“40 năm...
Một thời gian quá dài. Nhưng cũng quá ngắn. Bao nhiêu hạnh ngộ. Bao nhiêu chia ly. Bao nhiêu ân tình. Bao nhiêu kỷ niệm... Lớp này đến, rồi đi. Lớp khác đến, rồi cũng đi. Để lại mình tôi với sân trường lá rụng, với hành lang dài ngút mắt. Cây xà cừ giữa sân ngày nào lớp tôi cố vấn trồng còn bé khẳng khiu, bây giờ cao vút, cành lá tỏa sum sê, che rợp cả một khoảng trời. Che kín sân trường. Che kín cả lòng tôi..”
Ông thầy dạy toán Trần Đại Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh, trong lời bạt cho tập thơ Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp xuất bản gần đây, đã bâng khuâng viết ra tiếng thở dài trên.
40 năm. Một đời thầy, một đời thơ. Một sân trường. Biết bao tháng năm huyền thoại, biết bao chiều một mình sân trường, biết bao chuyện dâu biển đá vàng... Bao lớp học trò đã đi về phía đất trời biển lớn từ cổng trường Phan Châu Trinh thân yêu - đứa thành đứa bại. Bao lần thầy đứng lại giữa sân trường bên bức tượng đồng câm nín, thương nhớ bầy chim đã vỗ cánh bay xa để rồi bơ phờ nghĩ về đời mình làm người quẩn quanh bục giảng, tóc phấn bay đầy.
Học trò ra đi đứa đông đứa tây
Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này
Tôi một mình bơ vơ cửa lớp
Mái tóc một chiều bổng trắng như mây... (Một đời thầy, một đời thơ)
Các em đi, các em đi biền biệt
Chiều sân trường lá cứ rụng xôn xao
Nghe có bước chân ai về cuối lớp
Thầy ngẩng lên đợi một tiếng chào! (Chiều một mình sân trường)
Ngày nghỉ hưu đầu tiên, đầu tháng Ba năm 98, giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt, người thầy thi sĩ “bỏ trường mà đi” đã vội thấy lòng mình buồn chan chứa.
“...Trời về đêm đổ mưa. Vào trốn mưa dưới vòm hiên một tòa cao ốc. Nhìn những cột mưa hối hả, xiên xiên dưới ánh đèn, nhớ lại một đêm xa, rất xa, giã từ thành phố này để “Đi Xuống Cuộc Đời “. Ờ! Cũng một đêm Sài-Gòn mưa như thế này tôi đã lên chuyến tàu suốt Sài-gòn Đà-Nẵng đến PCT nhận việc! Mới đó mà đã 40 năm. Thấy thời gian xa lăn lắc mà sao như mới đâu đây. Tạnh mưa, bước từng bước nhỏ trên mặt đường loang loáng nước, nghe tâm hồn dịu lại, lặng đi. Con đường Lê văn Duyệt (CMT 8 ) dài vô cùng, đêm nay càng thấy dài vô tận. Khu Bàu Cát mờ mờ trong đêm, đèn không đủ sáng. Đưa tay vuốt mái tóc sũng nước, bước vội lên cầu thang chung cư, nghe lòng mình sao điêu tàn quá đổi ! ...
Tảng sáng hôm sau, túi xách trên vai, trở về lại Đà-nẵng.
Đêm đó, một mình đến trường, lách vào cánh cổng khép hờ, đứng tựa người vào tượng cụ Phan, nhìn sân trường lá rụng, nghe sân trường lá rụng. Gió lao xao. Cây lao xao. Cảnh vật như chia sẻ nỗi lòng với tôi. Tôi nhìn quanh. Sân trường vắng ngắt. Hành lang vắng ngắt. Học trò lớp này lớp khác đến đây rồi ra đi biền biệt, mê mãi với những chân trời góc bể mù tăm! Tôi dạy thế hệ cha mẹ, rồi dạy đến thế hệ con cái của họ. Hai thế hệ. Bao nhiêu cuộc đời! Bốn mươi năm mê mãi! Còn lại mình tôi ở đây với một tâm hồn trĩu nặng ưu tư, tóc bạc trắng phau phau và nỗi nhớ nhung dằn vặt...”
Đứa bé suốt ngày nô đùa, hái trái, thả diều, trên những cánh đồng làng Dương Nổ lớn lên... Quãng đường hơn mười cây số từ quê nội Phú Vang lên Huế đi ngang qua Vỹ Dạ nắng chiều đọng áo tơ bay hình như chưa dài đủ chiều thơ cho cậu học trò mới lớn nửa học nửa mơ. Rồi gả thư sinh mơ mộng trở thành thầy. Ngôi trường bên sông Hàn, bên kia đèo Hải Vân vời vợi mây bay, mười lần xa hơn quãng đường từ quê lên Huế, đã trở thành định mệnh của một kiếp người. Nơi tàng trữ một đời thơ của người thầy làm thi sĩ.
Khi anh đến tuổi còn rất trẻ
Hồn như mây và lòng sáng như trăng
Ngôi trường đó đón anh về như mẹ
Đón con yêu ở lại với mình (Tháng năm huyền thoại)
Giữa bỡ ngỡ của ngày đầu đi dạy và cơn mưa đêm Sài Gòn trong ngày đầu nghĩ hưu là luyến lưu bốn mươi năm sân trường. Hàng cây xà cừ lớn dần theo năm tháng, thả bóng mát ân cần xuống sân cát xám rộn rã tiếng nói cười của học trò giờ tan học. Bâng khuâng cánh phượng buông sắc thắm qua từng mùa hạ, lả tả rơi trên bãi sân trường hanh hao nỗi nhớ, râm rang tiếng ve gọi sầu lên. Tiếng trống tựu trường vọng động tâm tư, lãng đãng trên hàng cây sao, làm rụt rè bước chân lũ học trò mới ngơ ngác sân trường.
Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ
Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần
Là của em mộng mơ và sách vở
Là của anh những giờ dạy thiên đường (Một thời Phan Châu Trinh)
Nên trường đó là đời anh tất cả
Là tim gan máu thịt của mình
Mai anh về xin làm con chim nhỏ
Đậu mái trường cất tiếng hát bình minh (Tháng năm huyền thoại)
Trên con dốc thời gian cuồng quay từng mùa gió chướng, người thầy đã ở lại với sân trường thân yêu suốt một đời mình để ân cần chuyện gạn đục khơi trong và để làm thơ. Trần hoan Trinh - người thi sĩ của muôn đời sân trường bóng lá. Những bài thơ được làm từ cửa lớp, trên bục giảng, lúc đứng lại giữa sân trường. Thơ thầy làm đằm thắm thêm bàn ghế học trò bé bỏng, cho trang giấy mới xôn xao giòng lưu bút lúc hè sang.
Thầy ở đó như một loài cổ thụ
Nhánh khô gầy thương nhớ chồi xanh
Em một thuở làm học trò bé bỏng
Bàn ghế kia thầy cúi xuống dỗ dành (Chiều một mình sân trường)
Một chút buồn vương đôi mắt biếc
Chợt run run trong lời giảng của thầy
Bàn ghế cũ bỗng vô cùng thân thiết
Tiếng trống tan trường nghe đậm chia tay (Buổi học cuối)
Có lần thầy tâm sự. “Đời sống mình đã có nhiều lần do học trò tạo ra...”.
Trong bóng mát sân trường, qúy phẩm tình yêu đã thăng hoa thành duyên số. Cô học trò ngoan đạo, giữa bước giáo đường mắt sáng niềm tin, đã khiến hồn thơ lạc đạo bay bổng theo tiếng chuông ngân, xao xuyến nụ hôn tình dài đủ trăm năm.
Bỗng thấy lòng mơ ước trăm năm
Tình yêu nhau đẹp như trăng rằm
Em muôn đời là vầng nguyệt bạch
Là giọt sương trời long lanh, long lanh... (Tân hôn)
Học trò ra đi đứa đông đứa tây. Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này... Thế mà dọc theo dòng sinh mệnh đời mình, bóng dáng học trò đã đến với thầy Trần Đại Tăng vào những lúc không ngờ nhất. Không ngờ để mãi bâng khuâng về sự bí nhiệm của số phận. Và để không bao giờ ngờ vực tình nghĩa thầy trò trong sáng, yêu thương, bền bỉ, chẳng chút đắn đo...
Và như thế đời thơ bốn mươi năm đã trọn vẹn cùng sân trường với tất cả hạnh phúc, khổ đau, hi vọng, thất vọng của một kiếp người. Điều còn lại chỉ là số phận, lơ đãng khóc cười.
Biết bao lần từ bên trong cửa lớp, thầy băn khoăn nhìn tâm hồn mình bay xa khỏi sân trường, nơi ẩn cư đầu tiên và cuối cùng cho một đời thơ. Cánh lòng phân vân đậu lại trên những cam nhận đau lòng vì gió chướng vẫn hung tàn thổi qua từng mùa đất nước, tả tơi cơn mộng cũ ngày xanh.
Lúc còn trẻ đã mơ người hảo hán
Trên rừng xanh dựng một chiến hào
Anh hùng đó cạn bầu máu nóng
Gặp nhau rồi quên mất chuyện chiêm bao (Cúi đầu)
Như ông thầy toán quy củ điềm đạm, thi sĩ Trần hoan Trinh làm thơ từ tốn mà sâu sắc. Kẻ sĩ thì không cần cường điệu. Những cơn mưa miền Nam đến đi vội vã vào buổi chiều hình như đã giúp thầy có chút vui dễ dãi làm gã Don Quichotte tàng tàng đi xích lô dạo phố Sài Gòn. Về nằm lại bên hoàng thành chờ bóng trăng suông, bàng hoàng nghe tiếng tri âm ân cần khúc trầm ca. Chiều nay có ai về miền thùy dương... Trăng hoàng thành khiến thầy bâng khuâng nhớ tới người xưa mệnh nước. Nỗi nhớ đeo đẳng theo thầy ra tận đất kinh đô. Còn biết nói chi hơn?... Một người thầy, một người thơ và quyền lực cuối cùng của suy tưởng. Đứng bên bờ sông Hồng mà nhớ về sông Hương, lòng phân vân nỗi bắc-nam-ấm-lạnh, hiu hắt hỏi lòng chút niềm riêng nguồn cội ngay giữa đất nghìn năm. Hà Nội bận bịu với phồn hoa nên người vẫn vàng con mắt vô vọng kiếm tìm. Em là ai? Có phải em là cô gái hát quan họ Bắc Ninh bỏ tiếng trống cơm ngày hội, bỏ lại trăng rằm cho bơ vơ quãng dốc, đi về phía phồn hoa để rồi thất lạc trong ánh đèn màu bên bến nước Hồ Tây? Ngày xưa có một Thúy Kiều. Bây giờ có vạn Thúy Kiều đó em! Tố Như ơi! Dậy mà xem. Bao nhiêu nước mắt ướt mèm Lâm Truy. Người thi sĩ không đủ nước mắt để khóc cho vừa cuộc bể dâu mới, tang thương dột nát từng thân phận con người.
Ta ở miền Nam nắng chói chang
Về thăm phương Bắc lạnh vô cùng
Tìm em bên nước Hồ Tây ấy
Chỉ thấy đèn hoa sáng chập chùng...
Thương vô cùng xứ Huế bình yên
Hoàng thành lặng lẽ ánh trăng buông
Thèm nghe một điệu Nam bình qúa
Để giữa Thăng Long nhớ cội nguồn (Giữa Hà Nội phồn hoa nhớ Huế)
Đã có lần đứng bên cửa lớp mơ màng về ngày tháng cũ, lòng thầy chợt hoang mang cảm thấy bơ vơ trót làm người chôn chân ở lại, quanh quẩn sân trường. Rồi một chiều người thi sĩ lạc lối xuân thì, âm thầm soi bóng mái tóc mình trắng phau trong giòng suối thời gian đang cuộn chảy những tàn phai. Cơn mộng ngày xanh úa tàn theo niềm tin yêu đang héo rũ bởi tình nghĩa bọt bèo, lăn lóc xa vời câu muối mặn gừng cay.
Bạn bè đó cứ dần dần phiêu bạt
Tôi bơ vơ bên lớp cũ trường xưa
Mái tóc xanh trong một chiều bất chợt
Trắng phau phau để xóa hết xuân thì (Cúi đầu)
Nỗi nhớ phủ sân trường... Trong ý thơ đầm đìa những cảm xúc một thời, những tha thiết một thuở thầy đã viết lên lời từ giã cho dù vẫn còn đó nỗi buồn vì tiếng trống tựu trường vẫn vang vọng không đành.
Mình về bỏ đó chiêm bao
Không còn bụi phấn bám vào tóc sương
Áo em bay trắng đêm buồn
Tiếc ngơ ngẩn một thiên đường đã xa (Còn đó nỗi buồn)
Xin gởi chút buồn vào mắt ai
Mai em về nhặt lấy hương phai
Em có qua trường nhìn hàng cây cũ
Hãy kiếm trên sân bóng một người... (Lời từ giã)
Hiện nay vợ chồng thầy Trần Đại Tăng tuy sống ở Sài Gòn cho gần con trai đầu và cô con gái út, vẫn luôn tìm dịp về thăm Đà Nẳng. Người con trai thứ theo nghiệp thầy đang dạy Toán tại một trường trung học ở Đà Nẳng. Sau đây là hai bài thơ mới nhất của thi sĩ Trần Hoan Trinh.
HUYỀN TRÂN
Ta đứng lại trên đỉnh đèo Hải Vân
Gió lộng trời cao đồi núi chập chùng
Nhìn về phương Nam non xanh nước biếc
Đồng lúa chín vàng nắng trãi mênh mông
Khi nàng qua đây rừng còn hoang sơ
Kiệu hoa dừng nơi ta đứng bây giờ
Rét buốt biên cương, mịt mù cố xứ
Có tủi phận mình thân gái bơ vơ?
Ô, Lý hai châu đổi tấm thân này
Nhan sắc khuynh thành cũng đáng giá thay
Vạn vạn hùng binh ầm ầm mở cõi
Sao bằng chén tình dâng vua đêm nay
Ta nhớ Huyền Trân, ta thương Huyền Trân
Công Chúa An-nam, Hoàng Hậu Chiêm thành
Vì nước quên tình, tri âm lỗi hẹn
Cung lạnh âm thầm bên một Chế Mân
Ta thương Huyền Trân, ta nhớ Huyền Trân
Chiều nay ngẩn ngơ bên Cổ viện Chàm
Tượng đá lạnh lùng như thế đó
Chắc nhớ vô cùng Trần Khắc Chung
LẠI NHỚ KINH KHA
-Tặng ÁiĐa
Bỗng ngồi mơ trở lại tiền thân
Ta Kinh Kha một thuở sang Tần
Nước lạnh tê tê bờ Dịch Thuỷ
Vai áo khinh cừu vai kiếm cung
Đốt cháy Hàm Dương! Giết Thuỷ Hoàng!
Giữa triều đình văn võ bá quan
Gươm đưa một nhát tan hồn phách
Dao ngắn vung tay khiếp bạo tàn!
Đầu đã rơi mắt vẫn trợn trừng
Râu hùm dựng ngược nộ hôn quân
Anh hùng thất thế còn uy vũ
Xô ngã ngai vua, đổ bệ rồng
Tráng sĩ một đi đâu hẹn về
Buồn chi tiếng trúc Cao Tiệm Ly ?
Chỉ tiếc ân tình bàn tay ngọc
Ta phụ em rồi! ơi Yên phi!
Thành bại anh hùng ai luận đây
Công danh đâu phải chí Kha này!
Thế cờ chưa mãn mà tan cuộc
Ta nợ nhau thôi một chén đầy!
Phan thái Yên
1/2003
Đăng trong motthoi6673pctdn (12/08/2015)