Trại Kiên Giam : Chương Năm

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Chương Năm

Tuần lễ đầu tiên ngay sau khi chiếm miền Nam Việt Nam, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam được nhiều quốc gia công nhận. Khởi đầu là Tây Đức đến Anh Quốc và đa số các nước Tây phương, các nước công nhận chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lên đến 76 nước, nhiều hơn số quốc gia công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và dĩ nhiên hơn số quốc gia công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sự kiện ngoại giao này làm cho những người lãnh đạo Hà Nội lúng túng, vì Phạm Văn Đồng đã tuyên bố hai miền Nam Bắc Việt Nam chưa thống nhất. Miền Bắc tiếp tục cách mạng xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa và miền Nam Cách Mạng Dân Chủ Nhân Dân – cụ thể là về kinh tế miền Bắc có hai thành phần kinh tế và miền Nam năm thành phần kinh tế, còn công nhận hợp doanh, cá thể và tư sản dân tộc. Thời gian chuyển tiếp dự trù 5 năm . Chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam không hiện diện tại Saigon, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát chỉ xuất hiện với tính cách cá nhân trong Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon-Gia Định (đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh). Không có trụ sở văn phòng của chính phủ này. Bàn giấy của Huỳnh Tấn Phát đặt tại phủ Thủ Tướng cũ, cùng với Văn phòng đại diện của Đảng tại miền Nam. Có thể người lãnh đạo Hà Nội sợ chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam xuất hiện công khai tại Saigon, rồi với việc 76 quốc gia thừa nhận sẽ đưa tới việc bang giao, lập Tòa Đại Sứ sẽ trở thành một thực tế chính trị, biến miền Nam trở lại thành một nước ngoài sự kiểm soát của họ.

Hội Nghị Hiệp Thương hai miền Nam Bắc để “thống nhất đất nước về mặt nhà nước” được tổ chức vào cuối năm 1975. Trường Chinh, Trưởng phái đoàn đại diện miền Bắc, Phạm Hùng, Trưởng phái đoàn đại diện miền Nam.

Hai Ủy viên của Chính trị bộ đảng Lao Động Việt Nam (sau đổi là đảng Cộng Sản) đại diện hai miền để nói chuyện thống nhất, thực chất là họ đã thống nhất rồi, vì chính phủ Cộng Hòa Miền Nam và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là một bộ mặt lừa bịp, những người lãnh đạo chính thức của hai tổ chức này đều là đảng viên cao cấp của Cộng Sản Hà Nội.

Trên bàn Hội Nghị Hiệp Thương được chiếu trên màn ảnh TV, bài diễn văn của Phạm Hùng biết ơn đối với Đảng và nhân dân miền Bắc giúp miền Nam giải phóng và nhân dân miền Nam mong được thống nhất đối với miền Bắc. Bài diễn văn của Trường Chinh ca ngợi tính anh hùng của người miền Nam và hoan hỉ đón nhận miền Nam vào sự thống nhất với miền Bắc. Để kết thúc hiệp thương bằng câu hỏi của Trường Chinh “Có ai phản đối đề nghị thống nhất hay không?”

Thế là đất nước Việt Nam đã thống nhất về mặt nhà nước. Bầu cử Quốc Hội thống nhất vào tháng 4-1976. Phiên họp đầu tiên của Quốc Hội thống nhất vào tháng 6-1976 đổi tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, dùng quốc kỳ, quốc ca và quốc huy của Bắc Việt làm quốc kỳ, quốc ca và quốc huy của đất nước thống nhất.

Sự hiện diện và hình thức cùng cá nhân của những người dự Hội Nghị Hiệp Thương là câu trả lời minh bạch và lần cuối cùng, có thể là thừa, cho những ai từng có ảo tưởng là có người quốc gia trong hàng ngũ Mặt Trận Giải Phóng miền Nam. Nếu người ta chịu khó nghiên cứu lý lịch của những người lãnh đạo mặt trận và chính phủ thì: Trần Văn Trà vào đảng Cộng Sản lúc 17 tuổi, năm 1945 được cử vào Nam cùng với Lê Duẫn để chỉ huy Quân khu 7. Trần Nam Trung, tướng lãnh Bắc Việt, Trần Độ, tướng Bắc Việt chỉ huy tiếp vận chiến trường Điện Biên Phủ; Nguyễn Thị Bình, Bí thư của Nguyễn Thị Thập, Chủ Tịch Liên Hiệp Phụ Nữ; Nguyễn Thị Định cán bộ nằm vùng, Bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre. Huỳnh Tấn Phát, đảng viên đảng Tân Dân Chủ, nhưng đảng này đã sát nhập vào đảng Cộng Sản năm 1945 gồm một số người trí thức miền Nam như Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ, Ung Văn Khiêm, Trần Bạch Đằng, Lưu Hữu Phước. Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch bù nhìn. Thọ được kết nạp đảng Cộng Sản vào thập niên 60. Chưa kể toàn bộ Trung Ương Cục Miền Nam do Nguyễn Chí Thanh điều động, sau khi Thanh chết, Lê Đức Thọ thay thế. Phạm Hùng là nhân vật thứ tư trong Bộ Chính Trị của đảng Lao Động. Những bộ mặt khác như Trịnh Đình Thảo, Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa chỉ làm bù nhìn tô điểm cho chủ trương lừa bịp của Mặt trận và Chính Phủ Lâm Thời do Hà Nội lập ra.

Ai có kinh nghiệm đều biết trong bất cứ cuộc đấu tranh nào, ở bất cứ nước nào đảng viên Cộng Sản là người có lãnh đạo và rèn luyện nên họ có thể làm xoay chuyển hướng đấu tranh hoặc lãnh đạo tập thể đấu tranh đông đảo người nhưng ô hợp. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hay Chính Phủ Lâm Thời được lãnh đạo bởi một số lượng đông đảo đảng viên Cộng Sản cao cấp, người ngoài đảng chỉ là thiểu số.

Trước năm 1975, người trong và ngoài nước tin tưởng rằng có thành phần quốc gia trong Mặt Trận có thể vì hai lý lẽ, thứ nhất họ bị đánh lừa vì sự ngây thơ, thứ hai họ cố tình đưa ra một luận cứ để vấn đề chiến tranh Việt Nam giải quyết bằng một hình thức đòi hỏi Chính Phủ Liên Hiệp giữa hai phe tham chiến.

Ngày nay sau khi Cộng Sản đã chiếm miền Nam, thống nhất Việt Nam thành một quốc gia Cộng Sản trong khối Đệ Tam Quốc Tế do Liên Xô lãnh đạo, đáng lẽ vấn đề Mặt Trận Giải Phóng miền Nam không còn cần đặt ra nữa. Nhưng trong các lập trường chính trị của người Việt chống Cộng trong và ngoài nước vẫn còn nhiều người ảo tưởng liên hiệp với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để chống lại Cộng Sản. Vấn đề này cần được nhận rõ là:

– Có một số ít người trí thức miền Nam bị Cộng Sản lôi kéo và đưa làm bù nhìn trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Những người này không có quyền hạn quyết định bất cứ việc gì từ chính trị đến quân sự.

– Có khuynh hướng tranh chấp quyền hành và quyền lợi của những tên lãnh đạo cao cấp Cộng Sản. Tranh chấp, mâu thuẫn là điều rất thông thường trong bất cứ đảng Cộng Sản nào, khi lực lượng đối kháng chính yếu của họ đã bị tiêu diệt. Nếu có sự tranh chấp của những tên trùm Cộng Sản trước ở trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với những tên ở Trung Ương phải được xem là sự tương tranh nội bộ, không phải là sự tranh đấu của nhân dân miền Nam chống Cộng Sản. Việc những đảng viên Cộng Sản cấp tiến dù ở Bắc, Trung hay Nam đứng lên đòi thay đổi chính sách đưa tới sự sụp đỗ chế độ Cộng Sản thì đó là một vận động lịch sử khác.

Để chuẩn bị cho Hội Nghị Hiệp Thương và bầu cử Quốc Hội cả nước. Từ tháng 10-1975, cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hai màu xanh đỏ có sao vàng không còn kéo lên tại các cơ quan của Việt Nam ở miền Nam. Hiện tượng này dân miền Nam lại giải thích theo ước muốn chủ quan của mình là Việt cộng đã rút dần để thi hành Hiệp Định Paris. Người ta đồn đãi rồi rủ nhau đến trụ sở Ủy Ban Quân Quản ở Tòa Đô Chính cũ, Văn phòng đại diện Đảng miền Nam ở Phủ Thủ Tướng, Bộ Tư lệnh quân khu 7 ở Tổng Tham Mưu để chứng kiến tận mắt những cột cờ trống trơn.

Đồn đãi, ước đoán chủ quan, phấn khởi rủ nhau đến các quán cà phê chuyện gẫu, rồi hy vọng, đó là lối sống của đàn ông Saigon; còn phụ nữ, xuống đường nhập vào sinh hoạt chợ trời, len lỏi những chuyến xe miền Tây, tuyến miền Trung để buôn hàng chuyến, buôn hàng xách, buôn lậu nông sản (trà, cà phê, hồ tiêu, tỏi, gạo, thịt, cá đều vào quy hoạch nhà nước, cấm tư nhân buôn bán) để tìm kế nuôi gia đình, nuôi người chồng đang thất cơ lỡ vận hoặc chờ đợi chồng con đi trình diện học tập cải tạo mà chưa có tin tức.

Sau khi Hội Nghị Hiệp Thương Nam Bắc “thành công vĩ đại”, cờ đỏ sao vàng biểu tượng cho khủng bố, giết chóc, hận thù đấu tranh, máu lửa tung bay khắp miền Nam, phủ một không khí đe dọa, đè nặng trong lòng mọi người.

Kiểm tra dân số, lập danh sách cử tri, học tập bình nghị trả quyền công dân cho những người có giấy cải tạo 3 ngày để chuẩn bị bầu cử Quốc Hội.

Mỗi quận huyện là một đơn vị tuyển cử, các ứng viên đều do đảng Cộng Sản đề cử đúng theo luật bầu cử ấn định. Người dân không khó khăn chọn vì lá phiếu bầu đã in rõ mỗi đơn vị tuyển cử một hay hai tên ứng cử viên cuối cùng sẽ được gạch đi theo hướng dẫn của cán bộ. Đảng đã phân biệt rõ ràng, những đảng viên Cộng Sản là người phải được lựa chọn, còn những người từng theo đóm ăn tàn tranh đấu, xuống đường tại miền Nam cũ như Ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Kiều Mộng Thu, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nằm ở thành phần gạch bỏ. Những người này sau được trả công rẻ hơn, được bầu vào Hội Đồng nhân dân các tỉnh. Rồi khóa sau mới có người được bầu vào Quốc Hội theo công lao đóng góp và được kết nạp vào Đảng.

Chính sách nhân sự của Cộng Sản rất rõ rệt, nếu vì một nhu cầu tuyên truyền một tên A, tên B nào đó được thổi phồng lên, rồi đề cử làm vai trò bù nhìn ở các tổ chức, ngay cả những chức vụ Chủ tịch bên trong có đảng viên Cộng Sản giật giây. Chính sách trả công của đảng Cộng Sản cũng được quy định rõ ràng tùy ở mức độ đóng góp, những Dân biểu, Nghị sĩ, Sĩ quan, Viên chức có móc nối cộng tác với Cộng Sản trước ngày 30-4-75 đều được trả công bằng nhiều hình thức tùy theo công lao, được miễn đi học tập cải tạo (Lý Quý Chung, Phan Xuân Huy, Ngô Công Đức, cựu Đổng lý Phan Đăng Lân …), hoặc đi học tập ngắn ngày 3,4 tháng đến trên dưới một năm. Điều này rõ rệt nhất là số sĩ quan, viên chức đi cải tạo được thả về đợt Tết Bính Thìn, tức là chỉ học tập khoảng 4, 5 tháng, được Cộng Sản công khai công bố đó là những thân nhân gia đình liệt sĩ, đảng viên cao cấp hoặc là những người “từng đóng góp cho cách mạng”. Trước khi thả những người này, các phường khóm ở Saigon được học tập chính sách đối với những người “có công với cách mạng” và Việt Cộng tổ chức đón rước những người học tập trở về tại vườn Tao Đàn. Cuộc tiếp đón chỉ lưa thưa gồm thân nhân của họ, dân chúng né tránh không đi đón. Người dân miền Nam rất sòng phẳng và thẳng thắn, họ khinh bỉ những người “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản”, đứng trong hàng ngũ quốc gia mà bí mật cộng tác với địch.

Những tên Cộng Sản nằm vùng được đãi ngộ xứng đáng hơn. Được đắc cử Dân biểu, được tuyển dụng vào ngành Công an, Tình báo, những tên này biết rõ xã hội miền Nam, phong tục tập quán của miền Nam, nên hoạt động đắc lực trong việc phá vỡ những tổ chức Phục quốc và bắt bớ những người trốn lánh học tập.

Trò hề bầu cử Quốc Hội được tuyên bố là “thắng lợi vĩ đại” của nhân dân cả nước, bầu Quốc Hội thống nhất đất nước lần thứ hai, sau khóa I Quốc Hội cả nước bầu năm 1946.

Dân miền Nam lại thêm một lần nữa đóng vai trò trình diễn dân chủ giả hiệu. Mấy chục năm ròng rã người dân được dạy cho những từ ngữ dân chủ tự do và những bài học tập sơ khởi về những chuyện bầu cử. Nhưng tất cả chính quyền Cộng Hòa hay Cộng Sản đều làm chuyện bịp bợm, những cuộc bầu cử từ năm 1946 đến nay cũng chỉ là những màn kịch dở, những trò hề, các chính quyền (Cộng Sản hay Cộng Hòa) đều “dạy” cho dân biết những ý niệm tự do dân chủ rồi chính những chính quyền đó tráo trở đi ngược lại điều họ nói, thực hiện trò chơi xảo trá. Chính trong hoàn cảnh đó, mà người dân Việt Nam tiến bộ nhanh chóng nhận thức về chánh trị, họ tiến nhanh hơn những người đi làm chính trị đã “dạy” cho họ. Những thế lực chính trị đều vì đặc quyền đặc lợi riêng tư, đảng phái phe nhóm đi ngược lại những điều dân biết, dân thích và dân mong muốn.

Đi ngược lại lòng dân, sự tiến bộ của dân tộc và trào lưu tiến hóa chung, những chính quyền lạc hậu dần dần bị loại bỏ, tạo ra các bất ổn xã hội, và trong đó chính quyền Cộng Sản là chánh quyền lạc hậu nhất, không thể nào bền vững nếu không có sức mạnh của bạo lực. Sự ổn định của bạo lực chỉ là tạm thời, một khi bạo lực không còn dùng được về sự tiến bộ của tư tưởng con người hay sự rã nát từ trong tổ chức bạo lực đó, thì chính quyền Cộng Sản phải tan rã. Trong niềm tin đó nhân dân miền Nam tiếp tục đứng lên, hết tổ chức này đến tổ chức khác, dù còn non nớt bị phá vỡ từ trong trứng nước, nhưng dân miền Nam không sợ, không nản chí, vẫn tiếp tục đứng lên. Hết đợt bắt bớ khủng bố này đến đợt khác. Cộng Sản dùng mọi hình thức trừng phạt nghiêm khắc, tử hình, chung thân, dân chúng vẫn không sờn lòng, vẫn xem án tù như trò đùa, nhà tù như nơi tạm nghỉ, vì sức đề kháng của miền Nam, âm thầm nhưng bền bỉ. Tiếp tục bắt, nhà tù, trại cải tạo chật ních người vì xây dựng nhà tù mới không kịp, chỉ trong vòng hơn một năm từ mùa Hè 1975 đến cuối năm 1976, tù trình diện cải tạo, tù phản động mới đến cả triệu người. Sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Việt Nam ở đó, dân tộc Việt Nam tồn tại nhờ sự hy sinh của những người vô danh trong mọi giai tầng xã hội. Dân tộc Việt Nam không tồn tại do những người trí thức, vì quyền lợi, vì đê hèn, sợ sệt đầu hàng, lập Hội trí thức yêu nước, đem trí óc nặn ra những lý luận để biện minh cho chế độ Cộng Sản, để ru ngủ những người dân trong sự chịu đựng mà họ gọi là hành động khôn ngoan hoặc nhằm triệt tiêu sức đề kháng, dập tắt niềm hy vọng và ngọn lửa đấu tranh của toàn dân bằng lập luận “một đất nước bị Cộng Sản hóa rồi không quay trở lại được nữa”. Dân miền Nam đã bằng hành động đáp lại lập luận đó.

Trước 1975, Hà Nội nhận viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc-Liên Xô và khối Đông Âu. Mâu thuẫn Trung-Xô không ảnh hưởng đến Hà Nội. Càng mâu thuẫn nhau Trung Quốc và Liên Xô đều tăng cường viện trợ lôi kéo Bắc Việt về với họ. Cộng Sản Việt Nam được kể như đảng lớn và mạnh thứ ba trong khối Cộng Sản.

Sau cuộc chiến Việt Nam, Việt Cộng không thể tiếp tục đu đây giữa hai đàn anh, tình thế bắt buộc họ phải chọn và họ đã đứng hẳn với Liên Xô. Sự lựa chọn đó đã làm cho Trung Quốc tức giận nên có những biện pháp trả đũa.

Khởi đầu bằng những hình thức đòi nợ .Trung Quốc đòi Việt Cộng trả tất cả số gạo họ đã cho vay trong vòng hai tháng. Sau đó cắt giảm các hàng mục viện trợ, gây ra vụ nạn kiều và chiến tranh vùng biên giới.

Mâu thuẫn giữa Hà Nội và Bắc Kinh có hai điểm rõ rệt trước hết về truyền thống lịch sử, dân Việt Nam dù bất cứ thời nào, đều biết Trung Hoa là mối đe đọa thường xuyên đến nền độc lập của Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh, Việt Cộng vận dụng dân chúng bằng chiêu bài chống ngoại xâm, họ lập cả Viện Sử Học đề làm công tác đề cao tinh thần yêu nước. Lịch sử Việt Nam gần 100 năm thuộc Pháp, 1000 lệ thuộc Trung Hoa. Đối với người Việt Nam, kẻ ngoại xâm truyền thống không ai khác hơn là Trung Hoa. Dù cho cơ quan tuyên truyền của Bắc Việt phân biệt sự xâm lăng từ miền Bắc là do các thời đại phong kiến Trung Quốc, hiện tại Trung Quốc và Việt Nam là quan hệ anh em núi liền núi, sông liền sông. Trong hai cuộc chiến từ l945-l954 và l960–l975, Trung Quốc đã giúp Việt Cộng từ người lẫn của để đi đến chiến thắng. Nhưng tình thế chính trị thế giới xoay chuyển – mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô không hàn gắn được như lời tuyên bố của Lý Tiên Niệm “Hai chính phủ Liên Xô-Trung Quốc có thể nói chuyện về những vấn đề chưa giải quyết như vấn đề biên giới, nhưng quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Liên Xô phải 800 năm nữa mới nói chuyện”.

Nếu Hồ Chí Minh còn sống chắc chắn cũng từ bỏ nguyện vọng cao nhất của ông ta là đứng trung gian hòa giải hai đảng đàn anh vì sự tuyên bố có tính quyết liệt đó.

Trong sự chọn lựa bắt buộc giữa hai đàn anh. Việt Cộng phải chọn Liên Xô vì ít ra Liên Xô cũng ở xa hơn. Lệ thuộc một nước sát biên giới vẫn nguy hiểm hơn, và Liên Xô dầu sao cũng già có hơn Trung Quốc.

Sau khi chiếm miền Nam, những mâu thuẫn bắt đầu không giải quyết được. Họ bắt tất cả cán bộ tình báo Hoa Liên của Trung Quốc. Cán bộ cao cấp nhốt ở nhà giam Bộ Nội vụ (TNCSQG), nhà giam Sở Công An, Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, cán bộ hạ tầng và thân nhân của họ bị tập trung vào một trung tâm ở Gò Dầu Hạ.

Ngay từ cuối năm 1975 và đầu năm l976, những bài học tập, thái độ của cán bộ Cộng Sản đối với người Hoa v.v… là dữ kiện cho những người có quan tâm về tình hình chính trị nhận định là mâu thuẫn Hà Nội và Bắc Kinh khó tránh khỏi chiến tranh, nhất là mâu thuẫn giữa Hà Nội và Nam Vang. Khmer Đỏ là tay sai của Bắc Kinh đã đưa tới những đụng độ quân sự ở biên giới Việt-Miên. Hầu hết người Việt Nam đều không ưa thích người Trung Hoa, người Việt Nam sợ Trung Quốc, sợ bị Trung Quốc chiếm, lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử của những cuộc chiến tranh chống Bắc xâm để bảo vệ tổ quốc. Hiện tại, đã đứng giữa những cái xấu, người dân Việt Nam còn e sợ mô thức xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa của Trung Quốc, vì mô thức đó đẫm máu hơn tại các nước Cộng Sản Âu châu. Người miền Nam trông mong chiến tranh xảy ra để hy vọng có sự chuyển đổi nào đó.

Những người Cộng Sản đặt quyền lời của đảng tùy theo mỗi giai đoạn, cho nên họ nhanh chóng chuyện đổi từ địch ra bạn hay từ bạn ra địch. Đối với họ chỉ có kẻ thù giai cấp là vĩnh viễn và kẻ nội thù được xem nguy hiểm nhất của họ để họ cần triệt tiêu. Họ từng khom lung cúi đầu xưng tụng Trung Quốc là anh em vĩ dại, rồi vì quyền lợi họ xem Trung Quốc là thù nghịch rồi có lúc vì quyền lợi họ lại sẽ quỳ mọp xưng thần.

Người Việt Nam chân chính, theo truyền thống dân tộc, không hiểu chiến, không tự cao, luôn luôn giữ mối giao hảo tốt với lân bang, không xem Trung Quốc là kẻ thù, nhưng cũng không ôm đồm làm bạn, luôn luôn gìữ hoa hiếu nhưng cũng luôn luôn đề phòng và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc.

Về mặt tư tưởng trong khối Cộng Sản cũng có nhiều chuyển biến. Trước hết Đại Hội lần thứ 22 các đảng Cộng Sản Đông Âu có khuynh hướng đòi độc lập với Liên Xô. Các nước Đông Âu là nơi bị áp đặt chế độ Cộng Sản. Tương quan giữa Đông Âu và Liên Xô là tương quan giữa nước bị trị và nước xâm chiếm. Tương quan kinh tế là sự lệ thuộc có tính cách gia công mà Hiến Pháp Liên Xô ghi nhận một cách mỹ miều là sự phân công lao động quốc tế.

Mất viện trợ Trung Quốc, Việt Cộng trông cậy vào sự giúp đỡ của Liên Xô và Đông Âu – chỉ có Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Cộng để nhằm độc quyền khai thác về phương diện quân sự một điểm chiến lược của Liên Xô ở Thái Bình Dương, về chính trị lôi kéo một quốc gia đông dân thứ 2 trong khối Cộng Sản, có một đảng Cộng Sản mạnh nhất vào với Liên Xô và về kinh tế khai thác nguồn lợi sản phẩm vùng nhiệt đới mà khối Cộng Sản đang thiếu.

Các nước Đông Âu từ chối thẳng thừng sự trợ giúp. Trong một phiên họp của khối Commecon năm l976, lúc đó Việt Cộng còn là quan sát viên, kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam do Lê Thanh Nghị trình bày bị bác khước phần tài trợ. Sau này Việt Cộng gia nhập Commecon cũng không được giúp đỡ nhiều vì ngay bản thân các nước Đông Âu cũng khó khăn về kinh tế, họ không sản xuất đủ tiêu dùng và tài sản xuất cảng không đủ trả tiền lời khoản nợ quốc tế đến hàng chục tỷ đô la.

Mặt khác các đảng Cộng Sản lớn ở Tây Âu như Cộng Sản Pháp, Cộng Sản Ý và Cộng Sản Nhật Bản phê phán và từ bỏ chủ trương chuyên chính vô sản. Trong lý thuyết Cộng Sản nếu chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ bị phê phán tức là lý thuyết Cộng Sản bị đánh vào tận cốt lõi.

Định ước Helsinski ký vào năm 1976, giữa hai khối Nato và Varsovie buộc các nước Cộng Sản tôn trọng nhân quyền mở đầu cho sự cởi mở trong khối Cộng Sản và kỷ nguyên chính trị mới.

Một thay đổi quan trọng trong đường lối của Mỹ đã làm thay đổi sâu xa bộ mặt thế giới là thuyết 4 thế giới của Brezinski thay thế cho thuyết Domino trong chiến lược toàn cầu Mỹ.

Thuyết Domino buộc Hoa Kỳ phải viện trợ kinh tế và quân sự và còn can thiệp quân sự bằng chiến tranh cục bộ để bảo vệ các nước nhược tiểu, để các nước này không lọt vào tay Cộng Sản làm sụp đồ hệ thống các quốc gia tự do trên thế giới.

Chiến lược này làm cho Hoa Kỳ tốn nhiều tiền nhưng chỉ đem lại sự chỉ trích ngay tại các nước nhận viện trợ. Thuyết Domino làm Mỹ trở thành “sen đình quốc tế” hay “tên can thiệp” như luận điệu của khối Cộng Sản và làm cho Liên Xô trở nên mạnh với lý thuyết “ba dòng thác cách mạng” (sự hình thành của các quốc gia Cộng Sản, phong trào giải phóng dân tộc, và phong trào đấu tranh đòi dân chủ dân sinh ở trong các nước Tư Bản). Sự sa lầy trong cuộc chiến tranh địa phương làm cho Hoa Kỳ mất uy tín trên thế giới, mâu thuẫn với đồng minh, và làm cho dân chúng Hoa Kỳ không ủng hộ chính phủ của họ

Tình thế của Hoa Kỳ khi tham chiến ở Việt Nam là một ví dụ rõ ràng nhất.

Thuyết 4 thế giới, khiến Hoa Kỳ rảnh tay trong các cam kết, không cần can thiệp hay bảo vệ quốc gia nhỏ, viện cớ là các quốc gia này tự quyết định lấy vận mang của dân tộc họ, rất hợp với tư tưởng chính trị thời đại. Hoa Kỳ lại rảnh tay làm hai công việc quan trọng. Thứ nhất là tập hợp các quốc gia phát triển (gọi là loại quốc gia số l – thế giới thứ 1) để có một sự thống nhất, và đoàn kết tương đối giữa các nước tư bản. Hội nghị Nassau năm 1976 khai sinh ra Hiệp Hội 7 Quốc Gia Phát Triển ( Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản). Thứ hai, Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển thống nhất chính sách đối ngoài để “đẩy mạnh sự chia rẽ trong khối Cộng Sản” trong khi các quốc gia Cộng Sản đã có mầm chia rẽ (thế giới thứ 4), cũng như bảo vệ những quốc gia có tiềm nàng kinh tế (thế giới thứ 2) có quan hệ sống còn với nền kinh tế của các nước tư bản.

Khối Cộng Sản đã ước tính sai, khi dự trù đối đầu với Hoa Kỳ tại một chiến trường tiêu hao sau Việt Nam là Angola. “Sau Việt Nam” từ ngữ chính trị mà Cộng Sản thường rêu rao để chỉ thời kỳ hưng thịnh của họ, nhưng thực tế sau Việt Nam là thời kỳ suy sụp của khố Cộng Sản.

Liên Xô giúp đỡ vũ khí và đem 12 ngàn quân Cuba giúp mặt trận MPLA đánh bại hai đối thủ PNLA và UNITA chiếm trọn xứ Angola và dự trù Hoa Kỳ sẽ đương đầu ở đó để ngăn chặn Liên Xô chiếm Phi châu là nơi có những tài nguyên và điều kiện dân chúng thấp kém dễ truyền bá thuyết Cộng Sản. Trong những ngày đầu sau khi chiếm miền Nam, Bắc Việt đã vội đưa quân qua Angola, một tiểu đoàn đầu tiên Bắc Việt xuống tàu Liên Xô vào tháng 6-75 (Đài VOA và BBC). Nhưng Hoa Kỳ đã không can thiệp hay chỉ can thiệp qua trung gian của Nam Phi giúp UNITA duy trì cuộc chiến tranh du kích tiêu hao. Sau đó Ethiopia, Afganistan, Nicaragua tiếp tục lọt vào tay Cộng Sản vẫn không có sự can thiệp của Hoa Kỳ và Tây Phương. Trái lại Liên Xô đem 60 ngàn quân xâm lăng Afganistan cũng như Việt Nam xâm lăng Kampuchia làm cho các nước Cộng Sản sa lấy trong cuộc chiến phi nghĩa, tiêu hao, bị mất uy tín chính trị, và cái cớ cho Hoa Kỳ và Tây phương mở cuộc chiến tranh mới về chính trị và kinh tế, tức cấm vận để bao vây kinh tế và cô lập chính trị vì sự vi phạm nhân quyền.

Một điểm quan trọng về chính trị nữa là thuyết 4 thế giới chủ trương thả nổi các nước nhược tiểu (thế giới thứ 3) thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành môt siêu cường lãnh đạo thế giới thứ 3 – Đặng Tiếu Bình chủ trương thuyết thế giới, và muốn cải cách có giới hạn Trung Quốc để chứng tỏ rằng các nước trong thế giới thứ 3 không thể đi theo con đường Cộng Sản vì xây dựng xã hội chủ nghĩa không phát triển được đất nước, và cũng không theo được mô thức Tư bản chủ nghĩa vì chưa có điều kiện. Vậy Đặng Tiếu Bình vạch ra một mô thức mới, đó là con đường phát triển kiểu Trung Quốc, chính trị mạnh, và kinh tế cởi mở, nhưng đây cũng chỉ là một mơ ước vì không thể nào thành công khi cởi mở kinh tế mà vẫn cứng rắn về chính trị.

Việc tương tranh quyền lãnh đạo giữa hai khuynh hướng “thực dụng” do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo (với tư tưởng mèo trắng mèo đen cũng được quí hồ bắt được chuột thì thôi) và khuynh hướng “giáo điều” do Giang Thanh đứng đầu. Dù đang nắm quyền xử lý Quốc vụ viện Trung Hoa (Thủ tướng) Đặng Tiểu Bình vẫn bị đài Bắc Kinh gọi là ‘kẻ cầm quyền lớn nhất trong Đảng đi con đường Tư bản chủ nghĩa mà không biết hối cải”. Cái chết của Chu Ân Laỉ năm 1976 làm Đặng Tiểu Bình mất chỗ dựa, bị loại ra khỏi 6 chức vụ từ Đảng, Quân ủy và Nhà nước chỉ còn giữ đảng tịch. Nhưng dù phe nào thắng thế ở Trung quốc cũng đưa đến việc chống Liên Xô quyết liệt vì tư tưởng chống Liên Xô phát khởi từ Mao Trạch Đông mà hai phái “thực dụng” và “phàm là” (giáo điềm của Trung quốc đều phải đưa vào Mao Trạch Đông để chứng minh tinh thần chính thống của họ và đều phục vụ cho nhu cầu biến Trung Quốc thành một siêu cường giữa hai siêu cường đã có là Mỹ và Liên Xô. Trong tình thế đó, một khi một bên loại bên kia ra khỏi chính quyền, thì về phương diện đối ngoại họ phải giải quyết vấn đề Việt Nam, vì Việt Nam đang tự biến mình thành đồng minh thân thiết của Liên Xô, một mũi đao đâm vào cạnh sườn Trung Hoa đồng thời cũng là nút chận sự bành trướng của Trung Quốc vào vùng Nam Thái Bình Dương. Do đó, chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam không tránh khỏi. Những nhà lãnh đạo Hà Nội cũng nhận thấy điều đó, nhưng cái thế đi với Liên Xô không thể khác được, và sự lôi kéo của Liên Xô đối với Hà Nội rất dứt khoát. Một chi tiết nhỏ phản ảnh điều đó, khi Võ Nguyên Giáp đại diện cho Hà Nội đi thăm Mạc Tư Khoa, họ Võ đọc diễn văn có đề cập Việt Nam là nước đông dân thứ ba trong khối XHCN đã bị Suslov sửa lại trong bài diễn văn của ông ta sau đó là nước Việt Nam là nước đông dân thứ hai trong khối XHCN sau Liên XÔ. Hà Nội cứ nhiều phái đoàn qua Trung Quốc mong cải thiện mối giao hảo trong thế đu dây của mình nhưng hoàn toàn thất vọng vì sự dứt khoát của hai phía Liên Xô và Trung Quốc. Tố Hữu đã làm 4 câu thơ đăng trên báo Nhân Dân:

Tình bạn ngày nay đã khác xưa
Chỉ e sớm nắng lại chiều mưa
Chợ trời nhân nghĩa e thừa thiếu
Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa

Nhận định đúng thời cuôc. Hà Nội chuẩn bị để đối phó với Trung Quốc và Đại hội kỳ IV của đảng Cộng Sản Việt Nam vài tháng 11-1976 thảo luận chủ yếu về đề tài đó.

Trong tình thế toàn dân bất mãn với chế độ Cộng Sản, mong muốn sự tác động từ bên ngoài thúc đẩy những cuộc nổi dậy từ bên trong để lật đổ bạo quyền. Nhiều tổ chức chống đối vừa mới nhen nhúm đã bị công an bắt sạch, vì một bên kỹ thuật nắm chính quyền của công an Cộng Sản quá tinh vi, một bên dân chúng thiếu lãnh đạo và rèn luyện nên thực tế chưa đủ sức đối đầu – Những tổ chức đối kháng chưa làm nên những thành tích để làm hại chính quyền Cộng Sản về vật chất rõ rệt, nhưng những lực lượng đối kháng có giá trị lịch sử, chứng tỏ hùng hồn là chính quyền Cộng Sản không được lòng dân, không phải là một nhu cầu của xã hội Việt Nam. Chính quyền Cộng Sản dùng bạo lực để đàn áp càng lộ mặt thật giả nhân giả nghĩa ngụy tạo thế đứng lịch sử của Cộng Sản trước sự nhận định của nhân loại và người dân trong nước. Nhân dân thế giới thấy rõ ràng tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam mới được đa số dân Việt Nam ủng hộ trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chỉ một thời gian quá ngắn ngủi sau khi chiếm trọn quyền đã bị dân Việt Nam đối kháng mạnh bạo như vậy.

Cùng lúc đó để triệt tiêu tư tưởng chống đối, Cộng Sản xây dựng trí thức và nhà báo miền Nam đầu hàng như các ông Lê Văn Thới, Trần Thúc Linh, Trần Kim Thạch, Phạm Hoàng Hộ, Lý Quý Chung, Chu Phạm Ngọc Sơn tung ra một luận điệu hồ đồ là “một nước bị Cộng Sản cai trị không bao giờ lập lại được”. Luận điệu này cũng có tác dụng làm cho một số người tiêu cực trong hàng ngũ trí thức miền Nam tham gia sinh hoạt Hội trí thức yêu nước. Có nhiều người có trình độ học vấn, có công trình nghiên cứu khoa học, nhưng thiếu tâm hồn thiết tha với sự tồn vong của dân tộc, thiếu lòng yêu nước, thiếu một niềm tin, họ đã đầu hàng và làm công một cách rẻ tiền cho chế độ, đem hiểu biết của mình phục vụ cho nhu cầu trấn áp của bạo quyền. Trong suốt bao nhiêu năm tháng đầu tiên Cộng Sản xâm chiếm miền Nam, nhà khoa học – nhà giáo Phạm Hoàng Hộ – đã viết hàng loạt bài ca tụng rau muống là bíp-tết xanh, khoai mì là một thức ăn quý, cần phải ăn từ củ cho tới lá mới hợp cách; hạt bột khoai mì là hạt trân châu cả thế giới tư bản đang làm giả mạo để bán ở các tiệm ăn lớn..v..v.. Nhà báo Lý Quý Chung kiên trì phân tích “tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa”, cứ mỗi huy chương vàng của các lực sĩ Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan từ Thế Vận Hội Montréal đều được nhà báo Lý Quý Chung phân tích thành những giá trị siêu việt của tư tưởng, phong cách thể thao Mác-Lê. Không biết khi “đặt hàng” Việt Cộng có đủ khả năng để đi vào các điểm chi tiết hay không, nhưng những nhà trí thức miền Nam đầu hàng giai cấp muộn màng đó (nếu đầu hàng giai cấp sớm đã trở thành đảng viên Cộng Sản) ra sức dùng ngòi bút ca tụng và tô hồng chế độ đến người đọc phải ngượng ngùng cho giá trị của chữ nghĩa. Nhưng người dân Việt Nam thực tế, người ta hiểu rõ giá trị của thịt bò là thịt bò, rau muống là rau muống, rau muống không thể là thịt bò xanh (bíp-tết xanh). Có người ao ước một lúc nào đó có dịp để đói với nhà trí thức Phạm Hoàng Hộ dăm ba ngày, rồi dọn mâm cơm với thịt bò và mâm khoai mì với rau muống để nhà trí thức chọn lựa món ăn. Dân Saigon và dân miền Nam cũng đã thực tế trước mắt được xem những đội bóng đá với tác phong XHCN tại sân Cộng Hòa (đổi là Thống Nhất) và dân Sài Gòn cũng như các cầu thủ luôn luôn ấm ức vì trước trận đấu là Đảng chỉ thị cho sở Thanh Niên buộc cầu thủ miền Nam phải thua, phải để cho “miền Bắc ưu việt” thắng. Tuyên truyền và thực tế đối chiếu, thật giản dị. Việt Cộng và bọn văn nô càng cố gắng tuyên truyền càng tỏ ra lố bịch trước sự nhận định sáng suốt trưởng thành của người dân miền Nam. Người miền Nam tiếc rẻ những cái gì đã mất, có mất rồi mới biết quý, mới ân hận là mình không biết giữ gìn… rồi có người buột miệng “Đ.M thằng cha Thiệu, cái gì cũng bậy, mà cuối cùng nó nói được cái câu đúng quá xá: “Đất nước mất thì mất tất cả” và “đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.

Chánh sách giãn dân cưỡng bách những gia đình đông con nghèo khổ, những gia đình thân nhân đi cải tạo phải đi vùng kinh tế mới, phong trào Thanh niên xung phong đưa những nam nữ thanh niên đi khai thác những vùng núi non rừng thiêng nước độc. Kế hoạch đào kinh vét mương thủy lợi huy động hết mọi tầng lớp dân chúng Saigon. Tập thể dục buổi sáng 8 động tác cơ bản, học tập chính sách nhà nước, họp tổ, đọc báo từng tổ dân phố, động viên thanh niên, lạc quyên, đóng góp… không lúc nào cách mạng hết việc làm. Các tổ trưởng đoàn kết, tổ dân phố, tổ trưởng thanh niên, phụ nữ đi lại như mắc cửi.

Mặt khác Saigon vẫn tiếp tục những tin đồn đãi và chợ trời nhộn nhịp, công an đi tảo thanh, bắt bớ, bắt tại nhà, bắt trong quán cà phê, chặn xe bus, đón trên đường xét giấy tờ, Saigon náo nhiệt, hỗn độn và nhiều đe dọa như thế suốt cả năm 1976. Không còn chỗ đứng cho người đàn ông của miền Nam. Chỉ còn hai con đường lựa chọn hoặc tham gia một tổ chức Phục quốc hoặc tìm đường ra nước ngoài.