Trên chuyến xe lửa tốc hành từ Suttgart qua Paris, tôi ngồi trầm ngâm, lơ đãng nhìn qua khung cửa tàu. Những cánh đồng phủ đầy tuyết trắng chạy ngược về phía sau. Bầu trời một màu xám đục. Lại một mùa đông ! Mới đó mà đã 35 mùa đông qua ! Nhớ ngày đầu mới đến nước Đức cũng vào một sáng mùa đông lạnh giá như hôm nay. Mùa đông của năm xưa dài lê thê và lạnh khủng khiếp đối với những người tị nạn cộng sản mới sang như tôi.
Lát nữa đây, sau bốn giờ tàu chạy, tôi sẽ gặp lại anh bạn học Phan Châu Trinh thân tình ngày nào. Anh tên Thiệt. Dân Bắc Kỳ 54 , hiền khô, nhà nghèo, sống trong xóm đạo Thanh Bồ Đà Nẵng. Tuy cùng chung nhau trong xóm đạo, nhưng gia đình anh là dân di cư theo đạo Phật.
Đầu thập niên đó, chúng tôi cùng vào Đệ thất Phan Châu Trinh. Tôi mến anh qua sự chững chạc và hiền lành của một cậu học trò nhỏ, thứ nữa lại là con nhà nghèo.
Tôi ở gần Chợ Mới, muốn đến anh chơi, phải đạp xe xuống cuối đường Trưng Nữ Vương, bên phải là Cổ Viện Chàm, xế bên trái là trường Sao Mai, ở giữa trước mặt là công viên nhỏ ghế đá và vườn bông. Từ đây, nhắm hướng đường Độc Lập đạp thẳng, qua nhà thờ Chánh Toà, nhà sách Độc Lập, chợ Hàn, nhà sách Sông Đà, qua khỏi hai rạp chiếu bóng lớn, đến Lycée Pascal, trường dạy theo chương trình Pháp độc nhất của thành phố. Cuối cùng là đầu đường Độc Lập, nơi giao lưu với đường Bạch Đằng nối dài từ bến Cảng qua. Tại ngã ba này, băng qua bãi cỏ rộng là đến xóm đạo Thanh Bồ, nằm dọc theo đường Đống Đa tiếp nối, nơi người Bắc di cư 54 vào miền Nam tìm tự do, được chính quyền đương thời phân định cho lập thành làng xóm ở nơi này.
Cũng như bao nhiêu nhà khác, nhà anh với mái tôn, vách ván. Người mẹ tần tảo bán buôn tại chợ nhỏ nuôi con ăn học.
Sau chính biến 1963, gia đình anh rời Đà Nẵng vào Nam. Chúng tôi hết cùng nhau gặp mặt. Hình ảnh của anh bạn Bắc Kỳ vẫn đậm nét trong tôi.
Năm năm sau ngày mất nước, tôi đến định cư tại xứ sở tự do và đẹp đẽ này. Sau những tháng năm tị nạn, như bao nhiêu đồng hương khác, rồi cũng đến ngày tạm gọi là an cư lạc nghiệp.
Lúc còn đi làm, đến mỗi kỳ nghỉ hè, tôi thường qua tắm biển tại miền Nam nước Pháp. Cũng đôi khi qua Ý, hay Tây ban Nha, nhưng thường là Pháp.
Thật là thú vị khi tung tăng khắp “ mẫu quốc” , nơi mà ngày xưa chỉ biết qua sách học và báo chí, đâu có dám mơ đến một ngày mình được đặt chân tới nơi đây.
Hàng năm vào các dịp nghỉ dài hạn, tôi thích lái xe rong ruỗi từ Rouen miền Bắc, qua Nantes, dọc theo thung lũng các sông Loire, sông Rhône đến miền Nam Pháp, qua các thành phố Lyon, Bordeaux, Toulouse, Montpellier, Marseille...cứ nghĩ rằng mình như “ mông xừ “ Vincent trong sách “ Cours de langues et de Civilisation francaises của G. Mauger mà thầy Vĩnh Vinh đã dạy mình hồi thời Đệ thất, Đệ lục.Vào một kỳ nghỉ hè, tôi đang nằm trên bãi biển Cavalaire-sur-Mer , gần Saint – Tropez, chung quanh toàn là tây đầm. Có một anh chàng tóc đen cứ đi qua đi lại trên bãi cát liếc nhìn tôi. Tôi thấy anh ta quá quen. Cố lục tìm trong trí nhớ. À ra là Thiệt, anh bạn Bắc Kỳ cùng học chung lớp ngày nào. Cặp mắt và khuôn mặt đó thì không lầm vào đâu được, tuy ngày nay anh có da có thịt hơn và trắng trẻo ra. Tôi mĩm cười làm bộ không biết ai, lơ đãng nhìn mây nước xa xa. Cuối cùng như không chịu được, anh ghé vào chỗ tôi ngồi dưới cây dù che nắng và hỏi bằng tiếng Tây :
- Xin lỗi...Ông có phải là người Việt Nam ?
Tôi trêu lại bằng tiếng Việt :
- Xin lỗi...ông có phải là anh Bắc Kỳ 54 ?
Chàng trố mắt nhìn tôi một hồi, rồi với giọng Hà Nội năm xưa :
- Có phải anh Nhất người Đà Nẵng không ?
Hai chúng tôi ôm choàng lấy nhau, kéo lên quán nước gần bãi, uống bia 33 , kể nhau nghe chuyện đời đã qua.
Chuyện đời anh cũng giản dị như chuyện đời của bao thanh niên Việt khác cùng lứa tuổi. Mẹ con vào Biên Hoà lập nghiệp từ ngày ấy. Xong Trung học anh tình nguyện vào Quân Đội. Sau mấy năm đánh đấm, bị thương và giải ngũ. Về lại Biên Hoà buôn bán làm ăn. Tháng 4 năm 1975, theo kinh nghiệm của dân Bắc Kỳ di cư, anh nhanh chân dọt lẹ. 1954, mẹ anh dẫn anh theo đoàn người vượt tuyến xuôi Nam tìm đất sống. 1975, anh dẫn mẹ theo đoàn người vượt biển tìm tự do. Định cư tại Pháp, cần cù làm ăn, cưới vợ, sinh con. Lúc tình cờ gặp lại tôi , anh cũng đang cùng vợ con từ Paris xuống nghỉ hè tại đây .
Từ ngày về hưu, mỗi lần qua Paris, tôi thường đi bằng tàu hoả. Tuổi đời chồng chất nên tay chân không còn lanh lẹ, mắt không còn nhìn tỏ so với lúc còn trai trẻ . Như hôm nay cũng vậy, đi chuyến tàu sớm, dự định sẽ ăn cơm trưa tại Paris. Tôi hẹn qua chơi với anh bạn mấy ngày cuối tuần, sẵn ghé quận 13 mua vài món ăn Tàu, Việt đem về.
Chúng tôi bây giờ cùng sắp bước vào tuổi mà người xưa cho là hiếm. Không biết các cụ ngày xưa vào tuổi này đi đứng có phải chống gậy hay chưa ? Chứ tụi tôi có lẽ nhờ dinh dưỡng đầy đủ nơi xứ người, nên đi lại vẫn còn vững vàng lắm. Bằng chứng là ở Paris chúng tôi nhảy bắt Métro đi cùng khắp mà không thua ông Tây bà Đầm nào.
Anh ở vùng Ivry-Sur-Seine. Từ Gare de l’Est tôi xuống Métro để đến nhà anh theo như những lần đi trước đây. Chuyến xe nào cũng đông nghẹt người. Métro Paris lúc nào cũng chẳng vậy ! Không còn chỗ trống, tôi phải đứng. Một tay bấu vào thành vịn, một tay lo giữ trolly nhỏ đựng vài ba áo quần và đồ dùng thường ngày. Người lắc lư theo chuyến tàu chạy, mắt lơ đãng nhìn bảng vẽ các tuyến đường trên thành xe. Bỗng có tiếng của một cô gái trẻ đang ngồi trước mặt, giọng đầm :
-“ Ông có thể ngồi vào chỗ tôi đây ! “
Vừa nói cô vừa đứng dậy nhường chỗ ngồi cho tôi. Tôi mĩm cười và gật đầu :
- “ Cám ơn cô nhiều lắm. Cô tử tế quá ! “
Nói xong, tôi ngồi sà xuống chỗ cô bé vừa mới đứng dậy. Tưởng rằng đây chỉ là một trong nhiều cô đầm tốt bụng mà tôi thường gặp trong Métro, nên chỉ nhìn cô thoáng qua trong đôi mắt già.
Khi đã yên chỗ, hai chân kẹp chiếc trolly, hai tay bây giờ rãnh rỗi, lấy cặp mắt kiếng lão trong túi áo ra mang vào . Lơ đãng nhìn thiên hạ. Khi liếc đến cô bé, tôi giật mình ! Theo phản ứng tự nhiên, vội ngoảnh mặt qua chỗ khác.
Lẽ nào ?...Lẽ nào ?...Tôi tự hỏi thầm nhiều lần. Nhìn lại cô bé lần nữa. Cô ta khoảng 16, 17 tuổi. Gương mặt của người Á châu. Ăn mặc theo kiểu thiếu nữ Âu châu, đầu đội béret màu tím than, khăng choàng quàng quanh cổ cùng màu, tóc cắt ngắn,quần jean. Mantel ngắn màu đen thời trang, giày da cao cổ, vai mang túi xách lớn. Lúc nào cũng nhìn vào Iphone với ngón tay bấm bấm liên hồi.
Tôi giật mình bởi vì cô ta giống y hệt người em gái Nam Kỳ của tôi hồi 50 năm về trước. Từ đôi mắt, sống mũi cho đến cặp môi mọng đỏ trên chiếc miệng hơi móm xinh xinh kia ! Ôi! Người đâu sao mà giống nhau lạ kỳ !
Năm đó là hè cuối năm Đệ tứ. Sau khi thi xong rãnh rang và lòng thời hân hoan với mãnh bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp đầu đời. Tôi chuẩn bị đón cô em gái của một người bạn trai ở Sài Gòn ra Đà Nẵng thăm gia đình người anh cả là quân nhân đang làm việc tại đây. Anh bạn nhờ tôi đưa cô em đi đây đó cho biết ít nhiều về xứ Quảng.
Em nhỏ hơn tôi hai tuổi. Lần đầu gặp em tôi đã có cảm tình ngay.Miệng lúc nào cũng cười tươi và đặc biệt với một giọng nói ngọt ngào của người miền Nam.
Thời gian này tình hình chiến sự đã nổ lớn dần, các vùng xa không mấy an ninh nên tôi chỉ đưa nàng đi chơi xa lắm là Vĩnh Điện, Hội An, còn không chỉ là Ngũ Hành Sơn , đến Tiên Sa, Nam Ô, qua Phước Tường, đến Túy Loan. Đa phần là quanh quẩn trong thành phố.
Một lần, định đưa nàng vào quán kem Diệp Hải Dung gần Ngã Năm, đối diện với rạp chiếu bóng Lido. Nàng không dám vào vì thấy nhiều người mặc đồ lính trận quá. Chúng tôi phải qua một quán kem khác gần đó. Hôm ấy gọi cho nàng ly kem 5 màu . Nhìn nàng mím môi ăn những muỗng kem ngọt lạnh, tôi thấy như đâu đây có những làn gió mát thoang thoảng thổi qua.
Những làn gió mát của những ngày hè đến rồi lại bay xa. Hết hè nàng về lại Saì Gòn. Những tuần trước đó, tôi mang một tấm hình mà tôi đã chụp cho nàng trong mấy lần đi chơi, qua Non Nước, mướn người thợ đẽo tượng tạc một tượng bán thân nhỏ cỡ gang tay. Tượng bằng đá cẩm thạch, đặc sản của Ngũ Hành Sơn. Tượng tuy không giống nàng lắm, nhưng cũng phảng phất hình ảnh cô bé gái Nam Kỳ. Nàng nhận món quà lưu niệm với vẻ ngạc nhiên đầy thích thú.
Những ngày hè năm đó sao qua đi nhanh quá ! Hình như chưa có một mùa hè nào của thuở học trò mà hoa phượng lại thắm đỏ bằng mùa hè năm ấy.
Ba năm sau, vào Đại học Sài Gòn, tôi tìm đến thăm nàng. Cô nữ sinh trường Lê Văn Duyệt bé bỏng ngày nào nay đã là cô gái xinh đẹp với nụ cười luôn nở trên môi và giọng nói càng ngọt ngào hơn, dễ làm mềm lòng người.
Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn luôn là người anh đáng kính của nàng. Và nàng luôn vẫn là cô em gái dễ thương của tôi. Đó là giới hạn bề ngoài . Còn bên trong lòng tôi thì giới hạn này có lẽ toả rộng xa hơn, nhưng chưa một lần bày tỏ.
Tết Mậu Thân, giặc vào thành phố. Đây cũng là mốc thời gian thay đổi đời tôi. Rời giảng đường đại học vào quân trường Thủ Đức. Ra đi mút mùa, lăn lóc trong rừng đánh giặc quên ngày tháng. Đêm đêm thấy đồng đội chụm nhau nghe tiếng Dạ Lan trong làn sóng điện. Tôi thừa nhận cô này có giọng nói thật nhẹ nhàng, êm ái, nhưng sánh sao bằng giọng nói ngọt ngào của người em gái miền Nam của tôi.
Nhiều năm sau, một lần về phép Sài Gòn, tôi tìm đến nhà nàng. Nhưng gia đình nàng đã dọn nhà đi nơi khác ! Hỏi thăm không ai biết đi đâu ? Tôi biệt tin nàng từ dạo đó.
1975 ! Thua trận. Tan cuộc chiến. Cũng như bao nhiêu đồng đội khác, tôi bị lùa vào Trại Tập Trung. Hơn bốn năm tù mà không tội, về lại Sài Gòn, tìm đường vượt biên. Cuối cùng được tàu Cap Anamur vớt đem về Đức. Số vẫn còn hên !
Mộy hành khách ngồi kế bên tôi đứng dậy, rời chỗ để ra cửa xe xuống trạm. Cô bé thấy chỗ trống nên ngồi xuống cạnh. Mĩm cười chào tôi và hỏi làm quen :
- “ Thưa..ông mới đi xa về hay từ vùng khác đến Paris chơi ?
Tôi cười trả lời :
-“ Tôi từ bên Đức sang “
Cô ta hỏi tiếp:
-“ Tôi cũng có vài lần qua bên đó...” Ngừng một lát cô hỏi tiếp :
-“ Hình như ông là người Việt ?
Tôi gật đầu. Cô ta nhanh nhẩu nói :
-“ Tôi cũng là người Việt “.
Tôi liền chuyển sang tiếng Việt :
- “ Thế chắc cháu nói được tiếng Việt ?
- “ Dạ. Ở nhà ba má cháu đều nói tiếng Việt với con cái nên tụi cháu cũng rành chút đỉnh.
-“ Gia đình cháu cũng ở...
Trong khi tôi đang suy nghĩ để nhớ tên vùng thì cô lẹ làng trả lời :
-“ Dạ, nhà cháu ở quận 13.
-“ Ba mẹ cháu… Tôi định hỏi thêm về gia đình cô ta, nhưng nghĩ lại thấy như vậy không nên. Mới quen với người ta, sao mình lại tò mò muốn biết nhiều quá. Thấy tôi đang định nói lại ngưng, nên cô ta cúi nhìn vào Iphone, tiếp tục nhấn nhấn quẹt quẹt.
Tôi thì thầm : lạ quá ! Sao lại giống nhau thế nhỉ ? Trong đầu tôi thoáng nhanh một bài tính : Cô ta tuổi khoảng 16, 17, chấp tối đa là 20 đi, thì ba mẹ cô cũng phải là 40 tới 45. Bà nội hay bà ngoại của cô cũng phải độ tuổi 65 đến 70. Nếu cô là cháu nội hay cháu ngoại của người em gái năm xưa của tôi...thì em năm này cũng đà 67 ! Nhếch môi cười thầm và tự khen mình già rồi mà tính toán còn khá nhanh ! Tôi gật đầu và nói nhỏ : Đúng vậy !...Đúng vậy ! ...
Cô bé tưởng tôi muốn nói gì với cô ta, nên ngẩng đầu chờ đợi. Thấy tôi lơ mơ nhìn đâu đâu nên cũng làm thinh. Một hồi lâu sau, cô ta quay sang tôi :
_ “ Cháu phải xuống trạm tới. Chúc ông có những ngày vui tại Paris. Cháu chào tạm biệt ông “
Cô đưa tay bắt tay tôi và đi lần ra cửa xe. Tôi nhìn cô đi khuất trong dòng người lên xuống. Hình bóng người em gái năm xưa như ẩn như hiện trước mắt.
Buổi tối, ngồi trong quán nước cạnh bờ sông Seine, tôi kể cho anh bạn nghe chuyện gặp cô bé trong Métro lúc trưa trên đường về. Anh bạn luôn miệng nói :
“ Ừ ! Biết đâu đấy ! Biết đâu đấy...cô bé có thể là cháu của bà em gái Sài Gòn của anh khi xưa .”
Tôi lại càng hoang mang thêm.
Đến ngày về lại Đức. Buổi sáng tôi lang thang vào khu chợ buôn bán sầm uất của người Việt tại Quận 13. Hàng quán kéo dài quanh các con đường của khu phố. Mỗi lần ghé Paris, trước khi về thế nào tôi cũng dành một buổi để ghé lại đây ăn uống và mua sắm. Đến xế trưa bụng đói, tạt vào một quán bán hủ tiếu Mỹ Tho ở góc đường. Cũng đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp được ăn món nầy. Cậu chủ mang đến một tô hủ tiếu bự,bốc khói, đầy tôm thịt. Rau giá, hành hẹ, ớt chanh đầy bàn. Rất ngon miệng. Ăn xong tôi gọi thêm một ly cà phê sữa đá đúng điệu Sài Gòn, dù bên ngoài trời se lạnh. Người tính tiền lại là cô chủ quán. Với giọng miền Nam cô nói :
- “ Hết thảy là mười hai Euro, thưa bác !
-“ Hủ tiếu ngon quá ! Lại thêm ly cà phê sữa đá đậm đà hết sẩy... Vừa nói vừa ngước nhìn cô ta. Tôi chợt giật mình khựng lại . Thấy tôi ngập ngừng với vẻ mặt bối rối, cô cười :
-“Bác có thắc mắc gì không hở bác ? Tụi cháu buôn bán ở đây ai cũng biết rõ ...
- “ Không, không...Bác không thắc mắc gì cả... Tôi ngập ngừng một hồi rồi tiếp “ Bác chỉ thấy cháu quen quen...
- Thì bác đi chợ ngang qua đây nhìn thấy tụi cháu hoài, riết thành quen ,phải không bác ? “ Cô nhoẽn miệng cười.
- “ Không... Tôi ngập ngừng...có phải cháu là mẹ của bé gái mà bác gặp trong Métro cách nay mấy hôm...” Nói đến đây tôi ngưng, lại lắc đầu. Mình rõ là lẩm cẩm. Người ta buôn bán tối ngày ở đây làm gì biết chuyện Métro...
Bỗng từ ngoài đi vào cô bé hôm nào, đến chỗ chúng tôi và nói :
“ Thưa ông, chắc ông còn nhớ cháu ?
- “ À ! Cháu bé Métro ! Vì không biết tên nên tôi gọi vậy.
- “ Thưa má, đây là ông bên Đức con quen mấy hôm trước, khi con đi học về “
Cô chủ quán xoay qua tôi giới thiệu :
- “ Cháu Lily, con gái lớn của chúng tôi “. Rồi cô nói với con gái :
-“ Con vào phụ giúp ba đi.
Tôi cười :
“ Hai mẹ con giống y hệt nhau.
- “ Dạ ! Ở đây mọi người ai cũng nói vậy. Nhưng mà cháu nó giống bà ngaọi cháu nhiều hơn.
Tôi gật đầu thầm nghĩ những điều mình phán đoán trước đây có phần đúng rồi, nhưng muốn chắc hơn nên hỏi thêm :
- “ Cháu ở Paris đã lâu năm ?
- “ Dạ lúc trước gia đình cháu ở Nantes. Hồi mới qua cháu làm hãng, ảnh cũng làm chung. Hai đứa phải lòng nhau. Năm rồi hãng xưởng bấp bênh nên cho nhân viên nghỉ bớt. Tụi cháu thấy vậy nên lãnh một số tiền bồi thường, rồi về đây sang quán làm ăn .
-“ Vợ chồng cháu giỏi quá ! Làm hãng cũng được mà mở quán cũng xong.
-“ Ngày xưa má cháu dạy cháu cách nấu hủ tiếu này đó bác ”.
Tôi lần mò hỏi tới :
-“ Trước 75 cháu ở Sài Gòn ?
-“ Dạ không ! Gia đình cháu ở Mỹ Tho
-“ Anh em cháu cùng ở đây ?
- “ Anh em cháu ở tứ tung bác ơi ! Dân vượt biển mà ! Một người ở Mỹ, một người ở Úc. Ai cũng có con cái đầy đàn.
-“ Chắc ông bà cụ...
-“ Dạ... ba cháu mất từ lâu. Còn má cháu mất cách nay ba năm.
Lòng tôi chùng xuống. Như có một làn gió lạnh từ đâu thổi tới. Cô chủ quán chắc cũng nhận ra được sự thay đổi trên nét mặt của tôi. Cô kể tiếp :
- “ Từ khi ba cháu mất, má cháu về ở với đứa em út của cháu ở Vĩnh Long trước khi qua đời. Lúc sinh thời, tụi cháu có đốc ba má cháu qua ở với tụi cháu, nhưng ông bà không chịu đi.
- “ Ba má cháu quê quán Mỹ Tho ?
-“ Dạ chỉ có Ba. Con nghe má cháu kể lại , thời xa xưa má cháu sống cùng ông bà ngoại và mấy cậu ở Sài Gòn. Sau vì làm ăn thất bại nên ông bà ngoại đưa cả gia đình về Mỹ Tho....”
Tôi bồi hồi xúc động. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng đây là con gái của Phượng, người mà lúc tình cờ gặp cháu Lily trong Métro, hình bóng nàng luôn hiện ra trong tâm tưởng tôi.
-“ Phải má cháu tên Phượng ?
- “ Uả sao bác biết ?
-“Ừ ! Khi xưa má cháu và bác có chút thân tình.
Cô ta quay mặt vào phía trong, nói lớn như mừng rỡ :
-“ Anh ơi ! Lily ơi! Ông bác đây là người quen thân lúc trước của bà ngoại nè !
Tôi thật tình kể hết mọi chuyện giữa bà ngoại của Lily và tôi. Chuyện năm nẩm năm xưa, khởi đi từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước...
Hôm đó tôi đã bỏ lỡ chuyến tàu đêm trở về Đức. Như tôi đã một lần bỏ lỡ cơ hội với người em gái miền Nam của tôi ngày xa xưa.
Hoàng Bá Nhứt
( PCT 1960-67 )
(ĐS Kỷ niệm Đại hội cựu học sinh PCT Đà Nẵng toàn thế giới kỳ 3 , 2015 tại Hoa Kỳ )