Vài cảm nghĩ và nhận xét
về cuốn Trại Kiên Giam
của Nguyễn Chí Thiệp
Duy Lam
– Tự Lực Văn Đoàn
– Hội viên danh dự INT-PEN
– Giải Thưởng Tự Do Phát Biểu 1992 Hellman – Hammett.
Qua những giai đoạn biến động của lịch sử một quốc gia, thường là những cuộc chiến tranh, những người trong cuộc có thể là những nhà văn, người trí thức, nhà báo, hoặc nhiều khi chỉ là những nạn nhân của thời cuộc và những cuộc tranh chấp, đôi khi chỉ là những người dân bình thường, đã cảm thấy bị thôi thúc bởi ý muốn cầm bút viết lại những kinh nghiệm sống họ đã trải qua.
Sau cuộc Đệ I và Đệ II Thế chiến và cuộc chiến tranh Việt Nam, thể hồi ký đã có những giai đoạn nở rộ. Những chứng liệu này do chính nhân chứng thuật lại đã trở thành những tài liệu rất quý và giá trị cho những nhà xã hội học, những nhà tư tưởng, nhà văn dùng làm tài liệu tham khảo, để phân tích tổng hợp chiếu rọi những ánh sáng mới vào những chiều hướng đã được bộc lộ hoặc ngấm ngầm của lịch sử hầu tương lai tránh được những lỗi lầm của dĩ vãng; hay dựng lên những tác phẩm lớn có chiều sâu nhờ những khoảng cách thời gian thích hợp nên cái nhìn bao quát trở nên chính xác với thực tại hơn.
Ta hãy nhớ đến những bài báo đầu tiên về cuộc chiến tranh Sebastopol mà Tolstoi phóng viên chiến trường đã viết và bộc lộ tài năng nhà văn của ông, hoặc tác phẩm Bác Sĩ Jivago của Pasternak, quần đảo Goulag của Alexander Solzhenitsyn, nhưng ta cũng phải nhắc đến cuốn nhật ký của Anne Frank, một cô gái mới lớn phải cùng gia đình ẩn trốn cuộc bắt bớ khủng bố và tàn sát tập thể của Đức Quốc Xã và đã cầm bút cặm cụi ghi lại những kinh nghiệm hãi hùng và bi thảm đã xảy ra cho cô và những người thân trong gia đình. Khi ghi lại những dòng nhật lý cảm động Anne Frank đâu có ngờ là sau này đã làm xúc động biết bao nhiêu độc giả trên thế giới.
Vì vậy những người dân thường, những nạn nhân của các biến động lịch sử cầm bút viết hồi ký chẳng bao giờ nghĩ là họ có ý muốn hoặc tham vọng làm văn, hiểu theo nghĩa thông thường của từ này, mà họ chỉ bị thôi thúc bởi các nhu cầu muôn thuở của con người là dù trong hay sau nghịch cảnh ghi lại những kỷ niệm đã sống, trước hết là để bộc lộ những tiếng kêu bi thiết có tính cách phản kháng tiêu cực hoặc tích cực trước sự nghiền nát những tình cảm cao quý của con người của bánh xe lịch sử có vẻ như phi ngã, phi nhân, hoặc để xác nhận lòng ham chuộng tự do phát biểu một cái quyền tối thượng của con người kể từ khi có ngôn ngữ văn tự, và cũng nhiều khi chỉ là để cố gắng chuyển lại cho xã hội đời sau cái tiếng nói thật nhỏ bé nhưng lại bao hàm một sức mạnh ghê gớm của ý thức con người trước viễn tượng đe dọa kinh khiếp của những vũ khí hủy diệt nhân loại như Faulkner đã nhấn mạnh vào phần cuối bài diễn văn nhận giải thưởng Nobel của ông.
Vì vậy tôi khá ngạc nhiên khi nghe và đọc thấy cái quan niệm cho rằng các cuốn hồi ký của những người tù chính trị được viết và xuất bản ở hải ngoại không phải là những tác phẩm văn chương!
Nỗ lực viết hồi ký đã ghi lại thật trung thực những cái gì thực sự đã xảy ra – những kinh nghiệm sống thiết thân như tôi đã trình bày ở trên – thực ra chỉ nhằm chính yếu là để hành sử cái quyền tự do phát biểu của con người, cái quyền mà hơn suốt 16 năm qua những người tù chính trị và nói rộng ra hơn 65 triệu người Việt Nam đã bị cộng sản tước bỏ và còn đàn áp một cách tàn nhẫn phi nhân nhất, hầu để không một tiếng nói nào dù nhỏ bé có thể lọt qua bức màn tre đến được thế giới tự do ở bên ngoài và như vậy cũng giảm thiểu tối đa mọi cố gắng đối thoại truyền thông, cái mối liên hệ thật cần thiết cho các khối tự do trên thế giới trong một thế giới đang tiến những bước vũ bão đến những căn bản liên lập.
Như vậy, theo tôi, các cuốn hồi ký nằm trên bình diện khác biệt với bình diện làm văn và đứng ở vị trí của văn chương để đánh giá các tài liệu và ghép chúng phải tuân theo những tiêu chuẩn giá trị về sáng tác như kết cấu, kỹ thuật viết, văn thể, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thời tôi e không thích hợp và cũng không hợp lý lắm.
Nói thế không phải là tôi phủ nhận đã có những trường hợp những nhà văn viết hồi ký về những năm tháng tù đày và cũng thực sự đã là nhà văn thời viết bất cứ cái gì cũng là viết văn vì với những kinh nghiệm sẵn có, những cuốn hồi ký này đã đạt được nhiều hay ít cái giá trị văn chương. Cũng có những trường hợp các nhà văn tuy không đi tù nhưng dựa vào những kinh nghiệm kể lại của người khác, hoặc các cuốn hồi ký của những người tù chính trị đã hứng khởi sáng tác những tác phẩm văn chương có giá trị.
Riêng tôi, tôi vẫn luôn luôn tin là những biến động bi thảm đã xảy đến cho đất nước Việt Nam trong suốt 16 năm qua mãi mãi còn là một kho tàng vô tận và quí giá cho tất cả chúng ta – trong đó có những nhà văn và nhân chứng trong cuộc – hầu sẽ còn tiếp tục có nhiều tác phẩm đủ loại được hình thành dựng lên từ đó, hồi ký, thơ, văn, kịch, các pho sách khảo luận…
Đó là một trách nhiệm của tất cả những người có ý thức có liên hệ xa gần trực tiếp hay gián tiếp đến chữ nghĩa nghệ thuật! Trách nhiệm hiểu như một lời nguyện của tất cả những người còn sống, những người được hưởng tự do, đối với tất cả những người đã chết tức tưởi trong các trại cải tạo hay trong những chuyến vượt biển nhưng trước khi nằm xuống trở về lòng đất hoặc vùi thây trong biển cả đã không bao giờ ngừng chuyển đến cho chúng ta những thông điệp qua hình thức những dòng văn thơ nhạc trong tù, hoặc những lời nhắn nhủ trối trăn với những người thân bạn bè trước khi dấn thân vào biển cả: những biểu lộ cao đẹp và đáng cho chúng ta trân trọng gìn giữ và khai triển vì đó là những chứng liệu hùng hồn của ý muốn mãnh liệt không áp lực nào đàn áp nổi cản nổi của những con người ham chuộng tự do phát biểu vì sống tự do dù có phải chịu những nghịch cảnh kinh khiếp và dù phải hy sinh cái quý nhất của con người đó là mạng sống của chính mình.
Sau khi đã trình bày một cách khái quát về quan niệm của tôi về cuốn hồi ký của các người tù chính trị, tôi xin nói thẳng ngay là trong những cuốn hồi ký tôi đã được đọc cho đến nay ở hải ngoại cuốn “Trại Kiên Giam” là một cuốn sách hay và có nhiều đoạn thật xuất sắc, viết với một cách diễn tả thẳng thắn và chân thành không khoan nhượng với những bạn đồng cảnh và với chính mình tức là với sự thật y như đã xảy ra. Vì vậy có thể nói nếu thực tại ở các trại cải tạo được mang ra làm tiêu chuẩn đánh giá thời “Trại Kiên Giam” đã đạt được những mức độ giá trị về thể viết hiện thực rất cao. Quả thật đó cũng là một điều hiếm thấy trong một số hồi ký tôi đã đọc, trong đó lòng thù hận đôi khi đã kéo ngòi bút người viết quá xa khiến giọng văn quá cường điệu mặc dù đã tạo được những tác động gây xúc động đáng kể nơi độc giả, nhưng mặt khác đã làm cho sự thật đã được thể hiện kém trung thực vì nếu nhắc đi nhắc lại nhiều qua nhiều hồi ký khác nhau sẽ có thể trở thành nhàm chán, không nói là đã khiến nhiều độc giả tinh ý nghi ngờ thắc mắc về sự xác thực của những dữ kiện hoàn cảnh đã được mô tả khi đối chiếu nhiều điểm có vẻ như mâu thuẫn nhau giữa nhiều cuốn hồi ký của nhiều tác giả.
Ngoài giá trị hiện thực của “Trại Kiên Giam” theo tôi quan trọng vào hàng đầu với thể viết hồi ký, cuốn sách này của anh Nguyễn Chí Thiệp còn có nhiều ưu điểm rất đáng khen và rất giá trị khác…
Trước nhất, anh Thiệp đã dựng lại những cảnh sống rất linh động kể cả những tâm cảnh của chính anh với biến chuyển tình cảm tâm lý khá gọi là tế nhị và hữu lý. Anh cũng có một trí nhớ thật tốt và cái óc nhận xét sắc bén đối với khung cảnh bên ngoài và cả những biểu lộ tâm lý nơi tất cả những nhân vật anh lần lượt gặp gỡ, kể cả những bạn tù cải tạo lẫn những cán bộ cộng sản và luôn cả những người dân thường làm nền cho các cảnh sống kế tiếp nhau anh đã trải qua. Cái óc quan sát không bỏ qua chi tiết nhỏ nhặt nhất là một đức tính cần thiết cho một nhà văn để tạo chiều sâu tâm lý cho các nhân vật, và ngay từ những trang đầu “Trại Kiên Giam” đã lôi cuốn tôi vì cái hơi thở của thực tại đã tỏa ra từng dòng chữ. Đối với độc giả, chỉ cần đọc ít trong đầu dù một tác phẩm hư cấu hay hồi ký, ngay những độc giả bình thường có thể cảm nhận ngay có bao phần sự thật trong tác phẩm và tác giả đã đạt nhiều hay ít khi mang đời sống và sự thật đến cho độc giả qua trung gian của từ ngữ…
Tôi nghĩ đến anh Thiệp còn có ý muốn đi xa hơn để làm một nhà văn thời ưu điểm này đã cho anh một cái vốn căn bản rất thuận lợi.
Tôi đặc biệt chú ý đến những trang mở đầu chương I thuật lại những ngày đầu tiên sau biến cố tháng 4-1975. Tôi ít thấy ở các cuốn hồi ký khác và cả những truyện ngắn, truyện dài của nhiều tác giả cái “không khí” rất sinh động mà cũng rất phức tạp rối rắm đã được anh Thiệp viết rất đạt và còn đầy những nhận xét tinh tế như: ”… Những người tò mò ra đường thưa thớt vẫy tay, chào ngượng ngập, e dè…”. “Thỉnh thoảng người cán bộ đứng hầu quạt phải tiếp ông cụ già (Tôn Đức Thắng) một ly nước hoặc một viên thuốc…” “Khi nhắc đến Hồ Chí Minh tỏ ra nghẹn ngào, cụ ngừng đọc, rút khăn lau nước mắt. Mọi người trên khán đài lấy khăn ra lau nước mắt…”
Một ưu điểm của anh Thiệp là khi viết lại về những nhân vật bằng xương bằng thịt, rất sống và rất người, anh đã khéo léo và tế nhị những luận điểm rất quan trọng mà anh muốn minh chứng mà không làm câu chuyện khô khan. Riêng tôi, tất cả những nhân vật anh nhắc tới, trong có cả những nhân vật tôi quen biết và cả nhiều nhân vật tôi không hề biết, đã có thể nói lôi cuốn sự chú ý kéo dài của tôi từ đầu đến cuối cuốn hồi ký. Là một nhà văn, tôi cũng hiểu rất rõ nhân vật quan trọng đến như thế nào, để tạo thực tại cho một cuốn tiểu thuyết nhất là một cuốn hồi ký.
Nhân vật chú Bình, cuộc đối thoại giữa ông này và tác giả có thể coi là một đoạn hay và sâu sắc và có thể làm sườn cho một truyện ngắn hay truyện vừa. Đoạn này làm tôi liên tưởng đến nhân vật ông tướng trong truyện Tướng Hồi Hưu của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng sự giác ngộ của chú Bình làm cho ta cảm nhận và thông cảm nhanh hơn và cũng có phần gần gũi với ta hơn, có lẽ vì những yếu tố căn bản tương đồng về gia thế, học vấn và môi trường sinh trưởng.
Sự hướng về những giá trị nhân bản của một xã hội tự do sau khi đã trải qua một sự phản tỉnh rất thật về tâm lý và cũng sau khi đã khám phá ra mình bị chế độ cộng sản lừa dối phản bội, đã là một ý hướng người đọc đón tiếp với sự bao dung rất có ý nghĩa.
Nhân vật cô Bích, cô em họ của tác giả, một cán bộ cộng sản được nêu ra trong chương hai mươi cũng tạo cho tôi những cảm nhận lý thú, sau nhiều năm cách biệt tác giả gặp lại đã ghi nhận những biến đổi đáng kể của Bích, từ một sinh viên lý tưởng chịu cộng tác và nằm vùng cho cộng sản, và sau một thời gian làm giáo viên sau 1975 cô đã thấy hết sự sa đọa và thối nát của chế độ cô đã dứt khoát xin ra khỏi đảng và còn biết xấu hổ khi nhớ tới tiếng Cách mạng. Câu nói của Bích: ”… Trước đây em đã tin và theo cách mạng, ngày nay em đã hiểu rõ chế độ cộng sản chỉ trích đúng mà không làm đúng. Em đã bỏ đảng nhưng em cảm thấy một phần trách nhiệm và xấu hổ những gì đảng đã làm cho đất nước rách nát tàn hại như ngày nay. Em phải ở lại…”
Ý thức minh bạch và dứt khoát của một phụ nữ về trách nhiệm của mình sau khi đã lầm lỗi đáng để ta suy ngẫm: ở bên này ở bên kia phòng tuyến ý thức hệ từ trước đến nay đã bao nhiêu kẻ có quyền hành đã che đậy và từ bỏ trách nhiệm với đất nước để bám giữ lấy quyền hành. Thật không bằng một phụ nữ có học thức tương đối nhưng có can đảm ở lại không vượt biên vì cảm thấy còn có thể làm gì để sửa lại lỗi lầm. Ta có thể tin là còn nhiều người suy nghĩ và làm như cô Bích.
Cuốn hồi ký của anh Thiệp còn làm nổi bật được cái dòng liên tục của sự đối kháng của những người tù chính trị nhất là những lớp trẻ qua đủ mọi hình thức, từ tích cực bạo động, đến tiêu cực qua những cuộc tổ chức lãn công. Những điểm làm tôi xúc động là khi đọc đến tất cả những hình thức đối kháng phong phú và đa dạng qua thơ văn nhạc và làm báo trong tù. Độc giả có thể thấy hết sức mạnh của văn nghệ đến con người tự do có ý thức khi đọc tới cả trăm đoạn tác giả nêu ra những nhân vật những hoàn cảnh trong đó với những nỗ lực đáng kể, anh em tù chính trị đã xoay xở để duy trì và phát triển cho riêng anh em cái tiếng nói có lúc hùng hồn bi tráng, có lúc trữ tình; cái tiếng nói của con người tự do trong những hoàn cảnh cực độ (situations extremes). Bởi vì nếu con người tự do không giữ nổi cho mình cái bản sắc nó phân biệt họ với những con người máy bị tha hóa mất nhân tính – những con người súc vật – thời sự đồng hóa toàn thể hay một phần là điều khó có thể tránh.
Chỉ khi đọc tới những mạng sống đã mất đi trong cùm kẹp chỉ vì những cố gắng duy trì sự tự do phát biểu của con người tự do và ý thức sâu đậm là mình tự do dù thân xác bị tù hãm, ta mới thấy hết được cái quan trọng của tư tưởng đối với những giá trị tinh thần cao quý phải bảo vệ dù phải trả một giá rất lớn. Tuy chua xót vì tiếc rẻ khi đọc đến những đoạn này (trang 420, trang 453) và đôi khi có thể tự hỏi tại sao chỉ để ca mấy bài hát và đọc cho nhau nghe vài bài thơ góp công phu để làm một tờ báo thật sự đâu có gì quan trọng lắm để phải hy sinh vài mạng anh em và lãnh án thêm; nhưng nghĩ cho kỹ một mặt khâm phục sự dũng cảm của những người tù chính trị, một mặt khác ta cũng có thể giật mình khám phá ra một sự thật là tự do chỉ quý khi ta mất nó và tự do khi tràn đầy và ngay trong tay mà phí hoài không tận dụng để đấu tranh cho tự do của những người cùng dòng máu Việt Nam ở đất nước Việt Nam vừa xa xôi vừa gần gũi lại càng trở nên một nhu cầu khẩn thiết đến mức nào.
Tôi muốn viết nhiều hơn về nhiều ưu điểm khác của cuốn hồi ký này của anh Thiệp, nhưng tôi không muốn dài dòng và chỉ bảo đảm là độc giả đọc cuốn sách này sẽ còn gặp nhiều khám phá khác nữa.
Tuy giọng văn có vẻ khô khan trần trụi và nhiều đoạn tả chân thật cụ thể tạo cho người đọc cảm giác nặng nề, nhưng nếu đọc qua mấy trang đầu các bạn sẽ thấy dần dần bị cuốn hút vào dòng văn miêu tả của cuốn sách và muốn biết thêm sâu hơn nữa về số phận bi thảm của những nhân vật đa dạng cứ lần lượt xuất hiện trong trí tưởng các bạn. Các bạn cũng có thể tức giận, bất mãn, khâm phục và đôi khi khinh miệt một số nhân vật và rồi các bạn sẽ hòa nhập hẳn vào cái thế giới đầy ám ảnh trong đó sự đối kháng của các lớp người cộng sản và người tự do diễn ra căng thẳng kịch liệt không khoan nhượng và các bạn có thể gập sách lại và thêm tin tưởng là cuối cùng cuộc chiến ai thắng ai đã nghiêng về phía những người tự do, và cuối cùng những giá trị nhân bản cao đẹp đã được bảo toàn, dĩ nhiên với cái giá là những sinh mạng và sự đau khổ của biết bao con người, trong đó có cả những bạn đồng ngũ, đồng nghiệp, bạn tù, kể cả những người các bạn đã có dịp quen biết hoặc nghe tiếng. Dĩ nhiên, cũng còn những người vô danh mà các bạn không hề quen, một bà mẹ già, một người trẻ phục quốc chết tức tưởi vì tra tấn, một em bé có lòng thương tặng người tù 4 trái trứng gà và nhiều người khác nữa, mà sự khí khái can trường hoặc tình thương ngây thơ sẽ khiến bạn cảm động sâu xa. Tôi muốn nhắc đến câu nói của Hemingway tôi đọc đã lâu và thích và cũng đã nhiều lần nhắc lại với các bạn tù nhân chính trị trong 12 năm sống qua các trại cải tạo, kể cả trại Xuân Phước, trại Kiên Giam mà anh Thiệp đã dùng làm tên của hồi ký, mặc dù tôi chỉ nhớ một cách khái quát nội dung: “Bánh xe lịch sử nghiền nát bao con người! Trong số này có những kẻ mạnh và xương sẽ lành lại, nhưng nhiều kẻ đã chết và trong số này lại là nhiều kẻ can đảm nhất và dịu hiền nhất…”
Duy Lam
California, tháng 5-1992
o O o
Những nhận xét về
Hồi Ký TRẠI KIÊN GIAM
của Nguyễn Chí Thiệp
Trại Kiên Giam có giọng văn điềm tĩnh, không căm thù, nhiều tính ghi nhận về các sự kiện trong đời ông và xã hội giai đoạn này, trong đó có nhiều hoàn cảnh tan vỡ và cảm động khi nhiều người trong gia đình và bạn thời Trung Học của ông hoạt động cho Cộng sản. Có nhiều suy nghĩ và phê phán chính xác về các chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Cộng sản. Có những nhận xét sâu sắc về các nguyên nhân sụp đổ của chế độ Sài Gòn và hướng suy tàn tất nhiên của chủ nghĩa Cộng sản …
Đây là tác phẩm xuất sắc, cần được trân trọng trong mọi tủ sách gia đình.
(Giao Điểm số 91)
Tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, nhân viên cao cấp VNCH, tù nhân cải tạo – Nguyễn Chí Thiệp thật đủ điều kiện để viết hồi ký cải tạo với cái nhìn rộng hơn nhiều người khác …
… theo ghi nhận của nhiều người đây là một tập hồi ký cải tạo giá trị, không giống với nhiều tập chỉ kể khổ và sự tôn vinh đã từng xuất hiện.
(Văn Học số 75)
Bằng một giọng văn điềm tĩnh tự chế, ông đã ghi nhận một cách khách quan những sự kiện liên quan đến cá nhân ông cũng như xã hội trong chuỗi thời gian dài dằng dặc ngót bốn nghìn ngày đêm trên quê hương …
Cả một bối cảnh hoành tráng, với đủ mọi điển hình xã hội: hèn nhát, anh hùng, đau khổ, đói nghèo, xâu xé, hợp đoàn … phơi lộ dưới ngòi bút của Nguyễn Chí Thiệp như một cuốn phim đầy màu sắc, sôi động. Điều cần ghi nhận, sau khi đã qua hơn 500 trang sách, là niềm tin của tác giả vào tương lai tươi sáng của dân tộc, một tương lai tự do, dân chủ và phú cường nhất định sẽ đến. Chính sự lạc quan này đã giúp cho tác phẩm vượt lên trên cái căm thù tủn mủn và tạo một ấn tượng tốt trong lòng người đọc.
Trại Kiên Giam là một tác phẩm được xứng đáng trân trọng, gìn giữ .
(Hợp Lưu số 6)
Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng như thế này, có thể một số người Việt ở Hải Ngoại sẽ hờ hững với tác phẩm “Trại Kiên Giam” nhưng chắc chắn bạo quyền Hà Nội sẽ run sợ bởi tác phẩm Trại Kiên Giam sẽ góp thêm tư liệu sống động cho bản cáo trạng mang tên “Những tội ác của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam …” với hướng đi những người Việt Nam còn giữ được lửa đấu tranh nên hân hoan đón nhận tác phẩm Trại Kiên Giam.
Đào Văn Bình
Anh đã đem máu, nước mắt và ngọn lửa tâm thức để viết nên những trang hồi ký. Ngọn lửa tâm thức đã nung nấu anh một quyết tâm sống còn trong địa ngục trần gian do cộng sản dựng nên để tiêu diệt tầng lớp đối kháng, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù tích cực hay thụ động… Trại Kiên Giam là một hồi ký chính trị luận đề, một thiên khảo luận chính trị nhưng cũng chứa đựng nhiều chi tiết thật cảm động, có thể khởi hứng thú cho nhiều tác phẩm văn chương
Xuân Đỗ
“…Từng trang sách được lần lượt đọc! Có đoạn xin thú thật với anh – đã làm tôi nức nở… Chúng tôi xin trân trọng cám ơn anh vì anh đã cho chúng tôi biết thêm rất nhiều về những gì mà chúng tôi đã vô tình nghĩ “đã biết rồi…”. Tôi xin gởi đến anh một lần nữa sự xót xa của tôi và tất cả gia đình cùng họ hàng tôi và nhiệt liệt cám ơn anh vô cùng, vô cùng…
(Bà Kim Chi độc giả Houston, Texas)
“…Đã gần 20 năm nay, tôi mới được đọc một cuốn sách như Trại Kiên Giam, tôi đoán đây là cuốn sách đầu tay của anh, nhưng tôi chưa thấy một tác phẩm Việt Nam nào có thể so sánh với Trại Kiên Giam về mọi mặt…
( Ông Phan Hạ Tùng/ Virginia)
“…Nếu cần sự so sánh ví von, tôi coi tác phẩm này sẽ vút lên cao như bông pháo hoa huy hoàng màu sắc và vang rền những làn sóng âm thanh của một đêm giao hội, tương phùng với một điều kiện là trái tim của độc giả phải có khả năng châm lửa.
Trại Kiên Giam chẳng phải là một cuốn hồi ký thuần tuý đơn điệu. Nó bề thế và sinh động, nó chứa chan phẫn nộ mà cũng không thiếu vắng lạc quan. Phải đây là cuốn bạch thư tố cáo những hành động phi nhân của một tập đoàn thường tự nhận theo chủ nghĩa cộng sản văn minh, giàu trí tuệ. Nó là bản kế hoạch khoa học của một người trí thức yêu nước muốn quang phục tổ quốc yêu dấu. Nó là bài phóng sự dài ghi nhận các sự kiện hết sức chính diện và hiện thực của nguyên mẫu. Nó là thiên anh hùng ca của một tập thể kiên nghị, bất khuất, thông minh và tháo vát. Tác giả đã có ý giới thiệu cho chúng ta tiềm năng lẫm liệt của một lớp tuổi có truyền thống hào hùng. Trại Kiên Giam là một sản phẩm của một cán bộ Việt nam Cộng Hoà có thể tự hào, tin cậy. Nguyễn Chí Thiệp đã kinh qua nhiều tình huống không thể tưởng tượng nỗi bởi anh luyện Thiền. Tôi muốn cộng thêm vào thành tố cơ bản ấy ý thức chính trị rất trong sáng, bền bỉ của anh, tức là anh phải tin tưởng mãnh liệt lắm vào tiền đồ đất nước; anh phải có lập trường, quan điểm thiết thật, nhiên hậu mới vượt qua nghịch cảnh phũ phàng.
Bao thử thách tôi rèn hình thành một bản lãnh, một nhân cách Nguyễn Chí Thiệp…
(Lê Nhật Thăng
-Trích “Trại Kiên Giam. Tác phẩm của một chiến sĩ”.)