Mặc dầu ngay từ trước Tết năm Ất Mão 1975, không khí đọn Xuân Sài Gòn đã có chút gì bồn chồn, gượng gạo, nhưng thời sự chỉ thực sự bốc cháy khi tin tức tái phối trí vùng II chiến thuật được truyền thông loan tải rộng rãi. Tình hình chính trị và quân sự biến chuyển rất nhanh, với tốc độ băng tan dưới mặt trời.
Sáng 30 tháng tư, gần trưa, lệnh kêu gọi quân nhân các cấp và các binh chủng buông súng được đích thân Tổng Thống Dương Văn Minh phát đi trên làn sóng của đài phát thanh quốc gia. Sải Gòn nhốn nháo mấy ngày qua như một thân thể cường tráng bị bóp cổ chết đứng. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng súng lẻ tẻ, hoặc của một người lính nào đó bắn phát cuối cùng trước khi giả từ vũ khí, hoặc của một quân nhân phẩn uất tự xử mình vì không chấp nhận số phận.
Sáng sớm mùng một tháng năm , công chức các cơ quan chính quyền VNCH gồm cả giáo chức các cấp được lệnh trình diện tại nhiệm sở. Tôi đi giữa những núi rác khổng lồ qua một đêm sở vệ sinh không làm việc. Quân phục, giầy saut, khẩu phần lương thực cá nhân, vứt bừa bãi giữa đường. Những giăy đạn đồng sáng choang treo trên các quân xa bỏ không ven bờ lề các phố Hai Bà Trưng, Hiền Vương, Duy Tân. Tôi trình diện với Ủy ban quân quán tiếp thu trường trung học đệ nhị cấp Nguyễn Trãi ở trước mặt kho năm bên quận Tư, là nơi tôi dạy học được 8 năm . Sau khi làm một số thủ tục khai báo, tất cả thầy cô giáo và nhân viên hành chánh được cho về nhà chờ lệnh mới.
Chúng tôi phải học tập cải tạo tập trung 8 ngày ở một số địa điểm được chỉ định do sự điều động của sở giáo dục thành phố trước khi được trở về trường tiếp tục công việc giảng dạy với danh xưng mới là “ giáo viên “. Khoảng chừng nửa năm sau, đầu niên khóa mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, giáo viên cấp ba được chỉ thị phải theo một lớp học cấp thành, kéo dài 4 tuần lễ về chủ nghĩa Mác-xít.
Lớp học tổ chức vào buổi tối, tại một ngôi biệt thự lầu mà chủ nhân đã di tản. Không còn một vết tích gì về những đồ đạc trang trí nội thất trước đây trong ngôi nhà sang trọng nay được trưng dụng làm lớp học với ít bàn ghế tạp nhạp, cọc cạch, thu lượm ở đâu về. Chính là ở đây tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hoàng lần đầu rồi mất dấu anh cho đến khi gặp lại nhau trong tòa soạn nhật báo Người Việt trên đường Moran , thành phố Westminster, quận Cam, hơn mười năm sau.
Lớp học chỉ có chừng ba mươi giáo viên các trường đệ nhị cấp vùng nội thành, có hay không có tuyển chọn và nếu có tuyển chọn thì trên những tiêu chuẩn nào, chúng tôi hoàn toàn không biết, cứ nhận được lệnh là phải thi hành. Buổi học đầu tiên NXH tới trễ. Chiếc Lambretta của anh dựng nghiêng trên cái lối đi xi măng rồi anh sà vào chỗ tôi ngồi ở ngay cuối lớp. Sẵn giấy trắng cho học viên trên bàn, anh rút chiếc bút nguyên tử vẽ nguệch ngoạc những hình kỷ hà rồi chắc là tiện tay anh viết lên giấy mấy chữ Tôi là Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi ghi nhớ tên anh và nhờ cái tên, biết anh dạy ở Pétrus Ký nhưng tuyệt nhiên không biết anh là nhà văn tên tuổi của Sài Gòn trước khi miền Nam Việt Nam đổi chủ. Lý do giản dị là thời đó, hằng ngày tôi chỉ biết làm công việc của một cô giáo và của một bà nội trợ chăm lo con cái, nhà cửa và bếp núc, hoàn toàn không có sinh hoạt văn chương.
Được chừng hơn tuần lễ tối nào anh cũng tới lớp trễ, sà vào đúng một chỗ ngồi ở bàn cuối phòng ngay cửa ra vào, gật đầu chào tôi với nụ cười mà không cười của anh rồi cúi xuống tờ giấy hý hoáy vẽ linh tinh một lúc là chuồn êm. Tôi không biết người cán bộ quản giáo có lưu ý đến chàng học viên ơ thờ này hay không nhưng có vẻ như anh đến và đi mà không gây chú ý cho ai cả ngoại trừ tôi ngồi gần anh do sự tình cờ ban đầu. Giao tình chỉ từng ấy thôi, thời gian còn lại của khoá học, tôi không thấy anh và chiếc Lambretta của anh dựng nghiêng như chực đổ ngoài sân nữa. Anh tới và đi cùng một cách : thoắt biến, thoắt hiện, không một tiếng động.
Ít lâu sau, trước khi chương trình hoc Mác – Lê do thành ủy tổ chức kết thúc, tôi được tin anh cùng gia đình vượt biên từ một tích cực nam nhưng không thoát, bị bắt. Muì hoa hoàng lan trong vườn ngôi biệt thự vắng chủ bỗng nhiên thoáng nỗi buồn của những gặp gỡ và chia tay bị gió cuốn đi. Tôi đi qua đường Tự Do cũ, thấy gian hàng tơ lụa mượt mà, lộng lẫy, trước đó không bao lâu thấp thoáng bóng chị Vy, hiển thê của anh và cũng là chủ nhân của tiệm may cửa khóa then cài im lìm, ngậm ngùi biết rằng tin đồn là sự thật.
Đến đây, tôi không còn nhận được tin tức gì về anh nữa. Nhiều năm sau, trải qua nhiều biến cố nhọc nhằn, tôi và gia đình lên đường đi định cư ở Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của anh ruột tôi sinh sống tại quận Riverside, cách Little SàiGòn khoảng 40 dặm về hướng Đông. Vì nhu cầu hội nhập và sự thuận tiện riêng, chỉ hơn một tháng sau khi đại gia đình mẹ, con, anh,em và các cháu đoàn tụ, tôi cùng tiểu gia đình chuyển về quận Cam. Trong một lần tới toà soạn báo Người Việt trên đường Moran, thị xã Westminster, nhằm chuyển lời của chị Mai Hương bạn rất thân của tôi, nhờ hỏi thăm thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, tôi bất ngờ gặp lại anh, anh Trần Đình Quân và qua hai anh, được quen biết thêm nhiều anh chị em khác đang làm việc cho tờ báo.
Tha hương ngộ cố tri, gặp người cũ, xưa chỉ biết nay thành quen, xưa chỉ quen nay thành thân. Nhân lúc quán cà phê Hải Âu ( ? ) của Hoàng Khởi Phong sang cho chủ mới, Người Việt hẹn gặp gỡ nhau một buổi tối ở đây có cả thi sĩ Hoàng Anh Tuấn từ San Jose về. Thêm một lằn nữa, tôi lại tình cờ ngồi bên cạnh Nguyễn Xuân Hoàng quanh cái bàn nhỏ chỉ có thức uống chứ không có thức ăn. Giờ đây, chúng tôi chuyện trò, nóí cười thoải mái và tôi nhận ra anh Nguyễn Xuân Hoàng không bao giờ nói to hay cười to.
Anh không khác mấy so với hơn một thập niên trước. Vẫn dáng đi hơi nghiêng về một bên, bước như không chạm đất. Vẫn mái tóc cắt ngắn và cao, đôi mắt có ánh nhìn chậm, tha thiết và lặng lẽ. Sau này gặp anh thường hơn, tôi nhận thấy ngay cả những khi bạn bè tranh luận về một đề tài nhiều mâu thuẫn, cần đưa ra lập luận của mình , anh vẫn có sự chừng mực để không bao giờ cất cao giọng. Sự khẳng định của anh dù cương quyết đến đâu cũng luôn đi kèm với cái nhìn ngại ngần, ngụ ý nói Tôi có làm bạn phiền lòng không ? Xin lỗi nhé !
Thời gian tôi phụ trách trang Phụ Nữ trên tờ Người Việt, anh là Tổng Thư ký của toà soạn. Lúc đó chưa có máy điện toán, mỗi tuần lễ vào chiều thứ năm , tôi đến toà soạn giao bài. Đi qua chỗ anh ngồi, tôi hay dừng lại trao đổi vài mẫu chuyện thời sự hoặc tin tức về bạn bè xa gần, bây giờ hồi tưởng lại, không thấy kỷ niệm nào nổi bật, có nghĩa là nói chuyện với anh không bao giờ “ găng “ cả. Anh có cách thoát khỏi những hoàn cảnh tế nhị trước khi để chúng trở thành khó xử. Tôi không biết đây là triết lý xử thế bỏ của chạy lấy người của anh hay do bản tính anh không muốn gây thương tích cho người và cho mình. Bây giờ mỗi khi nghĩ về anh, tôi hình dung ra một hành khách đáp xe buýt trên một tuyến đông khách, dù đứng hay ngồi, anh cố thu nhỏ mình để bớt va chạm.
Khoảng đầu những năm 90 , tờ nguyệt san Tin Điện bên Tây Đức nhờ tôi làm chủ bút. Tôi cầu cứu anh giữ giùm phần tin tức và lay out. Tuần lễ trước khi đến hẹn gởi báo đi, có những hôm chúng tôi phải làm việc đến tận nửa đêm. Hai cháu Ốc Tiêu và Tina ngày đó còn bé, chốc chốc Tina lại chạy đến chỗ bố,vin cổ anh xuống và hôn lên má anh. Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt trái soan trắng hồng, đôi môi chúm chím đỏ như một nụ hoa anh đào của cháu nhìn thấy qua vai anh khi anh nghiêng xuống với cháu.
Sau này, nhiều lúc nhớ lại kỷ niệm làm tờ Tin Điện với anh, nhớ lại cảnh anh tỷ mỷ cắt dán những mẫu tin để lay out, cẩn thận dùng thước đo từng milimét cho đúng với đòi hỏi quái đản của ông Chủ nhiệm bên Tây Đức, tôi chợt nghiệm ra có lẽ khi đó anh chỉ muốn giúp một người bạn có thêm chút phương tiện tài chánh để nuôi con hơn là là vì chính nhu cầu của anh. Ngày nay, tôi càng thấm ngấm tấm lòng của anh hơn không phải chỉ vì sự giúp đỡ của anh như nói trên mà vì sự tế nhị về phía anh đã không một giây phút nào khiến tôi thấy áy náy vì mang ơn.
Mười lăm năm trôi qua từ khi anh và gia đình dọn lên bắc Cali vì một công việc mới rất tốt cho anh với công ty San Jose Mercury News. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc nhưng không thường xuyên. Những dịp anh về lại quận Cam, thời giờ ít ỏi, công việc bề bộn, những cái hẹn không ăn khớp và chúng tôi ít gặp lại nhau. Một buổi tối khoảng tháng ba năm nay, Trần Mộng Tú từ Seattle xuống quấn Cam. Chúng tôi đang ngồi ở nhà Thúy Hạnh thì anh ghé qua. Trông anh hơi gầy đi, mái tóc trắng như mây nhưng anh vẫn giữ dáng vẻ trẻ trung mọi khi, quần jeans, áo sơ mi không cài khuy cổ. Anh ngồi trên cái ghế nhỏ, yên lặng như thường lệ, thỉnh thoảng nhẹ nhàng trả lời một câu hỏi. Nhìn anh giống như một mãnh puzzle lạc loài không khít vào đâu cả.
Đầu tháng bẩy, anh gọi điện thoại báo tin sẽ về dự sinh hoạt kỷ niệm 80 năm Tự Lực Văn Đoàn và 50 năm ngày giỗ Nhất Linh do Diễn Đàn Thế Kỷ thực hiện và theo lời mời của anh Phạm Phú Minh. Trong lúc tôi và Trần Mộng Tú đinh ninh sẽ có dịp gặp lại anh như đã hẹn thì anh Phạm Phú Minh báo tin không lành : NXH không về được vì kết quả khám nghiệm chứng đau lưng của anh cho biết anh bị ung thư và bác sĩ quyết định gởi anh đi làm xả trị ngay.
Tôi á khẩu. Trong nước mắt loà nhoà, bỗng dưng chập chờn thấy lại khung cảnh một lần nào đó gặp anh bên giường bệnh Nguyễn Mộng Giác. Họ vẫn nói chuyện thời sự văn chương với nhau nhưng câu chuyện chỉ để khoả lấp những điều buồn bã không thể nói của một tình bạn đang chia cùng nhau những viên thuốc đắng của đời người. Những viên thuốc mà lớp đường bọc ngoài đ từng tan dần vị ngọt, trên đầu lưỡi không trừ một ai.
Chị Trùng Dương và tôi lên Milpitas thăm anh đầu tháng tám. Anh nói : “ Mình chết thì OK, chỉ muốn đừng đau đớn “. Anh không ăn được và cũng không muốn ăn. Anh ngủ là do thuốc. Thỉnh thoảng anh theo chị Vy ra toà soạn, dù không viết lách gì nữa nhưng sinh hoạt của toà báo tiếp hơi thở cho anh..
Trên đường về lại quận Cam, có lúc chị Trùng Dương nói với tôi : “ Cái không may của Hoàng là chọn học Triết. Đã vậy, còn dấn thân vào văn chương “. Tôi cũng đồng ý với chị. Hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và đi tìm cái mới hay sự thay đổi trong sáng tạo không bao giờ êm ái, càng không bao giờ dễ. Khi bỏ dở tập trường thiên Người Đi Trên Mây, thậm chí đốt luôn bản thảo cuốn II, phải chăng anh không còn lối thoát nào cho những đam mê bị bào mòn trong “ cuộc chơi mệt mỏi và tuyệt vọng “ ( chữ của Đào Trung Đạo ) mà định mệnh đã xô anh vào hay do anh chủ tâm chọn lựa ?
Cám ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị, để có khi nào nhớ về, ký ức sẽ gọi dậy trong tôi mùi hoa hoàng lan huyền ảo vẫn dịu dàng thơm những tháng ngày tăm tối nhất của một Sàigòn vừa bị xóa tên.
Bùi Bích Hà
Garden Grove, tháng 9/2013