Cám Ơn Nước Mỹ

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

CamOnNuocMy US Capitol4

Không phải đợi đến bây giờ tôi mới cám ơn nước Mỹ. Tôi cám ơn nước Mỹ từ khi tôi quyết định đi Mỹ định cư.

Thật lòng mà nói lúc ấy tôi rất phân vân không biết có nên bỏ tất cả để ra đi không? Tôi yêu căn nhà và mảnh vườn này lắm vì đó là kỷ niệm, là công sức và mồ hôi. Từng viên gạch, từng chút xi măng vợ chồng tôi tiết kiệm để xây dựng nên. Những đêm trời có trăng chúng tôi hì hục khiêng đất đắp nền. 

Căn nhà do hai vợ chồng tôi thiết kế. Thợ, vật liệu xây dựng do nông trường cung cấp và thầu đứng ra thực hiện. Đó là chương trình xây nhà cấp bốn cho công nhân. Chúng tôi trả thêm tiền thợ và mua thêm vật tư để làm theo bảng vẽ của mình. Tôi xin ba tôi một cây sắt dài để giữ độ cân bằng chắc chắn khi làm thêm một tầng gác cho con. Tôi xin được một cây cao su già thanh lý, mướn thợ xẻ ra, tẩm dầu pha nhớt mấy dạo để giữ cho gỗ không bị mọt dùng để làm sàn gác. Từng chút, từng chút như con chim tha rác về xây tổ, chúng tôi tạo một tổ ấm cho các con. Bao nhiêu năm mất sạch vì chiến tranh, vợ chồng ly tán, con cái đói khổ, chúng tôi khao khát có một mái nhà và một mảnh vườn riêng. 

Ngoài đất nhà do nông trường cấp, tôi mua thêm một ít đất ruộng tư nhân sát đó dự định sẽ trồng dừa, sầu riêng và chôm chôm để tạo lập một mảnh vườn. Tôi đã bỏ hết thời gian miệt mài trên từng luống rau, tấc đất. Cũng may nhờ mấy năm gian khổ ở hợp tác xã nông nghiệp Hải Lăng- Quảng Trị tôi đã biết chút ít về trồng trọt. Hai bàn tay chai cứng khô cằn đã giúp tôi miệt mài lao động mà không sợ xấu, sợ dơ. 

Tôi đã từng cương quyết sẽ không làm hồ sơ đi Mỹ. Tôi ở lại VN để lo cho mẹ vì má tôi chỉ có mình tôi là con gái. Bây giờ má tôi đã mất, tôi có đủ điều kiện mà mọi người mơ ước tại sao tôi lại không ra đi. Dưới sự bưng bít thông tin vào thời bao cấp của CS, tôi hoàn toàn mù tịt về một nước Mỹ tự do và quyền lợi của người di dân tị nạn Cộng Sản. Tôi luôn lo lắng "Mình lớn tuổi rồi, mẹ già con dại ở xứ người làm sao để sống". Nhưng nhìn chồng mất phương hướng, nhìn con với lý lịch ngụy to tổ bố chận đứng tương lai, nhìn lại mình không giống ai trong xã hội đặt đường lối chính trị làm đầu mà mình thì quyết định không bao giờ làm một đảng viên CS. 

Thú thật ngày còn đi học tôi rất ghét Mỹ. Lý do là có một lần ở Biên Hòa đi học thêm Pháp văn ở nhà thầy Thạc, trên đường đi về tôi đã bị một tên Mỹ đen say rượu từ trong quán bar đi ra rượt tôi chạy có cờ, kẹp tóc văng mất tiêu tôi cũng không dám quay lại lượm. Trong xóm tôi ở trọ có bà mẹ bỏ bê con, đi làm sở Mỹ ăn mặc diêm dúa về nhà lên mặt coi thường chồng. Đứa con gái mới lớn lên đã bị mẹ trang điểm lòe loẹt đem vào sở Mỹ để làm tiền. Đồng tiền đô xanh đỏ đã khiến xã hội suy đồi. Đã khiến những cô gái chân quê thay đổi con người lẫn tính nết đi bán bar, làm điếm, làm gái bao của Mỹ. 

Cho nên dưới mắt tôi lúc ấy lính Mỹ là nguyên nhân để Việt Cộng tuyên truyền lôi kéo dân chúng, khiến người dân ở ba gọng kìm Việt Cộng, Quốc Gia và Lính Mỹ. Rồi cũng chính Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa để Cộng Sản chiếm trọn miền Nam một cách uất ức. Chính Mỹ đã khiến mọi người dân miền Nam sống dở, chết dở với chính sách cai trị của CS: Đổi tiền, cướp nhà, quản lý hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, tem phiếu, đày đọa khủng bố tinh thần thể xác tù cải tạo. Như vậy qua Mỹ mình làm gì  để sống, Người Mỹ, chính quyền Mỹ tốt hay xấu, họ có giúp mình xây dựng lại cuộc sống tự do không? Đó là câu hỏi luôn hiện lên trong đầu tôi một cách ngu xuẩn. 

VN Sau 1975
CnNgoHaloi04
VC NgoaiPho1 1975RB

Con nhỏ bạn thân từ hồi còn tắm mưa giờ làm giám đốc nông trường nó kéo tôi vào văn phòng:

- Đi Mỹ làm gì? Tuổi này qua Mỹ làm gì để sống. Tao không ký đơn, mày ở lại với tao đừng đi đâu hết.

Anh chàng đảng viên chủ tịch Đoàn Thanh Niên CS HCM nông Trường lại kéo tôi ra sau nói nhỏ:

- Chị đủ điều kiện thì hãy đi đi, đừng nghe lời ai hết. Chị đừng rút đơn lại. Hãy đi cho tương lai các cháu. 

Xung quanh tôi giấc mộng đi Mỹ là ước mơ tối thượng của mọi người dân VN. Người ta liều chết để vượt biên. Mình đủ điều kiện sao lại lo lắng chi những gì chưa tới. Chồng tôi, con tôi cần một chân trời mới để thở và được sống tự do. 

Viết bài này, tôi lục lại giấy tờ còn lưu trữ đã cất hơn 32 năm. Giấy tờ úa vàng đã rách vì giấy lúc đó rất xấu. Hình ảnh tôi, chồng và các con ốm đói hốc hác không giống tôi bây giờ chút nào. Các giấy tờ với mẫu in sẵn các mộc đỏ lòm còn giữ lại:

- Bảng khai xin đi nước ngoài (Lý lịch cá nhân, gia đình ba đời)

- Hộ khẩu

- Khai sinh cá nhân, chồng, con

- Giấy hôn thú

- Quyết định nghỉ việc nông trường

- Giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng.

- Giấy chứng nhận không còn liên quan đến nhà đất

- Giấy ra trại cải tạo của chồng và tất cả các giấy tờ liên quan đến lý lịch của chồng, mẹ chồng và các con ....

Tội nghiệp con gái tôi, từ bé đến giờ vẫn nghĩ tôi là mẹ ruột, bây giờ kinh tế gia đình khó khăn, chúng tôi không đủ tiền để nộp đơn theo hồ sơ HO. Chúng tôi đành phải chọn đi theo dạng con lai để được sự giúp đỡ của Mỹ trong thủ tục xuất ngoại. Tôi không hề biết cha ruột của con tôi họ tên gì, thuộc binh chủng nào nên đành phải đem giấy cho con của mẹ ruột cháu làm bằng chứng trong con nuôi. Ôm đứa con gái đã 23 tuổi vào lòng, tôi nói thật với con, xin lỗi nó và đón nhận những giọt nước mắt tủi thân lẫn cám ơn của con bé. Đây là lúc con tôi báo hiếu cho cha mẹ. 

Hồ sơ đi Mỹ của gia đình tôi được phái đoàn chấp thuận nhanh chóng nhờ tờ giấy ra tù Cộng Sản của chồng và khai sinh con gái nuôi "tàn dư đế quốc". Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhân viên của cơ quan nhà nước Mỹ. Một ông Mỹ đẹp trai, hiền hậu, vui vẻ nói tiếng VN rành rẽ. Ông không hỏi gì nhiều, bắt tay chồng tôi, hai thằng nhóc và nói lời chúc mừng hồ sơ đã được chấp thuận. Cả nhà 7 người đều được đi hết kể cả mẹ chồng. Nhưng với hồ sơ này, gia đình tôi không được trực tiếp đến Hoa Kỳ mà phải qua Phi Luật Tân 6 tháng để học cách hội nhập vào nước Mỹ. Mọi chi phí đều do chính phủ Hoa Kỳ đài thọ. Chúng tôi chỉ phải trả tiền máy bay từ VN qua Hoa Kỳ, trả dần trong vòng 10 năm (nếu tôi nhớ không lầm)

Ngày giỗ đầu của má tôi là ngày tôi nhận được giấy báo lịch trình bay. Đó cũng là ngày em trai tôi lần đầu tiên về nước sau 16 năm di tản ra xứ người. Còn con heo cuối cùng trong chuồng, tôi cho làm thịt để đãi em, chia tay gia đình, bạn bè và mừng mình sắp xuất ngoại.

Trong khi chờ đợi chuyến bay, phái đoàn Mỹ sắp xếp cho gia đình tôi tạm trú tại trung tâm Đầm Sen mười ngày. Tại đây có xe đưa rước để chúng tôi hoàn tất mọi thủ tục hành chánh cũng như khám sức khỏe theo quy định. Gia đình tôi được ở trong một căn phòng khang trang, có giường ngủ chăn êm nệm ấm, ăn ngày ba bữa với cơm trắng phục vụ tận tình. Khi đi khám bệnh hay làm giấy tờ cần thiết, các nhân viên rất lịch sự, nhẫn nại, giúp đỡ hết lòng với một nụ cười thông cảm. Khác với nhà nước ta phải đút lót cán bộ và nhận những câu nói hách dịch, dọa dẫm  như xuất ngoại theo chính sách là tội ác ngập đầu. Những mũi kim chích ngừa của Mỹ nhỏ xíu ít đau, chích xong quăng ngay vào thùng rác chứ không như ở bệnh xá một mũi kim dùng cho bao nhiêu người mà còn phải mài lại mới có thể chích được.

Căn nhà vườn tược tôi phải sang tên cho gia đình một công nhân khác theo đúng quy chế nhà nước để nhận một số tiền ít ỏi chi dụng ở Phi. Hành trang đem theo chỉ là quần áo, mỗi người một túi xách cá nhân. Tất cả đồ đạc đều bỏ lại VN như bỏ lại tất cả những gì mình yêu thương và trân quý. Lên tới phi trường cô nhân viên hải quan trề môi khinh bỉ: "Vậy mà cũng đi Mỹ!"  khi nhìn thùng hành lý gửi đi toàn là mì gói và ít vật dụng làm bếp. Nhìn lại mình chúng tôi đúng là dân tị nạn trắng tay.

Rất sợ sự trấn lột của hải quan VN, tôi chia mỗi người giữ một chỉ vàng, em tôi có cho chị 100 dollars, tôi dấu dưới vớ của thằng út. Đó là tài sản của 7 mạng người khi sống 6 tháng ở trại Bataan Phi luật Tân.

bataan 9 720x1024

Máy bay lên cao rời khỏi Việt Nam để bay qua Manila, tôi rưng rưng nước mắt, nghìn trùng xa cách không biết mình có còn cơ hội trở về thăm. Lòng lo sợ không biết mình qua Mỹ không tiền, không một nghề chuyên môn  làm gì để sống với mẹ già con dại, tuổi đời đã quá 40.

bataan 8 1024x692

Ở trại Bataan mọi người đều được đi học theo số tuổi và khả năng Anh Ngữ của mình. 6 tháng học về văn hóa và đời sống Mỹ chúng tôi dần dần hiểu được quyền lợi được hưởng, những văn minh trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Các con tôi sẽ được đến trường mà không tốn một đồng nào. Chúng tôi sẽ được giúp đỡ những bước đầu để hội nhập và sinh sống. Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất này với nhà cửa, bệnh viện, đội ngũ giáo viên, bác sĩ, y tá, thức ăn và nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Tất cả đều làm việc hết sức lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng tự do, bình đẳng để mọi người dễ dàng hội nhập với đời sống mới ở Mỹ.

Điều đặc biệt và bất trắc trong thời gian chúng tôi ở Phi là cơn bão kéo về đúng lúc núi lửa Pinatubo phun trào. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là động đất và bão cát. Trời ban trưa mà tối sầm như đêm đen, gió thổi, cát bay, nhà rung lắc. Bảy người chúng tôi nằm ôm nhau trên chiếc phản gỗ nhắm mắt chờ chết. Bão tan, cả trại tị nạn bao trùm toàn cát. Cây ngã hàng loạt, những cây xoài lâu năm ngã rạp, tét nhánh nằm vắt trên mái tôn. Mọi người trèo lên nóc nhà cào cát xuống, thu dọn cây cối và dọn dẹp nhà cửa. Nước không có nên trại phải chở nước đến cho mọi người dùng. Phải một thời gian dài mọi việc mới ổn định lại, cũng là lúc chúng tôi hoàn tất khóa học, chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết để ra trại và đi Mỹ.

Tôi rời VN vào tháng 3/1991. Tháng 9 chúng tôi hoàn tất các khóa học, khám sức khỏe tốt và được lên danh sách chuyến bay đến Mỹ. Máy bay rời khỏi Manila đến Honolulu Hawaii. Tại đây gia đình tôi chính thức làm giấy tờ nhập cảnh. Con gái lớn tôi vì đã 23 tuổi được tách ra một form riêng độc lập. Mẹ chồng tôi cũng một form riêng. Vợ chồng tôi và ba con nhỏ được xếp vào gia đình có con nhỏ dưới 18 tuổi  được trợ cấp theo tiêu chuẩn tị nạn. Tại phi trường Hawaii chúng tôi được chụp hình, lăn tay để làm thẻ An Sinh Xã Hội ( Social  security). Thẻ sẽ gửi về địa chỉ nhà em tôi đã mướn dùm

Sau khi thủ tục nhập cảnh hoàn tất, chúng tôi lên chuyến bay thứ nhì về phi trường John Wayne ở Santa Ana, California. Tại đây em trai tôi đã chờ sẵn để đón gia đình chị. Trước khi về nhà, chúng tôi đi ăn tối tại tiệm Mỹ Nguyên, một nhà hàng VN quen thuộc ở Orange County. Tại đây bất ngờ tôi gặp được một người quen gần nhà đã đi Mỹ trước tôi vài tháng. Mừng quá là mừng gặp nhau ngay ngày đầu tiên tới Mỹ. Xe trên đường về Riverside trời đã tối, những cầu xa lộ, phố xá hai bên với ánh đèn điện sáng choang lấp lánh làm gia đình tôi trố mắt nhìn ngưỡng mộ. Khâm phục vì đẹp và văn minh quá chưa bao giờ thấy trong đời.

Căn nhà em tôi mướn dùm gồm 4 phòng ngủ rất khang trang sạch sẽ, thơm lừng. Giá thuê là 750$ nhưng nếu trả tiền nhà trước ngày 5 tây hàng tháng, ông chủ nhà sẽ bớt 25$. (Khi tôi có lịch bay em tôi đã mướn căn nhà này vì rất gần trường tiểu học và trung học cho các con tôi). Giường, nệm các phòng đều tinh tươm sạch sẽ. Một số đồ đạc em tôi và hội bảo trợ đã chuẩn bị sẵn. Lần đầu trong đời tôi ngủ không giăng mùng mà không có một con muỗi nào bay đến vo ve. Quá mệt mỏi trong suốt chuyến bay, cả nhà tôi ngủ một giấc thật ngon đêm đầu tiên ở Mỹ.

Ngày hôm sau, em tôi chở gia đình tôi đi làm các thủ tục phải có. Làm thẻ xanh cho người lớn, làm giấy tờ nhập học cho trẻ con, các hồ sơ cần thiết để được hưởng trợ cấp ban đầu...

Đến lúc này tôi thật sự an tâm, cám ơn người dân Mỹ, nước Mỹ tận đáy lòng. Tôi không còn sợ chết đói, sợ sống không nhà vô gia cư, sợ con cái thất học. Nước Mỹ đã cho gia đình tôi một cuộc sống ổn định và an toàn. Con tôi đến trường bình đẵng như mọi đứa trẻ tóc vàng mắt xanh da trắng ở xứ sở này. Mẹ chồng tôi ở Mỹ vài tháng là đủ 65 tuổi, bà được hưởng quyền lợi người già mà tôi không thể tưởng tượng được bà sẽ có. Con gái tôi được hưởng trợ cấp mấy tháng theo quy định để tìm việc làm. Hai vợ chồng tôi có con nhỏ nên được hưởng trợ cấp con nhỏ và nhận thêm foodstamp để mua thức ăn. Cứ mỗi lần đi chợ là tôi lại xé tiền trong tập phiếu thực phẩm để trả cho người thu ngân. Hai vợ chồng ghi tên học ESL và được nhận thẻ đi xe bus miễn phí. Tiền trợ cấp chỉ đủ trả tiền nhà và chi tiêu lặt vặt. Foodstamp cũng chỉ đủ ăn nên chưa bao giờ tôi dám mua tôm hay thịt bò. Cứ mua thịt gà hết kho lại rim mặn. Rau lúc đó cũng không rẻ nên thường là ăn bắp cải, cà rốt và khoai lang tây.

Mì tại chợ Mỹ 1 đồng 10 gói vừa ngon, vừa rẻ nên tôi ăn thường xuyên đến nỗi mập đến không ngờ. Bà bác sĩ gia đình bảo phải ngưng ăn vì có quá nhiều tinh bột. Lúc đó tôi không có khái niệm nhiều về ăn uống, chỉ cần rẻ là tốt.

Tuy vậy chưa có khi nào chúng tôi sống vui như thế. Buổi tối gia đình đoàn viên ăn cơm sum họp rồi cùng ngồi học bài với nhau. Một người quen của em trai tôi cho một cái TV và một đầu máy đã cũ. Thế là cứ cuối tuần là vợ chồng, con cái lên xe bus đi thư viện mượn sách và DVD về xem. Bộ phim đám cưới cổ tích của công nương Diana chúng tôi coi không biết bao nhiêu lần. Các con tôi được xem các phim hoạt hình sau giờ học. Những ngày con cái còn nhỏ là những ngày hạnh phúc nhất trong gia đình tôi.

Thời gian trôi qua, các con tôi đều đã lên đại học, con gái lớn có chồng, có con. Chúng tôi đã già và mẹ chồng tôi sống những ngày cuối đời bình an trên đất Mỹ. Nước Mỹ đã cho chúng tôi nhiều thứ mà đất nước tôi khước từ. Sự tự do, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm con người. Chúng tôi đến Mỹ muộn màng không đóng góp được gì nhiều để đền ơn đáp nghĩa. Các con tôi đã thay cha mẹ làm những người lính để phục vụ đất nước này.

Mỗi năm nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving, tôi thường đùa nói với các con tôi: " Người Mỹ là những người từng vượt biên như VN ta. Họ là những boat people đầu tiên hiện diện trên đất nước non trẻ này" Cho nên những người VN "Ô Đi Ghe" chỉ là tái hiện lại một hành trình đi tìm đất sống như họ. Người Mỹ tổ chức lễ Thanksgiving cám ơn những người thổ dân đã giúp họ những ngày đầu tiên lập quốc. Người VN mình cũng phải biết cám ơn người Mỹ vì đã đưa bàn tay cứu vớt những người tị nạn lưu vong. 

Nước Mỹ là một nước hợp chủng quốc, có đủ mọi sắc dân, nói đủ thứ tiếng và ban đầu người di dân nào mới đến cũng dùng động từ "To Quơ" để nói chuyện. Mỗi sắc dân đến đây mang theo phong tục tập quán riêng. Theo thời gian họ cộng hưởng nền văn minh của Mỹ để hoàn thiện một nền văn minh mới, vừa không phản bội cha ông vừa làm giàu làm đẹp bản sắc dân tộc mình. 

Người Việt mình đến đây nhiều nhất sau 1975  khi nước Việt Nam thay đổi màu cờ. Những ngày đầu người Việt chưa đông như bây giờ. Có những thức ăn người VN rất thích mà người Mỹ lại chê. Thí dụ như lòng gà, lòng vịt, lòng heo, chân gà, móng heo... Bây giờ mấy thứ đó lại khá mắc vì đó là những món ăn khoái khẩu dùng để ...nhậu. Như ngày xưa làm gì có bán giá, rau muống, nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc, huyết heo và ...ôi thôi những món mà bây giờ Mỹ không chê mà Mễ rất mê. 

Hiện tại tiệm phở, tiệm bánh mì, bánh ngọt, bánh ướt, bún bò Huế, bò bảy món, lẩu đồ biển của người Việt có mặt trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Thật lòng người VN mình cũng góp phần không nhỏ trong văn hóa ẩm thực lẫn đời sống của người Mỹ và các nước trên thế giới. Miền Nam Cali, khu vực Little Sài Gòn số lượng người Việt lấn áp người bản xứ. Con cái người Việt đều được cha mẹ cho vào đại học và có công ăn việc làm đời sống ổn định. Số người VN giàu có và trung lưu đã tăng lên thấy rõ. 

Tất cả sự thay đổi đó phần lớn là do sự giáo dục từ gia đình. Không có người VN nào qua đây mà không mong ước cho con học tới nơi tới chốn. Người Mỹ nuôi con tới 18 tuổi thì "Mặc kệ bây" nhưng người Việt ta làm hai ba job để cho con tốt nghiệp đại học, tạo cơ hội cho con phát triển sự nghiệp. Khi con đã ổn định có gia đình cha mẹ sẵn sàng chở dùm cháu đi học hay ở nhà giữ cháu cho con đỡ tốn tiền gửi trẻ.

Cuối tháng 3/1975 Đà Nẵng trong cơn sốt. Tôi đã chứng kiến một Đà Nẵng mất mát, xe "Phe thắng trận" tiến vào thành phố. Tháng 3/1991 tôi rời VN lên máy bay đi tị nạn CS. Máy bay đáp xuống Phi Luật Tân và tôi lưu vong từ lúc đó. 

Hôm nay cũng cuối tháng ba, tôi ngồi trước máy computer viết bài này. Ngoài trời mưa vẫn rơi không dứt. Mưa suốt 3 ngày đêm cho miền Nam Cali no nước. Tôi đã bước qua tuổi 75 có còn gì để mất hay còn. 48 năm miền Nam VN đã thay cờ đổi chính thể. Một quê hương xa nửa vòng trái đất để tôi thương nhớ và mất mát. Có ai trong chúng ta không hoài niệm quê nhà, cha mẹ, anh em. Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ, càng già càng nhớ nhiều để đêm mưa trăn trở không ngủ được.

Đã 32 năm tôi chọn nước Mỹ làm quê hương. Mẹ chồng tôi đã mất, tro cốt được đem về an táng tại quê bà. Chồng tôi chọn theo gió và nhờ sóng biển đi khắp muôn nơi. Tôi cũng vậy, cuộc sống vô thường, mạng sống nhỏ nhoi này nguyện một ngày cũng theo gió về với hư không.

Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời. Mỗi ngày đi bộ một vòng trong xóm tôi thấy được cái đẹp bình yên của xứ sở này. Tôi thấy mình được nhiều phước báo và tôi cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đều bình yên no đủ, được an lạc hít thở không khí tự do.

Nguyễn thị Thêm
23/3/2023

(Nguồn: https://www.ngo-quyen.org/a9280/nguyen-thi-them-cam-on-nuoc-my)