Trung Học Phan Châu Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 Phan Nhật Nam thiếu úy Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù 1964. tư liệu Phan Nhật Nam 0

Về tất cả bằng hữu quê nhà xa,

Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng,1954 – 1960

Vốn người vụng về không hay đàn

Thiếu niên thanh xuân vui cùng bạn

Bạn vỗ đàn reo , dâng cung âm

Gieo vào lòng ta muôn độ sáng .

Rực rỡ hân hoan nhịp khẩu cầm

Ghè đá, dòng sông im tiếng sóng

Lối qua Đống Đa cây thẫm bóng

Rộn rã theo vòng xe chậm lăng

Trầm trầm, lắng sâu Hạ uy cầm

Phòng vàng bóng nắng chìm lạnh căm

Trường vắng, sân im, mùi phấn đậm

Bạn chuyển Thu tàn sang hồng Xuân

Nhớ chăng...Dương cầm ngày đầu xuân

Hoa Lê nghiêng cánh ngời áo trắng

Tiếng Trúc thanh tao hằng gió lộng

Đá cũng dường như chuyển theo âm

Trăng giải vàng rơi liếp sóng hoang

Lau lách im lặng suốt đêm ngàn

Ngũ Hành năm cụm nằm thiêm thiếp

Thuyền chở tiêu sầu qua quá canh

Xa bạn, xa đàn buổi chiến tranh

Thanh xuân khổ rạn rày quân hành

Đêm về ngủ đỗ bên sông vắng

Vọng tiếng hò xa vẳng lạnh tanh...

Đò đẵm giọng hò rời Bản Lãng

Chèo khua sương lạnh xuôi Hương giang

Hò ơi...Đôi nhịp dài thăm thẳm

Dòng cuốn thuyền trôi theo tiếng than.

Mênh mông sông ôm cồn Vỹ Dạ

Hơi hò lơi lả đọng tàu cau

Thành cũ gởi theo dài bóng sậm

Âm Nam ai oán hờn dãi dầu

Hai nhánh về quanh xanh Bãi Dâu

Đổi hướng lềnh xuôi chậm bạc mầu

Nghe trong sóng nhỏ đau hồn đất

Lặng buồn dằng dặc suốt đêm thâu.

Hò ơi ! Về đâu...Thuyền về đâu ,

Làng nhỏ nằm im dưới chân cầu

Trăng khuất bên thôn mờ bóng nước

Tiếng hò mất bặt dưới ngàn lau.

Ôi dài ác nghiệp...Đây Ô Châu

Vỡ gánh tình duyên , gẫy nhịp cầu

Oan hận thấm tràn trăm năm cũ

Còn nghe đâu đây Hồn Chiêm đau

Mỏi mệt đường xa, xa tiếng đàn

Tuổi trẻ qua mau, khuất dáng bạn

Những ngày hối hả, đêm Sài Gòn

Còn đâu trăng xanh trên sông sáng.

Nhớ bạn, nhớ đàn, nhớ chiều xuân

Nhớ đất khói mờ, lạnh vùng biển

Nhớ sóng mênh mang hoài bổ ghềnh

Giọng hò đau đớn làm sao quên.

Thêm nhớ con Linh động dương cầm

Tay đùa dung lượng bao thanh âm

Tóc nhạt nâu vàng thơm mùi nắng

Thương nhớ nào...Nước mắt được ngăn !!

Con đâu ? Bạn đâu ? Đàn xưa đâu ?

Chiều đã qua mau, bóng tối sâu

Còn chút hơi tàn nương nhịp thở

Nhớ người...Tiếng thét chìm đêm thâu.

Phan Nhật Nam

1984, Trại 5, Phân trại C

Lam Sơn, Thanh Hóa

( “ĐS Kỷ niệm 50 năm thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh, Ngày 29 tháng 11 năm  2002 . Little Sagon, Hoa Kỳ “ )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 BamuoinamMong

30 năm mộng

Sóng ba đào mê đắm ơi

Tóc  đen em nhuộm làm chi nữa

Ước nguyện đành chờ kiếp khác thôi

 

Lấy cả cuộc đời đem cho không

Đêm đêm nước mắt cứ đoanh tròng

Bơ vơ giữa cõi phồn hoa ấy

Chỉ thấy nhỡn nhơ lũ bạc lòng

 

Một kiếp tài hoa cũng mỉa mai

Em nhan sắc đó cũng u hoài

Cố hương thì đã xa vời vợi

Đoài đoạn thương thân thế lạc loài

 

Biển đổi non dời ta đi đâu

Thanh xuân như nước chảy qua cầu

Ta gom phấn cũ hương xưa lại

Để khóc cho vừa cuộc bể dâu

 

Nhan sắc khuynh thành mê đắm ơi

30 năm như bóng mây trời

Tóc xanh em đã thành sương muối

Diễm mộng ! Này em ! Ảo mộng rồi .

 

Trần Hoan Trinh

( Kỷ yếu Hội ngộ PCT-HĐ, 30 năm xa xứ, 2005 tại Hải ngoại )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

PCT CongHocTro1                    

 Sau hơn bốn mươi năm, tôi trở về đây. Lần đầu và cũng là duy nhất. Đà Nẵng chẳng phải là quê Nội hay quê Ngoại, song thành phố một thưở hiền hoà này, nơi  qua suốt bảy năm trung học và thời mới lớn, đối với tôi , là “ thành phố của kỷ niệm “.

Lần trở lại vội vàng, tôi chỉ có mấy hôm . Ngày giờ thì ít mà lòng cứ thầm mơ  thăm được nhiều nơi ;  căn nhà xưa, đi lại trên những con đường thuở nào thân quen , thăm trường cũ ... và nhất là gặp lại vài người bạn ngày đi học . Mong tìm được một chút gì của Phan Châu Trinh xưa. Gần nửa thế kỷ trôi qua, sâu đậm hơn hay nhạt phai.

Buổi mai đầu tiên, lòng không khỏi bồi hồi khi trở lại thăm trường cũ. Thoạt trông, đã thấy “ khác lạ “ . Từ cỗng trường, hàng rào quanh trường, đến mấy hàng cây nay cao lớn. Nhớ thuở nào, những thân cây hãy còn mãnh khảnh , dư thừa trong vòng tròn bàn tay nhỏ của “cô học trò đệ thất “ .

Qua mấy chục năm dài, theo đà phát triển , có gì mà chẳng thay đổi , nhiều hay ít. Tuy nhiên, vài “ khác lạ “ đó cũng cho cảm giác nao nao, thấy như những gì  một thuở từng quen thuộc  và thật gần gụi với mình , nay không còn nữa .

PCT 1958 65E

Tôi đi vòng quanh sân trước, dừng lại một hồi nơi cột cờ  Ngày xưa, mỗi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần khi nào cũng đông đủ tất cả các lớp, rộn ràng êm vui . Tưởng tượng như ngọn cờ vàng hãy  còn mơ hồ  phất phơ, nhẹ bay trong gió ...

Thơ thẩn một hồi, rồi tôi bước ra sân sau. Thoáng ngậm ngùi . Nhớ những năm khi Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc còn ở trường, hàng rào quanh trường chỉ  mấy dãy giây thép gai mỏng manh , sân trường hãy còn là sân cát trắng đơn sơ, nhưng chỗ nào cũng sạch sẽ, tuyệt nhiên không có những giẻ bẩn, tụ rác , giấy kẹo,  hay  những mãnh giấy báo vụn... vất vưởng khắp đó đây.

Năm này trường chưa bị đập phá để xây trường mới .Tôi vào thăm mấy phòng học cũ ,  vui buồn chen lẫn.

Đây, phòng đầu tiên của dãy tầng trệt, phía tay mặt, xưa  là  phòng học của lớp Đệ thất 1 , niên khóa 1957-58, toàn con gái. Ngoại trừ một số ít, phần đông sàng sàng ở tuổi 11-12, nhưng “ nghịch phá không kém chi con trai “ ( theo nhận xét của cô Trần thị Kim Đính, cô giáo dạy  Lý Hóa và Vạn Vật ngày đó ). Bồi hồi dừng lại trước cửa lớp , tưởng tượng nếu có người  học trò nhỏ, ngồi bàn đầu dãy phía tay mặt, đưa mắt nhìn ra như mĩm cười với mình , tôi sẽ đến ghì em vào lòng !

Năm Đệ thất hồn nhiên, êm đềm qua nhanh với ngày vui của trại Hè toàn trường nơi bãi biển Lăng Cô, cũng như lần du ngoạn Kỳ Lam đầy thích thú cùng với cả lớp và thầy Lê Văn Nhân , để coi cách làm đường từ mía. Chuyến đi ngắn bằng xe lửa , chỉ trên dưới nửa giờ tàu chạy, nhưng sao ngày nhỏ thật nao nức vui, hân hoan tưởng chừng như sắp được tới một  nơi nào xa xôi lắm !

Kỷ niệm khó quên nữa ở năm Đệ thất là lần Linh Mục Nguyễn Văn Vàng của Dòng Chúa Cứu Thế đến trường diễn thuyết, với đề tài “ Dũng khí và Hương hoa của đất nước ” .

Buổi nói chuyện thật hay, hấp dẫn từ phút đầu cho tới phút cuối .  Dưới nắng trưa khá oi bức cuả một ngày gần Hè, và lại đứng trên sân cát , như không ảnh hưởng gì đến sự chú ý của học sinh toàn trường . Tất cả im phăng phắc , lắng theo dõi từng câu , từng ý tưởng lạ, hay và đầy dí dỏm, qua giọng nói ấm áp của vị Linh Mục trẻ.

Giai đọan này là thời gian “ Cần lao “, nhưng Linh Mục  Nguyễn Văn Vàng tuyệt nhiên không đề cập đến bất cứ gì có liên quan tới chính trị. Buổi nói chuyện của Linh Mục đã để lại trong ký ức của tôi một ấn tượng đẹp và sâu sắc.

( Sau ngày mất nước  30 tháng 4 , 1975, đọc một bài viết về Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, không khỏi xúc động khi biết Linh Mục đã qua đời , trong xà lim của một trại “ cải tạo “ nghiệt ngã ở Xuân Phước, tháng 4, 1985 )

( Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, hình từ Internet )

Phòng học của lớp Đệ tứ 2 ( niên khóa 1960-61 ) cũng tầng trệt nhưng ở giữa.  Đệ tứ 2, một năm học êm vui, bằng hữu cùng lớp đặc biệt rất thân nhau . Có những tình bạn trong sáng từ ngày nhỏ đi học đến khi ra đời và kéo dài cho mãi đến lúc cùng bước vào tuổi già, tựa như anh chị em trong gia đình. Năm học này đã để lại cho tôi bao kỷ niệm êm đềm với một vài bạn trong lớp như Phạm thị Duyệt, Ngô thị Kim Oanh, Phạm Ngọc Chấn  và đặc biệt riêng với Hoàng Thu Hồng.

Phòng cuối dãy tầng trệt, ngay bên cạnh cầu thang đi lên lầu, vài năm sau là phòng học của lớp Đệ Nhất A ( 1963-64 ). Niên học cuối cùng này, thầy Ngô Văn Chương đang là Hiệu trưởng. Một năm với quá nhiều biến động chính trị , ảnh hưởng trên đời sống và ngay cả trong học đường .( Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc đã rời trường từ đầu niên khóa 1962-63 ).

Và trên tầng lầu phía tay mặt, gần cuối dãy là phòng học của lớp Đệ lục 2 ,( niên khóa 1958-59 ), nơi đây các bạn và tôi qua những giờ Pháp Văn êm  vui  khó quên với Cô Liễng ( bà Trần Ngọc Liễng ). Đệ lục là năm đầu tiên học trò con trai và con gái  học chung. Trong lớp, sĩ số con gái ít hơn và thường ngồi ở ba bàn phía tay mặt đối diện với bàn giáo sư.  Bàn đầu tôi ngồi năm đó chỉ có bốn người , trong khi bàn đầu bên con trai 6 trò. Một hôm  thấy mấy cậu vì bàn chật chen lấn nhau chí chóe, Cô Liễng bắt Phạm Ngọc Chấn qua ngồi ngay bên cạnh tôi. Mấy cậu bàn đầu còn lại thích chí cười reo :

-“A ! Chấn phải ngồi bàn với con gái ! “

Cô la ngay :

-“  Con gái, con trai chi ! Bạn bè một lớp là như chị em trong nhà ! “

Một tràng cười khác lại nổi lên, trong khi PNChấn đỏ mặt, tía tai :

- “ Ha ! ha ! Chị, em ! “  

Hết giờ, Cô Liễng vừa ra khỏi lớp, Chấn phóc ngay về chỗ cũ như thể được “ thoát nạn “ !

Năm này mỗi lần viết “ dictée “ xong là hai bàn đầu thường  đổi vở để kiểm soát  lỗi . Lần nào gặp phải Nguyễn Văn Quảng chấm là bị “ fautes” lu bù, bởi NVQ  nghịch phá thường hay thêm vào những chữ” s” hay “ e muet “ nhỏ tí ti vào những nơi không đúng chỗ . Rồi khi đem vở lên giải thích với Cô giáo, nhìn xuống thì thấy Quảng lăn ra cười !

 Nhớ mãi giờ Pháp văn cuối niên khóa đó , Cô Liễng và cả lớp cùng hát  “Ce n’est qu’ un Aurevoir  “, nhìn Cô mắt lệ nhoà , học trò  đều rưng rưng theo ...

                                                       ***

Trở lại thăm căn nhà gia đình tôi đã sống trong mấy năm đầu của thời gian ở Đà Nẵng, trên đường Hùng Vương ( “... trước 1954 có tên Avenue de France, là một con đường cát, chạy lên nữa thì gặp đường Thống Nhất , rồi Ngã Ba Cây Lang “ ..., theo nhắc nhở gần đây của N. một người bạn cùng trường cũ PCT ). Đi qua vài lần và phải để ý tìm, mới nhận ra được. Tuy mấy chục năm rồi mà  căn nhà  vẫn giữ màu sơn như trước, song bây giờ hoen ố và bị nhiều cao ốc xung quanh mọc lên che khuất. Ngôi nhà của chính phủ ngày xưa, nay thành sở hữu của “ nhà nước “ ! Đứng nơi sân cũ,bùi ngùi nhớ lại những tháng năm gia đình hạnh phúc, cha mẹ hãy còn trẻ và chị em còn đông đủ bên nhau . Cũng nơi đây, nhiều buổi sáng Ngô thị Kim Oanh thường ghé qua rủ tôi  đi học. Biết bao lần tiếng gọi thật lớn thúc dục quen thuộc “mau lên, trễ rồi ! “ của Kim Oanh nghe như càng to hơn nữa trong buổi mai sớm,  khiến tôi thêm cuống quít vội vàng ! Ôi, những ngày vui xưa mãi còn nao nao rõ rệt trong hồn !

Cũng như sau mấy chục năm được đi lại trên đường Trần Quý Cáp , lòng không khỏi bàng hoàng. Con đường mát dịu ,một thuở yên lặng nhưng không vắng của Đà Nẵng xưa, nơi đây có căn nhà nhỏ tôi qua suốt một quảng đời đẹp nhất với bao kỷ niệm êm ái khó quên.

Ngôi nhà khiêm tốn đầu tiên cha mẹ tôi có được vẫn còn đó,  nay  thấp thoáng sau  một tòa nhà lớn, chiếm  cứ gần hết cả khoảng sân rộng phiá trước, hiện đã trở thành trụ sở của cơ quan nào của “ nhà nước “ . Ngọn cờ đỏ sừng sửng ngay chính giữa , cho một cảm giác  khó tả ! Không được phép vào thăm,  tôi chỉ biết đứng ở ngoài cổng, đưa mắt lặng nhìn vào trong . Thoáng nhớ lại đêm Trung Thu năm 1962... tất cả cây cối ở khoảng sân vườn trước , trên mọi nhánh cành chập chùng, lung linh những đèn giấy lớn, nhỏ, đủ màu ; công trình cả tuần  trước đó của tôi và của người em trai gần gụi nhất trong gia đình. Ngồi nơi hiên nhà, mải mê nhìn ánh trăng lai láng từ trên không chiếu xuống, khuôn vườn  như sáng hẳn lên. Lần đầu tiên trong đời, một niềm vui mới lạ êm đềm, cùng với trăng thu dịu nhẹ, bàng hoàng tràn ngập cả hồn tôi  ...

Ngày xưa, cạnh nhà tôi là nhà của mỏ than Nông Sơn ,nơi đây gia đình của một kỹ sư trẻ người Pháp đang ở. Giờ này vẫn như còn thấy lại rất rõ, dãy hàng rào ngăn cách hai nhà, trên đó có dàn hoa ” ti gôn “ chi chít những khóm hoa màu hồng đậm ,nồng nàn tươi thắm quanh năm. Mấy bạn học ai đến chơi cũng thích, và gần như không bao giờ quên hái một nhánh hoa  mang theo, trước khi ra về.

Trở lại chùa Non Nước, với ý định trên đường đi sẽ ghé thăm lại đồi thông, nơi trại Hè toàn trường Phan Châu Trinh cuối năm Đệ ngũ, 1960. Tôi hỏi người tài xế có thể cho dừng một tí khi xe qua Mỹ Thị,  anh ta ngơ ngác như chưa hề nghe tới địa danh này ! Đồi thông, có lẽ , đã bị san bằng khi anh ta còn nhỏ hay cả  trước khi anh ta được sinh ra ? Bây giờ hai bên đường nhà cửa chen chúc mọc lên san sát , chẳng còn một dấu tích cỏn con nào cho tôi có thể mơ về trại Hè PCT năm xưa ! Những tưởng có lần được trở lại nơi đây, tôi sẽ quỳ trên đồi thông, bốc lên nắm cát kỷ niệm, thả theo chiều gió, và nguyện cầu mọi an lành đến với những người bạn thân cũ .

Chỉ ít hôm ở đây, nhưng chúng tôi cũng vội tạt ghé qua thăm thầy Trần Đại Tăng ,  và Lê Thị Quý Phẩm,vợ thầy, cũng là bạn học chung một lớp nhiều năm . Tiếc không có nhiều giờ để hàn huyên. Mừng thấy Quý Phẩm chẳng thay đổi gì lắm. Thầy Tăng cũng vậy, ngoài mái tóc bạc .( Dĩ nhiên sau mấy chục năm dài, thầy cũng như học trò, những mái tóc ngày xưa,  theo thời gian , đâu thể còn xanh mãi  nữa ! )

Trước hôm rời Đà Nẵng, nhờ Nguyễn văn Khánh giúp cho,  tôi mới có buồi tối họp mặt với vài bạn học cũ . Vui mừng biết bao khi gặp lại Ngô Thị Kim Oanh, vẫn là người bạn dễ thương ngày nào. Có khác chăng là bây giờ Kim Oanh đã là bà nội, bà ngoại , “ người lớn “ quá rồi ,nên không chọc phá tôi như mấy năm  ở PCT  nữa ! Châu Thị Yến Loan, luôn hoà hợp với bằng hữu, vẫn giữ thân ái  .( Yến Loan và tôi chung một lớp suốt bảy năm ở PCT ). Cao Ngọc Trãn, người trưởng lớp hòa nhã của mấy năm từ Đệ lục  đến Đệ tứ, nay ít hoạt bát như xưa có lẽ vì sức khoẻ kém đi - như chính Trãn cho hay với chút thoáng buồn - nhưng vẫn ân cần và không  quên cho lại vài hình ảnh cũ . ( Trong đó có tấm ảnh ngày ở PCT xưa, một dịp đại hội thể thao các trường trung học miền Trung của Việt Nam Cọng Hòa trước 1964 ). Nguyễn Văn Khánh đối với bạn bè vẫn thân tình, vui vẻ, cởi mở . Riêng Nguyễn Văn Tham vẫn ít nói, nay lại trông còn gầy hơn cả ngày đi học . Buổi tối đó nhìn Tham cứ hút thuốc  liên tục, điếu này qua điếu khác, tôi buột nhắc nhở : “ thuốc lá hại cho phổi lắm “. Và nghe câu trả lời : “ Không sao ! đã hút hơn năm chục năm nay rồi ! “

 ( Chỉ vài năm sau khi trở lại nhà, được tin Tham mất. Tìm xem lại tập nhạc tiền chiến gồm những ca khúc rất hay Tham cho tối hôm họp mặt. Đọc  câu viết tặng : “ Để lúc rãnh, H. “ thảnh thót  ”  nghe  ! “, và nhớ người bạn hiền lành của một thuở chung lớp )  

Điều vui mừng hơn cả, và không khỏi cảm động nữa, đối với tôi, là khi gặp lại những người bạn học cũ với tiếng nói, với câu chuyện  cũng như cách nói chuyện vẫn còn như xưa. Cả một thời tuổi nhỏ êm đềm trong ký ức, phút chốc vụt bàng hoàng trở lại .

Sau buổi ăn tối , Nguyễn Văn Khánh mời tất cả nghe nhạc và Khánh hát hai bài “ để tặng người bạn học ,gặp lại sau hơn bốn mươi năm “ . Tình cờ có bài “ Về Đây Nghe Em “ của Trần Quang Lộc, một bài hát mà tôi thật  yêu thích lời ca lẫn nhạc điệu . Lòng tôi  êm ả  khi ngồi giữa các bạn, lại có Kim Oanh ngay bên cạnh, nhớ tối đó Kim Oanh và tôi cứ nắm mãi tay nhau. Thành thật cám ơn Khánh nhiều, đã giúp cho tôi được gặp lại vài bạn học ngày xưa ,để có buổi tối vui. Cũng cám ơn, Trãn và Khánh lâu nay đã có lòng lưu ý trong việc giúp tôi tìm kiếm người bạn cũ  Hoàng Thu Hồng.   

Sớm ngày hôm sau, trước khi rời Đà Nẵng, theo địa chỉ của Khánh cho, tôi tìm đến nhà thăm Tôn Nữ Như Hảo .( Còn nhớ mãi lần bị đau phải bỏ thi  kỳ đầu Tú tài II và nhận được lá thư hỏi thăm ân cần của Như Hảo. Tôi đã giữ lại cái thư dễ thương đó một thời gian ). Sau vài lần vừa gõ cửa, vừa gọi “ Như Hảo ! Như Hảo ơi...  “ hơi thất vọng khi chẳng thấy ai trả lời ! Đành để  lại vài dòng nhờ hàng xóm của Như Hảo chuyển hộ . Đúng ngay lúc chúng tôi sửa soạn lên xe ra Huế thì ông xã  Như Hảo vừa lại. Được biết, hôm qua Như Hảo bận đưa cô con dâu đi sanh và hiện đang ở nhà thương. May mắn cho tôi kịp gởi nhờ anh chuyển giùm thăm hỏi đến Như Hảo, với chút chân tình của người bạn học cũ.

Rời Đà Nẵng trong thoáng bùi ngùi.  “ Có thể đây là lần cuối ? “ , tôi tự hỏi . Sau này, biết đâu khi bước vào tuổi lớn rồi , một dịp trở về thăm “ thành phố của kỷ niệm “,  sẽ chẳng còn dễ nữa ?

Giotanhoc

Buổi mai dẫu khá vội vàng , tôi vẫn không quên mang theo bó hoa các bạn cho tối hôm qua. Nhìn mấy nhánh hoa, chắc sau một đêm thiếu nước , bắt đầu hơi úa tàn, lòng tôi tự nhiên cũng ủ dột theo !

Thi Vân,

Cuối thu, 2005  

  

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 LaCuSanTruongTruong

 “ Mình về bỏ đó chiêm bao

Không còn bụi phấn bám vào tóc sương

Áo em  bay trắng đêm buồn

Tiếc ngơ ngẩn một thiên đường đã xa “

Trần Hoan Trinh

 

Từ bên kia con – dốc- không- còn, con dốc nắng một thuở ướt lưng thiếu nữ để tóc xõa bay vào hồn mát rượi ngày nào giờ đây là đại lộ bằng phẳng, hai người học trò lần bước về trường xưa . Cổng trường khép chặt im lìm . Sân trường mùa hè vắng lặng . Hàng cây già nua cánh phượng hồng rưng rưng nắng hạ. Cây xà cừ cao vời tuổi đời lận đận, thả bóng mát ân cần xuống khoảng sân trường im bóng nắng.

Đôi vợ chồng, hai bạn học cùng lớp cũ trường xưa, tóc đã điểm sương sau bao cảnh thăng trầm, thế mà buổi chiều hôm đó bên gốc phượng già trong sân trường lá rụng, lòng họ chợt non dại ngất ngây một thuở hoa niên. Từng cánh phượng hồng lả tả rơi trong cơ hồ lắng đọng như những giọt mưa mùa hạn, hắt lên trên cằn cỗi cõi lòng mùi nồng nàn quen thuộc của đất. Từ đâu đó những mùa nắng rất xa đang trở về gần , nồng nàn hương kỷ niệm chưa phai. Mái tóc thề  cuối hành lang thướt tha aó lụa làm ngẩn ngơ mắt ai ấp mộng trông vời. Tờ thư vụng về nhét vội hộc bàn, lớp sáng lớp chiều xa xôi nỗi nhớ. Như những chiếc lá  rời cành, bầy trò nhỏ lớn lên, bỏ trường mà đi theo giấc mơ đời mình. Cho dù thành công hay thất bại, họ đã cũng  tiêu pha tuổi hoa niên  trong cõi sân trường vắng lặng này. Từ vòm cây sao cao vời, từng chiếc lá rụng theo cơn gió nhẹ mùa hè. Những chiếc lá vẩn vơ bay lượn đuổi tìm nhau rồi im lìm về nhẹ nằm bên cội cây già nua, phong trần theo năm tháng. Vài cánh lá đảo bay theo con gió vô tình rồi mất dạng sau bức tường rào kín không về. Người học trò nghĩ tới đoạn văn Khái Hưng trau chuốt cảnh lá rụng trong tập truyện thầy Hoàn cho làm thuyết trình năm Đệ lục. Chiếc lá trong sân trường. Cơn mơ bất tận  kiếp người. Cuộc hóa thân bào mòn bao nỗi truân chuyên, dâu bể. Ở đâu rồi những người thầy ra đi, ở lại ? Những anh chị lớn tài hoa lúc trường chưa đủ sức dạy dỗ đành phải làm người học trò trong Quảng ? Những người bạn cùng trang lứa ? Những người đã bỏ cõi trầm luân ? ...

Cuối năm Đệ Nhị thi xong Tú tài Bán. Thầy Kiểm dùng chiếc xe mobilette cũ mèm giữa lưng chừng dốc  Cầu Vồng khi bị bầy học trò vui tươi hí hửng bao quanh...Tụi bây !  Tau đứng lại cho tụi bây qua mặt . Chừ gặp thầy làm le, cười cười...Ở đâu rồi những chiếc – lá – cuối – cùng  đã bay xa mãi khỏi sân trường êm ấm ? Vũ Duy Tiế, Hồ Văn Xuyến của một thời chinh chiến...kỷ nhân hồi. Đâu rồi dáng Thục mảnh mai chân sáo bước qua Ngã Năm mỗi sáng đến trường ? Đâu rồi Tiểu Huy, Xuân A ? Đâu rồi Hạnh (  Nguyễn ). Tường bông giấy lối vào nhà Hạnh ngang qua café Thạch Thảo, một ngày cuối tháng Ba, đỏ rực như lửa cháy ngoài kia trên chiến tuyến cuối cùng đang vỡ. Liên lạc máy truyền tin với  người bạn lớn Phan Châu Trinh, anh Nguyễn Hoàng Be, hạm trưởng  một chiến hạm  đang neo ngoài khơi Mỹ Khê, nôn nóng chờ tin “ mừng “ vợ đã di tản an toàn...Cả hai ngườ,đã kẻ trước người sau,  dìu dắt nhau về nơi vĩnh cửu có nhau. Nỗi nhớ là nén hương lòng nghi ngút làn khói cay vấn vương mắt lệ.

Buổi chiều trong sân trường lắng xuống âm thầm. Bức tượng đồng đăm chiêu nhìn vạt nắng muộn màng vương vãi trên đôi cánh cổng khép im lìm. Bao lớp học trò đã đi về phía đất trời biển lớn từ cổng trường thân yêu đó. Bao lần người thầy cũ đứng lại giữa sân trường bên bức tượng đồng câm nín hay trên bục giảng im lìm, tay buông hờ viên phấn, đứng lặng nghe tiếng chim ngoài cửa lớp thương nhớ bầy trò nhỏ đã bỏ trường mà đi, rồi bâng khuâng nghĩ về đời mình làm người ở lại ? Đã bao lần đứa học trò cũ từ một nơi xa bên kia biển, giữa đêm khó ngủ trở trăn, bâng khuâng nghĩ về đời mình làm kẻ ra đi ? Có gì khác nhau giữa người học trò trong buổi chiều tuyết giăng vội vã lái xe về nhà sau một ngày dài vắt bán trí não và người thầy chôn chân trường cũ, đứng trước bảng đen tóc phấn bay đầy ? Nơi chốn . Khoảng cách nửa vòng trái đất. Những múi giờ vô tình làm phiền hà đôi mắt. Những điều còn lại thì rất tuỳ thuộc và tương đối. Hạnh phục. Khổ đau. Hoài bão. Hy vọng . Thất vọng. Phải chăng may mắn hay bất hạnh cuối cùng của con người là sự bình đẳng về những cảm nhận đó. Chìm sâu và triền miên.

Bóng đêm phủ sân trường. Ngày qua ...Đôi vợ chồng vẫn ngồi đó, bên nhau, trên một triền dốc khác  của thời gian đang cuồn cuộn trở về. Sân trường rộn rã tiếng cười của bầy nữ sinh dưới hàng phượng nắng. Dãy hành lang dài ngút mắt, thuôn thả mái tóc thề bên cửa lớp làm ngập ngừng mắt ai trộm nhìn rồi mơ làm thân lược. Tiếng trống tựu trường vọng động đến hư vô, chở chuyên từng kỷ niệm thật thà bao dung một thuở học trò mắt sáng môi hồng. Có tiếng cười nhẹ tan theo câu hát cũ , êm đềm viên sỏi kỷ niệm nương náu trở mình trên con dốc tuổi thơ

“ Em một thuở quần xanh áo trắng

Leo cổng trường trốn học đi rông

Bên cửa lớp mơ đất trời biển lớn

Và trong tim nở thắm một môi hồng “

( Trần Hoan Trinh )

Hắn cài vội tấm bảng tên bằng giấy bìa vừa làm xong lên ngực áo bạn, trong lúc Tùng vuốt mái tóc bồng thúc dục. “ Lẹ lên, bả đang đi tới kìa “ . Thằng Tùng sửa mấy sợi tóc rủ trước trán lần chót, tay ôm chồng sách dày, lấy dáng đi về phía đầu sân bóng rổ. Cô giáo dạy nữ công từ phía văn phòng đi chậm rãi dọc theo sân bóng đến lớp dạy ở cuối trường .

-“ Xin lỗi có phải cô tên là Trâm ? “

Cô giáo mới còn trẻ, đẹp quí phái trong chiếc khăn quàng lụa vàng màu nắng mới. Cô quay nhìn gã học trò lạ mặt, lắc đầu , tia mắt đọng lại trên tấm bảng tên “ Minh “ cài vội trên nắp túi áo .

Trước sự im lặng nghiêm trang của cô giáo trẻ, thằng Tùng lúng túng ngoái nhìn đám bạn đang đứng chờ quanh cột bóng rổ , rồi thu hết can đảm lôi ra tập truyện Vòng Tay học Trò của N.T.H.

-“ Truyện hay lắm, em đem tới cho cô đọc “

Cô giáo bật cười, đưa tay lấy tấm bảng tên trên áo thằng Tùng, cất vào sổ điểm.

-“ Truyện ni cô đọc rồi. Em cất đi mà làm gối đầu giường. Nhớ lấy bảng tên thiệt ra mà đeo. Coi chừng thầy Tâm Giám Thị bắt gặp, phạt cấm túc thì đừng đổ hô cho cô nghe chưa “.

Cô quay lại nhìn nhóm học trò đang đứng bối rối :

-“ Nếu các em kiếm được cho bạn cái áo len cổ cao nữa thì sẽ giống Minh hơn !

Thằng Tùng hoàn hồn, đứng ngẩn ngơ nhìn theo cô giáo bước khuất vào lớp học. Hắn trêu bạn :

-“Ê Tùng, mày tỏ tình với cô sao tưởng giống như khi bị kêu lên bảng không thuộc bài vậy .

- “ Tại bả thơm lựng làm tao quýnh  quá quên hết điều định nói. Mầy ở đó mà nói dốc. Hay lắm thì cỡ gà mắc mưa chớ không hơn gì tao “

Bầy học trò con trai theo sau tiếng trống tan chơi trở về lớp học. Hắn làm mặt tỉnh mà trong bụng lo bấn khi thấy ông Tâm Biệt Động Quân đi ngược chiều . Ông thầy giám thị cao bồi dừng lại trước mặt hắn , đốt thuốc , nhẩn nha thở khói. Ông nhìn đôi guốc tam tài hắn đang mang , lắc đầu ra vẻ chán nản rồi bỏ đi không nói một lời, miệng dấu nửa nụ cười. Có tiếng nói cười khúc khích  của đám con gái ban A  ngồi ở dãy bàn đầu cạnh cửa ra vào lúc hắn bước ngang qua lớp họ. Lòng quay quắt muốn liếc nhìn một lần, một giây thôi, đôi môi đang nở nụ hồng tươi tắn. Vậy mà hắn đành tiếc rẻ ngoảnh nhìn khoảng trời xanh trên nóc  hàng phượng ngoài sân.

Thằng Tùng khều vai hắn :

-“ Người đẹp du ca đang nhìn theo mầy kìa “

Hắn nghĩ tới buổi hát chiều nay, tự nhủ lòng, cúi đầu bước nhanh vào lớp.

Lớp học cuối năm uể oải giờ Triết học từ chương tẻ nhạt. Thằng Hoành vuốt tóc, ôm vở đứng dậy. Hắn vừa bị đuổi ra khỏi lớp vì tội làm ồn. Ông thầy giảng Triết mà gần như đọc nguyên văn từ sách giáo khoa của một vị linh mục. Quyển sách được tái bản hàng chục lần không thêm bớt, đã giúp hắn bày ra trò chơi mới,để giúp bạn bè qua cơn buồn ngủ. Mỗi lần thầy bắt đầu một đoạn giảng mới, thằng Hoành lật sách , lên giọng ê a đọc...Sách Trần Văn Hiến Minh, chương thứ...đầu bài...trang...dòng...

Ông thầy không dấu được nét bực tức, quay lưng viết câu hỏi bài luận triết mới lên bảng . Nhanh như sóc, thằng Tiến rón rén bước đến bên cửa sổ nhảy ra ngoài, không một tiếng động. Xóm nhà lá cuối lớp thèm thuồng nhìn bạn thong dong đút vở túi quần, trốn học đi rong.

Hắn cố gắng chống chọi cơn buồn ngủ. Giọng đọc ông thầy khô nứt, rời rạc mớ triết thuyết chủng viện, cứng ngắc và giáo điều, càng làm cho mắt hắn muốn ríu lại. Hắn tiếc rẻ nghĩ đến thầy Trần Thông dạy Việt Văn hai năm trước. Người học trò của ông Lê Tuyên khi giảng về Cung Oán Ngâm Khúc  cho đám học trò mười lăm mười sáu  đã thao thao bất tuyệt về sự thăng hoa của tình yêu ẩn trong xác thân và đợi chờ chiếc bóng. Bóng trăng đọng lầu tây sầu ướt giấc viễn mơ. Và đêm trong trùng điệp đêm nên mộng mị cũng xa vời. Hắn giỏng tai há miệng nuốt từng lời, từng chữ lãng đãng cổ thi điển tích.

Đầu dãy bàn cuối lớp vẫn trống trải bóng dáng cao lớn của Hi. Người anh cả đi Võ Bị của hắn tử trận tuần trước. Lũ trẻ chúng tôi sống lần lửa với tờ giấy hẹn nợ cuối cùng , để rồi sẽ phó mặc cho số phận hay đối đầu với sự lựa chọn đanh đá. Chỉ vài tháng nữa nhiều đứa sẽ vào lính sớm chuyện chiến chinh, đứa tiếp tục  học hành, đứa quay bước đi theo những hoài bảo riêng.

Thôi hãy sống cho hết mùa cuối học trò. Làm tờ báo học trò cuối cùng. Hát những bài du ca cuối cùng. Uống với nhau những ly café cuối cùng. Trốn học với nhau thêm vài lần sau cuối. Chờ đợi nhau vài lần cho trót chuyện thương yêu trên bến phà sớm mai, góc vắng sân trường, quán chè trong chợ.

Tan buổi học trưa, thằng Tùng kiếm hắn rủ rê :

-“ Chiều nay mày muốn cúp hai giờ sau tới nhà con Xinh ở cư xá Duy Tân với tau không ?

Nghĩ tới nụ cười tinh quái của cô chị, Phượng Sao Mai, hắn lắc đầu từ chối :

-“ Mầy không nhớ lần bị con Phượng hù ông già về bất tử, làm bộ tử tế dẫn hai đứa ra trốn sau chuồng gà sao ? Ngày hôm sau gặp con nhỏ ở Hội Việt Mỹ tao chỉ muốn độn thổ

- “ Thôi đừng gíấu tao nữa ! Canh me người đẹp du ca thì nói đi. Khi nào thì đám hát rong của tụi mày xong hát với hò ở bịnh viện ?

Hắn ngồi  lên yên sau chiếc Suziki của Đạt, nói lãng :

- “ Nhớ ghé trường khoảng tám giờ. Tối nay tụi mình ở lại làm báo, ráng quay ronéo cho xong để đóng tập. Hết tiền uống café rồi “.

Căn phòng nhỏ gần cổng trường phía văn phòng bề bộn giấy in và dụng cụ làm báo. Một nhóm học trò con trai vừa kéo ra khỏi phòng, đứng chuyện trò dưới hàng hiên. Trời đã tối. Đêm tháng chạp se lạnh. Ánh đèn dọc theo đường Nguyễn Hoàng loáng thoáng sương mù.

Có lẽ thằng Tùng không có chuyện hứng khởi để kể cho bạn bè về buổi hẹn với con Xinh lúc chiều. Nó đang lôi Vân Hương và mối – tình – đầu – không – suy – tư  của nó ra để giải thích  về tâm lý con gái. Năm Đệ tứ khi thằng Tùng theo gia đình ra Đà Nẵng thì cô bạn học láng giềng Vân Hương của nó không lâu sau đó cũng rời Quảng Ngãi ra Huế. Hai đứa ở nhà chung sân, chơi đùa với nhau từ nhỏ. Năm Đệ ngũ, từ một lúc nào đó thằng Tùng không nhớ rõ , hai đứa trở thành bồ bịch. Từ đó nó thôi không ra đứng tắm giỡn mưa dưới máng xối đầu hiên nhà. Qua mùa mưa, hai đứa thỉnh thoảng liếc nhìn nhau từ khung cửa sổ. Đôi mắt con Hương đẹp long lanh. Nó cảm thấy xao xuyến lạ thường. Một buổi trưa, thằng Tùng lén ra hè nhà lấm lét đọc truyện tình dục chép tay bạn nó chuyển cho thì bất ngờ con Hương sà đến hỏi han, Thằng Tùng quýnh quáng giấu tập truyện sau lưng trong lúc con Hương tò mò gắng giành cho được. Lúng túng con Hương ngã chồng lên người. Đôi môi mềm của con Hương chạm lên miệng nó. Thằng Tùng tê lên như bị điện giựt. Lúc nó tỉnh ra thì con Hương đã giật được tập truyện chạy biến vào nhà. Buổi tối hôm đó, thằng Tùng ráng ngồi học bài mà lòng chẳng yên. Nó sợ con Hương đưa tập truyện cho mẹ thì chỉ còn nước bỏ nhà mà đi. Đang ngồi lo lắng thì khuôn mặt con Hương đột ngột xuất hiện phía ngoài cửa sổ. Con bé không nói không rằng , quăng tập truyện xuống bàn rồi quay mặt bỏ đi.

Từng ngày qua, con Hương nhìn thằng Tùng như người không quen biết. Nó bước theo sau con bé đến trường, về nhà như hình với bóng mà chẳng dám mở miệng nói lấy một lời. Nó sợ. Nó khổ sở. Phải chi con Hương quay lại, mắng nhiếc trách móc để nó có dịp đối thoại phân trần thì có lẽ lòng nó nhẹ nhàng hơn nhiều. Hai tuần lễ trôi qua, dài thê lương như thế kỷ. Một buổi tối, lòng buồn, thằng Tùng đứng lặng lẽ bên hè nhà tìm ngóng bóng dãng Vân Hương. Con bé từ đâu đó bước khẽ đến trước mặt nó, nhón chân hôn thoáng lên môi nó rồi ù té chạy vào nhà. Hắn sững sờ , đê mê, lòng phiêu diêu hạnh phúc.

Thằng Tùng hút một hơi thuốc dài, thở khói :

- “ Kinh nghiệm cho tao biết là khi một đứa con gái làm mặt tỉnh là lúc em đang nóng lòng chờ đợi để được ngả vào vòng tay của mình “

Thằng Đồng châm chọc  :

-“ Ngã vào vòng tay hay cúi xuống xách guốc Đa Kao rượt mình chạy không kịp thở ? Nói tóm lại, kết quả của cuộc hành quân chiều nay là phe địch vô sự tỉnh bơ, còn phe ta thì bị cho leo cây .”

Thằng Tùng ậm ừ chống chế lúc bầy con trai cười vang.

Hàng phượng sân trường rủ lá im lìm trong bóng đêm. Từ sau buổi sinh hoạt du ca ở bệnh viện về, lòng hắn vẫn bàng hoàng xao xuyến. Bầy trẻ em nạn nhân chiến tranh, ngỡ ngàng lỗi nhịp, vỗ tay theo tiếng hát của những người bạn mới. Hắn ngồi im vỗ về một em bé trai khoảng bốn tuổi bị cụt cả hai chân vì miếng bom. Đôi nạng gỗ nhỏ bé như món đồ chơi trái muà  nằm buồn bã trên nền xi-măng. Cô bạn học duyên dáng như cánh sen trong chiếc áo len màu xanh rêu. Nàng thắp sáng ngọn nến hồng, cắm trên chiếc nạng. Nàng cúi xuống. Nụ cười đụng lên khuôn mặt xanh xao của đứa bé vừa tìm được niềm vui họa hiếm. Ánh nến vờn lung linh trên môi hồng, lên vầng trán thanh xuân. Hắn chợt nghe mình cất cao lời hát. Những mái đầu cúi xuống. Từng đôi mắt nhắm lại để nhìn sâu hơn vào hồn. Cúi xuống cho tắt nụ cười, cho chút da thịt người trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang...

Hắn bước chậm rãi về phía bóng tối cuối dãy hành lang. Có tiếng ai gọi hắn cấp bách .Người đẹp du ca tới kìa !

Bầy con trai đứng yên như tượng dưới mái hiên trường. Cô bạn học trò lách mình qua cổng khép hờ. Hắn bước vội ra khỏi vùng bóng tối, đi về phía nàng. Họ đứng trước mặt nhau. Chiếc áo len màu rêu trên tay cô gái. Trên tay hai người. Nàng nhìn hắn, môi cắn nụ cười lặng lẽ, bước đi. Chiếc áo màu rêu chạm ấm lên môi như một nụ hôn. Hắn sững sờ trông vời theo tà áo trắng vương vấn lòng đêm... 

Phan Thái Yên

( từ tập truyện “ Mùa Trăng ướt “ )

(“ ĐS Kỷ niệm 50 năm thành lập Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.  29 tháng 11 năm 2002, Little Saigon, Hoa Kỳ” )

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

thaytang11

Và cây xanh ngói đỏ sân trường

Vẫn ám ảnh ta nửa đời còn lại

Bởi tha thiết nên còn thương nhớ mãi

Lòng vấn vương nên hồn cứ bâng khuâng

Giữa đêm nằm thấy nắng hạ trên sân

Trong giấc ngủ tưởng mình bên bục giảng

Trước mắt mờ bụi phấn bay lãng đãng

Và bên tai thoang thoảng tiếng trả bài

Chiều lang thang vẫn dừng bước cổng ngoài

Đứng ngơ ngẩn nhìn vào hành lang vắng

Giữa phố đông tìm hoài áo trắng

Thấy đâu đây ánh mắt học trò

Ngày tựu trường tiếng trống vọng hư vô

Cũng náo nức như mình còn đứng lớp

Đã biết đó nghề nghiệp này đen bạc

Sao lòng mong muối mặn gừng cay

Cả cuộc đời ai biết có hôm nay

Làm khách lạ giữa ngôi trường thân thiết

Ôi kỷ niệm một thời em mắt biếc

Ôi ân tình một thuở tóc ta xanh

Hỡi trường xưa còn ai nhớ ta không

Mà trơ trọi một mình bên thềm cũ

Bốn mươi năm cây đã thành cổ thụ

Nên hồn nghe hoang phế không ngờ

Ta trở về tìm lại chút hương xưa

Chỉ thấy nắng cuối sân trường run rẩy

Chỉ thấy lá trên hàng cây gọi vẫy

Và bên ta tiếng bàn ghế ngậm ngùi

Thấy đời mình bến đợi buồn thiu ...

Trần Hoan Trinh, 2002             

( ĐS 50 năm ,1952-2002 Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng )