Trại Kiên Giam : Chương Mười Hai

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Chương Mười Hai

Tôi được ra khỏi xà lim. Thời điểm này ở trại có nhiều tin đồn sẽ đưa tù nhân cải tạo đi ngoại quốc do kết quả Hội Nghị Quốc Tế Nhân Quyền Genève năm 1979.

Sau buổi lao động, bạn bè đến mừng, cho thức ăn để bồi dưỡng. Anh em giữ được tình cảm với nhau, dù ở trong điều kiện khó khăn về vật chất, anh em vẫn thương người bị giam cầm trong kỷ luật. Bất cứ ai từ trong xà lim được thả ra, ít nhiều anh em cũng tìm cách giúp đỡ thức ăn và thuốc men.

Có nhiều anh em quá lạc quan, họ suy đoán chúng tôi là nhóm đầu tiên được chuyển ra nước ngoài.

Tôi đã được trại trưởng thông báo chuyển trại, và hắn còn nói rõ là sẽ đưa đến nơi có điều kiện cải tạo hơn, tức là điều kiện giam giữ và lao động sẽ khắt khe hơn. Tôi nói điều đó nhưng nhiều bạn vẫn không tin. Họ vẫn đoan chắc là chúng tôi được tống xuất.

Tù thường mơ ước, những ước mơ dựa trên những tin tức không chính xác được diễn dịch qua sự suy luận chủ quan. Ngày nào trong tù cũng có tin tức lạ, nhất là sau giờ thăm nuôi. Những tin tức loại “xịn” đó được chế đi chế lại qua nhiều người. Thăm gặp gia đình vào, đem biếu thức ăn cũng không quý bằng đưa ra một “hot news”. Nếu không có “hot news” không chừng bị anh em nóng tính mắng là người nhà chỉ biết lo ăn không lo nghe tin của đài BBC. Tin tức phải được xác nhận do đài BBC loan mới được xem là có giá trị cao. Người loan tin xịn được tù quí trọng. Tù mặc tình chế tạo tin, tin nào cũng xác nhận hoặc là sắp sửa được Mỹ rước, hoặc tin quân sự như các địa điểm chiến lược, hay rừng núi đều được quân ta ở trong rừng chiếm gần hết, những tên Nguyễn Cao Kỳ, Bùi Thế Lân, Ngô Quang Trưởng được nhắc đến hàng ngày. Không phải tù hoàn toàn tin vào những tin tức sốt dẻo đó, họ thích nghe thì đúng hơn, vì những tin đó hợp với sự mong đợi của họ hơn là những loại tin tức tuy hợp lý nhưng ngược lại, và khó nuốt như tin tức về việc gia hạn tập trung cải tạo, hoặc có người nào dám nói là không có lực lượng quân đội trong rừng sẽ gặp phản ứng dữ dội, bị buộc tội đâm sau lưng chiến sĩ, làm nản lòng anh em hay tay sai cho Cộng sản. Quần quật làm lao động, nghe và bình luận “hot news”, ăn khoai mì, hút thuốc lào, kể và nghe chuyện kiếm hiệp, đa số tù nhân bị hủy hoại từ thể xác đến tinh thần trong đời sống hàng ngày ở trại cải tạo như vậy. Có nhiều người cần những loại tin tức lạc quan giúp họ sống và hy vọng như một loại thuốc ngủ để cho người bịnh an tâm ngủ quên khỏi sợ hãi cơn bịnh trầm kha trong đêm dài vô tận.

Tôi quí những anh em trẻ trong nhóm Phố vì họ biết dùng thì giờ rảnh rỗi thật hiếm ở trong tù để tìm hiểu học hỏi thêm, biết hướng sự suy nghĩ để phân tích những đề tài ích lợi, làm cho đầu óc sắc bén và phong phú thêm, không hủy hoại bởi những trăn trở vô ích. Xa họ tôi rất buồn đồng thời cũng mừng cho họ, vì không ai phải chuyển trại cùng với tôi lần này. Dù khổ cực đến đâu các trại ở Saigon cũng đỡ hơn vì gần gia đình, có thể thăm gặp đều đặn. Mỗi lần có chuyển trại xa về hướng Bắc chừng nào càng khổ chừng đó.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 5-9-79 chúng tôi bị đánh thức chuẩn bị rời trại, nghị sĩ Phan Thông nhờ bị thương từ trước, đi đứng khó khăn được cho ở lại cùng với hai người có án 18 năm được xem là án nhẹ. Tổng số bị chuyển tròn 30 người, 8 người có án từ 20 năm đến chung thân. Trong 22 người tập trung cải tạo chỉ có anh Tăng Ngọc Hiếu là sĩ quan trình diện – còn 21 người còn lại thuộc thành phần bị bắt.

Chiếc xe vận tải bít bùng không cho phép chúng tôi nhìn ra bên ngoài, nhưng chúng tôi cũng biết đến ngã ba ông Đồn xe rẽ trái, xe di chuyển về hướng Bắc, rõ ràng đã làm tiêu tan hy vọng của người “lạc quan tếu” nhất là anh Nguyễn Văn Hiếu. Đến lúc được còng tay đẩy lên xe, anh Hiếu vẫn thầm thì nói với người đồng còng là về Saigon để lên máy bay ra ngoại quốc.

Quốc lộ 1 đã hư hỏng nhiều nên xe di chuyển thật chậm. Mới hơn 4 năm, hệ thống giao thông đã lùi lại bằng thời kỳ những năm 50. Quá trưa xe tạm dừng nghỉ ven quốc lộ nơi đồng vắng ngoài tỉnh lỵ Phan Rang. Mỗi lần di chuyển tù bọn công an vũ trang bảo vệ rất chặt chẽ, chúng nói là sợ dân chúng phẫn nộ hành hung tù nhân. Anh em từ các tỉnh miền Tây kể lại họ di chuyển bằng xe đò, cứ mỗi lần dừng nghỉ ở thành phố hay vùng đông dân, đồng bào thấy tù chuyển trại, họ không phẫn nộ, trái lại còn ném thức ăn, trái cây hay tất cả những gì họ đang có lên xe cho tù. Để tránh tình trạng đó, nên chúng tôi được ngồi xe thùng kín mít và khi dừng nghỉ ăn trưa ở nơi đồng trống.

Buổi chiều xe nghỉ lần thứ hai tại dốc quận Tuy An tỉnh Phú Yên, để chúng tôi ăn nốt phần cơm còn lại. Đầm Ô Loan vẫn đẹp, nước xanh biếc in rõ bầu trời cao, lác đác vài cụm mây mỏng bồng bềnh di chuyển chậm chạp. Từ Phú Yên trở vào là vùng khí hậu khô và ít mưa, tháng chín vẫn còn là mùa nắng. Mười bốn năm trước tôi làm ở quận Đồng Xuân, gặp thời kỳ chiến tranh gia tăng ác liệt, nhiều vùng bị Việt Cộng tạm chiếm, quốc lộ di chuyển không an toàn, từ Tuy Hòa về quận phải đi bằng trực thăng, mỗi lần trực thăng từ bờ biển rẽ trái bay qua đầm Ô Loan tôi nhoài người để nhìn ngắm khắp cái cảnh đẹp bên dưới và mong có ngày hết chiến tranh trở lại sống nơi đây một thời gian để những lúc rảnh rỗi bơi thuyền khắp vũng đầm thỏa thích.

Chiến tranh đã kết thúc, nhưng tôi đã ghé lại đây trong hoàn cảnh của người tù. Ngước nhìn về phương Nam, núi Vọng Phu ẩn hiện mờ nhạt, chạnh lòng nhớ vợ con ở nhà, mỗi lần di chuyển càng xa gia đình hơn, biết có bao giờ được trở về, vừa thương gia đình, vừa thấy mình có lỗi. Tôi đã không làm trọn vẹn trách nhiệm của người chủ gia đình, một quyết định sai lầm bao nhiêu người phải khổ lụy theo. Hơn 5 tháng bị giam trong xà lim kỷ luật, vợ con tôi tháng nào cũng lên trại để xin gởi quà thăm gặp nhưng đều bị từ chối, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tôi không biết là vợ con tôi còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa với cuộc sống càng ngày càng bị thắt chặt lại.

Chỉ có một ngày ăn di chuyển, buổi tối chúng tôi đến trại Xuân Phước. Đó là một trại ở vùng nước độc chuyên giam giữ tù hình sự. Ở tù chung với tù hình sự là một điều không may mắn, một thành phần quá ô hợp và phức tạp, đa số chỉ sống theo bản năng, mặt khác cán bộ coi tù hình sự quen thói xử tàn bạo hơn là đối với tù chính trị.

Chúng tôi được “chào đón” tận tình ở trại, chỉ có 30 người tù được hơn một chục cán bộ xét kiểm đồ vật trước khi nhập trại, thuốc men, thức ăn đều bị tịch thu. Cán bộ giải thích, ở trại tổ chức ăn uống tập thể, không phân chia vì phân chia thức ăn là vết tích của tư sản, nặng đầu óc tư hữu và trại sẽ lo cho “đầy đủ”. Vấn đề gia đình thăm gặp, thời gian đầu tạm ngưng, trại sẽ cứu xét tùy thái độ chấp hành cải tạo.

Về ở trong phòng mới xây bằng gạch kiên cố còn nồng mùi vôi mới quét. Đầu hôm hơi rừng đã tràn về lạnh ngắt qua những cửa sổ chắn song sắt trống trơn để cán bộ đi bên ngoài có thể kiểm soát được bên trong. Tiếp xúc lần đầu với cán bộ trại, ai nấy đều lo âu, bởi ai cũng hiểu là sự hứa hẹn lo đầy đủ nó sẽ như thế nào, không được gia đình tiếp tế thuốc men và thức ăn không biết sẽ ra sao. Nằm bên cạnh tôi là hai ông Võ Văn Hải và Lý Thành Cầu trằn trọc và thở dài suốt đêm, tội nghiệp hai người đã trên 60 tuổi. Tôi nhớ đầu năm 1978 ông Hải vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, làm lao động không thua một thanh niên, chỉ mới hơn một năm đã tiều tụy hẳn, nhất là cặp mắt không còn tinh anh. Muốn an ủi hai người, nhưng nghĩ là quá khách sáo nên thôi, vì bản thân tôi âu lo không kém. Còn trẻ nên tôi không để lộ ra và dễ dỗ giấc ngủ hơn. Ông Võ Văn Hải là con một người bạn đồng liêu của ông Ngô Đình Diệm. Thời gian ông Diệm ở Mỹ, ông Hải ở Pháp học tốt nghiệp trường kinh tế – trở về nước cùng với ông Ngô Đình Diệm từ ngày đầu tiên ông được kể như là một người thân tín nhất của ông Diệm ngoài những người anh em trong gia đình. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông Hải lúc đó là chánh văn phòng Tổng Thống, không hề bị làm khó dễ cũng như không bị chê trách đủ nói lên đức tính của ông. Sống cạnh ông Hải từ ngày đầu tiên ở trại lao động cải tạo, cho đến khi ông chết năm 1983, tôi biết rõ những tính tốt của ông. Biết thương và chia xẻ của riêng cho những bạn tù nghèo khó là điều tôi ít tìm thấy trong những người lớn tuổi và từng giữ chức vụ quan trọng ở chế độ cũ, đa số đều ích kỷ. Hài hòa với mọi người nhưng khắc kỷ với bản thân và nghiêm khắc với thân nhân trong gia đình là bản tính của ông.

Đây là lần thứ hai tôi thấy ông Võ Văn Hải mất tinh thần. Lần đầu ông hơi mất tinh thần khi đọc xong truyện trinh thám “X-30 phá lưới” của một nhà văn Cộng sản trong đó nhân vật Võ Văn Hải được mô tả như là một người chống Cộng sản mạnh mẽ nhất trong những người thân cận của Tổng Thống Diệm.

Ông Lý Thành Cầu là người thứ hai tôi hết lòng yêu mến trong những người đi cùng đến trại Xuân Lộc. Chuyến đi này cũng có ông, dù là trong một năm rưỡi ở trại, ông Lý Thành Cầu không vi phạm điều gì. Trường hợp ông Lý chứng tỏ sự trả thù dai dẳng của Cộng sản. Ông Lý là Đại tá của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa, được cử theo cụ Nguyễn Hải Thần về Việt Nam, ông Lý biết rất rõ từng nhân vật cũng như biến chuyển nhanh chóng của lịch sử Việt Nam trong những ngày tháng trước và sau ngày Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập. Sau khi cụ Nguyễn Hải Thần thất bại, ông Lý trở về Trung Hoa thời gian ngắn, rồi trở lại Hải Phòng nơi ông được sinh và lớn lên trước khi về học ở đại học Bắc Kinh. Từ khi di cư vào Saigon ông Lý lấy vợ Việt Nam và lập xưởng làm nước tương, không còn tham gia hoạt động chính trị. Sau khi miền Nam sụp đổ ông Lý bị Việt Cộng bắt nhốt từ những ngày đầu tiên.

Ông Lý hiểu rõ phong tục tập quán của người Việt, ông thuộc rất nhiều thơ văn Việt Nam, lúc đầu gặp ông Lý tôi đã có cảm tình khi nghe ông đọc nhiều đoạn thơ trong Chinh Phụ Ngâm cũng như thơ Kiều. Học lịch sử Việt Nam, nhớ lại một ngàn năm đất nước bị Trung Hoa đô hộ, từ nhỏ tôi vốn không thích người Tàu, nhất là những người tài phú thương mãi. Từ ngày gặp một số người Hoa có trình độ học vấn cao như ông Lầu, một nhà báo Đài Loan, Trần Tỷ một nhà tư sản, Trương Dĩ Nhiên, nhà tư sản, ông Lý, chúng tôi có thể trao đổi những vấn đề của đời sống và con người. Tôi thấy có thể thông cảm với nhau được. Có nhiều vấn đề, ngoài tinh thần quốc gia cần suy nghĩ trên bình diện con người và tình cảm của con người. Chủ nghĩa Cộng sản muốn đặt quan hệ quốc tế tức ra ngoài biên giới quốc gia, nhưng lại không tôn trọng đến con người và hạnh phúc của con người nên nó không phục vụ được cho quốc gia và cũng không phục vụ con người; nó chỉ phục vụ cho một tập đoàn cấu kết nhau để nhằm cướp đoạt hạnh phúc của người khác. Đó là một tư tưởng quái dị và thoái hóa. Thời đại ngày nay mọi tiến bộ kỹ thuật đã làm cho con người gần gũi nhau hơn, dễ thông cảm nhau hơn, nên sự kiện con người tiêu diệt lẫn nhau không còn có thể chấp nhận được. Thực tế đời sống đã chứng minh được tương quan giữa con người với nhau không còn là tương quan tước đoạt và bóc lột nhau, mà ngày nay có thể hình thành tương quan tương nhượng để cả hai bên cùng có lợi, cùng hòa hợp với nhau. Từ đó rõ ràng là chế độ Cộng sản không còn lý do để tồn tại nữa vì nó không phục vụ cho sự tiến bộ của đất nước cũng như hạnh phúc của con người. Do đó việc chống lại Cộng sản dưới mọi hình thức là một việc làm đúng đắn, cho dù có thiệt hại, có bị tù đầy khi chế độ đó chưa bị tiêu diệt hẳn thì không có gì là đáng ân hận. Khi đất nước bị Cộng sản xâm lăng, một con người biết tự trọng hoặc là ở chiến trường để chiến đấu, hoặc là ở trong tù.

Ngày hôm sau chúng tôi lên hội trường để nghe trại trưởng nói chuyện, 30 người tù ngồi trong một hội trường quá lạc lõng và ít ỏi so với số cán bộ ngồi trên bục sân khấu. Sau khi giới thiệu qua thành phần cán bộ chỉ huy gồm chính trị viên, phân trại trưởng, cán bộ an ninh và trực trại hắn tự giới thiệu là Trung tá Thân Yên. Nhìn qua thành phần cán bộ vừa được giới thiệu tôi đã có nghĩ đến những khó khăn chúng tôi phải chịu đựng trong những ngày sắp tới, không hẹn mà tập trung những tên có hình dáng dị dạng, lộ rõ sự hung ác nham hiểm. Trại trưởng Thân Yên người nhỏ thó, mặt dơi, tai chuột, quắt queo; phân trại trưởng Lê Đồng Vũ, mắt trắng, môi thâm, mặt đỏ lừ như người vừa uống rượu; chính trị viên Nghị mắt lúc nào cũng láo liên mặt vác lên kênh kiệu; trưởng ban an ninh Nguyễn Minh Lý mắt lé, mặt lấm tấm rỗ hoa mè xanh nhợt; hai trực trại Luật mụn và Thái đen mắt lúc nào cũng trừng trừng đanh ác. Bằng giọng Bình Định, Thân Yên nói: “Đáng lẽ ra tôi phải nói chuyện trước hàng trăm, hàng ngàn người, các anh chỉ có 30 người mà tôi đến nói với các anh đó là điều hân hạnh cho các anh. Các anh phần lớn vi phạm kỷ luật ở trại cũ, tôi có thể nhốt các anh trở lại, nhưng tôi xóa hết để các anh bắt đầu lại. Đến trại này các anh chỉ có hai con đường để chọn, một là sống, hai là chết. Muốn sống các anh phải chấp hành nghiêm chỉnh nội qui trại, còn muốn chết là do thái độ của các anh, mà các anh có sống cũng bằng thừa, có chết cũng không thiếu. Đây là trại Kiên Giam, nhà nước kiên trì cải tạo phạm nhân, chúng tôi có thì giờ để làm việc đó, thời gian có thể là 10 năm, 20 năm, chúng tôi cũng có thể làm được… Chính sách của Đảng và nhà nước trước sau như một, Đảng luôn luôn khoan hồng nhưng cũng sẵn sàng nghiêm trị, khoan hồng với những ai, với người nào, và nghiêm trị với kẻ nào, tên nào, thằng nào…” Hắn nhấn mạnh từng chữ tên, thằng, kẻ. Đắc ý với lời nói hăm dọa, mặt vênh vênh nghiêng lên biểu lộ sự thích thú xong hắn gọi: “Thiệp đâu, San đâu, đứng lên”. San và tôi đứng lên. Thân Yên ngắm chúng tôi một lúc, đầu gật gù đắc thắng, và như ước lượng kẻ địch mà hắn có quyền dày vò cho thỏa thú tính. Rõ ràng là một buổi nói chuyện để dằn mặt chúng tôi, lần đầu tiên mới nghe đến trại Kiên Giam – tức là trại giam tù lâu dài không có thời hạn. Ngay sau buổi nói chuyện, cán bộ Lý, trưởng ban an ninh gọi tôi ở lại làm việc, hắn bảo tôi khai việc làm và lý do tôi bị giam kỷ luật ở trại cũ. Trước khi cho tôi về đội, hắn nhắc đi nhắc lại là có thể giam tôi trở lại bất cứ lúc nào vì thời hạn kỷ luật của tôi ở trại cũ chưa kết thúc. Hắn nhấn mạnh là khi hắn quyết định giam thì không ai ngoài hắn ra có thể thả.

Đây là trại Kiên Giam có qui chế giam giữ riêng cho tù nhân từng bị kỷ luật, bị ghi nhận là không chấp hành chế độ cải tạo, có hành động chống đối. Trại Xuân Phước tự nhiên đã là trại tù khắc nghiệt. Trại tù cộng sản đều giống nhau, người tù phải chấp hành nội quy 38 điểm quy định khai báo, chế độ lao động, tương quan với cán bộ, tương quan với người tù với nhau, chế độ thăm gặp gia đình, viết thư, chế độ kỷ luật v.v… Người tù phải làm để nuôi sống cán bộ, đóng góp và sản xuất chung cho ngân sách của bộ nội vụ hay tỉnh, và nuôi sống mình. Có hai loại trại cải tạo, trại thuộc trung ương và trại thuộc địa phương; trại thuộc bộ nội vụ để giam người có án từ 10 năm trở lên và tù tập trung không có án thời hạn lâu dài, và trại ở tỉnh giam tù có án dưới mười năm và tù tập trung cải tạo ngắn hạn.

Trên thực tế các trại tù có những điểm khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và cán bộ quản lý. Các trại tù ở tỉnh tương đối dễ chịu hơn vì hai điều kiện, thứ nhất trại tù phải tự túc kinh tế nên khi lập trại, tỉnh thường chọn những nơi đất đai tương đối tốt có điều kiện sản xuất hơn. Trái lại trại thuộc bộ nội vụ thường ở những vùng đất đai cằn cỗi hơn. Lúc mới chiếm miền Nam, tù cải tạo là viên chức sĩ quan chế độ cũ, do quân đội quản lý, họ sử dụng các căn cứ quân sự cũ làm trại cải tạo; sau dần dà chuyển về cho công an. Việc chuyển giao hoàn tất đầu năm 1979, tù nhân được chuyển về các trại thuộc bộ Xuân Lộc (Z-30A), Gia Trung, Xuyên Mộc, các trại khác thuộc các tỉnh quản lý. Do đó ở tù các tỉnh đồng bằng Cửu Long tương đối dễ chịu vì vừa gần gia đình tiếp tế dễ, khi lao động có thể tìm thức ăn như cá, rắn, chuột, ếch, nhái và rau cỏ dại, cán bộ quản lý cũng no đủ nên tính tình dễ chịu cởi mở hơn.

Trái lại nếu ở các trại tù từ vùng Ba trở ra, đồng khô cỏ cháy, và nhất là chuyển trại ra miền Bắc hoặc miền Trung thì điều kiện ở các trại tù cam go hơn nhiều.

Trại Xuân Phước nằm cách trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Tre cũ khoảng ba cây số về hướng Tây. Trước năm 1975 là vùng giao tranh giữa trại Đồng Tre và mật khu Kỳ Lộ. Bộ chỉ huy trại nằm tại ngã ba đường Tây Bắc, lên Suối Cối, Kỳ Lộ. Từ Kỳ Lộ có thể ra miền núi Bình Định nay được thành lập huyện Tây Sơn; và đường lên Pleiku. Mật khu Kỳ Lộ là vùng du kích VC chiếm từ năm 1958. Quân đội VNCH chỉ đánh vào hai lần, một lần năm 1960 và một lần cuối năm 1964. Kỳ Lộ là một khu dưỡng quân và tiếp tế cho chiến trường Tây Nguyên của Việt Cộng trước năm 1975. Đường thứ hai từ Xuân Phước đi về hướng Tây Nam, đến vùng người đồng bào sắc tộc H’roi ở xã Xuân Định, lên thượng nguồn sông Đà Rằng, phần sông này được gọi là sông Hinh, nay Việt Cộng lập nên huyện Sông Hinh.

Trại Xuân Phước có nhiều phân trại nằm ở những đồi trên con đường này.

Phân trại A nằm ở gần bộ chỉ huy là trại tù giam giữ những người từ Guam về trên tàu Việt Nam Thương Tín, phân trại B giam tù hình sự có án và tù chính trị, phân trại C tù hình sự tập trung, phân trại D tù hình sự tập trung, phân trại E là khu trại nhà ngói tường gạch mới xây dựng ở bên cạnh phân trại A. Chúng tôi là toán tù thứ hai được chuyển đến, toán thứ nhất là tù chính trị có án từ các trại Mê Van Ban Mê Thuột và Rạch Giá.

Tù từ tàu Việt Nam Thương Tín, là những người xây nên trại tù Xuân Phước vào tháng 10 năm 1976. Những người đã di tản qua đến đảo Guam, rồi đấu tranh tình nguyện để “về xây dựng quê hương”. Họ kể lại, số người đấu tranh đòi được trở về lúc đầu khá đông, gần 10 ngàn người. Sau có sự thuyết phục và khuyên nhủ của người Mỹ và viên chức chính quyền VNCH ở trại, số người muốn trở về dần dần rút xuống, cuối cùng số người về nước theo tàu Việt Nam Thương Tín hơn 1600 người, thời gian đi trên tàu họ được tàu hải quân Mỹ hộ tống, và tàu này mỗi ngày đều nhắc nhở là họ có thể đổi ý quay trở lại, nhưng mọi người đều quyết định đi về, nhất là một ban lãnh đạo được hình thành do một số người tự nhận là họ được liên lạc với Nguyễn Thị Bình từ trước; những người này hứa sẽ được đón tiếp bằng những vòng hoa tươi thắm tại Vũng Tàu hay Saigon vì sự trở về nước lúc đó với họ là một hành động chứng tỏ lòng yêu nước hoặc là nếu không được đón tiếp nồng hậu thì họ cũng không gặp trở ngại gì vì họ tình nguyện trở về không chạy theo “Mỹ Ngụy”. Tàu không được cặp bến Vũng Tàu như họ nghĩ, sau hai ngày chờ đợi ngoài khơi, được tàu hải quân Việt Cộng hướng dẫn ra Nha Trang. Lúc lên bến họ được đón tiếp nồng hậu, bằng một lực lượng đông đảo công an võ trang AK. Còng chung hai người một chiếc còng số 8. Chuyển về trại Đồng Đế, làm thủ tục khai báo lý lịch và khám xét. Họ được khám xét thật kỹ từ bộ răng đến những nơi kín đáo nhất trong người để tìm máy móc gián điệp do CIA gài; những người cầm đầu và những sĩ quan cao cấp VNCH đưa về Chí Hòa để tiếp tục làm thủ tục khai báo, điều tra, sau đó được chuyển đi các trại tù cải tạo ở miền Bắc hoặc miền Trung. Đàn bà trẻ con được cho về, số người còn lại khoảng 1300, hầu hết là sĩ quan VNCH hoặc sĩ quan cảnh sát từ Trung Úy trở xuống, được đưa lên trại Xuân Phước, nơi đây họ phá rừng xây dựng trại tù. Những người tù tàu Việt Nam Thương Tín, có công lao xây dựng trại, chấp hành ngoan ngoãn nội qui trại, thái độ sợ sệt, tuân phục cán bộ; bù lại họ được tin cậy làm những công tác rộng như phá rừng, chăn nuôi, bốc dỡ hàng hóa, và mặc quần áo không có đóng số tù và dấu cải tạo. Anh em tù Việt Nam Thương Tín đều ân hận về việc làm của họ.

Những người tù VNTT ở trại Xuân Phước dần dần được tha ra khỏi từ năm 1979 và những người cuối cùng được về vào tháng 5/1982.

Năm ngày sau khi chúng tôi rời trại Z-30A đến, thì toán 78 người từ Z-30D đến. Vài ngày sau thì 118 người từ trại Z-30C ở Hàm Tân cũng được chuyển đến. Đa số là những người tù bị bắt vì mới tổ chức chống đối, hoặc sĩ quan không chấp hành lệnh tập trung, một số sĩ quan trình diện bị tình nghi là sách động trong những vụ lộn xộn trong trại vào dịp Tết Kỷ Mùi. Tháng 10 và tháng 11 hai đợt tù từ trại Suối Máu đến, nâng tổng số tù phân trại E lên hơn 700 và toàn Xuân Phước 5 phân trại lên hơn 10 ngàn người đủ tất cả các diện từ chính trị, hình sự và quân phạm của Việt Cộng. Ngoài ra trại Xuân Phước còn có một trại Hốc Kè nằm về phía đông bắc bộ chỉ huy, nơi đó là trại kỷ luật của công an, và nơi những người tù được lệnh tha ở thời gian thử thách. Chế độ thử thách trước khi về chỉ là một sáng kiến riêng biệt của trại Xuân Phước để bóc lột sức lao động của tù nhân đã được lệnh thả, thay vì đọc lệnh tha, bọn chỉ huy cho đọc “lệnh thử thách”. Đến Hốc Kè tù được quản lý rộng rãi hơn nhưng buộc làm lao động nặng hơn. Mỗi ngày họ được giao khoán hai thước khối củi, họ được tự do đi vào rừng để đốn củi cho đủ số. Thời gian thử thách là một đến hai tháng. Sau đó họ mới được thả.

Tù nhân nhiều trại tập trung về tại Xuân Phước, mới biết là trong năm 1978 và 1979 các trại tù miền Nam đều có những vụ chống đối. Lớn nhất là vụ khởi loạn mồng hai Tết Mậu Ngọ ở trại tù Kiến Hòa. Tù đã nổi loạn cướp súng giết cán bộ thoát ra khỏi trại. Nhưng chỉ số ít người trốn được, vì ra khỏi trại không biết đi đâu, bị truy lùng bắn chết hoặc bị bắt xử án, những người cầm đầu bị tử hình, những người khác đều bị xử 20 năm đến chung thân.

Âm mưu trốn trại bị phát giác ở trại giam Phan Thiết năm 1978, do sự phản bội của tên Nguyễn Văn Quyền cựu xã trưởng, những người cầm đầu đều bị án tử hình, số người còn lại bị tù từ 20 năm đến chung thân, tên Quyền được trả công cho về trại Xuân Lộc. Tết Kỷ Mùi các trại Suối Máu, Hàm Tân, Thủ Đức, Xuân Lộc đều có những vụ náo loạn, khởi đầu bằng những việc tập trung ca nhạc vàng, rồi đưa đến việc rải truyền đơn đả đảo cộng sản, đánh an ten hoặc chống đối không chịu đi lao động. Ở trại Z-30C còn có vụ tù nhân tên Hiếu (tù chính trị bị bắt trong tổ chức phản động của nhóm người Quảng Nam di dân ở các trại định cư vùng Rừng Lá) sau khi trốn trại đem súng về hoạt động quanh trại đón giết nhiều cán bộ Z-30C trước khi anh bị phục kích giết chết.

Trại Xuân Phước ở một vùng thung lũng khô cằn, đất núi chỉ trồng được một loại khoai mì kỹ nghệ có nhiều chất độc gọi là khoai mì H-34 và loại đậu cua. Đậu cua là một loại đậu hạt gầy dài cong cong và mầu nâu như cặp mắt cua. Loại đậu cua có sức sống rất mạnh, nên có thể sinh sản được trong vùng đất núi khô cằn Bình Định, Phú Yên. Cây đậu lúc còn bé mảnh khảnh, lá xanh có ba chia, thân lá có lông thành ra lá rám cứng. Khi cây đậu lên cao ngang một tấc thì tỉa bớt cho cây còn lại lớn mạnh, những cây tỉa ra đó giúp cho tù được một bữa canh. Ở trại rau xanh rất hiếm, không đủ đưa vào bếp của cán bộ, tù không có phần. Cây đậu được tỉa xong, lên rất mạnh, cây sinh nhiều cành nhiều nhánh phủ lên cả cỏ dại và những bụi cây rừng nhỏ, qua xong mùa mưa tháng mười thì đậu trổ bông chen qua các kẽ lá xanh, những bông tím man man vươn cao mạnh mẽ để đón đoàn bướm nhiều màu sắc làm cho cảnh núi rừng bớt đi vẻ hoang dại thê lương. Cuốc đất, dọn cỏ quần quật suốt ngày, nhưng có một lúc nào đó người tù chống cuốc đứng nhìn thấy cảnh hoa bướm tự nhiên vô tư này cũng cảm thấy lòng lâng lâng, muốn quên hết quá khứ cũng như muốn quên cái hiện tại đang đau khổ, rồi lẩm bẩm đọc lại vài câu thơ còn sót lại trong óc mình sau khi đã quên gần hết những gì đã học từ thời thơ ấu.

Hạt đậu cua ăn không ngon, có lẽ ít chất bổ dưỡng, lúc đầu ăn chưa quen thường sình bụng, nó là món thu hoạch của trại nên cán bộ cũng bớt giữ gìn; mùa thu hoạch người tù có thể ăn cắp một vài nắm về phụ cho bữa ăn ít ỏi vào dịp Tết. Dân miền núi Bình Định Phú Yên cũng đói quanh năm, họ cũng nhờ đậu cua ăn phụ vì vùng này không bao giờ đủ gạo ăn vì lúa gạo trồng ra thì đã nộp thuế cho nhà nước hơn 2/3 số thu hoạch.

Điều kiện khó khăn, tù nhân bị ghép vào tội chống đối, được quản lý bởi một người trại trưởng người Bình Định và cán bộ người miền Trung và miền Bắc. Ba yếu tố đó để trại Xuân Phước trở thành một trại kham khổ nhất và phân trại E, phân trại giam những người chống đối, bị kỷ luật, bị chế độ Kiên Giam trừng giới.

Nước Việt Nam nhỏ bé, nhưng điều kiện giao thông liên lạc dân chúng của các miền khó khăn vì cả lý do chính trị lẫn địa lý, thêm vào chịu ảnh hưởng của chính sách chia rẽ liên tục của các chính quyền hàng mấy trăm năm, nên tính tình và đời sống dân Việt Nam có nhiều khác biệt tùy theo địa phương họ sinh và lớn lên.

Miền Nam nhất là vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đất đai phì nhiêu, đời sống kinh tế dễ dàng nên người miền Nam hiền hòa dễ tính. Sau ngày 30-4-1975, điều kiện sống có nhiều khó khăn, nhưng miền Nam vẫn dễ sống hơn các miền khác, và cũng vì tính hiền hòa, phóng khoáng của người miền Nam nên họ không thích hợp với chủ trương đấu tranh giai cấp, sống trong sự ganh tị, xoi mói nhau giữa người này và người khác, nên họ không chấp nhận chế độ Cộng sản và các chủ trương cai trị của chính quyền Cộng sản. Ngay cả cán bộ Cộng sản miền Nam dù là cán bộ hồi kết hay cán bộ nằm vùng cũng dễ dàng quay lại lối sống phóng khoáng, thoải mái của miền Nam. Đó cũng là sự thất bại của chế độ Cộng sản khi thi hành ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30-4-1975. Bị từ khước và tiềm tàng chống đối, ngay cả từ những người nông dân hay gia đình có thân nhân là cán bộ cộng sản. Đa số người miền Nam chấp nhận và ủng hộ kháng chiến nhưng không ủng hộ cộng sản.

Người miền Bắc và các tỉnh phía Bắc Trung Việt, đất hẹp người đông, đời sống kinh tế chật vật, truyền thống chống ngoại xâm, giữ nước, nhất là với người Trung Hoa ở phương Bắc, khả năng sinh tồn và sức sống mãnh liệt, biết bám vào những điều kiện xã hội. Các nước chậm tiến và các nước Cộng sản, chính quyền là môi trường có điều kiện sống tốt hơn hết trong xã hội.

Dân các tỉnh miền Nam, Nghĩa, Bình, Phú tức là liên khu 5 cũ, một thành trì của chế độ Cộng sản. Những đức tính của người dân vùng này cũng là kết quả của sự ảnh hưởng của một vùng địa lý khô cằn đất cày lên sỏi đá, lại bị các chính quyền kỳ thị liên tục gần hai trăm năm kể từ khi vua Gia Long thi hành chính sách trả thù nhà Nguyễn Tây Sơn. Từ đó người dân liên khu 5 đứng về phía chống chính quyền và họ tiếp tục bị đàn áp và kỳ thị của thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến chống Pháp 1954 và chế độ Cộng sản dễ được dân chúng vùng này hưởng ứng. Vì lâu năm bị đè nén và ngược đãi nên ý thức chống đối càng mãnh liệt nên tạo thành tính cực đoan và những tính phụ thuộc theo đó. Cho nên người dân Nam, Nghĩa, Bình, Phú nổi tiếng cực đoan và tàn nhẫn về chính trị: đã đứng về phía nào thì dứt khoát và tranh đấu quyết liệt và chấp nhận đổ máu, chấp nhận chết và sẵn sàng tiêu diệt đối thủ. Nhạy cảm và có ý thức và lập trường chính trị, nhiệt tình bảo vệ lý tưởng. Cán bộ cộng sản tàn ác, nhưng cán bộ người miền Nam có thể dùng tình bạn và tiệc rượu mua chuộc được, cán bộ cộng sản miền Bắc dùng tiền mua chuộc được, nhưng cán bộ cộng sản miền Trung thì những sự mua chuộc khó khăn hơn nhiều và người dân sẽ bị đối xử tàn nhẫn nhiều. Những tính tình cực đoan, sự cuồng tín bảo vệ chế độ đó không phải là hoàn toàn xấu. Vì người miền Trung nơi chiến trường ác liệt nhất, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các biến chuyển chính trị của đất nước, nên người dân cũng rất nhạy bén và nhận định chính trị có lập trường và lý tưởng chính trị. Họ sẽ nhanh chóng nhận được con đường đúng và sai, cũng như đặc tính cuồng nhiệt, dám làm cũng là nơi khởi diễn nên những cuộc đấu tranh chống cộng sản áp bức mãnh liệt nhất. Điều này đã có dấu hiệu cụ thể, những người tù chính trị sau ngày 30-4-1975 được đưa từ các tỉnh miền Trung đến Xuân Phước, phần nhiều đều có tổ chức võ trang chiến đấu thực sự, dù còn lẻ tẻ và chưa có lãnh đạo. Những tổ chức chính trị tổ chức từ Saigon hay các tỉnh miền Nam phần lớn chỉ mới kết hợp và đưa đến sự chờ đợi Mỹ sẽ chủ động làm ngược lại thế cờ chính trị tại Việt Nam.

Một dấu hiệu nữa thể hiện qua hàng ngũ cán bộ. Những cán bộ gốc Nghệ Tĩnh lúc đầu rất cực đoan và sắt máu, nhưng sau thời gian ở các trại tù, tiếp xúc với tù nhân, họ thấy tù nhân không giống như những người ác ôn, ăn gan người, uống máu người và hiếp dâm phụ nữ như đảng dạy cho họ. Những cán bộ gốc Nghệ Tĩnh là những người thay đổi thái độ trước nhất. Họ tỏ ra thông cảm và dễ chịu với tù. Những người cán bộ gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi là hay đánh đập tù nhất, nhưng đến năm thứ 8 thứ 9, họ đã bắt đầu nói rằng họ ân hận vì đã đánh đập đối xử tàn nhẫn với người cải tạo. Chỉ có cán bộ miền Bắc đa số quan liêu hách dịch khó khăn.

Nạn nhân đầu tiên của tính cực đoan của cán bộ chính trị của cán bộ cộng sản liên khu 5 là Huỳnh Cự, anh là người sĩ quan Việt Cộng hồi chánh năm 1954 làm đến Tham Nghị Bộ Chiêu Hồi (ngang hàng với Giám Đốc Bộ Chiêu Hồi). Bị bắt trong những ngày đầu sau khi Saigon bị sụp đổ, anh Cự bị giam ở các nhà giam Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, Hàm Tân, Xuân Phước. Biết rành chế độ cộng sản và những sự tàn nhẫn của nó, cũng như đã lớn tuổi và cái thế tế nhị của một người hồi chánh, nên nơi đâu anh cũng sống dè dặt và cố gắng thu mình trong công tác lao động. Nhưng những toan tính và kinh nghiệm của Cự không giúp cho anh được nhiều vì trong nhà tù anh luôn luôn bị hai mũi dùi. Cán bộ cộng sản xem anh như người phản bội nguy hiểm, ngoài Bắc trước năm 1975 đã có những bài học về trường hợp của Huỳnh Cự, mỗi khi cán bộ cộng sản mới đến trại, họ đi tìm để xem biết mặt anh. Phía người tù thì luôn luôn nghi ngờ Cự, xem anh là người cộng sản nguy hiểm. Thái độ lao động tích cực của Cự càng bị một số người chống đối cực đoan ghét, xem anh là phản bội người đồng cảnh. Đến trại Xuân Phước, Cự càng gặp khó khăn hơn, bởi Thân Yên trước kia là thuộc cấp của Huỳnh Cự.

Một hôm Thân Yên gặp Huỳnh Cự trong trại, để Cự nghiêm chỉnh chào mình xong, Thân Yên nói rất nhỏ nhẹ: “Anh Cự đó hả? Thấy anh còn sống tôi mừng cho anh, tôi nhớ lại thời gian sau khi anh bỏ chúng tôi về thành, ngày nào chúng tôi cũng bị B-52 đánh, bao nhiêu anh em đã chết…” Nghe Thân Yên nói, Cự tái xanh mặt. Từ đó, cứ mỗi lần lên hội trường, nói về chính sách khoan hồng, Thân Yên đều kể trường hợp của Huỳnh Cự, hắn luôn nhấn mạnh là Cự đáng tội chết nhưng đảng đã khoan hồng cho đi cải tạo. Mặt khác Thân Yên tỏ ra tín nhiệm cho Huỳnh Cự làm đội trưởng đội mộc và làm đội trưởng những người được xem là tiến bộ được gọi đi làm ban đêm. Trong nhà tù cộng sản cũng như xã hội cộng sản cả hai thành phần tích cực làm việc cho chế độ và chống đối chế độ đều khổ theo hai cách khác nhau. Người chống đối bị trừng phạt đày ải đến chết thì ngược lại người tích cực cũng bị thúc đẩy làm việc đến kiệt sức. Chỉ có người biết cách sống biết chịu đựng và lách né khéo là đỡ khổ. Nhưng đóng vai trò này rất khó – vì cuộc sống lôi kéo con người phải chọn hay tự nhiên sẽ bị đưa đẩy đến hoặc là bên thái độ này, hoặc là thái độ kia, không lưng chừng.

Vì ở cái thế phải đóng vai người biết hối lỗi, Huỳnh Cự thành người cải tạo tiến bộ. Nhưng Cự là người có kinh nghiệm với chế độ cộng sản, anh chỉ đem sức ra làm lao động và có thúc đẩy năng suất lao động của đội; và chỉ báo cáo những việc lặt vặt như nấu nướng trái phép, đánh lộn v.v… còn việc báo cáo và đặt điều báo cáo về hành vi chính trị và lời nói của người khác anh Cự không hề làm. Đa số người hiểu anh, nhưng cũng có ít người không hiểu, những người đã từng ở chung trại Chí Hòa và trại Hàm Tân, có tinh thần chống cộng cực đoan trong nhóm anh Vũ Văn Ánh và anh Ngô Văn Ly và họ đã mượn tay cộng sản để hại Huỳnh Văn Cự. Một hôm Ngô Văn Ly đã dán một truyền đơn “đả đảo cộng sản và Hồ Chí Minh”, dưới tờ truyền đơn ký tên Huỳnh Văn Cự. Dù thiệt thà đến đâu, không ai tin là Huỳnh Cự dám làm chuyện đó, nhưng đối với Thân Yên, đó là một cái cớ để đem Huỳnh Cự đi nhốt ở xà lim trên hai năm. Nếu không nhờ thân nhân bên vợ là cán bộ cao cấp của cộng sản thỉnh thoảng từ Nghệ An mang quà tiếp tế thì Huỳnh Cự chết rồi. Hơn 25 tháng bị cùm đến khi được thả Huỳnh Cự đã bò từ phòng an ninh về nhà giam tập thể.

Một trường hợp khác chứng tỏ sự tàn bạo của cán bộ liên khu 5. Trước ngày 30-4-1975, người ta tuyên truyền Saigon sẽ trở thành biển máu. Cộng sản đã biến Saigon thành biển nước mắt. Nước mắt chia ly, nước mắt chờ đợi của bao gia đình tan tác. Nhưng máu đã đỏ nhuộm ở vùng đất khô cằn ở thung lũng Xuân Phước, với núi rừng trùng điệp bao quanh.

Một hôm chúng tôi được điều đi lao động xa, dọn một nghĩa địa nằm giữa hai phân trại A và B lấy đất trồng khoai mì. Nghĩa địa rộng khoảng hai mẫu, nhiều mộ đã được bốc, chúng tôi lấp những mả bốc xong, san bằng khu đất. Lúc đó chúng tôi mới chú ý đến những nấm mộ còn lại, nấm đất đã bị lụn mòn vì thời gian không ai tu sửa, những thanh gỗ cắm trên đầu mỗi ngôi mộ còn ghi rõ tên tuổi quê quán, ngày chết. Vừa nhổ những thanh gỗ để làm củi nấu nước, chúng tôi đọc thấy những người nằm ở nghĩa địa này đã chết trong ngày 3 và 4 tháng 5 năm 1975. Họ sinh tại các làng xã vùng Tuy Hòa, Sơn Hòa, Hiếu Xương, Phú Đức. Ngày 2 tháng 4 năm 1975 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bị quân ta bỏ ngỏ. Đây là những nhân viên, cán bộ cấp dưới không kịp chạy khỏi địa phương, họ bị bắt và đưa lên đây để bị giết hàng loạt. Thân nhân của họ đã đến tìm lập vội vàng mộ bia ghi nhớ – nhiều người đã bốc mộ – con số còn lại đến nay thân nhân không còn cơ hội quay trở lại nên trại quyết định san bằng. Đếm số mộ bia còn lại là 73 cái, cả nghĩa địa ước lượng khoảng 500. Đó chỉ là một địa phương, còn bao nhiêu địa điểm như nghĩa địa này ở Phú Yên và bao nhiêu cái khác ở toàn lãnh thổ các tỉnh liên khu 5 nổi tiếng quá khích. Về sau, nói chuyện với một số cán bộ chúng tôi được biết là sau khi chiếm được hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, số cán bộ của hạ tầng cơ sở của VNCH bị tập trung lại khoảng 8000 người. Nguyễn Hữu, bí thư tỉnh ủy Phú Khánh chủ trương đưa lên Xuân Phước giết hết. Trong hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 1975 họ mới giết hơn 1000 người thì có lệnh từ Hà Nội vào chỉ thị phải ngưng cuộc tàn sát đẫm máu lại nên nhiều người thoát chết. Thầm van vái cho người chết sớm được siêu thoát, họ đã trả nợ núi sông. Có ai còn nhớ đến chiến sĩ không tên tuổi. Gia đình xa họ cũng không còn đến được để bốc mộ. Thân xác các bạn đành làm phân cho cây khoai mì mà chúng tôi sắp trồng.

Con người là sản phẩm của xã hội, kinh tế là hoạt động căn bản của loài người. Điều phân tích của Karl Marx không sai, nhưng nó chỉ đúng ở xã hội sơ khai và được đơn giản hóa khi con người tìm lương thực, thực phẩm để mà sống, nhưng khi nhu cầu vật chất tương đối đầy đủ, xã hội phát triển đa dạng và sinh hoạt con người trong xã hội trở thành phong phú thì những nhu cầu khác sẽ trở thành quan trọng hơn. Con người không phải là con thú chỉ tìm cái ăn hàng ngày, mà con người tích lũy của cải, thành quả lao động của mình để tổ chức sản xuất tiến bộ, dư thừa sản phẩm, con người cần tổ chức sao cho mọi năng lực, tài nguyên và thời gian sử dụng vào việc mưu tìm sự sống thật ít, còn thì giờ để phát triển tìm sự thỏa mãn cho nhu cầu tinh thần và sự thụ hưởng hạnh phúc. Lý thuyết của cộng sản dựa trên sự giản lược tối đa về các hiện tượng xã hội và loài người, và chế độ cộng sản thì tước đoạt mọi tư hữu của con người, để hạ thấp giá trị con người đơn giản như con thú và guồng máy chính quyền của đảng sẽ nhân danh tập thể xã hội để nắm tất cả quyền hạn, quyền lợi và phương tiện sản xuất, và làm chủ sự phân phối của cải xã hội theo ý riêng của họ. Nhưng khi nhân danh tập thể, nhân danh xã hội guồng máy khổng lồ do chính quyền cộng sản thành lập vừa gặp phải các nhược điểm tất yếu của một tổ chức quá to lớn đưa đến sự uổng dụng phí phạm tài nguyên, sự cứng ngắc do hệ thống thư lại tính tham lam của con người có quyền hành vô hạn. Chế độ cộng sản dựa trên lý luận đơn giản của con người thì đúng, nhưng đưa ra áp dụng cho toàn thể xã hội thì sai. Chế độ cộng sản chỉ trích những sai lầm của chế độ phong kiến, quân chủ, tư bản thì đúng, nhưng khi nắm chính quyền thì chế độ cộng sản sai lầm lớn hơn tất cả mọi chế độ trước. Chế độ cộng sản không phục vụ được con người, không phát triển được xã hội. Người cộng sản thành công khi họ tranh đoạt chính quyền, họ hành động quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng, nhưng họ thất bại khi nắm chính quyền.

Thắt chặt bao tử để cai trị là chính sách của chính quyền cộng sản. Cùng với chính sách công an nhân dân, kiểm soát thật kỹ lưỡng hành động của người dân, tình trạng đói kém làm cho dân hết sức đề kháng, không có thực phẩm thuốc men, tài sản để tổ chức đối kháng, trong khi đó toàn dân đói; đảng viên công nhân được no đủ hơn sẽ trung thành, bám chắc và ra sức bảo vệ chính quyền.

Chính sách bao tử được triệt để thi hành trong các trại cải tạo, những người tù tương đối ngoan ngoãn được biên chế vào các đội nhà bếp, rau xanh, chăn nuôi, làm rừng gián tiếp cho phép tìm thức ăn ngoài tiêu chuẩn. Cái gì ăn được cũng quý, rau, cỏ dại, rễ cây, côn trùng mà người tù có thể tìm được, gọi là “món ăn cải thiện đời sống” cũng được cho phép công khai hay mặc nhiên, thức ăn do gia đình đưa lên cũng phải cải tạo tốt mới được nhận. Trái lại, những người tù bị gọi là xấu dù không bị nằm trong kỷ luật cũng nhận sự phân biệt đối xử, không được viết thư, không được nhận quà của gia đình lên thăm trại hoặc gửi bằng bưu phẩm qua ngả bưu điện; không được biên chế vào các đội có thể tìm thức ăn cải thiện, thường là phải làm công tác lao động vất vả hơn như đào ao, đập đá, san đồi làm đường giao thông, làm gạch ngói. Một ân huệ được Việt Cộng ban phát phải có điều kiện, làm đội trưởng, làm trật tự thi đua phải cải tạo tốt, đa số là những người đã từng báo cáo bạn bè hay ít nhất quá trình cải tạo không bao giờ vi phạm kỷ luật. Đa số tù nhân phân trại E Xuân Phước là thành phần cải tạo xấu – nên các biện pháp bóp chẹt thi hành triệt để. Khẩu phần ăn buổi sáng năm hoặc sáu lát khoai mì khô băm xéo còn nguyên vỏ, buổi trưa và chiều mỗi buổi một chén cơm độn độ 80% khoai mì băm nhỏ, tù chỉ được phát nước muối, tiêu chuẩn nước muối cũng phải chia vì nếu để lấy tự do sẽ không đủ cho mọi người. Gia đình tìm đến thăm bị từ chối đuổi về, dù thân nhân người tù phải tốn 3 hay 5 ngày đường mới đi từ Saigon đến ngã ba Chí Thạnh và từ ngã ba Chí Thạnh vào đến trại phải gánh quà đi bộ hơn 20km đường núi.

Tất cả lá cây ăn được ở trong trại đều được tù vặt sạch, những đội đi làm nông nghiệp mới may mắn tìm được rau trái hay bèo Nhật Bản để ăn thêm. Mùa đông năm 1979 tù nhân vừa đói vừa lạnh; nhưng hầu hết tù nhân trại E là những người từng đối kháng ở các trại nên số người bị nao núng thật ít. Trong hoàn cảnh đói rét đó, khi gia đình lên thăm, điều kiện duy nhất an ninh đòi hỏi là sự cộng tác trong việc làm người báo cáo, tù từ chối, dù rằng từ chối để bị cấm thăm gặp, bản thân bị đói, và làm cho thân nhân buồn bã lo âu. Ban ngày lao động, ban tối học tập hai giờ trước khi đi ngủ, chương trình học tập do cán bộ giáo dục đưa xuống, có thi đua trật tự đi kiểm soát, tù nhân phải ngồi ngay ngắn và phải phát biểu ý kiến chương trình học tập cho 7 ngày trong tuần như sau:

* Thứ hai phải học tập nội quy 38 điểm tóm lược thành 4 tiêu chuẩn cải tạo.

– An tâm tin tưởng vào chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước.

– Cố gắng lao động vượt chỉ tiêu đề ra và lao động là thước đo tinh thần cải tạo.

– Tham gia học tập nghiêm túc, sinh hoạt báo chí và các buổi văn nghệ chiếu phim.

– Tự phê và phê bình đồng đội để cùng nhau tiến bộ.

Thể hiện tinh thần chống đối của mình, đa số tù nhân khi phát biểu 4 tiêu chuẩn sửa lại:

– Luôn luôn tin tưởng vào tương lai huy hoàng của dân tộc.

– Cố gắng lao động tùy theo sức khỏe và khả năng vì lao động là thước đo tinh thần cải tạo.

– Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt học tập, nghe đọc báo xem văn nghệ.

– Thẳng thắn tự phê những lỗi lầm của mình, còn khuyết điểm chưa quen phê bình người khác sẽ từ từ khắc phục.

Tù nhân muốn nghe báo chí tuyên truyền có thể ghi nhận được tin tức thế giới bên ngoài – nhưng không thích đi xem văn nghệ chiếu phim vì nội dung phim ảnh và kịch nghệ nhằm bôi nhọ Việt Nam Cộng Hòa – muốn được nghỉ xem văn nghệ chiếu phim phải khai bịnh. Lúc đầu số người nghỉ ít cán bộ chưa để ý, sau số này đông, trại biết tù nhân chống đối ngầm, dùng biện pháp cưỡng bách xem văn nghệ, người nào không đi hôm sau cúp phần ăn, chỉ phát một chén nước cháo loãng nhà bếp gạt từ nước nấu cơm ra. Nhiều anh em quyết định thà ăn cháo loãng để không đi xem văn nghệ.

* Ngày thứ ba học tập 20 điều lệnh nếp sống văn hóa mới, nội dung cũng trích từ 38 điểm nội quy và nhấn mạnh điểm buộc tù phải tôn trọng cán bộ, gặp cán bộ phải giở nón chào, muốn nói chuyện với cán bộ phải đứng ra xa 5m, nghiêm chỉnh xin phép trước rồi mới được nói, v.v… Xuất trại, nhập trại qua cổng phải giở nón mũ, đi ngang qua hết hàng cán bộ võ trang mới được đội nón lên.

Tù nhân trại E xem đó là một sỉ nhục lớn, nên hầu hết đều né tránh không gặp mặt cán bộ, thấy cán bộ đến xây mặt đi chỗ khác. Một số anh em sáng kiến không đội nón đi làm để khi qua cổng và đi trước hàng công an võ trang không phải giở nón, khi đi đầu trần người tù có thể nhìn thẳng ngẩng đầu một cách bình thản, động tác giở nón thường kèm theo một động tác thứ hai một cách tự nhiên là cúi đầu xuống, trông thê thảm.

Nắng miền Trung vào những buổi trưa hè như thiêu đốt, chân đi đất lội trên cát bỏng vì phải đi chầm chậm để giữ hàng lối, giữ khoảng cách theo lệnh di chuyển của công an bảo vệ ra đến hiện trường lao động, việc làm được lập lại hàng ngày trong nhiều năm, có lẽ chỉ có thể những người tù ở phân trại E trại Xuân Phước mới hiểu hết được ý nghĩa danh dự, và cái giá phải trả như thế nào để duy trì được một số hành động nhỏ nhoi để bảo vệ danh dự đó. Những lúc đó người tù cố nuốt một sự nghẹn ngào nơi cổ, cố kìm không để nước mắt chảy ra và thấy cái nhục thế nào khi làm một người mất nước, và ân hận thế nào khi làm một chiến sĩ buông súng đầu hàng vô điều kiện không chiến đấu, trong khi sức chiến đấu hẵng còn.

* Ngày thứ tư và thứ năm đọc báo và sách vở tuyên truyền. Tôi vẫn được anh em toàn nhà đề nghị làm người đọc cho cả nhà nghe vì giọng tôi đọc to và rõ ràng, và nhiều anh em sống với tôi lâu ngày biết tôi đọc sách báo thường “nhận lớp” tức là bỏ qua những đoạn không cần thiết một cách nhanh chóng và trôi chảy. Đọc báo cho toàn nhà nghe xong, tôi có thể đọc nhanh những bài báo khác – những bài không có đánh dấu để đọc cho tù học tập. Qua những bài báo, dù là báo tuyên truyền cũng biết thêm những điều cần biết. Ngoài ra tôi cố gắng đọc tất cả sách của Lénine hiện có trong thư viện – theo sự giới thiệu của cơ quan tuyên huấn của Cộng sản, Lénine đã viết hơn 5.000 tác phẩm. Có lẽ ông ta chỉ viết một số, còn lại cả bộ tham mưu tuyên truyền của Đảng Cộng sản viết và ký tên Lénine, vì dù là người có thiên tài đến đâu, không thể vừa điều hành một đảng Cộng sản, một chính phủ của một nước lớn trong lúc còn nhiều khó khăn, ông Lénine khó có thì giờ để viết nhiều sách, dù có nhiều tác phẩm chỉ in lại những bài nói chuyện, chỉ thị của ông ta xuống thuộc cấp. Với vài chục tác phẩm hiện có ở thư viện, tôi đã đọc qua thì Lénine cũng đã bao trùm mọi vấn đề chính trị của một nước. Những điều Cộng Sản Việt Nam đang làm đều nằm trong tác phẩm của Lénine từ sách lược hai cuộc Cách Mạng, đến kỹ thuật cầm giữ, khai thác và đầy ải người tù cải tạo, nhất nhất đều được nói đến. Những sách ký của Hồ Chí Minh cũng đều cóp nhặt ý kiến của Lénine – Hồ Chí Minh không có khả năng trí tuệ để trước tác các tác phẩm có trình độ tư tưởng.

Trước năm 1975 các chính quyền miền Nam sợ sự chỉ trích của sách báo tuyên truyền của Cộng sản nên cấm đọc tài liệu do Cộng sản in, một phần vì sự chỉ trích của Cộng sản đúng, phần lớn vì lý thuyết Cộng sản hấp dẫn đối với những người có lương tâm muốn làm cái gì đó để góp cho sự công bằng xã hội. Nhưng bây giờ miền Nam đã mất, Cộng sản nắm toàn bộ chính quyền, lá cờ chính nghĩa giải phóng dân tộc đã kết thúc thay thế bằng lá cờ xây dựng xã hội chủ nghĩa đi ngược quyền lợi dân tộc. Cộng sản phơi bầy tất cả khuyết điểm, khiến họ thành một chính quyền tồi tệ nhất, tồi tệ hơn bất cứ chính quyền nào mà họ chỉ trích, nên những sự tuyên truyền của Cộng sản không những không tác dụng mà còn làm cho người đọc thấy rõ cái xấu xa của chế độ Cộng sản.

Một cán bộ hoạt động trong lòng địch họ rất khôn ngoan, để đạt được mục tiêu, đảng lãnh đạo cho phép họ dùng mọi phương tiện, nên họ rất dễ hoạt động về muôn mặt. Một lúc nào đó họ có thể tỏ ra chống Cộng hơn bất cứ người chống Cộng nào, muốn được tin cậy, họ có thể làm mọi hành động luồn cúi đê hèn nếu cần để được dự phần vào sự quyết định của lãnh đạo phe địch và nhận tin tức tình báo. Có đọc nhiều sách báo Cộng sản mới có thể có được cái bén nhạy để nhìn ra người Cộng sản hoạt động trong hàng ngũ của ta. Không dễ dàng tin vào lời nói của con người mà thật sự nhận xét từ hoạt động thường xuyên của họ. Cộng sản không xây dựng cán bộ cốt lõi bằng những người có uy tín cá nhân hay học thức sâu rộng, vì những người này thường có trong giai cấp tư sản mà Cộng sản đánh giá là không có tinh thần cách mạng, hoặc chỉ “cách mạng 3 ngày rồi bỏ” (lời Mao Trạch Đông), nếu cần những người này và có thể thuyết phục thì họ chỉ cần giữ ở các tổ chức ngoại vi. Cán bộ Cộng sản là những người biết tin và trung thành với Đảng và lãnh tụ, một người tên A tên B nào đó cũng được miễn làm đúng theo lệnh Đảng và với phương pháp họ được huấn luyện, người này sẽ kiên trì hoạt động. Lúc đầu họ không cần những chức vị phô trương mà cần nắm các vị trí làm then chốt, không tiếng tăm, không lợi lộc mà những phe chính trị khác thường bỏ lơ, rồi theo năm tháng, vượt qua các thăng trầm; những người Quốc gia không có lãnh đạo, làm việc theo tính tự phát theo tâm hồn yêu nước của mình, có lúc nản chí bỏ cuộc hoặc vì thiếu phương tiện hoạt động. Trong khi đó người cán bộ Cộng sản có lãnh đạo ngầm, có được cung cấp phương tiện, họ cứ tiếp tục làm việc và trong thời gian lâu dài họ nắm được tất cả và khi cơ hội đến cho toàn thể mọi người, thì họ dù thiểu số vẫn là người đủ điều kiện để nắm sự lãnh đạo quần chúng nhất. Trong khi đó người Quốc gia ngoài tấm lòng son sắt không có một cái gì khác để làm phương tiện chiến đấu.

* Chương trình hoạt động ngày thứ sáu là bình bầu cá nhân theo kết quả cải tạo trong tuần. Thứ sáu cuối tháng thì bình bầu kết quả cải tạo trong tháng. Từ kết quả đó qui định mức ăn:

– Hạng cải tạo xuất sắc tiêu chuẩn 18kg/tháng.

– Hạng cải tạo tốt tiêu chuẩn 16.5kg/tháng.

– Hạng cải tạo trung bình tiêu chuẩn 15kg/tháng.

– Hạng cải tạo kém tiêu chuẩn 12kg/tháng.

– Hạng cải tạo xấu tiêu chuẩn 9kg/tháng.

Tiêu chuẩn bình quân mỗi người 15kg vừa cơm vừa chất độn. Để kích thích lao động và gây mâu thuẫn, trại buộc tù phải bình bầu mức ăn, làm thế nào để lấy phần ăn của những người bị bầu kém và xấu để đập vào phần phụ trội cho người được bầu xuất sắc và tốt. Cộng sản giáo dục đấu tranh không khoan nhượng, tiêu diệt tính vị tha và lòng rộng lượng của con người, biến cán bộ Việt Cộng thành người bần tiện và hà tiện, chúng không cho ai quyền lợi mà không đòi điều kiện. Trên bình diện lớn của đất nước xã hội thì đảng Cộng sản muốn tước đoạt tóm thâu hết của cải vật chất của xã hội. Nếu nói đảng Cộng sản là một Đảng cướp lớn nhất thì không ngoa một tí nào. Trong phạm vi một trại cải tạo, người tù không còn gì để tước đoạt nữa, ngoài phần 15kg lương thực nấu chín mỗi tháng mà chúng vẫn tước đoạt của người này cho người khác. Tiêu chuẩn 15kg lương thực nấu chín đã quá ít vì chỉ có 9 hay 10kg lương thực sống; tiêu chuẩn này còn bị trừ đi phần ăn cắp bớt của thủ kho, của cán bộ nhà bếp, phần phụ trội cho những người được ưu đãi như đội nhà bếp, toán làm lẻ, chăn nuôi. Chén cơm độn nhỏ còn phải bớt đi một muỗng vì nồi cơm chia không đủ đồng đều một chén cho mọi người. Do đó những người bị ăn phần kém và xấu bị mất phần ăn buổi sáng và bớt phần ăn trưa. Cảnh chia cơm thật khó chịu, một người chia mà hàng chục cặp mắt ở bên ngoài lom lom dòm ngó. Khi đói con người bị hạ thấp như thế đó. Có người nhìn người chia để canh chừng vì nghi ngờ người chia không công bình, nhưng cũng có người đứng nhìn để chia xong lấy nhanh phần ăn để nuốt nhanh cho lẹ rồi nằm nghỉ ngơi. Không có ăn no, phải dưỡng sức bằng nằm, nằm để nghe tiếng rột rạt trong bao tử để thấy cái cảm tưởng là dường như mình đã ăn. Có anh chờ chia xong để vét láng sạch những hạt cơm còn lại trong nồi. Có những đội chia xong phải bắt thăm để bảo đảm sự công bình, nhất là trong 4 dịp ăn lễ có thịt mỗi năm. Người tù cải tạo vấn đề lớn nhất là đói ăn nên nói mãi đến cái ăn dù là phần ăn để sống cầm hơi lây lất qua ngày; phần ăn không phải là cơm mà phần lớn là khoai mì, khoai mì khô, khoai mì kỹ nghệ H-34 có chất độc, ăn vào một thời gian ai nấy sưng hai hạch nước miếng, nở hai mang tai, mặt mày biến dạng trông xấu xí.

Ra bãi cuốc đất lượm được con sùng, con dế, con mối lén bỏ vào mồm dùng nước miếng rửa phun đất ra ngoài rồi nhai nuốt để có chất tươi; anh Nay Luett ngồi nấu nước cho đội đã nướng cả sâu róm ăn. Cóc, nhái, chuột, thằn lằn, rắn mối là loại protein cao cấp không dễ gì có trong các ruộng đất khô cằn miền Trung. Chỉ có ruồi, dòi, muỗi mòng, vắt là nhiều nhưng loại này không ăn được. Ở phân trại B, tù nhân hình sự tên Nhơn đã thử ăn 500 con ruồi, nhưng sau đó bị ói mửa gần chết, nên không ai dám thử nữa.

Buổi trưa mỗi người tù phải đập 500 con ruồi để nộp. Tù đói quá nên ăn mọi thứ côn trùng và có người thử ăn ruồi thật khủng khiếp và khó tin. Nói về tù Cộng sản cứ xoay quanh cái ăn vì cái ăn quá quan trọng, tù lúc nào cũng đói. Người đang no thì khó thông cảm được. Nhưng chỉ xa nhà 10 ngày đã thèm cơm, mới bịnh tuần lễ nhịn ăn đã thấy thèm đủ thứ thì thông cảm cho sự thèm ăn của tù, suốt cả chục năm chỉ ăn khoai mì và nước muối, khẩu phần tiêu chuẩn không đủ no.

Ăn uống thật kham khổ, thật ít, làm lao động thật nhiều, học tập duy trì đều đặn mỗi đêm, tập thể dục đều đặn mỗi buổi sáng, tù phải trực gác mỗi đêm, đi làm phải đi chân đất, hạn chế tắm rửa, giam kỷ luật đến chết, còng một chân, hai chân, hai chân chéo nhau, hai chân chéo có kề thêm vòng sắt giữa hai chân. Đó là những biện pháp trại Kiên Giam Xuân Phước dành cho tù nhân chính trị. Đào ao nuôi cá là công tác nặng nhọc nhất vì đất đồi cứng, dụng cụ thô sơ và chỉ tiêu cao. Một thước khối đất chìm mỗi ngày mỗi người vừa đào vừa khiêng đi đổ, cứ mỗi toán ba người làm chung nhau, một người đào hai người khiêng đất, chỉ có tù Việt Nam Thương Tín và hình sự là hoàn thành mức khoán, họ là những người tù biết tuân hành làm việc mà không suy nghĩ, họ vừa đào vừa gánh hoặc đội đất đi đổ. Những người tù “Việt Nam Thương Tín” phải chứng tỏ mình là người sẵn sàng “về nước xây dựng quê hương”, trước khi xây dựng quê hương thì xây dựng trại. Cán bộ giáo dục đã mớm cho họ để họ có những quyết tâm như vậy, mỗi đợt thi đua họ đều làm quyết tâm thư xin vượt mức khoán. Những người hình sự thì có sắc thái khác, vào tù họ phục tùng cán bộ vì cán bộ là người có quyền uy. Tù hình sự đội viên rất khổ, họ vừa chịu đòn vọt của cán bộ, vừa chịu đòn vọt của đội trưởng của trật tự thi đua, và chịu sự xài xể của tổ trưởng.

Thân Yên thấy tù cải tạo phân trại E không hoàn tất chỉ tiêu nên tổ chức nhiều đợt thi đua, ra quân lao động có kèn trống, trình diễn âm nhạc tại hiện trường lao động. Người tốt việc tốt được đọc lên mỗi đêm trên máy phóng thanh, đội tốt được cờ đỏ, đội xấu cờ đen, người tốt được chấm điểm đỏ, người xấu điểm xanh, kết quả dồn vào chia xẻ mức ăn theo 5 hạng đã nêu trên. Mặc các đội thi đua, phân trại E chỉ lẻ tẻ xuất hiện vài cá nhân nổi bật như Phan Gi On, Phạm Quốc Bảo, Tăng Xuân Bá, Đoàn Đô, Huỳnh Cự, Nguyễn Văn Lạc, còn tất cả không ai bảo ai, không chỉ huy lãnh đạo, nhưng mọi người đều hiểu là phải làm thế nào để duy trì mức độ lao động vừa phải, chịu đựng được.

Đã đến năm thứ 4 trong tù, tù nhân đã ý thức được hoàn cảnh và thái độ đúng đắn không còn ai tin tưởng vào những hứa hẹn suông của Cộng sản. Khi cần thì chúng hứa hẹn, lúc không cần thì ném bỏ, giam cầm kỷ luật, nhiều anh em thời gian đầu tin chính sách cải tạo, thì nay họ đã sáng mắt.

Tù được chỉ định đào 3 chiếc ao, cái lớn nhất được gọi là “ao cá Bác Hồ” nuôi cá bán gây quỹ cho đoàn thanh niên, ao thứ hai trung bình để cải thiện bữa ăn cán bộ, ao thứ ba bé hơn cải thiện đời sống tù nhân.

Tiền mua cá giống là tiền ăn của tù, loại cá trắm và cá rô phi được nuôi bằng lá khoai mì, phân heo bò và ruồi. Dĩ nhiên mọi công tác đều do tù làm. Việt Cộng không hề bỏ ra một xu. Không bỏ vốn mà muốn nhiều lời đó là đặc tính của cán bộ Cộng sản, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Cá nuôi với những loại thực phẩm đặc biệt đó rồi cũng lớn, dù chậm. Đến ngày lưới cá thu hoạch, hai ao cá được tù tát cạn bắt sạch, cán bộ chỉ thị tù phải nộp tất cả những con cá tự sinh ra trong ao tức là ngoài loại cá giống nuôi thả, như cá lóc, cá trê, lý do được giải thích rõ ràng, tù sẽ được thụ hưởng ao cá dành riêng, thu hoạch sau. Cũng đến ngày bắt cá cho tù cải thiện nhưng lần này ao không được tát nước. Trưởng Ban Thi Đua đem lưới về rồi chọn vài người tù lặn xuống ao lưới cá. Lặn hụp cả buổi vẫn không bắt được con nào, phân trại trưởng Lê Đồng Vũ nói lớn: “Các anh trại viên kém quá, muốn tìm bao nhiêu bác sĩ, kỹ sư cũng có, mà tìm người bắt cá để ăn thì không có”. Việc bắt cá diễn ra nhiều lần vẫn không bắt được con nào mà cá thì hết dần vì mỗi khi vào phòng khóa cửa lại thì cán bộ xách lưới đến bắt.

Một hôm tôi hỏi Hiên, người tù phụ trách lặn bắt cá: “Sao cậu lặn hụp mãi mà không bắt được con cá nào vậy”. Hiên trả lời: “Đ.M., bắt cho mà chết à, tôi được lệnh lặn xuống giở lưới cá ra đấy”. Hiên là Thiếu úy Công an người Bắc, can tội bán bãi cho tổ chức vượt biên bị tòa Đồng Nai xử 12 năm. Tiêu chuẩn ăn lễ có thịt 4 lần trong năm cũng bị tước đoạt bớt. Tiền ăn của tù nhà bếp mua lợn giống nuôi ăn dịp lễ. Ăn xong dịp Tết, nuôi ăn lễ 1/5 và sinh nhật Hồ Chí Minh, ăn lễ 1/5 xong nuôi ăn lễ Quốc Khánh, ăn lễ Quốc Khánh xong, nuôi lợn ăn tổng kết cuối năm và dịp Tết. Lợn nuôi bằng rau và cơm cháy của nhà bếp tức là phần ăn của tù. Đến gần ngày lễ con lợn lớn và mập mạp, tù mừng và trông chóng tới lễ, nhưng gần ngày hạ thịt lợn thì bỗng nhiên tù thấy con lợn nhỏ lại. Thì ra đội chăn nuôi đã nhận lệnh nhận con lợn nhỏ của phân trại trưởng đem xuống đổi. Khi làm thịt cán bộ quản giáo đội chăn nuôi được nhận cái đầu cắt đến tận vai, đó là công của hắn đã đốc thúc việc chăn nuôi, cán bộ quản giáo nhà bếp được hai ký thịt nạc, cán bộ trực trại đều có quyền lợi chia phần – phần những người tù được ưu đãi hơn trong phận sự nấu cơm nấu nước được quản giáo nhà bếp thông cảm cho tăng tiêu chuẩn, phần của trật tự thi đua. Cuối cùng lễ nào cũng giống nhau, tiêu chuẩn của mỗi người tù còn lại một mẫu thịt bằng ngón tay cái; nhưng đối với tù có còn hơn không, lâu lâu được một tí mỡ.

Lao động, sinh hoạt học tập, đọc báo, chiếu phim, trình diễn văn nghệ được thực hiện liên tục, chiếm hết thì giờ của tù và nhồi nhét vào đầu óc những người tù những lý luận Mác-xít sơ đẳng, phim ảnh, tuồng tích bôi bác chế độ cũ nhất là hình ảnh người lính Cộng Hòa, càng làm cho tinh thần chống Cộng củng cố thêm. Phim thần thoại tuyên truyền của Liên Sô rất kém về kỹ thuật, nghèo nàn về nội dung và hình ảnh. Không tưởng tượng được Liên Sô là một siêu cường đứng đầu thế giới Cộng sản mà sản phẩm phim ảnh họ kém cỏi như vậy, không hơn phim loại tồi của Việt Nam và kém cả phim Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước Tây phương. Phim ảnh, văn chương nghệ thuật là sản phẩm của nền văn hóa của xã hội con người, như vậy chế độ chứng tỏ Cộng sản không những không giải quyết được nhu cầu vật chất của xã hội, mà độc tôn tư tưởng trong giáo điều Mác-xít đã hạn chế sự phát triển của con người, tiêu diệt sáng kiến và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Tù nhân không thích xem các buổi trình diễn văn nghệ chiếu phim dù đời sống trong trại tù đơn điệu, buồn tẻ, thô bạo ở mức độ sơ khai; tù nhân còn tiếc vì mỗi lần có đoàn văn nghệ, chiếu phim, mọi phí tổn tiền ăn của tù phải chịu trang trải nên phần ăn ít ỏi là gạo bị cắt bớt, bữa ăn chỉ còn lại khoai mì. Nhìn thấy khoai mì đã phải sợ mà vẫn phải cố nuốt cho trôi mà sống qua ngày, làm lao động quần quật suốt tuần. Buổi sáng chủ nhật phải đi làm công tác xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra những buổi lên lớp học tập, viết thu hoạch không thì giờ nào được ngơi nghỉ. Mỗi tuần chỉ còn lại buổi chiều chủ nhật. Những buổi lên lớp thì không ai lạ gì, những đề tài cũ rích được nhắc đi nhắc lại mãi, những từ ngữ nhàm chán mà cán bộ chưa nói ra tù nhân đã biết. Tù được giải nghĩa về ý nghĩa của trận du kích trên không “của quân đội và nhân dân miền Bắc anh hùng”. Trong buổi học tập toàn trại rất trang trọng tại hội trường có Thân Yên chủ tọa, chính ủy trại, cán bộ Nghị, Bí Thư Đoàn Thanh Niên đã giải thích: ”… quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã đánh thắng liên tục những đế quốc lớn nhất, và là kẻ thù của loài người tiến bộ trong đó đế quốc Mỹ là tên hung nô thời đại, tên đế quốc đầu sỏ hung hãn nhất. Nghệ thuật đánh du kích của quân Việt Nam là thần thánh đã đi vào tư tưởng quân sự của thế giới, nhưng du kích trên bộ thì không còn lạ gì, mà Bác Hồ vĩ đại và Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh đã đề ra chiến thuật du kích trên không. Trận du kích trên không đã đánh thắng không lực Mỹ hùng mạnh nhất thế giới. Đánh hạ pháo đài B-52 và những phi cơ con ma của Mỹ bắt sống hàng ngàn tên giặc lái… ‘Phi công Việt Nam anh hùng’ của ‘quân lực Việt Nam anh hùng’ đưa phi cơ lên những đám mây, tắt máy chờ sẵn phi cơ địch bay qua, bất ngờ nổ máy trở lại đè B.52 của Mỹ từ trên không xuống bắt chúng phải hạ cánh…” Tù nhân ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng tưởng tai mình nghe nhầm, tưởng là nằm mơ, nhưng là sự thật, đang học tập ở hội trường, thuyết trình viên cán bộ Nghị vẫn thao thao thuyết giảng, trại trưởng Trung Tá Thân Yên ngồi ngay ngắn, thỉnh thoảng gật gật đầu đắc ý và cả đoàn cán bộ ngồi trên sân khấu hội trường đều nghiêm trang. Không phải tên cán bộ Nghị đang diễu, mà hắn đang nói thật, và cả đoàn cán bộ cũng đang tin là trận du kích trên không là thật. Chỉ có những tù nhân biết mình đang nghe con vẹt lập lại một cách ngu xuẩn tài liệu học tập ngu xuẩn của đảng đưa xuống, và những tên người máy ngu xuẩn đang ngồi nghe và tin một cách máy móc.

Chúng tôi còn được học những bài học về tiềm năng kinh tế của Việt Nam, một nước Việt Nam “tiền rừng bạc bể”, một nước Việt Nam mà cái gì cũng quí giá. Cán bộ giáo dục trại Trung Úy Hanh đọc cho chúng tôi nghe “tài liệu lịch sử” cho biết thời Pháp thuộc, người Pháp đã biết quí phân người Việt Nam nên phơi khô đóng thùng mang về nước. Hắn cũng kể cho chúng tôi nghe là hiện tại ở miền Bắc có một món vô cùng quí giá, đó là khói của nhà máy ciment Hải Phòng, nước Nhật đã thương lượng với chính phủ Việt Cộng để mua khói đó, nhưng chính trị bộ đã quyết định không bán vì biết là Nhật mua khói đó để về chế tạo bom nguyên tử. Cán bộ nói hăng say, cán bộ nghe thích thú đắc ý, tù muốn cười to lên mà không dám cười, chỉ đưa mắt nhìn nhau và cùng cảm thấy ức. Trình độ cán bộ Cộng sản như vậy mà họ đã thắng mới thật đau.

Để kích thích lòng yêu nước và tự ái dân tộc, phục vụ chiêu bài giải phóng dân tộc, đảng Cộng sản dùng Viện Sử học để viết lại lịch sử một cách bừa bãi. Họ dìm dân chúng và cán bộ của họ ở trình độ hiểu biết thấp nhất, để tài liệu tuyên truyền của họ được nghe, tin và nói lại như con vẹt. Cán bộ chính trị chỉ biết nói theo đúng tài liệu học tập. Nói mãi, học mãi và tin điều mình nói, tin điều mình học, tin vào lãnh tụ và rồi chỉ biết tiến tới chiến đấu với kẻ thù như một thứ người máy được lên dây cót, như một thú vật bị trích thuốc kích thích. Trình độ của cán bộ giáo dục ngành công an cấp sĩ quan mà tin du kích trên không là phi cơ tắt máy nấp vào trong mây, tin khói ciment là của quí chỉ Việt Nam có và có thể dùng chế tạo bom nguyên tử.

Yêu nước, hãnh diện vì lịch sử dân tộc, có một niềm tin là dân tộc trường tồn và vững mạnh trong cộng đồng thế giới là điều đúng đắn nhưng khoa trương quá đáng về tiềm năng dân tộc một cách lố bịch là điều chỉ có Cộng sản Việt Nam làm và thành công trong điều kiện người dân bị dìm trong sự dốt nát. Trình độ giáo dục được nâng cao của người dân miền Nam; sự phổ quát kiến thức và tin tức khoa học kỹ thuật, những biến chuyển nhanh chóng của chính trị kinh tế thế giới mà người dân miền Nam đã hấp thụ được, đã làm cho kế hoạch tuyên truyền và giáo dục người dân của Cộng sản hoàn toàn thất bại. Trước mắt người dân miền Nam cán bộ Cộng sản trở thành một người kỳ quái, nói dai, nói dở, nói dài, nói dối. Mọi thủ đoạn lừa bịp dân chúng Việt Nam đều sẽ thất bại. Không riêng gì Cộng sản, những chính trị gia bắt chước theo Cộng sản dùng thủ đoạn để lừa bịp dân chúng Việt Nam cũng bị dân chúng nhìn như tên hề diễu dở.