một ông chú, đã nhiều lần ngồi uống nước đá chanh bên nhau, nhìn xe cộ qua lại , bụi bậm thì bay lung tung, vì con đường chưa được tráng nhựa.

Ở trọ tại Đà Nẵng, có lúc tôi phải đi ăn cơm tại quán cơm học sinh nằm trên đường Độc Lập, gần bên Hội Việt Mỹ. Quán cơm này tương đối sạch sẽ và món ăn chỉ có vài món đơn giản gồm một canh, một xào và cơm trắng. Giá thì rất rẻ, chỉ kẹt cái là phải đạp xe từ biển Thanh Bình đến đây, tương đối xa.

Nhờ có việc phải đến đây ăn mà tôi có nhiều dịp ghé qua Hội Việt Mỹ để đọc báo, nhất là tìm cho được tờ Thế Giới Tự Do. Cũng trong tờ báo đẹp này mà tôi được biết phi hành gia John Glenn Jr. bay vòng quanh trái đất. Ôi hình ảnh của phi hành gia này làm tôi ngưỡng mộ nước Mỹ quá trời, lại thêm những hình ảnh đẹp đẽ của nước Mỹ làm tôi thấy đây là thiên đường của nhân loại. Trong khu vực biển Thanh Bình nầy tôi đã ở cả thảy ba chỗ khác nhau trong vòng ba năm . Mỗi lần đi học về, buổi chiều đi bộ dọc theo bờ biển nhìn thấy các tàu chiến của Mỹ đổ neo đậu ngoài xa. Ban đêm các con tàu nầy lấp lánh ánh sáng trông rất đẹp mắt và cảm thấy an tâm cho cuộc chiến gìn giữ tự do lúc bấy giờ. Có lẽ đây là những con tàu thuộc Đệ thất hạm đội của Mỹ.

Lúc ấy tôi chưa biết nhiều về những mưu lược của chính sách do Hoa Kỳ đang bày vẽ ra cho dân Việt Nam. Vì vậy tôi cứ tưởng rằng sức mạnh quân sự như thế thì làm sao nghĩ đến phản bội và bỏ chạy được.

Vì là học sinh kỹ thuật nên chúng tôi phải mang theo bảng vẽ cho môn kỹ nghệ hóa. Tấm bảng tương đối to, đi bộ thì mang theo trên tay cũng nhọc nhằn lắm , chưa kể còn phải mang theo các sách vở khác. Hôm nào đi xe đạp, thì tôi để cái bảng vẽ trên ghi-đông, hai tay kẹp bảng vẽ ở hai đầu.

Trời mưa là cả một cực hình cho đám “ áo xanh “ chúng tôi những hôm nào có kỹ nghệ họa. Tôi còn nhớ những hôm có văn nghệ để kỷ niệm những ngày lễ lớn, trường KTĐN tổ chức trên một sân khấu tương đối khang trang , nằm ngay dưới lầu của các lớp học.

Năm Mậu Thân 1968, tôi về Tam Kỳ ăn Tết với gia đình và đã chứng kiến nhiều cảnh đau thương do cuộc tấn công của Cộng Sản vào thành phố, tuy rằng cường độ không như ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay những nơi khác lúc đó. Tôi đã nhìn thấy các nhà thường dân bị liệng lựu đạn , hay pháo kích gây ra cảnh chết chóc,thật thê lương cho đồng bào vô tội.

Muà Thu năm 1968 tôi rời miền Trung vào Sài Gòn học tại trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Lại một lần nữa chuyển từ trường công này qua trường công khác. Đây là ngôi trường thứ tư và cũng là ngôi trường chót của tôi trong những năm còn ở trung học.

Tại đây tôi lại có dịp học môn kỹ nghệ họa với một giáo sư mà trước kia đã từng dạy ở trường Kỹ Thuật Đà Nẵng. Toán thì tôi học với thầy P.T.D, người có khuyết tật , đi xiên vẹo một bên nhưng thầy chạy xe gắn máy cũng như ai.

Cũng tại trường Cao Thắng này, tôi đã lần đầu tiên nếm mùi cay lựu đạn do các cuộc biểu tình của các cậu học sinh tranh đấu lúc bấy giờ tạo ra.

Dĩ nhiên tôi đứng bên lề của các nhóm phản chiến này và chỉ muốn được yên để học hành. Lúc ấy tôi đã biết rằng những việc xáo trộn ở hậu phương kiểu đó chỉ làm tổn hại đến cuộc chiến đấu chung của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mà kết quả như chúng ta đã nhìn thấy ngày hôm nay.

Tuy không thể nào nhớ hết nổi những kỷ niệm về bốn ngôi trường mà tôi đã “ mài đũng quần “ ở đó , nhưng mỗi lần nhắc đến Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Kỹ Thuật Đà Nẵng hay Cao Thắng Sài Gòn  tôi vẫn bùi ngùi nhớ về Thầy, Cô , bạn cũ dù mỗi nơi tôi chỉ “ dừng lại “ có một vài năm. Bạn bè có lẽ ít ai còn nhớ đến tôi, chỉ trừ một số nhỏ. Nhưng tôi tự hào nơi “ mô ” tôi cũng có bạn, và đó chính là niềm vui cho tôi mỗi lần nghĩ về thời trung học của mình.

Garden Grove, California muà Xuân Kỷ Sửu 2009

Võ Phú Viên    

( ĐS Kỷ niệm Trường Xưa, ngày 05 tháng 07, 2009 tại Santa  Ana, California  )