Sau hơn bốn mươi năm, tôi trở về đây. Lần đầu và cũng là duy nhất. Đà Nẵng chẳng phải là quê Nội hay quê Ngoại, song thành phố một thưở hiền hoà này, nơi qua suốt bảy năm trung học và thời mới lớn, đối với tôi , là “ thành phố của kỷ niệm “.
Lần trở lại vội vàng, tôi chỉ có mấy hôm . Ngày giờ thì ít mà lòng cứ thầm mơ thăm được nhiều nơi ; căn nhà xưa, đi lại trên những con đường thuở nào thân quen , thăm trường cũ ... và nhất là gặp lại vài người bạn ngày đi học . Mong tìm được một chút gì của Phan Châu Trinh xưa. Gần nửa thế kỷ trôi qua, sâu đậm hơn hay nhạt phai.
Buổi mai đầu tiên, lòng không khỏi bồi hồi khi trở lại thăm trường cũ. Thoạt trông, đã thấy “ khác lạ “ . Từ cỗng trường, hàng rào quanh trường, đến mấy hàng cây nay cao lớn. Nhớ thuở nào, những thân cây hãy còn mãnh khảnh , dư thừa trong vòng tròn bàn tay nhỏ của “cô học trò đệ thất “ .
Qua mấy chục năm dài, theo đà phát triển , có gì mà chẳng thay đổi , nhiều hay ít. Tuy nhiên, vài “ khác lạ “ đó cũng cho cảm giác nao nao, thấy như những gì một thuở từng quen thuộc và thật gần gụi với mình , nay không còn nữa .
Tôi đi vòng quanh sân trước, dừng lại một hồi nơi cột cờ Ngày xưa, mỗi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần khi nào cũng đông đủ tất cả các lớp, rộn ràng êm vui . Tưởng tượng như ngọn cờ vàng hãy còn mơ hồ phất phơ, nhẹ bay trong gió ...
Thơ thẩn một hồi, rồi tôi bước ra sân sau. Thoáng ngậm ngùi . Nhớ những năm khi Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc còn ở trường, hàng rào quanh trường chỉ mấy dãy giây thép gai mỏng manh , sân trường hãy còn là sân cát trắng đơn sơ, nhưng chỗ nào cũng sạch sẽ, tuyệt nhiên không có những giẻ bẩn, tụ rác , giấy kẹo, hay những mãnh giấy báo vụn... vất vưởng khắp đó đây.
Năm này trường chưa bị đập phá để xây trường mới .Tôi vào thăm mấy phòng học cũ , vui buồn chen lẫn.
Đây, phòng đầu tiên của dãy tầng trệt, phía tay mặt, xưa là phòng học của lớp Đệ thất 1 , niên khóa 1957-58, toàn con gái. Ngoại trừ một số ít, phần đông sàng sàng ở tuổi 11-12, nhưng “ nghịch phá không kém chi con trai “ ( theo nhận xét của cô Trần thị Kim Đính, cô giáo dạy Lý Hóa và Vạn Vật ngày đó ). Bồi hồi dừng lại trước cửa lớp , tưởng tượng nếu có người học trò nhỏ, ngồi bàn đầu dãy phía tay mặt, đưa mắt nhìn ra như mĩm cười với mình , tôi sẽ đến ghì em vào lòng !
Năm Đệ thất hồn nhiên, êm đềm qua nhanh với ngày vui của trại Hè toàn trường nơi bãi biển Lăng Cô, cũng như lần du ngoạn Kỳ Lam đầy thích thú cùng với cả lớp và thầy Lê Văn Nhân , để coi cách làm đường từ mía. Chuyến đi ngắn bằng xe lửa , chỉ trên dưới nửa giờ tàu chạy, nhưng sao ngày nhỏ thật nao nức vui, hân hoan tưởng chừng như sắp được tới một nơi nào xa xôi lắm !
Kỷ niệm khó quên nữa ở năm Đệ thất là lần Linh Mục Nguyễn Văn Vàng của Dòng Chúa Cứu Thế đến trường diễn thuyết, với đề tài “ Dũng khí và Hương hoa của đất nước ” .
Buổi nói chuyện thật hay, hấp dẫn từ phút đầu cho tới phút cuối . Dưới nắng trưa khá oi bức cuả một ngày gần Hè, và lại đứng trên sân cát , như không ảnh hưởng gì đến sự chú ý của học sinh toàn trường . Tất cả im phăng phắc , lắng theo dõi từng câu , từng ý tưởng lạ, hay và đầy dí dỏm, qua giọng nói ấm áp của vị Linh Mục trẻ.
Giai đọan này là thời gian “ Cần lao “, nhưng Linh Mục Nguyễn Văn Vàng tuyệt nhiên không đề cập đến bất cứ gì có liên quan tới chính trị. Buổi nói chuyện của Linh Mục đã để lại trong ký ức của tôi một ấn tượng đẹp và sâu sắc.
( Sau ngày mất nước 30 tháng 4 , 1975, đọc một bài viết về Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, không khỏi xúc động khi biết Linh Mục đã qua đời , trong xà lim của một trại “ cải tạo “ nghiệt ngã ở Xuân Phước, tháng 4, 1985 )
( Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, hình từ Internet )
Phòng học của lớp Đệ tứ 2 ( niên khóa 1960-61 ) cũng tầng trệt nhưng ở giữa. Đệ tứ 2, một năm học êm vui, bằng hữu cùng lớp đặc biệt rất thân nhau . Có những tình bạn trong sáng từ ngày nhỏ đi học đến khi ra đời và kéo dài cho mãi đến lúc cùng bước vào tuổi già, tựa như anh chị em trong gia đình. Năm học này đã để lại cho tôi bao kỷ niệm êm đềm với một vài bạn trong lớp như Phạm thị Duyệt, Ngô thị Kim Oanh, Phạm Ngọc Chấn và đặc biệt riêng với Hoàng Thu Hồng.
Phòng cuối dãy tầng trệt, ngay bên cạnh cầu thang đi lên lầu, vài năm sau là phòng học của lớp Đệ Nhất A ( 1963-64 ). Niên học cuối cùng này, thầy Ngô Văn Chương đang là Hiệu trưởng. Một năm với quá nhiều biến động chính trị , ảnh hưởng trên đời sống và ngay cả trong học đường .( Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc đã rời trường từ đầu niên khóa 1962-63 ).
Và trên tầng lầu phía tay mặt, gần cuối dãy là phòng học của lớp Đệ lục 2 ,( niên khóa 1958-59 ), nơi đây các bạn và tôi qua những giờ Pháp Văn êm vui khó quên với Cô Liễng ( bà Trần Ngọc Liễng ). Đệ lục là năm đầu tiên học trò con trai và con gái học chung. Trong lớp, sĩ số con gái ít hơn và thường ngồi ở ba bàn phía tay mặt đối diện với bàn giáo sư. Bàn đầu tôi ngồi năm đó chỉ có bốn người , trong khi bàn đầu bên con trai 6 trò. Một hôm thấy mấy cậu vì bàn chật chen lấn nhau chí chóe, Cô Liễng bắt Phạm Ngọc Chấn qua ngồi ngay bên cạnh tôi. Mấy cậu bàn đầu còn lại thích chí cười reo :
-“A ! Chấn phải ngồi bàn với con gái ! “
Cô la ngay :
-“ Con gái, con trai chi ! Bạn bè một lớp là như chị em trong nhà ! “
Một tràng cười khác lại nổi lên, trong khi PNChấn đỏ mặt, tía tai :
- “ Ha ! ha ! Chị, em ! “
Hết giờ, Cô Liễng vừa ra khỏi lớp, Chấn phóc ngay về chỗ cũ như thể được “ thoát nạn “ !
Năm này mỗi lần viết “ dictée “ xong là hai bàn đầu thường đổi vở để kiểm soát lỗi . Lần nào gặp phải Nguyễn Văn Quảng chấm là bị “ fautes” lu bù, bởi NVQ nghịch phá thường hay thêm vào những chữ” s” hay “ e muet “ nhỏ tí ti vào những nơi không đúng chỗ . Rồi khi đem vở lên giải thích với Cô giáo, nhìn xuống thì thấy Quảng lăn ra cười !
Nhớ mãi giờ Pháp văn cuối niên khóa đó , Cô Liễng và cả lớp cùng hát “Ce n’est qu’ un Aurevoir “, nhìn Cô mắt lệ nhoà , học trò đều rưng rưng theo ...
***
Trở lại thăm căn nhà gia đình tôi đã sống trong mấy năm đầu của thời gian ở Đà Nẵng, trên đường Hùng Vương ( “... trước 1954 có tên Avenue de France, là một con đường cát, chạy lên nữa thì gặp đường Thống Nhất , rồi Ngã Ba Cây Lang “ ..., theo nhắc nhở gần đây của N. một người bạn cùng trường cũ PCT ). Đi qua vài lần và phải để ý tìm, mới nhận ra được. Tuy mấy chục năm rồi mà căn nhà vẫn giữ màu sơn như trước, song bây giờ hoen ố và bị nhiều cao ốc xung quanh mọc lên che khuất. Ngôi nhà của chính phủ ngày xưa, nay thành sở hữu của “ nhà nước “ ! Đứng nơi sân cũ,bùi ngùi nhớ lại những tháng năm gia đình hạnh phúc, cha mẹ hãy còn trẻ và chị em còn đông đủ bên nhau . Cũng nơi đây, nhiều buổi sáng Ngô thị Kim Oanh thường ghé qua rủ tôi đi học. Biết bao lần tiếng gọi thật lớn thúc dục quen thuộc “mau lên, trễ rồi ! “ của Kim Oanh nghe như càng to hơn nữa trong buổi mai sớm, khiến tôi thêm cuống quít vội vàng ! Ôi, những ngày vui xưa mãi còn nao nao rõ rệt trong hồn !
Cũng như sau mấy chục năm được đi lại trên đường Trần Quý Cáp , lòng không khỏi bàng hoàng. Con đường mát dịu ,một thuở yên lặng nhưng không vắng của Đà Nẵng xưa, nơi đây có căn nhà nhỏ tôi qua suốt một quảng đời đẹp nhất với bao kỷ niệm êm ái khó quên.
Ngôi nhà khiêm tốn đầu tiên cha mẹ tôi có được vẫn còn đó, nay thấp thoáng sau một tòa nhà lớn, chiếm cứ gần hết cả khoảng sân rộng phiá trước, hiện đã trở thành trụ sở của cơ quan nào của “ nhà nước “ . Ngọn cờ đỏ sừng sửng ngay chính giữa , cho một cảm giác khó tả ! Không được phép vào thăm, tôi chỉ biết đứng ở ngoài cổng, đưa mắt lặng nhìn vào trong . Thoáng nhớ lại đêm Trung Thu năm 1962... tất cả cây cối ở khoảng sân vườn trước , trên mọi nhánh cành chập chùng, lung linh những đèn giấy lớn, nhỏ, đủ màu ; công trình cả tuần trước đó của tôi và của người em trai gần gụi nhất trong gia đình. Ngồi nơi hiên nhà, mải mê nhìn ánh trăng lai láng từ trên không chiếu xuống, khuôn vườn như sáng hẳn lên. Lần đầu tiên trong đời, một niềm vui mới lạ êm đềm, cùng với trăng thu dịu nhẹ, bàng hoàng tràn ngập cả hồn tôi ...
Ngày xưa, cạnh nhà tôi là nhà của mỏ than Nông Sơn ,nơi đây gia đình của một kỹ sư trẻ người Pháp đang ở. Giờ này vẫn như còn thấy lại rất rõ, dãy hàng rào ngăn cách hai nhà, trên đó có dàn hoa ” ti gôn “ chi chít những khóm hoa màu hồng đậm ,nồng nàn tươi thắm quanh năm. Mấy bạn học ai đến chơi cũng thích, và gần như không bao giờ quên hái một nhánh hoa mang theo, trước khi ra về.
Trở lại chùa Non Nước, với ý định trên đường đi sẽ ghé thăm lại đồi thông, nơi trại Hè toàn trường Phan Châu Trinh cuối năm Đệ ngũ, 1960. Tôi hỏi người tài xế có thể cho dừng một tí khi xe qua Mỹ Thị, anh ta ngơ ngác như chưa hề nghe tới địa danh này ! Đồi thông, có lẽ , đã bị san bằng khi anh ta còn nhỏ hay cả trước khi anh ta được sinh ra ? Bây giờ hai bên đường nhà cửa chen chúc mọc lên san sát , chẳng còn một dấu tích cỏn con nào cho tôi có thể mơ về trại Hè PCT năm xưa ! Những tưởng có lần được trở lại nơi đây, tôi sẽ quỳ trên đồi thông, bốc lên nắm cát kỷ niệm, thả theo chiều gió, và nguyện cầu mọi an lành đến với những người bạn thân cũ .
Chỉ ít hôm ở đây, nhưng chúng tôi cũng vội tạt ghé qua thăm thầy Trần Đại Tăng , và Lê Thị Quý Phẩm,vợ thầy, cũng là bạn học chung một lớp nhiều năm . Tiếc không có nhiều giờ để hàn huyên. Mừng thấy Quý Phẩm chẳng thay đổi gì lắm. Thầy Tăng cũng vậy, ngoài mái tóc bạc .( Dĩ nhiên sau mấy chục năm dài, thầy cũng như học trò, những mái tóc ngày xưa, theo thời gian , đâu thể còn xanh mãi nữa ! )
Trước hôm rời Đà Nẵng, nhờ Nguyễn văn Khánh giúp cho, tôi mới có buồi tối họp mặt với vài bạn học cũ . Vui mừng biết bao khi gặp lại Ngô Thị Kim Oanh, vẫn là người bạn dễ thương ngày nào. Có khác chăng là bây giờ Kim Oanh đã là bà nội, bà ngoại , “ người lớn “ quá rồi ,nên không chọc phá tôi như mấy năm ở PCT nữa ! Châu Thị Yến Loan, luôn hoà hợp với bằng hữu, vẫn giữ thân ái .( Yến Loan và tôi chung một lớp suốt bảy năm ở PCT ). Cao Ngọc Trãn, người trưởng lớp hòa nhã của mấy năm từ Đệ lục đến Đệ tứ, nay ít hoạt bát như xưa có lẽ vì sức khoẻ kém đi - như chính Trãn cho hay với chút thoáng buồn - nhưng vẫn ân cần và không quên cho lại vài hình ảnh cũ . ( Trong đó có tấm ảnh ngày ở PCT xưa, một dịp đại hội thể thao các trường trung học miền Trung của Việt Nam Cọng Hòa trước 1964 ). Nguyễn Văn Khánh đối với bạn bè vẫn thân tình, vui vẻ, cởi mở . Riêng Nguyễn Văn Tham vẫn ít nói, nay lại trông còn gầy hơn cả ngày đi học . Buổi tối đó nhìn Tham cứ hút thuốc liên tục, điếu này qua điếu khác, tôi buột nhắc nhở : “ thuốc lá hại cho phổi lắm “. Và nghe câu trả lời : “ Không sao ! đã hút hơn năm chục năm nay rồi ! “
( Chỉ vài năm sau khi trở lại nhà, được tin Tham mất. Tìm xem lại tập nhạc tiền chiến gồm những ca khúc rất hay Tham cho tối hôm họp mặt. Đọc câu viết tặng : “ Để lúc rãnh, H. “ thảnh thót ” nghe ! “, và nhớ người bạn hiền lành của một thuở chung lớp )
Điều vui mừng hơn cả, và không khỏi cảm động nữa, đối với tôi, là khi gặp lại những người bạn học cũ với tiếng nói, với câu chuyện cũng như cách nói chuyện vẫn còn như xưa. Cả một thời tuổi nhỏ êm đềm trong ký ức, phút chốc vụt bàng hoàng trở lại .
Sau buổi ăn tối , Nguyễn Văn Khánh mời tất cả nghe nhạc và Khánh hát hai bài “ để tặng người bạn học ,gặp lại sau hơn bốn mươi năm “ . Tình cờ có bài “ Về Đây Nghe Em “ của Trần Quang Lộc, một bài hát mà tôi thật yêu thích lời ca lẫn nhạc điệu . Lòng tôi êm ả khi ngồi giữa các bạn, lại có Kim Oanh ngay bên cạnh, nhớ tối đó Kim Oanh và tôi cứ nắm mãi tay nhau. Thành thật cám ơn Khánh nhiều, đã giúp cho tôi được gặp lại vài bạn học ngày xưa ,để có buổi tối vui. Cũng cám ơn, Trãn và Khánh lâu nay đã có lòng lưu ý trong việc giúp tôi tìm kiếm người bạn cũ Hoàng Thu Hồng.
Sớm ngày hôm sau, trước khi rời Đà Nẵng, theo địa chỉ của Khánh cho, tôi tìm đến nhà thăm Tôn Nữ Như Hảo .( Còn nhớ mãi lần bị đau phải bỏ thi kỳ đầu Tú tài II và nhận được lá thư hỏi thăm ân cần của Như Hảo. Tôi đã giữ lại cái thư dễ thương đó một thời gian ). Sau vài lần vừa gõ cửa, vừa gọi “ Như Hảo ! Như Hảo ơi... “ hơi thất vọng khi chẳng thấy ai trả lời ! Đành để lại vài dòng nhờ hàng xóm của Như Hảo chuyển hộ . Đúng ngay lúc chúng tôi sửa soạn lên xe ra Huế thì ông xã Như Hảo vừa lại. Được biết, hôm qua Như Hảo bận đưa cô con dâu đi sanh và hiện đang ở nhà thương. May mắn cho tôi kịp gởi nhờ anh chuyển giùm thăm hỏi đến Như Hảo, với chút chân tình của người bạn học cũ.
Rời Đà Nẵng trong thoáng bùi ngùi. “ Có thể đây là lần cuối ? “ , tôi tự hỏi . Sau này, biết đâu khi bước vào tuổi lớn rồi , một dịp trở về thăm “ thành phố của kỷ niệm “, sẽ chẳng còn dễ nữa ?
Buổi mai dẫu khá vội vàng , tôi vẫn không quên mang theo bó hoa các bạn cho tối hôm qua. Nhìn mấy nhánh hoa, chắc sau một đêm thiếu nước , bắt đầu hơi úa tàn, lòng tôi tự nhiên cũng ủ dột theo !
Thi Vân,
Cuối thu, 2005