Hồi Tưởng

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Hoi tuongB
Hồi tưởng về một ngôi trường mà từ đó mình ra đi, chắc ai cũng có những kỷ niệm vui buồn của một thời thơ ấu, và tất cả bao giờ cũng rất đẹp . Nhiều người đã ca tụng ngôi trường cũ với lớp học, sân chơi, cây cối, bảng đen, bàn ghế...đã in sâu vào ký ức. Tôi không chối điều đó ! Nhưng theo tôi, điều đáng nhớ hơn vẫn là những con người . Những con người đã gắn bó với nhau trong một thời gian bằng những kỷ niệm, đã ghi ấn tượng cho nhau càng khó phai mờ hơn . Tôi muốn nói đến Tình Thầy trò, Nghĩa bầu bạn .

Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng vẫn còn đó. Bốn mươi lăm năm qua, trường vẫn là trường, nhiều thế hệ đã đến rồi ra đi một cách lặng lẽ, trong đó có cả thầy, cô giáo , cũng như học sinh. Có thể thế hệ này không hề quen biết với thế hệ khác, dù cùng dạy, cùng học một trường. Có những anh chị em , một thời làm học sinh và một thời làm thầy, cô giáo, chẳng biết những kỷ niệm của họ có bao giờ lẫn lộn ? Vì thầy là thầy mà trò là trò. Có lần tôi nghe thầy Ngô Văn Chương  ( nguyên Hiệu trưởng trường PCT ) xưng con với thầy Bùi Tấn, tôi cảm phục điều đó vô cùng.

Nhân đọc bài thơ  “ Bỏ trường mà đi “ , tôi bỗng nhớ trước hết thầy Trần Đại Tăng, người đã gắn bó với trường Phan Châu Trinh 40 , qua nhiều thế hệ ( 1958-1997 ).

“... Ta đến khi tóc xanh

     Ta về khi tóc bạc...”

Có thể thầy đã chiếm kỷ lục về thời gian giảng dạy tại đây, và tôi nghĩ rằng trong tương lai của trường e khó có ai sánh kịp . Thầy đã  :

Bước đi trên hành lang

Bước đi trong lớp học

Cọng lại bằng con đường

Nối vòng quanh trái đất

Thầy Trần Đại Tăng lớn hơn tôi bốn tuổi, thầy chỉ dạy tôi có vài ba học kỳ về môn Toán, nhưng tôi luôn luôn nhớ thầy chẳng những vì thầy là giáo sư Toán của tôi mà còn là một nhà thơ với tâm hồn nhạy cảm rung động trung thực. Ba mươi sáu năm trước đây, thầy tặng tôi bài thơ “ Xác định “ mà thầy đã ghi vội trên hành lang lớp học  ( hiện tôi còn cất giữ trân trọng ) . Và hôm nay tôi vô cùng cảm động đọc bốn câu thơ thầy vừa tặng :

Sao chẳng về đây thăm cửa lớp ?

Nhìn ta tóc trắng cố nhân ơi !

Tặng cho ta đóa hoa hồng nhỏ

Và tiễn ta đi xuống cuộc đời

Thưa thầy, thầy đã cho chúng em  một vườn hồng đầy hương sắc trên khắp các phương trời. Thay cho những người bạn ( của nhiều thế hệ ) em kính cẩn mời thầy cứ vào “ Vườn Hồng Thụ Nhân “ mà thầy đã dày công trồng và vun xới .

Riêng tôi, tuy kỷ niệm về thầy không nhiều, nhưng thật là sâu sắc. Thầy là giáo sư Toán , nhưng ấn tượng ghi lại trong tôi nhiều hơn chính là thơ, là văn, là triết lý của cuộc đời. Tâm hồn thầy bao giờ cũng như trăng, như suối . Thầy dạy Toán rất dễ hiểu, dễ nhớ . Bao nhiêu bạn tôi cũng đã nói như thế , dẫu cho ngày nay họ đã là giáo sư của các trường Đại học nổi tiếng trên thế giới . Có những lúc thầy đang giảng giải một bài tóan khó, học sinh cả lớp yên lặng , tâm trí mỗi người đều căng thẳng . Bỗng chốc , thầy bỏ phấn, dừng tay , mơ màng nhìn ra ngoài đường phố...Thầy đã cho chúng tôi một phút thư giản tuyệt vời, để rồi sau đó lại tiếp tục khai thông những rắc rối . Những công thức khó nhớ, với thầy Tăng có thể trở thành những câu thơ khó quên.

HoiDongGiaoSuNam1954H

Tôi nhớ rõ hình ảnh thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc, vừa là giáo sư Pháp văn, Anh văn .Bao giờ tôi cũng thấy thầy nghiêm nghị, ít nói. Thầy có trí nhớ phi thường. Sau gần 15 năm rời Phan Châu Trinh, bỗng nhiên một hôm tôi gặp thầy trên đường phố, tôi kính cẩn chào thầy : “Thầy còn nhớ con không ?”  Thầy Ngọc nói ngay cả họ và tên tôi không cần suy nghĩ. Rồi thầy tiếp tục hàn huyên về những kỷ niệm và hỏi thăm về các bạn đồng lớp với tôi. Thầy Ngọc có rất nhiều học trò . Bao nhiêu thế hệ đã học với thầy , thầy luôn luôn có một tấm lòng rộng mở Thành nhân chi mỹ .Những nét nghiêm nghị của thầy, giờ này hồi tưởng lại, tôi thấy kính mến vô cùng . Ước gì có một lần cuối đời được gặp thầy để hầu thăm và bày tỏ lòng tri ân.

Đây, hình ảnh thầy Trần Tấn bao giờ cũng vui tính. Tôi nhớ thầy giảng về vở kịch Le Cid  của Pierre Corneille bằng tiếng Pháp, giọng nói thầy trầm trầm thật dễ mến . Anh em chúng tôi lúc đó thường gọi thầy “ mon papa “ để vòi tiền thầy mua kẹo, rồi mang vào lớp để chia cho nhau. Sau năm 1985 , tôi tìm đến quê thầy để hầu thăm. Khi cô Tấn cho biết thầy đã qua đời ! tôi ngậm ngùi xúc động nhớ hình ảnh thầy với đôi kính cận dày cộm , không cầm nước mắt được và lòng tự trách “ Sao ta qúa vô tình với thầy như thế ? “

Gần đây nghe tin thầy Bùi Tấn qua đời tại Sài Gòn ( nay là TP HCM ), lại một lần nữa, tôi bồi hồi thương nhớ vị giáo sư khả kính. Thầy đã từng dạy Quốc Học ( Huế  ), Phan Châu Trinh ( Đà Nẵng ), thầy là người đã đặt tên cho trường Trung học công lập Trần Cao Vân (Tam Kỳ ) vào năm 1955, lúc ấy thầy là Hiệu trưởng  và tôi mới bước vào ngưỡng cửa Trung học. Với thầy tôi có nhiều kỷ niệm. Từ trại Hè Tịnh Khê ( Quảng Ngãi ), rồi trại Hè  Thuận An ( Huế ) cho đến những quyển sách Toán bằng tiếng Việt đầu đời mang tên tác giả liên danh “ Đinh Qui, Bùi Tấn, Lê Nguyên Diệm “ , thầy đã từng dạy chúng tôi. “ Các anh vẽ vòng tròn cho ra vòng tròn, vẽ đường thẳng cho ra đường thẳng . Toán học không bao giờ cho phép các anh méo mó, xiên xẹo ! “ .Đôi mắt thầy luôn sáng quắc . Thầy nói , ít khi dư một lời. Thầy viết , ít khi thiếu một chữ. Vóc dáng thầy gầy gầy , nhưng đầy nghị lực và mô phạm. Tôi đã học với thầy 6 năm ( hai trường ), và hiểu rằng thầy là một nhà giáo đáng kính, một giáo sư Toán và còn là một nhà Nho uyên bác. Thầy đã dạy chúng tôi khi còn rất nhỏ rằng  : “Nhứt niên chi kế khởi ư Xuân, nhứt nhật chi kế khởi ư Dần “ ( Kế hoạch một năm phải bắt đầu mùa Xuân, kế hoạch một ngày phải bắt đầu vào giờ Dần ), “ Quân tử hoà nhi bất đồng, Tiểu nhân đồng nhi bất hoà “  ( Người quân tử hoà mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hoà ) .

Cám ơn thầy đã dạy con những điều đó ngoài phạm vi Toán học. Ấn tượng về thầy là sự nối kết giữa Cựu học và Tân học, giữa Tứ thư Ngũ kinh với Định đề Euclide, vòng tròn quỹ tích Euler.

Vào những này lễ lớn, thầy thường mặc một bộ veston bằng tissu tơ tằm, màu lụa Duy Xuyên. Đôi khi thầy cũng mặc quốc phục, trông trang trọng và cổ kính làm sao !

Têi muốn viết tiếp về những người thầy cũ PCT mà tôi hằng kính mến. Tôi không quên thầy Lâm Sĩ Hồng, dạy tôi về Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến.

Thầy Đặng Minh Trai dạy Văn học sử Anh, thầy giảng giải về thi hào William Shakespeare thật hay và có lẽ bài thơ To Daffodil  bằng Anh ngữ  mà lần đầu tiên tôi học được với thầy về cái hay của thơ Anh. Mới đây, thầy Trần Đại Tăng cho biết thầy Đặng Minh Trai đã nằm xuống, để lại cho anh em chúng tôi nỗi nhớ về một Nhà giáo đẹp trai, cao ráo và thông minh.

Cho đến bây giờ ai hỏi tôi : “ Cô giáo nào mà anh kính mến nhất ? “ . Tôi không lưỡng lự mà trả lời rằng : Cô Phạm thị Bội Hoàng. Cô nói giọng Bắc, cô nói tiếng Pháp như  “đầm “. Cô dạy Pháp văn và Kinh tế học ( Công dân Giáo dục ). Cô phân tích hay vô cùng về lý thuyết kinh tế của Thomas Robert Malthus, của Karl Marx. Cô Bội Hoàn luôn dí dỏm , rất dễ mến. Lần nọ, một người bạn cùng lớp tôi, được cô gọi lên bảng trả bài. Bạn mặc quần Jean ( điều cấm kỵ của trường lúc bấy giờ      ) , anh ta lại mang một đôi giày đế da kiểu Chicago, trông thật đẹp trai và” sang trọng”. Anh bước lốp đốp lên bảng . Cô Bội Hoàng hỏi một câu thật khó. Bạn tôi “ đứng chào cờ “ . Cô bảo : “Tôi cho anh 2 con zéro, về chỗ “. Bạn tôi rón rén bước xuống. Cô gọi lại : “Anh lên đây “, bạn tôi lại đi lên, cô tiếp : “Lần sau anh cố gắng học thật giỏi nhé ! để rồi anh sẽ đi lên như đi xuống, và đi xuống như đi lên “. Cả lớp cười ồ ! Một kỷ niệm khó quên  !

Mấy năm trước đây, tôi  gặp lại người bạn cũ đó, anh dẫn theo đứa con gái đầu đã tốt nghiệp Đại học tại Pháp. Cháu nói tiếng Pháp giống hệt cô Bội Hoàng ngày xưa. Sau khi bố con chào tôi, tôi hỏi ngay : “ Anh còn nhớ cô Bội Hoàng không ? “. Anh vui vẻ trả lời ; “ Chẳng những nhớ mà tôi còn rất kính mến cô “

Lần khác, cũng một người bạn cùng lớp được cô gọi lên bảng. Anh thong thả trả lời câu hỏi của cô một cách trôi chảy. Cô bảo : “Tôi cho anh 20 điểm “. Rôi cô tiếp : “Nghe nói anh nhảy Twist giỏi lắm, có không ? “. Bạn tôi cười, cô bảo : “Nhảy xem nào ! “ Bạn tôi liền uốn mình đếm bước ngay trước bảng đen . Cô lắc đầu, cười vui vẻ : “Thôi các anh muốn gì thì cứ gì, nhưng hãy nhớ là phải có gì rồi mới gì được đấy nhé ! “ Cả lớp lại cười ồ  lên vì những câu nói dí dỏm , nhưng đáng suy nghĩ lâu dài.

Lại một chuyện khó quên nữa. Chồng cô Bội Hoàng là một bác sĩ quân y nổi danh thời bấy giờ. Em chồng cô là bạn tôi ở cùng nhà với cô . Một sáng thứ hai nọ, cô gọi bạn tôi lên bảng kiểm tra. Bạn tôi vừa ngẩn ngơ, vừa sợ sệt ! Cô bảo : “Tôi phải cho chú 2 con zéro vì tối qua chú đi ciné với chúng tôi, có thì giờ đâu mà làm bài, học bài ! Mời đi ciné là việc của chúng tôi, còn muốn từ chối để lo học hành là việc của chú ! “ . Cả lớp sửng sốt nhìn nhau. Bạn tôi về chỗ, vừa đi vừa nói lẩm bẩm : “ Từ nay sẽ không bao giờ dám đi ciné với ông bà nữa “ .

Cô Bội Hoàng rất dễ tính và yêu mến những nam sinh , miễn là phải học thật giỏi !

Với cô Bội Hoàng, ấn tượng trong tôi là sự phóng khoáng, tự do, nhưng phải cố gắng vươn lên và biết tự chế.

Sau cô Bội Hoàng, tôi không bao giờ quên được cô An Hà Châu, cô Trần thị Kim Đính, cô Hoàng thị Mộng Liên...Những cô giáo mô phạm, trầm tĩnh mà tôi hằng kính mến.

Tôi đã viết về thầy, cô giáo PCT..., nhưng kỷ niệm còn nhiều, phải dành cho anh chị em cùng lớp, cùng trường nữa. Tôi muốn viết thật nhiều, nhưng ngại rằng  : Đây chỉ là chuyện riêng tư. Năm tôi học Đệ tam, lớp tôi có 55 anh chị em, năm tôi học Đệ nhị có 61 anh chị em. Chẳng lẽ bây giờ tôi phải viết một hồi ký ức về các anh chị ấy ? Trường PCT lúc bấy giờ hãy còn nhỏ, chỉ có 4 lớp Đệ tam, năm sau có 4 Đệ nhị, chưa có Đệ nhất. Anh chị em liên lớp đôi khi cũng chơi thân nhau lắm . Tự nhiên có người thân quen nhiều, mà cũng có người thân quen ít. Dầu vậy, những “ học sinh cá biệt “, có thể vì học giỏi, có thể vì sở trường một bộ môn , nhưng cũng có thể là những anh hoang nghịch nhất, hoặc chỉ có cái tên hay hay, ai cũng biết, ai cũng nhớ. Tôi đã rời trường 36 năm rồi . Thời gian gợi nhớ lờ mờ, nhưng tôi luôn mến thương những người bạn cũ với buồn vui lẫn lộn.

Tôi nhớ Phan Xuân Dũng, Lê văn Phong, Trương Như Thăng...khi chúng tôi tranh nhau làm chemise các môn thi lục cá nguyệt. Tôi nhớ Đặng Nguyệt Thi, Nguyễn Thị Liên, Khưu thị Diệu Hồng, Nguyễn thị Phượng, Võ thị Hồng Nhụy...mỗi người một vẻ , và tất cả đều ...rất dễ khóc !

Tôi nhớ những lần tranh giải liên lớp, thường gặp Phan Chánh Dinh, Nguyễn Tăng Miên, Nguyễn Hữu Sử, Lê Viêm Côn, Nguyễn Phụng ...Một thời Phan Châu Trinh, ôi thật hào hùng và thơ mộng ... Có nhiều điều, nhiều người đáng nhớ, làm sao kể hết ! Có những bạn từ đó đến nay tôi chưa bao giờ gặp lại, dầu chỉ một lần. Cũng có nhiều người bạn đã hóa ra người thiên cổ trong chiến tranh cũng như trong thời gian 22 năm qua. Công danh, sự nghiệp, mỗi người một ngả, một phương trời . Nhưng làm sao quên được khung cảnh sân trường của những ngày thứ hai : nam sinh đồng phục trắng, nữ sinh áo dài thiên thanh. Năm ngày khác trong tuần  : nam sinh quần kaki xanh,áo trắng, nữ sinh đồng phục trắng . Chúng tôi xếp hàng nề nếp vào lớp khi nghe tiếng kiểng, âm thanh đến quen thuộc. Tôi không biết Bác Thôi, người cai trường thời ấy, bây giờ ở đâu ? Bác còn hay đã mất ?

Ôi tuổi học trò đơn sơ, trong sáng, “Thiên đường một thuở “. Có những mối tình học trò thầm kín đầy thơ mộng ...

Yêu em , gấp sách ngồi mơ

Xé trang vở học viết thơ ân tình

Lại cũng có những mối tình thầy trò “tôi khóc em cười “ ( thơ Trần Hoan Trinh ) đã được chôn kín dưới mái trường PCT, để đi vào muôn thuở...

Tình thầy, tình bạn, tình sách vở, tìng trường ...Ơn sâu nghĩa nặng...mới đó mà đã 45 năm rồi ! Tóc thầy đã bạc phơ mà tóc trò cũng đã hai màu tiêu muối ! Tôi bàng hoàng suy tư  : Thời gian và ý nghĩa đời người là gì nhỉ ?

Mục sư Lê Cao Qúi

(Cựu học sinh Phan Châu Trinh  1956-1961)
(ĐS 45 năm Trung học PCT- ĐN 1997)