Niên khóa 1958-59, phòng học của lớp Đệ lục 2 Phan Châu Trinh, ở trên lầu , gần cuối dãy. Nhớ một hôm tan trường, vội vàng ra về, để quên tập. Sau phải trở lại lấy, và khám phá ra phòng học, tưởng là “ giang sơn “ riêng của Đệ lục 2 ban mai, cũng là phòng học của Đệ Tam B, buổi chiều.
Hơn một lần để quên tập, sao tôi vẫn nhớ lần này hơn cả ? Có phải như câu nói của một người bạn cùng trường cũ, mấy chục năm sau : “ Không có sự việc, sự vật nào vô nghĩa, cho dù vật nhỏ nhoi, việc tầm thường nhất. Nhưng chỉ đối với những người lưu tâm tới nó, mới nhận được tác động cụ thể của nó mà thôi “.
Phải rồi, phòng học này cũng là nơi Đoàn thị Tường Vi, người bạn thân đầu đời, bao lần ở giờ ra chơi, đã thập thò nơi cửa lớp đứng đợi tôi, ngay cả khi còn giáo sư. Các thầy cô khác hình như chẳng để ý, ngoại trừ Cô Liễng (bà Trần Ngọc Liễng ). Một hôm Cô hỏi, thì Tường Vi thưa : “ em đợi H “. Nhiều lần quá, mãi rồi Cô thấy quen, không hỏi nữa ! Một ngẫu nhiên êm ái là Tường Vi và tôi, dù khác lớp , vừa gặp nhau là trở thành đôi bạn nhỏ thân thiết, khắn khít không rời.
Ngoài những giờ ra chơi ở trường, chủ nhật hay ngày lễ, Tường Vi thường lại vào những lúc tôi trông đợi nhất. Hai đứa qua bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày quấn quýt bên nhau.
Vui nhất là những lần ”tập đi xe đạp”. Dù Hè Đệ thất đã tập, song tôi vẫn chưa rành. Trong khi Tường Vi vừa đi được cả xe đạp “đầm“ lẫn xe đàn ông người lớn. Một chân quàng qua thanh ngang, bạn vòng qua, vèo lại trong sân nhà tôi. Đứng nhìn Tường Vi, nhanh nhẹn y hệt một con sóc nhỏ, tôi phục lắm, trong khi mình cứ lên xe là té xoành xoạch ! Hai khuỷu tay và đầu gối của tôi, ngày đó, đầy “ thương tích “. Những vết xước, có khi rớm máu, khá đau , được thoa dịu bằng những cái thổi nhẹ thật mát, với xuýt xoa ân cần của người bạn nhỏ dễ thương, khiến tôi quên đau ngay, để không bỏ cuộc.
Cuối tuần nào đẹp trời , tụi tôi đều nghĩ ra một trò chơi riêng. Thường thường là nơi khoảng sân nhỏ, dưới gốc cây bên hiên nhà tôi. Khi thì chơi “ nấu ăn “, nấu xôi, nấu chè ... với mấy cái nồi tí hon, thô sơ bằng đất . Rồi sau cùng nhau vui thích thưởng thức “công trình”... Có khi “ tập may áo” với mấy mãnh vải hoa kiếm được đâu đó, cho con búp bê nhỏ. Rồi tắm cho nó và thay áo mới trước khi ru ngủ , tưởng tượng như thể đang chăm một em bé ! ( Ngày xưa đồ chơi của trẻ con rất đơn sơ , nhưng bọn tôi vẫn thấy vui và cảm thấy “đầy đủ” với số đồ chơi giới hạn mình có ).
Chủ nhật nào trời mưa, không ra ngoài chơi được, hai đứa bên nhau, nằm “nghe mưa rơi lộp độp trên mái nhà ”, hân hoan xem đó như một “khám phá“ mới ! Có khi cùng đọc truyện của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn. Bắt đầu từ Khái Hưng , qua “ Ông Đồ Bể “ , cùng say mê “ Tiêu Sơn Tráng sĩ “... Hay tìm đến Nhất Linh , qua “ Đôi Bạn “ , và từng có một chút “thắc mắc “ : “ Dũng và Trúc , hay... Dũng và Loan chính là “ Đôi bạn “ theo nhà văn Nhất Linh ? .
Và cả hai đều vô cùng ngưỡng mộ Vua Quang Trung, qua bài học Sử :
” ...Ngày mùng 5 Tết , Nguyễn Huệ tiến quân vào thành Thăng Long, aó giáp vàng còn hoen thuốc súng ...” . Hình ảnh thật đẹp và biết bao oai phong này, hơn tất cả nhân vật lịch sử nào của Việt Nam , lại như biểu tượng của một đấng nam nhi hào hùng lý tưởng, qua nhận thức của... tuổi 13 !
Hồi ấy cũng là thời gian cây vợt bóng bàn trẻ tuổi Lê Văn Tiết đem lại vinh dự cho Việt Nam Cọng Hoà , lúc đoạt giải vô địch bóng bàn tổ chức tại Pháp , sau khi oanh liệt hạ tay vợt người Nhật- đương kim vô địch thế giới thời điểm đó .
Một ngày vui mừng và hãnh diện khó quên của đất nước, của người dân miền Nam và nhất lả của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, trong số có Tường Vi và tôi. Bấy giờ chưa có truyền hình, tất cả tin tức chỉ qua truyền thanh hay báo chí mà thôi. Tuy nhiên, bất cứ hình ảnh hay tin tức nào về “ thần tượng “ Lê Văn Tiết mà Tường Vi cắt giữ lại được ở những tờ báo trong nước đều thích thú đem lại cho tôi xem . Và những gì tôi biết , qua người cậu , một “ fan “ trung thành của Lê Văn Tiết, qua mấy tờ tạp chí thể thao, báo quân đội v..v... tôi cũng nôn nao trông đợi lúc gặp Tường Vi, để vui mừng chia sẻ ngay với bạn .
Còn nhớ một chủ nhật trời mưa, Tường Vi vẫn lại chơi với tôi, như thường lệ. Hôm ấy, hai đứa đang chơi “croix-zéro“, bỗng tình cờ nghe được bài hát “ Đường Lên Sơn Cước “ , lần đầu tiên, ở trên đài phát thanh Saigon , từ cái “ radio “ nhỏ của gia đình. Cả hai liền ngừng chơi , lắng tai theo dõi một tiếng hát nào thật hay, thật vô cùng ấm áp . Và tôi yêu thích ngay lời ca cũng như nhạc điệu của ca khúc này. Vài câu hát như còn văng vẳng bên tai tôi , cả mấy ngày sau :
“ ...Tôi mơ bóng dáng yêu kiều
Xa trong rừng núi, trời sương khói mờ
Sầu vương vấn trên đường tơ...”
Chủ nhật tiếp đến, không hiểu Tường Vi tìm được ở đâu và chép lại nguyên lời của toàn bài hát, rồi đem đến cho tôi như một “surprise“. Tựa bao lần khác, Tường Vi như thể “ đọc “ được những gì trong ý nghĩ của tôi ...
Đôi bạn nhỏ qua bao ngày vui êm đềm, ấm cúng trong tình bạn . Quả đúng với câu “ tâm đầu ý hợp “.
Nhưng, chỉ mấy tháng sau, năm học hãy còn chưa hết, Tường Vi đột ngột ra đi ! Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận nỗi đau khi mất người thân. Cái chết của bạn nhỏ ám ảnh tôi mãi.
Tình bạn, dẫu chỉ một thời gian ngắn, đã để lại cho tôi biết bao thương nhớ. Những ngày tháng tiếp đó , nhiều hôm đi ngủ tôi đều mơ thấy Tường Vi . Tưởng chừng như bạn nhỏ hãy còn sống và vẫn đến với tôi, rồi bao lần như một, tỉnh giấc trong thổn thức... Mẹ tôi thấy vậy đã lo lắng, ,an ủi và khuyên nhủ tôi : thương Tường Vi thì cầu nguyện cho bạn , vì “ thương nhớ khắc khoải chỉ làm người ra đi bận tâm, linh hồn khó siêu thoát “. Tôi nghe lời mẹ , cố gắng nguôi ngoai dần, sau một thời gian .
Hôm Cô Liễng hay tin Tường Vi mất, Cô ôm tôi : “Oh ! les deux petites inséparables qui se séparent...“ ( “ Hai nhỏ không rời nhau mà xa nhau... “) . Cô làm tôi muốn khóc !
Hơn sáu chục năm đã trôi qua, nhưng gương mặt hồn nhiên láu lỉnh dễ thương, với mấy nốt tàn nhang li ti hai bên sống mũi, cùng tiếng nói nhanh , thật vui của bạn nhỏ, vẫn đằm thắm và hãy còn rõ như in nơi ký ức của tôi .
Mỗi lần nghĩ, nhớ đến người bạn thân đầu đời là tự nhiên hình ảnh của Cô Liễng , cô giáo dạy Pháp Văn ngày xa xưa , lại cùng một lúc nao nao hiện ra trong hồn tôi. Như gần đây, một hôm bất ngờ nhận được email báo tin Lễ Cầu An đầu năm của Chùa Khánh Anh bên Paris. ( Có thể một người bạn Phan Châu Trinh nào đó hay lễ chùa này , đã tiện tay ghi địa chỉ email của tôi vào danh sách đệ tử nhận thông báo ? ) Biết Cô Liễng đã qua đời và tro cốt của Cô được ký tự nơi đây, một niềm xúc động , chen lẫn trong tín ngưỡng, nhớ thương và bâng khuâng nơi hồn tôi...
Tôi tin linh hồn con người vẫn còn tồn tại sau cái chết , cũng như tin tưởng tình cảm là sự hổ tương. Và Tường Vi , dẫu đang ở thế giới xa xôi nào đó, vẫn nghĩ và nhớ đến tôi, như tôi vẫn hằng thương nhớ bạn.
Tường Vi ơi, rồi đây sẽ có ngày tụi mình gặp lại nhau , hi vọng ở một nơi cũng êm đềm như “ thiên đường Phan Châu Trinh “ thuở xưa...
Hảo Thanh
( PCT 1957-64 )